Chiếc xe díp
chậm lại, không còn tiếng gió ùa ngược đạp lùng bùng trên vải mui xe, cảm giác
tối xầm vụt nhanh rối mắt khi nhìn mãi vào vách núi đá ven đường; tất cả im
bặt, buổi chiều bỗng chết lặng trong khoảnh khắc. Con đường dứt quãng, biến vào
trong khoảng bờ dốc dài của con sông cạn, dưới nước chiếc cầu phao nổi do công
binh bắc trên những thùng hắc ín lập lờ. Người lính ngồi phía sau hơi nhoài người
ra trước muốn trông ra ngoài, hai đùi vẫn kẹp giữ khẩu súng dựng đứng, nụ cười
thoáng hiện trên nét mặt không rõ rệt như một cơn gió thổi ngang.
Tùng gài số,
buông chân thắng, để xe lăn xuống cầu. Thạch nghiêng ra ngoài, cúi nhìn những
hạt sạn bắn tia dưới bánh xe, chiếc cầu đung đưa lầm rầm, nước hình như không
trôi, liếc nhìn về sau, có thể bị bắn tới từ phía sau, ngay trong xe, xác thả
trôi sông và hẳn sẽ ôm súng, tước thêm hai khẩu súng lục, bỏ đi vào một làng
gần đây. Trời sắp tối, những đêm liên hoan mừng chiến thắng Điện-biên vẫn kéo
dài trong các làng xóm vây quanh đồn, hằng ngày lính vẫn ôm súng đào ngũ và
Thạch không thể làm gì được. Không thể làm gì được. Không phải mở đường, không
phải hành quân, chỉ được lệnh phòng thủ với số quân hao mòn dần, ở trong những
vòng rào của đồn, nằm chán lại leo lên vọng canh lấy ống dòm trông vào làng
phất phới cờ quạt. Vòng vây còn nghẹt thở hơn dạo nào phải sống hai mươi mốt
ngày liền bị tấn công (đồn nhận tiếp tế bằng phi cơ, không đêm nào ngủ yên quá
một giờ đồng hồ, lồng lộn vùng vẫy như một thằng điên khát máu) bởi bây giờ
những người còn lại xung quanh đều ngơ ngác hoang mang, tinh thần bất định. Liên
lạc với “secteur” cả mấy lần mới được một lần trả lời, không nhận được gì hơn
là “chờ lệnh mới”. Merde. Chờ cho đến
khi còn trơ một mình cháy thui như một con bò giữa đống gạch vụn.
Con đường
nổi lên lở lói, giữa một vùng đồng khô vàng cháy. Chiếc thánh giá đeo trước cổ
Tùng lấp lánh, hắn vẫn nhìn thẳng bóng dâm đang lùa chạy ngược đằng trước. Đêm
mùa hè oi ả như đá tảng vây chặn giấc ngủ, bên tai vang động tiếng loa kêu gọi
từng hồi lâu tiếp nối bằng những lớp hò reo vọng tới trong thinh không rỗng
tuếch đen kịt. Tại sao tôi còn ở lại đây đầm mình trong tuyệt vọng? Nhớ Liên,
nỗi nhớ căng thẳng da mặt bứt rứt ướt nhờn, cào cấu da thịt bằng những móng
vuốt của hồi tưởng dữ dội. Càng nhớ càng như rớt chìm xuống tận đáy cùng của
căn hầm mù tối bưng bít, Liên không thể xuất hiện, Thạch chạy cuồng lên tháp
canh hướng vào làng ra lệnh xả súng bắn. Cho chúng câm đi, câm luôn cả mối kiêu
hãnh nhục nhã của mình. Những vệt lửa sáng tia dài trên những thửa ruộng trống,
mất hút, không thể đến mục tiêu, đánh thức sự hoảng hốt lan tràn trên các tháp
canh khác; súng nổ không cả đến mươi mười lăm phút át được những tiếng động
trong làng, rồi im bặt để cho đêm nổi dềnh lên trong các hình thù quái đản của
bụi cây bờ cỏ. Thạch lắng nghe những tiếng nổ xa hơn ở đồn bạn cách chừng hai
cây số như lời đối đáp vội vàng vô ý nghĩa của những kẻ chung số phận. Merde, dưới sân đồn một vài bóng chạy
qua lại ngơ ngác, máy truyền tin mở rè rè, trung úy Tùng hỏi có chuyện gì,
chẳng có gì cả, bảo ở dưới cứ ngủ yên. Nếu mày ngủ được, merde, nếu mày cầu kinh và ngủ được với bức ảnh người yêu trên đầu
giường và nếu mày thích, cầu nguyện cho tao, cho hết cả. Đồ con một ngu đần.
