Khu vực nhà
Rồng dài xa, mờ xám. Trên bến rộng, một vài người thấp nhỏ đi trong khoảng cách
các kho hàng há mõm đen ngòm hoặc đóng bít cửa sắt nặng. Người hoa tiêu đang
leo những bực thang lên tàu, bên kia vùng bến chợ Khánh-hội rào rào; giữa thân
tàu và bờ ke hở một khe sâu nhỏ. Phía Sài-gòn những tòa nhà lầu cao đứng bên
đường rộng chưa hoạt động trong màn sương thoáng đột ngột của những ngày cuối
năm chưa tan hết.
Hồi năm giờ
sáng thức dậy ra sau rửa mặt, nghe tiếng chân ngựa gỗ lộp cộp trong chuồng, mùi
rơm cỏ nồng khai, ngửa hít khí trời nghe bụi nước đậu xuống mặt bất ngờ như đã
về đến xứ Bắc. “Con về ngoài bình yên mạnh giỏi. Chắc là con không còn vô nữa”.
“Thế nào có dịp con cũng vô lại Sài-gòn. Con không khi nào quên má và các em”.
Má Hai, Hạnh và Nguyên xách đồ đưa lên xe thổ mộ của chú Năm hàng xóm; Hạnh
buồn đứng lại bên bờ tre nhìn chiếc xe lăn chậm trên đường cát ướt còn tối
trong xóm Đồng Ong Cộ; con đường xe lửa điện lên Lái thiêu đã bị bóc, ga Bà
Chiểu đã bị phá để xây chợ mới, trên cầu Hàng Sanh quay nhìn xóm Lò-heo cũ. “Về
ngoải vui chớ Thày Hai. Nghe nói Hà-nội đẹp hơn Sài-gòn”, chú Năm ghìm cương
cho ngựa đổ dốc, bên trái vùng sình lầy chạy vô tới Cầu Sơn, Cầu Kinh lơ thơ ít
nhà lá, nơi đây những ngày đầu kháng chiến, khi tiếng súng sáu nổ bì bọp vài
phát ngoài cầu Bông, quận Tân bình bị chiếm chưa đầy nửa tiếng, toán du kích
Hàng Sanh đã cầm cự trọn ngày cho tới khi hết đạn, quân Pháp phải dùng tàu đổ
bộ bọc mặt sông, dùng báng súng lưỡi lê giết chết từng người một nằm ngâm mình
dưới sình; miễu thờ đám tử sĩ ấy còn nằm giữa vùng hoang vu ít người dám lui
tới. Kho đạn Thị-nghè dời đi nơi khác, kho đã nổ rung chuyển cả thành phố và
vùng phụ cận ba ngày liền; “Hồi nổ kho đạn thày Hai ở đâu?” “Tôi ở trên Tân-mai”,
chú Năm phất chiếc roi nhỏ lên mái thiếc, miệng khẹt khẹt theo thói quen. Đường
Chasseloup dài hút dưới bóng cây, đường Paul Blanchy rộng và trống hơn, đường
rầy lún sâu bị nhựa che lấp dẫn; Đại lộ Norodom vẫn còn sang trọng, “Hổi biểu
tình độc lập, chú có đi không?” “Có chớ. Không nhìn thấy gì hết. Bữa tôi với
con Hạnh nhà bà Hai chạy một mẻ chối chết. Phải bọc ngã Hàng Sanh tới mười hai
giờ trưa mới về tới nhà”. Một hai, một
hai... Tiến lên đi kìa trời thắm hồng... Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo
tiếng kêu sơn hà nguy biến... Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào
kém oai hùng. Những bài hát của một thời lịch sử tầm vông giáo mác nhọn
hoắt những nồng nhiệt ái quốc.
“Thày Hai vô
uống với tôi ly cà-phê. Tôi không vô trỏng được. Tôi đưa đồ qua cửa rồi thày
mướn người ta mang lên tàu cho”. “Thày Hai về ngoải mạnh giỏi. Tàu thày đi tên
chi vậy?” “Saint Michel”. “Tôi gửi
lời thăm hết lối xóm nghe chú Năm. Chào chú Năm”. Chú Năm quay xe về chợ
Sài-gòn, đỗ bên hông nhà ga xe lửa, đón khách: Bà Chiểu đây... bà con cô bác ai
về Bà Chiểu, Đất Hộ... Từ biệt Hạnh ở lại trong xóm Đồng Ong Cộ với các ngõ
ngách rắc rối của nàng, nàng thường dẫn chạy trong các cuộc bố ráp, mà lính
không thể kiếm thấy. Từ biệt những ngày sôi nổi và thơ mộng; từ thành ra bưng,
từ bưng vô thành; từ biệt Giồng Ông Tố, An Phú Đông, Bà Quẹo, Hốc-môn, Củ-chi,
Tân-uyên, Long- thành, Trảng-bom... những Bảy Bắng, Tư Hột, Mười Né, Ba Đen, Út
Nhì... Từ biệt thành phố đã nuôi nấng mười năm lưu lạc.
Tàu tách
bến, với hồi còi âm như không phải của nó. Tiếng còi gợi nhớ đến điệu kèn ô-tô
ray tốc hành Hà-nội - Hải-phòng, toa ngồi sang trọng cửa kính bóng loáng. Những
chiếc thuyền nhỏ chèo tay nép sát vào thân chiếc tàu còn neo bến, người trên
thuyền đưa mắt nhìn lên boong cao, thân người dưới thuyền lùn ngắn. Ánh nắng
đang làm sáng mặt sông. Khỏi Nhà Bè, tàu chạy đến những khúc sông rộng vắng,
hai bờ cây chàm, dừa nước, ô rô xanh um không thấy nhà cửa, ở các ngã ba sông
những chiếc phao nổi sơn đen mang đèn báo dập dềnh. Trời mỗi lúc một rộng thêm,
tịch mịch và mát mẻ; máy tầu ầm ì cùng tiếng nước réo, một vài hồi còi bất thần
như tiếng kêu quyến luyến. Sau lưng một vài người làm tàu đi lại vội vã; những
hành khách đứng trên boong đã dần tản biến mất. Gió thổi từ mũi tàu đến phảng
phất mùi biển mặn, nhưng dòng nước dập dềnh dưới mắt vẫn còn đục lờ. Từ biệt
Hạnh... Từ biệt Sài-gòn. Điếu thuốc đốt hai ba lần mới cháy, đầu thuốc nám đen
nhưng bập không nghe hơi khói trong miệng. Chỉ có hương nồng của một màu thiên
nhiên hoang vu. Cảnh vật không thay đổi cùng với gió sông làm mờ mắt, trải
loãng trí nhớ vào những kỷ niệm. Bây giờ, lúc này, bất chợt thức giấc mình đã
là một người khác từ bao giờ. Cuộc sống lầm lũi trong nhiều năm, tích lũy dần ở
đâu, tự kết hợp và bỗng hắt ra một hình ảnh khác những gì mình vẫn tưởng về
mình. Không hiểu còn thích ứng được với đời sống nơi chôn rau cắt rốn nữa
không? Quê hương. Tôi trở về quê hương? Những gì đã thay đổi ở tôi, ở nơi tôi trở
lại. Mối lo lắng vu vơ tan hòa trong niềm hân hoan xao xuyến. Mười năm, mười
năm rồi và tôi trở về. Ngày bỏ nhà trốn đi mười bảy tuổi. Đang ở nhờ gia đình
bà cô ở Bắc-ninh, học trường Bách-Nghệ. Trường nằm trên một ngọn đồi, đối diện
với một khu đồi trọc, dưới chân đồi trọc là sân đá bóng. Ngã ba trước cổng
trường là chỗ gặp nhau của hai con đường từ Đáp-cầu xuống Bắc-ninh; một đường
chạy ngang Thị-cầu, một đường nối dốc lừa uống nước qua trại lính Lê-dương mẹ
và sấu um tùm gặp quốc lộ chạy từ sông Cầu xuống ngang nhà ga. Vượt con đường
sau này, xuống sân đá bóng, leo lên một ngọn đồi thấp đã được bạt phẳng với
những bực cấp chạy dài làm chỗ ngồi của khán giả, đi sát tới mép đồi dựng đứng
sâu là đường xe hỏa Hà-nội - Lạng-sơn chạy ở dưới. Tiếng còi tàu thét vang ở
khoảng đó vì sắp vào ga. Những buổi sáng mùa đông, đi bộ đến trường, quãng
đường từ đầu phố chính Bắc-ninh nằm trần trụi giữa đồng với hai hàng lúc lắc
xác sơ, những hơi gió thốc tê tái mặt mũi chân tay buổi sáng tinh mơ, nghe
tiếng còi tàu xa xôi và ấm áp. Trí tưởng phiêu lưu buồn bã. Ngày nào đó, trong
rạp hát mới lập ở Đáp-cầu, rạp Vũ Đình Bồn, chật ních người, nghe đào Ái Liên
hát Tây, hát những bài cải cách đầu tiên (Tango
mystérieux, J’ai deux amours... Meo, Meo, Trời sinh ra tôi kiếp con mèo)
giữa những tiếng Bravo, bis của lính Tây Lê-dương, bọn thiếu niên mê say bỗng
thèm khát đời sống, chưa vào tới. Chuyến xe tay đã chở hai đứa con trai mười
bảy, mười tám tuổi tới đầu cầu Gia-lâm trong buổi sáng rét mướt, bùn lầy. Cái
cánh gà che lấp trước mặt chỉ để hở một kẽ đục của bầu trời mưa phùn gió bấc.
