Thạch đến
tìm Bích, Bích đi vắng. Ông bố Bích nằm nghiêng co quắp trên tấm phản giữa, đầu
gếch lên trên một cái gối da cao, đang nướng thuốc trên ngọn đèn bóng nứt chằng
buộc bằng giây thép, rồi miết quanh nõ tẩu, nói giọng khàn khàn. Người qua lại
luôn luôn. Buồng nhà Bích là lối đi chung cho các gia đình ở ngoài và trên gác
xuống bếp. Thỉnh thoảng lũ em Bích đuổi nhau từ ngoài đường qua ngõ vào nhà cãi
lẫy om xòm. Tiếng vo vo từng hồi cách đều đặn. Ông bố Bích sau bữa thuốc nằm
duỗi ngửa như một cái xác khô đét, mắt nhắm, miệng lẩm bẩm không thành tiếng
một mình. Thạch ngồi im trước cái tách nước vàng cáu, muốn ra phố một lát cho
thoáng, nhưng ngại lần quay lại lại phải làm thêm một lần nữa thủ tục xã giao.
Bích sửng sốt nhìn Thạch, trên tay Bích đeo một cái làn mây không trong lót mấy
tờ báo cũ. Thạch đứng dậy trình bày ý định: “Tôi muốn nhờ cô chỉ hộ chỗ ở của
Liên”, Bích ngắm Thạch không nói. Thạch giải thích: “Tôi có việc cần gặp Liên
mà không biết nhà, tôi sắp sửa phải đi xa”. Bích chậm rãi nói: “Mời anh ngồi
chơi”. Nàng đặt cái làn xuống gậm bàn và ngồi đối diện với Thạch. “Nhà chị Liên
ở Ngũ-xã nhưng tôi không nhớ rõ số nhà”. Thạch cúi đầu suy nghĩ, cố giữ giọng
bình tĩnh: “Việc này quan hệ cho tôi lắm. Nếu cô không ngại, phiền cô đưa tôi
xuống gặp Liên”. Bích lộ vẻ nghi ngờ, nàng nhíu mày tỏ ý khó xử. Bỗng Bích hỏi:
“Ngay bây giờ?” Thạch khẩn khoản: “Vâng, ngay bây giờ”. Bích ngần ngừ: “Để đến
mai được không anh?” Đã hơn chín giờ tối, Thạch không biết phải đáp thế nào,
nhìn Bích cố làm cho Bích hiểu là không thể chờ đợi một đêm qua, cần gặp Liên
ngay tức khắc. Bích lặng lẽ mở ô kéo bàn lấy tấm gương đặt trước mặt, gỡ lại
mái tóc. “Đã lâu lắm tôi cũng không xuống chị ấy, chỉ sợ chị đã đổi chỗ ở thì
mất công. Ban sáng chị cũng có đến tìm tôi nhưng không gặp”. Thạch nhắc lại: “Ban
sáng, thế à? (đã thuộc về quá khứ xa lắc lơ), vâng, ban sáng tôi có biết. Bích
thay áo, mặc áo dài màu huyết dụ. Nàng lại đeo cái làn mây lên cánh tay, nói
với bố: “Con đi đằng này có chút việc, mẹ về thầy nói là việc chưa xong, mai
may ra mới được”. Phố hàng Bông vẫn còn sáng đèn nhưng đã vợi người. Thạch bỡ
ngỡ đi bên cạnh Bích, bước mau ra vỉa hè gọi hai cái xích-lô, mời Bích lên
trước. Xe bồng bềnh qua những phố âm u, thỉnh thoảng gặp một vài tiệm khiêu vũ
và quán rượu với bọn lính say la ó trêu ghẹo, người phu xe nguyền rủa tục tằn,
vào con đường đất hẹp chùa Châu-long quanh co mấp mô men theo hồ Trúc-bạch,
dừng lại ở đầu cầu của khu Ngũ-xã. Thạch và Bích đi chân, quay lưng lại với cái
dốc cao ở trên ấy lầm lì mặt hông của kho nhà in lớn chận khuất đường đê
Yên-phụ. Bên trái là con đường vừa qua với một dãy nhà gạch lô xô nhìn ra hồ.