Trong làng đì đẹp vài tiếng súng trường vu vơ, Thạch nắm lấy tay người lính gác
không cho bắn nữa, chúng cũng đang đùa. Rồi tiếng loa lại gọi, lần này gần hơn,
trước cổng làng, và tiếng hoan hô òa òa phụ trợ. Đủ rồi, đêm nay như thế là đủ,
tôi đi ngủ đây. Những vệt lửa vẫn bay tít trong hư không mù mịt, những ánh sao
băng, như những đốm đèn xa vời của thành phố khuất dạng, bè bạn khuất mặt,
người mình yêu mất tích. Thạch nằm co quắp trên ghế vải, khóc tức tưởi, những
tiếng nấc dồn vỡ khúc khắc trong cổ họng. Tại sao? Tại sao tôi ở đây, tôi vẫn ở
đây? Trong cuộc chiến tranh này tôi đứng chỗ nào. Tại sao lại khóc? Đồng, tại
sao lại khóc? Hiểu được không?
Tùng buông
lơi tay lái, ngả người vào lưng ghế bảo:
— Đường số 5 kia rồi.
Xe đã chạy
êm hơn trên đoạn đường phẳng. Vùng đất bằng đến chân trời, hai chuyến xe hàng
đuổi nhau như ở giữa ruộng.
Người lính
nói:
— Chúng nó
về đến đây rồi. Dạo này chuyên môn đường số 5 bị mìn.
— Như thế
coi như xong. Không biết nó đã ký chưa? Tối nào tôi cũng mở đài Hirondelle nghe
tin tức đến nửa đêm. Chẳng thấy gì cả. Hà-nội chắc là biết rõ hơn. Anh nghĩ có
thể chia đôi được không? Ông cụ bà cụ tôi đã chạy cả lên Hà-nội. Quốc gia mình
thật hạng bét.
— Bây giờ
mới biết hả?
Trên đường
vòng ánh mặt trời đột ngột đập lóa mặt kính xe. Khuôn mặt cháy đen của Tùng vẫn
không giấu được những nét ngờ ngệch dễ tin của một tín đồ công giáo lâu đời.
Thạch cười sự ngây thơ ấy và Tùng không hiểu.
— Anh định
hôm nào về?
— Chưa biết.
Để xem.
— Cũng định
đào ngũ hay sao?
— Chưa biết
chừng.
— Sau đây
mới thật là chiến tranh của mình. Nó có ký mình mới có chính nghĩa mà chiến
đấu.
Giọng Tùng
vững vàng giản dị, Thạch không muốn bàn cãi. Nó có những lý do của nó. Thạch
bỗng dưng thèm gặp bạn bè, được đối diện với Cảnh nghe chúng biện thuyết để
nhìn thấy rõ mình. Hơn lúc nào hết cô đơn trống trải như bị bỏ rơi. Chúng đang
làm gì? Mình sẽ làm gì những ngày tới, một mình? Xe lao nhanh trên quãng đường
vắng, vượt qua những loại xe chuyên chở hành khách hàng hóa, gió lộng bạt những
ý nghĩ. Sau bức tường vàng chạy dài theo đường cái, đoàn tầu hỏa đang chuyển
động, con tàu vẫn đi lại hằng ngày, Liên vắng mặt. Đoàn tàu cùng chạy song song
trên cầu với những toa than trống rác rưởi khắp tàu. Hà-nội đã nhìn thấy nhấp
nhô dưới xa khuất im trong buổi chiều nhòa nhạt trơ trên những cồn cát nổi giữa
lòng sông. Thành phố ấy đến bây giờ mới nhận ra cũng là một người bạn, sau khi
đã đứng nhìn mãi những vòng rào thép gai, đồng ruộng bỏ hoang bao vây bởi làng
xóm thù nghịch. Rồi thành phố cũng sẽ mất như bè bạn, mày chỉ còn trơ một mình
trôi nổi vào cuộc phiêu lưu vô cùng đích. Thạch nắm vòng quai da trước mặt,
nghiêng người trông xuống con đường chui dưới gầm cầu.
Xuống hết
dốc cầu, Tùng sả tốc lực cho xe phóng nhanh trên đường bờ sông, mặt ngước lên
khoái trá, hắn vẫn có những phút bất kể sự đời bên những phút khiếp nhược yếu
đuối, lòng tin ở hắn vừa vững mạnh vừa bấp bênh một cách đáng yêu, hắn có thể
chạy cuồng như thế khắp thành phố. Đến trước viện bảo tàng, Tùng hãm xe lại
nhìn sang Thạch bảo:
— Đi một
vòng bờ Hồ, tìm cái gì ăn rồi hãy về. Anh đói chưa? Chiều đang ánh rực hấp hối
trên mặt nước hồ. Tiếng động vẫn tuôn chảy đủ chiều. Đám đông lũ lượt, tản mác
trên các lối đi, bãi cỏ dưới những bóng cây đứng gió. Trên cầu Thê-húc nhiều
người đứng tựa nhìn xuống nước, các hàng quán nhộn nhịp. Loa phóng thanh vang
vọng ở đầu phố xa đang loan truyền bản tin tức buồn tẻ. Xe chạy chậm cùng với
những chiếc xe đạp thong thả.