Giữa đồng trống, trên mô cao hai chuyến tàu hỏa đâm nhau gần ga Yên-viên mấy
ngày trước vẫn còn nằm nghiêng nguyên vẹn. Tai nạn kinh khủng chỉ còn là cảnh
mờ ảo sau làn mưa buốt hoang vắng. Hai đứa đi trên cầu Long-Biên vào thành phố
như hai đứa nhỏ lạc đến Đảo Vàng. Nhưng một đứa đã bỏ cuộc trở về, còn một
mình... Mười bảy tuổi với hai năm Bách-Nghệ và năm đồng ăn cắp của bà cô. Những
ngày sống chui rúc dưới gầm sân khấu, làm chân phụ vẽ phông, phụ trông nom hệ
thống đèn trên sân khấu; đêm đêm nhìn kép Huỳnh Thái đóng cặp với đào Ái Liên,
thuộc dần những bài hát và lời đối thoại, lang thang trước các cửa rạp, nhìn
những thành phố xa lạ mà buổi chiều đã ngồi trên xe chạy rong phố với tiếng
trống tiếng phèng la, phát chương trình quảng cáo cho trẻ con. Vào đến Sài-gòn
không còn muốn trở về nữa. Xứ Nam-kỳ, đất Sài-gòn, ngày và đêm, mưa và nắng, mở
ra như một ngày hội bất tận. Những đêm ngủ ngoài trời sao bên hè phố, những
buổi trưa trên ghế đá dưới vòm cây trong vườn Bờ-Rô, những ngày chen chúc trong
các buồng xếp chữ các nhà in đợi hết giờ ngồi quán uống la-de. Bài học ái tình
thứ nhất với người con gái đóng sách sau những chồng giấy cao trong một ca làm
đêm. Bông. Mùi dầu dừa trên tóc, tóc sơ như tàu lá dừa dọc bên kinh lạch, thân
hình mềm mại nồng ấm mát mẻ như trong đêm mưa nằm ngủ trên ván nhà sàn dựa mé
sông, hai cánh tay choàng riết chi chít như cành lá trong rừng dầy, những nhịp
chuyển động dồn dập mênh mông như vàm sông, như ánh nắng bọc trong gió đầy.
Bông, Mỹ, Tươi... và những người đàn bà không nhớ tên, không nhớ mặt đi qua như
đời sống ngày ngày giản dị tự nhiên. Và Hạnh. Những ngày đau ốm từ bưng về
thành dưỡng sức, những ngày thất nghiệp để hoạt động nội thành, được săn sóc
nuôi nấng. Đi về tự do như nhà riêng, nằm trong buồng có lối mở ra bụi tre bên
chuồng ngựa, bóng Hạnh ra vào dịu dàng; đêm đến Hạnh rón rén vào mùng nằm rúc
trong tay run rẩy, nhẹ hẫng như cơn gió trong bụi tre già chạy tới đám gò mả
hoang phế. Tiếng kêu phải dấu nghẹn trong ngực trồi sụt như tiếng nấc, thân thể
như cơn trốt cuốn giữa buổi trưa nắng, như con nước xoáy quanh chân cầu đá,
miệng lưỡi ngọt ngào như hương thơm trong ruộng mía, những giọt nước mắt bất
ngờ như sương của buổi mai cuối năm... Hạnh. Từ biệt Hạnh. Vậy mà bỏ đi? Trở
về? Cái gì đã khiến mình trở về?...
Liêm bỏ tay
vào túi quần, lấy ra gói khăn tay cuộn tròn Hạnh đã dúi vào tay lúc sáng sớm
khi vắng người và dặn: “Chỉ khi nào tàu chạy rồi anh mới được mở coi”. Liêm nắn
cái gói được cột chắc, mở thận trọng và nhìn thấy những tờ giấy bạc mới. Một
ngàn đồng. Hạnh đã dành dụm bao nhiêu lâu để có chừng này tiền? Dưới giòng nước
đã thấy những vùng xanh thẫm màu lá pha trộn với màu đen nhạt. Bờ cây lùi tít,
mở rộng chân trời đằng trước mặt. Tiếng ì ào ngoài khơi còn xa. Nhưng trong
không khí bay những bụi nước đáp phớt qua mặt. Trời nắng sáng gắt nhưng bị gió
lộng thổi nhạt. Liêm vẫn đứng tựa lan can đón nhìn biển. Trên boong cao hơn,
dành cho hành khách hạng nhất, ba người đàn bà, một Tây phương hai Việt-nam,
nằm trên ghế ngả, mắt đeo kinh dâm ngửa nhìn trời. Đứng trước mặt họ, chống
thẳng hai tay vào thành sắt, một sĩ quan hàng hải đang chỉ chỏ giải thích. Màu
nước mỗi lúc một xanh kín, tiếng sóng động nghe rõ dần, bờ cây biến mất trong tầm mắt, nhưng mặt nước lại như
phẳng lặng hơn; Máy tàu kêu lớn hẳn như gia tăng tốc độ. Một phút bàng hoàng
mất phương hướng, Liêm cố gắng đưa mắt tìm kiếm trong khoảng lục bao la cửa
sông tàu vừa ra khỏi. Gió dẫn êm hơn trong vận tốc đều hòa của con tàu chạy
trên một mặt phẳng, nhẵn hết sức của thị giác. Liêm chờ nghe cảm giác nôn nao
của cơn say sóng, sẽ tới nhưng tịnh không thấy; chỉ thấy hai chân và hai tay
mỏi nhừ; nhìn đồng hồ tay Liêm biết mình đã đứng chôn chân một chỗ gần hết buổi
sáng. Ở chỗ khuất nào sau lưng Liêm nghe tiếng cười nói lớn với nhau: đến Ô
Cấp, tàu đậu lại một giờ, ăn bữa cơm trưa xong mới khởi chạy.
Liêm quay
trở lại, tưởng như tàu không còn chạy nữa, tiếng nước vẫn sủi bọt réo hai bên
thân tàu, nhìn thấy đằng xa những bóng núi Cap St. Jacques. Liêm leo qua những
đống giây chão lớn cuộn tròn ném trên sàn tàu, hơi cúi thấp đầu giơ tay vịn
những sợi giây cáp giăng chếch ngang lối đi, bước vào khung cửa sắt nhỏ gần
đuôi tàu, tụt lui xuống hầm.
Dưới hầm
thiếu ánh sáng, bức bối ngột ngạt và huyên náo như cái chợ vỡ. Chừng một đại
đội lính Việt-nam di chuyển cùng gia đình. Kẻ nằm người ngồi la liệt trên các
giường kép chồng chất không đủ, phải trải bạt nằm dưới. Quân trang, vật dụng
chắn lối. La lối gây gổ tranh dành giường nằm, chỗ tốt; kêu gọi tìm kiếm nhau
ơi ới; trẻ con khóc la dẫy dụa; đàn bà kể lể ồn ào; ga-mên chén đũa khua loảng
xoảng... Ngồi trên một giường cao gần một cái lỗ tròn che mi ca đục để lọt ánh
sáng trời vào, Liêm nhìn xuống vẫn thấy nhiều bóng tối hơn ánh sáng. Liêm nghĩ
đến ba ngày ba đêm trong gian hầm tối lúc nhúc những người này và nhớ tới không
khí thoáng lộng trên đầu. “Cơm”, tiếng gọi vọng từ trên cửa hầm vang xuống và
gian hầm di chuyển rầm rập như một đám biểu tình xô đuổi nhau chạy tán loạn.
Liêm nằm xuống gối đầu lên chiếc va-ly của mình, bỏ bữa cơm đầu tiên trên tàu
vì không thấy đói, thiếp ngủ trong những tiếng động hỗn tạp kéo dài của bữa cơm
quây quần chật chội dưới hầm tàu. Lúc tỉnh dậy, Liêm nghe tiếng sóng vỗ ào ào
bên ngoài thân tàu, ghé mắt dòm qua lỗ hổng, thấy trời vẫn còn sáng và mặt biển
xanh đục chông chênh nghiêng ngả. Xung quanh bắt đầu nghe tiếng nôn ọe say sóng
và tiếng la lối nguyền rủa vì dơ dáy, trẻ con ré khóc từng cơn. Bữa cơm buổi
chiều đã bớt sức khua động náo nhiệt, Liêm cũng cảm thấy cơn say nôn nao trong
ngực, không muốn trở dậy, nằm im trên giường lơ mơ thiêm thiếp.
Giấc ngủ kéo
dài theo cơn say. Sóng vỗ mạnh, lắc lư giường nằm, bắn tung tóe trên lỗ tròn
hổng vào đêm không nhìn được. Những ngọn điện mờ soi gian hầm im lặng tức thở.
Đêm biển hung dữ ghê gớm. Tất cả những người nằm giường xung quanh đều mê mệt.
Chốc chốc tiếng ói mửa khiếp đảm. Thấp thoáng trên giường cao ở một góc vài ba
người còn khỏe chụm đầu đánh bài thâu đêm. Tiếng nói âm vang trong gian phòng
bị sóng lớn bên ngoài òa tạt. Và giấc ngủ cũng bị vùi lên dập xuống tơi tả
chông chênh. Không còn thể phân biệt phương hướng thời gian. Chỉ còn tiếng sóng
ì ào bất tận, đêm tối triền miên kín mít trong ánh đèn mờ đục không đổi thay,
buổi sáng ẩm ướt nhớp nháp lạnh lẽo như mặt mi-ca. Người nghe nhẹ thênh như
thoát sác, không ghi giữ thời gian, thần trí vài lúc tỉnh táo sáng suốt tách
rời. Những người đánh bài vẫn mê mải im tiếng. Bước chân vụng về dẫm trên sàn
sắt lùng bùng. Một vài lời nói ngắn trao đổi vu vơ. Nghe trên boong người đi
lại tự nhiên. Tàu chừng như hãm bớt tốc độ.
