27/11/2024

Ung thư phần thứ tư - Chương II


Ra khỏi rạp chiếu bóng Liêm nhẹ hẳn người, phố khuya thoáng mát mẻ hơn, đứng ngoài vỉa hè nhìn đám đông tản mác. Hải ra sau ngơ ngác tìm kiếm, Liêm gọi: Hải. Hải. Hải vừa đi đến vừa hỏi: “Anh khát không?” Hiệu kem gần rạp còn mở, máy vẫn chạy đều không nghỉ, một số khách vừa trong rạp ra đã ngồi chật bàn. Hải đứng lại mua kem, bảo: “Nóng quá, vừa nóng vừa khát”. Trên hè vắng dần người, cửa sắt của rạp chiếu bóng được kéo đóng lại, kêu rít. Hải nhìn ra đường nói: “Sài-gòn giờ này vẫn còn vui. Hà-nội mình nhỏ thật. Khác hẳn. Hôm mới về tôi hơi bỡ ngỡ”. Qua một căn nhà còn hé cửa, ánh đèn chiếu ra ngoài hè, Hải dừng lại lắng nghe tiếng máy phát thanh khẽ vẳng. Tiếng nói đều đặn xa xôi lẫn trong những nhiễu âm chíu chít. Hải quay nhìn Liêm đang đứng đợi: “Chưa có gì mới lạ cả”.

Liêm tự hỏi mình có chờ đón biến cố ấy không, biến cố mà mọi người đều bàn tán mong mỏi lo âu. Những người ở trong xóm đi làm cho nhà binh Pháp trong thành, bên phi trường Gia-lâm lo ngại bị giải công; ông San dự tính thu xếp gia đình sẽ trở về quê sống; ông Phạm, một bữa Liêm ghé thăm, đang lo thanh toán công việc rời cơ sở gia đình vào Sài-gòn, ông nghĩ bỏ hẳn việc đang làm, chiếc máy in tháo rời các bộ phận sửa soạn đóng thùng gửi đi. Hôm Hải về đến Hà-nội, cách đây bốn hôm, Liêm ra hãng hàng không đón xe; trên chiếc xe ca đưa hành khách vào thành phố Hải ngồi cạnh ông Kiêm, lúc xuống xe đợi lấy hành lý ông Kiêm bảo Hải: “Cháu nên nghĩ kỹ lại. Hôm nào đến bác chơi. Nói với mẹ cháu bác gửi lời thăm”, ông cũng dặn Liêm đến cùng với Hải và hỏi: “Anh còn thích hoạt động không?” Ông Kiêm được phóng thích sau Tết, còn ở lại Sài-gòn dự Đại-hội toàn-quốc rồi sang Pháp, tình cờ về cùng chuyến phi cơ với Hải; ông nhận ra Hải trước, trách Hải trong mấy năm đã không thành thật với ông, dù sao không thể nào ông quên được những người bạn đã chết. Hải nói với Liêm, ông Kiêm chắc chắn sắp được mời vào chính phủ, ông hy vọng và chờ đợi biến chuyển của tình thế. Hải phê bình: “Anh thấy rõ chưa? Đến bây giờ mấy ông quốc gia mới lo đòi độc lập với Pháp. Chắc chắn là tôi phải đào ngũ; Tôi cũng mong cho nó nhanh nhanh dễ cho tôi”. Hải trông khỏe, đen, nhanh nhẹn, có vẻ từng trải, trưởng thành. Câu đầu tiên khi chỉ còn hai người đứng với nhau trên hè phố, Hải hỏi: “Anh không còn liên lạc với anh Thái, anh Ngọc nữa phải không?” Liêm gật đầu, thúc giục Hải lên xe về nhà, bà cụ đang mong ngóng. Hải được nghỉ phép nửa tháng trước khi đổi vào Huế, Hải sẽ không đi, bà mẹ không có ý kiến chỉ bảo cậu ở đâu tôi ở đấy. Liêm còn chần chừ chọn ngày từ biệt gia đình Hải, ông Phạm đã hứa sẽ cho Liêm chỗ ở, ông cần một người phụ giúp trông nom trong khi chuyển dọn đồ đạc xuống Hải-phòng để đưa xuống tàu thủy.

