An bước nhanh lách mình qua cánh cổng sắt mở hé, đi qua giữa ba người thanh niên đứng cách xa nhau ngoài sân, đẩy cánh cửa gỗ vào trong đường ngách tiểu tiện trước nhà cầu ở sâu cùng; ngách nằm giữa hai bức tường khai nồng nặc, bức tường ngoài cao hơn bức trong sân trồng mảnh chai lởm chởm. An chống một tay vào tường, ngăn hơi thở dồn; ngoài sân ba người thanh niên ngưng bỏ câu chuyện đang sôi nổi, ngoài đường tiếng chân chạy vượt qua ngôi biệt thự đến ga-ra ở đoạn ngõ quành, kèn hát vụt nổi cùng tiếng chân lệt sệt lê trên sàn gỗ trong gian buồng kín mít mù ám khói thuốc. Vẫn những đĩa hát cũ mấy năm trước quay tròn không biết bao nhiêu lần trong ngày, những hình bóng luẩn quẩn gặp gỡ, An nghe cay bên khóe mắt, lớp khiêu vũ tối tăm như chiếc hộp đóng nắp ru những cảm xúc đột khởi rẫy rụa chốc lát choáng ngộp hết hiện tại; Phúc đã ngồi trong mờ chật đặc tiếng động không mặt mũi tôi đã ôm lấy kéo ra nhận làm Định mệnh. Bọn thanh niên ở ngoài cãi nhau to tiếng như muốn át tiếng kèn hát, như nhắc ta trên đường về... ngàn tre xa xa... Mùa đông lạnh buốt nỉ non nhàm nhạt như những xúc động mòn, tôi thì tôi không chịu nổi... lịch sử không phải là một bộ máy nghiến nát cá nhân... như thế là cá nhân chủ nghĩa, thì sao? những gì trong tiến hóa đã đạt được không thể tiêu hủy trong phút chốc, chắc gì cái sẽ tới tốt hơn... ngụy biện, ngụy biện, anh xử dụng tư tưởng như chiếc mộc che đỡ, tư tưởng không là gì cả trước thực tế... Một người đàn ông đẩy cửa vào kêu “ô” khẽ, đi qua sau lưng vào nhà cầu, thơm lừng mùi nước hoa ủ trên quần áo, An cúi mặt nhìn vũng nước váng bọt trong rãnh liếc thấy ống quần thẳng nếp trên đôi giầy hai màu.
An mở cửa, bước ra sân. Ba người thanh niên đứng giăng hàng trước cổng quay lưng lại; trên ban công gian gác trước mặt một thiếu nữ đứng gập người chống tay trên bờ gạch ngoảnh mặt nhìn về đầu ngõ. An nhớ rõ những ngày lui tới lớp khiêu vũ, nhà trước mặt của một viên cựu tri phủ, chuyên bắt người làm cởi giầy rửa chân ngay trước buồng khách để cửa mở những buổi chiều mùa đông tối sớm; đã nghĩ: hắn có thể là ông bố, ông bố vợ chẳng hạn. Người thiếu nữ chải chuốt sạch sẽ thơm tho như một bó hoa trong buồng khách thanh lịch, Phúc thèm muốn trở thành không bao giờ đạt, người ta không thể vượt khỏi cảnh ngộ giam cầm, nó tưởng nó sẽ thế này hay thế khác rốt cuộc nó vẫn hoàn nguyên về vị trí cũ... Còn tôi? Tôi đã trở thành một người khác trong Định-mệnh lựa chọn, những dây ràng buộc tự trói không phải chịu nhận. An kéo quyển sách cặp chặt lên nách, đầu cúi gằm xuống, len qua khe hở giữa hai người đứng khiến cả hai đều xoay ngang nhìn, rẽ về phía trái; một người đang nói: anh có biết thế nào là đại táo, trung táo, tiểu táo, đặc táo không? Bộc lộ thành khẩn, phê và tự phê, kiểm thảo và tự kiểm thảo, mea culpa... những hình thức khuynh đảo tinh thần kiểu Trung-Cổ của Thiên-Chúa-giáo để triệt hạ những đầu óc độc lập. Mea culpa, An lầm lũi bước nhanh, hình dáng tôi đang ở trong tầm mắt của người thiếu nữ đứng trên ban công, một người nghiện ngập mạt hạng trong xã hội, cô ta nhìn ngó và nghe câu chuyện của mấy anh chàng thanh niên hăng hái. Như mình ngày nào, một đoạn đời trước, tôi muốn được nhìn bằng mắt của ai? Của những đứa bạn thân nhất. Đồng, Thạch, Cảnh... bây giờ tôi ở ngoài tầm mắt của chúng nó, không đứa nào nhìn được đứa nào, chỉ còn tôi lại nhìn tôi. Và tôi đã quên thói quen, mất lúc nào lòng kiêu hãnh để tự nhìn soi mình. Phúc đã làm quên hay thuốc phiện? Sự từ chối hay sự chấp nhận hóa thành buông thả trong lôi cuốn hằng ngày của những nhu cầu ở ngoài mình. Quỵ lụy đê hèn, vô nhân phẩm hay không cũng đến thế thôi.
