26/11/2024

Ung thư phần thứ ba - Chương III


– Chú Liêm này, tôi có mang. 

Câu nói không gây ngay xúc động, lẫn trong tiếng ve sầu kêu ran theo hàng cây dài ngoài phố vắng trong buổi chiều đã thật tối. Đầu óc lười biếng, mồ hôi khô rít trên da trần, lưng nằm ngửa trên nệm giường nhầu nhẽo nóng bức. Không một cơn gió, đám lá cây ngoài cửa sổ với ánh điện đường mờ nhạt vừa bật lên lấp ló im phắc. Vợ Hỗ không nói thêm và câu nói đã mất hút không còn chút vang động nào. Màu trần vôi trắng nhiều vết hoen lang vàng khé, những vết lở lói của vôi, vỡ từ ngày nào, nhòa lần vào bóng mờ của gian phòng. Tôi có mang, một đứa con, Hỗ bị bắt, một đứa con với vợ Hỗ. Những ý nghĩ diễn qua lặng lẽ rửng rưng như bầu không khí buổi chiều mùa hè trong một phố khuất không tiếng xe cộ, không tiếng trẻ con nô đùa. Người đàn bà ngồi nhỏm lên, bởi lại đầu tóc, da thịt nhễ nhại toát ra một hơi thở nồng khó chịu; hai cẳng chống lên, đầu cúi, lưng nghiêng về đằng trước, cặp vú hơi chảy xệ đụng vào bắp đùi. Liêm với tay, tuột đầu khỏi gối, đặt lên chiếc bụng da căng không có một dấu hiệu nào khác lạ, hỏi: “Mấy tháng?” “Hai tháng” “Đúng không?” Người đàn bà cười rúc một cách vô duyên, buông mình ngã xấp lên người Liêm. “Còn phải hỏi nữa. Con mình chứ con ai”. Con mình, không bao giờ tưởng tượng ra như thế. Rồi làm sao? Vợ Hỗ không đả động gì thêm nữa, mải lo đùa nghịch. Liêm lạnh mình, chợt nghĩ: bây giờ Hỗ nằm ở đâu? Liêm du người đàn bà sang một bên, “làm đau người ta, bắt đền bây giờ”, bảo: “Đi ra bờ Hồ cho mát”. Vợ Hỗ phụng phịu xong cũng ngoan ngoãn chiều ý. Xuống dưới đường, Liêm quay cổ nhìn vào khách sạn trong khi vợ Hỗ cẩn thận buộc chiếc chìa cửa khóa phòng vào khăn mù-xoa. Trên tấm bảng hiệu treo một bóng điện vàng bám bụi và muỗi, trên đầu bờ rào dặng giây thép gai với cọc sắt như trại lính. Đi vài bước bờ hè đã tối ngay dưới bóng những cây me già. Vợ Hỗ hỏi: “Đi đâu?” Liêm nghĩ giá vợ Hỗ ở lại trong buồng, được thong thả một mình sướng hơn. Xung quanh bờ Hồ đông người dạo mát, các quán nước đều chật khách, những chỗ cỏ tốt đều có người chiếm. Vợ Hỗ sung sướng ra mặt, “anh ấy chưa bao giờ đưa tôi đi hóng mát bờ Hồ buổi tối”, chị ta nhìn ngắm những người qua lại tò mò. Đi qua đoạn đường sáng, bến tàu điện đầu bờ Hồ, vợ Hỗ nhìn chăm chăm vào mặt Liêm hỏi: “Thích không? Có con thích không?” Ngồi xuống bờ cỏ bên bờ hồ, chỗ tối, Liêm gọi mua kem vừa ăn vừa nhìn mặt nước lấp loáng đằng xa, nghe tiếng vọng của máy phát thanh từ bên kia bờ hồ. Vợ Hỗ vẫn nói luôn miệng những chuyện đâu đâu. Thích không? Có con thích không? Tiếng xe, tiếng chân bước, tiếng cười nói vắng dần, chỉ những quán nước còn tụ tập được khách. “Bây giờ hết tàu điện về Bạch-mai rồi nhỉ”. “Hết lâu quá rồi”.  Liêm nghĩ sợ đêm nóng bóc ngột ngạt này, giấc ngủ sẽ bị khuấy động từng lúc vì người đàn bà, chắc chắn như thế, trong gian phòng chỉ có chiếc giường nệm là chỗ nằm được. Vợ Hỗ phải giục hai ba bận Liêm mới chịu đứng lên. Ở đầu ngã tư, Liêm giữ người đàn bà đứng đợi cho hai ba tên Lê-dương say đi với gái vào khách sạn một lúc lâu rồi mới tiến tới. Vợ Hỗ lúi cúi mở khóa còn Liêm nhìn bâng quơ những cánh cửa đóng, chữ số viết bằng sơn trắng trên gỗ. Bước chân vào buồng, quờ quạng trong tối, Liêm có cảm tưởng vào trong nhà tù. Liêm ngồi ngây trên giường như người mất hồn, ánh điện bật lên trơ trẽn. Vợ Hỗ đứng rửa mặt trước tấm gương ố góc phòng mỉm cười khi lau mặt và cởi cả áo cánh mặc ngoài bỏ nửa thân trần. Nhìn mắt Liêm, đột nhiên người đàn bà quay mặt gắt: “Cấm nhìn người ta” rồi chạy đi tắt điện. “Bức quá, cởi quần áo ra cho mát” và trong bóng tối tràn ngập Liêm nghe người đàn bà chậm chạp cởi bỏ nốt những gì còn lại mang treo lên mắc rồi thong thả đi về phía Liêm ngồi. Liêm không thể cưỡng được những cử động, cũng tự động trút hết áo quần trên người. “Như thế này có phải sướng không”. Vào khuya Liêm nghe hàng quà rao không phân biệt được rõ tiếng dưới đầu phố, anh lính Tây say hát lè nhè qua ngoài cửa buồng, súng nổ âm rền một góc trời xa trong không khí lặng thinh không cản trở. Liêm chợt nhớ đến Bích, tôi về Hà-nội đã nửa năm. Nửa năm giời, ý định trở lại Sài-gòn đã quên khuấy. Tại sao khi ở Sài-gòn mười năm không khi nào có cảm giác tạm bợ nhất thời, còn ở đây trong thành phố này cứ thấy như mình bập bềnh trôi nổi? Nằm bên cạnh tôi lúc này, không phải là anh chàng thanh niên chán đời ngày mới đặt chân xuống đất Bắc, một người đàn bà cũng mệt mỏi rã rời và một đứa con của tôi đang thành hình trong bụng. Vì đời sống tan nát vây quanh chăng? Bà mẹ Hải với hai đứa con trai lớn theo kháng chiến không biết mất còn, đứa con gái mệnh yểu và ông chồng mất không kiếm thấy xác. Và Khôi, Khôi không biết đã tìm được công việc làm chưa hay còn ở nhà Tế Bần. Thành phố này thật nhỏ thật xa. Hỗ bị bắt và vợ Hỗ nằm đây. Liêm đi ra cửa sổ nhìn xuống phố đang trong giờ giới nghiêm. Một con chuột chạy nhởn nhơ ra vào ở một lỗ cống gần bãi rác dưới ánh điện vằng vặc. Những mảnh chai nhọn cắm dài trên đầu tường. Tôi đã trông thấy những gì, nghe thấy những gì? Tại sao thế? Ngày mai nhìn từ thành phố này rắc rối bất trắc. Sài-gòn yên ổn, dễ dãi và đơn giản cách xa mấy ngàn cây số. Liêm đói bụng, quay trở vào giường, không thể ra chợ kiếm thức ăn bất cứ giờ nào như ở Sài-gòn. Trong giấc mơ, Liêm thấy mình trở lại Sài-gòn, gặp Hạnh và Hạnh bồng một đứa con đứng trước cửa quán, Sài-gòn chỉ còn nhà cửa đường phố không như trong những ngày bom Nhật.


Sáng Liêm thức dậy sớm nhưng người đàn bà còn ôm giữ lại, “còn sớm mà”, rốt cuộc đầu Liêm nặng như khối chì đặc. Người Liêm ráo hoảnh, nổi gai trong buổi sớm không gió. “Tôi về trước. Chị ở lại về sau”. Như buổi sáng nào, Liêm ra khỏi khách sạn một mình, đi bộ về chợ Hôm ăn quà sáng. Hè phố còn vắng và dơ bẩn, trời mùa hè trắng như trần nhà. Chưa đến tám giờ đã bắt đầu thấy nắng. Ở nhà in, Hải hỏi: “Đêm qua anh ngủ đâu?” “Ở nhà người quen. Đi tìm chỗ vận động cho cái anh bị bắt”. “Được không?” “Chưa biết”. Buổi trưa về nhà, mẹ Hải cho ăn bún chả khai trương món hàng mới của bà. Cơm nước xong bà bỏ ngủ trưa vội gánh hàng ra phố. Gần đến kỳ thi, Hải xanh xao gầy sút trông thấy. Vợ Hỗ vẫn lên xuống, bụng mang mỗi lúc thêm rõ, Hỗ vẫn chưa được thả. Ngày nào Hỗ về không còn được tính tới nữa. Chủ nhật Liêm về nhà Hỗ ở cả ngày, vợ Hỗ bảo: “Chú về nhà cho có đàn ông để họ đỡ bắt nạt tôi, nhà thương đang muốn đuổi nhà”. Liêm cười, nghĩ cứ tình thế này kéo dài không biết mình sẽ đi đến đâu. Hàng xóm chắc cũng biết chuyện, Liêm có ngượng nhưng thấy vợ Hỗ thản nhiên cũng yên tâm. Một hôm trong bữa cơm, mẹ Hải bảo: “Cả hai cậu dạo này đều xanh đấy. Phải giữ sức mới được”. Liêm soi gương chỉ nhận thấy mình già hơn nửa năm trước. Hải thức đêm mỗi lúc một khuya hơn, mặt mày hốc hác ngơ ngác trong tội nghiệp. Liêm khuyên Hải không nên cố gắng quá và Hải nói: “Tôi phải học như đi ăn cướp vậy. Không cách nào khác hơn anh tính nếu tôi muốn thoát khỏi cảnh ngộ của tôi”. Liêm tự hỏi: còn tôi làm cách nào thoát khỏi được cảnh ngộ của tôi? Làm cách nào? Cuối cùng vợ Hỗ cũng phải dọn nhà ra khỏi nhà thương, thuê một gian nhà lá ở Kim-mã trong một ngõ dốc bên đường tàu điện Ô Cầu-giấy. Con đường nhỏ lát gạch như đường vào làng chạy giữa những bụi chuối, bụi dứa dại xanh mát, nhà ở trước một ngôi từ đường đổ nát nàng bị các gia đình lao động xâm chiếm chia nhau thuê từng buồng trừ gian chính cửa vẫn đóng ỉm bụi bậm. Về đây Liêm không còn sợ ai dòm ngó và mỗi tháng ngoài bốn trăm đưa cho mẹ Hải, Liêm còn phải đưa cho vợ Hỗ ba trăm. Mặc dầu vợ Hỗ khuyên Liêm nên về ở chung đỡ tốn, Liêm không chịu, bảo: “Thế nào anh ấy cũng còn về chứ”. Nhưng Liêm vẫn lui tới thăm nom, sờ tay lên bụng người đàn bà nghe cái thai mấp máy. Và chờ đợi những ngày tháng sắp tới trong tâm trạng ù lỳ buồn bã. Những ngày tháng sẽ tới trong thành phố ngợp ngụa lạ hoắc mà khi trở về tôi tự nhận là quê hương của mình.


