21/11/2024

Ung thư Phần thứ hai - Chương II


Ngoài phố lá đổ rào một cơn như buổi chiều muốn qua mau, những đỉnh cây cao vẫn um xanh. Lối đi cát sạn rào rạo giữa những gốc cây thấp, lá to dầy. Phòng thí nghiệm khoa học, cửa kính chùi sạch bóng, dấu điện bật sớm, nhiều sinh viên chăm chú làm việc. Tiếng bóng nỉ nảy bật vang khô, một đôi đang giao đấu trên sân quần tráng xi-măng, sân sát bên bỏ vắng. Đồng đi đến ngồi trên mặt trụ gạch dưới lối vòng dẫn lên tòa nhà chính, quay mặt nhìn sân quần. Hai bóng trắng chạy ngang dọc đuổi theo quả bóng, những câu đối đáp mất hút trong không khí kín heo may. Một lớp học tan. Tiếng bước chạy xuống các bực thang gạch, tiếng chuyện trò âm vang trong vòm cao giữa giảng đường và thư viện trường luật. Phố hàng Cỏ đang chạy thẳng dài trong lối cây xẫm đuổi theo buổi chiều sao sác, một chốc nữa mệt mỏi chậm chạp trở lại theo bóng đêm cùng ánh điện đường thắp từng loạt nối tiếp. Nhiều người đi vòng xuống sân lấy xe ra về, những cái lưng lom khom trong các bờ góc tường. Đồng mỉm cười, đưa tay vẫy một vài đứa quen, không rời chỗ ngồi. Ê, Đồng, năm nay cũng đi cours hả? Oui. Đâu? Văn-khoa. Đồng chỉ xuống dãy nhà ngang lụp xụp, lấp sau hàng cây, những phòng học nửa tường lát đá men trắng, còn để nguyên những rãnh nước rữa, và nhăn mặt riễu cợt. Các lớp học tan họp biệt lập lẻ tẻ, bỏ trống hằng giờ cái khung cảnh hiu quạnh của khu vườn dài. Đồng ơi. Đồng. Đồng giơ cao tay đáp người bạn đứng xa tít trong hàng hiên tối của dãy Văn-khoa vẫy gọi. Không vào học đến đây làm gì? Năm học đã bắt đầu như nỗi chán chường ủ ê, cả tuần lễ không thấy Cảnh cũng như An xuất hiện. Có gì xảy đến? Trên sân quần, hai đấu thủ đã nghỉ, đang thu dọn vật dụng vào “sắc” tay. Tấm lưới sắt cao ở cuối sân cây leo chằng chịt. Hai hàng chụp đèn sơn màu hắc ín lắc lư trên một nền trời gió. Tiếng giảng bài lẩn khuất. Dưới gốc cây gạo trụi gần hết lá, chiếc xe đạp của Đồng dựng nghiêng đã trượt đổ từ bao giờ. Đồng húng hắng ho vài tiếng như lập lại một thói quen bỏ quên lâu, đứng lên lững thững xuống chỗ dựng xe. 

Đồng dắt xe, đi chân trên hè vắng, không mục đích. Bây giờ chỉ khoảng bảy giờ, trời tối nhanh, điện đường đang bật lên lạc lõng trong ánh sáng mầu nhôm hoen của chiều. Nỗi trống trải hắt hiu. Mọi sự vật đều toàn vẹn, thế giời kín mít đầy đủ. Cơn sốt đến rất nhẹ, rồi rút đi, làm nóng hơi thở ngoài đầu mũi. Có thể bị rechute. Cũng chẳng có gì khác, thế thôi. Đồng tựa xe đạp vào mình, tìm thuốc trong túi. Que diêm xòe lên, bụm trong lòng hai bàn tay khum, ngọn lửa sáng lung lay. Gió rào rào trên những chòm cây chạy dài. Mùa đông có thể đến bất chợt lúc nào trong một ngày tới. Nhà thắp đèn, mẹ ngồi ăn với u già nhỏ nhẹ như những con mèo bên cái lồng bàn úp phần để dành. Im tiếng hết âm điệu của những câu thơ chen chúc chưa thành hình... Trước mặt, đôi tình nhân khoác vai chụm đầu, đếm bước thủ thỉ. Người thiếu nữ cười khẽ như một vật rơi không... Tình yêu không chia xẻ được, ích kỷ, như một tội lỗi, như sự ngoảnh mặt vào mình… Ngoảnh mặt với bè bạn. Hơn gì, khi tôi chỉ có thể đứng ngoài nhìn người khác như nhìn mình, nhìn với ảo giác thông cảm: mình đang cùng sống những nhịp điệu hiện sinh của kẻ khác... Đồng dắt xe xuống đường, nhảy lên yên đạp đến nhà Cảnh. Gian nhà mở ngỏ ngày đêm, hai cánh cổng đã long hư khó đẩy đóng. Lối vào rộng đi qua những cửa số của tầng dưới, chỗ ở của gia đình chủ trương chật chội và kiểu cách, vòng rào sân sau chật ních người trong bếp và quanh bể nước. Cầu thang tối kín, hẩm hơi. Cảnh vắng nhà. Đồng đứng tần ngần trước cửa buồng đóng. Buồng gác chính bên cạnh, người ta đang ăn cơm chiều, tiếng bát đĩa xô động, mùi cơm nóng bay phất. Đồng trở xuống thang gác, thất vọng. Rồi đến một ngày, chúng nó bỏ đi hết. Và tôi, vẫn bệnh hoạn mơ mộng. Cũng đến thế thôi. Đồng cười khì như có Thạch trước mặt. Ghé hàng cơm tháng, cũng không gặp Cảnh. Đồng bâng khuâng đạp xe dọc theo phố hàng Bông, giữa những cửa hiệu sáng, không thấy đói, chỉ nghe mệt một cách êm ái. Giờ này có lẽ Nga ngồi ở phòng khách sau bữa cơm với mẹ và An, nàng dạo những hòa âm trên dương cầm, đứng tựa cửa sổ phòng riêng nhìn những đám lá trong vườn khép ngủ và con phố uốn vòng vắng ngắt dưới ánh điện nghe gió thổi từ mạn đê cao vào thành phố trên những mái nhà. Cô đơn trong một gian buồng ẩm. Ông Phát đã ra làm bộ trưởng. Và Nga... Đồng chưa gặp Nga, nhưng nghĩ rồi cũng như Hà và Phương, Nga sẽ không bao giờ thuộc về mình. Chân vẫn đạp đều, Đồng ngoảnh mặt nhìn vào các cửa hàng sáng trưng vắng vẻ, trên các bờ hè đám đông của những chiều mùa hạ cũng đã tản. Về đến phố Quan-thánh, Đồng đạp xe nhiều lúc một mình giữa đường nghe gió thổi ù hai bên tai. Ngang qua biệt thự của gia đình An, Đồng ngửng trông khung cửa sổ sáng dịu lấp sau những đám lá, buông chân mặc xe lăn theo đà. Gió thổi lộng trên hồ Tây, trong vườn Bách-thảo, khu Biệt-điện. Bên trong hàng rào trường Bưởi, những mặt tối đen la hét inh ỏi cho đỡ buồn. Các quán rượu ngoại ô, đèn xanh trơ trẽn. Đồng dắt xe đi trên ngõ gạch vào nhà, không có ánh sáng soi lối, hít mùi hương những bụi cỏ rậm, nghe những nhịp nổ âm đều đặn của đại bác vọng từ bên kia bờ sông Cái, cách con đê, mặt hồ Tây ở chỗ rộng lớn nhất. 


Trinh ngồi khuất sau mấy bao gạo, đan áo, đứng lên tay vẫn không ngừng nghỉ:

– Lâu không thấy anh lại chơi.

Cảnh hỏi: Cậu có nhà không? bước qua đống than vụn. Trinh thò mặt vào buồng trong gọi: Thưa cậu, anh Cảnh đến... Ông Trương nằm trên ghế xích-đu, đọc báo, miệng phì phà ống píp. Cảnh đến ngồi trên chiếc ghế đẩu, cạnh bàn nước: Cậu vẫn thường. Ông Trương gõ gõ ống nõ vào chân ghế, hơi ngồi dậy hỏi: Bây giờ con làm gì? Vẫn đi học chứ. Trên trang nhất tờ báo ông Trương đang cầm có in một bức ảnh ông Phát, Cảnh hỏi mượn tờ báo nhìn ngắm. Lần đầu tiên mới biết mặt bố của An. Có bị gọi động viên không? Con thấy tình hình thế nào? Ông Trương bắt đầu câu chuyện cố hữu của ông, chuyện chính trị thời sự theo lối của một công chức già bất mãn, hèn nhát, giao động. Xã hội thối nát, công chức quan liêu hối lộ, chính quyền luồn lọt nô lệ... chừng ấy đề tài nói mãi ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, trong sở khi rảnh rỗi, ở nhà trong bữa cơm, với người quen kẻ thuộc những lúc trà dư tửu hậu nhưng ông vẫn ngày hai buổi đến sở cạo giấy, lĩnh lương, lĩnh “ráp-pen”, buôn bán tậu nhà cửa... Cảnh ngồi im nghe như chịu một cực hình, mong sớm chấm dứt để được ra ngoài nói chuyện với Trinh. Trong gia đình ông cậu, người họ duy nhất ở Hà nội, Trinh là đứa em hợp với Cảnh nhất; Trinh là con thứ hai, sau một người chị và trên ba đứa em gái một đứa em giai. Bà mợ vắng nhà, bà là người Cảnh ngại gặp nhất, miệng lưỡi ngon ngọt dẻo như kẹo mật nha tính toán chỉ ly và ích kỷ tột bực. Ngày cảnh mới vào thành, tìm đến thăm ông cậu, không hề có ý nhờ vả, bà đã vội than thở nhà cửa chật chội, con gái lớn và nói ngay: “Giá nhà rộng thì cháu ở lại luôn đây trông nom dạy dùm mợ thằng Việt là tốt nhất... Phải không cậu?” Cảnh cười gần đốp chát: Cám ơn mợ, cháu đã có chỗ ở. Cảnh ở nhờ trong chùa, hằng ngày đi tàu điện, lên phố vào thư viện tự học, buổi trưa ăn bánh mì trong nhà gửi xe, chiều làm précepteur một hai tiếng cho một gia đình ở hàng Bạc, trong hai năm xong Tú tài. Thỉnh thoảng Trinh vẫn đến thăm Cảnh, nhất là từ khi lên chuyên khoa, thường tìm gặp hỏi han ý kiến về việc học hành, trong khi hằng năm Cảnh không đặt chân đến nhà ông cậu ngay cả những ngày giỗ Tết. Ông Trương bàn luận một lúc đã hả hơi, bật người ra sau, chiếc ghế lúc lắc, cắn chặt chiếc píp nhìn trấn nhà. Trẻ con reo hò ngoài hè vọng qua gian nhà ngoài vắng vẻ chật chội những bao hàng cồng kềnh.