Bên phải một vài tòa nhà xây kiểu lâu đài cổ, xa hơn đường Cổ-ngư với hàng cây
thấp như một nét mờ tạm chia mặt hồ mênh mông. Khu Ngũ-xã nằm trũng giữa bốn
mặt hồ như một hòn cù lao, những tường phố hẹp ngắn giao nhau thẳng góc, điện
đường mờ tối như một thị trấn tí hon. Mọi nhà đều đóng chặt cửa. Bích dẫn Thạch
loanh quanh, lúc ghé mắt vào sát những khe cửa gỗ ghép, lúc đứng ra giữa đường
kiễng chân nghển cổ nhận định phương hướng. Có lúc bất ngờ tới sát ven hồ,
tiếng nước vỗ bì bọp vào bờ cỏ, hơi lạnh dưới hồ bốc lên theo gió và sương tím
bạc ngoài khơi rộng. Một vài tiếng chó tru hoảng hốt. Bích mất kiên nhẫn lẩm
bẩm vu vơ: “Tối khó tìm quá. Cuối cùng Bích gõ cửa một căn nhà đã qua lại mấy
lần. Ở trong nghe lích kích rồi đèn bật sáng, người ta mở ra trong mặt cửa gỗ
một khoảng tròn bằng bàn tay, thò một cặp mắt và cái mũi đàn bà ra hỏi: “Ai
thế?” Bích nói: “Tôi hỏi thăm đây có phải nhà chị Liên không?” Thạch ghé bên
tiếp lời: “Nhà bà Tích”, bên trong đáp: “Không phải nhà này” và cái lỗ tròn
đóng ngay lại cùng với tiếng lằn nhằn. Bích thất vọng nói: “Chắc dọn nhà chỗ
khác rồi. Để hôm nào tôi gặp chị ấy tôi nhắn hộ anh”. Thạch lắc đầu đáp: “Vô
ích ngày kia ngày kìa là tôi đi rồi”. Bỗng nhiên không đừng được Thạch bụm tay
vào miệng kêu to: “Liên ơi”. Tiếng gọi chạy dài dãy phố, hoảng hốt vang ra
ngoài mặt hồ như tiếng hú hồn người chết đuối. Một con mèo ở phía sau Thạch sợ
hãi nhảy vọt tới trước chạm vào Bích. Bích lùi vội vấp vào viên gạch loạng
choạng, đưa một tay bụm miệng để ngăn tiếng sợ hãi: “Anh làm tôi giật nẩy mình”.
Tiếng gọi vọng vào sâu trong Thạch như một phiến đá lăn xuống, xô động những
phiến đá khác làm thành cơn lở núi. Tâm hồn Thạch dồn dập những đau tủi nóng
nảy phẫn nộ, lúc buổi chiều đã nén ép được, giờ lại bồng bột dữ tợn mạnh mẽ
hơn. Thạch quên hẳn người đứng gần. Bích tiến tới trước mặt Thạch bảo: “Bây giờ
tôi phải về”, Thạch bâng khuâng: “Vâng, tôi đưa cô về”. Bước vào cầu, Thạch
quay người đợi Bích nhìn khu Ngũ-xã tối tăm hoang vắng như một giấc mộng nào đã
quên, Thạch bải hoải tâm thần. Hai chiếc xích lô còn gác đợi bên cống nước
thành phố chảy xuống hồ, trong yên tĩnh tiếng ì ẩm nặng nề của nhà máy đèn vọng
đến gần hơn. Hai xe chạy song song giữa đường, Bích ngồi ngay ngắn ôm cái làn
mây trước ngực như để che bớt những ngọn gió đêm đang thổi là mặt đường. Đường
về dài thêm vì Bích bảo xe chạy tránh phố đường Thành đi vào phố Tiên-sinh lên
hàng Da, rạp chiếu bóng Olympia vừa tan đổ ra vỉa hè vài mươi người khách trong
phố khuya. Thạch không biết phải gợi chuyện gì nói với Bích để quên sự trống
rỗng sâu thẳm trong ký ức. Mãi đến khi tiễn Bích vào nhà Thạch mới nói: “Cám ơn
cô, tôi làm phiền cô nhiều quá”. Bích hơi nghiêng đầu như từ chối lời khách sáo
và vẫn không cất bước có ý chờ đợi Thạch nói thêm. Thạch nghĩ ngợi mông lung và
bất thần nói mau: “Nếu cô gặp Liên làm ơn nói hộ không bao giờ tôi quên được
Liên cả”. Sau đó cúi đầu chào Bích, bỏ đi trong khi Bích chưa rời chỗ đứng.