— Chẳng có
gì lạ cả?
Cho đến lúc
hấp hối, Hà-nội vẫn không thay đổi, hay không hay biết. Ánh điện quảng cáo nhấp
nháy trên các góc cao in bóng xuống nước hồ xa. Đám đông đậm đặc trong những
khoảng sáng, tản lẫn vào trong bóng tối của những hàng cây um tùm. Không khí
dịu nhẹ dễ thở một thoáng. Một đàn chim tóc trắng bay về ngang trần gian báo
tin rằng có nàng Giáng Hương... điệu hát mơ mộng cố hữu vẫn bám chặt lấy thành
phố; hình như Tùng hát theo, giọng khàn khàn lẫn vào trong tiếng máy nổ đều.
Nếu Liên còn? Và bây giờ? Liên là niềm tuyệt vọng mở lớn đôi mắt đen ở trong
hồn, đôi mắt lẫn bay trên các chòm cây, rơi chìm... Người về trong đêm tối ôm
cành hoa tả tơi, bóng đêm dài, gác đời... lẻ loi.
— Thôi đi
ăn.
Người lính
cắm cúi nhồm nhoàm không để ý đến xung quanh, khẩu súng gác cạnh chân bàn. Tùng
rót bia vào cốc, cặp mắt vằn lên những tia máu đỏ và ướt trên khuôn mặt màu bồ
quân, hỏi:
— Hôm nay
thứ mấy nhỉ?
Thạch nhìn
vào tấm gương ở sát mặt, râu tóc lởm chởm bẩn thỉu. Trong gương cặp mắt Tùng đờ
đẫn ướt nhẹp như khóc; trong đêm Phục sinh Thạch đã bị dựng dậy nghe báo cáo;
bên Trung-úy Tùng bắn pháo hiệu cầu cứu, đứng ngoài sân đồn nhìn về hướng Tùng
vừa kịp trông thấy đạn châu đỏ tắt rụng, những đốm lửa cuối lả tả như tàn lửa
bay theo gió; Trung úy Tùng gọi Trung-úy, giọng mũi khàn và lừ nhừ, và có lẽ
với cặp mắt dại khờ này. Chuyện gì thế? Có, tôi đang buồn. Merde. Ngủ đi. Tôi không ngủ được, tôi muốn đi nhà thờ. Đi nhà thờ?
Say chưa? Chưa, chưa say. Mấy năm nay tôi không bước chân đến nhà thờ, tôi nhất
định không đến nhà thờ. Đêm nay tôi nhớ lời mẹ tôi dạy, có thể bỏ hết nhưng đêm
nay thì không. Anh còn nghe tôi nói không? Oui,
Idiot. Mẹ tôi dạy hồi tôi còn nhỏ tôi vẫn nhớ, con mất cả và thiên hạ nhưng
con được linh hồn là con được tất cả. Mất cả và thiên hạ, anh nghe tôi rõ chứ.
Có lẽ giờ này Chúa sống lại và Chúa được tất cả. Et alors. Imbécile. Continue. Chúa sống lại Chúa bất tử. Lui il est immortel mais toi, n’oublie pas,
tu es mortel. Nghe rõ không, thôi ngủ đi. Tôi muốn đi nhà thờ. Nhà thờ đâu
mà đi? Ở trong làng. Này thôi đừng điên, nghe bảo đây này, Chúa có mặt ở khắp
nơi, cứ quỳ trên giường mà cầu nguyện, Chúa sẽ đến nghe chưa? Trên secteur mà nó biết tự nhiên bắn pháo
hiệu cầu cứu thì cứ lo sửa soạn mà nhận củ. Thạch cười hỏi:
— Còn tỉnh
mà lái xe không?
Tùng làm
hiệu bất chấp, không trả lời. Ngoài cửa hiệu là phố hàng Buồm huyên náo, buổi
tối còn mới nguyên. Chiếc xe díp đậu làm chật nghẹt một đoạn phố. Người lính ăn
xong trước, nói sẽ chuyển xe sang đậu ở phố ngách gần bên. Tùng bảo:
— Có lẽ ngày
kia hay ngày kìa tôi đi là cùng.
— Nếu tôi
xong việc tôi sẽ đến tìm cùng về.
Thạch chẳng
có việc gì cả nhưng muốn ở lại Hà-nội. Để làm gì? Chưa biết. Có thể sẽ không
trở về đơn vị nữa. Những ngày tới vẫn chờ đợi, cần có mặt ở Hà-nội. Chắc chắn
đó là một biến động lịch sử, trong biến động lịch sử chân trời sẽ mở rộng tôi
có thể nhìn thấy rõ những mộng tưởng của mình còn hay mất. Tout est possible et impossible. Cái xã hội mục nát lần này sẽ tan
tành trước cơn sóng lũ và bọn thanh niên sẽ đứng trước những vùng đất mới của
riêng mình. Phải vậy không?