– Cháu đến chào cậu. Cháu sắp xuống Phòng dạy học.

– Thế à? Bao giờ đi? Thỉnh thoảng viết thư về cho cậu biết tin. Con có được tin gì về thày u con ở ngoài không?

Cảnh gấp gọn tờ báo, để lên bàn. Từ trên gác vọng xuống tiếng nheo nhéo của mấy đứa em gái Trinh, Cảnh không nhớ rõ hết tên của những đứa con ông cậu. Từ ngày chiến tranh bỏ nhà theo Trọng, Cảnh chưa lần nào về thăm gia đình và cũng không được tin tức. Những lúc cô đơn buồn bã, Cảnh nghĩ tới làng quê như nghĩ tới một cảnh tượng quen đã mất, không xúc động nhiều lắm. Cuộc đời tẻ nhạt không kỷ niệm ràng buộc sâu xa, những ý nghĩ lớn lao về đời sống xâm chiếm ngay khi trưởng thành xóa sạch tuổi ấu thơ trong ký ức. “Người hoạt động không thể có những liên hệ gia đình chật hẹp…” Trọng hay nói thế và Cảnh cũng thường nói với bọn Đồng ý nghĩ ấy, nhất là Đồng, hắn có tâm hồn thi sĩ. Trong cuốn sổ tay của Trọng chép lại đủ bản Le catéchisme du Révoluntionnaire của Bakounine.

– Anh Cảnh, anh cho em hỏi riêng anh cái này...

Trinh nhắc chiếc ghế đặt vào góc tường mời Cảnh, ông Trương bỏ đi lên gác. Mùi tấm và vải bố hăng hắc. Ánh điện ngoài hè phố và buồng trong không soi tỏ được hết cả gian buồng ngoài. Đầu Trinh cúi khuất, ngón tay trỏ hơi cong đưa đẩy thoăn thoắt.

– Anh định xuống Hải-phòng hả? Bao giờ?

– Vài hôm nữa.

– Anh không học nữa à?

– Phải lo kiếm ăn chứ.

Cảnh cười, tiếng cười gãy khô nửa vời. Trinh ngừng tay, giơ cao mũi kim ra chỗ có ánh sáng đếm những mũi len chăm chú, mi mắt cúp xuôi, tóc lòa xòa trên trán. Trên tấm áo cánh trắng, một chiếc áo len cụt tay xẩm không rõ mầu. Trinh xoay đổi kim tiếp tục công việc, cuộn len nằm gọn trong khoảng hai đùi khép. Cảnh chống khuỷu tay vào một bao gạo kế bên, vải bố sơ nháp những hạt gạo kêu rào rạo.

– Anh đã sơi cơm chưa?

– Chưa. Chốc nữa về ăn. Ăn tháng ở hiệu cũng dễ...

– Anh xuống dưới dạy trường nào?

– Chưa biết. Có khi ít lâu lại về Hà-nội không chừng.

Trinh ngừng tay, ngước mắt tò mò, cầm kim đâm xuyên vào trong mái tóc. Cảnh mở chiếc khóa áo blouson, nghe không khí nồng nực, đi ra khỏi những bao gạo án ngữ trông ra phố. Ngoài bờ hè chiếc xe bán mía hấp của người tàu đậu, ngọn lửa khí phụt xanh, tiếng rao ề à vang khắp phố ngắn. “Dì chê tống chê, tống chê dì chê”.

– Chín giờ chưa nhỉ?

– Hãy còn sớm mà anh.

– Tôi phải về ăn cơm chứ.

Nguyên tử trong nhà chạy ra như bị đuổi: Chị Trinh, mợ chưa về? đứng khựng lại ngượng nghịu khi thấy Cảnh, cúi đầu chào. Cảnh chỉ mỉm cười gật đầu. Nguyên vừa đi ra cửa vừa ngoái cổ lại: Em sang bên con Loan một tí nhớ chị Trinh? Cảnh bỗng ngượng cảm thấy mình xa lạ với mọi người khác trong gia đình này.

– Anh có thích xem kịch không?

– Tôi không thích lắm.

– Em có thiệp mời mai xem đây...

– Kịch gì đấy?

Lôi Vũ.

– Thế hả. Tôi đã đọc nhưng chưa xem. Cô biết vở kịch ấy chưa?

– Hay lắm phải không anh. Em nghe đồn như thế...

Cảnh tựa lưng vào đống bao gạo, nhìn vào mảng ánh sáng ngoài đường hắt chếch vào tường. Phố xá đã vơi, sự im lặng từ những phố buôn bán đông xung quanh lùa tới theo những cơn gió thu vào con phố hẹp và ngắn này. Cảnh muốn thuật lại vở kịch, nói rõ chủ ý của nó cho Trinh nghe. Tôi không biết giảng giải như thế nào hay không giảng giải nổi. Cảnh thọc tay vào túi áo blouson mân mê mấy que tăm lấy ở hiệu ăn buổi trưa. Trọng giờ này đang ở nhà, anh đang đọc sách, đợi về đi uống cà-phê. Sẽ nói với anh ở hiệu, phải bình tĩnh để dẫn giải, không thể chần chừ mãi. Anh sẽ phải hiểu.

– Sợ cô xem, cô không hiểu.

Trinh ngừng công việc, quấn lại cuộn len, vuốt tóc và nghiêng đầu. Chiếc xe bán mía đã rời chỗ, bây giờ tiếng rao nghe mãi tận đầu phố. Người tớ gái từ trong nhà ra sửa soạn lên cửa, những cánh cửa rời đánh số xếp chồng ngoài vỉa hè.

– Thôi tôi về. Cô nói tôi gửi lời chào cậu mợ.

Trinh đặt cuộn len lên ghế, đứng dậy bước theo chân, đưa tiễn đến cửa. Cảnh đứng lại ngoài hè, trong khi người tớ đẩy cho các cánh cửa gỗ chạy vào đường rãnh: Chào cô hả, cố học thi đỗ năm nay. Trinh vịn vào cánh cửa, mai anh có nhà không? Trước khi đi xem kịch em ghé lại thăm anh. Có chuyện gì không? Cảnh quay lưng bước, gặp Nguyên đi xăm xăm ở chỗ rẽ đầu phố, tiếng guốc gỗ ròn. Nguyên quay nhìn Cảnh, không chào, như nhìn một người lạ mặt. Vượt qua ngã tư rẽ vào đường vòng ngắn, Cảnh ra tới bờ Hồ. Hà-nội đang ngủ dần trong ánh điện mờ dấu, các bóng cây tối, mặt hồ khuya vắng. Cảnh đi theo đường bên hồ, gặp những ghế đá trống lộ liễu dưới ánh đèn sáng gắt. Đêm giao thừa trước còn ngồi thức với Thạch và Đồng trên ghế đá trông sang công viên tối tăm lạnh lẽo, hút hết sạch thuốc lá, với những dự tính tương lai. Cảnh đi dưới các vòm cây của đại lộ vắng, bình thản, sự quyết định làm cho tôi trở nên vững vàng già dặn hơn, không gì có thể lay chuyển. Đã hết cái giai đoạn hoạt động tài tử: họp tiểu tổ, thảo luận tình hình, phê bình kiểm điểm công tác, cái loại công tác: phổ biến tài liệu tuyên truyền, tin tức, dò xét tinh thần sinh viên học sinh, soạn thảo truyền đơn để ném trong các lớp học... Chỉ còn một vấn đề duy nhất là đối mặt với Trọng. Vấn đề khó khăn nhất. Có thể nào lặng lẽ bỏ đi và để thư lại được không? Trọng, chỉ còn Trọng là đáng kể... người khác... mỗi người một ngả...

Trọng đang ngồi im trước bàn như tham thiền, miệng lẩm nhẩm không thành tiếng, choàng mở mắt cười: Đang học Ăng-lê. Đi đi uống cà-phê. Cảnh nói: Tôi chưa ăn gì cả. Dưới nhà tiếng khóc i ỉ của người thiếu nữ cuống trí, con người chủ trương. Ở ngoài đường, Cảnh nghĩ ngợi sắp đặt câu chuyện sắp nói với Trọng.

– Tôi đã gặp ông Đức. Ông ta sắp vào Sài-gòn. Ông khuyên bọn mình nên vào trong ấy dễ hoạt động hơn. Hà-nội trước sau cũng mất. Cậu nghĩ thế nào?

– Chuyện ngoài kia ra sao?

– Hỏng hết rồi. Sắp sửa đến lượt bọn mình phải... Dân chúng bắt đầu thất vọng. Ông Đức nghĩ phải khởi xướng một ý thức hệ mới thay thế.

Ý thức hệ mới. Những danh từ, lực lượng thứ ba. Những cái đó như một bầu dưỡng khí cứu người bệnh trầm trọng. Nhưng tìm đâu ra? Thạch hay kêu: phải mở một lối thoát và rốt cuộc hắn lao đầu vào hư vô. Trọng vào quán gọi cà-phê ngồi đợi. Cảnh ăn phở ở hiệu gần đấy. Lúc Cảnh trở lại, Trọng ngồi một mình lạc lõng, mắt hấp him sau đôi kính và đang ngáp. Phin cà-phê nhỏ vẫn chưa hết. Cảnh kéo ghế, gây tiếng động, nhưng cũng không phá được sự im lặng.

– Có lẽ, cậu xuống Phòng tôi sẽ đi kiếm buồng khác cho tĩnh. Nhà ồn quá không đọc được. Nhất là đêm nghe cái tiếng khóc tôi cũng muốn điên nốt.