Nắng chợt tắt nhanh, gió thổi là trên mặt cỏ. Chỗ Đồng nằm là khoảng cỏ thoải nhiều gốc cây giữa hai con đường, dưới lưng một lớp lá khô ròn. Trong đám cỏ nhìn sát được phóng lớn, những con kiến đen bóng chạy loăng quăng không thành đường, một con leo bò dọc theo cánh tay duỗi, gân phồng ở dưới lần da, buồn buồn. Thật xa cùng trên giải cỏ, chỗ nghiêng vòng thấp hơn, hai thiếu nữ áo trắng ngồi trên hai chiếc nón mở ngửa dưới hai gốc cây đối chếch bứt cỏ chuyện trò. Họ vừa từ trong Nha Học-chính ra, dựa xe dưới đường thấp lên ngồi đấy; có lẽ họ đi lấy phiếu báo danh, lát nữa họ sẽ vòng xuống Cổ-ngư ăn bánh tôm. Buổi chiều êm mát lười biếng trong vườn, nắng không lên nữa. Gió đang bắt đầu bốc lên cao, trên các con đường không tiếng động nào khác hơn những chiếc lá khô cuốn chạy. Sắp mưa, những trận mưa rào giông gió sẽ dập tắt mùa hè. Mùa hè như tiếng cười trong sắp sửa trôi xa, đôi bạn gái đã đi khuất sau các gốc cây lên xe đi. Hai chiếc xe, bàn đạp quay ngược từng nửa vòng một, từ từ qua ở con đường dưới họ im lặng cùng quay đầu nhìn lên chỗ mình đang nằm. Hắn đang mơ mộng những gì? Hết cả hình ảnh để mơ mộng, trừ nỗi cô đơn gói kín. Nỗi cô đơn của một thời gian quay vòng tròn, trói khít dần. Éternel retour. Đồng đứng lên phủi quần áo, dắt chiếc xe đạp dựa gốc cây, đẩy lên đường trên, đạp ngược dốc về nhà. Dốc là acte sexuel, mặt hồ xanh biếc dưới xa tít nhìn ngắm hằng ngày là cái bộ phận của người đàn bà, vừa vượt dốc vừa thở và nhìn hồ Tây; Trí óc đang hư hỏng dần như cái máy chạy không. Gió thổi ngược ào ào như trận mưa đã tới, chiếc xe đạp chao nghiêng muốn đứng im. Đồng đứng nhỏm lên khỏi yên xe, hai tay nắm chặt, môi bậm lại, nhấn bàn đạp. Tiếng người gọi nhau ơi ới trong các sân nhà lan truyền, cây gạo Quảng-bá đã chìm mau vào màn mưa trắng. Đồng đẩy xe chạy mau xuống lối dốc sau nhà, đập cửa thình thịch, chỉ nghe tiếng thở dồn lùng bùng trong tai. Cánh cửa bật mở tự động, Đồng nhấc xe qua cửa, nhẩy lên yên đạp lách qua các gốc cây, đầu cúi thấp tránh những cành cây xòa chắn ngang. Vào đến sân gạch tiếng chó sủa quẫng ngoài cổng trước cùng tiếng mưa bắt đầu rơi lộp độp trên ngói, náo động. Đồng cho xe chạy thẳng vào nhà ngang, chỉ gặp u già đang loay hoay xếp mấy mẹt cau khô vừa bưng cất. Đồng nghe tiếng gọi của chị Đạo ở nhà trên: Có người hỏi cậu ở ngoài cổng; chị ngồi ở bực cửa trên thềm tay cầm quyển truyện tóc vừa gội còn rũ hong. Đồng đứng thở nghỉ mệt nghĩ: còn ai đến tìm mình. Ai đến tìm mình nhỉ? Mẹ Đồng tay che tóc, chạy vào suýt vấp vào hai con chó theo bén gót, mắng: Tiên nhân cha con đẻ mẹ mày... Không biết Đồng đã về, bà lên ngay nhà trên, chị Đạo hỏi: Ai hỏi gì đấy cụ? Mưa trút ào ào át hết mọi tiếng động khác, Đồng nhìn lên chỉ thấy mẹ đang đứng nói chuyện với chị Đạo. Chị Đạo đứng lên, chỉ tay về phía Đồng, bà quay lại giơ tay vẫy gọi. Đồng nhe răng sua tay lắc đầu, cố sức la lớn: Con không nghe gì cả. Bà bước ra đầu thềm gần lối xuống nhà ngang, chị Đạo đi theo một tay vẫn cầm quyển sách, một tay vuốt đuôi tóc, chỗ ấy ống máng đổ nước xuống ào ào dẫn vào cái bể đầu nhà. Chị Đạo nói to: Cụ bảo... Thạch... Đồng bắc loa tay vào miệng: Để chốc nữa con lên, rồi cười đi vào ngồi xuống cái ghế con nhặt một miếng cau trong mẹt cọ răng. U già ngẩng lên bảo: “Cậu hút thuốc nhiều quá. Tay vàng hết”. “Cả ngày ngồi một chỗ buồn quá”. “Các cậu ấy đi đâu cả không thấy xuống chơi nhà nữa. Còn cậu Thạch dễ đến cả năm không thấy về”. “Bây giờ người nào có công việc nấy, đâu như dạo còn đi học nữa u”. U già bỏ dở câu chuyện, đi lại bếp ghế nổi cơm. U vừa vần nổi cơm trên bếp vừa hỏi: “Tại sao mợ Đạo ra vào luôn được mà cậu Đạo không về chơi nhỉ, cậu Đồng?” Đồng cười: “U lẫn thẩn. Ai người ta cho về. Mà cậu Đạo cũng sắp về u khỏi lo”. U nghiêng đầu, hấp háy đôi mắt kém hỏi: “Sắp yên rồi hở cậu Đồng?” Đồng gật đầu, vứt miếng cau sơ ướt ra sân. Mưa đã vợi nhẹ nhưng trời tối xầm, sans amour et sans haine, mon coeur a tant de peine. Đèn nhà trên đã thắp, mẹ ngồi trên phản với cháu ngồi giữa hai chân tay đang múa may. Chị Đạo có lẽ đã lên nằm ở võng. Đồng sách chiếc nón lá của u già đội lên đầu, chạy ù qua sân, nước bắn tung tóe. Mẹ Đồng ngửng lên nói: “Cậu Thạch cho người nhắn về cậu ấy bị thương nằm trong nhà thương Bạch-mai”. Đồng khựng lại ở ngưỡng cửa, cúi đặt cái nón xuống đất, vuốt lại tóc. Một lát hỏi: “Có nặng không mẹ?” Bà bồng cháu đứng xuống: “Tôi cũng không biết. Mai cậu có vào thăm cho tôi đi với”. “Phòng số mấy hở mẹ?” “Vội quá tôi cũng quên không hỏi”. Đồng nói: “Mai mẹ đừng đi, xa lắm. Để con xuống trước đã” và Đồng vào buồng thay quần áo, nằm dài trên giường. Trên đầu giường quyển La chute de Paris, trang đầu có chữ ký của Cảnh với An, nằm dưới cùng chồng sách. Mưa đã tạnh, Đồng cũng không mở cửa sổ buồng, bóng tối đặc quánh dần trong mắt. Trong bữa cơm chị Đạo hỏi Thạch là ai, mẹ bảo bạn học của Đồng. Tại sao lại đi lính cho Tây? Cậu ấy bị động viên. Bao nhiêu người bị động viên đều trốn, sao cậu ấy không trốn? Chị Đạo nhìn hỏi Đồng và Đồng chỉ cười. Không có ai thương nó cả, đáng đời nó, nó tưởng mình là anh hùng, anh hùng theo cái kiểu của nó. Nếu Thạch chết? Mai tôi xuống đến nơi, nó có thể chết rồi. Sau bữa cơm Đồng vào ngồi trước bàn viết, lật quyển sổ ghi những ý nghĩ vụn vặt hằng ngày từ khi đi làm. Câu trơ khấc, cộc lốc không nhớ được những cảm xúc phát sinh; những câu thơ chép lại, ý tưởng không đầu đuôi. Tôi già hay tôi trưởng thành? Trưởng thành là một ý thức, ý thức về mình về người và về sự vật một cách rõ rệt. Tôi không làm gì được cho Thạch và nó cũng bất cần. Đồng lên giường đắp chăn nghe mưa bắt đầu rơi trên mái.