— Tôi không
hiểu nay mai Cộng-sản về Hà-nội, dân Hà-nội sẽ sống như thế nào?
— Họ không
chết và dân thành phố này chỉ còn dám mơ ước có thế thôi.
— Nhiều khi
tôi nghĩ nếu chủ nghĩa C.S. không xâm phạm đến tín ngưỡng của tôi, tôi dám đã
trở thành C.S. rồi. Hình như anh cũng vô thần phải không? Tại sao anh không
thích C.S.?
— Ngoài tín
ngưỡng còn nhiều chuyện khác nữa chứ. Vì anh có tín ngưỡng nên chủ nghĩa C.S.
bị phủ nhận ngay khi va chạm vào thành trì ấy. Nếu anh vượt ra ngoài tín ngưỡng
anh sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề khác nữa. Dài dòng lắm.
— Có thể.
Nhưng đại khái với anh...
— Không.
Không phải với tôi... Với tôi thì cái lỗi lầm nặng nhất là họ đã dồn tôi phải
đứng vào trong hàng ngũ những kẻ tôi cũng thù nghịch.
Cơn giận đột
ngột vô cớ tiếp sau câu nói, phải dằn xuống, chỉ có thể nói được với Cảnh, với
Đồng và chỉ có chúng hiểu.
Tùng gật gù
ra chiều thông cảm:
— Mình phải
đi lính cho Tây chứ gì... Không phải một mình anh.
— Gần như
thế.
— Cho nên
tôi đã bảo tôi chỉ mong nó ký mau như nó cởi giây trói cho mình. Lúc ấy quốc
gia mình mới ăn nói được.
Thạch cất
tiếng cười, mày phải bắt đầu biết chấp nhận nếu không muốn tự tử, chấp nhận
cảnh ngộ, chấp nhận những cần thiết của lịch sử. Mày chưa bao giờ có một quê
hương, bị chiếm hết ở mọi nơi; bởi mày chưa chết, mày phải chấp nhận, nuôi lấy
tuyệt vọng với hy vọng vượt được khỏi tuyệt vọng. Cảnh, hắn cũng đã chấp nhận
những cần thiết của lịch sử và chúng ta chỉ nhìn thấy những cần thiết ấy đối
nghịch nhau.
Tùng khều
vào khuỷu tay Thạch đặt trên bàn hất hàm ra hiệu nhìn sang một bàn ở dãy bên.
Một người đàn bà trang điểm diêm dúa, đi cùng với một người đàn ông, chốc chốc
lại liếc Thạch cười mỉm; Thạch không nhớ nổi vẻ mặt hao hao quen thuộc là ai và
lắc đầu với Tùng. Bất chợt trông vào gương bắt gặp người đàn bà hướng về bàn
Thạch, nháy mắt trề môi dưới làm hiệu trong khi người đàn ông cúi mặt vào bát,
Thạch mới sực nhớ. Mai. Madeleine.
Thạch kêu khẽ: Đúng rồi. Tùng hỏi: Ai thế? Mai, Mai ở dưới Nam-định. Người đàn
bà đầu tiên với bài học đầu tiên cho cơ thể. Không khí chật hẹp bức bối, giọng
hát líu lo trong những đĩa hát cũ, và những anh lính Lê-dương, Ma-rốc, trong
phòng hôi hám, vết thương ở một bẹn đùi. Tùng vừa nghe kể vừa nhìn Mai chăm
chú, trông Mai sang và lịch lãm hơn xưa.
— Có lẽ cô
ta cũng vừa chạy ở Nam-định lên.
Thạch tiếc
rẻ, nếu Mai đi một mình... Người đàn bà như là chỗ chôn vùi những mong nhớ
hoang mang. Thạch hỏi Tùng:
— Đi chơi
nữa không?
— Tôi đưa
anh về rồi còn phải về thăm ông cụ bà cụ.
