25/11/2024

Ung thư phần thứ ba - Chương II


Trời trên ô cửa kính xám ngắt như màu mái tôn. Mùng một Tết. Năm mới rồi. Người nằm bên cạnh vẫn ngủ mê, rớt rã lòng thòng, thở phì phò mặt tái mét. Hắn còn phải ngủ đến trưa mới tỉnh nổi. Liêm bước xuống giường đi về phía buồng tắm, dừng lại giữa phòng. Dưới sàn gạch hoa, vũng mửa hồi đêm chưa khô hết lấy nhầy, thoảng bốc mùi hôi chua. Không nghe một tiếng động ngoài đường cũng như ngoài cửa buồng. Khuôn mặt nhăn nhúm đáng thương. Trong phòng rửa mặt, nước nóng vốc lên mặt làm tỉnh táo, cảm giác mới mẻ bén nhậy sau mấy ngày ê mòn. Tiếng còi xe hỏa rúc trong ga vẳng bên ngoài cửa kính.

Liêm thay quần áo, xếp dọn va-ly xong, đến đứng cạnh giường nhìn người đang ngủ. Mắt khép không kín hở lòng trắng. Phải đi cho kịp chuyến, không thể đợi, Liêm gọi: “Anh…” nhưng quên mất tên. Dưới lần da cổ mốc và cáu ghét, tiếng rên khe khẽ. Liêm kéo tấm áo da bị đè dưới chăn, hắn lăn quay người phía khác những vẫn không dạy. Liêm đặt tay lên trán nhờn ráp và yên tâm, mong là anh chàng không tự tử. Ngoài hành lang, cầu thang, buồng tiếp khách lạnh tanh. Khách sạn vắng lặng, lầm lì, không một hương vị, màu sắc của ngày Tết. Ngày Tết. Có cả mười năm không biết cái Tết là gì. Và có lẽ cũng sẽ chẳng còn được biết nữa. Nơi caisse, một thiếu phụ tươi cười chào đón. Nụ cười đầu tiên từ khi đặt chân lên đất. Liêm trả tiền phòng một ngày, cười khì che đậy vẻ lúng túng không quen khi nhận lời chúc mừng đầu năm của thiếu phụ. Bà ta sẽ nghĩ là mình bất lịch sự khi mình chỉ biết cám ơn nhưng có biết đâu cái thói quen mừng tuổi theo công thức có sẵn mình đã mất. Liêm nói: “Trên phòng vẫn còn một người ở lại”. Thiếu phụ lộ vẻ ngạc nhiên, lật số cái dò xem. “Ông ấy có lẽ ăn Tết ở đây và sẽ thanh toán tiền phòng sau”.

Nhà ga ở xế cửa khách sạn, ngoài thềm không một bóng người. Liêm đi ngang qua đường, nhìn vào trong phố thấy thấp thoáng một vài người xuất hành sớm lẫn sau các gốc cây. Trong phòng vé cũng không người, người bán vé đứng bên lối cửa ra ke. Ông ta thu tiền, bỏ vào trong một túi vải xám buộc giây đeo ở cổ tay, rồi tự tay bấm vé, trỏ về phía đoàn toa không đầu máy trên con đường sắt thứ nhì. Chiếc đầu máy đang lấy nước ở phía xa. Trong sân ga chỉ thấy những toa than. Liêm dẫm lên những hòn đá xanh lổn nhổn, đi chéo về phía toa hành khách có bóng đàn bà đứng ở cửa sổ chống soải tay trông ra ngoài. Trên cả toa tàu chỉ có bốn hành khách, kể cả Liêm. Hai người đàn bà cùng từ Sài-gòn ra không thấy, có lẽ họ về Hà nội bằng xe hơi. Toa xe thật rộng, ngoài hai băng ghế chạy dài bên thành toa, ở giữa còn thêm hai băng dài khác ghép dựa lưng vào nhau. Những người khác cũng đều đi một mình. Hai người đàn bà nhà quê với quang gánh và hai bồ hàng hóa. Một thiếu nữ, Liêm đã trông thấy lúc ở dưới sân ga nhìn lên, mặc áo dạ đen, buộc khăn trùm tóc, hành lý chỉ có một chiếc làn mây đặt ngay cạnh chỗ ngồi. Liêm đặt hai chiếc va-ly lên ghế, rồi bỏ ra đứng ở đầu toa chỗ bực lên xuống. Toa nổi là một toa hàng xám kín mít. Tàu rời ga, chạy qua một vài đường trong thành phố. Nhà đóng cửa, người ta mặc quần áo mới đi bộ nhàn tản hai bên hè và cả trên mặt lộ. Đường không có xe cộ. Liêm nghĩ đến anh chàng còn ở trong buồng khách sạn, hắn không thể tự tử được, chỉ mai hay mốt, có khi ngay bữa nay, hắn sẽ trở về nhà lủi thủi như con chó cúp tai... Quả là buồn cười, đêm đầu tiên, đêm giao thừa ở chung một buồng với một anh chàng chán đời. Điểm gì? Không hiểu sẽ còn gặp thêm những chuyện lạ gì nữa, nơi không còn phải là quê hương... Liêm bất chợt thấy mình đang sợ hãi. Không gia đình, không thân thích, một bức thư giới thiệu của Tường và Hà-nội. Tại sao lại trở về? Trở về cũng như lúc bỏ đi ngày niên thiếu là phiêu lưu, phiêu lưu ở trong quê hương đã xa lạ. Dường như ở đây đầy rẫy những chuyện ngoài trí tưởng của mình, dường như vậy...

Con tàu nặng nề, chậm chạp trong một nhịp điệu buồn tẻ. Không còn cái cảm giác say sưa được ôm trong gió vút của tốc độ ngày bé bỏng. Cánh đồng và chân trời xa tít như không thay đổi. Liêm nhìn bờ cỏ dốc của mô đắp đường rầy, những viên đá và then ngang, các móc nối và bàn sắt ủi giữa hai toa, giòng dây điện chạy song song nhịp nhàng để thấy sự chuyển động. Trong toa hai người đàn bà nhà quê ngủ gà gật trong góc, thiếu nữ ngồi quay nghiêng trên ghế nhìn qua cửa sổ. Dưới sân rác rưới bừa bộn, lá chuối khô, giấy báo rách, bã mía, quết trầu... Gió lùa trống. Màu trời giống như màu thiếc gò trong nhà anh Xuân. Căn phố cao nền đất, cửa tiệm đồ sắt chiếm phân nửa để ở và nhà bếp; trong nhà bếp khói đen, một bộ ván để ngủ gần trạn bát ngay lối cửa sau thông ra ngõ hẻm; Ngõ hẻm mở nhiều lối về các ngả, một ngả dẫn xuống phố Phước Mỹ. Trước hè la liệt những bàn bầu cua, tài xỉu quây quần người lớn cùng con nít; tiếng cãi lấy, giành giật đòi chung tiền, tiếng kêu chóe từng chập của những chiếc bóng hơi có lắp kèn ở đầu thổi, tiếng hối a của xẩm tài xỉu lẫn tiếng rao lộp chộp của bàn bầu cua, bên kia đường rầy xe lửa điện, chợ Bà Chiểu chạy dài trước các mặt phố lầu trên nền gạch trống với dãy quán cóc, nắng lên sáng rỡ trùm nắng nhà ga nơi góc đường; một gánh hát Sơn-đông bán thuốc nổi trống chiêng tập họp người xem. Hạnh đang làm gì? Trong xóm Đồng Ong Cộ cũng chỉ gặp những bàn bầu cua, những xòng bài cào trên các lối đất, tiếng chuông leng keng của xe cà-rem tàu đẩy dong qua các đám bạc, người lớn và con nít ngang hàng với nhau. Thiếu nữ quay mặt lại, bắt gặp Liêm đứng nơi cửa toa. Cô ta nhìn thẳng, quan sát không dấu diếm. Liêm lúng túng đi tới ngồi xuống gần chỗ đặt va-ly. Trên nét mặt thiếu nữ có ánh cười thân thiện. Liêm mỉm cười bâng quơ đáp lại, tựa lưng để cho sự lúc lắc ru ngủ. Không ngờ vẫn còn buồn ngủ đến thế. Tôi sẽ về đến Hà-nội và tôi sẽ đi tới đâu nữa. Có lẽ chỉ còn thành phố ấy là quen nhất. Thằng em chắc vẫn còn ngoài kháng chiến. Gặp lại hai anh em sợ khó nhận ra nhau. Mẹ? Bà còn sống...