– Thường là tôi ở ngoài thư viện suốt ngày.

Đã nên bắt đầu chưa. Trọng nhấc cái phin trắng lóa ra khỏi tách, mở nút bình thủy đun nước sôi. Cảnh đi ra quầy mua thuốc lá, người đàn ông bán hàng vỗ vỗ bao thuốc nhón rút lấy ba điếu đặt lên trên đĩa nhôm, giơ bao thuốc lên nheo mắt nhìn vào trong đếm, rồi mang đặt trước mặt Cảnh.

– Anh hút không?

– Thì thử xem sao.

Trọng ngậm thuốc giữa môi, châm lửa vụng về, nhả khói um sặc, cầm khăn tay chùi kính và mắt. Cảnh cười:

– Có lẽ đầu tuần tôi sẽ xuống Đăng... Nhưng... độ một tháng tôi sẽ lên. Tôi định...

– Hả.

– Tôi ra ngoài.

Trọng đeo kính vào mắt, nhìn trừng trừng dò hỏi.

– Tôi nghĩ tôi phải báo với anh là tôi ra ngoài. Sống mãi trong vùng này, tôi chết dần chết mòn hết cả tin tưởng. Cái vị trí mình chọn nó lập lờ quá. Dù sao ra ngoài kia, tôi có ích hơn. Tôi không được như anh, tôi không có một quá khứ, một công việc phải tiếp tục đến cùng. Tôi mới bắt đầu mà bắt đầu thì tôi nghĩ ở ngoài kia hơn... Tôi biết tôi làm anh buồn nhưng tôi còn trẻ, tôi muốn được thí nghiệm, muốn có kinh nghiệm có thể tôi sẽ trở lại với anh và cũng có thể tôi mất hút...

Cục gù ở cổ Trọng nhô lên, trụt xuống. Mặt anh đỏ ửng dẫn.

– Anh đừng nghĩ là tôi phụ anh. Tôi hiểu anh tin cậy tôi nhất. Tôi chỉ muốn trung thành với chính mình trước đã. Tôi không bao giờ quên chính anh là người mở óc cho tôi. Anh muốn tôi được tự do nhận định lựa chọn lấy con đường phải đi... Chắc anh không nỡ ngăn tôi. Anh cứ để cho tôi... biết đâu chẳng là bài học hay cho tôi.

– Cậu có thể làm một cử chỉ hy sinh vô ích. Chỗ của cậu không phải ở đấy.

Trọng nói khẽ, Trọng kìm giữ xúc động. Môi anh mím lại, cầm bạnh ra và bắp thịt bên má giật động.

– Tôi đã suy nghĩ đắn đo cả năm nay trước khi quyết định. Tôi nghĩ muốn gì tôi cũng phải trải qua giai đoạn cần thiết này. Một là mất, hai là còn.

– Vậy nghĩa là tôi không thể nào thay đổi được ý của cậu nữa?

Cảnh bưng tách cà phê lên uống, dấu mắt mình. Ánh đèn pha ô-tô từ chỗ khúc quành soi quét vào trong quán.

– Cậu biết rõ tôi đấy. Ông bố tôi là nhà nho nhưng lại có tư tưởng xã hội. Có thể kể ông vào loại chiến sĩ xã hội đầu tiên tại nước này. Ông bác tôi cắt mạch máu chạy giữa đồng cho đến chết sau vụ Sô-viết Nghệ-an. Gia đình tôi phải bỏ xứ ra đây... Như thế cậu rõ là tôi không thể... Các em tôi chúng còn ở cả ngoài ấy. Chẳng lẽ cậu nghĩ rằng tôi cũng chỉ là một thứ phản động...

– Không, vấn đề này là của tôi, không dính líu gì đến anh.

Trọng tháo kính xuống chùi nữa, mắt anh đỏ hoe. Có lẽ anh đang nghĩ anh trơ trọi có một mình. Anh chùi miệng, rồi rũ rū chiếc khăn tay để gấp lại. Trông giây phút, Trọng già xọm, xa cách hẳn như những mùa hè xưa anh về nghỉ ở nhà Cảnh kèm cho Cảnh học; người trong xóm gọi anh là Cậu giáo nhà ông Trưởng Bạch.

– Tôi tin ở cậu. Cậu thành thực lắm nên tôi không biết phải giữ cậu bằng cách nào. Cậu thành thực và mai kia cậu cũng có thể thành thực khi phải thủ tiêu... tôi chẳng hạn.

Giọng của Trọng cứng lại, chua cay. Cảnh nổi giận, ngồi lặng. Sự lựa chọn nào cũng khốc liệt thế chăng? Trong mắt anh, tôi như thế nào. Con người tôi đã đổi mà không hay biết. Cảnh ngừng nhìn cố sức biểu tỏ thái độ bất mãn. Trọng cười nhạt, không âm vang:

– Tôi vẫn sợ cái ngày hôm nay. Các cậu còn trẻ không chịu đựng được thử thách. Hết Hòa, bây giờ là cậu. Và tôi không làm được gì hơn là một mớ lý thuyết xuông.

Cảnh vẫn im. Rời quán cà-phê, Trọng cũng nín thinh luôn. Cảnh nghe ớn lạnh buồn bã khi nghĩ đến phải nằm chung với Trọng trên cùng một tấm phản trong gian buồng chật hẹp, nghe tiếng khóc nỉ non của người thiếu nữ rách rưới tự nhốt mình trong một số nhà tối.



Buổi đầu tiên trở lại tìm Phúc một mình, An đẩy cánh cửa buồng khép quên gài then, vội vàng quên gõ cửa, muốn trốn khuất những cặp mắt tò mò theo rõi từ dưới sân, trên cầu thang và trong các buồng mở cửa–những cặp mắt soi mói khó chịu mà dù đã thường lui tới An vẫn bị nhột nhạt–nghe tiếng Phúc hỏi: Ai đấy? Làm sao lại vào được; Phúc đang nằm với một người đàn ông. An ngồi lỳ trên ghế, ngại tháo lui, gặp một ông công chức già bỏ sở đi chơi đến sau, ông gật đầu chào; Phúc cáu kỉnh: Đóng cửa lại. Đóng cửa lại; vị công chức bối rối bỏ đi ngay, người đàn ông trong giường pha trò: ổ, có gì là lạ... Phúc gắt: còn ai ở ngoài, xin mời ra cho tôi đóng cửa. An lặng thinh đứng dậy, bước mau xuống cầu thang, gặp ông công chức đứng đón xe ở đầu phố. An trở lại tìm Phúc ngày hôm sau tại lớp học nhảy và hỏi: Tại sao lại đuổi anh? Phúc xin lỗi: Em không biết là anh, em xin lỗi. An đưa Phúc vào nhà, đi bộ qua các phố nhỏ vắng khuất, kéo dài con đường, những phố thường chẳng mấy khi qua, như một cặp tình nhân lãng mạn. Tại sao không? Những buổi chiều ấm gió, thổi lên tà áo xẫm màu, khuôn mặt không son phấn hơi nhợt của Phúc, cử chỉ nền nã tự nhiên. An nằm lại trên giường của Phúc lâu hơn, lười lĩnh và mỏi mệt và một vài lần Phúc phải từ chối những khách đến sau ở ngoài bao lơn. Một buổi Phúc giữ An lại: Em mời anh ăn cơm. Ở lại xem em thổi cơm. Phúc mặc áo cánh, thổi cơm bằng bếp cồn, đi lại bận bịu như người đàn bà nội trợ ngoan ngoãn. An có hẹn tới dự lễ sinh nhật Khiêm và nhớ chưa mua đồ mừng, An mặc quần áo bảo: Anh sẽ về ăn cơm, phải ra phố có chút việc. An lang thang ngoài Trường-tiền, vào phòng Thông tin Pháp xem báo, dán mũi vào các cửa kính. Khiêm sẽ lại mặc áo mới, tiếp bè bạn bọn con gái trường giả, bọn con giai đàn ông đang ngấm nghé vợ và địa vị xã hội. Ông Huyện, bà Huyện trịnh trọng ra phòng khách mươi phút, chào hỏi bạn bè của con, thăm hỏi về bố mẹ của chúng xong rút lui lên gác. Khiêm thổi nến, cắt bánh, vỗ tay cười đùa, đứng giữa phòng kéo violon, lần lượt đứa kể chuyện đứa hát, những bài hát của kháng chiến. Và điện sẽ tắt trong năm phút, chỉ còn nến cho không khí thêm quý phải; như năm ngoái An lén hôn Khiêm dữ dội kiểu Lê-dương. An mua một lọ nước hoa, mang về cho Phúc nói: Anh tặng em; Phúc cảm động, Trong bữa ăn, Phúc săn sóc như một người vợ yêu chồng. Sẽ ở lại với Phúc, anh sẽ ở lại với em, được không? An nói khi nằm nghỉ trên giường đọc báo, Phúc bế con ngồi bên. Chỉ sợ anh không dám. Sao lại không dám? Tối ấy An trở về nhà, Nga hỏi: Anh đi đâu không đến chị Khiêm? Ông bà cụ vẫn chưa về. Buổi sáng khai giảng niên khóa mới, An bỏ ý định đến lớp và xuống Phúc. Vào giấc này, khoảng sân vắng dễ vượt qua hơn, nhưng An đứng trước cửa phòng đóng kín ở trong. Một bà cụ già hom hem, bẩn thỉu ở cầu thang lên nói: Cậu qua buồng tôi ngồi chơi. Đứa con trai của Phúc lê la dưới đất quanh mấy chân ghế, bà cụ mẹ Phúc lên nằm co quắp trên phản cạnh khay đèn: Cậu quen với cậu Lân? Cậu Lân quen với nhà này lắm. Cậu biết hút không? Làm thử một điếu... Món này tốt lắm. Phúc sang và ngượng khi thấy An ngồi trên ghế nhìn đứa con nhỏ. Phúc nói: Em định vài tháng nữa kha khá xin đi làm vũ nữ... Dù sao cũng còn hơn thế này. Hôm ấy An không nói gì cả, sự im lặng trong tác động ân ái làm nở một thứ tình yêu, tình yêu chăng, tình yêu nặng nhọc và tối tăm. Một cảm giác cô đơn trong hầm tối. Phúc, tôi có thể ở với Phúc và mọi ràng buộc sẽ đứt tung. Tôi sẽ là người khác. Không còn chút liên hệ nào với cái thế giới thân quen.