Thạch trở về gian nhà trống với mối hy vọng ngây thơ thấy Liên đang chong đèn
chờ đợi, Liên trốn khỏi tay Tích về với Thạch. Ảo tưởng ấy khiến Thạch bồn chồn
nhấp nhỏm trong sự tuyệt vọng não nề. Chiếc đèn dầu soi lên những đồ đạc nghèo
nàn bụi bậm. Thạch đang ở trong nhà, căn nhà của tôi, Thạch cười một mình chua
chát, chỉ là kỷ niệm. Tôi không có gì hết, tôi cứ phải đi tới trước mãi bởi
người ta chỉ để lại cho tôi sự hư vô của kỷ niệm. Thạch đứng bên cửa sổ nhìn
mấy con chuột cống chạy quanh đống rác trên bãi đất trống, mặt ao im lìm với
giọng côn trùng trong bờ bụi, xóm nhà lá không đèn đóm. Thạch nằm xuống giường,
chỉ còn biết nhớ, nhớ lại đêm đầu tiên quyết định ở lại trong nhà này, nỗi e dè
ngượng ngập của hai đứa khi sát cánh nhau, khuôn mặt chan hòa hạnh phúc của
Liên bình yên như mặt biển lúc rạng đông khi Thạch mang hai đứa trải qua cơn
dục tình êm như lửa mát. Thạch vùng dậy vì không ngăn được trí tưởng tượng tới cảnh
Tích đang trả thù hành hạ Liên ở ngay chính phần sâu kín của thân thể nàng, cái
hình hài còm cõi bệnh hoạn của Tích đang bầy
ra những biến chứng dâm loạn làm nhục Liên. Tôi không làm gì được hết sao? tôi
không làm gì được hết sao?
Sáng hôm sau
Thạch tới trại trình diện, nhận lệnh về một đơn vị đồn trú ở Hưng yên. Thạch
toan lên đường sớm hơn kỳ hạn nhưng rồi Thạch thay đổi ý kiến, nhảy tàu điện
xuống Ngũ-xã, tìm quanh quẩn vu vơ gần hết buổi mai, Thạch qua lại gian nhà
Bích đã gõ cửa đêm trước chỉ thấy một người đàn bà lạ mặt ngồi trong ngôi hàng
tạp hóa nhìn Thạch bằng cặp mắt nghi ngờ. Thạch đi giữa hàng đá xanh lồi lõm
không gặp xe cộ, chỉ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đạp hay xích-lô chạy nhấp
nhỏm ngoặt ngoẹo, như một người mới tới cư ngụ dạo thăm khu vực của mình, theo
sau một đám trẻ dong chơi bắt chuồn chuồn để câu cá. Bọn trẻ đến bên bờ hồ ngồi
lại, còn Thạch trở lui ngược đường cũ và dòm ngó xung quanh. Thạch gặp Bích
đang chuyện trò hỏi thăm người đàn bà trong hiệu tạp hóa. Nàng mặc áo màu hồng
nhạt nổi trên nền những mầu chết trong gian nhà. Trông thấy Thạch đứng đợi bên
đường đối diện, Bích bối rối. Thạch tiến sang cúi chào Bích và hỏi: “Chắc là
Liên không còn ở đây nữa phải không cô?” Bích đáp: “Vâng”. Thạch lại nói: “Tôi
làm phiền mất thì giờ của cô quá”, Bích nói: “Không có gì. Chính hôm nay tôi
cũng có việc cần gặp chị Liên”. Thạch vội vàng chụp lấy cơ hội: “Cô cho tôi
theo cô tìm Liên được không?” Bích lịch sự lắc đầu: “Tôi cũng còn nhiều việc
riêng sợ anh đi cùng không tiện. Anh cứ yên tâm, gặp chị Liên thế nào tôi cũng
nhớ lời anh dặn. Nếu tôi gặp chị ấy trong ngày hôm nay tôi sẽ bảo chị ấy tới
tìm anh, chắc chị ấy biết chỗ ở của anh”. Thạch buồn bã: “Liên không thể tới
được”. Bích nhìn Thạch căn vặn, Thạch yêu cầu: “Cô làm ơn giúp tôi một lần nữa,
cô hỏi giùm tôi địa chỉ mới của Liên, tôi muốn tới đấy tiện hơn”. Bích nghĩ
ngợi một chút mới trả lời: “Tôi sẽ hỏi giúp anh”. Thạch mừng rỡ cám ơn: “Mai cô
có nhà vào lúc nào? Tôi chỉ còn ở Hà-nội ngày mai và ngày kia nữa thôi”. Bích
hẹn: “Trưa mai anh tới chắc tôi ở nhà”. Từ biệt Bích, Thạch vượt con dốc dải đá
lên đường vòng xuống Cổ-ngư, con đường vắng vẻ gió lộng, nước hồ biếc lạnh.
Vườn Bách-thảo, cây cối vẫn rợp cành lá mặc dầu dưới mặt đường đã ngổn ngang
những lá vàng lăn chạy. Dưới hồ sen những tàn lá úa héo lềnh bềnh sơ sác, nước
trong vắt. Leo lên con dốc Quần-ngựa nhìn mặt hồ Tây, khu Thụy-khuê nhà cửa
chạy dài với những vườn cây dưới thấp, và xuống nhà Đồng bằng ngõ cửa vườn sau.