Tàu đỗ im từ lúc nào, rất lâu. Tiếng hơi phì phì, đều nhỏ. Ga nhỏ không có bóng người, biển tên nhà ga tìm không thấy. Gian nhà gạch vắng tanh, tường bị cạo trắng loang lở, có lẽ là những khẩu hiệu nào bị bôi xóa. Sau lưng nhà ga là cánh đồng mùa đông, một con đường đất dẫn vào làng với một bụi tre còn mang rõ vết cháy vàng. Chiến tranh ngoài này khốc liệt hơn. Không hiểu con tàu đỗ lại chờ đợi gì. Một người xoát vé bước lên toa, ông ta dở mũ và ngồi xuống ghế giữa toa hỏi chuyện hành khách. Trong toa thêm một chị bán bánh dầy bánh giò, cả bốn người đều là khách quen. Ông ta đưa mắt nhìn Liêm như một kẻ lạ mặt đáng ngờ, nhưng không chú ý tới lắm. Ông ta không hỏi vé mà nói chuyện: chuyện ngày Tết, chuyện chiến tranh, chuyện làng Tề, chuyện kháng chiến. Liêm được biết tên thiếu nữ là Bích; trong câu chuyện người xoát vé hỏi thăm Bích về Liên, một bạn thân thường buôn chung với Bích đã lâu không thấy đi tàu. “Chị ấy ốm. Chồng chị không cho đi chợ nữa”. “Cô xuống Phòng có việc gì mà hôm nay mới về? Dạo này cô lại buôn gì xuống Phòng. Bỏ đường Cẩm-giàng rồi à?” người xoát vé hỏi. “Tôi xuống thăm chị Liên. Chị Liên bây giờ dọn xuống Phòng rồi. Với lại đòi tiền mãi mới được nên bị mắc kẹt không về kịp trước Tết”. Toa tàu bỗng trở nên vui vẻ ồn ào thân mật hơn khi Bích muốn ăn bánh giò và mời mọi người: “Tôi mới trúng áp-phe mà... Đừng từ chối. Mùng một tôi rồng cả năm”. Và Bích quay lại nói lớn với Liêm để át tiếng động của tàu đang chạy: “Mời ông xơi bánh”. Liêm bối rối đáp: “Cám ơn cô”. Chị bán bánh bưng thúng bánh đến ngồi bên Bích, theo lời Bích, bóc bánh đưa đi mời cả toa. Trước hết là người xoát vé, rồi đến hai người đàn bà nhà quê, hai người này nhận bánh và mang đến chỗ Bích ngồi ăn nói chuyện. Khi đến lượt mình, Liêm chưa biết nên nhận hay từ chối, Bích đã nói: “Mời ông đến ăn với chúng tôi cho vui. Chẳng mấy khi mà lại phải ăn Tết lưu động như thế này”. Liêm đành cầm cái bánh đã bóc trên tay, đến ngồi cùng ghế với người xoát vé, vừa ăn chậm chạp vừa nghe người khác trò chuyện không biết cách góp. Trong câu chuyện, người xoát vé hỏi Bích: “Cô nghĩ thế nào về chuyện bà Cát Hanh Long trên Thái nguyên?” kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt “Tôi có người nhà mới vào nói chuyện đấu tố là có thật. Kinh khủng lắm, không thể ngờ được”. Liêm hỏi: “Ông nói cái gì, đấu tố cái gì?” Người xoát vé nhìn Liêm bằng cặp mắt hoài nghi và Liêm vội giải thích mình vừa ở Sài-gòn ra. Ông ta thuật lại câu chuyện về bà Cát Hanh Long, đại điền chủ, đã từng cúng hết sản nghiệp cho kháng chiến từ lúc đầu, có ba đứa con trai đi bộ đội, bị đưa ra trước tòa án nhân dân phải tự vẫn. “Trong tuần lễ vàng, bà đã cúng đến cả chục kí vàng cho chính phủ. Bao nhiêu đồn điền của bà ở Thái-nguyên đều dâng cho chính phủ kháng chiến hết... Vậy mà bị kết tội là địa chủ phản động bóc lột”.kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyêt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt Và câu chuyện chuyển sang ngả khác. Bích hỏi về chuyện Sài-gòn. Liêm kể về cuộc kháng chiến trong Nam, tinh thần của dân chúng, các tổ chức nằm ngay trong nội thành. Trẻ con, thanh niên hát những bài kháng chiến ngay ngoài đường phố, một lời kêu gọi bất hợp tác với quân Pháp tung ra học sinh công chức cả công an nữa bỏ thành ra bưng tới độ phải mời bớt họ về thành, những kẻ cộng tác hương chức trong làng hay nhân viên chính phủ bị ám sát giữa ban ngày... Và thành phố Sài-gòn vẫn nguyên vẹn rực rỡ, tấp nập. Bích hỏi: “Tài nhỉ? Tại sao thế?” “Vì Sài-gòn Chợ-lớn cũng là một chiến khu..” “Rồi ông sẽ thấy Hà-nội khác hẳn. Không giống như Sài-gòn đâu”. “Tôi cũng nghĩ thế”. Liêm thấy Bích dễ thân mật, con gái Bắc đã thay đổi chăng, không còn kiêu kỳ như mình vẫn tưởng chăng?

– Bỏ đi lâu quá, tôi chẳng còn nhớ được mấy tí. Sắp đến đâu rồi cô.

Tàu đang chạy chậm, leo vòng lên một dốc cẩu. “Cầu Phú- lương”, Bích nói. “Đến Hải dương đấy”. Người xoát vé chào Bích, đội mũ đứng lên đi ra ngoài đầu toa. Chị bán bánh, dẹp cuốn lá, ném ra ngoài cửa sổ, đập nắp thúng sửa soạn rời toa. Liêm bạo dạn ngắm Bích, đứng chống tay khum người nhìn ra ngoài.


Tàu chạy thật chậm trên cầu. Thành phố Hải dương trông xa lô nhô những mái nhà thấp bé và một vài phố ngắn, thành phố buồn tẻ Bích đã xuống vài lần với Liên không lâu quá hai tiếng đồng hồ. Con phố chính từ dốc cầu này chạy đổ xuống, gồm hai dẫy nhà một từng hai từng cũ mới lẫn lộn, chạy qua nhà thờ, phòng Thông tin, rạp chiếu bóng và đến nhà ga; những công thự ở lui trong các phố ngang. Trong một hiệu cao lâu ở phố chính, Bích ngồi nhấm nháp một cốc chanh quả, nhìn qua cửa kính ra phố nắng bụi mỗi khi xe chạy qua, trong khi Liên đi tìm gặp Labay, tên Tây lai chánh sở mật thám liên bang. Có lẽ họ gặp nhau trong bàn giấy, rồi về nhà hay đến một hôtel bẩn thỉu nào trong tỉnh. Bích vừa thương hại, vừa giận Liên. Không thể tưởng tượng Liên có thể nằm trong tay những người đàn ông như thế. Nghĩ đến cái thân thể ốm o, bẩn thỉu của Tích, cánh tay lông lá, cặp môi dầy, mắt đục như mèo của Labay sẽ đụng đến da thịt muốn lợm giọng buồn nôn. Một người đàn bà làm sao có thể yêu hai ba người đàn ông khác nhau, làm sao có thể nhận được những thân thể khác nhau. Cái thân thể đàn ông, Bích nghĩ, may ra vì yêu chịu đựng nổi một trong đời đã quá lắm. Không hiểu Liên có yêu những người ấy không, những người mà mỗi hơi thở là một tội lỗi với đồng loại. Không sao hiểu nổi Liên, cũng không sao hiểu nổi mình. Tại sao tôi cứ mãi là kẻ làm chứng trong những cuộc tình của Liên? Sau cái vẻ mặt hiền lành đến độ nhẫn nhục, nụ cười buồn bã như ánh nắng muộn, che dấu những gì? Mỗi lần trở lại đón Bích để lên tàu về, Liên ngượng nghịu bối rối trông thấy. Bích đã hỏi thẳng về những cuộc gặp mặt mờ ám ấy và Liên dối quanh. Chỉ là người quen cũ của gia đình, xuống nhờ việc, chạy một áp-phe. Không hiểu bây giờ Liên còn gặp Labay nữa không?

Còn anh chàng Thạch nữa, không hiểu thuộc hạng người nào? Hắn mất tích sau lần tìm đánh Tích sau nhà tắm công cộng Chợ Gạo, không thấy trở lại hỏi tin Liên nữa. Lầm lì, hung hãn giống như tên côn đồ. Không hiểu sao tôi lại bằng lòng đưa hắn đi tìm Liên tối hôm ấy? Có lẽ vì sợ. Bề ngoài tôi vẫn tỏ ra cứng cỏi đương đầu với bọn đàn ông luôn luôn vây quanh tìm mọi cách lợi dụng, khác với Liên mềm mỏng khôn khéo trong khi còn buôn chung, nhưng thật ra tôi cũng sợ. Hắn có thể gây những chuyện rắc rối phiền phức, trong cái xã hội tranh tối tranh sáng này không biết đâu mà lường trước được. Nhưng chắc chắn không thể như Liên, không thể như thế được. Chiến tranh sẽ chấm dứt, xã hội này sẽ thay đổi và Bích... Bích nghĩ tới Hội còn ở ngoài hậu phương. Hội. Anh như một mối hy vọng duy nhất, anh sẽ trở về. Sự thật chưa có gì cả, ngày ấy tôi còn nhỏ, nhưng tôi vẫn tự coi anh như người tình để được chờ đợi. Anh có thể không yêu em nhưng anh có thể chết, và anh thuộc về em. Nhưng anh trở về. Còn gia đình? Ông bố nghiện, lũ em nheo nhóc. Gia đình này thay đổi được không? Không còn dám nghĩ tới nữa. Cả nhà đợi mang tiền về ăn Tết, mà hôm nay đã mùng một Tết. Đáng lẽ có thể về từ hăm chín, tàu đang vào ga, sân ga cũng chẳng vắng hơn ngày thường mấy, chỉ tại Liên. Người đàn ông đã cởi chiếc áo dạ mặc ngoài, có những nét hao hao quen thuộc không nhớ gặp ở đâu. Tàu đỗ hẳn và người đàn ông nói:

– Nhờ cô nhìn dùm mấy cái va-ly, tôi xuống đất một chốc cho thoải mái. Tàu đỗ lâu không cô?

– Còn lâu. Ông cứ tự nhiên.

Hắn nhảy xuống dưới đất, đi ngược lên phía đầu máy. Bích nhìn chiếc áo dạ nằm vắt phủ trên hai chiếc va-ly, đã cũ trụi gần hết lông màu ngả bạc. Trời hé chút nắng ấm nhưng không thấy bóng. Nhìn đồng hồ tay, Bích nghĩ phải quá trưa mới về đến ga hàng Cỏ. Bích mở chiếc làn mây, kiểm lại các món vật hình như còn quên một thứ nghĩ không ra. Cảm tưởng mất mát lúc buổi sáng khi vội vã ra ga lại xuất hiện. Cả đêm ngồi tâm sự với Liên đến ba bốn giờ sáng mới chợp mắt một lúc. Tích ngáy khò khô trên giường, hắn có vẻ hãnh diện về việc làm hoàn tất của mình. Mãi chín giờ tối hắn mới mang tiến về, trao đủ cho Liên để trả Bích. Bích thở phào như thoát nạn. Bích mang xuống hai cân hàng mo, lẽ ra đưa hết cho chỗ tiêu thụ nhưng nghe Liên than phiền thiếu tiền ăn Tết đã trao cho Liên một cân để chạy ăn hoa hồng. Liên đưa cho Tích và giao hẹn trước mặt Bích: “Cô ấy giúp tôi tiền ăn Tết. Anh không thể làm lăng nhăng được đâu. Tích thề bán sống bán chết và mỗi buổi chiều hắn đều nhăn nhó khổ sở vì bị khất. Đáng lẽ Bích có thể về từ hôm hai mươi chín nếu không đưa hàng cho Liên. Cũng may, giao thuốc phiện cho anh nghiện chưa ai dại bằng Liên với mình, chẳng hiểu cơ gì hắn có thể sòng phẳng được như thế. Liên gầy và xanh hơn trước nhiều. Không hiểu còn gặp những người đàn ông khác nữa không? Trên cánh tay và bắp chân Liên có những dấu bầm tím. Tại sao Liên có thể chịu mãi được? Liên chỉ biết chảy nước mắt than thở: “Cái số của tôi nó khốn nạn như thế”. Lúc ấy giao thừa vừa xong và hai người còn ngồi trên ghế con ngoài hàng hiên ngắm những ngọn nến lay động chực tắt. Bích không muốn nhắc nhở Thạch với Liên trong suốt mấy ngày, cũng chẳng ích gì, nói rằng Thạch tìm Liên, nhắn không bao giờ quên Liên để làm gì. Chuyện đã quá xa cũ, Liên không thể làm hơn được. Phải không? Một ngày nào họ gặp nhau lại, họ sẽ tự nói lấy, nếu họ còn được gặp nhau lại. Cũng mong là Liên yêu Thạch vì dù sao có lẽ chỉ có Thạch là người đàn ông yêu Liên.