Buổi tối đã
vơi hẳn. Những tiếng guốc thưa thớt xa dần trên một bờ hè vắng. Thạch dành tay
lái để cho Tùng rã rượu. Tùng nghẹo đầu vào ghế xe, nghêu ngao hát. Các cửa
hiệu đang lên cửa. Khu chợ Đồng-xuân sáng ở ngoài đường, bên trong tối om. Tháp
nước bằng đá sừng sững kín mít. Đường Quan-thánh tối mờ, lá cây che khuất bầu
trời sao mùa hè. Thạch thả cho xe trôi theo dấu đường sắt tàu điện. Nhìn lên
cửa sổ nhà An cũ, đèn vẫn còn sáng, có lẽ gia đình An đã trở về nhà cũ. Thỉnh
thoảng bắt gặp một tờ báo, Thạch đọc một đôi bài thơ của An, những bài chán nản
phiền muộn. Tất cả sự phá phách từ chối chỉ đến đó, trở thành một nhà văn theo
kiểu mẫu có sẵn của xã hội thành phố: nghèo đói, nghiện hút, dơ dáy, khốn nạn,
bất mãn, khinh bạc... Đánh đổi mặc cảm tội lỗi lấy mặc cảm bị đày đọa có hơn
gì. Cái nhìn lơ láo thất thần trốn chạy đáng thương, đã xong chưa? Cái nhìn
Thạch cũng đã gặp ở một đứa khác, mùa hè năm trước, một đứa bạn học cùng lớp
không thân lắm từ hậu phương trở về thành phố; Lục, không nói những gì đã xảy
ra trong đời hắn, nhưng trông vào mắt nhận rõ hắn không còn hy vọng, hắn bỏ
chạy và muốn chết biệt tăm. Tiếng rao hàng khuya khoắt trong một phố ngách (lục tào xá... ơ...) đẩy sâu mãi đêm vào
vùng tối đen xa lạ, khuôn mặt giá băng của Bích buổi tối đi tìm Liên trong
Ngũ-xã, Bích, có thể nàng đã gặp Liên, trong gian nhà đông chật bề bộn ám khói
thuốc phiện... Thành phố im nổi trên tiếng rì rầm của nhà máy đèn Yên-phụ giống
như tiếng phi cơ bay qua những đêm ở đồn, chập chờn nghe tiếng kẻng truyền qua
các tháp canh, chốc chốc tiếng đại bác phát nổ đều đặn yểm trợ cho cứ điểm xa
hơn... Những đêm lạnh giá rợn người dưới hố cá nhân nghe ngóng sự rình rập,
ngửa mặt nhìn gió phủ đầy đặc, không nghĩ ngợi, không chờ đón, dưng không ở đó.
Như vừa sinh ra đời và sẽ chết trong những phút sau, rùng mình co cứng lại như
một hòn đá vô tri. Trời sáng nhợt trên mặt hồ Tây tuy không có trăng. Tùng im
lặng như ngủ, thốt nhiên hỏi:
— Kể mất
Hà-nội cũng tiếc.
— Thế hả?
— Tôi đâu có
được ở Hà-nội nhiều. Thuở bé tôi ở Thanh-hóa mãi đến khi lên trung học mới được
ra Hà-nội. Ra đến nơi là đánh nhau lại tản cư về Thanh-hóa. Hồi cư về học mấy
năm lại đi lính. Tính ra thế mà đã bốn năm đi lính. Thật không ngờ mình lại có
thể quen với cái nghiệp làm lính. Anh có ngạc nhiên không? Nếu yên được ra khỏi
lính anh có định học lại nữa không?
— Chắc là
không.
— Anh định làm gì?
— Chưa yên
đâu. Mà chưa yên tôi cũng không ở lại nữa. Hết một giai đoạn rồi.
Tùng ngồi
nhỏm lên nhìn sang, con đường đang thẳng bỗng rẽ quặt bên trái chạy theo bên
hông trường Bưởi.
— Anh định
đào ngũ?
— Oui. Có thể như thế.
Tùng dường
như ngẫm nghĩ không hỏi nữa. Ngoại ô đã ngủ kỹ, chỉ còn mấy con chó hoang chạy
nhởn ngoài đường. Thạch nhấn mạnh ga cho xe vọt nhanh, vượt quá ngõ nhà Đồng
một quãng, phải lùi xe lại. Thạch nhảy xuống trả tay lái cho Tùng hỏi: Tỉnh
chưa? Tùng quay xe, ghé sát vào chỗ Thạch đứng gần bên đường tàu, giơ tay chào,
ánh điện đường vàng khè soi nửa khuôn mặt Tùng lạ lẫm, trước khi lạng ra giữa
đường chạy nhanh vào trong phố. Đào ngũ, không, hắn không thể hiểu được, không
phải đào ngũ…
Thạch tháo
khẩu súng đựng trong bao da, khóa an toàn, bỏ vào ngực áo. Đêm mùa hè đậm đặc
sâu tối, tiếng sóng hồ Tây rì rào, ngõ đã quen. Thạch đứng lại ở khúc quanh,
bên cạnh góc một bức tường rào trên thành phủ lòa xòa những lá cây, nghe tiếng
giày đinh im bặt. Hai bàn tay không, tôi quay lại khởi điểm, đột nhiên thấy
mình đã đổi khác lúc nào không hay biết. Những đêm mùa hè nín lặng như trong
vùng chết, được lệnh phòng thủ bố trí cẩn mật, chỉ mặc một chiếc xi-líp nằm
trên ghế vải giữa những bức tường bưng bít ngột ngạt, buổi sáng oi bức da dính
nhớp mồ hôi bẩn thỉu như màu đất bụi đường trông ngóng đoàn convoi đi ngang đồn với mấy chiếc xe
hàng lọc xọc mang theo những tờ báo cũ, mua một vài chai bia, nải chuối, nhìn
những bộ mặt đàn bà không son phấn may mắn hiện giữa đám dân quê; buổi chiều
dài lênh đênh trên các bờ ruộng; lũy tre khô cằn, những người làm đồng lủi thủi
trên đường vào làng, những người ban đêm đào đường và buổi sáng lấp lại; Con
đường lỗ chỗ, không cây cối, nắng làm mờ mắt, mặt trời đốt nóng trên gáy và sau
lưng áo, bóng người ngã vật cùng với tiếng nổ như một ảo giác trước khi bất
tỉnh, Thạch không ngờ mình còn sống, đang đứng đây, mù tối, hoang mang, bồn
chồn và trơ trọi trước tương lai, không nhìn thấy gì rõ hơn là sự chán nản suy
đồi của người khác bám chặt vào mình, bóp nghẹt thở.