Buổi sáng trời trong mát mẻ. Đồng dắt xe ra ngõ, mẹ Đồng gọi với theo hỏi có tiền mang theo ghé chợ Đồng-xuân mua cam cho Thạch. Đồng dựng xe trước cổng, quay trở vào bảo: “Cụ có tiền thì cho con thêm cũng được”. Bà mần mò mở cái túi vải đựng tiền, đưa cho Đồng một trăm, dặn dò: “Cậu nói tôi sẽ xuống thăm cậu ấy”. Đồng cười khì: “Sợ nó chết mất rồi”. Bà mắng: “Cậu chỉ độc mồm độc miệng”. Đường nhựa còn ướt như xe phun nước vừa đi qua. Xe đạp nhẹ hơn ngày thường, cây lá xanh tươi rậm rạp. Đường Cổ-ngư hàng phượng đỏ ối bên bờ nước thẫm. Còn lâu nắng mới lên. Biệt thự gia đình Nga không thay đổi, im lặng thâm nghiêm, các cửa sổ mở rộng, sau những đám lá trong vườn. Đồng tạt vào chợ Đồng-xuân, mua nửa cân cam, đèo sau xe và đến hiệu ảnh xin phép nghỉ. Cúc bảo: “Anh cứ đi. Tôi sẽ nói lại với chú tôi”. Cúc mặc áo dài xanh nhạt, nàng cũng vừa đến, mặt hồng hào khỏe mạnh hơn ngày mới hồi cư đến tìm ông chú để xin được giúp đỡ. “Cô phải trông hộ tôi mệt đấy”, “Không sao. Thứ bảy, chủ nhật anh giúp lại tôi. Tuần này tôi cũng có việc bận”. Đồng bặm trợn đùa: “Hẹn với ai thế? Cô dạo này trông đặc Hà-nội rồi đấy”. Cúc cười không tỏ vẻ khó chịu, cặp mắt liếc tránh vào phía trong. Tại sao không yêu Cúc nhỉ? Đồng nhớ trong một nhịp rung mau tâm trạng của người mới lớn, khoan khoái thảnh thơi. Tôi có thể làm thơ được. Và bây giờ thì sẽ đọc những bài thơ tình cho Cúc nghe, không giấu giếm sợ hãi để rồi ném theo dòng nước cuốn. Trên đường xuống nhà thương, Đồng đạp xe thong dong, từ lâu rồi, từ ngày Nga đi, mất cái thú đi chơi các vùng lân cận thành phố. Những ngày tháng chật hẹp, bất giác nghiền ngẫm một cách âm thầm. Con đường tàu điện ngắt lưng chừng giữa một khoảng đồng trống. Gió còn lùa nhưng nắng bắt đầu hé. Sau lũy tre xa, tiếng còi tàu Văn-điển mất hút. Xuống đến cổng nhà thương, Đồng mới nghe mệt rã rời. Gửi xe ngoài cổng, Đồng hỏi thăm, đi lòng vòng đến mười lăm phút mới tìm ra chỗ Thạch. Trong phòng hai giường, Thạch nằm quay đầu nhìn ra cửa sổ, một chân bó bột treo đặt trên một mảnh gỗ, Thạch như chợt thức giấc mở mắt nhìn Đồng và mỉm cười. Đồng ôm gói cam, đứng ngẩn ngơ quan sát bạn, nó không chết. Giọng của Thạch trầm yếu hơn lúc thường. Thạch chỉ Đồng kéo chiếc ghế sơn trắng pha màu xanh loãng đến ngồi gần. Đồng hỏi: “Thấy thế nào?” “Đỡ rồi. Đợi tuần sau tháo bột là xong. May không phải cưa là phúc. Hai hôm đầu mê man chẳng biết giời đất. Cậu nhận được tin hôm nào?” Thạch dẫm phải mìn ở Hưng yên, được trực thăng chở ngay về Hà nội, khi tỉnh là yêu cầu báo tin cho Đồng biết. Thạch nói đùa: “Làm gì mua quà như đàn bà đến thăm chồng thế”. “Của bà cụ. Bà cụ sẽ xuống thăm cậu”. Đồng nhìn quanh gian phòng, người nằm giường bên bó kín ngực và băng quấn quanh đầu che cả mắt. “Hắn có lẽ mù”. Đồng ngửi mùi ê-te phảng phất, mùi y dược sực nồng, chóng mặt. Đáng lẽ chỗ của tôi phải ở trong nhà thương này, cái không khí yên tĩnh biệt lập một màu trắng xóa giống như những ngày tôi đang sống, hợp với tôi. Ở đây lắng nghe bệnh trạng của mình, tha hồ đuổi theo những ý nghĩ, tưởng tượng.

“Có tin tức gì của Cảnh với An không?” Đồng lắc đầu, nếu nó không bị thương, nếu nó chết ngay tức khắc, tôi cũng chẳng hay biết. “Còn tình hình thế nào?” “Tình hình. Có gì thay đổi đâu. Cậu biết hơn tôi chứ”. Thạch quay nghiêng mặt ra ngoài một cách khó khăn: “Từ ngày đi lính như mù mắt. Chẳng hay biết chuyện gì cả”. Đồng sực nhớ cuộc gặp gỡ với Nghiêm và nói: “Cách đây một tháng tôi có gặp Nghiêm. Nhớ Nghiêm không? Có nghe hắn nói chuyện chính trị. Hắn bảo tình hình sắp sửa có nhiều chuyện lạ. Chiến tranh Đông-dương sẽ phải chấm dứt bằng hòa ước như Cao-ly và có thể mình cũng bị cắt đôi chia cho hai phe giống như Đức với Cao-ly. Ranh giới sẽ rõ rệt. Tình hình thế giới đẩy đến như thế. Hắn có hỏi thăm tôi về các cậu và bảo chúng mình nên hy vọng. Thời cơ sẽ đến với những người đang ở ngõ bí”. Thạch đưa tay xuống gãi chân hỏi: “Nhưng hắn, thái độ của hắn vẫn mơ màng như cũ hả? Vẫn cái lịch sử của dân tộc Việt nhai mãi hả?” “Hắn nói mình nghe, tôi cũng chẳng hỏi thêm. Cậu nghĩ thế nào?” “Lâu lắm tôi hết nghĩ rồi. Nghĩ cũng vô ích, vô ích một cách ghê gớm. Nói chuyện cậu đi”. “Tôi, chuyện tôi. Chẳng có gì đáng nói. Không còn cả chuyện yêu đương nữa”. Đồng tự chế riễu mình, nhăn mặt nhíu mày, Đồng hỏi: hút thuốc được không? và rút châm cho Thạch một điếu, nhặt một chiếc hộp các-tông để trên đầu giường làm gạt tàn. Không ai vào thăm Thạch, hắn sẽ phải nằm cả tuần lễ như thế này, với bô lót dưới mông, điều dưỡng giúp cho ăn uống, thay quần áo. “Mai tôi phải đi làm không xuống thăm được. Cậu cần gì không?” Thạch muốn có sách đọc, những sách gì Đồng đang đọc. Trời bên ngoài nắng lớn, Đồng ngại trở về, xuống trước cửa nhà thương ăn cơm trưa rồi lẻn trở vào với Thạch. Thạch mệt, nhắm mắt ngủ chập chờn chốc chốc lại hỏi Đồng một câu vu vơ, Đồng cũng ngồi ngủ gật trên ghế. Buổi trưa không cả tiếng chân người ngoài hành lang, nghe rõ tiếng một con nhặng vo ve lọt vào buồng bay quẩn cao ở trên trần, tiếng ve kêu ran ở hàng cây lấp sau dãy nhà song song đối diện. Thạch tỉnh táo hoàn toàn từ lúc nào và cũng như đang dỏng tai nghe ngóng tiếng động trưa nắng trong bệnh viện. Đồng bỗng nói: “Ngồi ở nhà thương gần người bệnh, tôi cứ nghĩ đến truyện của Tchékov”. Thạch hỏi: “Có ở nhà không? Cho tôi đọc. Tôi chưa đọc Tchékov”. Ý tưởng bất chợt đến Đồng nói: “Nhìn cậu, nghĩ đến bọn mình, tôi thấy giống như bọn thanh niên Nga hồi thế kỷ 19 mà Tourgueniev tả, idéalistes, utopistes mỗi đứa một cách. Đọc Gogol, Dostoïevski xong mới hiểu nổi Tchékov. Tchékov như sự rớt xuống tầm thường hay sự trở về đời sống hằng ngày cũng thế. Tôi chắc là cậu sẽ không thích Tchékov. Chỉ có một điều khác là bọn mình không phải là bọn aristocrates”. Thạch cựa quậy, chân bị đụng mạnh, nhăn mặt kêu khẽ và nhắm mắt đợi cơn đau dịu xuống: “Chắc không? Có chắc mình không phải là một bọn aristo không? Tôi nghĩ có khi mình là bọn aristo mới của cái xã hội đang phân hóa. Cậu có thể được chấp thuận vì cậu là poète, hả, còn như thằng An hay tôi hay thẳng Cảnh hả, nous sommes condamnés à mort, condamnés à se détruire... Tôi có ý nghĩ ấy từ lần trước khi tôi đưa một tên đồng đội về nhà thương này, gặp cái bọn cùng lớp với mình nội trú ở đây. Tôi nhìn bọn chúng, vẻ quan trọng của chúng trước đám bệnh nhân và thấy chính mình cũng có thể trở thành như thế. Chỉ một vài năm nữa thôi, nếu không có gì thay đổi, hả, cậu sẽ là poète nổi tiếng của nước này và ở mọi ngành khác đi đến đâu cậu cũng gặp bọn quen với cậu từ những năm còn đi học. Mình không phải là aristo còn là gì nữa? Cậu có thể nguyền rủa chúng nó, chúng nó có tức cũng chỉ cười, car nous sommes des amis, quoi?” Thạch mở mắt, nhếch mép cười hỏi: “Cậu có can đảm gọi tôi bằng phản động không? Không, chắc chắn là không. Chúng mình đồng lõa. Tôi hiểu rõ như thế. Cách đây mấy tháng tôi phải đứng dàn chào đón các phái đoàn chính phủ đến quan sát mặt trận có ông bố thằng An. Ông ta bắt tay tôi, nhìn tôi hồi lâu như cố nhớ, rồi ông ta hỏi: Mobilisé? Oui. Thiếu úy trước ở Hà-nội? Tôi bảo: Không, tôi chưa hề ở Hà nội. Ông ta đã nhìn thấy ở tôi cái dấu hiệu nào đó của sự đồng lõa với ông: cái marque Hà-nội. Cậu thấy không? Một ngày nào cậu cũng sẽ bị chúng nó bảo: À, thằng Đồng ấy à, cùng promo đấy mà, biết nhau quá. Cùng lắm có ghét cậu chúng cũng chỉ bảo: nó “tốc-kê”. Hòa cả làng” Đồng rung rung lưng ghế, tưởng như bọn An với Cảnh cũng có mặt trong buồng: “Mà tôi đã bảo đời nào tôi trở thành poète được. Jamais”. Người bệnh cùng phòng rên rỉ, Thạch bấm chuông gọi: “Cô y tá săn sóc bọn này khá lắm. Để cậu xem. Hắn bị cùng một lượt với tôi. Đêm nó rên nghe mới sợ”. Cô y tá vào đến bên giường Thạch, trong khi Đồng ra đứng tựa cửa sổ, lên tiếng hỏi: “Thiếu úy cần gì?” Thạch bảo: “Cô xem hộ tên kia. Vừa nghe nó rên”. “Ông thấy trong người thế nào? Ông uống nước không? Tối rồi ông nên ngủ cho khỏe”. Đồng cười thầm, trời nắng dịu trong, quay mình nhìn cô y tá đang cho bệnh nhân uống nước. Ngày vẫn còn dài, Đồng lại ngồi xuống ghế, bóc cam cùng ăn với Thạch. Thạch như quên lửng câu chuyện đã qua, nói chuyện khác: “Những cái chết vô nghĩa hằng ngày trước mắt, cảnh tang tóc khi ruồng trong các làng bỏ ngỏ, những cơn hung bạo của bọn dưới tay phải chấp nhận, đêm tối bơ vơ rình rập và bị rình rập. Cậu không thể tưởng tượng đến được. Cái nguy là tôi bắt đầu quen. Nằm đây nhớ mới chết. Tôi cũng mong như tên Nghiêm nói chấm dứt cho xong xem mình thế nào”. Đồng đưa khăn tay của mình cho Thạch lau miệng bảo: “Cái gì rồi cũng quen. Tôi thì bắt đầu quen với cái đời ngày hai buổi đi làm đều đặn. Không biết bây giờ thất nghiệp thì sẽ ra sao nữa”. Vào khoảng bốn giờ Đồng từ biệt Thạch và nói: “Lúc nào tôi rỗi, tôi sẽ vào hả. Đừng buồn. Cần gì nữa không?” Thạch dặn: “Cậu gửi cho tôi mượn Tchékov”.