Người đàn ông trở về, tay cầm mấy phong bánh khảo, bánh đậu xanh, mời Bích. Bích nói:

– Bánh khảo đây ngon có tiếng. Ông để dành về Hà nội làm quà.

– Thú thật với cô, tôi chưa có ai quen ở Hà nội để làm quà. Chính tôi về cũng chưa biết ở đâu.

Bích ngạc nhiên, hoài nghỉ:

– Ông không có gia đình mà lại về vào ngày Tết này. Sao ông không ở lại Hải phòng đợi đến mùng bốn đã.

– Tôi đến Hải phòng chiều hôm qua. Ở Hải phòng tôi cũng chẳng có ai quen. Đêm qua tôi ăn giao thừa ở hôtel với một anh chàng say chán đời. Chán quá nên tôi nghĩ cứ về bừa Hà nội. Chẳng lẽ cả thành phố lại không có chỗ nào tá túc được hay sao. Năm tôi vào Sài-gòn tôi còn ngu ngơ hơn bây giờ mà chẳng chết nữa là...

Bích nghĩ thẩm: làm đàn ông thật sướng, bạt mạng chẳng sợ gì hết. Nghĩ đến những đêm phải ngủ trọ nhà lạ, thao thức trằn trọc, suốt đêm thấp thỏm lo sợ những hình thù mò mẫm trong bóng tối, Bích thấy tuy phải nằm ép mình giữa hai đứa em trong gian buồng chật chội, hôi hám hơi người và khói thuốc phiện còn hơn. Nhất là mấy đêm ngủ lại nhà Liên, nhà chỉ có một buồng nghe rõ tiếng lục đục bên giường, Bích nằm trên đi-văng cứng mỏi, ghê tởm. Nhiều lúc giật mình, tay chân giá cóng, hơi thở dồn, tim đập nhẩy, tưởng như Tích đến gần sờ mó vào người và Bích có thể giết chết được đứa đàn ông bẩn thỉu. Thế mà Liên chịu đựng được? Người đàn ông nói: Xin lỗi cô, và hắn xách va-ly nhỏ sang băng phía bên kia kê đầu nằm nghiêng duỗi thẳng chân. Hai người đàn bà nhà quê đã xuống ở ga Nam-sách, không có hành khách lên thêm, chỉ còn hai người trong toa rộng với gió nắng lùa chạy vùn vụt. Bích tháo khăn trùm tóc, nghe hai tay tê giá dần dần. Người đàn ông nào cũng giống người đàn ông nào, nặng nề, chậm chạp, ẩm ướt, nhiều khói bụi. Bích không tưởng tượng ra người chồng tương lai của mình như thế nào, Hội, lâu ngày đã quên hẳn mặt, nghĩ đến như một lý tưởng trừu tượng xa vời. Tình yêu chăng? Tình yêu như hướng vọng, đợi chờ một ảo tưởng có thể thành sự thật hay sự thật lúc nào cũng có thể thành ảo tưởng. Anh chàng Thiện, y tá bệnh viện Phủ Doãn, cao lòng khòng, chỉ có cái thú độc nhất là vô-lê-ban, người lúc nào cũng thơm nức mùi nước hoa, đỏm dáng như con gái; bà mối giới thiệu anh chàng sẽ là một người chồng, người cha gương mẫu, mỗi lần hắn gỡ đôi kính trắng lấy khăn lau mắt hấp háy như gặp nắng trông đần độn khó chịu, nhìn vào mắt hắn như nhìn vào đôi mắt mù. Một anh chồng không nhìn được gì vượt khỏi tầm mắt cận thị. Bích sực nhớ mình đã hai mươi hai tuổi, hai mươi bốn tuổi với tình yêu tự tạo để tưởng nhớ, để thuật với bè bạn khi cần chuyện tâm sự. Một thiếu nữ trong thành chờ đợi người tình ngoài kháng chiến. Ngọc bảo: đó là một hạnh phúc, và lúc ấy quả cũng cảm thấy tâm hồn bay bổng như được vuốt ve an ủi. Hội ở đâu? Hội ra sao? Hội còn nhớ đến tôi không, đứa con gái ngày đó mới chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Tàu đỗ lại Cẩm-giàng, đợi chuyến xuống. Nhìn ra ngoài ga, phố quận đìu hiu hơn. Người đàn ông chừng ngủ say mệt, quay mặt ra ngoài lối đi. Nét mặt gồ ghề, sáng tối lẫn lộn. Bích loay hoay lục lọi trí nhớ tìm cái khuôn mặt giống đã gặp. Một khuôn mặt già sạm đứng im nhưng lẩn khuất những nét ngây thơ dại dột. Bích nghĩ không hiểu ở nhà bà cụ có xoay đỡ được ít tiền tiêu Tết không. Sáng mồng một, nhà tấp nập khách khứa mà không có tí gì coi cũng không được. Bích mừng thoát khỏi phải tiếp khách mệt nhoài. Ông bố chắc đã dẹp bàn đèn vào tận giường trong cùng và cả ngày bữa qua bọn em phải xoay trần dọn dẹp nhà cửa. Con Loan mệt, tối sẽ tìm một só ngồi khóc rấm rứt; đã hai năm nó vẫn mơ ước một cái áo dài. Tiếng chân đi dẫm trên đá xanh lổn nhổn bên thành toa. Kính đứng dưới đất nói lên:

– A, cô Bích. Hôm nay cô cũng đi chợ nữa sao? Năm mới chúc cô năm nay cho tôi uống rượu.

– Năm mới chúc Thiếu úy thăng chức. Có nhắn gì Ngọc không, tôi về nói lại cho.

Kính đỏ bừng tai, chớp mắt, nhe răng cười. Hắn là trưởng đồn, vốn thầy tu xuất, vẫn theo đuổi Ngọc. Ngọc lấy làm xấu hổ vì bị một người như Kính mê, cô nàng nói: “Trông nó bề ngoài lờ mờ vậy mà giết người không gớm tay”. Ngọc nghỉ chợ vì ngại gặp Kính, cô nàng đi buôn như làm những chuyến du lịch, con một gia đình thầu khoán phong lưu, Ngọc đòi đi buôn để được theo Bích và Liên xuôi ngược hằng ngày. Chiều nay sẽ lại thăm Ngọc, cô nàng bây giờ lại hoạt động hướng đạo trong khi chờ đợi lấy chồng.

– Hôm nào Thiếu úy về Hà-nội?

– Có lẽ còn lâu.

Kính rút khăn tay lau mặt và cổ, có lẽ hắn muốn hỏi thăm Ngọc nhưng không biết cách mở lời, hắn cũng biết Ngọc ghét hắn. Hắn đứng nép vào thành toa ngửa cổ nhìn đoàn toa xuống ép hắn vào giữa, tiếng máy chuyển động át mất câu nói của hắn. Mãi sau Bích mới nghe được đoạn cuối: ... Các cô nghỉ chợ, Cẩm-giàng buồn quá. Bích cười nhìn theo Kính mập mạp, lùn thấp len giữa hai đoàn tàu và leo lên mất hút ở một toa tàu bên. Người đàn ông thức dậy ngồi lên ngơ ngác.

– Gần đến Hà-nội chưa cô?

– Chưa. Ông có thể ngủ một giấc nữa.

Hắn móc thuốc lá châm hút, nhìn qua đoàn tàu ngược tò mò. Bích cố nhớ lại những nét quen trên mặt người lạ và một chốc những nét quen bị bôi xóa chỉ còn lại hình ảnh xa lạ hoàn toàn của một người đàn ông giống như những người khác. Trời còn se lạnh nhưng vẫn nghe mồ hôi dâm dấp, có lẽ đói và khát. Cảnh vật trở nên nhàm mắt. Đồng ruộng, đồn bót, làng xóm trong bầu trời thoáng nắng ủ ê. Con đường cái chạy theo tàu lúc sát tới, lúc lui xa, lúc cắt ngang mất tích. Lâu lắm mới gặp một chiếc xe hơi trên đường. Tàu đỗ lại những sân ga không người, chỉ có tường gạch loang lở hoặc lỗ chỗ vết đạn bên những đầm nước bèo cỏ mọc hoang mọc tủa lên những cọc nứa dăng hàng, một hai phố quận chỉ là hai dãy phố lụp xụp dựng bên đường cái với đồn canh chặn đầu. Vẻ hoang tịch trên mọi vật phơi bầy. Liêm muốn được nhìn thấy cảnh tượng đang diễn trong vòng những lũy tre dầy cô lập các làng mạc giữa vùng đồng ruộng bát ngát. Ở đây vừa trống trải, vừa cô đơn. Không còn sự luông tuồng nối kết dằng dặc bởi bờ bụi, cỏ cây, nương rạch từ làng này qua làng khác như đồng ruộng trong Nam. Bất cứ chỗ hẻo lánh nào giữa bưng biền vẫn có thể gặp người và nhà ở. Ở đó hoang dã nhưng không cô đơn. Liêm nghe thốn trong bụng cảm giác mình đang dấn mình về nơi không được che chở. Bích bỗng hỏi:

– Ông về Hà-nội định làm gì?

– Tôi chưa biết. Cũng có thể ít lâu tôi lại vào Sài-gòn.