Hai người rẽ vào một con phố rộng xẻ đôi một đoạn ngắn trước nghĩa trang tối âm u. Hải hỏi: “Ở Sài-gòn anh ở đâu?” Liêm nói đến những vùng mình đã hoạt động và Hải không biết, chưa nghe lần nào, những ngày chủ nhật của Hải chỉ quanh quẩn trong mấy phố Sài-gòn-Chợ-lớn và những khu giải trí. “Sài-gòn thật là suy đồi. Tôi đã vào mới thấy những điều mình tin tưởng là đúng. Cái xã hội này cần phải cải tạo. Hà-nội chưa thấm vào đâu”. Liêm bất mãn vì nhận xét của Hải, Hải không nhìn thấy được Sài-gòn Liêm mơ ước trở lại và sống vĩnh viễn. Liêm nói: “Hồi cậu còn ở trong trường, tôi sợ làm hại cậu nên không giới thiệu với cậu những chỗ tôi quen. Nếu cậu đến đấy cậu sẽ nhìn thấy Sài-gòn khác hẳn”. “Tất nhiên. Tôi hiểu như thế. Tôi muốn nói về một tình trạng…” Khoảng đất trống tối om, cổng chùa quét vôi trắng hiện lờ mờ không hình thù, ngõ vào nhà khai nồng. Liêm hỏi khi đi ngang gần ao rau muống bên nhà: “Cậu có định đến thăm ông Kiêm không?” “Không”. “Tôi định đến thăm ông ấy. Cũng chẳng sao. Mình có cầu cạnh gì đâu mà sợ. Cậu đi với tôi cho phải phép. Ông ấy cũng tốt”. “Tôi không thích nghe chuyện ông ấy nói tức anh ách chẳng lẽ lại cãi nhau”. Ở trong nhà bà mẹ Hải còn thức, mở cửa. Hải nói tiếp: “Lúc nào ông ấy cũng mang bố tôi ra dọa tôi. May là ông ấy chết rồi, đến ông ấy còn sống ông ấy cũng chẳng làm cho tôi đổi ý nữa là...” Liêm thôi không nói, đứng lại ở gần ngoài, tìm thau múc nước rửa mặt, ngửa cổ nhìn trời lốm đốm sao, nghe bà mẹ nhắc Hải lời hứa đưa bà đi thăm mộ con gái.


Bích nằm im, lưng mỏi nhừ, nghĩ lờ mờ: thế cũng xong một ngày giỗ, từ giờ đến cuối tháng còn một lần nữa... Nhà chật, ở chung chạ, trong bếp thì chật ních ỏm tỏi, trên nhà bừa bộn bày ra hai ba mâm dọn dẹp đến nửa đêm mới xong; bà cụ vừa làm vừa gắt gỏng bọn trẻ con đùa nghịch vướng cẳng, la mắng bọn con gái vô tích sự, đay nghiến ông cụ cả ngày chỉ biết nằm dài bên bàn đèn, cuối cùng khi mâm cơm cúng dọn lên bàn bà tủi phận hờn dỗi ngồi khóc trong bếp bảo con: Ra gọi bố mày mặc áo vào lễ đi. Không hiểu sao bà vẫn nhớ những ngày giỗ, ngay cả những ngày họ hàng không ai nhớ đến? Trong nhà đã yên lắng, không khí bị đè nén dưới hơi nóng của đêm hè. Chiếc ra-đi-ô cũ đặt ở đầu giường ông cụ vọng ra một chương trình nhạc khiêu vũ liên tiếp, ngọn đèn dầu đã tắt, ông nằm đón nghe bản tin tức cuối cùng của đài con Nhạn, ông ngủ chung với hai đứa em giai. Trên phản gần cửa sổ ngoài, bà cụ nằm với ba đứa khác luôn tay quạt phành phạch. Mai nằm cạnh thở đều đặn, nhưng chắc chắn chưa ngủ, nó đang nghĩ ngợi mơ mộng một mình; buổi chiều trong khi nhà bận tíu tít nó biến mặt mấy tiếng đồng hồ, Bích tin chắc Mai đến nơi hẹn với tình nhân, lúc trở về mặc bà cụ chửi rủa, nó cúi mặt không cãi lo tiếp tay dọn cỗ. Nó đã lớn mười bảy tuổi, bắt đầu yêu, không che được mắt Bích. Bích tự hỏi: người yêu của nó như thế nào?

