22/11/2024

Ung thư phần thứ hai - Chương III


Mùa đông tới đúng kỳ, những ngày đầu mùa khô se, không khí giá lạnh, trong gió như lẫn cát nhỏ và sắc. Triệu chứng suy nhược, bệnh chưa khỏi tuyệt. Buổi sáng ra khỏi giấc ngủ buồn bã mệt mỏi, da trơn nhờn như da lươn; trưa xế khi cơn sốt tới chậm chạp âm ỉ, hơi thở hụt, bần thần rã rượi, ngực trống hấp, cơ thể đìu hiu như bãi đất hoang. Đêm phải mặc hai áo len, chân đi bí-tất, đắp cái chăn bông dầy nặng hơn của mẹ. Những lúc thức giấc mồ hôi thấm đẩy ngực và lưng, ngoài trời tối đen gió bấc thổi, nằm co quắp khiếp hãi viển vông, cảm tưởng như thân thể không có gì che chở kín đáo trước những nguy hiểm bất ngờ. Nhiều đêm  thao thức trở mình tìm một thế nằm an toàn nhưng vẫn thấy hở hênh dại dột, tay chân mình không thể che chở cho mình. Cái chết hung tợn rình mò, đột nhập vào những khoảng trống; khi mệt thiếp mơ thấy bị đâm thấu lưng vào phổi, cảm giác đau buốt tê rát còn đọng rõ rệt ở đúng chỗ lúc vùng tỉnh thoát cơn mê. Đồng mất ngủ, thường phải ngủ bù giấc sáng sau khi điểm tâm, trên võng trong gian nhà vắng vẻ hay tựa gốc cây sau đình chập chờn ru trí óc vào trong mặt nước hồ Tây buốt giá. Trằn trọc, Đồng nghĩ về những giấc mơ của những đêm trước, có thể là của những năm trước, những ảnh tượng còn đọng lại trong trí óc bền vững khiến Đồng bâng khuâng nghĩ là cảnh đã sống thực nhưng quên khuấy tưởng mộng, thực đến độ có thể gặp lại liên tiếp trong những giấc mơ sau; trong giấc chiêm bao Đồng nhớ một cách rõ rệt một vài cảnh tượng đang diễn là của một giấc mơ nào đã thật xa trong dĩ vãng. Nga không còn nữa, cũng như Hà, cũng như Phương. Lần cuối cùng gặp nhau là buổi tiễn chân gia đình Nga vào Sài-gòn, không có An. Nga đứng ngoài vỉa hè trước cửa hãng hàng không, chiếc sắc tay đặt sát vào bờ tường đá mài nhẵn bóng mát lạnh. Trời nắng hanh, gió thổi dài từ bờ hồ vào con phố Gia-Long rộng thoáng không cây. Không còn gì để nói với nhau, cũng không có gì để nói, cũng như mấy năm trước đưa Phương ở cùng chỗ này. Nga trầm lặng không cười nói như Phương, tòa nhà gác cao Ritz mặt tường sáng trắng ngó chéo xuống những lùm cây nghiêng dốc một bên hồ, dưới những gốc cây người qua lại. “Anh có gặp anh An không?” “Không”. Bà mẹ của Nga đứng trong gian cân hành lý với một người đàn bà khác và một người đàn ông, tướng ngũ đoản ăn mặc trịnh trọng vụng về. Nga giới thiệu: “Thưa mợ, bạn của anh An”, bà nhìn Đồng bằng cặp mắt ác cảm coi như kẻ đồng lõa với An. Bà hãy còn trẻ, đẹp, đài các, mẫu người được khuôn sẵn để làm mệnh phụ phu nhân; đứng cạnh bà, đứa con gái chỉ còn giữ được vẻ tươi mát là của riêng mình để nổi lên. Bà ngắm Đồng từ đầu đến chân: “Tôi ít gặp cậu đến chơi đằng nhà”. Đồng chỉ trả lời bà bằng những tiếng vâng ngắn, không thêm lời nào trong suốt buổi. Khi khó nói, Đồng liếc mắt cho Nga và Nga đáp hộ.

– Tôi không hiểu thằng An nhà tôi nó định làm cái gì... Cậu là bạn của nó thế nó có bàn định gì với cậu không? Các cậu ngày nay... tôi không hiểu được. Có phải nó mê gái không? Tôi sợ nó bị người ta quyến rũ... yên ổn không muốn, các cậu chỉ muốn rước những việc nặng nhọc vào thân... nếu cậu gặp nó, cậu làm ơn nói hộ tôi: bao giờ nó muốn về với gia đình, muốn vào Sài-gòn nó đánh giây thép báo cho chúng tôi. Cậu cũng khuyên nó hộ đừng vì tự ái mà làm hỏng cả đời mình. Tôi cũng muốn để cho nó làm theo ý nó để cho nó hiểu đời hơn một chút... Ai lại đang học hành bỏ dở... Để làm gì mới được? Tôi chắc là chỉ vì gái thôi... Cậu khuyên nó hộ tôi.

Chiếc xe ca chuyên chở hành khách sang phi trường đến đậu bên hè đường. Nga hỏi: “Anh có đưa em sang Gia-lâm không?” Đồng cười: “Không, anh không đi được”. Nga mở bàn tay vẫn nắm, có một gói giấy xinh xắn kỹ lưỡng: “Em tặng anh... kỷ niệm”. “Cái gì đây?” “Về nhà anh hãy mở... Anh không có gì tặng em à?” Không, tôi chẳng có gì, cả chính tôi nữa rồi cũng không thành kỷ niệm. Cả món kỷ niệm của em, tôi cũng không giữ được. Ngay những kỷ niệm do chính tôi tạo ra với Hà, với Phương cũng đã trôi theo giòng nước... L'amour s'en va... Et je... Bà mẹ Nga trước khi lên xe còn ân cần nhắn gửi lời cho An. Đằng sau tấm cửa kính không hạ, Nga nhìn xuống hè, Đồng vẫy tay cười và quay lưng bỏ đi ngay khi xe mở máy. Món kỷ niệm của Nga là một sâu chuỗi mang tượng Đức Mẹ. Đồng mỉm cười một mình, anh làm gì có đức tin, vật này không có giá trị với anh và tình yêu em trao gửi trở nên vô nghĩa. Cũng như Phương, Nga còn gửi cho Đồng một vài lá thư trước khi mất hút hẳn. Đồng không trả lời, tình yêu rốt cuộc chỉ còn lại ở những phút mình với mình, nhưng Đồng không còn thể làm thơ như ngày trước khi Phương và Hà bỏ đi. Héo cỗi rồi chăng? Thay đổi rồi chăng? Trong một bức thư Nga báo tin nàng lên Đà lạt học và có ý định phát nguyện vào một giòng tu kín. Buổi chiều nhận được thư Đồng lên phố một mình, thành phố đang rộn rịp đón Trung-thu. Phố xá nườm nượp, các hiệu bánh giăng đèn kết hoa tấp nập, đồ chơi trẻ con bày bán la liệt các góc phố–vẫn những món cũ kỹ nghèo nàn không thay đổi: đèn giấy, tàu thủy, con bướm, trái đào bằng thiếc. Tối đến những phố chính từ bờ Hồ đến chợ Đồng-xuân nghẹt cứng những người xô đẩy nhau mà đi không thoát, quanh hồ Gươm người vây kín không chỗ chen chân. Ánh sáng nhấp nháy rực rỡ, những tiếng pháo bông nổ ầm, tiếng reo hò hoan hỉ, trong giấc mơ, Đồng mệt nhoài không thở được, thấy mình đang chạy ngược làn sóng người cuồn cuộn đổ theo tiếng reo tở mở; Đồng vấp ngã cùng với đám đông, bỗng nhận ra mình nằm bên cạnh An, An cười đau đớn, Đồng bảo: Thấy Nga ở đâu không? An bị thương không nói được; Đồng bước chậm, mặc cho những người phía sau đấy tới, có đứa thụi vào lưng Đồng từng chặp, vịn vào vai người bên cạnh nhích từng bước theo đà của đám đông; vẫn nghe những tiếng nổ vang âm lại và mỗi lần đám đông lại rùng rùng xô đẩy mạnh hơn như muốn chạy nhanh tới trước nhưng không còn tiếng hò reo nữa; hình như tiếng nổ ở lại phía sau và đám đông chen chúc ngọ nguậy rửng rưng như bị tắc nghẽn; Đồng quay hỏi người mình vẫn níu vai từ nãy: Chuyện gì thế? Đồng trông thấy Thạch, vội hỏi: Liên đâu? Thạch đáp: Không biết, lạc mất rồi; Thạch kéo tay Đồng lách khỏi đám đông thoát vào một ngõ vắng, Đồng hỏi: Nga đâu? Thạch lại đáp: Không biết lạc đâu; Đồng buồn rầu ngồi xuống bực thểm một căn nhà, Thạch đứng sững trước mặt chỉ trông thấy từ đầu gối trở xuống... Đồng tự nhủ: Nga mất rồi. Đồng không còn nhận được thư Nga nữa. Đồng chỉ còn một mình giữa mùa đông càng lúc càng rét mướt.