Cớ sao anh
lại có ý định về Bắc? Cớ sao? Có phải vì mệt mỏi chán nản? Có phải chăng? Heureux qui comme Ulysse a fait un beau
voyage... Chợt nhớ câu thơ từ ngày còn đi học. Không phải. Nhất định không
phải thế. Buổi sáng nhớp nhúa này cũng giống như buổi sáng khi được thả khỏi
bót Catinat. Cơn mưa chực sẵn trên nóc nhà thờ Đức Bà. Ba tháng, nằm ngay ở đầu
phố sang trọng trung tâm Sài-gòn, gần những tòa nhà lầu cao ngất đẹp đẽ, trong
một sân si-măng vuông bị vây bởi ba bức tường cao và một rào sắt như một chuồng
thú cùng với hằng trăm nhân mạng khác. May mắn thì có được một chỗ nằm co cẳng,
còn không thì ngồi khép cứng, không co ruỗi nổi tay chân; ăn ở đó, bốc bằng tay
trong các ống lon, các tấm áo rách buộc túm, trên mảnh giấy báo mảnh lá bẩn,
tiểu tiện ngay ở đó trong mấy cái ngách hẹp cũng ních người. Mối hy vọng duy
nhất, mối hy vọng khiếp đảm tự vùi tắt: được thẩm vấn xong để được chuyển đi
nơi khác; thiên đường mơ ước là khám lớn, sang khám lớn là được biết rõ số phận
của mình. Còn ở trong khoảng sân ấy, dưới một khoảnh trời luôn luôn âm nặng
những ngày mưa, phơi mình trong khắc khoải và hốt hoảng, thân thể như một đám
sình hôi hám bốc cháy đau đớn; bị dựng dậy bất cứ lúc nào trong đêm dẫm lên
những tay chân đùi bụng đầu la liệt trước mắt đi qua cánh cửa sắt vào trong
hành lang để tới phòng lấy cung. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì chỉ còn
những xúc động tả tơi rách mướp như da thịt, thần trí hôn mê ngất xỉu trong cơn
tra tấn. Rồi được vực trở về ném trả vào sau cửa sắt, nghe những bàn tay chà sát
muối ớt lên những vết thương rướm máu, nghe tiếng la hét ở đâu trong miệng
mình, nghe những lời an ủi vỗ về. Người khác là những cơn đau đớn dự tưởng, khi
mình ở ngoài dương mắt ngó. Những thiếu nữ, thiếu phụ bị dí điện vào vành tai,
vào đầu nhũ hoa, cửa mình, bị chấn nước dốc ngược, bị treo bằng giây thép ở
cườm tay, cổ chân, ngón tay... Tiếng kêu thất thanh không thoát khỏi những bức
tường lót dạ ngăn tiếng động. Trong đêm bó gối ngồi nhìn những ngọn điện treo
trên bốn góc đầu tường, nhìn đám người co quắp liệt rũ khốn nạn hèn mọn khắp
sân, những cơn mê sảng dẫy dụa, âm vang của những cơn hành hạ thể xác. Đàn ông
đàn bà lẫn lộn ngốn ngang nhưng không ai muốn mó tới thân thể người khác. Những
người được kêu đi, không trở lại; những người mới tới ngơ ngác khiếp hãi trước
cảnh tượng trong sân... Những tiếng hát cố gắng để xô đuổi sợ hãi bị dập tắt
ngay vì những làn roi cá đuối. Những rì rầm to nhỏ bị quét sạch bởi những vòi
nước sịt mạnh. Co rúm lại, co rúm lại mãi như hy vọng chịu đựng. Cơn sốt, cơn
say, cơn mê hoảng phủ chung mọi người. Thoát khỏi nơi đó như được sống lại một
cách mầu nhiệm, không biết lý do. Nằm ở nhà Hạnh được săn sóc, chữa chạy, nghe
nỗi sợ hãi vây bọc cùng bệnh hoạn. Bỗng nhiên trở lại tình cảnh của đứa bé mồ
côi lưu lạc với những bất trắc thiếu thốn của đời mình. Có phải vì thế tôi muốn
trở về? Nhưng tôi còn gì ở nơi đó để tìm về? Một bà mẹ đã tái giá. Một đứa em
trai. Tôi không còn gia đình, không còn quê hương. Đứa trẻ sống nhờ từ nhỏ, đã
lớn lên, đã lưu lạc bỗng khiếp hãi, phải chăng? Và tôi chạy trốn sự sợ hãi? Có
lẽ, có lẽ vậy. Những người cùng hoạt động, cũng bỏ rơi; anh Xuân đến thăm và
bảo: “Chú tạm nghỉ công tác. Tĩnh dưỡng cho bình phục. Lấy lại tinh thần đã.
Sau đó sẽ hay”. “Tôi muốn được làm việc lại”, “Lúc này tạm rút. Nhiều thay đổi
lắm. Chú cứ yên tâm, lúc nào cần tôi sẽ cho người liên lạc với chú. Tạm chú
đừng liên lạc với tôi”. “Tôi làm gì bây giờ?” “Tùy chú, chú được tự do trong
thời gian này”. Muốn sống chung với Hạnh nhưng cũng sợ hãi nốt cái dự tính của
mình. Không một chỗ nào là của tôi cả.
Trong hầm
chợt náo động hỗn loạn như lúc mới xuống, mọi người nhốn nháo sửa soạn đổ bộ.
Tàu lướt êm hơn, mặt biển thật phẳng ngoài cửa tròn nhỏ. Từ trên cửa hầm, những
người đã thoát lên kêu gọi ơi ới vọng xuống. Tourane, Tourane. Lại
những tiếng cãi cọ giành giựt vật dụng, trẻ con la ré, như mắc chứng động kinh,
chân dẫm thình thình trên sàn sắt tàu... Liêm tụt khỏi giường, leo vội lên
boong. Buổi sáng ở trên thật trong, mặt biển xanh mát tới cùng chân trời. Lần
đầu ngoài biển cả Liêm thấy những cánh buồm thuyền đánh cá lênh đênh nhỏ bé.
Cảm giác
tỉnh táo sảng khoái gợi thức dần dần cơn đói mệt. Sờ lên mặt nhớp nháp ẩm ướt râu mọc tủa. Tàu vẫn chạy tới gần
phía núi mờ, nước reo sủi bọt trắng bên mạn. Đằng đuôi tàu, một người Pháp ngậm
ống điếu thản nhiên ngồi trên một gù sắt thả giây câu. Lạnh tê trên hai bàn tay
dài gầy nắm trên vòng sắt, lan dần khắp người hốc hác nghe thấy rõ ngày thứ hai
trên tàu, đã hai mươi tám Tết. Bước chênh vênh trên boong có cảm tưởng dễ tuột
ngã lăn xuống biển. Liêm trở xuống hầm ngồi trên giường ngắm nhìn những gia
đình binh sĩ sửa soạn lên bờ, ngủ thiếp một giấc nữa. Khi tỉnh lại gian hầm
vắng tanh im lặng.
Tàu đậu lại
ngoài khơi Tourane nửa ngày. Dường như một trận bão đang thổi ngoài biển
Nam-hải. Liêm nghĩ tàu có thể quay trở lại Sài-gòn và mình chắc chắn sẽ bỏ qua
chuyến về Bắc. Sẽ ở lại xóm Đồng Ông Cộ với Hạnh hay sẽ ra bưng? Nhớ ngày quân
Pháp mới đổ bộ, làm hướng đạo cho một đơn vị ngoài Bắc vào từ Biên-hòa về
Gia-định, đã thấy mình hoàn toàn cách biệt với những người đồng hương. Khoảng
mười giờ tối, đơn vị qua cầu Bình-lợi yên lành, đến cầu Băng-ky chỉnh tề đội
ngũ cất tiếng hát tiến vào thành phố Gia-định. Đường không bóng người lai vãng,
chỉ có tiếng hát và bước chân anh hùng rầm rập. Ngoài lộ bàn ghế tủ giường
trong các nhà chất đầy giăng ngang làm hàng rào chướng ngại vật cản lối địch.
Đơn vị được lệnh tản mác bố trí khắp các ngõ hẻm, núp dưới hầm hố dân chúng đào
tránh bom Đồng-minh, nhưng đến hai giờ sáng lại được lệnh tức tốc rút lui về
Biên-hòa; lệnh không thông báo kịp nhiều người bị bỏ rớt đến mờ sáng phải cải
trang lẩn lút trốn ra khỏi thành phố. Chính đêm đó, đã nằm bên bụi tre nhà
Hạnh, Hạnh đã mang chuối và bánh ra cho ăn; lúc vào cám ơn Hạnh để rút, Hạnh
cũng đã tưởng mình là anh chiến sĩ lặn lội từ Hà-nội vào Nam. Ba giờ sáng còn
sục sạo trên đường Ba-tay kiếm một anh tiểu đội trưởng thất lạc, gõ cửa những
căn nhà rộng thênh không bàn ghế để hỏi thăm. Nghe các anh kể chuyện Hà-nội mà
háo hức nhưng vẫn nhìn thấy họ không giống như mình; lịch sự kiểu cách văn
chương ngay cả trong khi bần cùng nguy khốn có cảm tưởng họ không phải là những
người đã vượt cả ngàn cây số đến. Có lẽ mình đã bị Nam hóa, miền Bắc đã bị xóa
nhòa nơi mình? Vậy mà mình hiện đang ở trên đường trở về. Hạnh nói: “Anh về quê
hương xứ sở của anh. Biết bao giờ anh lại trở vô. Con gái Bắc...” “Không. Anh
về cho biết tình hình. Thể nào anh cũng vô lại. Nếu anh giàu anh đã đưa em cùng
về chơi”. “Không ai về xứ mà còn muốn đi nữa. Em cũng vậy”. Hạnh muốn được kể
cho nghe về miền Bắc, muốn biết thành phố mình sẽ đến để nàng có những căn cứ
tưởng tượng khi nhớ nhung. Lúng túng và bối rối, không thể giảng cho Hạnh hiểu,
tôi không có nhiều kỷ niệm với miền Bắc ngoài những năm thơ ấu đau buồn; tôi
nhớ rõ những thành phố khác trên đường lưu lạc hơn cả Hà-nội; tôi không có quê
hương xứ sở, chỉ có một cuộc đời phải sống mang theo mình.
Liêm mở
va-ly, tìm chiếc áo dạ đã bị dán nhấm nhiều chỗ; chiếc áo của Tường tặng cho
khi Liêm đến báo tin từ biệt. “Tháng này ngoài ấy lạnh phải biết. Chú cầm lấy
xài đỡ. Chắc tôi không bao giờ dùng đến nữa. Kỷ niệm của tôi đấy. Tôi mang từ
ngoài Bắc vào”. Trừ người thân, không mấy ai biết gốc tích của Tường. Anh vào
Nam đã hai chục năm, lấy vợ Cần thơ, sinh năm đứa con, sống nguyên trong một
xóm, xóm Lách gần cầu Mạc-ma-hồng, từ khi nghèo khổ độc thân cho đến khi phong
lưu lập được gia đình. “Quê hương tôi là đây. Dù mai kia có yên ổn, tôi cũng
không bao giờ dại dột mà về làm gì. Tôi không hiểu chú nghĩ thế nào”. Cười trừ.