Thạch ngạc nhiên vì sự có mặt của An và Cảnh trong nhà Đồng. Cả ba đứa đón
Thạch bằng một vẻ nghiêm trang. Đồng hất cầm bảo: “Biết thế nào nó cũng lên mà”,
Thạch hỏi: “Chuyện gì thế?” Vừa lúc ấy u già bưng đặt lên phản một mâm cơm
thịnh soạn, mẹ Đồng đi theo ở bên. Đồng nheo mắt với Thạch: “Hiểu chưa?” Cảnh
nói tiếp: “Nó đặt tiệc tiễn cậu đấy”. An nói với mẹ Đồng: “Hôm nay chúng cháu
họp mặt tiễn anh Thạch, cụ cho phép chúng cháu uống rượu”. Thạch tán thành: “Phải
đấy”. Đồng gật gù bảo: “Trừ mỗ”. Thạch vỗ vai An: “Còn tao với mày càng hay”.
Khi rượu đã bốc đỏ nhừ mặt, Thạch hắng giọng hỏi An: “Tại sao mày lại để tặng
tao câu chuyện mày viết?” An giật mình nhìn Thạch rồi đáp trỏng: “Quên mất rồi”.
Thạch vẫn chưa buông tha, hỏi bằng giọng khiêu khích độc ác: “Mày cho là tao
điên chăng? Mày nhầm, tao không điên đâu”. An xua tay bảo: “Cậu say rồi, không
nói chuyện ấy nữa”. Thạch hứng chí làm quá ra cái điệu bộ ngất ngưởng: “Ừ, say
rồi, chúng mày ạ. Say thật. Nhưng tôi bảo thật với các cậu nghe tôi đang muốn
tự tử như thằng An nó viết rủa tôi”. Đồng cười hả lên: “Nó mà tự tử? Thạch, cậu
không nhớ ngày nhỏ còn đi học chúng tớ gọi cậu là gì à: Thiết-đầu-đà. Nó đánh
nhau chuyên môn húc đầu vào bụng người ta, thỉnh thoảng nó lại biểu diễn húc
đầu vào tường cho chúng tớ xem. Đầu cứng thế làm sao mà tự tử chết nổi”. Cảnh
chậm rãi phát biểu ý kiến: “Thế không phải là cậu đã tự tử từ lâu rồi à? Tôi
tưởng cậu chọn một lối chết cho hợp thời đại”. Thạch dần chén xuống phản quắc
mắt: “Chưa đâu? Chưa đâu? Nói đùa thế đừng vội mừng. Đầu tôi còn cứng lắm, chết
thế nào nổi phải không Đồng?” Thạch chỉ ngón tay vào trán mình. An lên tiếng: “Sự
mê sảng của nó chính là cái mặt nạ của sự tỉnh ngộ sáng suốt, nó không tự tử
đâu”, Thạch bất ngờ đập mạnh vào vai An khiến đổ cả chén rượu An đang cầm trên
tay: “Mày sẽ là một nhà văn có tài, không phải thứ thi sĩ mơ mộng si tình bệt
như thằng Đồng”. Đồng nhe răng cười hưởng ứng câu nhận xét của Thạch. Cảnh quay
lại bảo An: “Tôi cũng nghĩ cậu là một nhà văn có tài, nhưng coi chừng sau này
cậu đến lại phải viết tiểu sử thằng Thạch mất thôi”. Thạch trả đũa gay gắt: “Hay
là cả thằng An lẫn thằng Đồng đều phải viết văn làm thơ ca ngợi cậu? Này, tớ
bảo các cậu, An và Đồng ạ, thà các cậu viết về tớ các cậu còn có quyền thương
tớ hay chửi tớ hay ghét tớ chứ viết để ca ngợi thì e không ngửi được. Phải
không? Mà thật tình thì tớ muốn nghe các cậu chửi tớ. Ông ghét đứa nào thương
ông lắm, Đồng ạ. Mỗi thằng hãy tự thương lấy mình ấy”. Đồng cười hề hề: “Nghe
nó nói sướng không? Ai mà thừa hơi thương một thằng khùng như cậu”. An về hùa
với Đồng tiếp ý: “Nó làm điệu của Nietzsche đấy, Surhommes, Salauds, tous”. Thạch nốc hết cặn rượu trong cốc thấm
thía, như có những mũi kim nhỏ châm trên da mặt làm đầu lảo đảo nặng nề. Rơi
đột ngột xuống vùng buồn bã. Nước dãi ứa ra đầy miệng, Thạch nghiêng đầu nhổ
toẹt xuống đất, cầm khăn hỷ mũi nhớt: “Chúng mày nói đúng, tao chịu. Thôi bây
giờ thằng Đồng hát cho tao nghe. Mày hát cái bài gì mà Hà xưa kia hát khi hai
đứa mày ngồi trên đống rơm giữa cảnh đêm trăng trên rừng núi Phú-thọ ấy. Các