Trong những buổi tối, gió hút gào từ vùng cây cao Quần-ngựa đổ xuống từ mặt hồ tê cóng tưởng như đóng băng tràn vào, Đồng ngồi đấm lưng, bóp chân cho mẹ. Sau một trận đau, mắt bà yếu dần và thường hay chảy nước. Đồng thủ thỉ trò chuyện với bà, thuật cho bà nghe những tin tức lạc quan của kháng chiến; bà cần được an tâm về anh Đạo còn theo bộ đội ở hậu phương không tin tức. Nhiều lúc bà bật khóc tức tưởi, Đồng phải dỗ dành an ủi cho bà khuây khỏa, Đồng cười hích hích riễu cợt và nghe mình nhỏ bé yếu đuối lạ lùng. Một bữa bà hỏi Đồng: “Cậu không đi học nữa à? Hay cậu lấy vợ đi…” Đồng hỏi lại: “Con lấy ai? Ai lấy con?” “Tự ý cậu chọn”. Đồng nói: “Con lấy vợ vào con chết”. Đồng đùa nhưng bà có vẻ hối hận, thương xót đã nhắc nhở đến chứng bệnh của Đổng. Tôi sẽ chết như một đứa trai tân, như một đứa bé con trong trắng. Đồng rùng mình nghĩ mình đã hôn Nga, đã ôm Nga nhiều lần trong tay và Nga có thể bị truyền nhiễm. Đó là một kỷ niệm độc ác gửi cho Nga. Một ngày cuối tháng một, Thạch xuất hiện đột ngột. Đồng đang lên cơn sốt nằm trên giường. Đồng nghe tiếng Thạch cười ngoài thềm với mẹ, nhưng không thể trỗi dậy khỏi cơn ngây ngất chóng mặt. Thạch đi lộp cộp tiến vào buồng đến cạnh giường, Đồng cố nhướng mắt chỉ nhìn thấy một gương mặt đen tối mập mờ sau làn nước mắt ấm nóng. Đồng không nhớ nổi những mẫu đối thoại với bạn trong lần gặp mặt ngắn ngủi ấy. Thạch chỉ về Hà nội một ngày nhân dịp công tác và sáng hôm sau, khi cơn sốt rút đi một cách đột ngột khỏi thân Đồng, Thạch đã về đơn vị. Đồng bước chếnh choáng, da nghe khô héo mát lạnh như hết nước, đầu óc thoáng sáng như một vùng nắng sớm. Đồng hỏi mẹ: “Hôm qua Thạch nó đến phải không mẹ?” Mấy ngày sau, Cảnh xuống, Đồng hỏi: “Hôm nọ Thạch nó về cậu gặp không?” “Không, tôi mới ở dưới Phòng lên”. Đồng à một tiếng như sực tỉnh: “Thảo nào lâu không gặp cậu. Cậu xuống dưới làm gì đấy?” Cảnh nhếch mép cười, trông lại buồn hơn lúc thường: “Đổi không khí…” Cảnh rủ Đồng lên phố, mẹ Đồng muốn ngăn cản nhưng Đồng cười vươn vai nói mình đã thật khỏe, mỗi buổi chiều nhờ người y tá trong xóm tiêm một mũi thuốc bổ thật công hiệu. Tàu điện chạy ngược cơn gió mù che khuất tiếng động trong toa. Qua nhà Nga, Đồng nhìn lên cửa sổ đóng kín, gian nhà hoang lạnh như không người. Đồng thuật cho Cảnh nghe việc An bỏ gia đình ở lại Hà-nội và không biết ẩn trốn ở đâu. Cảnh nhìn vào trong đám người đi lại trên hè phố đông phố hàng Ngang hàng Đào. Xuống bờ Hồ, hai đứa đi ngược về quán Đô Thành. Đồng bước lên cái cân bàn đặt gần quầy thu tiền, ngắm khuôn mặt hốc hác của mình và nhủ thẩm: sút mất ba kí-lô. Nhìn ra ngoài, dốc hàng Quạt với mảng tường lem luốc, ngõ hàng Hành bẩn thỉu khai thối cách một nền nhà đổ. Trên mặt bàn bẩy mấy đĩa bánh mốc ế, hai cốc nước cam mầu đỏ nhợt nổi lềnh bềnh những lát cam mỏng dính. 

– Ngày kia tôi đi rồi. Cậu có gặp lại bọn chúng nó thì bảo tôi gửi lời từ biệt chúng nó. Có lẽ tôi sẽ được lên Phú-thọ, nghe nói như thế nhưng cũng chưa biết chắc thế nào. Tôi nghĩ trước sau gì mình cũng phải lựa chọn dứt khoát. Nhùng nhằng mãi cũng chẳng đi đến đâu... Phải không? Tuy không hợp ý mình hẳn nhưng trong hai phải chọn một, biết làm thế nào được... Không thể đòi cái tuyệt đối lý tưởng.

Đồng gật gù tủm tỉm, rớt lại mình tôi thôi. Tôi làm cái chân người đưa tiễn chúng bạn, ghi nhớ hộ chúng những tâm sự. Buổi chiều đứng trong vườn, có lẽ An cũng muốn nói về quyết định của nó nhưng mình đã không để cho nó nói.

– Cậu cũng không đi học nữa hả? Ở nhà làm gì? Cậu không thấy là đọc mãi cũng chán... Tôi cho nghiện sách cũng là một lối trụy lạc mới. Trí thức trụy lạc. Sách cũng như thuốc phiện, cũng như gái vậy.

Đồng nói: Hay, ý kiến hay, và vuốt lại mái tóc dầy úp nặng trên đầu. Cảnh bàn về những tin tức, biến chuyển mới: phái đoàn tướng lãnh Mỹ đến Sài-gòn hội họp với Pháp, tướng De Lattre sang Việt-nam, phong trào vận động chấm dứt chiến tranh Đông-dương của tả phái Pháp... Cái thế tất yếu của một phong trào cách mạng Đông-Nam Á dựa vào lực lượng Trung-hoa.

– Thằng Thạch lầm... không có căm thù dân tộc, chỉ có căm thù giai cấp thôi. Cục bộ không đáng kể, cái đáng kể là toàn thể phong trào...

Đồng hỏi Cảnh nghĩ thế nào về những vụ đấu tố vừa phát động mà những người mới hồi cư thuật lại, không phải là những tin tức xuyên tạc của báo chí. Cảnh nhắc lại một câu của Lénine: Không thể có cách mạng mà không đổ máu, không có bạo lực... Đồng nhăn nhíu mặt mày làm bộ sợ hãi: “Cậu với thằng Thạch mỗi đứa đứng một bên rồi. Chỉ còn moi là lừng khừng ở giữa”.

- Thằng Thạch nó có định kiến vì cái chết của ông bố nó... Nó hành động theo tình cảm hơn lý trí…

Đồng ngắt: Nó có cái lý của nó... Cả hai cậu đều có lý như nhau. Hai đứa đang đi bộ xung quanh bờ Hồ. Bộ mặt phố xá quá quen thuộc, dãy hàng hoa xế Godard đông người. Hàng hiên nhà Taverne royale sang trọng, hai ba người Pháp ngồi riêng bàn ngậm pipe; gần đấy trước lối vào hãng thông tấn Việt-nam Press vài người thất nghiệp đứng trước bảng đọc báo. Đồng và Cảnh tiến sang bên mái hiên phố Trường-tiền phía Thông tin Pháp, ánh sáng mờ tối đi như trong một cơn mưa buổi chiều xế. Đồng bảo: Mai kia cậu đi là tôi hết người đi chơi.

– Đáng lẽ tôi đi từ tháng trước... mà cử trắc trở mãi. Hết vấn để liên lạc lại đến vấn đề... tình cảm. Nghĩ kể... dứt bỏ quá khứ tình cảm không phải là dễ. Những điều mình coi là tầm thường cũng có cái sức trì kéo mạnh ghê... Cho nên suy ra phải làm mạnh, phải dùng bạo lực mới mong chặt đứt được những liên hệ cũ...

Hai tay bỏ túi quần, đầu cúi mái tóc trước rủ xuống, bàn chân tái thâm trong đôi săng-đan cũ kỹ, Cảnh xoay nghiêng người né tránh những người ngược chiều trên hè. Sự quyết định làm xuất hiện một phần bản ngã của Cảnh vẫn che dấu, lần này chính nó tự phô để nhìn ngắm trước khi ngoảnh mặt vĩnh viễn không thèm chú ý tới. Đồng nói: Cậu sẽ ăn Tết ở ngoài... năm nay... Băng ngang đại lộ, vỉa hè vắng hẳn đi không còn người, trước mặt là nhà Hát lớn cao đứng sững trông khoảng đường sạch rộng thênh thang dưới chân nó. Đồng nói: Lên trên kia ngồi nghỉ, moi mệt rồi. Leo hết mấy bực thểm trước nhà hát, cơn mệt ngấm ngầm đột ngột đập dội trong ngực như muốn đứt thở, Đồng ngồi bệt xuống một mặt đá thở phì phò, mồ hôi rịn khắp các lỗ chân lông và gió thổi thấm lạnh, tai ù choáng. Từ trên cao Đồng nhìn suốt con phố thẳng hai bên nhà cao rồi tới vòm cây xanh thẫm hút, xe cộ và người qua lại chỗ ngã tư bờ Hồ rối rít mập mờ. Dường như Cảnh nói một câu gì, rồi ngoảnh nhìn về phía nhà Băng. Một màn đen chập chờn trước mắt, Đồng nghĩ mình sắp ngất vội chống hai tay xuống gạch, người bấp bênh nghiêng ngả như cành cây bị gió lay động. Vài phút qua Đồng thoát khỏi cơn mệt nhọc và nhận ra Cảnh ngồi bên, nét mặt bình thản không một chút hay biết. Đồng linh cảm những khủng khiếp trong tương lai, không phải là tương lai của tôi, tôi sẽ sụp vào trong hố thẳm hư vô nhưng chúng nó còn sống, mỗi đứa một phía, những đứa bạn thân thiết, và tương lai ấy của chúng nó...

– Thằng Thạch đáng tiếc nhất... Cậu thì không kể. Cậu đau yếu với lại thi sĩ quá. Nhưng còn nó, đáng lẽ trong chuyến đi này phải có nó, nếu nó bình tĩnh... Tôi đã nói với nó nhiều lần: không có những vấn đề của cá nhân, và không có bạn bè thì mình chẳng làm được gì... Nếu cậu còn gặp nó...