– Ông có vẻ thích Sài-gòn.

– Tôi có cảm tưởng như tôi đã là người Sài-gòn. Tôi đã ở trong ấy hơn mười năm. Về đây thấy cái gì cũng lạ. Cũng sợ. Chắc tôi không thể sống được ở Hà-nội.

Bích cười, nàng búi lại đầu tóc, tiếng cười trong đơn giản. Liêm cười theo, rồi đứng dậy nhắc va-ly đặt về chỗ cũ.

– Quê ông ở đâu?

– Từ nhỏ tôi đã sống ở tỉnh. Tôi đã bao giờ về quê đâu. Mười bảy tuổi là tôi bỏ nhà đi rồi.

– Ông anh hùng nhỉ?

– Không phải. Mỗi người có một hoàn cảnh.

Anh hùng. Không tôi không phải là anh hùng. Đó là lời nói mỉa. “Tôi không phải sinh ra để làm cách mạng. Tôi tầm thường, tôi sống như mọi người. Tôi phục chị Hai nhưng tôi không muốn làm như chị”. Chị Hai, vợ của nhà cách mạng nổi tiếng đã chết ngoài Côn đảo trong thời Pháp thuộc, được anh em tôn gọi và kính nể, sống hẩm hút với mấy đứa con tại chùa Bà-đầm nhưng vẫn nuôi chí chồng, cầm đầu tổ chức phụ nữ nội thành; Tường đã dẫn Liêm đến thăm sau ngày Liêm được thả và thất vọng chán nản vì bị bỏ rơi, hy vọng Liêm trông gương chị. Tường bảo: “Ở bất cứ địa vị nào người ta cũng có thể tham gia cách mạng”. “Không. Tôi không làm cách mạng, tôi chỉ muốn làm việc”.

– Tôi có người bạn cũng người Bắc vào Nam từ lâu, lúc tôi về anh có khuyên tôi không nên. Tôi không tin.

– Ông vội quá. Ông đã về đến Hà-nội đâu.

– Cô đã chẳng nói Hà-nội không giống Sài-gòn hay sao?

– Tôi nghĩ ở đâu rồi quen đấy.

Vấn để không phải là quen, sống không thể chỉ là thói quen. Trưa đang nhẹ dần, không khí ấm hơn. Tàu bắt đầu chạy chậm, qua cửa sổ những mái nhà thấp bé bắt đầu xuất hiện. Bích nói: Đến Gia-lâm rồi. Bỗng dưng Liêm nghe nao nức lạ lùng, thò đầu ra ngoài cửa sổ nhìn. Quang cảnh nhà ga đượm vẻ thân cũ, những bồn nước, cần ghi, các kho tối đóng cửa, các toa than rải rác, đường sắt dan díu, nằm nguyên chỗ như chưa bao giờ đổi thay. Trong một phút, tâm trạng biến đổi hẳn, tôi đang đặt chân bước vào ranh giới của một vùng mơ ước của tuổi nhỏ.

– Tôi không hiểu Hà-nội thay đổi thế nào nhưng tôi thấy Gia-lâm không thay đổi mấy.

Bích quàng khăn lên đầu, mở nắp làn mây có lắp tấm gương con soi mặt. Liêm nhấp nhỏm chờ đợi con tàu huýt còi rời ga để chạy lên cầu Long Biên. Đường phố Gia-lâm vắng ngắt như trong một bức ảnh chụp kỷ niệm. Ngày nào xa lắm, tôi đã ngồi trên chuyến tàu này cùng đứa em trai và mẹ lên Hà-nội sau khi bố chết. Thạch đội chiếc mũ nồi đỏ, chiếc mũ nồi lúc qua chợ Đồng- xuân bị kẻ cắp giật mất khi nó ló đầu ra ngoài cửa sổ tàu điện dáo dác nhìn phố; sức giật quá mạnh khiến môi nó vập xuống thành cửa gẫy mất một cái răng. Gió bốc lên từ mặt sông Cái nước đã rút bớt, thành cầu ầm ì vang động lùi mãi. Giải đất nổi chia đôi mặt sông xanh um cây cối, thỉnh thoảng xen những khoảng vườn ngô đều hàng thưa trống. Tiếng động của gióng cầu như một khúc nhạc vang âm và từ phóng trong thời gian của trí tưởng. Hà-nội như một niềm thân mật cuối cùng còn sót phải tìm lại. Đường bộ trên cầu chỉ là lớp gỗ nằm gung đen bóng thỉnh thoảng điểm một vệt sáng đen của sắt. Đường bờ sông bến Nứa, bồn nước hàng Đậu... vẫn còn nguyên. Tàu chạy trên cầu đá qua hàng Giấy, sông Tô-lịch, men theo đường Thành. Như từ đỉnh cây dòm xuống, thành phố nghiêm trang vắng người bốc lên một bầu không khí huyền hoặc.

– Hà-nội vẫn không thay đổi gì cả.

Bích đứng lên, Liêm nhích người nhường chỗ cho nàng trông xuống phố. Bích quay nghiêng mặt khẽ mỉm cười, hai bàn tay nàng víu lấy thành cửa tím trắng.

– Tôi chỉ thấy nó nhỏ quá, không còn lớn như trong trí nhớ.

Tàu đã chạy xuống phố, ngang qua những rào cản. Một vài người, hai ba chiếc xe đạp, một chiếc xe hơi đứng đợi dưới phố. Con tàu như chạy quá nhanh và khi đỗ lại bên một mái hiên chụp tối của ga, Liêm bàng hoàng ngơ ngẩn. Bích nhấc chiếc làn mây đeo vào tay tiến ra ngoài đầu toa. Liêm chậm chạp khoác áo dạ vào người, sách hai chiếc va-ly lên. Bước xuống đến sân ga, Liêm đã thấy Bích tiến vào đến cửa vào nhà ga. Mươi hành khách nữa xuống ở một toa gần cuối, trong ấy có hai người đàn bà cùng đi trên chuyến tàu thủy. Họ không trông thấy Liêm và Liêm nhìn họ như những người quen cũ. Ra đến cửa ga Liêm gặp Bích vẫn còn đứng trên thềm. Con đường hàng Lọng thật xa thật thấp.

– Ông về đâu?

Liêm móc túi tìm lá thư của Tùng, đọc lại địa chỉ, đưa cho Bích xem. Bích nói: Ông gọi xe về, đây vô đấy khá xa. Chúc ông năm mới mọi sự như ý. Bích thoăn thoắt bước xuống các bực thềm, đi khuất vào phía tường ga nhô ra thu hẹp con đường. Liêm nhìn khoảng trống trước mắt. Mặt đường rộng, con đường tàu chôn dưới nhựa, xe tuần cảnh nhà binh đậu ở một góc đường, hàng cây xanh sâu sao động.


Liêm không vào thành phố, địa chỉ Tường giới thiệu là nhà thương Bạch-mai. Phải mất gần giờ đồng hồ mới tìm được một chiếc xích lô bằng lòng ra ngoại ô, người phu xe già rách rưới hom hem trông như mùa đông vẫn còn xung quanh, như hình ảnh miền Bắc đói rét co ro không thay đổi. Chiếc xe tuy đã mất, nhưng còn lại những người phu xe này. Tối mùa đông, cửa ngõ đóng kín, Liêm nghe tiếng gõ cửa gọi, bà cô có môn bài thuốc phiện phải bật đèn dậy càu nhàu, mở hé khuôn cửa gỗ tròn đút lọt một cánh tay dơ bẩn khẳng khiu van nài, gió rít ào ào ngoài trời, bóp thuốc đặc quánh trong chiếc hộp đồng đục hai lỗ nhỏ vào trong vỏ hến; người phu xe kì kèo xin thêm một giọt, le chiếc lưỡi thâm tái liếm sạch chất thuốc trong lòng vỏ trắng có vân xanh đỏ hoặc năn nỉ xin mua những chiếc rẻ rách lau hộp đồng; trong đêm lạnh giá, bình nước nóng ủ dưới chăn bông của bà cô, tiếng vỏ không ném rơi trên hè đường. Bên trái khu đóng quân của quân viễn chinh, bên phải hàng tường dài của ga, lấp ló vài mái nhà. Ngã tư Khâm-thiên-hàng Lọng. Phố Khâm-thiên hiện một khúc ngắn, đường tàu chạy ngang, lầm lội bụi bậm. Con đường chạy ra ngoài giữa cánh đồng, chuyến tàu điện một toa loong koong như không có hành khách. Buổi chiều chớm nở nhạt nhẽo trong khoảng gió lớn, lất phất mưa bụi. Một vài chiếc vận tải nhà binh chạy như giông gió nhắm hướng thành phố, mỗi lần người phu tạt xe vào vệ đường đỗ lại, Liêm nhắm mắt tránh gió tạt cay, làu nhàu nguyền rủa bọn tài xế bất lương. Ngày quá dài, chiến tranh cũng đã quá dài. Tôi như kẻ mệt mỏi đào ngũ, về đây... Liêm mường tượng điệu hát của người thiếu nữ trên tàu biển trong buổi mai sảng khoái, im cơn say sóng; Mới đó, đã tưởng thuộc vào một quá khứ xa vời. Ở đây mọi vật, mọi người, cả trong không khí lửng lơ, đều khép kín, nghi kỵ, đầy bất trắc. Rồi tôi sẽ phải đi tới nữa. Khu vực nhà thương rộng, nhiều tòa nhà lớn, cây cối um tùm. Dây phố lá trước mặt bệnh viện không có vẻ Tết, các cửa hiệu vẫn mở nhưng không có khách, một vài chiếc xích lô đậu nghênh gếch một bánh trên mặt nhựa cao, một bánh dưới đất lún trước các nền nhà, chỉ có những đứa trẻ mặc quần áo súng sính đứng ngơ ngẩn nhìn quanh. Trong sân nhà thương, một hai người lẽo đẽo đi mãi tới tòa nhà ba từng ở sân. Liêm sách va-ly, đi vào cửa ngách, hỏi thăm người canh gác, một người đàn ông đứng tuổi lầm lỳ như mật ngày trời lạnh.

- Ông Hỗ hả? Ông Hỗ làm bên khu lao phải không? Không biết ông ấy có về quê ăn Tết không? Đâu ông thử vào trong tìm xem.