Trên đường về, Đồng rẽ vào đường Cổ-ngư, ngồi bên hồ Trúc-bạch nhìn những lưng nhà lô xô men bờ mạn Quan-thánh và trong Ngũ-xã. Tôi đang ở phía sau của thành phố, thành phố mà Thạch cho là một dấu tích tủi hổ phải từ chối. Những giọng cười đùa trong trẻo phía xa, những cánh buồm trắng lửng lơ, những chiếc périssoires ở ngoài khơi hồ Tây... cả buổi chiều mùa hè quang đãng đang nhẹ bay này cũng đều là tội lỗi như những xúc cảm của tôi. Quá khích, nó vẫn là đứa quá khích. Lẩn quất ở ngoài hay ở trong những vang vọng quen của những câu thơ muốn thành hình, nhưng tôi nhất định không viết, và chỉ chốc lát sẽ tan hút vào đáy sâu của bản thể và bản thể sẽ tiêu mòn cùng ngày tháng. Jamais. Đồng bước vào nhà, cảm tưởng như đã đi vắng xa lâu ngày, phải trả lời những câu hỏi săn đón của mẹ. Sau bữa cơm Đồng chỉ dẫn đường đi cho bà và suốt buổi tối bà loay hoay sửa soạn làm giỏ như ngày hôm sau đi lễ đền chùa nơi xa. Chị Đạo bảo: “Để mai con đưa cụ đi luôn thể cho biết. Cho cả cháu nó đi chơi nữa”. Đồng bỏ vào buồng nằm nghỉ, giấc ngủ đến thật mau, bóp siết đằng sau lưng ê ẩm rời rã, Đồng không kịp dậy mắc màn.


Mùa hè đã hết. Những trận mưa rào cuối mùa không còn. Đêm tối vắng bặt tiếng ếch nhái trong đầm ao, bắt đầu nghe gió thổi nhẹ ngoài những bãi trống lùa vào nhà lay động màn ngủ và ngọn đèn dầu soi bài học cho Hải. Đã gần tuần lễ không xuống Kim-mā, Liêm như quên hẳn vợ Hỗ và cũng không thấy chị lên tìm ở nhà in. Liêm ngại trông thấy cái bụng đã trương phềnh, dáng điệu uể oải mệt nhọc của người đàn bà. Trong giấc ngủ Liêm nghe chập chờn tiếng đọc thì thầm hoặc tiếng ho húng hắng của Hải cùng tiếng trở mình thở dài của bà mẹ. Thường khi bà cụ hỏi: Đi ngủ chưa con, và Hải vừa đập muỗi dưới chân vừa trả lời: Chưa mười hai giờ mà mẹ. Buổi sáng ngày Hải đi thi, hai mẹ con dậy từ tờ mờ sáng. Bà đưa tiền cho Hải, nói với Liêm: “Hôm nay tôi khao hai cậu ăn phở. Anh đi ăn phở cùng với em cho vui”. Liêm đèo Hải trên xe đạp của Hải ra phố lúc trời còn nhọ nhem. Hải nói: “Anh đèo tôi đi một vòng chơi cho thoáng lấy tinh thần, chốc nữa vào làm bài”. Và Liêm đạp xe ra đường, bờ sông. Dải đê cao cỏ tối chạy dài như một bức tường. Đèn đường còn thắp nhưng ánh sáng tỏa xuống mặt nhựa đang tan. Gió từ sông thổi vào gợn lạnh. Đến cột Đồng hồ, Liêm vòng lại xuống bờ Hồ. Hải gõ tay xuống ghi-đông làm nhịp hát: kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt. Liêm rẽ vào đường Trường-thi, nhìn vòm cây xanh mát dài đến cuối tầm mắt. Hải chun miệng thổi sáo vang lừng. Những bông hoa ngày mai, đón tương lai vào tay. Những xuân đời mỉm cười ca hát lên... Ngưng hát Hải quay ngước lên nhìn mặt Liêm nói: “Tôi đỗ kỳ này, tôi sẽ phải tìm việc khác chiếm ít thì giờ hơn để học tiếp. Tại sao anh không cố học thêm?” Liêm bỏ một tay sờ hàm râu lởm chởm một ngày không cạo: “Tôi già rồi. Tôi bỏ học hằng chục năm nay. Chỉ tại cô Ái Liên. Hôm nọ thấy ảnh in trên báo cô ấy bây giờ già cú đế. Cậu còn trẻ, nhiều hy vọng lắm”. Hải gập người xuống, khuỳnh hai khuỷu tay chống lên ghi-đông nhìn thẳng trước mặt: “Mai kia xã hội mới, cách mạng rồi, anh sẽ phải học. Được học là sướng nhất. Đi học không còn là đặc quyền của bọn nhà giàu”. Liêm bảo: “Cậu trông tẩm ngẩm thế mà ghê hả”. Liêm dừng xe trước cửa hàng phở gần chợ hàng Da, Hải khóa xe cẩn thận trước khi vào. Trong hàng phở, Hải không nói thêm gì nữa. Liêm vừa ăn vừa ngắm Hải cũng vui lây vẻ hy vọng cương quyết. Liêm nghĩ: mình đã dại bỏ về Bắc, chỉ cần một lòng tin và hoạt động với những người thân sẽ có đủ mọi thứ. Liêm không hiểu mình đang buồn hay vui. Ở hàng phở ra, Liêm đèo Hải trở lại trường thi. Vẫn sớm, bọn học sinh còn tụ tập trên vỉa hè trước cổng trường. Liêm đứng cùng với Hải dưới gốc cây sát vệ đường, Hải nhìn những đứa học trò khác qua lại có bạn bè bằng đôi mắt xa lạ. Hải nói: “Anh thấy không. Tôi đi học như tên ăn trộm lẻn được vào nhà”. Liêm cười xòa: “Thế mới hay chứ”. Khi tiếng trống nổi trong sân trường, Hải dục Liêm về nhà in cho kịp và dặn: “Hôm nào thi xong tôi sẽ nói chuyện với anh lâu hơn”. Liêm đi bộ về nhà in trong buổi sáng mùa thu mới chớm với nhiều cảm xúc mới lạ dễ chịu. Tâm thần thoải mái, những nặng nhọc của ngày hè đã tan. Hà-nội khoác một bộ mặt quyến rũ hơn trong màn trời và cảnh phố. Trong khi làm việc không còn phải cởi trần, ấm nước chè tươi khi nguội lạnh có mùi vị đặc biệt, và những hơi thuốc lá đầu tiên trong ngày thơm dịu. Buổi trưa ăn cơm nhưng giấc ngủ ngắn ngủi âm u mệt mỏi như trời đất. Tối phải đắp chăn đơn, Hải trong mấy ngày thi cũng ngủ sớm hơn thường lệ, bọn trẻ cũng vẫn reo cười khắp xóm nhưng không còn thức khuya như những đêm mùa hạ. Hải đỗ, bà mẹ mừng chảy nước mắt. Anh em trong nhà in khao Hải một chầu Siêu-Nhiên và xi-nê. Mọi người uống thật say và khi kéo nhau ra khỏi hiệu mì, ông già San chập choạng ôm lấy Hải suýt ngã xuống cống bảo: “Đâu con rể lại đây với bố”. Cả bọn được mẻ cười thỏa thích khi ông San đẩy lưng bắt Hải phải đi vào ngõ hàng Giầy. Cái ngõ hẻm chật tối bẩn thỉu nhiều lính Tây và những ả mặt phấn, Hải kêu trời nhưng cả bọn phụ họa thúc dục “bố vợ cho con đi chơi cho biết mùi đời” khiến ông San không buông tha Hải. Chỉ khi một tên Tây đen đang đứng giữa ngõ chắn lối nắm lấy Hải, ông San sì sà sì số đối đáp bị nó xô ngã, và dẩy ép Hải vào trong tường, mọi người mới tỉnh rượu. Tuất nóng mắt xông vào đánh thằng Tây đen, cả bọn vội ùa theo trợ lực. Cả ngõ náo loạn: bọn lính trong các nhà chứa đổ ra kéo theo bọn gái điếm, bọn con gái trở mặt quay đánh lính Tây thêm mấy bác xích-lô bỏ xe chạy vào đánh hôi. Liêm bị một chiếc đòn gánh nước phang vào lưng tỉnh hẳn, bỏ chạy ra khỏi ngõ, mua vé chui vào trong rạp tuồng ở phố hàng Bạc. Giờ đồng hồ sau, Liêm bỏ ra khỏi không khí nồng nực hơi người, phố xa đã thưa vắng hồ Gươm đang thiếp ngủ trong heo may. Hải đã về đến nhà, mắc màn ngủ. Bà mẹ Hải hỏi: “Các anh làm gì nó thế?” Liêm đáp: “Không có gì”. Sáng đến nhà in vắng mặt ông San và Long, Tuất sưng vếu một bên mắt, Ngọc bị một vết trầy bầm máu ở cánh tay phải, Hải bầm một bên gò má. Chỉ có Liêm không mang dấu vết gì nhưng đau ê ở bả vai. Một lát cô con gái ông San đến báo cho Ngọc biết bố mệt cảm không đi làm được. Tuất cười khúc khích trong góc nói khẽ với Hải: “Chỉ tại cô ấy thôi”. Hải nghiêm mặt lừ mắt. Mãi tới mười một giờ Long mới đến, hắn bị giữ ở quận cảnh sát “suýt nữa thì bị chở xuống trại Ngọc-hà, tôi phải cãi mãi là chưa đến tuổi”. Long đang nói chuyện huyên thuyên, Liêm nhìn ra cổng nhác thấy bóng vợ Hỗ. Anh thấy cò gọi: Anh Liêm ơi. Liêm còn cầm theo bản vỗ mo-rát ra đưa cho anh này, nói vài câu bâng quơ, xong mới đi ra cổng. Liêm giật mình khi nhận ra Hỗ đứng lấp sau cột gạch ngoài vỉa hè. Trông anh già và gầy nhom, mắt lờ đờ ngơ ngác. Hỗ nói: “Tôi mới được ra ba bốn hôm nay. Đợi không thấy chú xuống chơi. Nhân tiện đi qua ghé thăm, cám ơn chú. Nếu không nhờ chú giúp đỡ trong thời gian tôi bị bắt, vợ tôi lại có mang, thì chắc là…” Hỗ lúng túng không nói tiếp, mắt anh thành thực đáng thương. Liêm ngượng ngập đáp: “Có gì đâu anh. Anh cũng đã giúp tôi nhiều lắm”. Hỗ bảo: “Chiều chú về nhà ăn cơm với vợ chồng chúng tôi”. Liêm chỉ biết nói theo: “Vâng”. Trước khi quay đi, vợ Hỗ ân cần: “Chú xuống sớm đừng để vợ chồng tôi đợi”. Trong mắt người đàn bà không tiết lộ tình ý gì. Liêm trở lại bàn đứng làm việc ngơ ngác như người mất hồn. Buổi chiều, Liêm mượn xe đạp Hải nói thác phải đi ăn giỗ tối về cho tiện. Sau mấy tháng bị giam Hỗ đổi hẳn tính trông thấy, thâm trầm kín đáo hơn xưa. Anh nói anh chưa biết làm gì, ít nhất cũng phải nằm dưỡng tinh thần nửa tháng mới lo kiếm việc được. Anh cầm bát đũa ăn cơm, không còn đòi dùng dao phống-sét như ở dưới nhà thương, không thấy chê bai cách ăn ở thiếu vệ sinh của người Việt-nam. Vợ Hỗ chốc chốc liếc Liêm mỉm cười âu yếm một cách tự nhiên như người trong gia đình cũng săn sóc một người thân. Liêm hoang mang không biết nói năng cách nào, chỉ ngồi im nghe, thỉnh thoảng nghe giọng cười lạc lõng của mình nổi lên. Lúc Liêm ra về, trong ngõ xóm đêm như đã khuya, dắt xe đẩy trong bóng tối rậm rịt cây lá. Lên đến trên tường Liêm ngơ ngác bên đường tàu điện trống nhìn những căn nhà lụp sụp tối om ở ngã ba Kim-mã, hàng điện thẳng chấp chới dẫn vào trong phố. Gió thổi từ ô vào vi vút, trên cao phía sau lưng những đám cây cao trên đồi Giảng-võ rào rào. Bây giờ tôi phải làm gì? Liêm tự hỏi. Tôi phải làm gì?