Tôi nói gì, cả hai đứa đều đặt tôi ra ngoài, tôi đau yếu bệnh hoạn và tôi mơ mộng. Tôi như một trí nhớ tách rời của chúng và giữ hộ chúng những gì chúng không muốn mang ở bên lòng. Đồng vịn vào vai Cảnh đứng dậy, nghĩ không biết có thể một mình về được đến nhà không. Bước được vào buồng riêng, nằm lên giường, Đồng bàng hoàng như thấy một phép lạ, tôi vẫn yên ổn, vẫn thở vẫn sống trong khi rõ ràng cuộc sống đang rút dần khỏi cơ thể, óc não. Rõ ràng, không thể chối cãi được. 


Trên hè ngoài cửa hiệu, chiếc mô-tô nổ thử máy kêu vang một đoạn phố. Hai bàn tay và chiếc áo dạ lính cũ đẩy dầu mỡ, Thái đang lúi húi xem máy với đứa nhỏ phụ việc chạy quanh. Cảnh đến đằng sau lưng Thái, đứa nhỏ phụ ngước nhìn làm một cử chỉ ra hiệu cho Thái nhưng anh không thấy vẫn chăm chú vào công việc. Trong hiệu xe đạp xếp hàng, mới lẫn cũ. Những chiếc sườn vừa sơn treo lủng lẳng nhiều màu, tủ đứng bẩy đồ phụ tùng, đồ nghề bừa bãi dưới đất. Thái tắt máy, nhặt điếu thuốc cháy dở đặt gác trên cái kìm, hít một hơi dài:

– Cậu lên gác ấy.

Cảnh đi qua cửa hiệu vào trong. Sau cái tủ kính thấp, một đứa nhỏ bò lê dưới đất không người trông. Bên trong cửa hàng, trên tấm phản kê vừa sát vào tường và lưng tủ chất đống chăn gối ở một góc. Cầu thang gạch trần ngay cửa ra sân. Trời buổi trưa nặng. Trên đầu cầu thang nhìn qua bờ tường thấp thấy sân nhà hàng xóm. Người đàn bà ngồi bó gối ở một đầu phản, mặc chiếc áo len cụt tay mầu mực tím, đầu chít khăn len che mái tóc cắt cụt đến vai, dấu hiệu của người mới ở ngoài vào thành. Khuôn mặt dài, đen da khô hơi sần, cặp mắt đục ốm yếu, khó đoán tuổi. Có lẽ chị chưa đến ba mươi. Một mẫu người mới, không nhan sắc nhưng hữu ích. Người đàn bà cũng là hai cánh tay và bộ óc như người đàn ông. Vẻ đẹp sản phẩm tư sản, một tội lỗi như tình yêu. Lần đầu gặp chị ở nhà Hương, được đón tiếp bằng một nụ cười, không phải là nụ cười trang điểm tự biến mình thành đồ vật cho người nhìn ngắm. Ngôn ngữ xử dụng vừa đủ để thông hiểu nhau, không phung phí thừa thãi làm trụy hoại tâm hồn trở nên một mở tình cảm bầy nhầy: ngôn ngữ chỉ đích danh sự vật không mầu mè quanh co, giả đạo đức. Một mẫu người mới. Người đàn bà không thuộc riêng ai, không cần phải quyến rũ ai... Vẻ đẹp vô sản, không được, vẻ đẹp là phải tư sản, Đồng đã nói. Nó mơ mộng trong một thế giới làm sẵn không muốn đổi thay, một thế giới tàn tạ tự đục ruỗng mỗi giây phút.

– Anh sửa soạn xong chưa?

– Tôi xong cả tháng nay.

– Chiều nay hay cùng lắm là chiều mai đi. Anh cho tôi số nhà của anh, tôi đến gọi. Anh cứ ở nhà đợi, như thế tiện hơn...

Người đàn bà đứng lên, ra bàn xé một tờ giấy trong quyển vở học trò đưa cho Cảnh. Chị nhận lại tờ giấy, nhìn đọc khá lâu, gấp làm tư, bỏ vào trong túi áo cánh.

– Chị biết không?

Chị gật đầu: tôi tìm sẽ thấy. Chị xoa hai tay vào nhau, móng tay cắt sát tròn ngắn, nhiều dấu gạo trắng.

– Mình sẽ đi về mạn nào?

– Tôi cũng không biết. Tôi chỉ đưa các anh đến chỗ tiếp đón ở đấy... người ta lo liệu cho các anh rồi tôi lại trở về Hà-nội.

– Lần này đông không chị?

– Bốn năm anh gì đấy. Cũng toàn là học sinh trốn lính như anh.

Không phải tôi trốn lính, tôi không chạy trốn. Tôi lựa con đường tôi phải đi. Cảnh bẻ ngón tay kêu cắc cắc hỏi:

– Mấy giờ chiều nay chị đến? Tôi muốn đi đằng này có chút việc.

– Anh cứ đi. Trước năm giờ.

Bây giờ chưa đến ba giờ, còn khoảng hai tiếng đồng hồ nữa. Cảnh từ biệt người đàn bà, không biết nên chào bằng cách nào. Dưới cửa hiệu, Thái đang đứng trông cho đứa nhỏ cầm khăn chùi sạch chiếc mô-tô. Anh đưa tay cho bắt, hỏi: Xong rồi chứ? Cảnh gật đầu, bước ra ngoài phố Huế, đi ngược lên bờ Hồ. Phụ nữ Hà- nội năm nay đều mặc áo nhung khoác ngoài áo dài. Những mái tóc uốn đã thấy đông hơn. Ngoài hành lang rạp Majestic và Studio đều vắng. Phim Les plus belles années de notre vie. Có lẽ Trinh đã đi xem phim này. Theo quảng cáo phim có đủ cái thi vị tiểu tư sản: Chiến tranh và những thảm kịch cá nhân nó gây ra. Ciro's tan xuất trưa. Hamlet, nous sommes des Hamlet, Đồng, hoài nghi, khắc khoải, điên tỉnh và bất lực... không; chúng ta không thể làm gì được cả. Vô ích. Tốt hơn hết là sống như một người thường. Humble... Mortel... Tôi nghĩ thế. Làm những công việc thường, thiết thực, ích lợi cho người khác. Thí dụ cho vợ tôi, cho con tôi. Đời người ta sinh ra đâu phải để làm cách mạng. Hòa nói trong khi người học trò vừa trở thành đàn bà, chưa bỏ cặp tóc, mặt còn ngơ ngác mới mẻ, ngồi đan những tấm áo xinh xinh. Bất cứ lúc nào sự yếu đuối nhu nhược cũng có thể kéo mình rớt xuống. Trọng dặn dò: “Thôi cậu đi một mình là đủ rồi! Đừng rủ thêm Đăng nhé”. Ngoài giờ làm việc ở trường, Đăng nhốt mình trên gian gác tối ở phố Trại Cau như tù. “Cậu cứ sống mãi như thế này đến bao giờ?” Đăng cười, chỉ thấy hàm răng trắng đều như con gái: “Rồi tình hình thay đổi chứ...” Nhà bưu điện, người ra vào tấp nập. Phải tránh gặp người quen, chỉ còn vài giờ ở Hà nội. Có thể đi quên giờ về nhà, chiều nay, chiều mai, chiều ngày kia và... sẽ ở lại. Vẫn không có gì thay đổi.

– Cảnh. Đi đâu đấy?

– Đi lang thang.

– Vẫn yên ổn hả? Chuyện động viên đến đâu rồi?

Người đi lại ở xung quanh. Cảnh cau mặt nhìn sang bên bờ hồ. Đâu cũng gặp những tên quấy rầy. Dường như chúng lúc nào cũng rảnh hơi nói huyên thuyên.

– Không đi đến đâu cả. Còn cậu?

Moi xin được vào ngồi trong trại tuyển binh ở Ngọc-hà.

– Tốt nhỉ.

Cảnh vén tay áo xem giờ, ba giờ hai mươi lăm phút, chìa tay: moi đi có tí việc bận... Nghe tiếng gọi sau lưng: cần gì moi, tìm moi. Cảnh không nhớ nổi tên đứa vừa gặp. Có thể hay gặp nó ngoài thư viện hay ở trường. Cảnh cắm cúi bước mau, vòng vào phía Ấu-trĩ-viên, đường dâm vắng hơn. Trọng: Nếu cậu ra khu Tư, cậu tìm liên lạc với thằng em tôi... Ông chú tôi cũng ở đấy. May ra họ giúp gì được cậu chăng... Có một điều là. Mà thôi. Cậu cứ làm những gì mà cậu nghĩ là đúng. Những gì tôi nghĩ là đúng. Không phải. Những gì mà lịch sử cho là đúng. Những gì có thể phủ nhận chính cá nhân tôi. Thạch nó không chịu vậy, nó cưỡng chống lại, và nó... Nó không thể phủ nhận cái chết của người thân nó. Lịch sử là như thế. Bạo động, mù quáng vô lý, bất kể cá nhân. Và cá nhân phải sáng suốt để thấy rõ ý nghĩa của nó. Cảnh tới đầu ngã tư rẽ vào nhà Trinh, đứng lại. Mái hiên hai bên phố thấp che tối các mặt nhà, yên lặng. Một chiếc xe đang rỡ hàng ở giữa phố, một người phu khuân vác các bao hàng qua lại trên vỉa hè không có người qua lại. Từ trong nhà Trinh, một người đi ra, một người đàn bà, rẽ về phía cuối phố. Cảnh quay lưng bỏ đi, giờ này Trình còn đi học. Để làm gì mới được? Ích gì? Những vướng mắc nhỏ nhặt và khó chịu. Khó chịu. Phố, nhà, cửa hiệu... Thành phố không còn một chút sinh khí, linh hồn. Chỉ còn vẻ đẹp mông lung. Một nỗi nhớ tiếc không thành hình. Xe cộ chảy suôi một chiều rộn rịp. Tiếng động miên man. Cầu cho về đến nhà, đi ngay tức khắc. Kéo dài mãi thời gian chờ đợi lê thê. Trọng vẫn chưa tìm được gian buồng khác. Dưới chân cầu thang gỗ, người đàn bà ở buổng bên cạnh chào và nói: Chiều nay nhà tôi mời hai cậu bên ấy sang sơi cơm, uống rượu... Bà ta bưng bên nách một rổ rau tươi. Cám ơn ông bà, chiều nay chúng tôi bận, để xin khi khác... Người đàn bà vẫn đon đả: Cậu đừng làm khách. Không có ai cả... Chốc nữa thế nào cũng mời hai cậu sang chơi.