Thạch đẩy
cánh cổng khép không gài then, trong sân vang tiếng cười nói. Mẹ Đồng, cùng hai
ba người đàn bà khác và trẻ con ngồi ở ngoài hiên nhà trên, điện không bật. Bà
lên tiếng hỏi:
— Ai đấy?
— Thưa cụ,
cháu. Thạch.
Bà mừng rỡ
đứng dậy, bước vào nhà bật đèn gọi Đồng; những người khác nhìn Thạch tò mò.
Thạch chỉ nhận ra u già quen thuộc, chị dâu của Đồng ở trên phố với mấy đứa
con, còn một người đàn bà lạ mặt chưa gặp lần nào. Đồng ngồi bó gối trên giường
trong buồng một mình đang nhìn qua cửa sổ ra vườn đêm. Lúc Đồng quay mặt lại,
Thạch giật mình kinh hoảng, Đồng sa sút trông rõ: mặt gầy sọm đen đủi, da như
bị cháy, đôi mắt ướt mơ màng lồi lên như hai hòn bi đục, tay chân khẳng khiu
quều quào. Đồng mặc chiếc áo lót trên thân ép sát vào ngực chỉ còn là bộ xương,
vẫn cố gắng cười như thói quen, tiếng cười khục khục vướng mắc trong cổ không
thoát. Thạch nghĩ ngay mình không thể ở lại nhà Đồng đêm nay và nói:
— Nhà đông
quá hả?
— Về tối
thế?... Bà chị vừa ở ngoài vào.
Tiếng nói
của Đồng mệt nhọc phều phào không rõ. Thạch mở tủ của Đồng, tìm quần áo của
mình; Đồng vẫn ngồi một chỗ theo rõi. Thạch thay quần áo, nói dối:
— Về thăm
cậu rồi lại phải xuống phố có việc. Mai tôi lại lên.
— Có hẹn hả?
Thạch nhét
khẩu súng lục vào trong đống quần áo, bảo:
— Tôi để
khẩu súng trong tủ. Tối mang theo nguy hiểm.
— Không sợ
tôi lấy tự tử?
Đồng cười
không thành tiếng rồi bật ho sặc, rời chỗ ngồi xỏ chân vào dép đứng lên rủ
Thạch cùng ra ngoài. Hai người đi qua hàng hiên, những người đàn bà nín bặt
chuyện trò. Mẹ Đồng lên tiếng hỏi, giữ Thạch ngủ lại và Thạch phải thoái thác.
Những dự tính, băn khoăn định gặp Đồng thổ lộ không nói được.
— Có làm
được bài thơ nào không?
— Không.
Ngõ thật
khuya, tiếng của Đồng khào khào âm thầm như sự xô động vu vơ của cây cỏ lẫn
trong bước chân. Đồng không còn thể hồi phục, có lẽ Cảnh nói đúng, thế hệ này
bị hy sinh, mỗi đứa một cách. Từ ngày ấy chắc không bao giờ Đồng còn nghĩ đến
thơ, chính tôi vẫn thường chế riễu cái thái độ ngây thơ, chính tôi cũng dự phần
vào trong việc phá hủy cái tâm hồn mơ mộng của Đồng. Để được gì?
— Chắc cậu
mới gặp chị Đạo... chị ấy vẫn thường ra vào... mà cậu không gặp... Lần này... Ở
trên phố có gì lạ không?