Làm gì? Bỗng dưng nhớ mùi sình lầy trên một bờ sông san sát nhà sàn ven thành phố Sài-gòn, mùi nồng nặc trong không khí sau những trận mưa rào ngắn giữa trời nắng; nỗi nhớ đột cuồng như một sức đẩy mau trong máu, dưới thịt và tan hòa cũng nhanh. Gió khỏa sau lưng, tuôn về trước chạy theo một đường phố um tùm bóng cây, lấp ló những ngọn điện, không người. Bờ tường đá cao chạy dài, vây những khóm cây rậm cái tháp tối của một nhà tu kín, lầm rầm huyễn hoặc tiếng cầu kinh đông người, tiếng vọng mong manh của một thế giới khác, bay biến gòn gợn như gai ốc trên cánh tay vén trần. Tiếng hát ầm ĩ trống trải của hai ba tên lính Tây say ngả nghiêng trên một bờ hè khuất, phía bên kia vườn hoa sáng trơ những bãi cỏ, lối đi, ghế đá; chúng tiến về phía nhà khiêu vũ, ngọn đèn hiệu ngoằn ngoèo xanh yếu như lửa đom đóm, tiếng nhấn trên vòng quay bàn đạp trùng nhịp với điệu hát cổ của một thời vẫn được nghe lính Lê-dương hát ở tỉnh nhỏ. Mùa thu đó, nỗi bâng khuâng mệt mỏi tách lìa váng vất, thành phố như im tiếng khắp lượt chờ đợi vu vơ. Các cửa hiệu buôn bán cũng đang lên cửa. Liêm mường tượng những ngày biến động cũ trên những đường phố này, cái dáng vẻ ngây ngất triền miên mơ mộng của thành phố như bất tận. Các rạp chiếu bóng chưa tan, đèn thắp sáng ở hành lang bên ngoài sau những màn cửa sắt đã kéo lại. Vợ Hỗ sẽ sinh vào dịp gần Tết, một đứa con của tôi; biết đâu Hạnh đã không mang trong bụng nàng một đứa con khác nữa. Những đứa bé một mai lớn lên như tôi trong một khung cảnh nhất định rồi cũng bỏ đi như nhớ tiếc một điều gì xa vời tìm không thấy.

Xóm ở không đèn đóm, đường đất gồ ghề dội lên tiếng lọc xọc của dây xích. Gió lùa từ các hốc tối với tiếng côn trùng. Hải bắt đầu học lại, ngồi tựa lưng trên phản, sách mở trên hai đầu gối co, ngọn đèn đặt trên thành cửa sổ. Liêm cất xe đạp vào nhà, nghe da mặt ướt lạnh. Hải cười bảo: “Đi ăn cỗ về mà trông anh có vẻ buồn”. Lúc Liêm đã đi nằm, Hải bỗng hỏi: “Tối mai anh rỗi không? Anh đi chơi với tôi”. Liêm nói đi thì đi. Trong đêm khi Liêm kéo chiếc chăn đơn lên đắp, trong một quãng thức tỉnh, nghe một nỗi buồn vang dội như tiếng âm trong một tòa nhà cao rộng. Giọng nói của Tường bỗng nghe thấy rồi trộn vào trong giấc ngủ. Buổi sáng ở nhà in, Hải nói với Ngọc: Tối nay anh Liêm cũng đến. Ngọc nheo mắt cười: Tốt. Liêm hỏi: “Hai người âm mưu gì thế? Không được đùa dai”. Ông Kiêm, chủ bút, vào đứng giữa buồng xếp chữ nói chuyện bông đùa, nhìn Liêm xếp một tin quốc tế bằng chữ corps 6. Ông hỏi: “Nghe nói anh đã ở Sài-gòn?” Ông San ngồi bên cạnh đang chọn chữ đùa: “Anh ấy có vợ Nam-kỳ đấy”. “Thế hả? Có lẽ rồi chúng mình đến vào Sài-gòn cả thôi”. “Tại sao thế ông?” “Có thể nước ta chia đôi. Một nửa cho Cộng-sản, một nửa cho Quốc-gia”. “Thật như thế không?” Ông Kiêm người gầy gò, xương sấu, da mét như nghiện, mắt hấp háy sau đôi kính cận vốn người lừ như ít nói, theo lời Hải ông là bạn đồng chí cũ với ông bố Hải bây giờ là một chính khách chờ thời. Ngày trước ông Kiêm và một số đồng chí khác ngày nay đều trở thành các “chiến sĩ quốc gia” tên tuổi đến ăn dầm ở dề nhà Hải, Hải còn nhỏ, không nhớ nhưng được nghe mẹ kể lại. Ông Kiêm không biết Hải, Hải cũng không bao giờ muốn nhận những bạn của bố; Hải nói: “Thuộc về quá khứ. Bố tôi là Việt-quốc, còn tôi không bao giờ là Việt-quốc”. Ông Kiêm tháo cặp kính lau mắt: “Chỉ nay mai là điều đình thôi. Như thế cũng tiện. Ai thích Quốc-gia thì ở với Quốc-gia, ai thích Cộng-sản thì ở với Cộng-sản. Cho dứt khoát” rồi cười khà, điệu cười ngắn ngủi nhạt nhẽo. Tuất hỏi: “Còn những người chẳng thích thứ nào hoặc thích cả hai thứ họ mới tính sao đây?” Liêm nghĩ đến Sài-gòn, thấy thoáng hiện mơ hồ tia hy vọng có cơ hội trở lại. Lúc đó... trí tưởng tượng cụt hẫng không thể phóng tới một tương lai chưa thành hình. Trở lại Sài-gòn? Để làm gì? Ở lại đây? Hết giờ làm việc buổi chiều, Liêm đi cùng với Hải ra phố Huế đến một hiệu sửa xe đạp và mô-tô. Trước cửa, ngay ngoài hè, người chủ nhà đang xoay trần quanh chiếc Motobécane ráp lại máy. Hải đứng sau lưng gọi: Anh Thái. Thái ngoái cổ cười: Chú Hải, đợi tôi xong ngay, rồi cúi xuống vặn nốt những con ốc cuối cùng. Thái đứng thẳng người dậy, chùi tay vào một cái dẻ lớn, nghe Hải giới thiệu Liêm, nở miệng cười–Thái có nụ cười rộng rãi chân thực–đưa cổ tay cho Liêm bắt: “À, anh Liêm. Tay tôi bẩn quá. Mình vào nhà chơi. Ngọc đâu?” Hải đáp: “Anh Ngọc đến sau”. Thái đẩy chiếc mô-tô vào nhà; trong cửa hiệu còn hai chiếc mô-tô khác và dăm chiếc xe đạp, những chiếc sườn xe mới sơn treo thành hàng, hai bên tường là tủ kính chia ô bầy các món phụ tùng. Vượt qua cái tủ kính thứ ba dùng làm vách ngăn chia cửa hiệu với bên trong, là một căn buồng giả kê một tấm phản và một bộ bàn ghế uống nước. Thái đi trước vào trong sân–sân gạch dài trống chỉ có ba bốn cái vại đặt bên tường rồi đến bếp–trèo lên một cầu thang xi-măng mà tay vịn nhiều chỗ loang lở. Buồng trên gác là chỗ ở của gia đình Thái, vợ Thái đang ngồi chơi với hai con trên chiếc giường sát bên cửa sổ trông xuống phố. Chị bồng một đứa, dắt tay một đứa, lặng lẽ chào khách bỏ xuống nhà dưới. Liêm theo Hải ngồi xuống bên một cái bàn gỗ chữ nhật đặt bốn chiếc ghế trong khi Thái đi theo vợ dặn dò một vài điều nơi đầu cầu thang. Thái trở vào, ngồi trước mặt Liêm, hỏi về những chuyện kháng chiến miền Nam. Vui câu chuyện, Liêm nhớ được lại những kỷ niệm bất ngờ chính Liêm cũng cảm thấy thú vị như truyện bà Năm Lửa dưới Hậu-giang tự xưng mình là Phàn Lê Huê đội mão mang hia cầm quân xuất trận. Ngọc đến và lúc bấy giờ Liêm mới vỡ nhẽ Hải đã đưa mình đến một tổ kháng chiến nội thành. Đó chỉ là một cuộc sinh hoạt thường lệ để học tập đường lối. Có lẽ Hải đã nói sao đó nên cả Ngọc lẫn Thái đều mặc nhiên coi như Liêm đã là người trong nội bộ và Liêm đành ngồi im nghe. kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt  Thái lấy trong giỏ ấm một cuộn tài liệu in nhập nhòe trên giấy xấu trao cho Hải và Ngọc, nói: “Chú Hải và anh Liêm nghiên cứu chung một tập cho tiện”.