Buổi sáng Nga gõ cửa buồng, nhét tờ báo xuống khe cửa, nói vọng ở ngoài: Ông "bô” làm bộ trưởng rồi, chắc là tuần này về. Có một ông tên Lân hôm qua đến tìm anh. An không biết phải làm gì hơn là tìm xuống Phúc. Phúc hỏi: Anh không chán em à? An đáp: Không chán nổi, tối nay anh ở lại đây. Được không? Buổi trưa gian phòng không cửa sổ, kín hẩm, mồ hôi thấm lạnh. Khách gõ cửa, Phúc nằm im không đáp, tiếng gõ cửa mạnh hơn, An la lớn: Va-t'en, salaud. Phúc bật quay người bịt miệng, An vùng vằng đầu, thuận tay tát mạnh vào đầu Phúc. Phúc kinh hoàng bất động miệng há ra như sửa soạn gào. Ngoài khe cửa có tiếng hỏi ghẻ vào: Anh An ở trong phải không? Không có An nào hết, imbécile. Rồi An rớt xuống sự mệt nhọc bình thản nghe tiếng thổn thức của Phúc, cái lối của Thạch có vẻ hiệu nghiệm, nhẹ nhàng thoải mái, khỏi mất công. Lát sau An quay sang vỗ về Phúc: Việc gì em sợ. Em sợ anh. Sợ anh, sợ anh thì phải nghe anh, An cười thành tiếng. Anh yêu em, anh thương em, anh sẽ ở lại đây với em, em bằng lòng không? Phúc không nói, Phúc chỉ có hai bàn tay để nâng niu vuốt ve các bộ phận trong cơ thể. Gương mặt hiền hậu trở nên đần độn. Chiểu đến An vẫn còn ngại gặp Lân ngoài cửa, bắt Phúc mở ra xem trước. An đưa Phúc đến lớp nhảy, hẹn sẽ quay lại đón và trở về nhà. Nga đi học. An đi lại từ trên gác xuống nhà nghiền ngẫm ý định. Gian nhà yên tĩnh, mát mẻ, trời ẩm đục. Tôi sẽ bỏ đi như người mất tích. Sống với một người gái điểm. Tôi sẽ ở được bao nhiêu lâu? Tương lai? An nghĩ nên xuống gặp Đồng. Để làm gì? Tôi phải sống cho tôi, tôi yêu Phúc, tôi yêu Phúc hay tôi bỏ trốn. Khi An trở lại, trong buồng nhảy chỉ còn một vài người. An gọi xích lô ngồi chung với Phúc, không dấu diếm. An bảo: Anh nói thực đấy, em nghĩ thế nào? Phúc hỏi: Anh nghĩ kỹ chưa? Em không ra gì, em có con, em sẽ làm khổ anh. Không có gì đáng kể miễn là em yêu anh. Phúc vuốt ve cánh tay An khiến mọc gai: Rồi anh sẽ hối hận. Còn tương lai của anh... An ngửng nhìn những đám lá rào rào và những chiếc lá vàng bay rụng cười xòa. Buổi tối ăn cơm xong, khi An lên giường nằm chìa tờ báo chỉ cho Phúc: Ông “bô” anh đấy... Phúc nói: Thôi anh về đi, lúc nào anh đến đây em chẳng là của anh. An liệng tờ báo sang bên: Không phải thế, không phải thế đâu. Phúc vuốt ve mặt An, nhìn ngắm với vẻ lạ lùng. Và một lát, Phúc bắt đầu bàn tính tương lai. Sẽ dọn ở chỗ khác, trốn biệt nhà người quen, tạm thời Phúc muốn đi nhảy kiếm tiền nuôi cho An học. An bật cười: Anh sẽ ăn bám em, không đời nào...

Bây giờ vẫn còn trong giờ giới nghiêm, ngày chưa lên, chỉ nghe gió nổi ngoài phố. Những hồi đại bác, lối nửa đêm khi mệt thiếp, cũng im bặt. Vòi nước dưới sân nhỏ giọt, lâu lâu chảy thành giòng mỏng yếu. Mất quen dần với bóng tối, đình màn hiện ra mờ như làn sương đục. Phúc ngủ say, hơi thở nặng, đầu tóc xổ. An nằm đè lên, nhờn nháp một bên mạng sườn. An nằm không động đậy, như được chở trên một chiếc thuyền khẳm sắp chìm, chỉ mới chưa đầy một ngày, gia đình thấy đã như xa cách hẳn, chập chờn trong những ý nghĩ dồn dập như sóng. Cả cái thân thể bóc trần dưới chăn không còn thuộc về mình nữa, yếu đuối lẻ loi. Những ngày sắp tới như một cái hõm sâu, tối, tối hơn gian buồng này, tối hơn những lúc bị cuốn hút vào trong thân Phúc. Một người già cả nào ở trong một gian buồng xa ho sù sụ. An đặt tay lên ngực Phúc, hâm hấp nóng, nghe một cảm giác phi lý kỳ quặc. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bỏ về nhà, chỗ của tôi vẫn còn nguyên, nhưng tôi cứ muốn ràng buộc với Phúc. An nghĩ lại những dự tính, tưởng tượng những hành động tương lai. Tự chôn vùi mình để thay đổi và tôi sẽ thành cái hình thù thế nào. Tiếng chuông đồng hồ reo vang, Phúc thức dậy mò mẫm bật đèn ngủ, ngạc nhiên thấy An còn thức, Phúc bò trên ngực An. Anh không ngủ, và vục đầu vào cổ An. Em yêu anh không? Hứ, hự. Em sung sướng không? Có. Chúng mình sẽ nuôi con, con của em là con của anh. Anh sẽ làm việc cho nó. Phúc, em ngủ đi. Không, em thức với anh. Tại sao em để đồng hồ báo thức. Em dạy sớm để đi lễ. Đi lễ hả? Em sửa soạn đi, chắc sắp hết giới nghiêm. Em không muốn đi nữa, em muốn nằm với anh cơ. An nghe sức nặng dồn vào thân mình, đồng thời như muốn nhấc bổng mình lên. An nhắm chặt mắt, buông xuôi tay không muốn bám víu. Em yêu anh, em yêu anh...

Anh ngủ nữa đi kẻo mệt. Em yêu anh. Anh lạnh không? Anh yêu em thực không? Anh không biết đời em khổ biết là chừng nào. Nếu anh bỏ em, chắc em chết. Anh, anh đừng đánh lừa em. Hì, không, anh chỉ lừa anh thôi. Anh nói gì? Không. Anh muốn gì anh cứ nói, em sẵn sàng làm hết cho anh. Đời em không có nghĩa gì, chỉ anh là đáng kể. Hì, anh cũng không đáng kể... Anh ngủ chưa? Em đi lễ anh nhé. Ừ... Cửa mở và gió thổi lùa. Ngoài phố, tiếng bánh xe bò lăn lịch kịch, tiếng rao hàng bánh tây kéo dài lê thê…



Cảnh dậy thật sớm, những biệt thự xung quanh còn say ngủ, qua những kẽ hở của cửa sổ đóng kín nhìn thấy ánh mờ tối, nghe tiếng đàn dưới bếp đang đun nước buổi sáng. Giấc ngủ làm Trọng co quắp thảm hại, nét mặt nhăn nhó. Bước xuống cầu thang còn chập choạng nồng những hơi thở phì phò dưới các bục gỗ, Cảnh rửa mặt bên bể nước quay lưng lại phía những người đàn bà ngồi xổm trước các bếp lửa cháy hồng. Người thiếu nữ cuống trí, đêm qua phá phách chạy nhào ra cổng trong giờ giới nghiêm, chắc đã bị trói và mệt thiếp đi. Cảnh rùng mình khi ngửng lên nhìn màn trời nhờ mầu sương, bầu trời trải trên những cánh đồng nước buổi chiều chiến tranh dữ dội. Ngoài phố còn vắng tanh, chiếc tàu điện sớm chạy mau trong phố xa. Cảnh đi vào phố hàng Bông, hai bên hàng phố chưa mở. Từ trên tàu điện ngoài Ô Cầu-giấy vào, những người đàn bà nhà quê mua phân của thành phố ném vội những đôi quang gánh và thúng không xuống giữa đường, rồi chia tản chui lẫn vào trong các cánh cửa hé sớm hoặc các ngõ dẫn vào cửa sau. Khoảng tám chín giờ sáng, họ kĩu kịt gánh đi trên hè mùi xú uế nực phố xá, đón tầu về làng. Qua bờ Hồ, Cảnh chỉ gặp những người lao động đi làm sớm. Tháp Rùa nổi xa hơn trong một làn sương mỏng, một vài chiếc xe vận tải nhà binh chạy rầm rập không đếm xỉa đến tốc lực. Cảnh ghé vào trong kẹt ngách lọt trong tòa nhà lớn của phố Trường-tiền ăn sáng; kẹt chật hẹp có hình chiếc mui cong dần, có lẽ nằm dưới một chân thang không thể trông thấy. Bánh tây dòn, cà-phê nóng. Bánh nướng trên vỉ sắt, trước khi được mổ đôi, nhồi “ba-tê”, rắc muối tiêu đựng trong hộp thuốc 999 lóc xóc. Cà-phê đun trong ấm sắt đặt trên bếp lò quạt luôn tay, than nổ tí tách. Cảnh ngồi quay mặt ra ngoài hè, chỉ thấy một khoảng ngắn những viên gạch ô vuông nhỏ, bờ lề đá xanh lỗ rỗ, một cây cột của mái hiên bên kia vỉa hè, cánh cửa sắt kéo lên xuống che một mặt tủ kính. Một người dựng xe đạp ngoài vỉa hè, sách túi bao da vào hiệu, cất bánh tây. Cảnh ăn chậm chạp đợi thời khắc trôi qua, nghe tiếng động buổi sáng dâng lên từ từ trong phố.