Anh đã bỏ nghề họa sĩ, làm maître d’hôtel
cho một khách sạn lớn, và là ủy viên kinh tài của tổ chức; chính anh giúp Liêm
xin giấy tờ thông hành, cấp vé tàu và một món tiền hai ngàn đồng với hai lá thư
giới thiệu hai người quen: một ở Hà-nội, một ở Hải- phòng. “Quý lắm đấy. Vợ tôi đòi bán ve chai, tôi không chịu”. Liêm
mặc áo, leo lên boong, trong bụng đói cồn cào. Nhiều hành khách vừa ăn cơm trưa
xong đang đi dạo, ngắm nhìn hải cảng ở trong. Thành phố ở xa trông như một
đường viền cao hơn bờ bể, núi tím thẫm. Liêm tìm vào phòng ăn của hạng nhì, điều
đình với người đầu bếp chính đang thu dọn bàn, mua lại một phần ăn của khách bỏ
không dùng. Anh đầu bếp vận âu phục tím, trịnh trọng như một nhà trí thức, bằng
lòng cho Liêm ăn không lấy tiền, còn gọi thêm cho Liêm một cốc cà phê sữa. Có
lẽ mấy bữa hắn không có người chuyện trò nên gặp Liêm hắn nói thao thao suốt
buổi. Chuyện bên Tây, bên Tàu, những nơi hắn đã đặt chân đến, những kiến thức
thâu hái được, những nhân vật trí thức danh tiếng mà hắn đã gặp trên tàu này và
hắn đã có dịp nói chuyện bàn luận về các vấn đề hệ trọng. Liêm chỉ lặng thinh
ngồi nghe, đợi tiêu bữa ăn và nghĩ: đúng là dân Bắc-kỳ sạo ke. Để làm hắn khỏi
thất vọng, Liêm cũng đã nói khoác mình là dân buôn lậu giang hồ, bị mắc kẹt ở
Nam-kỳ vì thời cuộc, bây giờ tay trắng trở về quê hương. “Tôi tính về bán mấy
cái nhà ở Hà-nội, để dựng lại cơ nghiệp”. Liêm cười thầm: chính mình cũng bắt đầu trở thành dân Bắc kỳ, chỉ mới
trong một nửa con đường trở về.
Trở xuống
hầm một lúc, Liêm nghe tiếng ca-nô mang hành khách từ Tourane lên tàu. Trong
gian hầm thêm được ba người nữa, chiếm ba giường dưới thấp kế bên; Đó là một
gia đình về quê ăn Tết gồm hai vợ chồng trẻ và người em gái. Khi tàu tiếp tục
cuộc hành trình vào lúc bốn giờ chiều, trời vẫn còn trong sáng. Ngủ một giấc,
thức dậy không còn thấy lỗ hổng bên mạn tàu nữa. Đèn trong hầm đã thắp soi
những hàng bù-loong tròn nhẫn và những chiếc giường sắt tênh hênh không người.
Gió gào ở bên ngoài át hẳn tiếng máy. Liêm tụt khỏi giường, dẫm phải những bãi
nước nhờn chơn, nhìn ba người thiêm thiếp như xác chết, định lên phòng ăn. Vừa
leo đến cửa hầm, nước tạt hắt vào mặt, gió thổi rú đẩy lui lại sau, phải bám
chặt vào tay thang sắt lùi xuống định thần. Tàu bắt đầu đi vào vùng bão thổi.
Những ngọn sóng nhào khỏi thành tàu, rớt trên boong bắn tung tóe như cơn mưa
lớn từng chập. Biển đen kịt và đặc kín tiếng sóng cuồng nộ. Liêm đành trở xuống
hầm về giường lao đao. Vừa nằm xuống nôn thốc. Đầu buông rũ ngoài thành giường,
hai tay nắm chặt hai bên, nghe người bị nhồi lắc lư. Con tàu bị nhấc bổng, ném
xuống sâu từng hồi không dứt, lắc lư nghiêng ngả. Không nhìn thấy gì nữa, nước
mắt nước mũi ròng ròng, chỉ nghe tiếng đồ đạc để dưới sàn lăn từ phía này sang
phía khác bừa bãi khắp cả gian hầm rộng. Nôn mửa đến quặn ruột gan, miệng đắng
ngắt và thiếp ngủ co quắp trong chiếc áo dạ. Một đêm mệt lả. Nhiều lúc thoáng
nghe như con tàu liệt hết máy và chỉ được sóng đưa đi một cách chậm chạp. Ngày
hôm sau, sức gió đã giảm nhưng mưa như trút. Nhìn qua lỗ hổng, trời như một
buổi chiều dài quá. Con tàu vẫn nghiêng ngả nhồi lắc. Liêm vẫn nằm liệt thu
mình trong áo, đèn trong hầm thắp cả ngày. Những người ở giường dưới đã phều
phào trao đổi được vài câu ngắn. Người vợ thề
không bao giờ chịu đi tàu thủy nữa và hỏi chồng về những món hành lý lặt vặt.
Đồ vật được mấy người làm tàu thu gọn lại, những người ấy đều mặc áo dạ dầy, mũ
và khăn chùm kín đầu cổ. Một người nói: Nốt hôm nay nữa thôi, mai là các ông
các bà khỏe rồi. Khoảng cuối đêm ấy, mưa vẫn lớn, gió còn thổi nhưng sóng không
còn nhồi. Giật mình thức giấc, giá buốt cả tay chân. Mùa đông, tôi đang ở trong
mùa đông. Từ xứ mùa hè tôi đã vào tới xứ mùa đông. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Sáng ngày
cuối cùng trên tàu, trời tạnh ráo. Cùng ba người khách đồng hạng lên boong ăn
bát cháo nóng với đậu om, bữa điểm tâm của hạng ba. Con tàu vẫn còn đong đưa
nhẹ nhưng người thật tỉnh táo. Xoa hai bàn tay vào nhau, há miệng thở nhìn khói
bốc ra trắng nhờ như màu trời. Những đầu ngón tay nhăn lại nhưng khi vuốt lên
mặt thấy da căng lên. Tiếng người thiếu nữ chuyện trò với chị, giọng nói trong
và ấm, giọng nói thuần chất du dương đã lâu lắm mới được nghe lại. Gió thổi tê
rát cả mặt mũi nhưng trong cơ thể tưởng đã đuối liệt hơi nhiệt vẫn bốc ra. Liêm
lân la làm quen với người chồng, gia đình anh ta về Kiến-an ăn Tết. Anh làm interprète cho quân đội viễn chinh.
Trông anh cũng là người có học, Liêm không hiểu lý do khiến anh chịu làm công
việc hèn hạ. Liêm nghĩ đến những cuộc bố ráp, phải ngồi cả buổi giữa trưa nắng,
đội chiếc bao bố với hai lỗ nhìn, chùm kín mặt tên điểm chỉ, đi qua nhận diện từng người, theo sau chiếc bao bố là
bọn sĩ quan, hạ sĩ quan Pháp và duy nhất một tên thông ngôn Việt-nam. Liêm nói:
“Tôi ở trong Nam lâu quá nên chẳng hiểu tình hình ngoài Bắc thế nào”. Anh ta
thú thực miễn cưỡng mới phải làm cho Tây, thực tâm không muốn. Anh nói: “Bọn
quốc gia thối nát quá. Mình đến thua Cộng-sản mất thôi”, “Cộng-sản nào?” Anh ta
chăm chú nhìn Liêm, bật cười và nói lảng sang chuyện khác. Liêm cố gắng lái trở
lại câu chuyện: “Tôi chỉ thấy có kháng chiến thôi”. “Không đơn giản thế đâu.
Quê anh ở đâu? Anh cứ thử về quê anh khắc rõ. Về đâu? Quê anh ở đâu? Bắc-ninh?
Đó là một thị xã nơi tôi sống nhờ. Cái làng nhỏ trong tỉnh Hà-đông, trên bờ
sông Hương tích. Làng của mẹ tôi, tôi đã về một lần từ ngày nhỏ đến nay không
nhớ nổi tên. Quê nội? Tôi không biết”. Con tàu lướt êm trên vùng biển lặng. Gió
lạnh nhạt nhưng giá buốt. Người thiếu nữ ngồi trên giường chải tóc, hát nho nhỏ
bài hát thật hay được nghe lần đầu. Về đây khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim
giang hồ... Đáng lẽ không nên trở về. Quê hương tôi không phải ở đây. Mọi sự
đều mới mẻ, xa lạ. Tôi đã đi quá xa và biết bao nhiêu thay đổi trong chừng ấy
năm. Tôi không có chung những kỷ niệm với những người tôi sẽ gặp. Trở lên boong
một mình, làm quen với hơi gió bấc. Mặt nước xanh trong khác hẳn. Vẫn còn nghe
tiếng hát của người thiếu nữ vọng lên qua cửa hầm đằng sau lưng. Bỗng nhiên
tiếng còi tàu kéo lên như lúc khởi hành. Tiếng còi tắt trên một vùng mênh mông
vẫn chưa thấy bến bờ. Trên boong cao nghe tiếng cười nói vui của những người
đàn bà và chợt nghe ra giọng nói của mình lơ lớ không thể giấu giếm được.
An bước ra
khỏi ngõ, thu hai tay trong túi áo, mắt cúi thấp, mũ dạ đội trên đầu. Hai bên
hè phố vắng người, một vài đám trẻ chơi pháo siết quanh các cột đèn. Các mặt
nhà đóng cửa hoặc chỉ hé mở cửa chính, trên các cánh cửa dán giấy điều, tranh
Tết sặc sỡ. Ba mươi Tết, hôm nay đã ba mươi Tết. An đi lên cầu, vào thành phố.