An dừng lại trước cửa hiệu sách đầu phố Trường-thi, bóng mặt hiện lên kính tủ trên nền đám lá cây bên đường gầy gò hốc hác như một người đói năm Ất Dậu, trong tủ kính lơ thơ vài quyển sách bầy hàng bụi phủ. Các cửa hiệu buôn bán đã nghỉ trưa, phố xá đang lắng chìm xuống trong cơn nắng ngùn ngụt bốc lên. Tôi đang nhìn tôi sau những ngày đã sống. Những ngày đã sống. Như thế gọi được là sống chăng? Ngày tháng tiêu mòn trong một trò chơi hấp dẫn cả trí tuệ lẫn cảm xúc; trò chơi nào cũng như nhau: lý tưởng, hành động, đàn bà hay một thú đam mê vô nghĩa. Một trò chơi bắt đầu với đầy đủ ý thức, tận cùng bằng sự mê sảng hoàn toàn, bị lôi cuốn dìm ngập không ngoi thoát. Phải không? Khi tỉnh táo đời sống bị hút mất tuyệt tích. Nhưng tôi có đầy đủ ý thức lúc bắt đầu không? Cảnh và Thạch đều bảo: Vô ích, cậu là đứa con của giai cấp tư sản, dù là đứa con hoang chăng nữa. Còn chúng nó? Ánh nắng gay gắt chiếu qua lá cây lấp lóe trên mặt kính làm nhức mắt, tiếng ve kêu trong cuối hàng cây phía xa. Những ngày đã sống, vẫn còn, vẫn đón đằng trước, vẫn ở trong chính giây phút này không chia rời; Phúc đã ra khơi, một mình nó quyết định, ném trả tôi, nó không có một chút trách nhiệm. Không hờn giận, không đau đớn. Hay không đủ sức?
An băng ngang vườn hoa Cửa Nam, ngáp chảy nước mắt, chân tay mỏi rã như sắp long các khớp xương, nghe văng vẳng tiếng gọi ở phía sau: Anh An, Anh An. An quay lại, lúng túng đánh rơi cuốn sách, mồ hôi và hơi thở che mờ cả mắt, lúc ngửng lên thấy Nga đang đi gần tới. Anh An phải không? An cố giữ vẻ điềm tĩnh xa lạ muốn không nhận, nhưng đầu óc chậm chạp không thể phản ứng, tay phủi phủi những hạt cát bám trên bìa sách. Nga dừng bước vừa thở vừa nén ép nỗi kinh ngạc trong im lặng, hai mắt mở chiếu thẳng vào mặt An.
— Anh An phải không?
An gật đầu, rút chiếc khăn tay nhầu nát lau mồ hôi trán, ngó lảng phía sau lưng Nga. Nga đột nhiên cũng bối rối không biết phải làm gì nữa. An dợm quay bước, Nga hoảng sợ:
— Anh đi đâu đấy?
Đi đâu? An cố ngăn giữ không cho há miệng ngáp, hai bên quai hàm căng bạnh mỏi nhừ. Trên khuôn cỏ loang lổ ánh nắng, núp sau lưng chiếc ghế đá dài, một gia đình quê mùa gồm hai vợ chồng, ba đứa con nhỏ, lớn nhất chừng năm sáu tuổi, một đôi quang gánh, đang ngồi ăn cơm trong những chiếc đĩa nhôm.
— Vào trong kia cho mát, anh.
Nga đi trước, sang đường trong tiệm kem không có khách, chọn một cái bàn ở giữa khoảng từ cửa và quầy thu tiền, kéo ghế ngồi quay mặt nhìn ra ngoài. Từ ngoài nắng bước vào, mắt tối xầm, đầu mệt nặng thêm, An vội chống khuỷu tay lên bàn, úp hai bàn tay che mặt, ngáp mạnh nghe xương cốt kêu rắc. Rời hai bàn tay khỏi mắt, An bắt gặp Nga ngồi ngây mắt mọng đỏ, không hiểu vì say nắng hay sắp khóc, trông nó khỏe mạnh tươi tắn không còn vẻ bệnh hoạn, màu áo vàng chói quý phái. Đứa bé bồi bàn khoảng mười một mười hai tuổi quần áo tề chỉnh chắp hai tay đứng cạnh Nga như người lớn trông buồn cười, chân đi giầy buộc dây hẳn hoi.