Cảnh đi bộ trở ngược về thư viện. Hiệu thuốc tây lớn ở góc bờ Hồ đổi chủ, hai ba người thợ mộc đang bắc thang sửa lại tên bảng hiệu. Tên dược sĩ này giàu thật nhanh, chuyên bán thuốc cho hậu phương, hắn ủng hộ kháng chiến đấy. Sống làm sao nổi với đám trí thức trong thành này. Một lớp trí thức mới... Cảnh muốn có Thạch ở đây để hỏi: Cậu tin tưởng vào cái gì mới được? Chắc chắn hắn sẽ văng tục: Merde. Thư viện chưa mở cửa. Cảnh bước lên trên bãi cỏ còn ướt, đến ngồi dưới gốc đa, chiếc rễ cây ẩm. Trong nhà chứa xe, một vài người đang ăn sáng của hàng vợ chồng người lao công giữ xe của thư viện. Trên thềm, trước tấm cửa kính dầy nặng nổi vân viền sắt đen, hai người ngồi quay mặt trông ra đường. Luống hoa vàng nhạt, đỏ hoen chạy viền quanh bãi cỏ. Cảnh thoáng nghĩ đến cuộc hẹn buổi tối. Không hiểu thái độ của Trọng như thế nào từ giờ cho đến ngày lên đường? Thật khó khăn cử phải nhìn nhau hằng ngày và biết không thể nào còn đồng ý với nhau được nữa. Trong trường hợp phải quay trở lại? Đám người tụ tập trước bực thềm đông hơn, trong ấy có Trọng. Có lẽ anh không nhìn thấy, mắt cận thị nặng, anh cắp chiếc cặp da đen cũ, ngờ nghệch, lạc lõng. Từ ngoài cổng, ông già trông nom trật tự phòng đọc sách, có nhiệm vụ nhắc nhở những người trò chuyện ồn ào hay đánh thức những người ngủ gục buổi trưa ngay trên ghế, mặc áo thâm chùng đạp chiếc xe cót két chạy vào, chiếc ô buộc trên ống xe; ông giơ tay vẫy chào đám người đợi nói lớn: Còn sớm, còn sớm. Người ông thấp bé, dáng đi thủng thỉnh, khi ông mở khóa cửa bị đám người đứng sau che lấp. Cảnh ngồi yên, đợi năm phút sau mới vào và trông thấy Trọng đứng trong ngách không có bàn đọc trước tủ ô kéo cao chọn sách. Người thủ thư đang bước lên bục đặt ghế ngồi có thể quan sát khắp phòng đọc, nhếch mép cười chào. Cảnh đến chiếc bàn trong góc tìm chỗ ngồi khuất, tựa đầu nghỉ ngơi. Trên đầu tường những khe hở được che kính chùi sạch để thêm ánh sáng cho phòng đọc, cành lá phượng xanh không còn hoa. Tiếng kèn xe hơi ngoài đường bị cản lại vì những mặt kính dầy trong suốt che quanh cửa vào phòng đọc. Cửa sổ lớn rộng trông xuống vườn sau để trống. Tiếng dép lẹp kẹp của ông già trông nom trật tự, chốc chốc rời chiếc bàn nhỏ bầy ngay lối vào phòng. Tiếng ô kéo rút ra, đóng vào, bước chân đi nhẹ trên sàn, tiếng sì sào loáng thoáng, tiếng ho, sịt mũi, tiếng chân ghế bị kéo trên gạch hoa... Trọng ngồi ở chỗ không trông thấy. Trong khi đợi mượn sách Cảnh về chỗ nhìn mặt bàn dài lên nước đen, những ngón tay xòe đặt trên màu gỗ bóng nổi vân. Chuyến đi này chỉ có một người Cảnh muốn được đi cùng là Thạch, chỉ có nó. Nhưng nó đã bị đầu độc bởi những Gide, Malraux, Sartre, Koestler... bởi bọn existentialistes. Nó không thoát khỏi được những ý niệm trừu tượng những thắc mắc siêu hình viển vông, không thoát khỏi được giới hạn của giai cấp. Nó đi vào chiến tranh như tìm sự tự hủy; Cảnh ân hận đã không thuyết phục nổi Thạch, không đủ can đảm đối đầu quyết liệt với Thạch; ở nó ngầm chứa một sức mạnh mù tối khiến chính mình bối rối hoang mang khi đối diện. Không như Trọng, Trọng vững vàng quá nên dễ nhận thấy sự chia lìa. Những cơn giao động mãnh liệt của nó như muốn lôi cuốn cả mình vào trong. Hồi Cảnh truyền cho Thạch hai quyển gối đầu giường của mình là Principes fondamentaux de la philosophie Principes élémentaires de l'économie politique, Thạch bỏ cả gần năm học không để ý đến thi cử để nghiền ngẫm Marx; Cảnh hỏi: Cậu có hiểu nổi không? Thạch: Phải cố banh óc ra mà hiểu, người thủ thư lúc đầu rất dè dặt khi cho mượn sách, lưu ý Thạch nên cẩn thận, và Thạch nói: Xem chơi thôi mà, xem cho biết. Cả buổi sáng, Cảnh không giáp mặt Trọng. Thư viện vơi dần, buổi trưa nặng nặng đến êm ả, màn ánh sáng cũng không thấy chuyển đổi. Khi Cảnh gấp tập La Révolution française của Soboul lại, ngoái cổ nhìn lên chiếc đồng hồ treo, đã một giờ trưa. Cả phòng đọc sách không còn một người, trừ ông già ngồi ở bàn gà gật trước tờ báo hằng ngày trải cả hai trang. Cảnh xuống sân, vào nhà chứa xe, ăn trưa. Người chồng úp chiếc mũ vải trên mặt, nằm dài trên ghế, người vợ tựa lưng vào tường lim dim mắt. Cảnh gõ gõ vào mặt kính đánh thức. Một cái bánh tây, cốc cà-phê sữa, xong bữa trưa. Vào khoảng ba giờ An đến, nét mặt hốc hác, mắt lờ đờ thất thần thiếu ngủ, ngồi trước mặt Cảnh, khoanh hai tay trên mặt bàn, nhìn thẳng mà như không thấy Cảnh. Một lúc An hỏi: Thấy Đồng không? Cảnh lắc đầu; Hay là nó ốm nặng? Chết? An vừa nói vừa cười nụ cười ngơ ngẩn. Cảnh nhìn chăm chú, xét đoán tâm trạng của An, rồi lại cúi xuống trang sách và An bỏ đi lúc nào Cảnh không hay. Nhiệt độ buổi chiều rớt một cách đột ngột theo với màu ánh sáng phủ lên từ lúc nào trên da mặt cảm giác tê lạnh. Đèn trong phòng bật sớm, các lò sưởi dưới các chân cột lớn được đốt lên, những bóng đèn trắng đục lớn treo bằng giây xích tỏa một thứ ánh sáng dịu nản. Cảnh rời thư viện về quán cơm trọ. Đứa con gái nhà trọ vừa dọn bàn vừa than thở với mẹ về chợ búa đắt đỏ. Bữa cơm dọn lên trên hai ba cái đĩa nhỏ một món kho, một món xào, đĩa dưa và một bát chiết yêu canh váng mỡ. Tráng miệng một quả chuối quắt, vỏ thâm ướt nước. Ngoài đường người qua lại hấp tấp trong một cơn mưa rắc bụi. Từ cái ra-đi-ô đặt trên xích-đông gần quầy phát ra tiếng hát ân tình nỉ non. Trong một thoáng, Cảnh rung động vì giọng hờn oán kể lể của nữ ca sĩ. Phút rung động thật ngắn đào một hố trống, trong cảm xúc, Cảnh nghe giận cái tiếng hát đìu hiu vô tư như một luồng gió tan lẫn trên các chòm cây. Không thể còn sự ngây thơ, không thể còn những mơ mộng vô tội, người ta chỉ có thể mơ mộng bằng kiếp sống, bằng hành động. Chỉ còn có thể một giấc mộng... giấc mộng của những Robespierre, Saint-Jus, Marat...

Ngoài đường mưa chỉ vừa đủ bám lên áo dạ, Cảnh thẩm mong Trọng không trở về nhà và cũng mong Trinh không đến. Cảnh không về thẳng, đi vòng đến thăm Hương. Hương đang ngồi đọc truyện Tàu cho bà mẹ nghe, bà ôm cơi trầu trong lòng mắt mơ màng. Hương nói: Anh có thể đi sớm được... Vừa có người vào. Ngày kia anh đến tôi, tôi sẽ đưa anh đi gặp. Bà cụ già nhai trầu bỏm bẻm, hấp him ngắm Cảnh. Người anh lớn của Hương, công chức sở Thông tin, ở trong buồng đi ra, bắt tay Cảnh và cũng nói: Nếu tôi không có gia đình, không bận gánh nặng... tôi cũng đã ở lại ngoài kia rồi. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật đang cầm quyền, thành tích, dĩ vãng, những âm mưu bẩn thỉu. Áp-phe sợi, gạo, muối, áp-phe thiết lập thị xã Đồng-quan. Hơn tám giờ Cảnh mới rời khỏi nhà Hương. Trinh đứng đợi ngoài ngõ, dưới gốc cột đèn, áo nhung màu huyết dụ. Cảnh đi tới và hỏi:

– Cô không đi xem kịch?

– Em đợi anh.

– Cô có gặp ai trên buồng tôi không?

– Không.

Trọng không về, có lẽ anh có giờ tại Văn-khoa. Cảnh rút khăn tay lau da mặt nhờn nhớp bụi nước.

– Cô lên buồng chơi không?

– Em hẹn con bạn đợi ở nhà Hát lớn.

Trinh chờ Cảnh nói, ôm chiếc sắc tay vào ngực như muốn che gió, vén cổ tay xem đồng hồ.

– Cũng gần đến giờ rồi, tôi đưa cô đi.

Trên vỉa hè, men theo bờ tường Hỏa-lò, đèn sáng không bóng cây che. Tiếng guốc cao gót kêu nhịp. Trinh bọc hai tay trong mép vạt áo trước giữ thẳng. Đường Hai bà Trưng rộng, ướt bóng chạy hút theo ánh điện và cây vào trong tối.