Bích trở mình, lưng áo vừa thay sau khi tắm rửa đã thấm mồ hôi. Trên gác thoáng vọng tiếng cười nô. Một người từ nhà ngoài đi vào bếp, ngang gần nơi đầu phản nằm. Trong bóng mờ, ngực áo trắng của Mai phập phồng giấu kín một niềm vui riêng. Bích nghe da rít nhờn, muốn trở dậy sối nước tắm và rủ Mai ra ngoài hè ngồi hóng mát; giờ đã khuya, cửa ngoài đóng chặt, chỉ còn có thể ngồi ở sân sau nhìn lên một khoảnh trời nhỏ. Trong ra-đi-ô, bản tin tức bằng tiếng Pháp do một cô đầm đọc Bích nghe chẳng hiểu gì, chỉ thỉnh thoảng bắt chợt được một vài tên Việt-nam lơ lớ. Bất chợt nghe tiếng bà cụ hỏi vọng sang về công việc hàng họ trong ngày. Bích nói: “Con đang tính vài hôm nữa xuống Nam- định một chuyến... Nghe nói xe đạp bán dễ lắm. Để xem tình hình thế nào”. Bà cụ im như đang ngẫm nghĩ tính toán. Bản tin tức hết, ông cụ tắt máy, chui ra khỏi màn sỏ chân vào guốc đi đến bàn rót nước uống. Ông bảo Bích: “Mày phải cẩn thận. Lúc này là hỗn quân hỗn quan không biết đâu mà lường. Lỡ một cái thì khổ”. Bích nghe một tiếng cười ngắn không phải của mình, Mai vẫn nằm im làm bộ như ngủ say. Ông cụ lép nhép trong miệng, trở về giường. Mọi lần thế nào bà cụ cũng lên tiếng đối đáp nhưng cơn giận dỗi vẫn chưa tan, bà im lặng đợi ông vào trong màn mới tiếp tục hỏi chuyện Bích. Bà lo lắng không hiểu tình thế bấp bênh này kéo dài đến bao lâu, những chỗ quen thường giao hàng cho hai mẹ con bán trước trả tiền sau bây giờ đều đòi phải trả tiền trước, những chỗ tiêu thụ không chịu đưa tiền khi chưa nhận được hàng.

Tiếng bà cụ thưa dần, nặng chìm, tay quạt uể oải. Bích mở mắt trông lên đình màn trắng, xua đuổi những ý nghĩ lẩn quất như đám muỗi vo ve ngoài màn. Đêm đứng nặng không trôi, ngày tháng bị kéo trì u uất. Mai cựa mình quay nghiêng mặt, hơi thở thổi bên vai Bích. Một lát bỗng nghe tiếng hắng giọng khô khan của ông cụ, rồi bà cụ lên tiếng hỏi giọng tỉnh táo: “Lúc nãy ông nghe tin tức có gì không?” “Vẫn còn đang điều đình, chưa xong”. Bà cụ thở dài, lại im; ông cụ không nói thêm. Bích nằm ở phản giữa, khát nước nhưng ngại dậy uống phải nối thêm câu chuyện buồn tẻ. Bích nhắm mắt, mường tượng đến một phong cảnh nhiều cây cối dỗ giấc ngủ nhưng biết rằng giấc ngủ chưa đến…


Từ trên bao lơn nhìn xuống, hồ Halais sáng mờ không một ngọn gió. Một góc hồ gian nhà sàn gỗ trắng cho thuê thuyền lẫn trong đám cây đen đặc; Con đường đất bên kia hồ chạy ngang xóm nhà lá thưa, đầu tiếp giáp với phố ngôi nhà lầu ba từng mới dựng xong nổi hiện trong ánh đèn đường lác đác. Sự im lặng như dồn tới từ khu Đấu-xảo, các dinh thự ở phía sau, tỏa lan trong khoảng rộng trước mặt.

Ông Kiêm nắm chặt thành bao lơn bằng đá mài nhẵn, tự nhủ: thành phố sẽ mất không thể cứu vãn. Sẽ mất như khu đồn điền rộng mấy chục mẫu nơi có thể nuôi sống hằng trăm đồng chí trong cả năm, với súng ống trang bị từng chống trả với Việt-Minh một tháng ròng rã. Ông tưởng như sắp khóc, không khí khô nhạt bám trên mặt. Những người trấn giữ đồn điền, số tử trận, số thoát thân lưu vong, số bị bắt, mười tám người bị buộc tội Việt-gian xử bắn ngay giữa chợ Phú-thọ, theo truyền thống đã hô lớn: Việt-nam muôn năm; ông gào lên trong nhà giam: tại sao không bắn tao cùng với các đồng chí của tao? Tại sao? Tại sao một mình ông được trừ lại để may mắn được giải thoát nhờ cuộc hành quân của Pháp? Những người cách mạng thật sự chết sạch, còn lại một bọn đầu cơ chính trị lưu manh.