Cảnh loay hoay mở khóa cửa buồng, nghe tiếng người đàn ông đứng ở cửa buồng bên: Cậu Cảnh ơi, chốc nữa mời cậu sang uống rượu với tôi. Hôm nay nhà tôi làm món dấm cá... Lại phải nhắc lại câu từ chối. Người đàn ông theo chân vào buồng. Ông ta co ro trong cái áo lạnh mỏng đứng giữa buồng, bộ quần áo trắng mầu cháo lòng. Mái tóc khô số rũ trên trán, hàm răng lộ cáu đen khói thuốc. Ông ta là nhà cách mạng từng lưu vong sang Trung- hoa, bây giờ không làm gì cả, nằm nhà vợ nuôi, cả ngày hút thuốc lào, uống trà tàu bàn chuyện thế sự với một vài đồng chí còn sót. Lâu lâu trong nhà lại có một bữa giỗ kỷ niệm một đồng chí cũ, tập hợp một số anh em, uống rượu nhắc thời oanh liệt xưa... Chỉ tội bà vợ phải nai lưng nuôi chồng với một bầy bốn năm đứa con.

– Thế nào chốc nữa cậu cũng sang chơi. Uống rượu rồi nói láo cho đỡ buồn. Tôi thú thực tôi quý các cậu lắm. Sống như các cậu mới xứng đáng là thanh niên... Hả, nói láo mà chơi nghe láo chơi. Thời thế này chỉ có thế là vui thôi.

Những người–không biết may mắn hay bất hạnh–bị lịch sử cuốn hút vào trong một giai đoạn, bị bỏ rơi lạc lõng, không thể trở về đời sống bình thường. Lúc nào cũng sống trong ảo mộng mình vẫn còn nắm tay lịch sử, lúc nào cũng bị huyễn hoặc về mình... Chỉ là xác ướp, chết rồi. Những cái xác vật vờ ở bên lề lịch sử mà không hay. Mình phải đuổi theo lịch sử...

– Tôi đang đọc Liêu Trai. Thú vị ra phết. Các cậu còn trẻ có lẽ không thích. Phải vài mươi năm nữa, thấm thía kinh nghiệm mới thấy hay. Văn chương mà đến như vậy thì thật là tuyệt.

Độc thoại. Nói mãi, nói cả ngày để che dấu sự trống rỗng hoàn toàn. Cách mạng đối với ông ta cũng như thuốc phiện. Phiêu diêu và hư tưởng. Không có một quan niệm nào rõ rệt về xã hội, về các vấn đề phải giải quyết. Chỉ biết nói mà nghe chơi. Làm thế nào cải tạo xã hội với những phần tử... Cảnh nhấc chiếc sắc tay đặt lên phản, kéo fermeture ra kiểm lại đồ đạc mang theo.

– Cậu lại sắp sửa đi đâu?

– Vâng, tôi xuống Phòng dạy học.

– Nghĩ tức nhỉ. Những người như cậu không được học hành đến nơi đến chốn. Hết phải lo kiếm ăn đến lo đi lính. Bảo sao nước mình không thiếu nhân tài.

– Mỗi thời mỗi khác. Thưa ông lúc này đâu phải là lúc yên ổn, hòa bình. Sống cảnh nào mình phải chịu cảnh ấy.

– Đã đành... đã đành. Chiến tranh, chiến tranh là ai cũng phải khổ. Người ta cứ bảo là khôn chứ tôi thấy chẳng bao giờ khôn cả. Suốt đời cứ tranh chấp toàn chuyện không đâu. Hết chiến tranh này đến chiến tranh khác. Cậu nghĩ coi đến bao giờ thì thế giới này đại đồng?

Người đàn ông đứng bên cửa sổ trông ra bức tường hông biệt thự bên cạnh, nhìn xuống lối cổng ra vào. Tiếng ồn ào cãi cọ trong bếp vì chuyện nước đổ không ai chịu quét. Cảnh mong cho người đàn ông ra khỏi buồng để được đóng cửa nằm thảnh thơi vài phút với mình. Năm giờ kém mười lăm. Đi được trước khi Trọng về là tốt hơn cả. Viết lại vài chữ từ biệt. Anh Trọng, tôi phải đi ngay chiều nay. Xin lỗi đã làm buồn lòng anh. Hy vọng ngày có thể gặp nhau chung trên một đường. Chung trên một đường. Có thể được không? Có thể là vĩnh viễn chia cách. Với Trọng, với Thạch, Đồng... Họ đứng ở phía nào? Phân hóa giai cấp. Đáng lý tôi không thể đứng ở đây, vậy mà... Thạch nói, giọng buồn. Câu ấy tôi cũng có thể nói.

– Chốc nữa thế nào cậu cũng sang nhớ.

– Vâng. Nếu tôi không bận. Ông miễn thứ cho. Chiều nay tôi cũng đang đợi một cái hẹn...

– Ờ, cố sang. Canh dấm nhà tôi nấu tuyệt hảo.

Cảnh khép cửa buồng, ngồi nhìn chiếc sắc tay trên phản. Chỉ có thế. Mình chỉ có mình. Buồng bên cạnh tiếng hút thuốc lào ròn tan. Người đàn ông thở khói um, mắt lờ đờ, miệng ứa dãi. Ông ta nghĩ đến những ngày xa xôi, chỉ huy Phục-quốc-quân chiếm đóng Lạng-sơn. Nhớ những ngày thất bại… Không một mối liên hệ. Tôi tìm lịch sử, lịch sử sẽ tới, không phải quá khứ. Tất cả bạn bè đều bị quá khứ ràng buộc. Cảnh mặc thêm chiếc áo khoác ngoài nhầu treo trên lưng ghế, ra cửa sổ ngóng xuống cổng. Người thiếu nữ cuồng trí lấp ló mái tóc rối bù nơi cửa sổ. Đi đến đâu? Gặp những ai? Chắc chắn sẽ phải qua lớp cải tạo tư tưởng. Chấp nhận hết, không đòi hỏi gì hết. Bằng lòng xóa trắng mình. Tôi sẽ không là gì nếu không gia nhập được vào lịch sử. Chiều bỗng nhiên rét ngọt. Không gian như co đặc lại vây kín mọi tiếng động hỗn tạp. Muốn trở thành... Trong cái biện chứng: nông dân - sinh viên... Thiếu số hạng thứ ba, thiếu sự trở thành. Nhưng nhất định không thể trở thành một intellectuel petit bourgeois. Tôi phải đi thoát, phải đi thoát... Đã hơn năm giờ. Cảnh nằm đại lên phản cho đỡ mỏi, chợp ngủ. Buổi chiều lạnh lẽo lùa vào hai cửa sổ mở như đè nặng dần lên mặt mũi chân tay. Chỉ là giấc ngủ thiếp, quên. Không thể còn những giấc mộng, những giấc chiêm bao. Không thể còn gì... còn gì...

Mùa đông già xám cô đơn, Đồng không bước chân ra khỏi nhà. Sức khỏe suy nhược không thiết đến trường; không còn bè bạn tụ tập, phố xá khuất hẳn; con đường từ nhà sang chỗ ngồi đọc sách vào mùa hè bên bờ hồ sau đình trơn ướt gió thốc mưa buốt. Quanh quẩn hết nằm trùm chăn trên giường bật đèn xem sách, trí óc viễn vông ngoài vùng lạnh giá xẩm tối, lại xuống nhà ngang ngồi hơ tay trước bếp chuyện trò với mẹ và u già. Cơm lại được dọn riêng với bát đũa được đánh dấu. Mỗi buổi sáng và chiều, thuốc tiêm vào người nhóm một chút hơi nóng say làm cho mắt mờ đi, tim hồi hộp, thở dồn; thỉnh thoảng hết thuốc, nghe khỏe khoắn nhẹ nhõm hơn. Những lúc ấy, Đồng vào ngồi trước bàn viết, soạn những tờ giấy trắng định làm thơ, nhưng một lúc chỉ chép lại những câu thơ hỗn độn mình đã thuộc: À quoi bon?... La vie est variable comme l'Euripe... Trên cây đinh trước mặt móc xâu chuỗi kỷ niệm của Nga tặng; mẹ nhìn thấy đã hỏi: Ở đâu cậu có? Đồng đáp: của một cô cho con, bà cụ nhìn bằng cặp mắt âu yếm. Hỡi Thượng-đế chưa bao giờ quen biết, mắt người to hay mắt người buồn... Đồng cười thích thú lấy mình vì câu thơ tự chế biến.