cậu ngồi im cho nó hát, tớ ra nằm võng một cái. Chiếc võng bị đẩy mạnh. Thạch
quay cuồng hơn, dấp dim mắt và trông thấy những vòng đỏ đen lộn nhào tới tấp và
khạc nhổ bừa bãi: “Ê, hát đi mày”. Thạch hết oang oang: “Này, còn mấy thằng con
nhà kia từ ngày chơi với chúng mày chẳng khi nào chúng mày nói chuyện tình với
tao cả, chúng mày toàn bàn những chuyện làm tao điên đầu không à? Cảnh! Mày đã
yêu ai bao giờ chưa, nói đi, thú thật đi, tao sợ cho mày refoulé nguy hiểm, nói đi tao giải thoát, tao chữa cho. Còn thằng
con nhà An kia nữa, mày cũng coi chừng cái complexe
d’inceste của mày ạ. Em gái mày khá đẹp, phải gột rửa cho mau không thì mày
sẽ trở thành một thứ văn sĩ bệnh hoạn chuyên viết cho bọn điên trong xã hội
xem, tao không xem đâu. Chỉ có tao được quyền thương bọn mày thôi. An tức giận
vỗ tay xuống phản. Thạch nhơn nhơn: “Hôm nay ông say ông nói cho sướng, mày
không chịu nổi thì tuyệt giao với ông đi cho đỡ vướng. Tao cóc cần, đã từ biệt
thì từ biệt hẳn cho rồi”. Thạch nghe thấy sự im bặt ở quanh mình, tiếng dọn dẹp
mâm bát lích kích, Thạch nghiêng người ngửng đầu nhìn ngoái, suýt lộn xuống
sàn. Chỉ thấy Đồng đang giúp u già xếp dọn bát đũa. Cảnh và An đã bỏ ra ngoài
sân. Thạch đặt đầu xuống nói một mình: “Không đứa nào hát ông hát cho mình nghe
vậy”. Ngâm nga một vài câu thơ nhớ lõm bõm: Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu...
Hoàng hạc nhất khử bất phục phản... Yên ba giang thượng xử nhân sầu... Souvenir, souvenir que me veux-tu? L’automme...
Quel fut ton plus beau jour?... Et je baisai sa main blanche, dévotement...
Thạch thấy mình bị hút xuống giấc ngủ nặng tối đen và quánh đặc như dầu nhớt,
cố ngoi lên hỏi một câu vu vơ: “Đồng, Quel
fut ton plus beau jour?” và trong khi thần trí bắt đầu khởi cơn phiêu lãng,
trong đầu vang vọng tiếng đáp của bạn: “Nevermore”.
Thạch ngủ
vùi đến xẫm chiều mới thức giấc. Miệng khô đắng đầu óc rỗng tuênh toang, nửa
thân ê ẩm. Thạch thấy mình nằm trong giường của Đồng. Nhà vắng lặng như không
người chỉ nghe gió rền rĩ cả một vùng cây cối xung quanh. Mẹ Đồng và u già ngồi
quây quần quanh bếp lửa dưới nhà ngang. Thấy Thạch bước chập choạng xuống sân
bà cụ hỏi: “Cậu Thạch đã tỉnh chưa? Có nước nóng đây cậu rửa mặt cho khỏe”.
Thạch ngượng đáp: “Vâng, cụ cho con xin - Lúc trưa con say quá”. Bà cụ hiền từ
âu yếm: “Khi nào cậu về Hà-nội thì xuống đây chơi với em Đồng cho vui”. Thạch
gượng cười: “Thưa cụ, chứ con biết đi đâu nữa? Con có còn ai quen thuộc ở
Hà-nội đâu”. Đồng từ bên hồ về, mang theo mầu xanh rờn trên da mặt, bảo với
Thạch là bọn An và Cảnh bỏ về từ lúc ba giờ. Bây giờ đã hơn sáu giờ. Thạch hết
lời từ chối bữa cơm chiều, xin phép mẹ Đồng lên phố kịp xe điện. Đồng đưa chân
Thạch ra bến xe. Cuộc sinh hoạt của khu phố ngoại ô đang ở trong giờ chuyển
tiếp, mọi hoạt động của dân lao động lương thiện rút ẩn dần nhường ban đêm cho
các quán rượu của bọn gái giang hồ và bọn lính tứ xứ. Trước khi Thạch bước lên
chuyến tàu điện thưa thớt đã bật đèn, Đồng bắt tay Thạch bảo: “Bonne chance. Cho tôi gửi lời thăm Liên”.