Tám giờ hơn, Liêm và Hải mới ra về. Ở ngoài hè, Liêm hỏi: “Tại sao cậu không hỏi ý kiến gì tôi cả mà đưa tôi đến? Nhỡ tôi không thuận thì sao?” Hải bối rối giây lát đáp: “Tôi nghĩ thế nào anh cũng thuận. Người lao động nào cũng có ý thức cách mạng”. Liêm mỉm cười, nhớ đến câu đã nói với Tường: Tôi không phải sinh ra để làm cách mạng. Chưa khi nào tôi muốn tìm hiểu sâu về cách mạng? Tại sao phải làm cách mạng? Tôi chỉ muốn được làm việc, được sống. Không khi nào tôi quen được cái không khí của những buổi hội họp. Tôi muốn làm những công tác cụ thể và trở về trong xóm gặp Hạnh. Nhưng bây giờ không có các thứ ấy, hằng tuần Liêm theo Hải đến gặp Thái và Ngọc, những giờ rảnh rỗi phải thảo luận đối đáp với Hải. Một lần Liêm bảo Thái: “Anh có thể giao phó một công tác nào cho tôi. Tôi vẫn quen hoạt động nội thành”. Thái đáp: “Chưa cần. Chúng ta là những phần tử nồng cốt của cách mạng. Không thể phí phạm. Chừng nào đến nhiệm vụ chúng ta, chúng ta sẽ làm. Hiện nay hoạt động nội thành không cần thiết nữa, đã có những người khác phụ trách. Không nên có cái mặc cảm anh hùng cá nhân. Lúc này là lúc chúng ta được nuôi dưỡng để phát triển ý thức cách mạng lao động”. Công tác của Ngọc và Hải chỉ là báo cáo những luận điệu phản động nghe được trong tòa soạn và thỉnh thoảng giả vờ lơ đễnh bỏ sót một đoạn tin tức hoặc bình luận bất lợi cho chính phủ kháng chiến. Nơi họp mặt cũng thay đổi luôn, lúc nhà Thái, lúc nhà Ngọc, lúc trong một ngôi đền ở phố hàng Đàn, người giữ đền là một anh đồng cô bạn học của Thái từ thời nhỏ. Ngọc ở phố Lò-đúc, cuối một ngõ hẻm, gia đình gồm một vợ, bốn con, vợ Ngọc tóc hoe vàng, có máu lai, nên những đứa con tuy trông lam lũ vẫn có vẻ trắng bụ bẫm. Người đàn bà mang nét mặt ủ rũ ẩn nhẫn của Việt-nam tương phản với những dấu tích Tây-phương còn ghi lại trên dung nhan, chị ru con bằng những điệu quê mùa chưa thuần và chưa một lần nghe chị thốt tiếng nói trước người lạ. Những ngày tháng ấy của Liêm trống trải đầy ắp. Một đôi khi Liêm chẳng còn ý nghĩ, thản nhiên xuống thăm vợ chồng Hỗ và quên mọi chuyện thắc mắc. Hỗ đã xin được một chân chào thuốc cho một công ty nhập cảng dược phẩm, phải về các tỉnh, vắng nhà luôn. Vợ Hỗ hài lòng về việc thỉnh thoảng Liêm trở lại thăm và những lúc Hỗ vắng chị giữ Liêm ở lại để khoe về những biến động của cái bào thai. Có Hỗ ở nhà thì ba người ngồi ăn cơm để nghe Hỗ thuật lại về những chuyến đi của anh. Liêm tự hỏi không hiểu Hỗ có rõ chuyện không, hay anh cũng học theo Tây coi thường việc ngoại tình của vợ. Vợ Hỗ càng ngày càng trở nên ì ạch, nặng nhọc vì bụng quá to, Hỗ tỏ ra lo lắng sợ chị quen dạ như lần trước và thường nhắc Liêm: “Chú phải xuống luôn nhỡ tôi đi vắng còn có chú xoay sở hộ. Đàn bà sảy một lần là đáng ngại lắm”. Liêm nghe như Hỗ nhắc lại một bổn phận của mình, và Liêm sực tỉnh thảng thốt ngơ ngẩn, còn vợ Hỗ lại nhoẻn miệng cười lẳng lơ, ngớ ngẩn. Vợ Hỗ thì nói: “Chú phải để dành tiền đưa tôi cất cho. Sau này còn phải lo cho con. Ai lại con mình mà bắt người khác chịu hết”. Người đàn bà nằm trần truồng với cái bụng phưỡn căng trắng hếu, tỏa ra một hơi nóng trong bầu không khí ủ đặc của buổi chiều thu muộn, tiếng chuông tàu điện leng keng tít đầu ngõ, tiếng kèn ô-tô vang khuất như gặp ống hút, Liêm nằm câm như thóc vừa xấu hổ vừa tức giận. Nhưng Liêm không nỡ nói một lời tàn nhẫn. Mỗi lần người đàn bà quay nghiêng, chiếc bụng ấp vào mạng sườn gồ lên, nghe tỏ cả những tiếng lạo xạo cồn cào. Liêm chỉ còn biết mong ước một cách sợ hãi đứa nhỏ không thể ra chào đời được hoặc một tai nạn làm cho hai mẹ con cùng chết lúc sinh nở, Liêm sẽ được giải thoát. Liêm cũng tự hỏi những đêm mất ngủ, Hải vẫn còn dong đèn ngồi học, tại sao không rời chỗ ở, không thay đổi việc làm; lúc đầu tôi chỉ có ý định ở tạm trong gia đình Hải rồi tôi quên hẳn ý định ấy. Muốn thay đổi chỗ ở, công việc phải có thì giờ tìm kiếm, tôi không còn tự do nữa. Lúc ấy Liêm bỗng trực nhớ đến Khôi, người bạn đã gặp trên ghế đá ngày thất nghiệp sống nhờ nhà Tế Bần, không hiểu còn sống hay chết. Rất có thể anh đã tự vẫn vì chẳng biết phải làm gì ở đây; trong mấy tháng thành phố đã vớt được ba bốn xác đàn ông tự tử ở hồ Bảy-mẫu, hồ Thiền-cuông không mang căn cước trong người và một người chết còng queo một buổi sáng trong nhà Tế Bần mà người ta độ chừng là một tên hành khất. Một tên hành khất. Liêm vẫn tham dự những cuộc sinh hoạt của tổ, nhưng từ chối khi Thái đưa cho một tờ khai lý lịch đảng viên dự bị mà Thái đã long trọng tuyên bố trước như một vinh dự lớn lao không phải ai muốn cũng được. Liêm thối thác: “Lập trường tôi vẫn chưa vững. Vả lại từ ngày còn ở trong Nam, tôi cũng chỉ hoạt động như một công dân. Tính tôi không ưa đảng phái”. Thái bảo: “Anh nói lập trường anh chưa vững thì tôi tin. Vấn đề ấy rồi tất cả anh em trong tổ sẽ mang ra mổ xẻ. Nhưng còn anh không ưa đảng phái là một điều sai lầm. kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt Nếu anh muốn phục vụ thực sự cho cách mạng, anh cần phải hy sinh cá nhân cho đảng”. Liêm đáp: “Các anh để cho tôi nghĩ lại”. Sau buổi ấy, Liêm hết sức lẩn tránh câu chuyện của Hải, ngại phải thảo luận, phải phanh phui con người mình, tôi cũng chưa biết rõ hẳn về tôi, những ngày tới của tôi sẽ được xếp đặt như thế nào; những đuổi bắt ý nghĩ hôm nay có thể buộc tôi phải lựa chọn, sự lựa chọn cầu âu vô nghĩa lý. Ở nhà in, Liêm chăm chú vào công việc ít chuyện trò vẩn vơ; sau giờ làm việc buổi chiều, Liêm thác cớ mệt mỏi không về nhà ngay đi bộ ra mạn bờ sông thơ thẩn. Gió thổi lộng trên mặt đê, con đường vắng vẻ với cây cối bàng hoàng thảng thốt, nhà cửa kín mít một bên hè như không người ở, Liêm nghe trong người rời rã như bị cơn bệnh không tên xâm nhập; trong nỗi rã rời quyện theo hất hơi nhẹ bay bốc lên đầu cứng và rỗng, tỏa một vùng sương ngăn cách trí nhớ và tưởng tượng len lỏi một thứ âm thanh đìu hiu xa khuất. Thành phố như một sức hút chậm chạp không ngừng nghỉ, một sức nặng đè không gỡ thoát. Những ngày cuối mùa thu hoang mang vẫn đục trong cảm giác mù mịt bất định. Một hôm bà mẹ Hải nói riêng với Liêm, nhờ Liêm khuyên Hải chỉ nên chăm lo học hành đừng tham gia hoạt động chính trị, bà sợ những tai nạn có thể xảy đến, sợ Hải giống như số của người chồng, Liêm hứa cho bà yên lòng, nhưng biết chắc mình không khi nào nói lại với Hải. Những lo nghĩ của bà không thể nào lay chuyển được đứa con trai ham mê lý tưởng ấy, hắn sống trong thế giới của tương lai ở đó không có những vướng bận nhỏ nhặt phiền toái của những người như bà. Và cả mình nữa. Làm sao nói được?