Một buổi sáng, anh Thái về nhà dẫn theo một người đàn bà. ẵm một đứa con nhỏ. Anh nói: Vợ của Đạo mới vào. Mẹ Đồng ngồi trên phản ngắm nghía con dâu rồi òa khóc hỏi: Còn nó đâu? Chị Đạo đáp: Nhà con còn ở ngoài, chỉ có con với cháu vào thôi. Chị mang vẻ mặt ngơ ngác của người lạc đến xứ lạ, nước da xanh mái ngã nước, người gầy gò, còn ghi rõ dấu vết nơi vừa rời bỏ: quần áo rách rưới, tay nải chứa những vật dụng lính Tây cho, chân đi dép cao su tím bầm. Đứa con trai chừng hai tuổi, mới chập chững biết đi khóc ré, bà nội vội đưa tay đón đưa lên ngang tầm mắt như muốn nhìn thấy bố nó. Anh Đạo gửi thư về xin mẹ và anh Thái nuôi hộ vợ con cho đến ngày độc lập, thư viết trên một mảnh giấy ca-rô nhỏ xé trong sổ tay chữ lí nhí, nhắn gọi Đồng nếu không còn đi học, chưa lấy vợ, hãy ra ngoài với anh. Đồng bảo: Con đi một chuyến xem sao; Mẹ tưởng thật cau mặt: Cậu đi thì chết sớm. Từ ngày chị Đạo về, thế giới của Đồng thu hẹp thêm chỉ còn vào trong buồng riêng. Mẹ mải tíu tít với cháu nội, bớt phần săn sóc Đồng càng khiến Đồng được yên một mình, một mình để nghĩ ngợi đến cái chết. Chưa đầy một tháng chị Đạo lột xác, trở thành một thiếu phụ khả ái. Trong câu chuyện giữa hai chị em, chị không giấu vốn chị là đào hát, chị gặp anh Đạo trong khu Tư. Chị chưa muốn về thành, nhưng vì con mà chị phải vào, ít lâu nếu có dịp chị lại trở ra với chồng. “Ở trong này bơ sữa dễ hủ hóa”, chị nói. Chị thích được thuật lại những chuyện kháng chiến, một thời gian chị đã làm công tác địch vận ở Nam-định. Chị khuyên Đồng nên nghe lời anh Đạo, rất có thể Đồng có dịp được gửi sang Trung-hoa hay Liên-sô. Đồng chỉ nghe và cười ừ hữ. Anh Đạo hiện là chính trị viên tiểu đoàn, hai vợ chồng một năm gặp nhau một hai lần là nhiều. Có lẽ chị không hiểu nhiều về chồng, Đồng nghĩ thế. Đồng thuật cho chị nghe về anh Đạo, những kỷ niệm giữa hai anh em trước ngày kháng chiến. Anh đỗ Diplôme trước năm cách mạng và chưa chịu đi làm ngay về nhà nghỉ chơi một năm. Suốt ngày hai anh em không sang hồ tắm, lại rủ nhau về nhà đánh cờ hoặc anh lấy xe đèo Đồng vào Bách-thảo hay ra Cổ-ngư nằm trên cỏ nhìn trời nước. Anh cũng hay hát và đọc thơ ông ổng vang nhà. Lúc anh đi học trường lục quân Trần Quốc Tuấn, viết thư về cho Đồng, nhà tản cư trên Phú thọ, anh còn ký biệt hiệu là Hoài Kinh. “Anh nhớ Hà-nội mà. Dạo ấy anh Đạo yêu chị của Hà. Gia đình cùng tản cư…” Chị Đạo cười: “Tạch tạch sè quá. Hết rồi, bây giờ hết rồi”. Đồng không cãi. Có thể như thế, mọi người đều đổi thay, trừ mình. Mình vẫn bị vây ngập trong những giấc mộng niên thiếu, giòng nước đỏ phù sa chảy siết cuốn trôi tập giấy viết những bài thơ tình đầu tiên nhưng không cuốn nổi những âm vang còn lại trong hồn... Mùi cỏ dại thơm trên đồi ướt sương. Đồi chè, cửa rừng, những buổi sáng ẩm, Hà và tiếng hát trong veo trong một bầu trời nắng thượng du; những con đường đất như không người đặt chân tới và những nương sắt xanh. Chị Đạo mang về những hình ảnh khác, cũng như Cảnh tìm đến chốn khác với tưởng tượng của tôi. Eternel adolescent, tôi vẫn là thế. Ăn Tết xong chị Đạo xin phép mẹ trở ra với chồng, nhà phải thêm người giữ đứa cháu nhỏ. Đồng nhắn chị Đạo: “Chị hỏi anh xem còn nhớ kinh đô không?” Chị Đạo dặn: “Nếu chú khỏi chú nên ra”. Không, tôi ở đây đợi mọi người về tụ họp.

Mùa xuân còn mới nguyên, thành phố có vẻ thay đổi nhiều. Không hiểu vì đã mấy tháng Đồng mới lên đến phố hay vì dư âm của mấy ngày Tết còn để lại. Mưa bụi bám trên áo, Đồng bỏ tay trong túi quần đi lẫn với đám đông trên vỉa hè. Lẫn trong những màu áo phụ nữ và y phục tề chỉnh của thanh niên, Đồng khám phá gặp những gương mặt ngớ ngẩn với quần áo cũ kỹ, những mầu nâu quê mùa lạc lõng của những người mới hồi cư. Những nhà đổ nát hai ba năm trước đã biến mất từ lúc nào, thành phố đông hơn, đang cố gắng xóa mờ những dấu vết chiến tranh. Đồng hút lại thuốc lá sau mấy tháng kiêng cữ, hơi thuốc nồng đậm. Đồng nghĩ đến một người để chuyện trò, một người để có thể mình ngồi im nghe tiếng nói. Có ai không? Trên bảng dán báo của phòng Thông-tin, Đồng nhìn thấy ảnh ông bố Nga trong một buổi lễ. Souvenir, souvenir, que me veux-tu? Giọng âm thầm trong cơn say của Thạch. Người ta đứng cạnh thúc vào mạng sườn Đồng rồi nhe răng cười: “Không nhớ tôi à? Nhai đây?” Đồng nhìn khuôn mặt dài, cặp mắt nhỏ hơi lác chỉ nhớ mang máng. “Quên hả. Học cùng với nhau ở Sinh-từ. Nhớ thằng Thạch không?” Đồng gật đầu. Nhai nói huyên thuyên, mừng rỡ rủ Đồng về nhà chơi. Nhai hỏi có gặp Thạch không. Đồng nói gọn: Nó bị động viên. Còn cậu? Inapte définitif. Nhai cười hềnh hệch xấu sí: Cũng như tôi. Nhai dẫn Đồng về phố hàng Bè, đi vào một cửa hiệu bán sơn ta,–những thúng chum nâu đen, màu sơn nâu đỏ đặc quánh–lên gác. Gia đình Nhai đông người, gian gác bề bộn chật chội, mới hồi cư đầu năm ngoái; Nhai đang học rút để bắt kịp những năm chậm trễ. “Cậu học đến đâu rồi”. “Văn-khoa” Nhai đưa Đồng ra đứng ngoài ban công, trông xuống phố, chỉ khoe với Đồng những nhà hàng xóm có con gái đẹp. “Đến chơi với tớ luôn, tớ giới thiệu cho…” Xế cửa là một lớp học tư tấp nập suốt ngày, nhiều nữ sinh. “Phố này tập trung các hoa khôi Hà-nội”. Đồng tựa tay vào lan can, nhìn được suốt phố vào giờ vắng vẻ. “Nếu gặp Thạch rủ nó đến chơi với tớ…” Đời sống với Thạch hiện tại đã quá cách xa cái đời sống của Nhai. Chúng ta chỉ có chung một vài kỷ niệm của thời ấu thơ mà thôi–Ngay với tôi cũng vậy, có lẽ tôi cũng đã mất hẳn đứa bạn thân nhất. “Tớ định ra thư viện học cho tĩnh, lại gặp cậu…” Đồng cười, nghĩ đến thật đã xa xôi thời bốn đứa gặp gỡ hằng ngoài phòng đọc sách. Où sont les neiges d'antan? Quá khứ rất gần bị đẩy lui thành dĩ vãng, tôi phóng đi trong thời gian và tưởng như sắp đến ngày cuối.