— Anh uống gì?
Cổ họng khô đắng, miệng nhạt nhẽo, An cúi đọc bản liệt kê thức uống đánh máy lót dưới mặt kính.
— Cái gì cũng được.
An lúng túng không chọn được tiếng gọi Nga, không thể gọi nó bằng mày thân mật hách dịch được nữa. Nga cầm quyển sách lật dở vài trang lơ đãng, nét mặt đăm chiêu khó xử. Nó không biết mở đầu thế nào, giữa nó và tôi còn mối liên hệ nào không? Có lẽ nó muốn tôi lên tiếng trước, hỏi chuyện gia đình. Gia đình, bố mẹ, anh em, chẳng quan hệ gì đến tôi đã từ lâu. Những mối quan hệ vô nghĩa. Nhìn xem, nhìn kỹ xem, tôi là người nào.
— Từ dạo ấy anh ở đâu?
An nhìn bàn tay cáu bẩn bụi đất, những kẽ ghét bám từng vệt rõ ràng, những lằn chỉ trong lòng bàn tay bôi đen. Ở đâu cũng không quan hệ, điều hiển nhiên là không ở trong gia đình.
— Dưới Hải-phòng.
— Anh làm gì?
An mỉm cười, câu hỏi thừa, nó dư biết, nó biết ngay từ lúc nhận diện. Làm gì? Lúc nào và bất cứ ai cũng chỉ một câu hỏi ấy. Làm gì? Đã làm gì trong tuổi thanh niên, đã sống như thế nào? An dùn vai lắc đầu, sống là không ân hận không nhớ tiếc. Nga cầm chiếc ống hút khuấy trong cốc sữa trắng bông, An ực hai hơi cạn đến đáy cốc. An ngửng đầu nhìn rõ hai dòng nước mắt lăn trên má Nga, nhếch mép cười. Em thương hại anh ư? Anh không cần sự thương hại. Tôi không đi tìm sự thương hại tôi có dư.
— Sao?
An không nhìn nữa, ngửa cổ xem chiếc quạt trần quay tít trên cao. Cửa hiệu dài hẹp, hai dãy bàn vuông ghế từng đôi sát hai bên tường. Nga rút khăn tay thấm nước mắt, sụt sịt mũi không giấu diếm.
— Cậu mợ cũng về Hà-nội…
Sao nữa? Tôi cũng về Hà nội, tôi cũng về thành phố nhiều kỷ niệm nhưng không có một kỷ niệm chung nào với những người ấy. Thành phố sắp đổi dạng, tôi cũng đổi dạng và những người khác. Những người khác thôi.
— Cả nhà sẽ sang Pháp. Cậu đã mua được nhà bên ấy xong suôi rồi. Lần này cậu mợ ra thu xếp bán hết mấy gian nhà ở ngoài này, định sang ở luôn không về nữa. Đáng lẽ em phải sang trước, em xin mãi cậu mới cho ở lại. Không hiểu sao em vẫn hy vọng về Hà-nội may ra em gặp lại được anh. Một tuần lễ nay em đi chơi khắp các phố cốt ý tìm anh, em đã tưởng tuyệt vọng…
— Tìm anh? Tìm anh để làm gì? Tôi mới ở Hải phòng lên hôm qua...
— Em không có ý gì rõ rệt... Em nghĩ dù sao anh cũng có thể muốn biết tin tức gia đình... Hay anh có thể, anh có thể muốn làm lại…
— Muốn tôi làm lại cái gì?
An cười buồn bã, người ta vẫn xem đời tôi như là một phần công trình đã tạo tác bị tôi phá hư, muốn được nhìn thấy nó được hoàn thành như dự ước. Tôi phải trở thành như bố tôi đã trở thành. An bật cười gần:
— Ý riêng của cô hay...
— Bất chợt em nghĩ thế.
— Cô xấu hổ vì tôi chứ gì? Tôi nghiện ngập rách rưới làm mang tiếng gia đình chứ gì. Cô nhớ là chính cô đã nhận tôi đầu tiên. Cô yên tâm, mai kia còn ai ở lại đây đâu mà sợ...