Thành phố ngủ say, lững lờ, không hi vọng. “Trăm phần trăm là từ vỹ tuyến 17 được cắt cho Cộng-sản. Chỉ còn một cách tổ chức võ trang chống lại. Không thể để mất miền Bắc”. Ông quan sát từng bộ mặt gặp trong các cuộc họp, chờ xem phản ứng, và thất vọng. Khí giới lấy đâu? Tiền ở đâu? Cán bộ đâu? Chiến khu đâu? Liệu Pháp có chịu không? Mỹ có chịu không? Có đủ sức làm được việc gì hay lại thất bại chua cay như quá khứ? Thật chán nản với những bộ mặt quen, nhìn lâu ngày trong các phòng khách, thảo luận về chính phủ tương lai được sự ủng hộ của người Mỹ, lập trường đối với chính phủ ấy, những cuộc vận động của bè nhóm này nọ. Bọn quan lại thối nát, công chức đàng điếm, trí thức lẻo mép hèn nhát, chính trị hoạt đầu, bọn chờ thời cầu an, hãnh tiến, tiết tháo kiệt lực... tập hợp với nhau nhan nhản như bèo Nhật bản. Không tìm đâu được một bạn đồng chí như ngày thanh niên.

“Nếu bố cháu còn sống cũng thế thôi. Cháu vẫn theo con đường đã chọn. Cháu có thể nói thẳng bác và bố cháu đã lầm khi bảo vệ cho một lý tưởng lỗi thời...” Ông Kiêm cay đắng. Hải nói, má nó bạnh ra căng thẳng, giọng vững mạnh u tối lẫn trong tiếng động cơ rung đều; ngoài cửa sổ mây trắng bay từng đùn che khuất mầu xanh thẫm của rừng núi trùng điệp bên dưới. “... cái xã hội mục nát. Cháu đã đủ trưởng thành để suy xét. Thanh niên như chúng cháu không tìm được lòng tin ở nó…” Ông Kiêm nổi nóng: “Cháu chưa có kinh nghiệm gì hết về cái chủ nghĩa gọi là Cộng-sản. Sợ đến khi cháu tỉnh ngộ đã quá muộn. Cháu quên là bố cháu bị thủ tiêu hay sao?” “Cháu không quên. Vấn đề không phải là thù hận”. “Bác không bảo cháu báo thù. Cái chết của bố cháu không phải là một kinh nghiệm cho cháu hay sao?” “Có chứ. Cháu học kinh nghiệm ấy theo một cách khác. Người ta không thể nào vận động để kéo lui lịch sử…” Chiếc tàu lắc lư bay vào trong vùng gió động lùng bùng và những cơn mưa rào ngắn ngủi, ông ngả đầu vào lưng ghế mệt mỏi và già cả. Mặt của Hải nhìn nghiêng, đen đủi, chắc chắn giống bố như hệt; người bố mất tích đã bỏ rơi những đứa con lớn lên trong tay đối lập. Ông Kiêm cười buồn: “Cháu bướng giống như bố cháu ngày trước. Dạo ấy bác đã khuyên bố cháu lánh mặt một thời gian mà bố cháu không nghe”. Nếu Trúc còn sống để nghe những lời của Hải...

Hà-nội sẽ mất, ông Kiêm thở dài, lý tưởng mất theo những người chết không còn ai nhớ tới. Trong nhà giam, ông đã chứng kiến sự chia rẽ của hàng ngũ quốc gia tranh giành ảnh hưởng trước sự khuynh đảo uy hiếp của đối phương. Sài-gòn tan nát trong tình trạng sử quân, đại hội toàn quốc họp dưới sự che chở của một tay anh chị đắc thời. Tình hình bi đát cùng cực, những kẻ khôn ngoan nhất đã sẵn sàng bỏ chạy sang Pháp. Sài-gòn cũng sẽ chẳng còn. Hải có lý của nó, mình đang làm những hành động tuyệt vọng.

Đằng sau lưng, gian phòng mở trong các cửa, đèn tắt, quạt máy quay tít trong bóng tối như tiếng phi cơ ở xa. Ngôi biệt thự hoang tịch như một nhà mồ.