Những ngày đầu tháng hai, Đồng đi chụp lại phổi, phổi lại đã làm sẹo. Không thuốc lá, cà-phê, không thức khuya, không đọc sách, không làm việc nặng quá sức và nhất là “không gần đàn bà, tránh nghĩ đến đàn bà”. Ông bác sĩ già, mắt lấp lánh hóm hỉnh sau cặp kính dầy, miệng tủm tỉm. Ra khỏi phòng khám bệnh, Đồng buồn bã ngơ ngẩn. Tôi sẽ làm gì với một thân thể lành mạnh? Tôi chờ đợi cái chết và nó không tới. Đi vài bước, Đồng đứng lại mua thuốc lá, giá thuốc lá đã tăng, không thể chia đủ cho bốn đứa. Trời buổi sáng này nhẹ cao, lởn vởn những cụm mây trắng. Chuyến xe điện chạy băng băng trên lối quành. Sáng mát trong như sáng năm xưa... Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em... Đồng quyết định đi làm. Mỗi buổi sáng, Đồng đạp xe lên hiệu chụp ảnh do Nhai giới thiệu, trông nom giấy tờ sổ sách thu xuất, trưa nghỉ lại chỗ làm việc, chiều mới về nhà. Cửa hiệu lớn nằm một góc đại lộ, tầng dưới của một tòa nhà ba tầng, hai tủ kính chiếm dài hai mặt phố, vừa chụp ảnh vừa buôn bán máy móc và phim. Đồng ngồi trước một bàn giấy với sổ sách, thỉnh thoảng thay chủ giao thiệp với các bạn hàng. Nhai thường ghé thăm, ngắm ảnh phóng lớn của các thiếu nữ trưng bầy, khách chụp ảnh phần đông là phụ nữ, những anh lính Tây, lính Ma-rốc, pạc-ti-dăng... Từ chỗ ngồi, Đồng nhìn những tàn cây xanh che khắp mặt đường mỗi khi rảnh rỗi, quan sát những người ở các tầng gác trên phải đi ngang qua cửa hiệu để lên cầu thang sau lưng Đồng. Mỗi buổi chiều Đồng đạp xe lẫn vào đám học sinh, cả nam lẫn nữ, thong dong quên lãng và thường ghé vào ngồi trên đường Cổ-ngư một lúc trước khi về nhà. Trên đường về Đồng nhận ra những người bạn đồng hành ở mỗi khúc một: khi đám học sinh đã tản dần ở các ngã tư, còn lại trước Đồng hai nữ sinh, một ở Kỳ Đồng một ở hàng Đẫy; nếu về theo ngả Quan-thánh sẽ gặp một cô thợ may ở vườn hoa hàng Đậu, cô ta đi ngược đường vào phố Tiên-tsin. Đoạn đường còn lại, Đồng thổi sáo trong các phố vắng, hát nhỏ một mình, nghe như đầy đủ hoàn toàn. Như kẻ si tình đã được gặp mặt người yêu. Một buổi chiều đi làm về, Đồng gặp Thạch nằm trên võng. Thạch cười ha hả: “Cậu ký đã về. Cậu ký Đồng”. “Quan một, ça va?” Thạch không đổi khác mấy, trông vui vẻ hơn. Thạch đến từ chiều, bà cụ đã hỏi thăm hết chuyện, vừa bồng cháu vừa thuật lại cho Đồng nghe thay Thạch. Thạch ở Hưng yên về, được nghỉ phép một tuần lễ và sẽ ở lại chơi nhà. Đồng hỏi: “Thật không?” Sau bữa cơm, Đồng rủ Thạch ra ngõ chơi. Giờ này tàu điện đã hết. Ngoài đường vắng tối, quãng chạy ngang đình làng không có nhà ở sát, như vùng ranh giới giữa hai khu vực: ngược lên phố là khu quán rượu bán cho lính Tây, suôi đến cuối đường tàu là phố của người buôn bán quanh cái chợ họp bên vệ đường. Trong tối Đồng nghe được tiếng sóng hồ Tây vỗ vào bờ đá sau đình. “Vẫn chưa chết”, Đồng nói bâng quơ không rõ về bạn hay về mình. Trời đen mát như thạch. Ánh đèn mờ yếu từ một vài ngôi nhà kiểu cổ nền qua hắt ra đường. Đồng không đừng được lên tiếng hỏi: “Liên đâu?” Hà đâu? Phương đâu? Nga đâu? Cũng như thế, có gì phải hỏi, thật là thừa. Thạch hơi ngửa mặt lên, điếu thuốc lập lòe chênh chếch: “Không biết…” Đồng ân hận đã gợi câu chuyện, nó không thích tâm sự. Đột nhiên Đồng nghe tiếng Thạch: “Tôi chỉ ở được với Liên nửa tháng. Đạo mới ở Nam-định về... Chưa đến nửa tháng. Bây giờ không biết Liên ở đâu?” “Buồn nhỉ”. Vì sao thế? Thạch thôi không nói nữa. Đồng nhìn những phiến đá lún trên mặt đất, chỗ họp chợ. Tiếng gió thổi rất xa ở trên cao. Ngược trở về, Đồng lảng chuyện nhắc đến Cảnh và An. Thạch nói: “Thằng An anh hùng gớm. Không hiểu bây giờ nó làm gì. Cậu không gặp lại nó?” Đồng đùa: “Có khi cu cậu bốc đồng được mấy tháng sau lại lóp ngóp bò về. Có khi bây giờ nó đã vào Sài-gòn cũng nên”. Thạch cãi: “Cậu coi thường nó quá. Dù sao bọn mình đâu đến nỗi thế”. Có lẽ sự xa cách khiến Thạch dễ dãi với An hay đứa bạn đã đi biệt khiến Thạch công bình và thương yêu hơn. Đồng nói: “Giá như nó, thằng Cảnh hay cậu chết, tôi cũng chẳng biết…” “Yên chí. Trong tờ khai khi khẩn cấp báo tin cho ai, tôi khai tên cậu đấy”. Đứng lại trên đường sắt, Thạch nhìn ngược lên xem đám đánh nhau trước một quán rượu, tiếng kêu la chửi rủa tục tần không có tiếng vang một lát rồi tắt; người ta lại đi vào trong các quán thấp để lại những ánh đèn sáng trơ soi ra ngoài. Đồng bảo mai sẽ lên xin nghỉ một ngày để đi chơi. Thạch hỏi: Chơi đâu? Cậu thích đi chơi đâu? Buổi tối khi đã vào giường, Thạch vẫn còn hút thuốc. Đồng hỏi: “Cậu thấy tương lai thế nào?” “Chẳng thấy gì cả, mù tịt... Đứa nào cũng mù tịt. Chắc chẳng bao giờ còn họp mặt được đông đủ. Một bữa nào sáng ra nhặt xác ngoài đồn, tôi trông thấy thằng Cảnh hay là nó vào đồn nhìn thấy xác tôi. Có thể như thế lắm chứ…” Đồng nhắm mắt lại, trên màu đen của thị giác thấy những chấm xanh đỏ bay tung với những đường vòng rối rít. Không còn cách gì kết hợp được chúng nữa ư? Đồng nói khẽ: “Có khi cậu gặp ông anh của tôi…” Thạch hỏi: “Ông Đạo hả? Cũng không biết chừng. Cậu thấy đứa nào phải”. “Đứa nào cũng có lý”. “Chính thế. Thế mới đau. Thằng Cảnh không hiểu nó có thấy thế không? Tôi giận cái thói dogmatique của nó”. Đồng dàn hòa: “Không, nó cũng hiểu. Hôm nó gặp tôi trước ngày đi, nó còn tiếc không có cậu”. Buổi sáng khi Đồng thức dậy đã thấy Thạch nằm trên võng hút thuốc, Thạch đùa nói nằm ở đồn quen, thiếu tiếng đại bác nên không ngủ được. Đồng bỏ xe đạp ở nhà, đi tàu điện lên phố với Thạch. Trong khi Đồng vào hiệu, Thạch đứng bên vỉa hè nhìn bọn nữ sinh trên đường đến trường. Thạch nói: “Trông con gái Hà nội vẫn cứ đú đởn”. Đồng cười: “Anh khó tính quá. Con gái đẹp là đủ. Cái gì nữa cũng là thừa”. Thạch quay lưng bước đi hỏi: Đi đâu bây giờ đây. Đồng hỏi Thạch còn nhớ Nhai không; Thạch gạt đi bảo: “Bạn cũ, chán lắm. Tôi với cậu đi đằng này”. Thạch đưa Đồng xuống chợ Hôm, đến nhà gái đi. Gian nhà cửa trước đóng kín lẫn vào trong dãy phố một từng, đi vào cửa sau bằng ngõ chỉ một người đi lọt. Thạch hỏi: “Cậu đã đi lần nào chưa?” “Thưa”. “Tôi hỏi thật cậu đã biết đàn bà bao giờ chưa?” “Cũng chưa”. Thạch nheo mắt chế riễu và Đồng nghe má mình nóng bừng. Người mở cửa là một u già. Sân và bếp trông sạch sẽ như mọi nhà. Đi qua một cửa phòng đóng kín, Đồng theo Thạch lên đến phòng khách ngoài cùng. Hai người con gái, một ngồi một nằm, ở sa-lông đọc truyện dưới ánh điện của một cây đèn đứng có chụp vì cửa ngoài đóng kín mít. Cả hai người chỉ ngước lên nhìn khách mới vào, rồi lại cắm cúi đọc, người đang nằm trở mình quay mặt vào lưng ghế. Thạch bảo Đồng ngồi xuống ghế và hỏi: “Bà chủ đâu?” Người con gái ngồi đối diện với Đồng, hạ quyển truyện xuống: “Chị em đi vắng”, nàng có gương mặt dài, đôi mắt lặng lẽ, người thon cao giống như cô thợ may Đồng gặp ở vườn hoa hàng Đậu. Thạch tự nhiên bảo: “Thôi. Có hai em còn tốt hơn. Giới thiệu cho quen với”. Người ngồi là Mai, người nằm là Tuyết. Lúc ấy Thạch mời ngồi xuống mép chiếc ghế dài, vòng tay lật quay Tuyết: “Làm gì mà giấu mặt gớm thế. Cho anh xem một tý”. Tuyết vùng vằng, ngắm nguýt nhưng cũng quay mặt ra ngoài nhìn Đồng cười, Đồng quay sang nhìn Mai cười. Thạch hất hàm hỏi Đồng: Thế nào? Anh chọn đi. Đồng lắc đầu. Thạch hỏi: Sao thế? Đồng chỉ tay vào ngực nói bác sĩ bắt kiêng. Thạch trâng tráo: “Cần gì. Định sống thêm mấy chục năm. Nghe nói bị thương vì đạn, chữa khỏi rồi cũng phải kiêng ít nhất mấy tháng không được gần đàn bà. Tôi mà bị cấm thế chắc là chết. Thà chết vì em còn hơn phải không Tuyết?” Đồng duỗi chân, ngả đầu vào lưng ghế nhìn trần nhà, nghe tiếng chân người đi qua ngoài vỉa hè; nghe tiếng Thạch: “Thôi để mặc cho nó mơ mộng. Nó là thi sĩ đấy, đừng tưởng đùa. Anh với em vào trong này”, nghe tiếng Mai hỏi: “Anh không đi…” giọng khàn thật xấu không xứng với người, “còn một buồng nữa”. Đồng không đáp, tôi êm tĩnh lạ lùng như một người bất lực. Mai bỏ xuống nhà dưới, Đồng tò mò quan sát khắp gian phòng. Chốc nữa ra ngoài chắc chắn Thạch sẽ chế riễu sự nhút nhát của mình. Biết làm thế nào, Thạch sẽ không tin nếu tôi bảo chưa bao giờ tôi có ý nghĩ chiếm đoạt một người đàn bà. Đồng nhớ đến Phương, tự hỏi cái buổi chiều mùa đông tối sớm ấy nếu Đồng đã ở lại trong tay Phương... Điều quan hệ là sau hành động ấy... Thạch trở ra phòng khách một mình, tuy vẫn cười nhưng không còn vui vẻ như lúc vào, ngồi xuống ghế hỏi: “Thế nào? Nhất định không. Thì đi vậy”. Thạch đứng lên ngay không đợi câu trả lời, thủng thỉnh đi trước đợi Đồng. Tuyết mở cửa bảo: “Lần sau anh đến chơi nhé. Anh còn nợ…” Qua cánh cửa buồng hé mở, Đồng liếc nhìn vào chỉ thấy một chiếc giường với nệm gối trần trụi. Ra khỏi ngõ Thạch tần ngần đứng trên vỉa hè không có quyết định. Đồng bỗng nhiên sợ hãi, ngượng ngùng vì nghĩ Thạch còn ở lại một tuần lễ. Một tuần lễ và bây giờ chưa hết buổi sáng đầu tiên đã nhận ra sự xa lạ nhau. Tôi không còn điều nào chung với bạn, trừ những cái đã mất. Nó sống trong một thế giới khác chỉ thỉnh thoảng ngó lại phía sau tôi, còn tôi tôi vẫn nằm nguyên trong quá khứ kéo dài. Đồng muốn trở vào ngõ, gõ cửa, và đi vào trong gian buồng với Mai hay với Tuyết cũng được. Tôi phải làm những gì nó làm, nếu tôi muốn giữ lại được đứa bạn thân. Nhưng tôi không thể... tôi nhìn... tôi nghĩ... tôi mơ tưởng, Thạch quay mặt lại cười, không chế riễu, nụ cười kẻ cả: “Kia kìa type của cậu đấy. Tôi biết quá”. Trên vỉa hè từ một góc phố mới quành lại một thiếu nữ áo dài trắng tiến đến, dáng mỏng mảnh uyển chuyển, mắt ngước nhìn thẳng như không thấy người đứng cản lối. Thạch huýt sao tán thưởng, bước xuống đường tránh lối, thiếu nữ đi qua như không hay biết. “Ê. Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong hả... Merde”. Đồng cười trừ. “Không ngửi được. Không thể nào ngửi được thứ ấy... Chết, cậu sẽ chết, Đồng ạ”. Đồng nghĩ Thạch không biết chuyện tình giữa mình với Nga, không hiểu nó sẽ cười đến như thế nào nếu rõ. Đến phố Huế, Thạch nói: “Không biết đi đâu nữa nhỉ? Nếu không có cậu tôi có thể nằm suốt ngày ở đấy. Cảm giác ủ ê chìm khuất lạ lắm. Mình không còn gì phải nghĩ ngợi. Đàn bà là mối quên lãng hiệu nghiệm nhất. Đừng yêu. Yêu là hỏng bét. Nói theo kiểu thằng Cảnh là mình bị aliéné hoàn toàn”. Đồng cố gắng tưởng tượng tâm trạng của Thạch, cô đơn hoàn toàn, đứa bạn gái duy nhất đã bỏ đi, mối tình còn lại dư vị cay đắng của sự phản bội... “Thôi, đừng làm bộ đi. Anh mới là kẻ chung tình lãng mạn hơn tôi. Anh không thể yêu ai ngoài Liên. Phải không?” Thạch không cãi, chỉ đưa mắt nhìn Đồng trách móc và cười lên thành tiếng tự nhiên. Đồng sung sướng, bắt gặp lại người thân cũ. Thạch bỗng hỏi lạc chuyện: “Này, cậu rửa tội đấy à?” Đồng ngạc nhiên không hiểu. “Tôi thấy ở nhà có tượng Đức Mẹ”. Đồng à một tiếng; của một cô tặng. Có nên nói với Thạch đó là của Nga không? Thạch đã gặp Nga lần nào chưa? “Mà tôi nghĩ có khi cậu rửa tội lại hay. Trông có thể thành cố đạo được đấy. Thánh thiện lắm, không đùa đâu”. Đồng hắt hơi liên tiếp, phố xá rung rinh trước mắt, rút khăn tay bịt miệng và lau hai bên khóe mắt ướt: “Không được. Đâu có thể như thế được”. Thạch hỏi gặng: “Sao không? Với cậu có gì thay đổi nào? Tu es orgueilleux”. “Có như thế cậu mới là cha linh hồn của tôi chứ”. Đồng kéo tay Thạch sang bên kia ngồi nghỉ, xuống đường sang quán giải khát bày bàn dưới gốc đa già bên đền bà Kiệu. Bàn ghế mộc thấp sơn xanh, cập kênh trên nền đất sạn. Trước đền Ngọc Sơn mới mọc lên một kiosque bán sách báo; ngoài cổng đền người ngồi bán vàng hương, mấy ông thấy bói, thấy đồ viết chữ nho với vài người nhà quê nghỉ chân đứng nhìn tò mò. Nhà Thủy Tạ ở xa đóng cửa kín bỏ không. “Người tặng tôi cái ảnh ấy cũng lạ. Gia đình không có đạo, chỉ có một mình nàng…” “Có khi là cái mốt mới của mấy cô Hà-nội. Một lối trang điểm độc đáo biết đâu chừng”. “Nàng cô đơn...” “Thì cô đơn cũng là một mốt. Cô đơn làm cho sầu muộn. Cậu không thấy nhìn người đàn bà để tang mình thấy đẹp mới chết. Dám có cô chít khăn tang để trang điểm”. Đồng im, nhìn vào trong kiosque, cô chủ quán với vành khăn trắng cuốn chặt trên mái tóc uốn đang cắm cúi lau cốc lơ đãng quay mặt về mạn phố vắng. Đồng không ngăn giữ được: “Nga đấy, em gái của An. Cậu đã gặp Nga lần nào chưa?” Thạch có vẻ chăm chú hơn đến câu chuyện: “Tôi không biết mặt. Cũng may đấy. An nó có biết chuyện không?” “Chắc là không. Có thể bây giờ Nga đã xin vào tu kín”. Thạch cười dễ dãi: “Chưa chắc đâu. Đàn bà có cái khiếu bi kịch hóa là nhất…” “Nga không bằng lòng gia đình nhưng vì là con gái không thể làm được như An”. “Nói cậu đừng buồn. J'en doute. Cậu vẫn không chừa được cái tính lãng mạn”. Đồng cầm thìa khuấy cốc nước chanh uống dở, nghĩ Thạch không còn muốn chia xẻ với mình những chuyện tình như thời niên thiếu: “Còn anh ấy à, tu es trop cynique”. Buổi trưa Thạch rủ Đồng đi ăn cơm tây, uống rượu vang. Trong hiệu người chủ tiếp đón khách một cách sun xoe. Hơi rượu làm mặt Thạch ửng đỏ, cặp mắt dại đi như một con chó say nắng.