— Không phải. Anh An. Em chỉ nghĩ là anh có thể làm hơn thế này... Em không hiểu...
— Cô không hiểu gì cả... Thế nào là hơn, thế nào là kém?
— Anh có thể sống khác...
— Thì tôi đang chẳng sống khác đây là gì nữa? Tôi vẫn còn sống khác tôi sẽ sống khác bây giờ... Nhưng thôi cô đừng nói chuyện ấy nữa.
— Anh không bao giờ nghĩ lại.
— Tôi có cái gì để nghĩ lại. Sống không bao giờ nên nghĩ lại.
Nga bặm môi, cúi mặt, giấu khóe mắt ướt, tay nắn bóp thành bàn. An cồn cào trong bụng, chân tay bải hoải, những bắp thịt trên gò má máy giật, nước rãi tiết trong miệng. Cơn bệnh sắp hành, An gắng sức trấn tĩnh, mắt nhìn đồ vật chập chờn tranh tối tranh sáng. An bỗng cất tiếng nói nghe xa như không phải của mình:
— Dù sao, cũng cám ơn.
— Em không hiểu... Cậu mợ em không biết có nghĩ không? Riêng em nghĩ đến anh là em bị mặc cảm... Em được sung sướng một mình trong khi anh... có thể tất cả là của anh. Em đã... Có phải anh muốn làm mọi người bị ám ảnh về anh?...
An xua tay, chân đá mạnh phải chân bàn gây tiếng động trên sàn gạch hoa.
— Không... Không phải…
An thấy miệng lắp bắp, bắp thịt bên môi co rút như sắp làm méo miệng. Tôi chỉ là ám ảnh của riêng tôi... Không quan hệ đến ai khác. An phải tựa vào lưng ghế, duỗi thẳng chân, chống thẳng hai tay nắm cứng bàn tọa, cả thân mình đang như mềm nhão không xương sắp sụp đổ.
— Gọi cho tôi một cốc cà-phê đen thật đặc không bỏ đường.
Rãi bắt đầu chảy ròng một bên mép, hơi thở phì phò như sắp bị tắc nghẽn, An cố mở trừng mắt thu nhận những cử động chậm chạp quanh mình Nga hoảng sợ thất sắc, đứng lên khỏi ghế quay đi quay lại. Anh làm sao? Làm sao thế này? Một cốc cà-phê đặc... càng đắng càng tốt... An hoa mắt phải nhắm nghiền nước mắt nước mũi tự động tràn ra ngoài, một bàn tay quờ quạng đón lấy chiếc khăn tay của Nga lau.
Cơn vật vã lui dần sau khi uống cạn cốc cà-phê đắng chát, An tỉnh lại như trong một ngày mới, mấy phút trước đã biệt sâu vào quá khứ. Nga vẫn còn ngồi trước mặt, chiếc khăn tay mỏng trắng bám đầy bụi than vò vứt trên mặt bàn, đôi mắt ngơ ngác như vừa trải qua cơn mộng. An dịu dàng bảo:
— Tôi đã nói những gì đừng để ý. Bao giờ thì cô đi?
— Bán xong nhà là cậu mợ vào Sài-gòn. Có lẽ là đi ngay. Cậu bảo không còn một hy vọng nào cứu vãn nổi tình thế...
— Nhà bán xong chưa?
— Chỉ còn làm giấy má nữa là xong.
An gật gù uống cốc nước đá nhỏ lẫn mùi bạc hà tráng miệng. Chuông tàu điện reo đầu hàng Đẫy lẫn trong tiếng ve inh ỏi cả khu phố. Ngoài đường không còn bóng người, buổi trưa đầy ắp ánh nắng.
— Cô về đây có gặp Đồng không?
Câu hỏi quá bất ngờ, Nga không tin đã nghe đúng hỏi lại: Ai? An nhắc: Đồng. Nó bối rối ra mặt, nó đã quên hẳn Đồng, không ngờ mình biết. Nhắc chuyện ấy ích gì? Còn Đồng? Nga tránh đôi mắt soi mói, nhìn cốc nước vơi nửa. Nó cũng trở về thành phố này tìm gặp kỷ niệm lần cuối trước khi vĩnh viễn xa lìa và Đồng là một kỷ niệm bị bỏ sót.
— Không. Em không biết nhà anh Đồng.