– Em thích đi bộ dưới trời mưa, đi mãi cũng được. Nhiều tối học bài, trời mưa em chỉ muốn được khoác áo mưa ra phố mà không được... Anh có thích như thế không? Có khi các anh là con trai, các anh được tự do nên các anh không hiểu được tâm hồn bọn con gái chúng em…

– Mưa tôi chỉ muốn ngồi nhà. Ra ngoài rét lắm...

Cảnh cất tiếng cười nhẹ nhõm, tiếng cười như của một người khác. Muốn nhớ một vài câu hát, một câu thơ... mà không thuộc nguyên vẹn một câu nào. Lối mòn thơm mãi... Những chiếc xích-lô vượt qua mặt nhẹ nhàng êm ái. Trinh đi ngang qua đường sang phía vỉa hè ít ánh sáng. Lối gạch lát cỏ len lấn hai bên.

– Tạnh mất mưa rồi. Lần thứ nhất em được đi chơi ở phố vắng này... một mình. Anh cứ nghĩ xem tối đến là bọn con gái đóng chặt cửa bị giam ru rú trong nhà. Đêm tối thành ra là của riêng của con trai. Hễ đứa nào thích đi lang thang buổi tối là các cụ cho là hư rồi. Một mình... ngoài phố vắng là người ta nghĩ không tốt. Có công việc gì phải đi qua thì vội vàng hốt hoảng đâu còn đầu óc mà hưởng thú vị. Phải không anh? Tại sao con gái không có thể đi dạo chơi ban đêm như con trai những lúc buồn bực. Đêm trong thành phố quyến rũ lắm chứ. Em chỉ muốn được đi không mục đích rồi về nhà ngủ một giấc chắc ngon.

Trời lộ ra trong những khoảng trống của vòm cây, sáng vàng từng nhịp ánh pha rọi ngang.

– Không thơ mộng như cô tưởng đâu. Cô quên rằng cô đang ở trong một thành phố chiến tranh, thành phố bị chiếm đóng... Bất cứ lúc nào...

Cảnh bỏ dở câu nói, không nên khuấy phá phút mơ mộng của Trinh, cũng chẳng lợi ích gì. Những thiếu nữ tiểu tư sản thành thị không nhận thức nổi những quy luật xã hội như số mệnh khốc liệt của mình. Để cho Trinh được đi trong màn đêm huyền ảo của nàng và Trinh sẽ tới gặp... Bước của Trinh chậm, lúc nào Cảnh cũng đi trước một vài viên gạch và thỉnh thoảng đứng lại đợi.

– Cô có đến kịp không? Bạn cô sẽ sốt ruột. Hay đi xe, cô đi xe đi... tôi về.

– Không. Mặc cho nó đợi. Không thì nó vào xem một mình... Chẳng mấy khi em được đi trong phố đêm. Anh bảo thành phố chiến tranh, bị chiếm đóng... Mình tránh đi. Rẽ đi anh. Đừng đi qua chỗ kia... Vẫn phải còn những phố riêng của mình chứ. Đêm vẫn còn những lúc không có tiếng súng.

Tránh cái quán rượu sáng trơ giữa đại lộ vắng, nghêu ngao tiếng hát của anh lính Tây say ma petite folie, ma petite folie... Trinh đẩy khuỷu tay Cảnh rẽ vào con phố nhỏ ngang, hai bên biệt thự rào cây kín.

– Năm nay cô Trinh bao nhiêu tuổi nhỉ?

– Mười chín tuổi tây, hai mươi tuổi ta.

– Học xong cô định làm gì?

– Em không biết.

Vỉa hè hẹp chỉ vừa đủ mình Trinh đi, Cảnh bước dưới đường. Trình bứt những lá cây bên các rào ném xuống.

– Mai kia yên, em chỉ ước được sống ở nhà quê. Em không quên được kỷ niệm mấy năm tản cư. Ở nhà quê, làm vườn, đọc sách, nuôi con...

Trinh thốt cười nhí nhảnh, tưởng như giấc mộng ấy trong một ngày gần đã tới. Không biết rằng xã hội này còn nhiều vấn đề phải giải quyết còn phải chịu xáo trộn nhiều năm... Chiến tranh còn dài lắm và cái trang trại trong mộng tưởng của Trinh cũng là một mục tiêu bị tấn công.

– Tôi sống mãi ở nhà quê, chán lắm. Như thế cô cần phải lấy chồng thi sĩ mới được...

– Chồng làm ruộng không được hay sao anh?

– Lãng mạn... Cô không biết rồi xã hội mình phải cách mạng. Hiện thời người ta đang làm...

– Cách mạng... em có bảo không cách mạng đâu. Thế cứ làm cách mạng là phải diệt trừ mơ mộng, là không...

– Cô còn ngây thơ lắm.

Trinh nín lặng như bị đè nén, ấm ức, dừng lại. Con phố nhỏ mở ra một đại lộ, bên kia đường là chiếc cổng sắt của một hãng xưởng lớn. Không có chỗ cho Trinh, không thể bận tâm, những người như Trinh phải bị hy sinh cùng với những giấc mộng tiểu tư sản. Trinh nhìn theo chiếc ô-tô chạy ngang, lặng lẽ xuống đường rẽ về bên trái và lại thủ hai tay giữa vạt áo trước. Cảnh không biết lúc này là mấy giờ, lối đi dẫn về khu Đại-học.

– Trong lớp em, dạo này chúng nó hoạt động chính trị hăng lắm... Truyền đơn rải lung tung trong giờ học. Không còn biết đâu mà đọc nữa. Mấy con bạn thân của em cũng chê em là ngây thơ, mơ mộng, lãng mạn, lạc hậu, không chịu tham gia phong trào... Em thì em nghĩ có mình hay không cũng chẳng thiệt hại gì cho ai. Nếu mình lấy đấy làm lý tưởng, lẽ sống của đời mình thì khác... Còn em, em không có đầu óc cách mạng, em chỉ nghĩ được những điều thường thường...

Đế guốc của Trinh dẫm lên trên một đoạn lá khô trải lót vỉa hè nghe lạo sạo tiếng gẫy dập của cánh lá. Trinh sẽ lấy một người chồng và sẽ trở thành bất cứ một người đàn bà nào theo ý muốn khuôn nặn của chồng. Trinh sẽ sung sướng hay khổ sở? Hạnh phúc cũng như tự do chỉ là huyễn hoặc trong một thế giới đang băng hoại. Cảnh nhìn chiếc bóng in trên hè chuyển động theo bước đi và theo ánh sáng của những ngọn điện cách quãng đều đặn.

– Bao giờ thì anh đi? Ngày nhất định ấy...

– Tôi chưa chắc chắn.

– Anh ra hậu phương có phải không?

– Làm sao cô biết?

Trinh không đáp, đưa một tay lên gỡ tóc xòa trên trán. Cảnh ngoảnh mặt chỗ khác, tránh cái nhìn của Trinh. Gió thổi là, cuốn một góc vạt áo nặng. Bên góc phố tối, một gánh bánh tây và cà- phê đỗ không có khách nhưng vẫn đang quạt bếp. Cảnh đứng lại mua thuốc lá và hỏi:

– Cô uống cà-phê không? Có dám không?

Trinh đứng vịn vào đầu chiếc tủ kính, ngần ngừ:

– Đằng nào đêm nay em cũng không ngủ được...

Cà-phê đắng làm Trinh nhăn cả mũi. Người đàn ông bán hàng đội mũ dạ sụp tò mò quan sát Trinh, áo của Trinh mới và sang quá so với bộ quần áo của mình. Cảnh nghĩ mình bắt đầu nghiện cà-phê thuốc lá, những thú tiểu tư sản khó dứt, bỏ đi là vừa. Cái xã hội này sẽ chiều chuộng mình, tạo nên những thói quen để giam hãm. Nhà thương Đồn Thủy ở trong phố đầy cây tối hơn, chiếc sân cỏ phẳng chạy dài mở rộng dần hết phố hàng Chuối. Khuya lắm rồi, khói thuốc bị gió thổi hết hương vị.

– Làm sao cô biết tôi ra hậu phương?

– Em đoán phỏng thế. Các anh nếu không đi lính thì chỉ có thể ra hậu phương...

– Cô nhẩm. Có thể trốn ở trong này cũng được...

Những tòa nhà của trường Đại học sừng sững trong bóng đen. Một đôi cặp tình nhân bình dân lẩn lút đứng dựa các gốc cây. Cảnh ngượng hộ Trinh nhưng hình như Trinh không chú ý đến.

– Anh đi anh có buồn không?

– Có gì mà buồn. Tôi không phải là dân Hà-nội mà...

– Anh không nhớ đến một cô nào... Người ta đợi anh và có thể đêm đêm người ta khóc nhớ…

– Cô nào? Không ai yêu tôi và tôi cũng chẳng yêu ai hết.

Cảnh cười, tiếng cười nhẹ mỏng rớt mau, dừng chân châm nói điều thuốc mời. Bắt đầu thấy chóng mặt nôn nao như những đêm đi nhiều, nói nhiều, hút nhiều thuốc lá với Thạch và Đồng, giữa những cơn gió lạnh.

– Anh hút nhiều thuốc lá quá.

– Mới chỉ có ba điểu.

– Nhưng anh hút liền không nghỉ.

– Không hề gì. Ra ngoài kia là hết hút thuốc.

– Anh đi chắc còn lâu mới về Hà-nội.

– Tùy tình hình. Có thể nhanh, có thể chậm, nhưng chắc chắn là thế nào cũng phải về Hà-nội.

Lúc ấy Thạch ở đâu? Đồng ở đâu? An ở đâu? Trinh ở đâu? Chắc chắn là về. Có phải bỏ đi vì biết chắc chắn được trở về? Còn Thạch?

– Vở kịch dài. Sợ đến giới nghiêm mới tan.

– Em không muốn xem nữa...

– Cô nên xem cho biết... Vở kịch hay... Còn buổi nào nữa không? Còn tôi cũng phải đi xem.

Trên thếm nhà Hát lớn vắng lặng, đèn sáng, không bóng người. Cảnh đưa Trinh đi giữa khoảng công trường rộng, tiến lên từng bực chậm chạp.

– Hay thôi em về... Chắc nó vào xem rồi.

– Cô cứ vào thử xem. Nhỡ cô ấy đợi thì sao.

– Chắc nó chẳng đợi đâu.