“Này Đồng này. Nhiều lúc ngẫm nghĩ tôi tự hỏi không hiểu bọn mình có phải là anormal không? Thằng An này, thằng Cảnh này, cả cậu nữa. Tôi nhiều lúc nằm một mình trong đồn chẳng nghĩ đến ai, chẳng nhớ ai. Mỗi ngày tôi trông đợi băn khoản thấp thỏm cái gì cậu biết không? Đợi buổi trưa có xe đi ngang đưa báo cho đọc. Tôi sống chung với những người không thể tưởng tượng nổi. Cái thằng trung úy chỉ huy tôi là lính khố đỏ lên. Suốt ngày thích nói chuyện chính trị mới chết. Lính thì thật là ba đá. Có chứ... có tôi có nhớ Liên. Nhưng nhớ thế thôi. Cậu thấy không? Chúng mình chỉ có một mớ tình cảm vụn vặt. Tình cảm là cái gì giả nhất. Tôi nghĩ có thể tôi là faux mà không biết. Nếu quả thật tôi yêu Liên tại sao tôi không lồng lộn tìm mọi cách chiếm lại cho bằng được? Chiếm lại bằng mọi phương cách... nếu có thể chết được, như thế mới gọi là yêu, không tôi chỉ nghĩ, tôi chỉ nhớ tiếc rồi thôi. Mọi sự rồi qua đi. Phải không? Tôi không có một hành động cụ thể nào tỏ lộ. Mình buông xuôi hết để giữ lại một mớ tình cảm như bọt sóng vậy. Cái gì đối với mình cũng thấp thoáng mờ nhạt vô nghĩa. Tại sao vậy? Cậu có thấy như thế không? Nous sommes lâches. Objectivement lâches... Cậu nói đúng. Cynique. Một thứ mặt nạ ngụy trang sự hèn nhát. Chỉ có thế thôi. Mình chạy trốn sự thật đó. Đồng nghĩ mình không nên thêm lời. Thật buồn, đúng. Thạch nói đúng nhưng vẫn còn, còn một cái gì đáng quý ở trong chúng tôi. Sự thành khẩn của chúng nó? Sự thành khẩn cũng trở nên giả dối nếu trở thành cứu cánh của thái độ và hành động. Thật buồn, đáng buồn, hết, như thế là bị vây hãm trong những giới hạn tự mình dựng lên. Hè phố dốc thấp hơn cửa hiệu, trưa bắt đầu nắng, người đi ngoài chỉ trông thấy nửa thân. Thành phố vơi tiếng, Đồng nhìn Thạch uống cà-phê, trong hiệu ăn mọi người đều nói nhỏ, khách không còn vào thêm. Không khí vẫn loãng một cách dễ chịu. Thạch bảo: “Về nhà ngại quá. Vào thư viện, chốc nữa đi xi-nê”. Như ngày nào, phố Trường-thi mát và xanh rợi, trong vườn rộng êm tĩnh, cửa kính sáng trong. Phòng đọc sách đông hơn trước, nhiều gương mặt lạ. Thạch và Đồng bắt tay người thủ thư, cùng cười thay lời chào. Quạt trần quay chậm, không khí ngái ngủ. Thạch ngoẹo đầu vào lưng ghế ngủ rất nhanh trong khi Đồng còn vẩn vơ nhìn giá sách trước mặt. Ông già trông nom trật tự đi rón rén tới bên Thạch, ghé mặt xuống nhìn, tay nâng giữ cặp kính trắng; Thạch vẫn ngáy phì phò. Đồng bảo khẽ: “Nó mới đi xa về mệt, cụ ơi”. Ông già nhăn mặt lắc đầu: “Tay này biến mặt từ lâu, phần tử nguy hiểm hả”. Ông cười nhặt tờ báo trên bàn, đi chỗ khác. Đồng không ngủ được, tìm trên giá sách để tự do một quyển sách về y khoa xem ảnh. Một chốc ông già quay trở lại, bảo Đồng gọi Thạch dậy, Thạch ngồi thẳng lại, mắt đỏ hoe nhìn trân trân lên cửa kính trên đầu tường không chớp mắt. Có tiếng chim hót trên cây ngoài vườn và tiếng im nổi của bóng nắng già. Thạch đứng dậy tìm mượn báo, xem chương trình chiếu bóng. Đồng nghe mình mệt khô người, muốn về nhà, Thạch bắt đầu nói: Chán quá, Hà-nội chán quá, thế này thì không ở được một tuần. Buổi chiều vẫn qua hết trong rạp chiếu bóng với một phim tẻ nhạt. Chiều thành phố nhộn nhịp dịu dàng nhưng đầu óc mệt nhọc ủ ê.