Một ngày đầu mùa đông, Liêm rủ Hải đi chợ Giời tìm mua một cái áo lạnh cũ, cái áo dạ cũ của Tường không hợp với công việc đang làm. Ngọc cho phép Liêm và Hải nghỉ vào nửa buổi sáng. Liêm đèo Hải trên xe đạp xuống đầu phố Sinh-từ. Chợ chỉ là một cái ngõ đất lầm lội nằm bên tường nhà ga, đồ đạc vật dụng tạp nhạp đủ thứ bày trên mặt đất - phần lớn là của nhà binh ăn cắp. Vào buổi sáng chợ vắng người trông quang cảnh giống như khu cháy nhà người ta phải dọn đồ đạc ra ngoài. Liêm dắt xe đi lên đi xuống chọn mua được một cái áo dạ của lính với giá trăm bạc, Hải mua hai quyển sách đóng bìa da của một gia đình Pháp, Hải cười nói: “Bọn Tây đã sửa soạn về nước”, và một tờ báo in trên giấy bản ngoài hậu phương. Trở về còn sớm Hải bảo Liêm đạp xe theo ngả hàng Lọng, để đi qua phố Ôn-Như-hầu Hải sẽ chỉ cho xem gian nhà trụ sở của Việt-quốc thời 45 nơi người ta tìm thấy những người bị thủ tiêu chôn ở ngoài vườn. Đến ga hàng Cỏ, một xe cảnh sát đỗ trong một góc khuất thổi còi bắt ngừng. Liêm vừa ngừng xe chưa kịp xuống, hai ba người cảnh binh đã chạy đến đứng vây xung quanh. Một người ra lệnh cho Liêm xuống xe dắt lại gần chỗ ô-tô đỗ. Hải vừa bước xuống đất vùng bỏ chạy sang phía quán rượu đầu phố hàng Cỏ, người cảnh binh đứng gần bắt hụt chới với, rút chiếc còi bên lưng thổi inh ỏi. Hải sang đến bên đường đứng sựng, từ mấy gốc cây gần đấy một người cảnh binh và hai người lính võ trang chạy ra nắm lấy tay Hải bẻ quặt ra sau lưng dẫn trở lại. Người cảnh binh thổi còi lúi húi đi nhặt mấy quyển sách bỏ rơi trên đường. Trên xe đã có khoảng mười thanh niên khác ngồi, một người ở trong cười bảo lớn: “Đen quá. Chúng nó khôn quá”. Liêm đem theo xe đạp lên, Hải được ngồi đằng trước giữa người tài xế và người lính. Mấy người cảnh binh leo lên đóng cửa, đứng khom lưng quay mặt vào trong trông thẳng vào Liêm tựa giữ xe đạp đứng giữa hai hàng người ngồi. Xe trở về bót Cửa Nam và mọi người được lùa vào trong ty cảnh sát, xét hỏi giấy tờ; riêng Hải bị còng tay dẫn vào phía sau. Chỉ có Liêm và một người nữa được ra về, còn bao nhiêu được chở ngay xuống dưới Ngọc-hà, Hải còn phải ở lại. Liêm dắt xe ra đường còn đứng ngơ ngác vài giây, phố trong giờ làm việc vắng vẻ hiu quạnh, chuyến tàu đang chạy xa tít trên đường hàng Đẫy. Lúc Liêm giật mình nhìn lại, người thanh niên cũng được về đang cắm cúi đi như chạy bên phố hàng Bông. Liêm nhảy lên xe đạp nhanh về nhà in báo tin cho Ngọc, mọi người ồn lên mỗi người một câu. Long bảo nếu Hải bị đưa xuống trại Ngọc-hà thì có đường trốn. Tuất nói: Thế nào Hải cũng được cho vào Thủ-đức vì Hải đỗ bằng Trung-học-Phổ-thông. Ông San bàn nên nói với ông Kiêm xem có cách gì vận động cho Hải. Ngọc nói đến trưa sẽ ghé cho Thái hay tin. Liêm nghĩ còn mình phải báo cho bà cụ mẹ Hải. Liêm về nhà nằm một mình đợi; gian nhà chật hẹp đến nỗi không có chỗ cho kỷ niệm–tường vôi ám không một khung hình ảnh, một tấm lịch; bàn thờ những người đã chết chỉ là một chiếc xích đông treo trong một góc. Mẹ Hải về, lên tiếng từ ngoài cửa sổ: “Sao hôm nay các cậu về sớm thế?” Liêm ngồi lên đón bà cụ, bà cụ xếp quang gánh ngoài hè lục tìm gói giò chả–hôm nào hàng bán hết bà cũng cho ăn món chả cốm hàng Mành–cầm vào nhà. Bà đưa mắt tìm Hải và nhìn thấy bộ mặt của Liêm: “Em đâu?” “Hải nó bị bắt rồi”. “Bao giờ?” “Nó bị bắt động viên”. “Khổ thân tôi. Làm sao bây giờ?” Bà cuống cuồng hốt hoảng, quay lưng như sắp chạy ra cửa. Liêm gọi: “Bác đi đâu?” “Tôi đi tìm nó. Nó ở đâu?” “Bác bình tĩnh lại mới lo cho Hải được”. Bà cụ quay trở lại sững sờ, ngồi xuống phản: “Tôi thân cô thế cô. Chỉ có hai mẹ con thì làm thế nào” và bà bật òa khóc. Liêm cúi mặt ngồi im, không biết cách xoay xở. Một lát cơn xúc động qua đi, bà cụ bình tĩnh lại than thở: “Khổ thân tôi quá, bây giờ nó ở đâu? Tôi đi thăm nó”. Liêm không dám nói thực, bảo: “Bác để chiều nay cháu đi tìm trước đã. Biết chắc chắn bác hãy đi. Bác ở nhà sửa soạn quần áo để đưa đi cho Hải”. “Cậu thương em, giúp tôi. Tôi không còn biết tính sao”. Liêm dắt xe đi ngay, lúc ấy đã mười hai giờ trưa, thở nhẹ nhõm khi ra đến ngoài đường. Bà cụ sẽ bỏ bữa cơm trưa nay và nằm khóc trong gian buồng than thở với người chồng và đứa con gái đã khuất mặt, chờ Liêm mang tin về. Trưa mùa đông không lạnh lắm, Liêm mặc trên mình tấm áo mới mua nghe hầm hơi, ghé vào hiệu phở đầu phố ăn bữa trưa. Từ trong hiệu nhìn sang bên đường là bờ tường một nghĩa trang đặt trong thành phố, không khí khuất tịch nín lặng trải trên mặt đường không có nắng. Liêm đến nhà Ngọc, bảo mình nghỉ buổi chiều để đi hỏi thăm tin tức Hải cho bà cụ. Ngọc nói vừa ở nhà Thái về, đã thảo luận với Thái về trường hợp của Hải, nếu Liêm biết tin Hải cũng báo ngay cho hai người để định liệu. Vợ Ngọc nằm lim dim trên võng, vạch trần nửa bên ngực cho con bú, đứa con ngủ lơ mơ miệng vẫn nút chóp chép. Chưa đến giờ làm việc, Liêm đạp xe xuống thẳng Kim-mã. Buổi trưa ngoại ô tiêu điều buồn bã hơn. Những chuyến xe hàng chạy đường Sơn-tây cũ kỹ già nua không người đỗ trước dãy nhà gạch lụp xụp dơ bẩn. Con ngõ gạch dốc chỉ có bờ bụi rậm rạp. Gian nhà của Hỗ, cửa đóng kín như không người ở. Vợ Hỗ tóc xổ dài, đi đất ra mở cửa. Trong nhà tối lạnh không nhìn rõ đồ đạc khi cửa khép lại, chỉ nghe hơi nhiệt của thân người đàn bà đứng kề bên cùng tiếng thì thào: Anh ấy đi Hải phòng từ sáng sớm làm sao chú cũng biết, nhớ quá. Liêm bước mò mẫm như một người say có cánh tay đỡ ngang lưng vào giường, nằm ngửa thẳng bất động, nhìn ánh sáng mờ nhạt ở một khe hở trên đầu vách, nghe trùng nhão các thớ thịt và gió ào trên các bụi cỏ sau nhà. Người đàn bà bắt Liêm tháo gỡ hết áo quần như mình; để được mặc tình ôm ấp da thịt gợn lạnh dưới chăn bông, Liêm hoàn toàn thụ động, chán nản mặc người đàn bà xoay trở một mình. Và Liêm thiếp ngủ ngay trong khi người đàn bà còn chưa chịu rời xa. Liêm tỉnh sau một giấc dài, ánh sáng trên đầu vách không đổi, ngoài cửa nghe tiếng chân nhảy lò cò thình thịch của trẻ con. Người đàn bà còn nằm nguyên trong thế gắn bó và cũng ngủ quên, Liêm tung chăn trở dậy, không rửa mặt. Người đàn bà hỏi: “Tối chú về không?” “Tôi sợ có nhiều việc bận”. “Muộn muộn về cũng được. Chú có xe đạp mà”. Buổi chiều bắt đầu u ám. Liêm lên đến phố đã gần hết giờ làm việc. Trong bót cảnh sát Liêm hỏi thăm, Hải không còn ở đây nữa, người cảnh sát còn trẻ, giở sổ tìm tên Hải không thấy; những người đã bắt buổi sáng không thấy. Liêm nghĩ Hải đã bị đưa sang Công-an, nhưng khi về lại nói với mẹ Hải là Hải đã bị đưa xuống trại Ngọc-hà. Bà cụ nóng ruột đã xếp đủ các vật dụng vào trong làn chỉ chờ Liêm về là đi ngay, suốt từ trưa bà không ăn uống gì cả và không thấy đói. Chỉ một buổi chiều, nhà cửa trông hoang lạnh buồn thảm. Liêm mua theo bánh tây về cho bà cụ nhưng bà không ăn được, Liêm đành ngồi ăn một mình với gói chả buổi sáng trong buổi chiều sập tối không thắp đèn. Bà cụ nằm trên ghế mở mắt đợi trời sáng. Liêm không thể nào ở lại trong nhà, lại đến Ngọc và hai người đi bộ đến Thái. Tối mùa đông phố vắng sớm, chỉ những rạp chiếu bóng tụ tập đông đảo. Cửa hiệu của Thái cũng đã đóng, dưới nhà đèn tắt, ngửng lên gác thấy đèn sáng, nghe tiếng Thái nói chuyện lớn. Ngọc phải gọi cửa một lúc trên gác mới có người xuống. Cửa mở, một người thanh niên dắt xe đạp ra trước, Thái ở đằng sau. Người thanh niên cười khúc khích như chưa hết thú vị về câu chuyện đã qua và nói: “Anh có khách này, rồi đẩy xe thẳng ra đường. Thái cất tiếng gọi: Đồng ơi, người thanh niên đã ngồi trên yên, ghếch chân trên hè ngoảnh cổ, Thái chạy đến dặn dò nho nhỏ và người thanh niên lại cất tiếng cười ròn ấm trước khi đạp xe xuôi về mạn chợ Hôm. Thái quay trở lại rủ Liêm và Ngọc đến hiệu cà-phê cùng phố còn mở cửa. Ngọc nói: “Có lẽ Hải bị đưa sang Công-an. Thái bảo hai người yên trí anh sẽ nhờ người bạn trong Công-an hỏi hộ. Liêm nói: “Tôi phải nói dối bà cụ, mai bà sẽ xuống dưới Ngọc-hà. Nếu anh được tin gì anh nên cho tôi biết ngay”. Sau đó Thái có ý trách Liêm tại sao không cản để cho Hải mua cầm theo tay một tờ báo kháng chiến, nhất là một tờ báo văn chương, cho rắc rối. Liêm đèo Ngọc về đến nhà đã gần mười một giờ đêm. Gió thổi giá buốt thêm, trời tối kịt. Liêm không còn đủ can đảm đạp xe xuống Kim-mã nữa. Suốt đêm bà mẹ Hải trằn trọc thao thức làm Liêm cũng mất ngủ. Nửa đêm gió nổi ào ào, Liêm mệt thiếp như chết. Bà cụ lịch kịch trở dậy lúc trời còn tối đen. Thấy ánh đèn Liêm ngỡ như thường lệ bà sửa soạn hàng bán. Sực nhớ, Liêm vội cố nhướng mắt dậy bảo: “Bác đi đâu sớm thế? Giờ này ai người ta cho vào. Để chốc nữa cháu đèo bác đi”. Bà cụ khăng khăng đòi đi, bà sợ xe đạp, bà sẽ đi tàu điện xuống hàng Đẫy và đi bộ một quãng. Bà chỉ sợ người ta đưa Hải đi mất không cho bà nhìn thấy mặt con. Bà hẹn Liêm sáng xuống sau gặp bà. Liêm nằm trở lại ân hận đã dối bà nhưng rồi cũng ngủ thiếp thêm một giấc nữa. Buổi sáng Liêm xuống trại Ngọc-hà, nhưng không thấy bóng bà cụ, không dám vào, đến ngồi ở quán nước xế trại ngóng nhìn. Đến chín giờ, Liêm quay về nhà in làm việc. Buổi trưa về nhà cũng không thấy bóng bà cụ. Mãi đến chiều tối bà mới về đến nhà. Bà đã hỏi thăm trong trại, không ai biết Hải và bà đã ngồi ngay ngoài cổng cả ngày rình các xe cộ ra vào xem có Hải đến hoặc đi không. Liêm bảo: “Như thế có lẽ Hải chưa xuống. Mai bác ở nhà cháu đi hỏi lại xem”. “Không, mai tôi lại xuống nữa. Tôi tìm cho bằng được mới thôi”. Liêm dỗ dành: “Bác ở nhà nghỉ cho khỏe. Để cháu tìm thế nào cũng thấy”. Bà cụ mếu máo: “Ruột tôi nóng như lửa làm thế nào ngồi yên được”. Ba ngày liền, bà dậy đi từ tờ mờ đất đến tối mịt mới trở về nhà, mệt mỏi phờ phạc, mặt hốc hác mất hồn; đêm ngủ nói mê ú ớ. Liêm chỉ sợ bà ngã bệnh, người bà vốn gầy gò ốm yếu. Ngày thứ tư gần trưa bà tìm đến nhà in để báo cho Liêm biết đã gặp Hải. Sáng nay người ta mới đưa Hải xuống trại, tay bị còng, bà từ bên vệ đường đã nhào đuổi theo xe mặc người lính gác ngăn cản hăm dọa, kêu réo lên ầm ĩ, cuối cùng người ta đành để cho bà vào gặp mặt con và bà đã trao cho Hải được giỏ quần áo và món tiến dắt lưng. Hải nhắn về bảo Liêm nói với Thái Hải bị đưa đi Thủ-đức nội nhật ngày mai. Bà đang nói chuyện với Liêm ngoài cổng thì ông Kiêm ra về. Ông sửng sốt nhìn bà hỏi: “Có phải chị Tín không?” Bà ứa nước mắt: “Anh còn nhận ra tôi ư? Thằng Hải bị bắt đi Thủ-đức rồi. Anh có cách nào giúp mẹ con tôi không?” Ông Kiêm càng sửng sốt hơn: “Thằng Hải là con chị? Tôi đâu có biết”. Ông mời bà mẹ Hải vào trong hỏi han gia đình. Bà mẹ Hải chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: hai đứa con lớn bà còn ở ngoài kháng chiến, bây giờ có cách nào cho Hải được ở gần bà. Ông Kiêm chỉ biết an ủi, hứa đợi Hải ra trường ông sẽ tìm nơi quen biết gửi gấm: “Chị yên chí. Con trai thời này là phải đi lính cả. Không bên này thì bên kia. Không chết đâu chỉ sợ”. Bà chùi nước mắt bằng vạt áo, đứng lên, bà lại trở xuống để xin vào gặp Hải. Được tin Hải, Thái cũng lắc đầu: “Tưởng nó đưa sang Công-an thì có cách xoay ra. Chứ thế thì chịu. Nếu anh có gặp Hải nhắn chú ấy hộ tôi là ở hoàn cảnh nào cũng có thể phục vụ cho cách mạng được”. Buổi chiều, Liêm định xuống Ngọc-hà thăm Hải nhưng lính gác không cho vào, không gặp được mẹ Hải, Liêm đạp xe thẳng xuống nhà Hỗ. Hỗ đã về, được nghỉ ở nhà, trông thấy Liêm hỏi: “Chú ốm hay sao mà gầy tọp đi thế?” Liêm tự hỏi: mình gầy thật ư? và đưa tay lên sờ mặt. Vợ Hỗ lên Phủ Doãn thăm thai, “tôi mệt quá không đưa nhà tôi đi được”. Liêm ngồi lại một lúc rồi lại về phố, đạp xe lang thang đến tối quên cả bữa cơm chiều. Về đến nhà, Liêm thấy cụ lại đang xếp những món đồ mang thêm cho Hải vào làn, bà đưa cho Liêm một mảnh giấy của Hải viết vội: Anh Liêm. Mai tôi phải vào Thủ-đức rồi. Tôi đi vắng anh cứ ở lại nhà cụ đỡ quạnh quẽ. Học xong, chắc tôi lại được trở về. Anh nói với anh Thái, anh Ngọc không bao giờ tôi quên các anh ấy. Gửi lời anh ấy thăm ông San anh Tuất, Long, vì hoàn cảnh không thể từ biệt được. Hải.