Cảnh bước vào trong vùng sáng rỡ của hành lang ngoài nhà hát. Khuôn mặt Trinh lộ lên như một con trăng mọc, con trăng đột ngột mọc lúc nửa đêm giữa cảnh u tịch, ngửa nhìn; cặp mắt mở lớn được ủ trong những ý nghĩ ngủ chết. Trinh, Trinh, đây này... bắt tao đợi lâu quá. Mới xong màn tự mộ thôi. Cảnh quay lưng đi mau xuống các bực thểm, rẽ ra bờ sông và ngồi nghỉ trên bảng đá công viên trước viện bảo tàng. Khi Cảnh trở về đến nhà, nghe vắng lặng tứ bề, người thiếu nữ cuống trí không lên cơn nữa sao. Trọng chưa về, hay không về. Không đóng cửa buồng, không bật điện, không cởi quần áo, Cảnh nằm dài trên phản nhìn bóng tối.

An ghé nhà; Người tớ gái mở cổng báo tin: Thưa cậu, bà đã về sáng nay; Bảo cô Nga, tối nay tôi ăn cơm nhà và nhảy xe điện xuống thẳng Đồng. Đứng bên cạnh người “vát-man” lầm lì, mắt hướng thẳng phía trước, chân đạp chuông liên hồi mỗi khúc quanh, bánh sắt nghiến rít, lá khô cuốn chạy sào xạc theo sức hút của tầu. An nhỡ một trạm đỗ và đến trạm cuối đường Thụy-khê phải đi bộ ngược lại, giữa một phố buôn bán thưa thớt như một thị trấn vắng. Cổng ngoài nhà Đồng mở. Đồng có vẻ yếu mệt trở lại, đang ngồi xệp trên hè nhìn hai con chó nô rỡn dưới sân. Tóc không chải rối loạn, mắt trương lồi, ướt, nhiều vân máu, da xanh mét, môi tái thiếu máu; nhưng nụ cười vẫn vỗ về ấm áp. Đồng hỏi: Đi đâu đấy? Sao không gặp ở trường? An cũng ngồi xệp xuống bên cạnh: Tưởng cậu ốm, tôi vừa gặp thằng Cảnh ngoài thư viện. Một con chó bỏ chạy lại ngửi chân An và giật lùi, trong khi con khác vẫn lăn lộn theo cắn cẳng nó. Đồng quát: Chỗ khác, chúng mày... Sao không rủ cả Cảnh xuống chơi. Mới đi được mấy hôm đã thấy mệt, không thấy hứng thú học. Đồng dẫn An ra vườn, đứng dưới một gốc nhân, hỏi: Thế nào? Có gì thay đổi? Có, có. An ngước nhìn khói bốc khét bên kia bờ tường, bay tản mạn trong các đám lá, người ta đốt những lá khô rụng trong vườn. Đồng nói: Hả, ông cụ lên rồi hả? An mỉm cười chua cay, ông có quyền làm như vậy, nhưng tôi phải gánh lấy trách nhiệm về hành động của ông... Chắc chắn là tôi phải từ chối làm đồng lõa ông. Đồng: Tôi nghĩ mình chẳng làm nên cái gì thì tự dằn vặt mình làm gì cho mệt. Đến đâu hay đấy. Cậu cứ nhân cơ hội này bảo ông cụ cho sang Tây học... lúc nào tình hình sáng sủa thì về cũng không muộn. Ở đây mãi cũng thế thôi. Hắn nói thực hay mỉa? Chúng nó ở lại chết dần mòn, vô nghĩa, còn mình... Mình cũng sẽ phải như chúng nó, nghĩa là chết dần mòn, không thể thoát thân lấy mình. An hỏi: “Thành thực cậu nghĩ như thế... cũng như thằng Cảnh. Tôi không thể tự giải thoát khỏi những mối liên hệ gia đình, giai cấp?” Đồng tụt một bàn chân ra khỏi guốc gác lên thân cây: “Không... tôi không đặt vấn đề theo lối ấy. Tôi cho không nên... không nên đặt vấn đề... Tại sao? Tại sao hả? Tôi nghĩ là các vấn đề đều được đặt và giải quyết bằng các ý niệm... ý niệm trừu tượng…” Đồng thun mũi tự chế riễu, ngắt ngang lời, sỏ chân vào guốc, phủi những con kiến đen bò nhanh trên tay áo. An ngắm kỹ Đồng hơn, đôi lông mày rậm sếch, hàm râu xanh lởm chởm ôm khuôn mặt vuông, có thể sẽ chết trước khi trở thành một thi sĩ. Những ý nghĩ, những con vi trùng, cuộc chiến tranh tàn phá, cái xã hội cạn nguồn sinh lực... bóp nghẹt dần nó, tất cả, cả một thế hệ...

– Chính chúng ta có thể gọi là một génération perdue. Phải không Đồng? Không tin tưởng, lạc lõng... Các bậc đàn anh, cha chú ở ngoài kia cũng như trong này đều chống lại chúng ta... Hay chúng ta chống lại họ cũng vậy. Thế hệ trước chúng ta họ có lịch sử và chúng ta thì không. Chỉ còn một thái độ hư vô. Nous sommes perdus...

Đồng lẩm bẩm nhắc lại câu của An... perdus và cười khí khí: Có thuốc không? Đồng hít hơi thuốc, vẻ say sưa ngon lành, đi khỏi gốc cây nhãn tiến tới phía bụi chuối và đu đủ sát chân tường, đứng tiểu tiện. Đồng hỏi: “Xuống bằng tàu điện hả?” An đuổi theo.

– … Như thằng Thạch đấy? Nó phiêu lưu... Tôi nhớ một lần nó có nói: nó đi lính là đánh giặc mướn, đánh giặc mướn ngay tại xứ sở của mình. Cũng như bọn Lê-dương vậy... Nó nói lâu rồi... Mình rồi có làm gì cũng đến như thế. Tiêu tan dưng không chẳng ra cái gì cả.

Đồng đi trở lại, ném mẩu thuốc xuống đất, lấy guốc đi: “Thôi cậu nói mãi cái chuyện ấy chán ghê. Cứ luẩn quẩn, loanh quanh...” An quên hẳn ý định thúc dục mình xuống gặp Đồng, ngừng nhìn trời đang đùn những đám mây khói. Phải, thôi đi, im lặng đi, nhắm mắt vào lao mình tới... Mẹ Đồng từ bên mảnh vườn trồng rau, tay xách những nắm cỏ mới nhổ đi sang; bà hỏi: Cậu nào đấy? và An đáp: Thưa con. Bà cười bảo: Cậu ở lại chơi ăn cơm với em nó. An từ chối, Đồng nháy mắt và dẫn An đi trở vào sân gạch, thủng thỉnh ra ngõ. Đồng nói: “Cậu viết đi?” Hỏi viết cái gì mới được. Viết không phải là một lối quên, viết là phải chạm trán rõ rệt hơn với cái thân phận của mình, viết để làm gì? Đồng bảo: “Viết chuyện tình chẳng hạn; tôi giúp cậu một đề tài: một thanh niên như bọn mình chẳng hạn, ban ngày hắn bận tâm thảo luận, lo lắng tìm kiếm lịch sử và đêm đến hắn giam mình trong phòng kín, trần truồng viết thư tình, toàn là thư tình không có đối tượng...” Đồng cười dài tiếp: “Morbide hả, cậu thấy thế nào?” An đáp: “Nó vẫn chỉ thấy nó, thấy nó một cách mù tối hơn và chắc chắn là nó thủ dâm”. Đồng vỗ mạnh vào vai An: Bon écrivain. Ngoài đường cái hai anh lính Tây đen chân dài lòng cong lưng cưỡi hai chiếc xe đạp lảo đảo đuổi nhau, la hét ầm ĩ. Đồng đứng lại bên đường sắt: “Cậu thử viết xem”. Chuyến tàu điện lên phố, chạy ngang và đỗ lại cách chỗ đứng vài chục thước. Không định trước An bắt tay Đồng bảo: Về đây và chạy đuổi theo tàu sửa soạn chuyển bánh. Nhà vẫn như chưa có ai về. Đi ngang buồng Nga, cửa mở nhưng không thấy người. An vào buồng riêng đóng chặt cửa, thay quần áo, lên giường nằm. Đầu óc trống rỗng, giấc ngủ vùi kín mít, thân xác bở rã như đất khô nắng. Lúc An tỉnh lại, mất phương hướng, không hiểu đang nằm chỗ nào. Buồng tối đen, cửa số không mở, An mò mẫm trong bóng tối, mở cửa kính và cửa chớp. Mưa bụi mơ hồ trên các lá cây trong vườn, ban-công nhà đối diện sáng đèn, buồng bên cạnh nghe tiếng dép của Nga. Nga đến cửa sổ buồng, ngó đầu nhìn sang hỏi: “Anh về bao giờ đấy? Em tưởng anh chưa về?” Rửa mặt mũi xong vào bàn ăn, An chỉ gặp Nga. Bà cụ đi với bạn, giải quyết mấy công việc cần, không ăn cơm nhà; sẽ dọn cả gia đình vào Sài-gòn trong vòng tháng này, Nga nói vậy. An nói: Thế hả? rồi cắm cúi và cơm. Trong ra-đi-ô, một nữ ca sĩ đang nức nở rên rỉ, Nga buông bát định đứng dậy tắt máy. An nói: “Để nghe mày”. Nga cau mày: “Em không hiểu tại sao anh lại nghe được loại nhạc lải nhải này”. An bảo: “Bình dân mà... Tao mơ mộng một cách bình dân thế thôi”. Khi ăn tráng miệng, Nga hỏi: “Vào Sài-gòn, anh nghĩ thế nào?” An ngồi thoải mái trong ghế dựa, nhấm nháp tách cà-phê đậm hỏi lại: “Cô nói trước nghe thử xem”. Nga lộ vẻ đăm chiêu, ngừng tay xỉa răng: “Ха Hà-nội buồn; nghe nói Sài-gòn ổn và hỗn tạp lắm”. Có lẽ nó bỏ lại Hà-nội một anh chàng thất tình nào? Nó yêu ai? Có thể là một đứa mình vẫn gặp ở trường Đại-học mà không biết, một anh bác sĩ tương lai, nối nghiệp bố vợ, một anh bộ trưởng tương lai... Và nó trở thành một bà mẹ thứ hai khuôn đúc. “Chắc anh thích vào Sài-gòn đổi không khí?” An lắc đầu hỏi lại: Nhất định rồi. Nga đáp: “Mợ nói thu xếp xong việc có thể đi sớm hơn; em nghe nói có thể anh vào trong ấy trước... cậu gọi”. Lúc này là lúc quyết định, không thì sẽ không bao giờ, tôi phải quyết định. Phải tách rời khỏi cái quá khứ đã tạo thành mình. Tôi sống một cuộc đời khác do tôi lựa chọn và tạo lập. Tôi sẽ trở nên? An trở lên buồng, dặn Nga: “Tao mệt đi ngủ sớm đây…” Nga nhìn bằng con mắt khác lạ như muốn soi thấu tâm trạng.