Người gác ra khỏi chỗ ngồi, trước một cái bàn mộc có đặt ở góc một quyển sổ bìa đen, đi ra ngoài phòng, chỉ trỏ rắc rối: đi thẳng vào, bên trái tòa nhà thứ nhất, đi nữa đến chỗ để xe, rẽ tay phải, một cái ngõ, đi vào rẽ tay phải, qua một cái sân, đằng sau tòa nhà thứ hai, dãy nhà ngang, nhà thứ hai thứ ba gì đấy. Lối đi trải nhựa đen nổi hằn vết đá lồi lõm, cây lớn và cao, mương xi-măng khô cứng dưới chân tòa nhà lầu nhiều cửa sổ. Liêm loanh quanh một lúc, lạc lối vào một sân cỏ không người hôi mùi y dược và rác rưởi ở đâu quanh, đi liều vào trong một hành lang tường lát gạch men trắng với những phòng cửa kính bôi trắng không nhìn qua được và cũng không gặp ai để hỏi thăm. Dù sao cũng phải tìm cho bằng được Hỗ, ở tạm cho qua mấy ngày Tết không thể lang thang ở Hà nội được. Từ trong một cửa phòng mở đột ngột, một dì phước đi ra và quay lưng đóng cửa; Dưới lần khăn che một khuôn mặt trái soan xanh mướt và cặp mắt mơ màng, ngước lên tò mò. Liêm dừng bước không biết có nên hỏi thăm không. Dì phước quay mặt bỏ đi vội vàng, vạt áo xòe kêu sột soạt trong hành lang vắng. Nửa giờ Liêm mới tìm được nhà của Hỗ, nhà đóng cửa đi vắng. Nhìn qua cửa sổ nhà bên cạnh, một bàn bất đông đúc quây quần trên một tấm phản. Một người đàn bà hỏi ra: “Ông hỏi ai? Ông Hỗ à, ông Hỗ ở trên buồng hộ sinh”. Liêm đặt va-ly, xuống hè, nhìn trời, thỉnh thoảng liếc nhìn vào bàn bạc vang động tiếng cười đùa ồn ào vui vẻ. Liêm nghe mệt nhoài cả thân xác và ý nghĩ, chỉ muốn được một chỗ ngả lưng, đứng tựa vào tường thất vọng. Một người đàn ông, mặt mày đỏ sậm đi đến trước mặt Liêm hất hàm hỏi. “Ông Hỗ, có khách hỏi thăm ông đấy. Ông ấy đấy”. “Hỏi tôi?” Thái độ của Hỗ ngang bướng sấc xược, không đợi nghe Liêm nói, quay lưng mở cửa nhà và bước vào. Liêm theo chân, móc túi lấy thư của Tường và tự động ngồi xuống ghế. Hỗ chăm chú đọc thư, chậm chạp như phải đánh vần từng chữ, còn Liêm ngồi quan sát thân hình vạm vỡ, khuôn mặt ngang ngạnh của Hỗ. Đọc xong thư, Hỗ thay đổi hẳn thái độ, tươi cười vồn vã, Liêm thở phào khoan khoái.

– Ở đây, chú không có nhà ở tạm đây với tôi. Chú thân với anh Tường cũng như là thân với tôi. Không có gì ngại cả. May mà vợ tôi nó đi vắng, cũng đỡ phiền. Chú biết đàn bà là hay kiêng cữ. Tôi thì không có. Chẳng như mười mấy năm mình sống ở Tây về mà lại vẫn còn lạc hậu.

Hỗ thao thao không ngớt, quay tròn bén gót Liêm, đưa Liêm vào buồng trong rửa mặt thay quần áo, xách cất va-ly, dọn bánh trưng, rượu ra bàn. Chưa bao giờ Liêm được ăn một bữa ngon miệng như vậy. Hỗ, biểu lộ một bản chất bộc trực, quê mùa, đã đi lính thợ sang Pháp, lấy vợ đầm và khi về nước “bỏ thẳng cánh không thương tiếc”. Hỗ cười ha hả như trả được một phần mối thủ của dân tộc. Nhưng khi ăn Hỗ vẫn dùng dao, nĩa, “không quen cầm đũa, dao nĩa sạch sẽ vệ sinh hơn” như dấu hiệu khoe khoang một thời ngang dọc đã qua; Hỗ nhắc đến Tường bằng giọng kính phục như bậc đàn anh trí thức ngang hàng: Hỗ gặp Tường ở Pháp khi anh vừa ở trường Mỹ-thuật ra, mở cuộc triển lãm đầu tiên tại nhà hàng Continental, gia đình bắt cưới vợ, bỏ nhà trốn sang… “Tôi tưởng anh Tường vẫn chỉ ở Sài-gòn. Không nghe anh ấy kể…” Liêm hỏi. “Tính anh ấy thế, anh ấy không thích kể chuyện đã qua. Năm tôi về nước gặp anh ấy ở Sài-gòn trông anh ấy lại thành người khác rồi. Có lẽ không ai biết rõ quá khứ anh ấy hơn tôi”. Hỗ kể chuyện ngủ với đầm, hành hạ đầm một cách sướng khoái, “một con đầm, nhà khá giả mê anh Tường như điếu đổ mà anh ấy không thèm. Chú thấy không? Anh ấy thật là cách mệnh”. Hỗ uống rượu như hũ chìm, không để cho Liêm nghỉ ngơi. Tối đến Hỗ dẫn Liêm sang nhà hàng xóm giới thiệu, bắt Liêm cùng ngồi đánh bất với mọi người. Người ta hỏi thăm bệnh tình vợ Hỗ, Hỗ nói: “Yên rồi. Mấy ngày nay tôi mệt đứ đừ với nó. Hôm nay có người bạn ở Sài-gòn ra, tôi phải chơi cả đêm không thì mai hết Tết rồi”. Vợ Hỗ bị xảy thai, Hỗ bảo vì thiếu vệ sinh, người Việt nam thiếu vệ sinh. Nhiều người cười. Khoảng mười một giờ đêm, Liêm cáo mệt đứng dậy và Hỗ cũng thôi. Nhưng suốt đêm mùng một, Liêm chỉ ngủ được một cách chập chờn vì Hỗ không ngớt chuyện trò. Hết chuyện bên Tây đến chuyện Sài-gòn, hết chuyện Sài-gòn đến chuyện Việt-nam, Việt-nam bẩn thỉu, khốn nạn, không hòng ngóc đầu lên nổi, hết chuyện nước đến chuyện nhà, chuyện vợ con, công việc... Liêm nằm ngửa như bị một cơn say trống đuổi mất giấc ngủ, lâu lâu ậm ừ phụ họa, nghĩ không ra mục đích những ngày sắp đến, kiếm việc, đi làm, sẽ trở về thăm Bắc-ninh, hỏi thăm tin tức bà cô, mẹ và đứa em. Có lẽ sẽ trở lại Sài-gòn và chuyến về Bắc này chỉ như chuyến thăm gia đình? 

Sáng mùng hai, thức dậy Liêm không còn thấy Hỗ trong nhà, anh ta đi thăm vợ. Liêm ngồi ở bàn ngoài đợi Hỗ, nghe những lời chúc tụng đầu năm hai bên hàng xóm, mấy chục năm những lời ấy không chút đổi thay. Tòa nhà lớn áng dọc một bên tầm mắt, ngoài cửa là một khoảng vườn rộng lối đi lớn chạy đến xa tít mới có một dãy nhà ngang song song với bên này, cuối dãy là một khu rào xi-măng riêng biệt. Hỗ trở xuống trong bộ blouse trắng bệ vệ như một bác sĩ, hai mắt thâm quầng mệt mỏi. Liêm hỏi thăm bệnh tình của vợ Hỗ, chị bị xảy thai. Hỗ rất buồn vì mất đứa con, gần bốn mươi tuổi anh cần một đứa con hơn bao giờ hết. Liêm trả nhà cho Hỗ lên phố chơi. Thành phố Hà nội vắng, cổ kính. Vẻ tưng bừng rực rỡ của những ngày cũ vẫn mang trong ấn tượng bị xóa nhòa, so với Sài-gòn Hà-nội như một thành phố nhỏ. Cửa hiệu buôn bán chưa mở, Liêm đi trên vỉa hè nhận ra bộ quần áo của mình quá cũ giữa những người dạo phố. Không mục đích, Liêm đi loanh quanh trong các phố lớn nhìn ngắm thiên hạ ăn Tết trong nhà và ngoài đường, không có một ý niệm rõ rệt nào về sinh hoạt hàng ngày. Mọi người đều có vẻ nhàn nhã, phong lưu và vô tư. Liêm mua vé vào xem chợ phiên bên bờ Hồ, đi đi lại lại hai ba vòng trước các gian hàng trải dài từ nhà Thủy Tạ đến góc phố Trường-thi. Mỏi chân Liêm muốn vào ngồi nghỉ trong một quán giải khát nhưng không còn bàn trống và không thể ngồi chung bàn như ở Sài-gòn. Lúc trở về, Liêm đi tàu điện Kim-liên và phải đi bộ mất một quãng dài mới về đến nhà thương. Buổi trưa Hỗ và Liêm lại ăn bánh trưng trừ cơm, cả buổi chiều Liêm được ngủ một mình ở nhà. Tối khi Hỗ đã lên phòng trực, Liêm dạo quanh trong khu bệnh viện trên những lối âm u không nghe tiếng động. Những khung cửa sổ đều thắp sáng trống trải. Trên không trung vọng tiếng phi cơ ầm ì và súng đại bác nổ thật xa. Một lúc đứng dưới một gốc cây, Liêm nghe tiếng rên la thảm thiết trên lầu cao vang trong một phòng rộng, rồi tắt biến, bộ mặt nhà thương cũng chẳng thấy náo động hơn chút nào. Trở lại dãy nhà ở, bàn bất bên cạnh đông hơn đêm trước, gần như hàng xóm đều sang tụ họp ở đây. Liêm đứng ngoài lắng nghe những câu đùa cợt trêu chọc lẫn nhau trong không khí đầm ấm, tự nhủ: mình về đây ích lợi gì? Cuộc đời người ta không phải mỗi lúc đều có thể bắt đầu trở lại. Dù thế nào đáng lẽ cũng phải tiếp tục... Ngày mùng ba Hỗ đưa Liêm lên phố, đến thăm nhà một người họ. Liêm ngạc nhiên khi bước chân vào một gian nhà một từng thông suốt được ngăn chia làm nhiều phần cho gia đình khác nhau trú ngụ. Cảnh hỗn tạp ầm ĩ luộm thuộm do sự chung đụng của những nếp sống trái ngược hẳn nhau không thể tưởng tượng. Vẻ tạm bợ bức bối vây chặtt mọi người. Liêm hỏi và được biết phần lớn nhà ở Hà-nội đều chịu chung cảnh như thế, có một gian nhà riêng là một mơ ước viển vông. Chiến tranh đã lùa về thành phố ngày một thêm đông số người hồi cư. Gia đình ông bác Hỗ cũng mới từ Vĩnh yên xuống cách mấy tháng, may mắn lắm mới kiếm được một khoảnh chừng mười thước vuông làm chỗ tá túc cho năm người vừa lớn vừa nhỏ. Mặt trận ngày càng mở lớn dữ dội, nhà quê không còn là vùng ẩn trú như ngày trước nữa. Chỉ còn những thành phố và thành phố chỉ còn Hà-nội là dễ thở. Nỗi sợ hãi lo âu ghi rõ trên nét mặt những người trong gia đình cuộc sống tạm bợ này không thể kéo dài hết năm này qua năm khác được. Không thể lìa bỏ cái khung cảnh thân quen mấy chục năm để dựng một đời sống mới trong thành phố xa lạ này. Hỗ nói:

– Nhưng làm thế nào được. Về quê chết cả nút hay sao. Ở đâu quen đấy. Đến sang Tây tôi còn sống được nữa là mới ở Hà-nội. Cứ hãy lo cho yên ngày nào hay ngày nấy. Tính sau.

Ông bác thở dài, hai vợ chồng người con bó gối nhìn bố, hai đứa con nhỏ ngồi lê dưới gạch. “Làm gì”. “Thiếu gì việc, tìm khắc ra. Bác đừng lo. Mình phải như Tây, lúc này là mỗi người đều phải lo tìm lấy việc mà làm, không ai nuôi ai nữa”. Rời khỏi gian nhà, Liêm dễ chịu nhẹ nhõm cả người và bắt đầu nhìn qua cửa những gian nhà bên đường bằng cặp mắt khác. Liêm nói với Hỗ: “Ở ngoài này khổ hơn Sài-gòn nhiều quá”. Ngày mùng năm, vợ Hỗ về nhà, chị vẫn còn phải dưỡng bệnh, bắt buộc nằm trên giường ít đi lại. Chị trẻ hơn chồng ít nhất là mười tuổi, gầy gò xanh xao. Có chị trong nhà, Liêm mất tự nhiên, phải bỏ đi cả ngày. Buổi sáng đi bộ lên tàu điện vào thành phố, xuống ở đầu hàng Bông và lang thang suốt ngày tìm việc, làm quen với những tờ báo treo trước phòng Thông-tin, các tòa soạn, ngồi nghỉ trên các ghế đá quanh bờ Hồ nhìn tháp Rùa rêu ẩm trong gió xuân, xem những người ngồi câu tôm ven hồ hoặc trên bờ đá ướt sau đền Ngọc Sơn, đứng trên cầu Thê-húc ngắm xe chạy và người đi sau những hàng cây xanh các phố; buổi trưa ăn bánh tây vào ngồi ngủ trong vườn hoa Chí Linh hay thềm nhà Băng cao, hay thềm viện bảo tàng, vào Ấu-trĩ-viên nhìn trẻ con chơi đùa và xế chiều lên tàu điện trở về. Suốt tháng giêng Liêm lang thang ngoài thành phố, không kiếm được việc. Vợ Hỗ khỏe dần, vui vẻ, thích chuyện trò tâm sự, thích săn sóc Liêm và Liêm sợ những chuyện rắc rối. Chị hay than thở anh chồng gàn bướng lúc nào cũng coi chị là con trẻ quê mùa, thuật lại những ngày con gái ở Vĩnh-yên được anh đồn trưởng pạc-ti-dăng và một anh lính Tây mê say theo đuổi. Hỗ không hay biết về những ý nghĩ của vợ, anh vẫn tưởng chị ta khiếp phục mình là kẻ từng trải giang hồ. Một bữa vợ Hỗ đòi Liêm đưa lên phố, chị ta bảo sẽ giới thiệu với một người quen tìm việc hộ Liêm. Hỗ bảo: “Chú đi với nhà tôi”. Vợ Hỗ dẫn Liêm xuống chợ Hôm, tìm một người cùng làng chính chị cũng không nhớ rõ số nhà. Hai người đi quanh hỏi thăm không ra, Liêm có cảm tưởng người mà vợ Hỗ nói đến chỉ là cái cớ. Chị ta gọi Liêm bằng chú một cách ngọt ngào, khuyên Liêm không nên vội chán nản rồi rủ Liêm vào một hiệu giải khát bên đường nghỉ chân. Liêm kiếm cách tháo lui, nói mình phải đến một người quen khác có hẹn trước nhưng chị ta nằng nặc bắt Liêm phải cùng đi và đưa về đến nhà. Chưa khi nào Liêm kinh hãi sự táo bạo của đàn bà như lúc ấy, vợ Hỗ nắm lấy cánh tay Liêm đi trên hè, cười nói luôn miệng không một chút e dè ngượng ngập. Liêm nghĩ: sau buổi này, không thể ở lại trong nhà Hỗ và không biết mình sẽ đi đến đâu. Người đàn bà dường như không đếm xỉa đến thái độ lảng tránh, khó chịu của Liêm. Mặt chị ửng đỏ che khuất màu da còn xanh, mắt ướp lấp lánh, hơi thở cồn cào trên ngực áo, môi hé mở một hàm răng đen bóng, tóc rối lòa xòa trên vừng trán lấm tấm mồ hôi. Liêm rùng mình nghĩ nếu chỉ có một mình với chị trong nhà lúc này... Đưa được vợ Hỗ về nhà, Liêm bàng hoàng như thoát nạn nhưng nhìn vào mắt chị ta Liêm biết người đàn bà chưa tỉnh, cặp mắt chị nheo lại tình tứ coi như Liêm đã thành đồng lõa. Trong bữa cơm chị ta nói với chồng: “Không gặp anh ấy ở nhà. Mai lại phải đi nữa. Thật là mất công quá”. Buổi chiều Hỗ đi làm, Liêm cũng bỏ đi, vòng vào lối đường đất bụi sang bên chợ Bạch-mai, không biết mình phải làm thế nào để thoát khỏi tình thế khó xử. Con đường ngoại ô đông đúc, hai dãy nhà lụp xụp bẩn thỉu dẫn đến một ngôi chợ nửa quê nửa tỉnh với ga cuối của con tàu điện chạy suốt lên đến Bưởi. Xe cộ đủ loại chen chúc trên một đoạn đường hẹp lẫn lộn với người gồng gánh qua lại, con đường tàu lồi cao trên mặt đất như là một chướng ngại của cả một bên hàng phố trước chợ. Bọn lính Tây đen lang thang bên đường hoặc chui rúc vào trong các quán lá thấp với bọn gái trang điểm lòe loẹt chướng mắt. Liêm leo lên ngồi trên tàu điện đợi được đưa trở lên phố. Đôi giày bám bụi vàng khè, tay chân nhờm nháp, đầu óc trống rỗng quay tít. Tại sao tôi lại về đây? Không có gì ràng buộc tôi ở nơi này; Mẹ tôi, em tôi nếu còn sống cũng coi như tôi đã mất tích, đã chết từ hơn mười năm nay. Tôi đã thành một người khác với một đời sống khác. Liêm bỏ xuống chỗ tàu tránh nhau gần rạp Majestic, sang đường vào xem tranh ảnh dán trên tường, hành lang rạp chớp bóng mát mẻ thơm tho, xin một tờ chương trình ở ghi-xê và đứng đọc không bỏ sót một chữ. Liêm ra ngồi trên ghế đá, quay lưng vào toà Thị-chính, nhìn buổi chiều trên hồ Gươm. Ánh sáng trống trải bị bao giữa màu xanh của đám cây ven hồ và mặt nước, sự im lặng mơ màng trên mặt hồ bị vây giữa một vòng phố náo nhiệt chuyển động. Liêm nhớ những ngày đi lại trong Sài-gòn-Chợ-lớn rộng rãi đông đúc gấp bội nhưng chưa khi nào bị bơ vơ lạc lõng, bất cứ chỗ nào cũng có thể kiếm được một chỗ ghé chân. Những người qua lại trước mặt, sau lưng không nhìn ngó chú ý đến những người ngồi ngây trên cùng một chiếc ghế không trao đổi với nhau một lời. Liêm liếc nhìn người đàn ông, đầu cắt ngắn, quần áo cũ nhàu, chân đi dép cao su cáu ghét vừa ngồi xuống ở đầu ghế, vẻ mệt mỏi chán chường. Liêm tìm thuốc lá hút, hỏi xin lửa, mời thuốc người đàn ông, bắt chuyện làm quen. Người đàn ông nói giọng Nghệ-tĩnh khó nghe, anh ta ở khu Tư trốn vào bị giữ ở Công-an sáu tháng, mới chỉ được phóng thích nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua và cũng đang thất nghiệp. Liêm vẫn có nhiều thiện cảm với dân Nghệ, những người cần cù kỹ lưỡng trong công việc, khắc khổ cứng rắn trong tình cảm, kiên nhẫn dẻo dai trong tranh đấu, thứ dân sinh ra đã có máu cách mạng chứ không phải làm loạn. Trông anh ta còn ngơ ngác lạc lõng hơn cả mình và Liêm hài lòng với ý nghĩ ấy. Lúc chia tay, Liêm hẹn với người bạn mới sáng hôm sau gặp lại tại ghế đá đã ngồi, và trở về nhà Hỗ trên chuyến tàu điện cuối cùng. Buổi tối Liêm trốn chạm mặt với vợ Hỗ, đi dạo hàng giờ trong vườn nhà thương, nghe nhen nhúm những hy vọng mới mẻ kỳ lạ. Có được một người bạn mới, Liêm nhìn trước những buổi lê gót trên vỉa hè phố xá dễ dàng hứng thú hơn. Hỗ hỏi: “Ngày mai chú lại đi với nhà tôi chứ”. Liêm vội đáp: “Khỏi làm phiền chị. Tôi đã có một nơi mai người ta hẹn đến gặp". Vợ Hỗ bảo: “Thì chú cứ đi với tôi. Bắt cá hai ba bốn tay cho chắc.” “Thôi, mất công chị. Để lúc nào tôi hỏng công việc này, tôi sẽ phải nhờ chị.” Vỡ Hỗ tỏ thái độ không hài lòng và Liêm nhẹ nhõm. Ngày hôm sau Liêm lên phố rất sớm, đi thẳng đến nơi hẹn như đến một nơi quan trọng, ngồi trên ghế đá một mình đợi. Buổi sáng mùa xuân mát rượi dịu dàng. Người bạn mới đến, rủ Liêm xuống phòng Thông-tin đọc báo. Trong một tờ báo cũ đến cả tuần lễ Liêm đọc được lời rao cần thợ xếp chữ. Ra khỏi phòng Thông-tin; Liêm bảo: “May ra tôi có việc. Tôi phải đi ngay” và hỏi tên người bạn, hẹn chỗ gặp lại. Anh ta tên là Khôi và hẹn buổi trưa anh ăn ở dưới trại Tế Bần, đầu hàng Bột. Liêm nhảy tàu điện, xuống chợ Hôm tìm đến địa chỉ đăng cần thợ. Đó là một tòa báo, đặt trong ga-ra một biệt thự, phần ngoài kê hai bàn viết, phần trong là chỗ xếp chữ và đặt một máy in nhỏ. Anh xếp ti-pô, thử nghề Liêm và nhận vào ê-kíp, lương theo lối chấm công: “Nếu báo ra đều đặn không hết tiền hay không bị đóng cửa thì lương anh một tháng khoảng chín trăm đến một ngàn. Chủ nhật không nghỉ, báo ra cả bảy ngày. Anh nhận không? Bao giờ anh đến làm?” Liêm hẹn ngày hôm sau. Ra khỏi tòa báo, Liêm không biết mình phải đi đâu nữa. Vẫn còn một vấn đề phải giải quyết là tìm một chỗ ở, tránh những chuyện phiền phức với vợ Hỗ. Liêm nghĩ có thể điều đình về ở chung với Khôi.