An không đủ tàn nhẫn hỏi Nga: Cô có muốn tôi đưa xuống gặp Đồng không? Mình cũng giống Đồng, nếu Đồng có mặt hắn cũng đến cười rúc rích, nụ cười như chiếc mặt nạ bất biến. Hắn vẫn ở trong gian nhà cổ kính giữa vườn tược, gần hồ, đi lại thảnh thơi trong bệnh hoạn, không có gì đổi thay, như người ẩn sĩ chưa đầy ba mươi tuổi. Tôi chưa gặp Đồng, nhưng có lẽ rồi sẽ gặp, nói với hắn một kinh nghiệm, kinh nghiệm đau đớn nhất: văn chương chính là một hư tưởng bao phủ đời sống, là nỗi bất lực thú nhận và chấp nhận của một kiếp người... Hắn đang làm thơ, những bài thơ tình cho Nga tôi sẽ được đọc.
— Anh An. Bây giờ anh định làm gì? Anh có làm gì không?
An lắc đầu, tôi mới về, mới trở lại Hà-nội không ý định chủ đích. Đi ra khỏi một cảnh ngộ tự tạo nên tin là có thể thoát, thoát đến đâu? Còn mù mờ. Tôi vẫn sống như thế, những lúc buông suôi và những hồi phản động.
— Anh ở đâu?
— Tôi ở nhờ nhà người bạn dưới Sinh-từ.
An cười vu vơ thoải mái, từ lúc gặp Nga chỉ những phút này là dễ chịu. Nó đã đứng bên lằn ranh phân cách, tôi nhìn nó chia lìa và được giải thoát không thấy một ràng buộc.
— Chắc anh chưa ăn cơm?
— Chưa.
— Anh đi ăn cơm với em đi. Em mời anh. Nhất định là anh không trở về nhà rồi mà em cũng khó gặp anh được lần nữa... Em vẫn còn nhiều điều muốn nói với anh. Anh bằng lòng không?
Nga trả tiền, nhìn năn nỉ, nhét cái khăn bẩn vào trong ví cầm tay, lấy cái khăn mới gấp nhỏ ra.
— Không. Em sẽ không can thiệp đến chuyện của anh. Chúng mình đi chơi. Đã bao giờ anh em mình đi chơi với nhau lần nào đâu. Mai kia có khi đến chết anh em không còn gặp được nhau nữa. Em chắc chắn lần này cậu mợ đi luôn không về Việt-nam nữa.
Nga đứng lên trước chờ đợi. Đi chơi với Nga, anh em từ biệt nhau từ biệt vĩnh viễn. Nó còn muốn gì nữa? Bầy tỏ thật đầy đủ tấm lòng thương xót thằng anh khốn nạn để an tâm lên đường. Phải thế không? Nó có thể, nếu gặp Đồng, cũng nói những lời tạ từ này. An thong thả đứng dậy:
— Không phải về?
— Không. Cậu mợ trưa nay ăn cơm khách. Anh còn nhớ chị Hằng không?
An không đáp, quay mặt nhìn ánh nắng lóa ngoài hè, bước đến cửa, đứng trên thềm đưa tay che mắt. Khu công viên nằm giữa ba mặt đường, những bãi cỏ trải vàng cách mấy bước cùng bờ hè là hiệu cơm tháng Cảnh vẫn ăn trong những ngày còn ở Hà-nội. An ngoảnh vào nhìn Nga, Nga vừa quay lại cầm quyển sách bỏ quên trên bàn.
— Cô đưa cho tôi đừng cầm, nguy hiểm. Quyển sách này tôi mới ăn cắp được.
An cười, cầm lấy sách. Nga cũng cười theo, nó tưởng là chuyện nói đùa, điều đó vượt ra ngoài ức đoán của nó. An mường tượng đến nụ cười của người đàn ông đã đưa sách như đồng lõa, hắn cũng thương hại mình. Trong cái xã hội trưởng giả này, lòng thương hại như một lối có thể cứu chuộc hết tội lỗi đã gây ra. An hỏi nhưng không dừng bước khi đi qua hiệu ăn của Cảnh:
— Cô có dám vào ăn trong hiệu bình dân này không? Chắc là không được rồi. Những người bạn của tôi vẫn ăn ở đây.
— Nếu anh thích... Em không ngại gì cả.
An cười, đi sát vào dưới mái hiên hàng phố tránh nắng. Nga theo sau, tiếng giầy gỗ lóc cóc trên hè. An nghe rõ tất cả sự vô lý của cuộc dạo chơi dưới nắng, nó đang tự hành hạ vì một mớ tình cảm trái mùa. An muốn bảo với Nga: Thôi về đi, tôi buồn ngủ quá.
No comments:
Post a Comment