Thạch đứng bên cạnh dãy thùng xếp dài từng đôi trước vòi nước không chảy, dưới chân những bực gạch dẫn lên bến Nứa. Ở trên cùng những bực gạch, cột đèn của phố cao xoay lưng lại và một khoảng trời đốm sao. Cái ngõ ngắn không trải nhựa ướt lẹp nhẹp được soi sáng một đoạn bởi ánh đèn ngoài phố hàng Đậu. Gian gác cửa mở, ánh sáng từ phố trên chiếu chếch vào. Thạch cất tiếng gọi: Anh Nghiêm, anh Nghiêm, rồi im lặng phân vân, lắng tai nghe những tiếng động xa. Anh Nghiêm. Thạch gọi, cảm như không biết làm gì khác hơn để nghe tiếng của mình. Một bóng đàn bà đột ngột xuất hiện trong khung cửa sổ, quan sát vài giây rồi mới lên tiếng hỏi: “Ai đấy?” Có lẽ đó là vợ Nghiêm, Thạch bối rối ngập ngừng: “Tôi. Tôi hỏi anh Nghiêm. Anh Nghiêm có nhà không?” Người đàn bà vẫn đứng im một chỗ. Nhà dưới dường như có tiếng động của một người thức giấc. Người đàn bà biến mất trong khung cửa lúc lâu, Thạch đã định nhảy lên xe đạp đi luôn, đến đâu thì đến, cùng lắm xin vào ngủ nhờ quận cảnh sát.

Thạch giật mình, khi đèn trên gác bật thấy mình đứng phơi trong ánh sáng, nghe tiếng Nghiêm: “Ai hỏi gì thế?” Thạch cố nói lớn át sự ngượng nghịu: “Tôi, Thạch đây”. Nghiêm im, rồi bước ra bao lơn nhìn xuống. Thạch nhắc: “Thạch đây, anh nhớ không?” Nghiêm hỏi bực dọc: “Có việc gì cần không? Sao không để sáng mai. Giờ này mấy giờ rồi?” “Tôi không có chỗ ngủ. Anh cho tôi ngủ nhờ được không?” Nghiêm quay vào nhà bàn bạc với vợ và Thạch lại đứng đợi. Xe tuần cảnh chạy ầm ì ở trên cao không nhìn thấy bóng. Nghiêm trở ra bảo: “Anh dẫn xe vào lối sau, tôi xuống mở cửa cho”.

Ngõ hẹp dẫn xe phải đi nép người. Nghiêm đã đứng trong cửa hỏi: “Anh Thạch đấy phải không? Đi đâu về mà khuya thế?” Thạch loay hoay nhấc xe vào trong sân ướt tìm chỗ dựng, đáp: “Tôi mới về Hà-nội không có chỗ ngủ”. Nghiêm đi trước dẫn lên thang, ngang qua gian phòng nhỏ khép cửa bên trong đèn sáng lục đục tiếng mở tủ, vào trong gian gác chính. “Lâu lắm không gặp ai trong bọn các anh”. Trên đi-văng hai đứa con Nghiêm ngủ với người làm. Ngoài bàn làm việc, tủ kệ sách và bộ bàn tiếp khách nhỏ, gian gác còn thừa những khoảng gạch trống. Nghiêm vào buồng lấy chiếu giải dưới cửa sổ ra ban công, tìm cách giúp Thạch mắc màn, xong ra ngồi bàn hút thuốc lào duỗi chân thảnh thơi. Thạch cảm thấy dễ chịu nhẹ nhõm, bớt thắc mắc, vẫn mặc nguyên quần áo đến ngồi vào ghế. Ánh đèn rực nóng. Thạch nhìn vẩn vơ lên những kệ sách chất nặng rồi nhìn Nghiêm mơ màng như trong cơn buồn ngủ.