Sáng hôm sau khi bà cụ xuống đến Ngọc-hà, trời chưa sáng rõ, người ta đã mang Hải đi mất. Buổi trưa đi làm về, Liêm gặp bà nằm dài trên ghế quay mặt vào tường, chiếc làn còn nguyên vẹn không trao được đặt dưới đất. Liêm ngồi lên phản, không biết phải ngỏ lời thế nào. Nếu tôi gặp lại mẹ tôi, nếu bà mẹ Hải nằm kia chính là mẹ tôi, bà có thể là mẹ tôi được chứ, bà vẫn chỉ là kẻ xa lạ không dính dấp không ràng buộc. Nỗi thống khổ của bà, tôi hiểu, tôi hiểu rõ hơn ai nhưng tôi làm gì được. Tôi ở lại bên cạnh bà cho bà bớt quạnh quẽ, thay thế những đứa con ruột của bà, tôi ở lại và tôi vẫn chỉ là kẻ xa lạ. Cố gắng mãi Liêm lên tiếng: “Bác ăn gì không?” Bà cụ không quay mặt ra, bảo với Liêm lục tìm trong làn lấy bánh tây mua từ sáng cho Hải mà ăn. “Bác ăn cho đỡ đói”. “Không. Cậu cứ ăn đi”. Bà ngơ ngẩn ra vào không làm ăn gì được đến hơn tuần lễ và Liêm như bị nhốt tù trong vùng ủ ê buồn bã của bà. Chỉ ngay hôm sau bà thổi cơm lại cho Liêm ăn nhưng không đi bán hàng, Liêm phải về ở trong nhà ngoài giờ làm việc không bỏ đi đâu được. Đêm mùa đông, cửa đóng kín, gió xô đập, Liêm nằm một mình trên tấm phản rộng, đèn tắt sớm, lắng nghe sự im lặng đè nén của bà cụ lẫn trong bóng tối buốt lạnh. Hơn một tháng qua, Liêm nhận được thư Hải gửi về cho mẹ. Tối hôm ấy, Liêm đọc thư cho bà cụ nghe, bà vừa cười vừa khóc và Liêm nhẹ nhõm thơ thới cả người. Liêm kể cho bà nghe cảnh vật, phong tục miền Nam, bà say sưa nghe và Liêm tưởng như chính mình đang ở trên đường trở về Sài-gòn. Rồi Liêm thay bà viết thư vào cho Hải, Liêm muốn giới thiệu Hải lúc nào được về Sài-gòn tìm đến Tường nhưng không nhớ được số nhà, muốn viết thư cho Hạnh nhờ Hạnh đưa đến nhưng nghĩ Hải không thể vào xóm Đồng Ong Cộ. Vả lại một năm rồi biết bao nhiêu đổi thay làm sao lường được–nên chỉ viết vài dòng hỏi thăm thường tình. Ngày hôm sau, bà cụ dậy sớm đi chợ, bà về trước giờ Liêm đi làm với đôi quang gánh đồ vật, bà bảo: “Mai tôi lại đi chợ. Ở nhà cũng buồn”. Bà đưa cho Liêm mấy cái bánh khúc còn nóng. Liêm vừa thổi vừa ăn nhồm nhoàm, bảo: “Ở trong Nam không có bánh khúc”. Buổi sáng càng ngày càng rét cắt, Liêm hé mắt nhìn ánh đèn chập chờn, nghe tiếng động lịch kịch quen thuộc; một mình bà cụ trong tấm áo kép, thỉnh thoảng miệng suýt soa, nhóm ngọn lửa đầu tiên trong xóm, sửa soạn gánh hàng buổi sớm; Liêm cũng mong ngày Hải được trở về để trả lại gian nhà và bà mẹ.

No comments:

Post a Comment