Mười hai giờ trưa Liêm đến nhà Tế Bần. Ngoài trời nắng sáng nhưng vẫn còn mát. Bước chân vào phòng ăn, Liêm choáng váng mặt mũi mất vài giây vì mùi hơi người bẩn thỉu hôi thối lẫn lộn với mùi tanh tưởi lâu ngày của thức ăn vãi đổ đóng thành mùn trên gạch và gỗ. Phần đông thực khách là hành khất rách rưới ghẻ lở, một số phu xe và lao công ăn mặc tương đối lành lặn hơn, tất cả đều ngồi dưới đất hai bên những chiếc bàn dài thấp đến ngang bụng. Khôi ngồi tận mãi góc trong, Liêm phải đi len giữa hai hàng lưng người hở những mảng da cháy xám xịt như màu thức ăn trong các bát đĩa tiến vào. Khôi hỏi: “Được chưa?” Liêm gật đầu, Khôi nhích người nhường chỗ cho Liêm. Người bên cạnh Khôi là một lão hành khất, cánh tay chóc loét lèm nhèm màu thuốc đỏ ruồi bâu không thèm đuổi, cũng ngồi lui lại sau để mở rộng chỗ trống, lão cầm đũa và bát trên một tay, còn một tay kéo theo sát bên mình chiếc bị và cây gậy như sợ bị đánh cắp. Cơm và thức ăn đều nguội tanh, khó nuốt hơn cả cơm trong bót Catinat. Ở nhà Tế Bần ra, Khôi đưa Liêm sang Văn-miếu, ngả lưng ngoài thềm nhà thờ lát gạch Bát-tràng sạch sẽ và mát mẻ. Dưới sân cỏ, gần hàng mả đá xây hình mai rùa với những tấm bia to dựng đứng, hai anh học sinh chăm chỉ đi đi lại lại giữa mấy gốc cây học bài. Khôi cũng không có nhà, tối đến anh về ngủ trong trại Tế Bần. Anh nói anh sẽ đi làm nhưng chưa biết làm công việc gì, chắc chắn không thể vào công sở vì hồ sơ công an. Anh không có nghề chuyên môn, nếu có thể gọi được là nghề thì anh là nghề cán bộ. Anh quen đi họp, thảo luận, hoạt động, vận động dân chúng. Anh vỡ mộng vì thực tế. “Kháng chiến không còn nữa chỉ còn Cộng-sản. Tôi đã là đảng viên dự bị sắp được tuyên thệ thì bỏ trốn về”. Anh chỉ có thể làm cán bộ nhưng về đây làm cán bộ cho ai. Liêm nghe, hai tay khoanh đỡ gáy, ngửa mặt nhìn kèo cột và mái ngói có những tiếng chim kêu rúc vỗ cánh nấp ở trong. Sau cùng khi Khôi lặng im mơ màng như ngủ, Liêm nói: “Nhưng cũng phải kiếm việc gì làm mà sống chứ”. “Tôi không biết làm gì cả. Chữ không hay, nghề không có. Ai cần đến tôi? Có chỗ cần thì tôi không làm được vì người ta không cho tôi thấy lý tưởng”. Liêm nằm lim dim không thể thốt một lời khuyên nào nữa. Một anh học sinh mỏi chân đến ngồi ở đầu thềm xa, mắt vẫn dán vào quyển vở, và thiếp ngủ ngon lành lúc nào không biết. Mở mắt Liêm nhìn thấy dãy cửa gỗ đỏ đóng kín, phần trên có song khít trông qua vào trong tối om. Liêm bảo với Khôi mai mình đi làm, định cùng ở chung với Khôi nhưng như thế không thành, hỏi nếu muốn gặp lại thì tìm ở đâu, để lúc nào có chỗ ở riêng rủ Khôi về ở chung cho vui; Khôi bảo tìm thì xuống Tế Bần. Buổi chiều về gặp mặt vợ Hỗ khó đăm đăm không nói lời nào. Tối Hỗ phải trực. Trong bữa cơm Liêm báo tin đã tìm được việc, Hỗ vui mừng bảo vợ phải làm gà ăn khao chú Liêm, vợ Hỗ không nói gì cả. Khi Hỗ đã đi khỏi, Liêm sửa soạn ra ngoài sân nhà thương, vợ Hỗ đón hỏi: “Chú ghét tôi lắm phải không?” Liêm chối: “Không, tôi chịu ơn anh chị. Khi nào tôi lại thế. Không có anh chị tôi chết đói từ ngày mới ra Hà-nội kia”. Vợ Hỗ ngồi xuống ghế và bật khóc thút thít một cách mau chóng. Liêm bối rối ngồi theo xuống ghế đối diện, trông chừng ra cửa sợ người vào bất ngờ. “Có phải chú có việc và chú sẽ đi ở chỗ khác không?” “Vâng. Tôi chẳng muốn làm phiền mãi anh chị. Tôi định khi nào tìm được chỗ ở tôi sẽ thưa với anh chị”. “Làm phiền tôi. Từ ngày chú về ở, tôi cảm thấy đời tôi đỡ buồn tẻ, đỡ khổ hơn. Chú không biết hay sao?” Liêm nhấp nhỏm đứng lên, không biết phải ăn nói thế nào. Vợ Hỗ cúi gầm mặt, kể lể nho nhỏ những nỗi thống khổ của kiếp làm vợ: “... Tôi xảy thai là vì bị anh ấy đánh. Chú không biết…” Liêm không nói gì cả, đi ra đứng tựa cửa. Trên một khung cửa sổ cao, một người nghiêng đầu nhìn xuống sân. Mấy tối nay tiếng súng đại bác nổ nghe gần hơn, tiếng động cơ không rõ của phi cơ cất cánh ở phi trường hay xe hơi chạy ngoài đường cái. Khi Liêm liếc nhìn phía sau, vợ Hỗ đã vào trong buồng nằm nín tiếng từ lúc nào. Liêm khép cửa bước vào trong bóng tối, đi theo những lối đã thuộc lòng. Sài-gòn đã quá xa, Hạnh cũng quá xa. Mai tôi bắt đầu đi làm và bắt đầu một đoạn sống khác chưa biết dài đến bao giờ. Có những gì thay đổi? Gió từ những bãi ruộng xa thổi vào thơm mát. Tôi cũng vẫn bấp bênh như lúc mới lớn lên không rễ buộc. Sẽ đi ở chỗ khác và chưa biết đến dịp nào có phương tiện trở lại Sài- gòn. Liêm trở về nhà, đèn ngoài vẫn thắp sáng nguyên, dón dén dọn chỗ ngủ của mình ở đi-văng buồng ngoài rồi tắt đèn. Nửa đêm Liêm hốt hoảng choàng thức dậy thấy mình bị ôm ghì bởi người khác. Một nửa mặt đàn bà đè chặt lên mặt, mái tóc dài sổ rơi nặng trên vai, hai cánh tay ôm vòng giữ đầu, hai chiếc chân dài quặp giữ lấy chân; cả tấm thân cựa quậy rẫy rụa chậm chạp với tiếng rít âm ỉ sau hàm răng nghiến, hơi thở nóng như người sốt. Liêm ngộp hơi, cố cựa mình lách ra khỏi sự đè ép nhưng không thoát. Liêm tỉnh trí lại, nằm thẳng, nghe một bàn tay với những móng dài vuốt ve xxxxxx run rẩy và Liêm thở, rồi thấy tay chân mình cũng bắt đầu cử động đáp ứng mỗi lúc một thêm tàn bạo cho đến lúc Liêm lật mình nằm lên... Không phải là một giấc mơ, người đàn bà vẫn còn nằm gối ngang trên ngực, tóc phủ cả lên miệng, bàn tay mềm nhũn vẫn ấp trên xxxxxx nhớp nháp, há miệng thở. Mãi đến gần sáng, khi xe đã chạy ngoài đường cái, vợ Hỗ mới chịu trở vào giường trong. Liêm xuống nhà rửa mặt, gặp vợ Hỗ đã ngồi bên bếp đun nước. Chị ta thản nhiên nhìn Liêm cười lẳng lơ nhưng không nói một lời nào. Liêm đi làm trước khi Hỗ về đến nhà. Buổi sáng hơi lạnh ủ kín những ý nghĩ. Không còn cách nào khác hơn, bỏ đi càng sớm càng tốt. Liêm đi vòng sang chợ Bạch-mai để lên tàu điện, đến nhà in sớm nhất và phải đứng ngoài cửa. Anh xếp ti-pô hài lòng, đưa Liêm vào giới thiệu với những người trong ê-kíp. Ông cụ San tóc bạc trắng, đeo kính lão; Tuất người trông vạm vỡ lực sĩ; Hải trắng trẻo nho nhã; thằng Long láu táu khoảng chừng mười sáu mười bẩy. “Còn tôi là Ngọc”, anh tự giới thiệu. “Làm ăn tử tế thì bọn này cho nhập đảng”. Cả bọn phá lên cười và ông cụ San đùa: “Đằng ấy đừng đi theo bọn nó mà hư”. Buổi trưa Liêm theo thằng Long ra chợ Hôm ăn cơm và hỏi nó xem có biết nhà cho thuê hay chỗ trọ giới thiệu, Long bảo về hỏi Hải, Hải hứa sẽ để ý giúp. Chiều khi Liêm từ chợ Bạch-mai đi bộ về đến nhà thương trời đã tối. Cơm đã dọn, vợ chồng Hỗ ngồi đợi, mâm cơm có món gà quay khao Liêm. Hỗ uống rượu, cười đùa vui vẻ, đề nghị Liêm lĩnh lương nên tìm mua cái xe đạp đi làm cho tiện, tháng này chưa phải giả tiền cơm vội. Vợ Hỗ gắp món ăn tiếp Liêm một cách tự nhiên: “Chú ăn đi. Làm khách thế”. Mấy hôm sau, Liêm lại nhắc Hải ý định tìm chỗ ở của mình và Hải bảo nếu Liêm thích có thể về ở tạm nhà Hải ở trong xóm Chùa Vua. Buổi trưa Liêm theo Hải về nhà cho biết, gia đình Hải chỉ có hai mẹ con ở trong một gian buồng nhỏ cạnh bếp một ngôi nhà gần bãi đất trống cỏ hoang rác rưởi và một ao rau muống; bà mẹ bán bún riêu bánh đúc, bánh khoái, chè đậu đen tùy theo mùa, Hải ngoài giờ đi làm tối đạp xe theo học lớp tối của Hội Phụ-huynh Học-sinh. Hải đề nghị Liêm sẽ ngủ chung luôn với mình trên bộ phản rộng, bà mẹ Hải ngủ trên một chiếc trống nhỏ gần ngay cửa vào. Tối hôm ấy Liêm báo với Hỗ ý định đổi chỗ ở của mình, nại cớ đi làm quá bất tiện. Hỗ vui vẻ bảo: “Ngày nghỉ xuống đây chơi đổi không khí”. Vợ Hỗ không tỏ thái độ nào, chỉ cười tủm tỉm, trái lại sáng hôm sau còn nằng nặc đòi sách va-ly hộ cho Liêm ra cổng nhà đón xe xích-lô. Chị ta hỏi: “Chú ở một mình?” “Không, tôi ở nhà một người bạn làm cùng ở nhà in”. Liêm mang va-ly đến nhà in, trưa mang về nhà Hải. Bà mẹ Hải thổi cơm cho cả Liêm ăn, mỗi tháng Liêm đưa năm trăm cả tiền ăn ở. Những ngày đầu tiên mới đến, buổi tối khi Hải đi học, Liêm ngồi nói chuyện với bà cụ. Bố Hải là Việt-nam Quốc-dân-đảng bị thủ tiêu năm 45, các anh Hải đều còn ở hậu phương theo kháng chiến, người chị gái duy nhất của Hải mắc bệnh lao mất năm ngoái mới có hai mươi hai tuổi, Hải mười tám. Bà cụ kể chuyện với giọng thầm thầm ẩn nhẫn, không than thở không oán hận, mắt tối mờ trong những đau đớn hành hạ của số mệnh trời đất, giữa tiếng ếch nhái kêu om ngoài bãi, tiếng huyên náo của hàng đoàn trẻ nít còn reo hò chạy đuổi tít trước đền thờ Hai Bà và bóng tối mù mịt của xóm không điện. Hải trở về, bóp chuông xe chạy vào sân, nhiều hôm đến lúc ấy mới ăn cơm, thắp ngọn đèn dầu lớn đặt lên phản, kê chiếc ghế đẩu đã cưa chân ngồi ngay lối cửa đón gió lấy phản làm bàn học. Liêm nằm trên phản nghe tiếng động của nhà quê ở bên ngoài, đập muỗi, thỉnh thoảng đáp một câu hỏi của Hải hay của bà cụ. Bốn năm giờ sáng bà cụ đã lục đục dậy nấu bún hoặc làm bánh và Hải theo mẹ giúp một tay mang theo quyển sách ngồi đọc bên bếp lửa lớn. Bà cụ nói: Mày học vừa vừa chứ, không thì lao sớm. Tao già rồi không sao. Cuối tháng bà cụ nhất định chỉ nhận bốn trăm của Liêm.