Thạch cay đắng: “Tôi sẽ nói lại với Liên”. Sau khi ăn qua loa một mẩu bánh mì
với đồ nguội trong một hàng quán quen, phải nghe ông chủ quán béo mập ngu đần
vừa nhấm nháp một cốc trứng đường thật to vừa huyên thuyên bàn luận chuyện
chính trị trong nước ngoài nước như một người thành thạo am hiểu nhiều âm mưu
trong hậu trường sân khấu ấy, Thạch lủi thủi trở về nhà tính đi ngủ sớm để quên
nỗi khắc khoải chờ đợi tin tức của Bích sẽ mang tới. Mở khóa cửa, đánh que diêm
lên soi lối, Thạch sửng sốt trước cảnh nhà trống trơn. Đồ đạc đã dọn đi hết,
nền nhà vứt tung mấy tờ báo cũ rách. Trong một góc còn một cái hòm sữa lật
nghiêng. Thạch chạy sang hỏi thăm người hàng xóm. Người đàn bà nhìn Thạch ái
ngại cho biết buổi trưa nay một trong những người có mặt lúc bắt Liên—Tích,
chính nó—đã mang xe nhà binh tới dọn đồ đạc trong nhà. Thạch ức đến tận cổ, cắn
chặt hai hàm răng, cằm bạnh ra, mồ hôi vã trong khi gió gây lạnh ở ngoài. Chưa
lúc nào Thạch nhận thức rõ ràng hơn lúc này cái cảm giác trần truồng tủi cực.
Bây giờ Thạch lại đi dông dài trong các phố như một con chó biết nó sắp điên bỏ
tránh những người thân yêu tìm chỗ khuất chờ cơn dại tới để chết, người bứt rứt
lồng lộn bị vây giữa cảnh náo nhiệt tưng bừng lãnh đạm. Đầu phố Cầu-gỗ, một tên
ma-cô chìa cái kính dâm mời Thạch mua rồi mời chơi gái. Thạch chợt nảy ý bảo nó
đưa Thạch tới tiệm hút. Nó đưa Thạch qua ngõ Gia-ngư, ngõ hàng Bạc, quanh hết
mấy tiệm hút trong khu ngõ Sẩm-Công, hàng Giầy, Quảng-lạc. Đường bẩn thỉu hôi
thối mùi cống rãnh, ngõ vào nhà tối tăm, nhớp nháp, cầu thang gỗ ẩm mốc ọp ẹp.
Những căn gác chật đèn đóm tù mù nồng khói thuốc. Thạch đứng lại ở các ngưỡng
cửa, nhìn ngó khắp lượt bọn khách nghiện nằm co quắp ngang dọc. Một bọn ma nằm
chung trong một nhà mổ công cộng. Những mẩu chuyện không đầu đuôi được nói bằng
thứ giọng vừa đủ nghe dai dẳng. Lẫn trong tiếng trống quảng cáo dồn dập dưới
một rạp tuồng nổi giọng ngâm thơ của một mụ đàn bà nghiện, chán chường bệ rạc,
có lẽ đó là một thứ cô đầu già: Đời đáng
chán hay không đáng chán? Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm... Ở ngay bên
chân Thạch, một gã thanh niên mặt mũi còi cộc không thể còn già thêm được nữa
ngửa mặt nhìn Thạch mà như ngó vào hư không cất tiếng phụ họa bằng thứ giọng
khinh bạc lộn ruột: Em ơi lửa tắt bình
khô rượu, đời vắng em rồi say với ai. Tên ma-cô ghé vào tai Thạch thầm thì
giới thiệu với vẻ kính trọng: “Đây là chỗ của các ông nghệ sĩ đấy cậu ạ”. Thạch
lắc đầu. Tên ma cô bắt đầu sốt ruột. Thạch bảo cho nó biết mình không hút chỉ
cốt tìm một người quen, và Thạch hỏi nó có biết ai tên là Tích hay không. Nó
kêu trời và bảo: “Sao cậu không nói với cháu lúc nãy, cháu biết cái trụ sở ấy
mà”. Nó đưa Thạch sang phố hàng Chiếu gần Ô Quan-trưởng. Dọc đường thỉnh thoảng
nó liếc trộm Thạch, băn khoăn không hiểu Thạch thuộc loại người nào. Bộ quần áo