Dưới sông trong những khoang thuyền tối thấp thoáng ánh hương nến trên các ban
thờ bầy ngay trên chiếu hoa phủ sạp thuyền. Những ống khói xưởng máy nhô cao
khỏi những nóc nhà nhấp nhô một bên bờ sông, không còn hoạt động, lên một bầu
trời thoáng nắng nhưng vẫn còn rét. Bên kia, con đường chạy qua khúc sông cụt
bẩn thỉu rác rưởi chật ních thuyền bè, đến trước công trường nhà hát thành phố,
thẳng mãi đến những phố tây sạch sẽ sang trọng. Ngoài phố xe cộ thưa thớt,
những người đi xe đạp thong dong. Mùi khói hương trong các nhà bay tỏa ra ngoài
hè; trước các bàn thờ cỗ đã bầy chờ giờ cúng.
Không thể về
nhà nhưng không biết đi đâu? Cần một bữa cơm và tiền... Nhà, không nên nghĩ
đến, không phải là nhà của mình... Tôi không có cái gì là của tôi. Tôi bây giờ
chỉ là một tên ăn bám, ăn bám vào một con đàn bà cũng chẳng ra gì. Đêm nay,
mai, ngày kia, ngày kìa... An móc chiếc tăm nằm lẫn giữa bụi mốc trong kẹt túi,
đưa lên miệng xia. Một thiếu phụ sực nức mùi nước hoa, vượt qua, quay nhìn vào
mặt sỗ sàng trước khi bước vào một nhà gần đấy. Chẳng còn gì để xấu hổ cũng như
chẳng còn gì để kiêu hãnh. Vẫn có thể về nhà, nói những câu bông lơn lấy lòng
từ thằng bé con không được hưởng ứng, chờ bữa cơm ngồi vào bàn ăn dù không ai
mời không đếm xỉa đến vẻ lãnh đạm khiêu khích của Phúc; nếu về muộn sau bữa
cơm, tự động xuống bếp lục trạn tìm thức ăn nhai một mình ở bàn như con mèo đói
giữa những cặp mắt soi mói của mọi người, rồi nằm thui thủi ngoài đi-văng để
ngoài tai những lời cạnh khóe châm chọc của Phúc, của đứa ở, tự nhủ: bọn đàn bà
nhỏ nhen. Đàn bà bần tiện, không nhìn được gì hơn ngoài những nhu cầu hằng
ngày. Nhưng tôi? Tôi còn gì? Một thảm kịch hiện hình trong cái đời sống lê lết,
khốn nạn này. Một thảm kịch, tôi là một thảm kịch? Một cái bóng mập mờ vang
ngân của những gì đã qua rồi, đã tắt rồi. Chỉ là sự hèn nhát kéo dài mãi cùng
ngày tháng, sự hèn nhát thoi thóp như hơi thở, như ánh trời buổi trưa cuối năm
này. Hèn nhát. Nhưng nếu không, tôi làm được gì hơn? Làm được gì hơn nào?
An đứng lại
trước nhà hát, nhìn vào phố Cát Dài, có thể trông xa. Trong những buổi trưa hè
nắng bụi, đã đi lang thang bên hè, đôi săng-đan đất đóng thành cục trơn dưới
gan bàn chân, mồ hôi chảy ròng nhờn bẩn, mắt mờ hẳn, miệng há hốc cứng lại và
ngửa tay xin tiền người qua lại. Không quen thuộc với ai, quả tình tôi là tên
ăn mày lạc lõng không nhà cửa, không thân thích. Tôi sống qua ngày để chờ dịp
trở lại quê hương. Tôi vừa ở tù ra, cần tiền xe về... An liệng chiếc tăm xuống
cỏ, nghe chân răng ngứa ngáy, thèm những ngụm nước trà bỏng rát lưỡi làm trơ
hết cả vị giác. Con phố bên trái chạy men theo vườn hoa, vào giữa hai hàng cây
xanh và biệt thự im lặng hoàn toàn. Sự im lặng thanh nhã của cái thế giới tôi
đã bỏ đi không muốn ngoái cổ nhìn. Đã bỏ đi và không khi nào còn trở lại. Chỉ
còn chừng ấy thôi. Ít nhất còn chừng ấy, với mình, để không ai có quyền phán
đoán mình ngoại trừ mình. Tôi có thể làm mọi điều để giữ được điều ấy. Không ai
hiểu như thế cả. Tự dưng nghe một nỗi nhớ mông lung làm chảy nước mắt. Nước mắt
dưng không như vậy. Những giọt nước mắt sẽ khô lạnh thành ngấn trên gò má xương
sầu. Và sẽ không còn nữa. “Anh khóc... Thôi anh đừng khóc nữa. Đàn ông như anh
tồi lắm. Anh không nuôi nổi mẹ con tôi thì tôi phải đi làm chứ. Chẳng nhẽ anh
muốn mẹ con tôi chết đói hay sao? Tôi đi nhảy chứ phải tôi làm đĩ đâu mà anh
ghen”. Không, không đó là những giòng nước mắt bất lực. Tôi không làm gì được
cả, râté hoàn toàn. Phúc đi nhảy như thế Phúc đã hơn xưa. Nhưng còn tôi?
Những đêm nằm trong nhà, nghe tiếng chân Phúc trở về cùng tiếng cười ròn vui
trong ngõ vắng nín bật khi đến trước cửa, phải nín thở như ngủ say không biết.
Một đêm lần mò đến nơi làm việc, ngồi trong một góc nhìn Phúc nhảy với những
tên Lê-dương say mèm và cười một mình như một triết nhân. “Anh đến đây làm gì?
Về đi? Đừng sinh chuyện. Anh cần tiền
phải không? Anh cầm lấy đến chỗ của anh đi”. Ở ngoài đường, đêm rét cóng đặc
gió. La Cumparsita... Khúc nhạc ấy
vẫn còn lại như một dấu vết không bôi xóa được. Cuộc đời không phải là một thí
nghiệm, tôi đã lầm, không bao giờ là một cuộc thí nghiệm. Rồi những tên đàn ông
đến tận nhà đưa đón Phúc, lẩn mặt vào buồng trong nhìn đứa bé
con gọi mình bằng cậu và con ở nhưng chẳng tự coi ngang hàng. Không còn cả sức
ham muốn để khiến nó phải kiêng dè nể mặt. Một cái bóng khốn nạn. Khốn nạn,
nhưng biết làm gì hơn?
An đi dọc
theo đường Cát Dài, kiểm lại những nhà quen có thể gõ cửa. Người ta sẽ không
cần dấu diếm vẻ ghê tởm khinh bỉ khi trông thấy mặt. Nhưng không thể không
tiếp, người ta cũng không đủ can đảm để xô đuổi ngay tức khắc. Vừa ngượng
ngùng, vừa khoái trá ở giữa sự lúng túng khốn khổ của nạn nhân. Chúng ta biết
nhau quá rõ và chúng ta vẫn diễn mãi một tấn kịch giả trá. Moi cần một món tiền, con đau nặng, vợ đau nặng không
đi làm được... Bao nhiêu? Một trăm, hai trăm, năm ba chục cũng được. Moi sẽ trả. Không cần, lần này là lần
cuối đến phiền toi cũng ngượng chứ.
Cám ơn, không bao giờ moi dám quên ơn toi. Không, lần này sẽ khác hơn những
lần trước. Ông cụ moi ra Hà-nội, toi xem báo
thấy chứ. Moi cần tiền tầu lên gặp ông cụ, về moi
sẽ thanh toán ngay. Moi cần năm trăm, cố giúp moi như toi cứu người sắp
chết vậy. Moi không không khi nào
quên ơn toi đâu. Hà-nội, ở, tại sao
không về Hà nội? Tôi sẽ đi lại trong thành phố mấy ngày Tết rồi lại biến mất
như bóng ma. Không phải trở về với gia đình. Về Hà-nội thôi, để nhìn lại...
Nhìn lại gì? Thành phố này chật chội, bụi bậm quá ngay trong mùa đông. Sẽ đi
lại những con đường phố cũ, sẽ ngồi lại trên những bờ hồ, mùa này lộng gió và
xanh mướt. Bước vào trong ngôi nhà yên tĩnh bên vườn tược nhìn Đồng thanh thản
đọc sách. Hai năm, chưa đến, tôi như đã sống hết một đời mình, còn nó vẫn là
thằng si tình, si tình muôn thuở. Không hàng quán nào còn mở cửa, An thèm một
tách cà phê đặc đắng đến ứa nước bọt, dừng chân bên đường xe hỏa chạy xuyên
ngang phố châm một điếu thuốc lá thay thế. Điếu thuốc rách hở hút không thấy
khói nhưng vẫn ngậm trên môi. Rất có thể sẽ gặp ông bố ngoài đường; ông hỏi: “Bây
giờ mày làm gì? Mày đã sáng mắt chưa con? Mày vẫn còn kịp thì giờ để làm lại
cuộc đời mày”. “Làm lại. Có gì đâu con phải làm lại. Con rất bằng lòng về con
như thế này... Chính con muốn. Cậu mợ yên tâm”. Sẽ chia tay như thế nào? Ông
bảo: “Dù sao mày cũng là con tao... Cầm lấy món tiền này và nhớ là mày chẳng
làm nên trò trống gì đâu con ạ”. Một món tiền. Bao nhiêu? Sẽ từ chối, nói:
Không, tôi không cần. Sẽ nhận, cũng vẫn chẳng còn kiêu hãnh nữa. Thế thôi.
Không phải, ông ta ngồi trong ô-tô, có người hộ vệ và không nhìn thấy hai bên
vỉa hè. Chỉ có tôi trông thấy ông. Không đi qua nhà cũ, không qua những nhà
quen gia đình và khỏi gặp ông. Ở ngoài phố, ông cũng như người khác không liên
hệ.
An rẽ vào
phố Trại Cau, giờ đã quá trưa, có lẽ họ đang ăn cơm. Cánh cửa nhà Hòa mở hé,
Hòa ngồi quay lưng ra ngoài. Vợ Hòa trông thấy trước, giật mình ra dấu cho Hòa.