“Anh đã ngủ lâu chưa?” Nghiêm mở mắt tỉnh táo, rót nước, ngắm nhìn dò đoán ý định. Nghiêm có hiểu được tôi muốn gì không? “Dạo này các anh ở đâu?” “Tôi đi lính. Cảnh ra ngoài, còn An ở dưới Hải-phòng. Tan tác, mỗi đứa một nơi…” Thạch ngừng ngang, không muốn thú nhận thêm tình cảnh lạc lõng của mình, Đồng hấp hối. Nghiêm hơi nhíu mày, đang lục trí nhớ về những người được nhắc đến. “Anh thế nào?” Thạch vội chữa lại câu hỏi: “Anh thấy tình hình thế nào?” “Anh ở trong nhà binh thì thấy rõ đấy. Về mặt quân sự Pháp thất bại hoàn toàn, bây giờ chắc chắn phải điều đình. Điều đình cách nào để không phải là đầu hàng. Nó sẽ phải dựa vào thế lực của Mỹ, quyền lợi của Anh muốn một phần nào ảnh hưởng của Cộng-sản đừng quá lan tràn nguy hiểm cho khối Thịnh vượng Chung. Giải pháp chia đôi Việt-nam là của bọn Anh đưa ra. Hiện giờ chúng nó chỉ còn mặc cả với nhau về vỹ tuyến. 13, 16 hay 17 chưa biết? Vấn đề chính yếu còn lại là Việt-Minh có chấp nhận không khi đang thắng thế và có thể thắng trận hoàn toàn? Anh nghĩ xem? Chúng tôi nhận định như thế này: Việt-Minh có thể nhận vì chiến lược chung của toàn khối Cộng-sản. Chiến lược ấy là sau kinh nghiệm Cao-ly, sự bành trướng của Cộng-sản nằm trong chiến tranh lạnh, tránh những cơ hội gây chiến tranh nóng với Mỹ. Bởi thế chấp nhận điều đình là không cho Mỹ cơ hội can thiệp vào vì thấy tình thế nguy ngập, anh nhớ là ở Điện biên phủ Mỹ đã có ý định tham chiến cứu Pháp. Hơn nữa 10 năm kháng chiến cũng đã khá mệt, chiếm được một nửa lãnh thổ để cho cán bộ, quân đội nghỉ ngơi dưỡng sức cũng là điều tốt. Việt-Minh tin rằng sau đó nếu có tuyển cử chắc chắn sẽ thắng nhờ tổ chức dân chúng. Nếu không, lại tiếp tục chiến tranh, lần này với cơ sở, bàn đạp vững mạnh hơn sau những năm củng cố xây dựng chắc chắn mạnh hơn lúc này. Cho nên chúng tôi tin là Việt-Minh sẽ chấp nhận giải pháp chia đôi lãnh thổ. Trong con tính này mấy anh quốc gia bù nhìn bị gạt ra ngoài. Cũng đáng đời. Anh thấy đấy như tôi vẫn nói với các anh chiến tranh hay hòa bình, Việt-Minh không bao giờ đặt cứu cánh là dân tộc. Dân tộc này chỉ là phương tiện, vật hy sinh không hơn không kém… Mấy anh quốc gia nhà ta thật khôi hài sắp chết đuối mới đòi đóng thuyền, họp đại hội để xin độc lập với Pháp, nghĩ là các anh có thể huy động dân chúng chống Cộng. Thứ nhất là không đời nào Pháp nó để cho chống Cộng nữa vì như thế phá hỏng cuộc điều đình, cái thân phận là khi nó cần chống Cộng thì các anh hãy chống, khi nó thôi các anh đòi chống vào cái khổ nào. Thứ hai là dân chúng cũng mệt mỏi, nếu có điều đình được thì cái chiêu bài Hòa-bình hấp dẫn hơn là một cuộc chiến đấu mà mục tiêu dân chỉ nhìn thấy là mấy ông chính trị gia phè phỡn. Thứ ba là Pháp đã phải nhường cho Mỹ ở đây, chống Cộng sau này là Mỹ chứ không phải là Pháp. Anh có nghe nói đến Ngô-đình Diệm không? Ngô-đình Diệm là người của Mỹ đã sửa soạn đưa về từ lâu. Hồi năm kia năm kìa gì đây một con mụ Mỹ trong phong trào Chính-phủ liên bang hòa-bình thế giới có sang Hà-nội dạy Ăng-lê, hình như An có đi học với nó, trong các cuộc tiếp xúc với bọn trí thức Hà-nội có đặt câu hỏi: Ai có thể là lãnh tụ quốc gia thay thế được cho Bảo Đại? Ngô- đình Diệm có được không? Lần này Pháp phải nhận cho Diệm làm thủ tướng với nhiều quyền hành là bước đầu của Mỹ vào Việt-nam. Pháp rồi sẽ phải đi khỏi Việt-nam vì tình hình Bắc-Phi. Diệm sẽ được Mỹ ủng hộ để giữ phần đất còn lại... Đại khái nó như thế”. Thạch nói: “Buồn nhỉ. Thế phải làm gì?” “Dù thế nào thì trong mười năm nay và cả những năm sắp tới, dân tộc vẫn chưa bao giờ được đặt thành cứu cánh của tranh đấu. Mình vẫn phải tranh đấu cho nó”. Lần này Thạch không cười riễu như trước kia. Ngoài cửa sổ những mái ngói lô xô ngang dọc trong bóng đêm, một ngọn đèn ngoài phố hàng Đậu nhô giữa hai mái nhà. Không khí mát mẻ hơn, gió từ ngoài sông thổi luồn nhẹ. Dân tộc này… Thạch lắng nghe âm vang mơ hồ, tôi chỉ cần những bè bạn. Thạch bỗng nói: “Khi nói dân tộc không thể nói một cách trừu tượng. Trong dân tộc phải không có mặt những phần tử nào đó thí dụ như mấy anh quốc gia ăn cắp... Muốn trở thành một lý tưởng, một sự thật, phải có những người chết cho nó, vì nó mà phải loại trừ. Tại sao các anh không tổ chức loại trừ những bọn ấy. Tôi nghĩ cần hành động, tôi sẵn sàng gia nhập với các anh nếu các anh bắt đầu bằng loại trừ. Định nghĩa bằng sự loại trừ... Anh đồng ý không? Tôi đã đào ngũ rồi, không còn gì ràng buộc...” Nghiêm mỉm cười bình tĩnh: “Không phải không dám làm. Nhưng vấn đề gì cũng cần cứu xét tường tận và phải thảo luận kỹ. Hoạt động cách mạng không phải là hoạt động cá nhân, bốc đồng... Hiện chúng tôi có dự định sẽ ném lựu đạn vào tòa lãnh sự Anh cho chúng nó biết mặt. Thí dụ như thế anh có làm được không?” “Đó là trò chơi hằng ngày trong mấy năm nay của tôi. Tôi làm cho”. Nghiêm lẳng lặng một hồi, thong thả đứng lên bảo: “Thôi mình đi ngủ. Còn nhiều chuyện để mai nói”.