ka-ky của Thạch mới may nhưng mặc mấy ngày nay đã nhầu nát, mặt Thạch đen đủi
lầm lì, đầu tóc cắt bờm xờm. Ngập ngừng mãi tên ma-cô gợi chuyện, nó làm vẻ
thân mật nháy mắt đểu cáng: “Chắc cậu đi tìm của quý chứ gì? Chỗ ấy là động
Thiên-thai ấy cậu ạ, đủ tứ khoái. Tích nó đóng đô ở đấy cả bốn mùa”. Thạch gạt
ngang: “Tao chỉ cần gặp nó. Mày vào mời nó, bảo có người nhà muốn gặp nói câu
chuyện cần, tao đợi ngoài này”. Tên ma-cô ngần ngừ e ngại, Thạch dúi tiền trả
công cho nó, tên ma-cô bước vào một gian nhà có mặt ngoài lương thiện như những
nhà khác. Mấy phút sau Tích bước ra vỉa hè với tên ma-cô, tên này chỉ chỏ sang phía
Thạch đứng. Thạch khôn ngoan đứng lấp nửa mình sau thân cây chỉ để Tích trông
thấy nửa lưng của mình. Tới sát gốc cây Tích mới nhận ra Thạch. Thạch mỉm cười
dữ tợn, vẫy tay ra hiệu đuổi tên ma-cô. Tích bị bất ngờ nên bối rối nhưng hắn
vẫn giữ vẻ điểm nhiên tự tin, hỏi giọng trịch thượng dọa nạt: “Anh muốn gì?”
Thạch tiến nhanh lên hai bước nói: “Muốn cái này” đồng thời đập mạnh vào mặt
Tích. Tích chỉ kịp kêu: Ối, bưng tay lên mặt, lảo đảo va người vào gốc cây.
Thạch nắm lấy ngực áo Tích kéo tới. Thạch vừa đánh vào đầu Tích cái thứ hai thì
hắn gạt được tay Thạch bỏ chạy. Thạch hùng hổ đuổi theo và bắt kịp Tích ở bên
nhà tắm công cộng đầu Chợ Gạo, đoạn đường chạy đuổi khơi lên cơn giận điên của
Thạch. Nắm lấy gáy Tích, Thạch đánh đập không thương tiếc, trong cơn hăng máu
Thạch ngập ngụa vào sự vui sướng dã man. Người đi đường dừng lại nhưng không ai
vào can thiệp. Thạch nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi lạ lùng: “Anh Thạch, Anh
Thạch. Buông ra”. Trong khi ấy Tích cắn vào cánh tay Thạch, Thạch nổi sung thúc
đầu gối vào bụng Tích, hắn hự một tiếng khom người xuống, Thạch bồi thêm một
khuỷu tay, lên lưng Tích, hắn từ từ ngồi bệt xuống đường dựa lưng vào tường của
khu nhà tắm rên rỉ. Thạch đứng lặng vài giây. Xung quanh tiếng xì xào bàn tán.
Có ai kéo tay Thạch. Thạch lầm lũi bước nhanh về phía bờ sông vắng. Rồi Thạch
hồi tỉnh dần dần. Vài giọt mưa bay quạt vào mặt Thạch. Thạch nhớ ra cái tiếng
gọi tên Thạch vừa rồi, tuy không hềcầm
liếc nhìn kẻ đã dật tay mình, Thạch cũng tự nhiên trông suốt lạ kỳ, kẻ ấy là
Bích. Bích đứng ở đấy rõ rệt. Sự hiện diện đột ngột của Bích lúc ấy, Thạch cảm
thức hiển nhiên. Thạch tự hỏi: tại sao Bích lại có mặt ở chỗ ấy? Nhưng bây giờ
trước sau Thạch không một bóng người. Con đường bờ sông rộng tối qua những ánh
đèn giăng đường đang mờ mờ một cơn mưa bụi đầu thu. Thạch tới ngồi ở bực thềm
viện bảo tàng Finot. Màn mưa mỏng vẫn buông êm ngoài trời như một tấm lưới giam
giữ. Sau lưng Thạch là tấm cửa cao dầy của tòa nhà; trước mặt là cái công viên
hình tam giác, một vài đám cỏ xén, lối đi ngắn trải sỏi, ghế đá, con đường bờ
sông bóng lên dưới ánh đèn nghiêng chao, con đê cỏ rậm ẩm ướt, vỉa hè rộng,
hàng cây lâu năm và dãy nhà tối mịt; cuối tầm mắt là khúc quanh ở cột Đồng hồ.