Ngõ sáng dần
khi ra gần đến đường tàu điện. Thạch nghĩ có thể quay vào nhà ngủ chung với
Đồng, trong nhà Đồng đã hoàn toàn biệt lập một mình bên cái chết, nhưng Đồng
không tỏ một ý muốn giữ Thạch lại. Thạch muốn hỏi: Cậu còn nghĩ đến cái chết
nữa không? Nghĩ đến cái chết như khi chăm chú nhìn vào trong mắt của người tình
thứ nhất. Cậu có sợ không? Đêm ầm ì khuất tịch, tuổi trẻ đã qua mất hẳn, một
đứa đã tới cuối đường và lặng lẽ nhìn xuống vực sâu hút, còn một đứa vẫn quay
cuồng với... còn những đứa khác? Thạch cắn chặt môi, nén giữ những xúc động có
thể biểu tỏ, khi Đồng choàng tay bá lấy vai dựa vào người, sự đụng chạm vừa hãi
hùng vừa đau đớn.
Đồng buông
vai Thạch, ngồi bệt trên thanh đường sắt, thở hổn hển, nói như xin lỗi: Hơi
mệt. Thạch bảo: Để tôi đưa cậu vào, rồi tôi đi, nhưng Đồng vẫn ngồi nguyên đưa
mắt nhìn về phía cuối đường tàu chìm vào trong bóng tối của dãy phố nhỏ đã ngủ
say. Đồng nói đã lâu không bước ra khỏi cổng, cảnh tượng cũng chẳng có gì thay
đổi và có lẽ mai kia Đồng chết mọi sự vẫn bình yên phẳng lặng như cũ. Chỗ Thạch
đứng dưới gốc đèn xi-măng là chỗ cả bọn thường dừng lại nói nốt một câu chuyện
dở dang trước khi về phố, nhiều khi vấn đề chuyển đổi kéo dài cuộc bàn cãi Đồng
bước qua đường tàu rủ sang phía sau đình nhìn hồ Tây, hay đi dạo lui tới bên
cạnh đoạn đường sắt sáng. Bây giờ chỉ còn sự im lặng biền biệt của vùng ngoại ô
phủ ngập bao vây những khoảng sáng.
— Có được
tin gì của Nga, em An không? Vào nhà tu thật không?
Đồng không
đáp, mỉm cười, làm điệu hóm hỉnh buồn bã. Đứng vài giây, Thạch lại nhắc: Thôi
vào nhà đi. Đồng hỏi giờ này Thạch xuống phố bằng cách nào. Thạch đáp sẽ đi bộ
và chợt nhớ hỏi: Hà-nội còn giới nghiêm không nhỉ? Đồng bảo chắc vẫn còn. Và
nói tiếp không nhìn Thạch: “Chắc Cảnh nó sắp về phải không? Chỉ sợ tôi không
còn được gặp mặt đông đủ mấy cậu... Thật là tiếc...” Thạch cười xòa rồi cũng
ngồi xuống đường sắt, bên kia là ngôi đình làng um tùm bóng cây. Đồng hỏi Thạch
về lần này có dự định gì không và Thạch thản nhiên bảo mình chỉ về chơi. Đồng
quay nhìn Thạch rất lâu hỏi chân đã khỏi hẳn hay chưa? Thạch lắc đầu.
— Lúc mới
lớn cứ bị cái chết ám ảnh và sợ... Vậy mà... lúc thật nặng lại nghĩ đến một
cách dễ chịu... Cậu có thấy thế không?
Đồng cười
được một tiếng ngắn, xòe bàn tay đặt trên đầu gối.
— Cậu có
nghĩ đã đến lúc... mình trông rõ mình chưa?
Thạch vẫn
lắc đầu. Đồng cố ý thở phì phì bằng miệng nghịch ngợm, chỉ còn một vài thói tật
giúp nhận ra Đồng, chắc hẳn trong mắt Đồng, tôi cũng xuất hiện vụn vặt như sự
câm nín lầm lì khi phải đối diện với khổ đau - Tại sao tôi không thể phơi mở
trần truồng những cảm xúc, những ý nghĩ với người khác? Cảm xúc rồi tan biến,
còn ý nghĩ lúc nào cũng trong tình trạng hỗn độn mông lung, tôi muốn trung
thành, trung thành tới tận cùng với tôi và tôi bị vây kín trong bất trắc không
lường – Sự câm nín phân ly không sao vượt nổi.