Nghiêm đi vào góc tường tắt đèn, Thạch vẫn ngồi im trên ghế, trời bên ngoài xám nhạt xâu kín vô cùng trong tiếng gió nhẹ lao xao. Đi ngủ đi, tiếng của Nghiêm trước khi vào buồng riêng. Gian gác mờ ảo trong ánh sáng của điện đường chiếu vào, Thạch ngơ ngẩn mệt mỏi, mặt nặng chĩu không rời chỗ.


Suốt đêm Bích thao thức trằn trọc, gian buồng ngột ngạt hơi người. Ý nghĩ lập lờ ẩn hiện như bóng tối bóng sáng bay tan trong mắt lúc mở lúc khép. Những ngày không trôi xuôi nữa, đột ngột chặn đứng lại năm tháng đã qua, những năm tháng buồn tẻ bỗng hiện lên lần cuối cùng trước khi tan biến mất nhường chỗ cho một tương lai lạ mặt; những ngày chờ đợi như miệng vực sâu bị đẩy nhẩy qua lúc nào không hay. Rồi cái gia đình gần mười miệng ăn không một người có công việc nhất định sẽ sống ra sao? Còn mình nữa, đã hai mươi sáu tuổi đầu... Tôi vẫn sống hằng ngày đều đặn như mọi việc mãi mãi yên ổn, những chật vật khổ cực cũng là một tình trạng quen thuộc không đếm xỉa đến nữa, chẳng bao giờ đổi thay. Nhưng bây giờ, như buổi đầu lếch thếch bồng bế nhau tản cư, dắt díu nhau hồi cư, lại sắp phải sửa soạn đón nhận cảnh ngộ mới. Chưa lúc nào Bích cảm nhận rõ ràng hơn lúc này nỗi bấp bênh trôi giạt của đời sống, đời sống mòn mỏi trong đưa đẩy của chiến tranh trong bất trắc của tình thế.

Trời chưa sáng, những người ở chung đã thức, xuống bếp đi qua ở trên đầu. Bích không thể nằm lại, chưa ngày nào được như thế, nghe buổi sáng lên không thèm dậy, dù giấc ngủ thiếu thốn làm đầu óc nghiêng nặng. Bích lay gọi hai ba lần Mai mới mở nổi mắt bước xuống khỏi phản, nó còn ngồi ngẩn một lúc trên ghế mới tỉnh ngủ. Tiếng ngáy khò khi tắc nghẽn của ông bố như cổ mắc vướng đàm, giấc ngủ của ông nặng nhọc thảm hại; Bích nghĩ đến những bữa thiếu thuốc ông vật vã quằn quại trên giường trước mắt mọi người như con thằn lằn gầy xác đứt đuôi.

Ngoài sân trời mờ nhạt, thoáng nhẹ hơn trong nhà. Mai đã nhóm xong bếp, bắc ấm, đang rửa bình bên bể nước. Hai ba người đứng lấp trong bóng tối, đợi trước hai nhà cầu chung. Trong bếp bóng đàn bà ngồi ngây trước bếp lửa. Tiếng người nhắc hỏi nhau về ngày tháng. Bích tìm chiếc ghế con ngồi tựa lưng vào tường, ngửa mặt trong buổi sáng sớm bắt đầu oi bức, muốn quên hết mọi điều, nghe thấp thoáng một người nào đi vào trong nhà nói: Hôm nay chủ nhật. Ngoài phố, những chuyến tàu điện đầu tiên chạy ngang.