An mở tung các cánh cửa tủ quần áo và đựng sách để nguyên, đến ngồi trước bàn viết, suy nghĩ không biết nên mang theo thức gì. Mọi thứ đều như cần thiết, quen thuộc không thể thiếu, quá khứ thật là nặng. An rút trong ngăn bàn tập sổ ghi chép những ý nghĩ bừa bãi, những thắc mắc loanh quanh, những nhận xét đột ngột không ngày tháng rõ rệt đã bỏ quên hẳn lâu ngày không thể hình dung lại được tâm trạng của thời khắc đã chôn vùi. Tiếng kèn xe hơi gọi ngoài cổng. An vội tắt đèn, ngồi trong bóng tối lắng nghe tiếng chân chạy vội trên lối sỏi, cánh cửa sắt được kéo mạnh, giọng nói thanh tao đài các của mẹ hỏi chuyện người nhà. Giọng nói ấy vang âm dưới phòng khách lẫn với giọng của Nga ấm và trầm hơn một cấp, tên An được nhắc đến. Rồi một ngày sẽ tới, cái tên ấy sẽ thưa được nhắc đến ở đây... Trong ánh sáng mập mờ của ngọn điện ngoài hè phố xuyên qua các lùm cây trong vườn, An xếp một vài món đồ cần thiết nhất, ba bộ quần áo vào một sắc tay du lịch. Không đem theo một quyển sách nào, không phải là ngày nghỉ về quê hay ra biển tắm... Những quyển sách như môi giới của thế giới khác, trở nên vô dụng, chính tôi tôi đi đến những thế giới ấy và có thể tôi sẽ tạo nên những quyển sách của tôi. An thức rất khuya, nghe im lặng của phố phường lùa lên theo những cơn gió, mệt bã người, nỗi nhọc mệt cắn rứt lại như môi nhớ nhung kêu gọi một thân thể khác ôm ấp vỗ về mơi yêu. An tưởng đến Phúc, những cử động nghèo nàn trần trụi không thoát khỏi thói quen khêu gợi dục tình và sự kinh tởm. Qua cửa số An nhìn thành phố câm nín trong giờ giới nghiêm, hiện lên trong ánh đèn vàng những bóng cây lớn sù sì, mái nhà lô xô, mặt đường lá lăn chạy nghe tiếng ẩm ì của nhà máy đèn vọng tới. An chợt vểnh tai chú ý tới tiếng sầm sì trong buồng Nga, đèn tắt tối om, tưởng như tiếng người trò chuyện. Một lát nghe rõ hơn chỉ là giọng của một người nho nhỏ đều đặn như đang cầu kinh. An ngạc nhiên, đứng lặng trong tối, tĩnh trí, đúng là Nga đang đọc kinh; mi mắt nặng chĩu, tay chân không muốn cất nhắc nhưng thân trí tưởng như tỉnh táo lắm, Nga đang đọc kinh, nó yêu một đứa theo đạo, nó buồn, sợ... An ngủ đứng một chỗ, không biết là bao lâu, và khi giật mình thì phòng bên cũng đã im tiếng. An chập choạng nửa thức nửa ngủ vào giường, vùi mình vào trong chăn, tự nhủ: Mai, mai đi. Cần một món tiền. An dậy muộn và khi đi qua phòng khách, chỉ gặp Nga đang ngồi tiếp Hán, thư ký riêng của ông bố. Hán đã bỏ đôi dép cao su ngày mới hồi cư, bộ quần áo tây vàng xin được của lính ngày ra khỏi camp Máy Chai Hải phòng, được thay bằng bộ complet màu sáng, đầu tóc ngắn bờm xờm đã cắt tỉa thành một mái chải gọn như cái chứng tích cuối cùng cố ý lưu lại cho mọi người thấy hắn là một cựu cán bộ kháng chiến về thành. Không hiểu ai giới thiệu Hán với ông bố, ít lâu sau khi nghe hắn nói chuyện tại nhà Hát lớn với tư cách một cán bộ kháng chiến phản tỉnh trở về, An gặp hắn đến nhà bàn luận với ông bố và được coi như người thân trong gia đình. Hán gọi ông bố và bà mẹ An bằng anh chị và được gọi lại bằng chú. Hán bắt tay An siết mạnh mời: “Anh ngồi chơi”, giọng Nghệ-tĩnh nặng nề chối tai, Đồng đã phê bình: Nghe cái giọng xứ Nghệ cứ lạnh cả xương sống, chỉ thấy những sắt với máu. An ngồi xuống nhìn Nga, nghĩ tới tiếng đọc kinh nửa đêm và nghi hoặc không rõ mình có thể là nằm mê không. Hán nói ông cụ dặn hắn ra mời An vào Sài-gòn như một người cộng tác. Nga xen lời: “Cậu cũng gửi tiền bảo anh đi kiếm mua hộ một ít sách cần dùng mang theo vào”, trao cho An một cái phong bì lớn dán kín, Hán nói tiếp: “Trong ấy có cả tiền vé máy bay của riêng anh. Ông cụ nhờ tôi nói cẩn thận với anh là không phải vì bố con mà nhờ anh. Ông cụ hiểu giá trị của anh. Dù có bất đồng ý kiến chăng nữa, ông cụ vẫn tin là anh sẽ làm được việc. Đây là dịp để anh làm việc, ít nhất cũng có hiểu biết thực tế. Ông cụ định mời anh làm Tham chánh văn phòng...” An mân mê chiếc phong bì trong tay, hỏi Nga: Mợ đâu? Hán thuyết về sự tiêu cực trùm chăn của các trí thức trong thành không dám dứt khoát lập trường tư tưởng. “Tôi cũng thấy như anh và nhiều lần tôi cũng đã bàn với ông cụ. Đồng ý là thối nát, là không có quyền chủ động nhưng nếu cứ thụ động thì biết đến đời nào mình thay đổi được tình thế. Chỉ còn có nước đợi Cộng-sản về và đi công trường hết cả. Anh thấy không? Mình phải lăn vào, làm cái gì để thức tỉnh người khác chứ. Tôi đã sống với Cộng-sản, tôi không thể khoanh tay mà nhìn chúng nuốt nốt cái vùng chúng ta có thể cướp làm của chúng ta”. An mỉm cười làm bộ chăm chú lắng nghe, thái độ nhiệt thành hăng say của Hán chỉ làm mình thêm chán nản. Hán tả Sài-gòn một cách mâu thuẫn, lúc hắn thích thú vẻ nhộn nhịp tưng bừng sinh khí cởi mở không gò bó như Hà- nội lúc hắn bất mãn hằn học về cái xã hội trụy lạc ngoảnh mặt với chiến tranh và lý tưởng. Nga xem chừng cũng sốt ruột nhấp nhổm, chắc nó có hẹn. An ậm ừ cho qua câu chuyện: “Tôi đâu đã già để chùm trăn, ông cụ không muốn cho tôi đi Pháp nữa à?” Hán đáp: "Ông cụ nghĩ rằng anh không thích đi, anh muốn làm việc... Để anh làm ít lâu rồi trở về học cũng không muộn”. An tự hỏi: cái gì đã cố kết Hán và ông cụ? Lý tưởng chăng? Hán là cái mẫu người của một chế độ, orgueilleux et prétentieux, hắn muốn biến mọi người trở nên giống như hắn để chống lại cái chế độ đã tác thành hắn. An đứng lên: “Ngồi chờ bà cụ tôi hả? Tôi xin lỗi đi chút việc riêng”. Hán đi theo ra tới ngoài hành lang phòng khách: “Đây là cơ hội tốt cho chúng ta…” Chúng ta, tôi ở trong cái chúng ta ấy ư? Không đời nào, An bỏ đi thẳng. Bước xuống xích-lô, An tần ngần trước cổng tò vò dẫn vào khoảng sân rộng yên tĩnh một cách đáng ngại. Từ giờ phút này, tôi phải làm chủ, chủ hết thảy: đời tôi, đời Phúc và đứa con của Phúc. Phúc đang ngồi chơi với con ngoài bàn, da mặt hồng hào mạnh khỏe, nụ cười tự nhiên như đã quên hết quá khứ. “Lân lại vừa đến đây, em không tiếp. Em nhất định đuổi, cãi nhau với bà cụ...” An đóng cửa buồng, ngồi xuống ghế: “Thế hả? Tốt lắm”. Rồi An ngồi im, nhìn bức ảnh Đức Mẹ đặt trên đầu tủ nhỏ. Đứa con quờ quạng nhoài sang tay ghế An ngồi, Phúc đẩy nó sang. An bồng lấy, vừa khó chịu vừa buồn cười, cúi xuống nhìn thằng nhỏ. Không có một mối liên lạc nào, trừ mối tự mình ràng buộc lấy nó, lớn lên nó phải nhận. Tội nghiệp. Nét mặt Phúc hân hoan sung sướng rõ ràng, An mỉm cười. An trao trả con cho Phúc: “Em phải đi tìm nhà khác... Bà cụ có thể ở lại đây. Bà ấy có thể sống một mình không cần đến em”. Phúc cúi đầu suy nghĩ. Em, em cũng phải lựa chọn và hy sinh như anh vậy. Biết không? Chỉ có như thế, mới có thể... “Anh muốn như thế. Em phải dứt khoát...” Phúc thở dài, nàng ôm sát đứa con vào trong ngực. “Còn con?” “Anh là cha của nó”.

No comments:

Post a Comment