Những ngày sau Đồng phải đi làm, Thạch ở nhà đi chơi một mình. Đồng không hiểu Thạch làm cách nào tiêu hết những giờ trống trải trong thành phố không còn mối ràng buộc nào. Thạch cũng còn vài người họ xa nhưng cũng như Đồng, Thạch không thích lui tới. Có lẽ Thạch xuống nằm ở gian nhà trong khu chợ Hôm, cười đùa, ôm ấp để khỏi phải mệt trí, đợi buổi chiều đến đón Đồng rủ ra bờ Hồ ngồi uống nước ngâm nga nhìn phố tối dần, đạp xe đèo Đồng về nhà. Cả hai đều hết chuyện nói, thừ người hàng giờ. Một bữa Thạch bảo: “Như cậu lấy vợ là vừa. Tôi về chơi còn được hưởng cái thú là trông thấy hạnh phúc của cậu. Chứ cứ hai thằng trơ thân cụ nhìn nhau mãi chẳng ra cái thể thống g”. Đồng bảo: “Cũng có lý”. “Lấy vợ, đẻ con là yên mọi chuyện. Đâu vào đấy cả”. “Cậu bảo đảm được cho tôi là yên không?” Vào cuối tuần, Thạch nói: “Tôi đi Đồ-sơn chơi, chiều ngày kia về”. Đồng hiểu là Thạch đi với một người đàn bà. Chiều thứ bảy, ngày chủ nhật ấy Đồng quanh quẩn ở trong nhà đọc hai quyển truyện trinh thám của Thạch phát nhức đầu. Chiều chủ nhật Thạch trở về vui vẻ. Ăn cơm xong, Thạch rủ Đồng đi bộ, leo dốc sau nhà đi xuống Bách-thảo. Trời chạng vạng tối, cả một vùng cây cối âm u. Mặt hồ dưới xa như một vùng ánh sáng lạ lùng. “Tôi gặp thằng An dưới Hải phòng”, Thạch đột ngột nói, Đồng sửng sốt: “An? Nó sao?” Con đường dốc thoải đá dăm kéo dài dưới hàng cây tối mất hút. “Trông nó thảm hại không nhận ra được. Gầy, tái xanh, rách rưới. Như là nó nghiện”. “Làm thế nào nó nghiện nhanh như thế được?” “Tôi đoán thế?” “Cậu gặp ở đâu?” “Ở bến xe. Tôi vừa bước xuống thì trông thấy nó. Nó định lẫn mặt tôi nhưng không kịp. Tôi hỏi nó làm gì ở đâu? Nó trả lời quanh co. Tại tôi đi với một người đàn bà nên không kịp nói với nó nhiều. Tôi hỏi chỗ ở của nó, hẹn sáng nay tôi về sớm tìm nó đi chơi. Nó cho tôi địa chỉ láo tìm suốt cả buổi sáng không thấy...” “Sao thế nhỉ?” Đồng tự thấy mình ngớ ngắn. Thạch dừng bước móc bao thuốc lá đưa cho Đồng, đánh diêm châm thuốc. Đồng thấy mình đang đứng dưới chân dốc, trước mặt mở ra một vùng quang đãng hơn. Những đám mây ở phía bên kia hồ và sau lưng tôi kín, những chuồng thú bỏ không sừng sững. “Nó có hỏi cậu thế nào. Nó biết thằng Cảnh đi rồi. Nó cũng biết cả chuyện cậu với em gái nó nữa”. “Nó nói thế”. “Nó bảo với tôi thế, nó bảo nó tiếc các cậu không lấy nhau”. Đồng không tưởng tượng đến, không hình dung được hình dạng An lúc bấy giờ. Làm thế nào gặp được An? Để làm gì? Gặp để nhìn, để thương hại trống không ư? Một cái gì đã chết hẳn. Nga, Nga. Đồng như trông thấy vách tường đá xám trồng mảnh chai xanh và màu khăn trắng chùm trên đầu tóc Nga. Đồng vứt mẫu tàn thuốc xuống hồ, rớt trên một chiếc lá sen. Trong vườn chỉ còn bóng tối hoang mang dâng lên và sự im lặng sâu thẳm của đêm dài. “Trông nó thiểu não quá cơ. Mắt cứ lấm la lấm lét như thằng ăn cắp. Hết cả vẻ công tử. Nghĩ lại buồn ghê”. “Biết đâu chừng nó đang trở thành nhà văn” Thạch cười giọng cay độc: “Hở, nhà văn. Nhà văn bẩn thỉu hôi hám. Không nhìn thấy gì hơn ngoài những tiếc nhớ mơ ước của riêng mình. Nó đáng bị ông bô nó sai lính bắt về đánh cho một trận rồi gửi sang Tây”. “Tội nghiệp nó cậu. Cậu nghiêm khắc quá không cho nó một cái chance nào hết cả”. “Y a pas de chance, pas de miracle, nghiện là coi như đi đứt”. Tội nghiệp An. Đứa con trưởng giả ấy cứ loay hoay mãi với mình không xong. Những mái nhà lổn nhổn li ti dưới thấp như những miếng bóng đêm im lìm đông đặc. Đêm ấy Đồng thao thức, nghe Thạch ngủ say, tiếng mẹ vỗ về đứa cháu nội chốc chốc. Tội nghiệp, An đáng tội nghiệp. Có thể An yêu Nga, yêu em gái của mình và ghen với Đồng. Đồng bày ra một trường hợp bệnh lý và muốn phân tâm An. Nga cũng mơ hồ cảm nhận và nàng nghe thấy tội lỗi vây quanh mình. Và Đồng ngủ thiếp trong giả tưởng một cuộc chữa bệnh tâm lý cho An.

Sáng hôm sau Đồng lại đưa Thạch ra bến Nứa lên xe về Hưng-yên, Thạch chui lên một chuyến xe đông ngồi giữa những người nhà quê, rồi đến hiệu ảnh. Những ngày tháng ăn mòn dần tôi, cướp mất chúng bạn. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ các tên hiệu máy ảnh, tên hiệu phim, các món phụ tùng, các con số xuất nhập, tôi ghi nhớ những viên gạch vỡ trước hè, những thùng rác dựng dưới các gốc cây, nhận mặt thêm những khách hàng lui tới, những người qua lại ở tầng gác trên, những người quen mặt nhiều hơn ở ngoài phố trên đường đi về ngày ngày... Tôi nhớ thêm vài thói lệ của những người trong gia đình nhà chủ, những cuộc giao tiếp thường tình bổn phận, những công việc phải làm trong một ngày. Những giờ rảnh rỗi, những ngày nghỉ, tôi nhớ chúng bạn, người yêu và tôi nhớ tôi. Rồi tôi sẽ trở thành một chiếc máy ảnh ghi nhận những cảnh tượng bên ngoài, những bức ảnh khi rửa quá thừa hoặc thiếu ánh sáng. Người duy nhất còn hay gặp gỡ là Nhai với những lo lắng vui buồn nhỏ nhặt về gia đình, thi cử, về người yêu nhỏ bé thứ nhất. Thành phố này, đời sống này chông chênh ở đâu không biết, những nơi tôi đi qua vẫn vững chắc bình thản. Sau mấy ngày rét ngọt của tháng ba, mùa hè đến dần. Những buổi sáng trong mát hơn, những buổi chiều rộn rịp hơn, những đêm tối dịu dàng hơn. Chiến trường bị đẩy lui xa, thành phố hớn hở hơn. Tôi quên dần căn bệnh, quên dần bằng những niềm nhớ chốc lát chúng bạn người yêu cũ, tôi quên dần tôi. Tôi di chuyển nhẹ nhàng thoải mái trong cái thế giới thu nhỏ, thu nhỏ mãi để sẽ biến mất thảnh thơi. Biến mất cùng những giấc mộng tuổi niên thiếu. Một ngày nào, bạn bè trở về không gặp, chúng nói với nhau: Đồng chết rồi, nó chết như thế nào? Thạch cười sặc, tiếng cười vẫn cay độc không thay đổi: Nó chết vẫn còn là trai tân. Hai mươi ba tuổi chết vẫn còn tân. Ça c'est ridicule. Mẹc. Sà lù. Bú dù. Con khẹc. 

No comments:

Post a Comment