Phải chính tôi đấy, cái bóng ma ám ảnh khuấy rối sự yên vui của các người. Hòa
dấu nhanh được sự bực dọc, buông đũa đứng lên vồn vã:
— Đi đâu
đấy? Ăn cơm chưa? Ăn luôn thể với moi đi.
— Cứ ăn đi.
Mời chị. Không sao, tôi ngồi chơi được.
— Thì ăn. Đi
giờ này chắc chưa ăn uống gì phải không?
An đặt cái
mũ dạ lên chiếc bàn nhỏ gần đấy, chóng mặt vì mùi trầm trên bàn thờ, mỉm cười
ngượng nghịu. Vợ Hòa gọi xuống bếp lấy thêm bát đũa, kéo ghế mời ngồi vào bàn.
Sự sốt sắng ân cần cũng là một cách khóa miệng. Đã bao nhiêu lâu chưa trở lại
đây? Phải vài ba tháng rồi. Lần trước Hòa đã dúi vào tay một trăm khi đưa tiễn.
An cầm đũa, ăn chậm chạp không thấy đói trong khi vợ Hòa vừa tiếp vừa đưa mắt
dò ý chồng. Hòa cau mặt tỏ ý khó chịu về thái độ của vợ. Họ đang tính toán âm
thầm. Biết làm thế nào? Vợ Hòa đứng dậy sớm vào buồng trong. Hòa tự tay pha
cà-phê mời, nói chuyện công việc ở trường, nhắc đến Cảnh—Ngày An mới xuống,
cũng xin được mươi giờ dạy ở một trường tư cùng với Hòa và biết được Hòa và
Cảnh khá thân nhau. Giờ này Phúc cũng đang ngủ trưa rồi dậy trang điểm sẵn đợi
tối, hắn sẽ đón giao thừa ở dancing, sẽ say khướt như đêm Noël và hai tên đàn
ông sốc vực hắn vào nhà. “Tăng xông. Thằng chồng moa nó nằm trong kia. Bon-a-nê
há”. Hòa đã che tay, hả miệng ngáp. Mình sắp phải đứng lên, ra ngoài. Đột nhiên
Hòa hỏi:
— Thế nào?
Được không? Đằng trường nó bảo cậu có thể về dạy trở lại miễn là...
— Làm sao?
Hòa khoát
tay làm một cử chỉ rộng, hiểu ngầm. Cái mặt béo tròn trông rõ. Thỏa thê, nó
thỏa thê với hạnh phúc của nó. Một đứa tốt lành đến gần như giả dối. Nó là đứa
duy nhất còn có những ý tốt với mình. Làm thế nào có thể cứu vớt nổi mình.
Không được đâu, đừng mất công. Không ai phải chịu trách nhiệm về cuộc đời tôi
cả. Chỉ mình tôi, tôi thôi. An lắc đầu nhìn ra cửa.
— Cậu đã thử
cái thuốc tôi giới thiệu chưa? Không công hiệu à…
An ngao ngán
muốn bỏ đi ngay. Đến lượt mình buồn ngủ. Chân tay bắt đầu máy động không tự chủ
được.
— Không
lẽ... cậu không thấy chướng. Sống mãi thế cậu không thấy chướng.
Còn phải
chịu để cho nó hành hạ cho xứng với lòng tốt của nó. Lòng tốt. Kiếp sống của
tôi trở thành một bằng chứng cho lòng tốt cũng như lòng độc ác của mọi người.
Mệt quá.
— Cậu phải
có can đảm dứt bỏ. Sống riêng một mình, tôi tin cậu sẽ thoát khỏi.
— Tôi cũng
nghĩ thế. Nhưng...
Phải phủ
phục xuống cho vừa lòng nó. Chẳng còn gì kiêu hãnh và cũng chẳng còn gì xấu hổ
nữa. Vợ Hòa quát nạt đứa con nhỏ khóc inh ỏi trong nhà, đứa nhỏ đánh đổ nước
lên chiếc áo mới. Giọng đàn bà sắc nhọn. Hòa làm như không nghe thấy, nó còn
phải đóng nốt vai trò cho màn kịch. Nó mong mình sẽ rút lui êm vì lòng tốt của
nó.
— Cậu lười
quá. Cậu chết.
An ngước
mắt, nhìn lên cười, nhặt cái mũ đặt lên đầu gối nắn lại vành. Nó tự cho nó mọi
thứ quyền đối với mình và nó sẽ mất quyền từ chối.
— Có lẽ tại
cậu chưa có trách nhiệm.
Trách nhiệm?
Nghe vang quá nhiều lần nên thấy trống rỗng. Trách nhiệm? Bắt đầu ngáp mỏi quai
hàm.
— Chắc cậu
cần tiền ăn Tết. Đợi tôi một tí.
Hòa đứng dậy
sỏ dép đi vào trong không đợi xem phản ứng. An tựa lưng vào ghế, xương sống,
bắp đùi, ống chân mỏi nhừ. Mình sẽ không thể nói thêm một lời nào. Ông bố,
chuyến đi Hà-nội đều là thừa, vô dụng. Hòa trở ra, nhét vào túi An năm trăm bạc
và đưa tay cho bắt.
— Tôi không
thể quên ơn anh. Mai Tết rồi...
— Đừng,
đừng. Tôi hy vọng đây là lần cuối tôi phải đưa tiền cho cậu. Cậu biết chứ thực
sự chúng mình chẳng có bổn phận gì với nhau. Ba tháng nay tôi vẫn đợi cậu trở
lại. Món tiền này vợ chồng tôi để dành cho cậu, là của cậu.
Hòa đứng
trên bực thềm, mặt nghiêm nghị, không đùa, An cầm cái mũ dạ loay hoay trong tay
ấp úng:
— Tôi
hiểu... tôi hiểu... Tôi làm phiền anh chị nhiều...
Nụ cười
khoan dung rộng lượng. Mình như là cái đen cuối năm của vợ chồng nó. Nó muốn
tống đi nhanh cho khuất để thảnh thơi đón năm mới. An đội mũ lên đầu, nói lời
cuối cùng:
— Tôi không
quên ơn anh chị...
Hòa đưa mắt
lơ đãng trông sang hè bên kia, gật đầu với hai ba đứa học trò con gái đang xô
đẩy nhau cười khúc khích. An quay lưng đi, hai tay lại thọc vào túi áo, sờ thấy
mấy tờ giấy bạc của Hòa. Ở đầu một ngã tư, một đoàn convoi chạy rầm rầm ngang mặt. An móc tiền ra nhìn đếm. Nỗi nhớ
mông lung đã tan biến. Chỉ còn lại cảm giác thoải mái dễ chịu. Thèm được nằm
duỗi thẳng tay chân, thiếp đi trong quên lãng hoàn toàn. Quên cả những ước vọng
gần gũi nhất…
Tiếng còi
rớt vào trong bầu trời âm u mỏi mệt. Nước sông đục lầm phù sa. Hải cảng xám
ngắt, hoang vắng như nằm giữa sa mạc. Trên ke một đám người túm tụm trơ vơ đón
tàu cập bến. Hành khách các hạng đều đã ra trên boong đứng lóng
ngóng. Gia đình ở chung dưới hầm với Liêm đang kiểm lại hành lý dưới chân.
Người vợ hỏi: “Chắc là còn xe về chứ?” Người chồng đáp: “Còn kịp. Mình sẽ ăn
cơm chiều ở nhà”. Liêm đứng giữa đám người nôn nao nhấp nhỏm, nghĩ trời không
đến nỗi rét lắm như tưởng tượng. Chiếc áo dạ khoác trên mình còn thấy hơi hấp
nóng. Tàu trôi sát vào một bờ gỗ làm bằng những tấm ván ghép. Dưới đất một hai
người chạy đi chạy lại, bắc loa tay hét lên cao. Trên mũi tàu có những tiếng
vọng đáp, người ta đang neo tàu. Gió ngoài sông thổi vào sau lưng. Quê hương
tôi đây sao? Dưới bầu trời chìm lặn của mùa đông già, trong những điệu nói tíu
tít bao vây. Một người đàn bà nói với chồng: không thấy ai thế này thì làm thế
nào về kịp Hà-nội. Không khéo lại phải đợi mồng một về thì rông cả năm. Người
chồng bình tĩnh hơn: chắc họ đón mình ở ngoài, trưa nay họ còn phải bận cúng
chứ. Tôi không biết phải nói với ai về nỗi lo lắng của mình. Gia đình anh chàng
thông ngôn cũng đã quên hẳn người bạn đồng hành trong ngày qua.
Trên chiếc
thang treo đong đưa nhẹ nhàng, Liêm hai tay sách hai chiếc va-ly chậm chạp nối
bước người đi trước, hai người đàn bà thì thầm về một món hành lý còn gửi lại
trên tàu, ngoái cổ nhìn mấy người làm tàu nhàn nhã hút thuốc tựa vào thành sắt
ngó xuống đám hành khách đang rời khỏi tàu. Có lẽ hai người đàn bà là dân buôn
lậu, cũng có thể là những tay kinh tài đắc lực của kháng chiến, họ đều có vẻ
đẹp đáng lẽ phải được dấu ở trong nhà. Liêm đặt chân xuống mặt gỗ, đi một quãng
vào trong nền xi-măng rộng thoáng không còn bị vướng người, để hai cái
va-ly xuống đất, nghỉ tay hít thở khoan khoái. Không khí có một mùi vị mới lạ,
trong và nhẹ hơn bầu không khí dưới hầm tầu. Từ sau lưng một người phu khuân
vác tiến lên đột ngột nói: Ông để cháu xách ra ngoài cho... và cúi xuống nắm
lấy hai cái va-ly nhấc mang đi. Lối xưng hô lạ tai, ông, ông Liêm; mình đã
thành một người khác, nên nhớ sự thân mật dễ dãi không có ở đây. Phải nhớ lại
những kiểu cách, những phong tục, những lễ nghi. Liêm châm thuốc hút, bước theo
chân người phu đi thoăn thoắt về phía một nhà kho lớn cửa chỉ mở một khoảng.