Một buổi sáng chủ nhật rảnh rỗi, Liêm xuống nhà thương Bạch-mai thăm Hỗ. Hỗ đi vắng và vợ Hỗ nói: “Tôi tưởng chú không thèm về chơi nữa”. Vợ Hỗ đang thổi cơm, giữ Liêm ở lại đợi chồng cùng về ăn cơm. Hơn mười hai giờ Hỗ vẫn chưa về, vợ Hỗ dọn cơm ra và bảo cứ ăn trước để phần cho Hỗ. Cơm xong Liêm muốn về nhưng vợ Hỗ giữ lại bảo đợi thế nào Hỗ cũng phải về, và dẹp giường cho Liêm nghỉ lưng. Lúc ấy đầu mùa hè, trưa nắng gắt, Liêm nghĩ ngại quãng đường bụi bậm. Rửa bát xong, vợ Hỗ lên đóng cửa ngoài lại che ánh nắng chiếu xiên vào đến đi-văng Liêm nằm và bảo: “Chú vào trong nằm cho mát. Nhà gạch hoa tôi đã lau sạch”. Liêm đi vào sau bếp xối nước rửa mặt, trở ra thấy người đàn bà xổ tóc nằm nghiêng trên gạch nhìn nói: “Chú đóng hộ tôi cửa sổ với cửa ngang”. Buồng tối xầm lại như đầu óc Liêm và Liêm bước chập choạng tới chỗ thân người đàn bà nằm vươn dài trên một nền nhẵn trơn không mảy bụi. Người đàn bà lần này không hung dữ trâng tráo như trong đêm, trái lại đầm thắm dịu dàng khuất phục một cách êm ái. Hỗ không về, đến tối mới về. Liêm không nói gì, nhưng vẫn nằm lại để mặc cho bàn tay người đàn bà vầy nghịch xxxxx . Khi Liêm về đến nhà in đã trễ giờ, Ngọc hỏi: “Anh đi đâu thế?” Liêm nói thác vì gặp người thân cũ của gia đình. Đầu óc hoang mang, Liêm nghĩ: mình cần, mình cần... Những đêm mùa hè dài, ngột ngạt và nhầy nhụa. Tấm phản dội nước bị hút khô ngay trong năm phút. Bà mẹ Hải quạt phành phạch suốt đêm. Ánh đèn của Hải ngồi học loá mắt và nóng nực. Ở bên ngoài tiếng chân bước nặng nề tiếng xì sồ của lính Tây ra vào quanh xóm kiếm gái. Trong giờ làm việc mọi người đều cởi trần kể cả anh cò sửa bài, chỉ trừ ông chủ báo người xương sầu lúc nào cũng cổ cồn cà-vạt, lưng áo sơ-mi ướt như nhúng nước. Một buổi sáng đang làm việc, Liêm nghe anh thấy cò gọi có người nhà hỏi thăm. Liêm vẫn còn cầm trên tay cái dẻ chùi chữ đi ra thấy vợ Hỗ đứng tận ngoài cổng biệt thự. Mắt chị đỏ hoe, mặt hốt hoảng, bảo: “Anh Hỗ bị bắt rồi”. “Tại sao thế?” “Tôi cũng không biết”. Liêm đứng ngẩn trên hè nhìn xuống chiếc rãnh đang rỉ chảy nước. Vợ Hỗ bảo bây giờ đi lên Công an hỏi thăm tin tức và hẹn trưa sẽ quay lại gặp Liêm. Vợ Hỗ cẩm khăn tay lau một vết nhọ dầu trên ngực Liêm một cách âu yếm. Liêm không còn thể hiểu nổi mình, khi Hải hỏi: Ai đấy? Liêm đáp: Người nhà bị bắt. Trưa tôi không về ăn cơm. Trưa vợ Hỗ đòi Liêm đưa vào hiệu phở, nói cho biết chưa được tin tức gì rõ rệt, chiều chị sẽ trở lại nữa, rồi săn hỏi về công việc và chỗ ở của Liêm và bảo: “Chú đừng làm gì bậy. Chú mà bị bắt nữa là khổ tôi”. Trong hai tiếng đồng hồ, Liêm phải dẫn vợ Hỗ lang thang trong những phố rợp, thỉnh thoảng ngồi lại trên những thềm nhà cửa đóng. Vợ Hỗ băn khoăn không hiểu lý do bị bắt của chồng. Sáng hôm qua anh lên phố không thấy về và sáng nay có người xuống cho hay tin anh bị bắt. Đến chiều vợ Hỗ vẫn đón Liêm ở đầu ngã tư gần nhà in. Thoáng nhìn thấy bóng, Liêm bảo Hải: Tối nay tôi không về nhà, cậu nói với bà cụ cho tôi. Và Liêm đi tới, trong khi vợ Hỗ quay lưng lại làm như không chú ý. Chị nói: “Vẫn chưa có tin gì cả”. “Bây giờ chị về đâu?” Không có tiếng đáp, Liêm vẫy một chiếc xích lô và kéo tay người đàn bà lên. Mùi hôi nhễ nhại trên tóc cổ lưng, hơi nóng như lửa chiều. Phải có một chỗ để nằm, một chỗ kín đáo để nằm. Liêm hỏi: “Đi đâu?” “Đâu cũng được”.


No comments:

Post a Comment