Đồng chống
tay đứng lên giữa đường sắt hỏi Thạch còn nhớ đã có lần Đồng đi ngoài phố lo sợ
viển vông nhỡ những giây điện của đường tàu có thể rơi đứt, trói chết lấy mình,
Đồng cười khúc khắc đi vài bước trên những gióng sắt ngang. Dạo còn ở hậu
phương thấy người lớn đi qua sông trên một cây cầu xe hỏa bằng cách bước trên
những gióng sắt ngang dễ dàng không cần chú ý tôi cũng đã đi thử nhưng chỉ được
năm sáu bước đã chóng mặt phải bám vào thành cầu trở lại, Đồng nói, nước chảy
siết qua những mô đá, nhấp nhô giữa giòng, đó là vùng thượng du với những buổi
sáng mù lạnh. Đồng ao ước được học trở thành bác sĩ về sống ở miền quê, Thạch
đã nghe nhiều lần điều ước ấy từ những ngày còn cắp sách đến trường với Đồng,
Cảnh bảo dự tính của Đồng là của bọn tiểu tư sản, Đồng đang nhớ đến Hà; cảnh
hoang vu thơ mộng của rừng núi Phú-thọ những ngày ấy giống như trong những
trang sách Đồng xé dần từng tờ khi đi đồng, ngồi đọc nghiền ngẫm giữa trời, có
những đoạn gần như thuộc lòng - quyển
Paul et Virginie của người anh tình cờ, lẫn trong những đồ đạc mang theo
khi tản cư; người anh ấy đã vào học trường Trần Quốc Tuấn vẫn còn thương nhớ
kinh đô, có lẽ người đàn bà lạ mặt ở trong nhà chính là vợ anh. Đồng dừng lại
quay lưng, thân hình ốm yếu như sắp ngã; tiếng ve kêu tận trong vườn Bách thảo
lan ra vang lên một lúc. Còn tôi có điều ước nào không?
Thạch đưa
Đồng trở vào ngõ, đến trước cổng; Đồng bảo Thạch vào nhà lấy xe đạp mà đi, lúc
ấy đã hơn mười giờ. Thạch không biết ngủ đâu cho qua hết đêm, cổng nhà Đồng đã
đóng không thể quay lại gọi, cũng không thể làm xáo trộn cái gia đình đang kết
hợp lại nơi đó không còn sự trống thừa để dung nạp mình như ngày trước, Đồng
cũng đã rút lui, thu nhỏ vào trong một khoảng hẹp còn được dành riêng chờ chết.
Đồng đang hấp hối cô đơn, tôi đi dong ở ngoài đường giữa ngoại ô chìm tối, một
vài quán rượu còn thức trơ trẽn ế ẩm, trong ngõ thấp thoáng bóng gái ăn sương
lẩn lút. Đột nhiên Thạch nghĩ, hoảng sợ Đồng có thể tự vẫn bằng khẩu súng mình
để lại, Đồng nằm dài trong một góc vườn hay dưới gốc sung lòa xòa bên hồ nơi
vẫn ngồi đọc sách, lỗ thủng khoét bên thái dương, cái chết như lời riễu cợt
khúc khích cuối cùng. Thạch nhấn mạnh bàn đạp, cố gắng theo đuổi những hình ảnh
khác chưa hiện lên; những ngày tháng tả tơi chia lìa không bao giờ kết nối được
chăng, những bạn bè, thân thuộc bỏ đi và mất tích không bao giờ còn nhìn thấy
mặt nhau. Vẫn một mình đi tới hay đi quanh, một mình, dẫm lên những xác chết
chạy cuồng, như trong lần bị phục kích, truy nã, không cần phương hướng.
Thạch tự hỏi
đi đâu, nơi nào có thể gõ cửa ngủ nhờ; bạn bè coi như chẳng còn ai; họ hàng
không, một người mẹ không biết còn sống hay chết, một đứa anh lưu lạc từ ngày
nhỏ chẳng nhớ được mặt mũi; những người quen cũ của gia đình, tuy biết nhưng
không khi nào muốn liên lạc. Chỉ còn cách thuê khách sạn, những gian buồng cho
thuê trống trải lem luốc chỉ gợi nhớ đến những người đàn bà thân thể phơi mở
như bóng đêm che khuất hẳn mình và sự vật; lúc này sự vỗ về ôm ấp gần gũi của
đàn bà chỉ làm tâm thần thêm bực bội. Trong phố buôn bán cửa đã đóng nhưng đèn
sáng, nhiều người bắc ghế ngồi ngoài hè hóng mát, quanh các cột đèn trẻ con còn
chơi đùa. Thạch ra đến bờ Hồ ghé vào quán nước. Các lối dạo quanh hồ vắng
người, cây và đèn phố đứng im trơ, hơi nóng dưới hồ thỉnh thoảng bốc lên. Đêm
còn dài nồng nực, Thạch nhớ gian nhà nhỏ bên bãi rác trống gần ao, những ngày
hạnh phúc tạm bợ với Liên đã xa khuất thành kỷ niệm. Dưới gốc cây bàn đặt
nghiêng bên những chiếc ghế trống; sau lưng ba bốn thanh niên cãi nhau oang oang
về các kỳ thi vừa qua, không chú ý đến người chung quanh; Men theo bờ cỏ rậm,
một người đàn ông lầm lũi xách chiếc vợt vớt cá đi về phía ít ánh sáng và tiếng
động.
No comments:
Post a Comment