Hành khách đi tản ngang trên một khoảng dài. Những nhân viên thuế quan và công
an khám xét giấy tờ và hành lý ngay giữa trời. Họ làm việc mau chóng, mọi người
đều nóng nảy trở về nhà. Chiều ba mươi đã chớm rồi với bầu không khí ấm cúng
của gia đình chờ đợi. Tại sao không ở lại ăn Tết với gia đình Hạnh? Đâu có việc
gì cần phải hoảng lên đi gấp như vậy? Ra đến ngoài Liêm hoàn toàn trơ trọi, mọi
người đều vội vã lên xe nhà đón hoặc thuê xe chạy mất. Cả một khúc phố khuất
tịch. Liêm tìm trong túi lót của chiếc áo dạ, hai bức thư giới thiệu của Tường
đọc lại địa chỉ và phải xách va-ly đi bộ một quãng mới kiếm được chiếc xích-lô.
Thành phố
chật chội hãy còn những dấu vết chiến tranh. Trong những phố tây vẫn còn một
vài khu nhà đổ bỏ hoang. Phố ngắn hẹp không thể bằng Sài-gòn. Khu trung tâm
buôn bán đông đúc bé nhỏ, tàu như Chợ-lớn-cũ. Liêm sách va-ly, đứng xuống dưới
vỉa hè của một phố chính tương đối sầm uất, tuy mọi cửa hiệu đều khép cửa nghỉ
Tết nhưng nhìn những tấm bảng hiệu la liệt trên mái, trên các đầu tường Liêm
cũng có thể đoán biết Liêm gõ cửa một hiệu bán đồng hồ. Có lẽ nhà ở sâu, cả đến
năm phút sau mới nghe tiếng chân người ra mở cửa. Người thiếu nữ ở trong nhà
ra, tóc uốn trễ, ngắm nhìn từ đầu đến chân không dấu nổi vẻ ngạc nhiên:
— Ông hỏi
ai?
— Thưa cô
tôi hỏi nhà ông Phát.
— Vâng, ông
là ai?
— Tôi vừa ở
Sài-gòn ra đây. Tôi có bức thư của ông... trong Sài-gòn gửi cho ông Phát.
Người thiếu
nữ trố mắt kinh ngạc như không tin. Một người đàn bà vấn tóc trần bước ra hỏi
con gái: Chuyện gì đấy? Một lần nữa Liêm lại phải tự giới thiệu. Cuối cùng Liêm
cũng được mời vào gặp chủ nhà. Người đàn ông bệ vệ an nhàn trong bộ pyjama, mắt
hấp háy sau đôi kính trắng, tiếng the thé như đàn bà. Đó là người bạn thân một
thời của Tường. Không thể tưởng tượng nổi người đàn ông ngồi trước mặt một thời
lưu lạc giang hồ và chỉ mới trở về Bắc năm 45. Phát trông đặc vẻ con buôn nhà
nòi tính toán lợi hại kỹ lưỡng, không ai có thể trông mong nhờ cậy. Liêm được
mời uống nước trà sen, nghe hỏi han về Sài-gòn trong những năm qua. Phát thở ra
hơi phản động chống báng kháng chiến và không hề
đả động đến lời gửi gắm của Tường; Sài-gòn được nhắc lại như những kỷ niệm, kỷ
niệm về khí hậu thời tiết, trái cây cảnh vật... Liêm cáo từ, Phát không cầm giữ
đưa ra đến cửa dặn với:
— Sang năm,
nếu có dịp, mời ông ghé nhà chơi.
Liêm lại
đứng trên vỉa hè với hai va-ly dựng hai bên. Trời gần chiều, lạnh êm xuống. Mùi
hương trầm trong nhà kín còn phảng phất. Liêm quay nhìn hai cánh cửa đã đóng
chặt, một bên dán tranh ông Thiện một bên ông Ác, những khuôn mặt còn đó thản
nhiên của một thời thơ ấu. Thành phố hoàn toàn lạ, không còn một chốn quen
thuộc. Phải về Hà nội, ít nhất cũng là nơi mình đã biết. Tường nói đúng đây
không phải là quê hương của những người như mình, như Tường. Không thể ngủ trên
một ghế bố ngoài đầu hè được và chắc cũng không ai mở cửa đón vào nhà một người
lạ mặt trong mấy ngày Tết. Không hiểu những ngày tới về Hà-nội thế nào? Trong
một lúc thất vọng Liêm ân hận đã quyết định trở về. Mai mốt có thể như Phát,
Sài-gòn và đoạn đời hoạt động cũng lần mờ thành kỷ niệm để nhắc nhở cho vui
trong một vài dịp. Liêm xách va-ly, đi bộ từng quãng dài trên vỉa hè lại đặt
xuống nghỉ hút thuốc với ý định đến ga xe lửa. Trên đường không còn tìm thấy
bóng một chiếc xe. Mỗi lần hỏi thăm đường bọn con nít, Liêm lại nhận được những
tràng cười vui thú của chúng vì giọng nói và bộ tịch của mình. Xe lửa, cái gì
là xe lửa chúng mày, bến xe lửa, bến xe lửa ở đâu? Chúng cười khúc khích, dương
mắt ngắm nhìn như vật lạ. Một đứa đã lớn hiểu biết hơn hỏi: Ông là người
Sè-goòng. Liêm gật đầu và lũ trẻ vỗ tay reo mừng trước một khám phá kỳ thú,
nhiều đứa bỏ chạy vào nhà kêu gọi người lớn ở trong: có một người Sài-gòn, một
ông Sài-gòn hỏi thăm đường và thêm nhiều đứa trẻ khác đổ ra đường. Liêm đứng
bên cột đèn, nhìn lũ trẻ vây quanh, trong một vài khung cửa có cả mấy cô thiếu
nữ ngấp nghé tò mò. Giống như ngày nào trong xóm Đồng Ông Cộ, bọn con nít cũng
đã chạy ngang ngoài ngõ nhà Hạnh hát vang thành nhịp: Bắc kỳ sạo ke, ăn me
chấm... Liêm phải loay hoay mất mấy phút mới tìm đúng chữ diễn ý. Bọn trẻ lại
được dịp ồ lên cười như nắc nẻ: Ả, à ông ấy hỏi nhà ga, ga tàu hỏa;
lúc nãy ông ấy gọi là gì nhỉ, xe gì. Xe lửa, a, xe lửa là tàu hỏa.
Ông định đi đâu? Liêm nhắc lại: phải, ga tàu hỏa. Phải đi ngược lại một đoạn
phố đã qua. Một vài người đàn ông đi dạo trên hè, quần áo giầy dép tề chỉnh ít
thấy trên các đường Sài-gòn. Trời xẫm rất nhanh rồi đứng lại như không thay đổi
nữa. Gió bắt đầu gấy rét, vẫn quyện mùi hương cúng. Phố xá đìu hiu không còn
hoạt động. Khỏi những dãy nhà thu kín, đến những bãi trống đổ rác và xóm lao
động bẩn thỉu. Trên một vài khoảng đất chỉ còn nền nhà và gạch vụn chất đống.
Chiến tranh ở đây nhìn rõ hơn không như Sài-gòn. Có lẽ rồi sẽ trở vào. Cứ bầu trời mùa đông u uất này với cảnh vật như đang tàn tạ
vây kín cả chân trời cùng với cái đời sống rút khép vào trong hất đẩy mình ra
ngoài. Mình không còn ai ở đây ngoài mình, nhưng tôi đã biến đổi quá nhiều.
Nhà ga vắng
vẻ, trơ trọi trước con đường loang lổ ổ gà. Tiếng còi tàu kêu không ở trong
ngắn ngủi không âm vang. Liêm bước vào khách sạn trước cửa ga. Trong phòng
khách chỉ có một ông già gác đang tiếp ba người khách: hai người đàn bà đã đi
trước Liêm lúc rời tàu buổi sáng và một người đàn ông, đội mũ dạ, mặc chiếc áo
vét nhầu cũ xốc xếch, chân đi xăng-đan. Hai người đàn bà đợi ghi xong thẻ căn
cước vào sổ khách sạn nói: “Thôi, thế cũng xong. Mai đành đi tàu hỏa về vậy”,
rồi bỏ ra ghế dài ngồi đợi. Đến lượt người đàn ông hỏi thăm về giá cả các loại
phòng, rồi quay sang Liêm đề nghị: “Hay mình thuê chung một buồng cho đỡ tốn,
chắc ông cũng chỉ cần một chỗ ngủ đêm nay thôi. Nhất là giao thừa có bạn cũng
đỡ buồn, ông nghĩ sao?” Một người đàn bà ngồi ở ghế nhanh nhẩu: “Ông nghĩ cũng
phải. Chắc các ông mai cũng đáp tàu về Hà-nội. Về nhà vào đúng ngày đầu năm kể
cũng vui”. Người đàn ông gầy gò bẩn thỉu, bàn tay đen đủi cáu ghét, hơi quay
lại sau hỏi: “Các bà ở đâu đến thế? Tôi, tôi là người ở đây”. Hắn cười khì trước
vẻ ngạc nhiên của hai người đàn bà và Liêm. “Tôi không thích ăn Tết ở nhà. Rắc
rối phiền phức. Ăn Tết ở khách sạn có lẽ thú vị hơn. Ông nghĩ sao? Nếu ông đồng
ý ông đưa thẻ căn cước tôi ghi luôn hộ. Tôi cam đoan với ông rằng lên phòng có
nước nóng tôi sẽ tắm, tắm tất niên mà để ông khỏi ghê tởm. Và nếu có thể sáng
mai tôi sẽ đưa chân ông về đến Hà-nội. Tôi không hứa trước. Vâng. Cảm ơn ông.