Giữa viện bảo tàng và nhà Hát lớn là con phố nhỏ vắng, nơi năm trước vào buổi
sáng tinh sương một người đàn ông đã cầm dao đâm chết một người đàn bà. Một vụ
án mạng vì tình. Thạch rút khăn tay lau những giọt nước đọng trên mặt tự hỏi
phải làm gì nữa. Đầu óc trống vắng lạnh lẽo như cái khu vực quạnh hiu nhiều
bóng tối này. Thạch có cảm tưởng như mình đã đi khỏi Hà-nội, xa nó lắm rồi và
đang nhớ về nó. Hà-nội sâu đục như một khối cẩm thạch xám, chôn giữ trong nó
một đoạn đời dài chán nản phiền muộn bất mãn. Liên, Liên vẫn ở quanh đây. Nhưng
Thạch không còn đủ can đảm chạy cuồng qua những ngày tháng trắng bệch, qua
những phố phường sắp xếp nhỏ bé, Thạch nhìn rõ hết một lúc không trừ ngõ ngách
nào, như món đồ chơi của trẻ con để kiếm Liên. Tôi bỏ cuộc, tình yêu đã chết.
Liên, bất giác Thạch thốt lên, rùng mình như đêm nào giữa phố khuya. Không còn
bàn tay Liên mềm lạnh như con chim ướt cánh, chỉ trơ lại bàn tay tôi ê ẩm trong
cơn hung bạo muốn kéo dài. Thạch đi dọc theo phố Trường-tiền, rẽ xuống hàng
Kèn, về Hai bà Trưng đến nhà Cảnh. Nấm mồ công cộng âm u bên cạnh tòa án. Nhà
Hỏa-lò tường đá cao ngất. Thạch ngăn giữ sự suy nghĩ bằng cách đắm chìm vào
trong quá khứ lềnh bềnh ở trước mắt. Lần cuối cùng sống nốt những dư vang của
khúc nhạc đã tắt, ngoài thân xác, ngoài ý thức. Thạch gặp bọn Đồng, An, Cảnh ở
đầu ngõ vào nhà, những hình dáng quen thuộc dễ chịu, kéo nhau vào hiệu cơm
tháng của Cảnh uống cà-phê. An trình bày về khuynh hướng văn chương mới của
Âu-châu, tóm tắt những tác phẩm mới đọc. Rồi ba đứa thảo luận về sự có cần
thiết hay không một chế độ vô sản chuyên chính, Thạch ngồi nghe không phát biểu
ý kiến, chiếm cái vai trò thường lệ của Đồng và Đồng cãi với Cảnh say sưa nói
đúng những ý nghĩ của Thạch. Tới nửa đêm cả bốn về ngủ trong buồng Cảnh. Tấm
phản được dựng vào tường lấy chỗ trải chiếu xuống gạch. Khoảng ba bốn giờ sáng,
nước chảy mạnh róc rách trên cái bồn của cầu tiêu, ống dẫn nước ở góc tường hở
chảy ướt một nửa buồng. Cả bọn phải thức dậy tìm cách lấp lỗ hổng, sau nhà.
Ngày hôm
sau, Thạch không tới nhà Bích theo lời hẹn để biết tin Liên, về nằm nhà Đồng.
Sáng hôm ra đi, mẹ Đồng dọn cho mỗi đứa một khúc bánh mì, một cốc sữa nóng.
Thạch vừa ăn vừa nghĩ mình cũng là con bệnh như Đồng vậy. Thạch mặc bộ quần áo
nhà binh mới, Đồng cười ầm lên đến chảy cả nước mắt. Đồng đưa Thạch ra bến Nứa,
lên xe, theo đường Cổ-ngư, đê Yên-phụ. Thạch nói: “Cuối cùng tôi chỉ còn mình
cậu”. Đồng hỏi: “Liên đâu?” Thạch mỉm cười. Liên đâu? Liên đâu trong Hà-nội đó,
trong quá khứ đó. Cánh cửa quá khứ dần dần khép lại, Liên ở lại phía trong. Ở
dưới đáy thân của tôi như nỗi chết không rời. Tránh sự ồn ào của bến xe trong
khi chờ đợi. Thạch và Đồng đứng trên đê nhìn xuống bãi Phúc-xá. Mùa thu sắp về
đây nay mai. Sông Cái nước siết trôi phăng. Và Hà-nội vẫn đẹp, cái vẻ đẹp rũ
rượi của người yểu mệnh. Nhưng lúc ấy Thạch không còn ở đấy nữa.
Liên, Liên.
Đến khi nào chúng ta gặp lại được nhau. Đó là ý nghĩ của Thạch khi xe lượn lên
dốc cầu Long Biên. Merde.
No comments:
Post a Comment