Lê-văn Liêm số... thợ in. Ông là vô sản chính cống bà lang Trọc đấy. A, ông lại
ở Sài-gòn. Thật là may mắn cho tôi”. Người đàn ông chìa tay bắt, cặp mắt lờ đờ
dại dột, hơi say; hắn còn trẻ thì phải, giống như mấy chàng văn sĩ thất nghiệp
chán đời lang thang nơi các tòa báo ngày nào. Hắn cúi xuống, nằng nặc đòi mang
chiếc va-ly nhỏ hộ: “Tôi xách được mà. Tôi còn đủ sức ông bạn”. Người lệch hẳn
vai, chân lết trên những bực cầu thang. Hai người đàn bà vẫn đi trước, thỉnh
thoảng liếc dòm tỏ vẻ thương hại.
Vào đến
buồng, Liêm chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi. Người bạn bất đắc dĩ một đêm, đặt
chiếc va-ly lên bàn gần cửa sổ đứng tựa cạnh bàn nói:
— Tôi là An.
Rất hân hạnh được quen ông. Nếu ông thích đêm nay mình sẽ uống rượu đón giao
thừa. Tôi còn chai rượu đây.
Hắn rút chai
Cointreau vẫn đút lủng lẳng một bên túi áo, giơ ra trước mặt. Cũng hay, nếu
không có lẽ mình cũng chẳng biết làm gì đêm cuối năm trong buồng khách sạn này.
Liêm ngồi xuống giường bảo:
— Ông hơi đã
rồi đó.
Hắn nghiêng
tai nghe, chừng không hiểu - Liêm nói lại: ông hơi say - bật lên cười rũ, vừa
cười vừa nhìn bóng mình trong gương.
— Ông nói
nghe du dương ghê.
Liêm hơi bực
mình, nhíu mày. Chẳng hiểu còn làm những trò gì nữa, khi không lại phải chịu
đựng một tên say giữa đường. Liêm nghĩ nên xuống phố kiếm cơm ăn, rồi đi xem
giao thừa ngoài phố, khuya về có lẽ hắn đã say vùi, đỡ mất công. Chiều nhọ nhem
ngoài cửa kính. Và Liêm đứng dậy hỏi:
— Tôi chưa
ăn cơm. Ông biết còn quán nào mở cửa không?
— Bây giờ
thì hơi khó đấy. Ông thử đi xuống dưới đầu phố xem. May ra thì còn.
— Ông để cửa
đừng khóa. Tôi có lẽ về muộn.
— Được. Được
mà. Đồ đạc của ông không mất đâu. Ông cứ đi dùng cơm. Tôi sẽ đi tắm rửa sạch
sẽ, đợi ông về mời ông uống rượu. Nếu ông lại mua được món nhắm thì tuyệt...
Hắn đến đứng
trước gương soi sát mặt và không quay lại. Ra đến cửa Liêm ngập ngừng dặn:
— Ông coi
chừng, đừng tắm. Gặp lạnh nguy hiểm lắm.
— Không sao,
ông khỏi lo. Tôi phải sạch sẽ để mừng năm mới.
Liêm bước ra
hành lang khép cửa lại, có lẽ trong cả khách sạn này chỉ có bốn khách trọ, nghe
tiếng chân mình bước vang âm. Hạnh không thể nào tưởng tượng được cái cảnh ngày
đầu tiên tôi đặt chân về xứ. Nàng nghĩ tôi đang vui vẻ giữa những người thân và
cảnh vật được gặp lại chắc đã quên hẳn xóm Đồng Ông Cộ. Tôi đang cười, đang
nói, đang kể lể trước sự hỏi han dồn dập của bà con quyến thuộc, không bao giờ
Hạnh chịu tin là tôi không có gia đình. Tôi trở về xứ như phiêu lưu vào đất lạ.
Gian phòng tiếp khách dưới nhà bỏ vắng không dưới ánh điện. Ngoài đường gió
thổi ào, lần đầu tiên thấy rét thật sự. Liêm thọc sâu hai bàn tay vào túi áo,
khép chặt hai cánh tay, nghe trong thân ứng nóng nhưng mặt và tai giá buốt.
Quãng đường vắng, điện đường không đủ sáng hết. Liêm tìm được một hàng gánh
bánh mì cà-phê ngay đầu phố. “Thật hên, bữa nay mà ông còn bán”. “Tôi sắp về.
Kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng ế quá…” Người bán hàng lặng lẽ quan sát,
chắc muốn hỏi đôi câu nhưng lại thôi. Liêm ngồi trên chiếc ghế con được nhường
lại, còn người đàn ông ngồi co ôm gối và hơ tay lên bếp đang nấu cà-phê. “Bây
giờ mới hơn bẩy giờ chứ gì phải không ông? Còn lâu mới đến giao thừa. Tôi vừa ở
bên Hạ-lý về nghỉ ở đây. Nghèo là chẳng thấy Tết đâu cả. Chứ bán bên phố này ai
mua”. Gió thổi động các chòm cây dài mút phố. Ngoài hiên, trước cửa nhà đã thấy
lác đác bầy bàn thờ đợi cúng giao thừa. Nhà nào nhà nấy đóng im cửa
nhưng đèn sáng rực. Liêm mua thêm hai chiếc bánh mì, bỏ vào túi, một cái cho
va, lỡ đêm đói còn có thức ăn; rồi đứng lên tiếp tục đi sâu vào trong phố. Chỉ
nghe gió thổi, đêm đen kịt, mùi trầm hương thoang thoảng lẫn tiếng cười đùa
quanh chiếu bạc trong các nhà. Người ta đang đánh tam cúc. Thỉnh thoảng mới gặp
một chiếc xe hơi nhà binh hay một vài người đi xe đạp co rút cổ. Tại sao tôi
lại đang ở đây? Liêm quay trở lại, con phố mập mờ không hình thù rõ rệt như
chạy suốt vào đêm tối, trong một thoáng tưởng như tòa nhà khách sạn đã biến
mất. Có thể tên chán đời ở nhà tự tử thì rầy, Liêm đi vội như bị ma đuổi.
Nhảy hai bực
thang một, Liêm chạy trong hành lang rồi đứng khựng lại để nhận số phòng. Phòng
hai người đàn bà tắt đèn, có lẽ họ chưa về. Hắn làm gì trong phòng mà cửa khép
kín không nghe tiếng động? Liêm gõ cửa, cẩm xoay quả đấm. Người đàn ông ngồi
gục mặt trên bàn, run lật bật. Hắn đã tắm rửa thật. Không nghe nói gì, Liêm
phải bảo: để tôi cho ông mượn cái áo len mặc tạm, và mở va-ly kiếm chiếc áo
Hạnh đã mua ngoài chợ Bến-thành. Hắn ngửa mặt nói: Cám ơn ông, tôi làm phiền
ông. Nước da đen xám, môi tái mét, hàm răng vàng ởn, đúng là dân ghiền. Liêm an
tâm, dân ghiền không có can đảm để làm gì cả. Và Liêm bỏ mặc, thay quần áo, rửa
mặt mũi tay chân. Liêm ở lâu trong phòng tắm, một lúc sau nghe tiếng gọi: Ông
bạn xong chưa? Mời ông ra uống rượu với tôi cho vui, giọng tỉnh khô. Trở ra
ngoài, Liêm bảo:
— Tôi buồn
ngủ quá. Mấy hôm đi tàu biển thật nhọc. Xin lỗi ông. Ông cứ tự tiện. Tôi ngủ
trước.
Người đàn
ông nài nỉ:
— Ông uống
một tí cho ấm, ngủ càng say.
Liêm bắt
buộc phải tu một ngụm trong chai và sực nhớ:
— Tôi có mua
hai ổ bánh mì để trong túi áo. Ông có đói cứ ăn. Tôi mua để phòng đấy.
— Cám ơn
ông. Ông cũng cho tôi tự nhiên.
Liêm leo lên
giường chui vào trong chăn bông nồng mùi băng phiến. Vải nệm và chăn còn lạnh
giá. Chỉ có lúc này là dễ chịu nhất từ khi đặt chân xuống đất, nếu không có hắn
đỡ bận tâm biết mấy. Liêm nằm duỗi thẳng ngó lên bóng đèn để khỏi chú ý đến
người lạ.
— Ông có cần
tắt đèn không? Tôi ngồi trong tối cũng không sao.
— Không cần.
Ông lấy cái áo dạ của tôi khoác thêm cho ấm. Trong túi có bánh mì đấy.
— Vâng. Ông
có muốn xem giao thừa không? Tôi sẽ đánh thức ông.
— Không. Tôi
cần ngủ.
Một lúc
không nghe gì nữa, Liêm lắng theo tiếng gió ngoài cửa kính và thiếp ngủ mau.
Loáng thoáng nghe người lạ hỏi: ông về Hà-nội có việc gì? Hay thăm gia đình?
Ông ở Sài-gòn lâu không? Dường như ú ở không đáp được vì bị giấc ngủ dìm kéo. Không
chắc mau hay lâu, Liêm thức giấc vẫn thấy mình nằm trên giường một mình và xung
quanh tối om, gió thổi lạnh cả mặt, vội quơ tay tìm nút bật điện. Cửa sổ buồng
mở toang, người đàn ông ngồi gục đầu trên bàn như ngủ quên. Liêm ra khỏi
giường, đóng cửa sổ, định đánh thức, bắt gặp khuôn mặt hốc hác ngước lên, hai
mắt đỏ hoe, nước mắt nước mũi tèm nhem.
— Giao thừa
chưa nhỉ?
Hắn không
trả lời, cúi mặt bật khóc nức nở. Tội nghiệp hắn muốn tâm sự mà mình buồn ngủ
quá. Liêm kéo cái ghế ngồi xuống. Chai rượu đổ nghiêng lênh láng cả mặt bàn,
hắn tuyệt vọng. Hắn vẫn khóc như không hay biết có người ở trước mặt.
Liêm không
thể đừng được phải che tay lên miệng ngáp. Kỳ cục, hắn thất tình, chán đời, bị
ruồng rẫy, lường gạt, hay điên. Cuối cùng Liêm phải xốc nách dìu vào giường,
hắn vùng vằng yếu ớt, chân khuỵu lết bước không nổi, tay lạnh như đá. Nằm trên
giường hắn vẫn còn khóc, nhưng Liêm bỏ mặc, Liêm cần ngủ.
No comments:
Post a Comment