Mai đến đứng ở bên cạnh lúc nào hỏi: “Sáng nay chị đi đâu không? Em đi với”. Bích giật mình ngơ ngác tự hỏi: đi đâu? mỗi buổi sáng, mỗi buổi trưa, mỗi buổi tối hai mẹ con chia tay, sách làn, đi ra đường không mục đích rõ rệt, đến những nhà quen, ngồi truyện trò tầm phào trông ngóng một món hàng được giao chạy ăn hoa hồng, từ nhà này qua nhà khác khắp trong thành phố không biết trước sẽ phải đi những đâu lúc nào có thể trở về. “Ai ở nhà thổi cơm?” “Em sẽ về sớm mà”. Bích mỉm cười, nghĩ dịu dàng: đích thị cu cậu hẹn hò với ai, nhưng vẫn hỏi: “Mày đi đâu?” Mai bối rối, Bích ngửng nhìn chằm chằm vào Mai mặc dầu không trông rõ nét mặt. Mai đáp đến thăm một đứa bạn ốm nặng. Bích cười thầm, không tra hỏi thêm, nó nói dối vụng về không giấu được ai.

Trời sáng nhanh, gian phòng bề bộn tức mắt, dây giăng chi chít ngang lối, màu trắng ngả màu bẩn thỉu, chỉ một lúc đã tưởng như sắp nắng lớn. Bích đứng chải tóc trước gương treo trên tường nhìn cảnh tượng hỗn độn sau lưng trong giấc ngủ mệt vớt vát của một đêm hè dài. Bích đã mặc xong áo dài, ngồi vào bàn uống nước đợi Mai gỡ đầu, ông bố mới thức dậy chống tay nghiêng nửa mình bật lửa châm ngọn đèn trên khay thuốc đặt ở ghế sát cạnh giường nằm. Mọi người sắp sửa thức dậy hết và gian nhà sẽ ầm ĩ như chợ với cả những bầy trẻ con không phải đến trường. Bích đến đứng bên đầu giường mẹ bảo: “Con đi phố. Con Mai nó đi với con...” Bà cụ trở mình uể oải hỏi: “Con Mai đi làm gì?” bà hỏi nhưng không tỉnh để nghe đáp; sau mỗi bữa giỗ, ít nhất bà cũng bị ốm một ngày. Mai nháy mắt làm hiệu với Bích đừng chần chừ đợi bà tỉnh.

Ở ngoài hè, Bích lại hỏi: “Mày đi đâu?” Mai đáp xuống chợ Hôm, hỏi xin tiền Bích. Bích dặn Mai phải nhớ về nhà trước mười giờ. Mai bước vội trên hè như sợ bị người ngăn trở gọi về. Còn một mình Bích không có ý định nào rõ rệt, vừa buồn ngủ vừa chán nản không muốn trở lại những nơi đã quá quen cũng ở trong tình trạng bế tắc hồi đầu tháng sáu đến nay. Bích thèm được một gian buồng yên tĩnh biệt lập, nằm ngủ hết buổi sáng, một mình không sợ bị ai khuấy động phiền nhiễu, buổi sáng chủ nhật nhộn nhịp trong ánh nắng hạ, khi thức giấc chỉ nghe tiếng ve kêu ran trên hàng cây ngoài đường, mơ mộng lười biếng; gian buồng như của Ngọc trên gác một ngôi nhà cuối phố Sinh-từ có thể nhìn sang Văn-miếu với mái cổ kính, khoảng sân cỏ và những lối đi không người. Có lẽ cả năm nay Bích chỉ gặp Ngọc một hai lần ngoài phố; đến ba bốn năm rồi trên những chuyến tàu xuôi ngược, Cẩm-giàng-Hà-nội, hằng ngày Bích cùng đi với Ngọc, với Hương, với Liên từ sáng tới sớm đến chiều tối. Hương đã lấy chồng công chức yên phận vẫn ở nhà cũ ngõ hẻm Hai bà Trưng với mẹ, chắc đã hết hoạt động cho kháng chiến. Liên sau lần gặp cuối năm kia cũng không còn dịp gặp lại. Những sự đổi thay vẫn xảy ra xung quanh, trong đời mình không chú ý, một lúc hồi tưởng nghe rơi hẫng trong lòng những cảm xúc không thành tựu.

Ngọc mừng rỡ gặp lại Bích: “Chị Bích. Lâu quá, trong bốn người những ngày còn đi chợ Ngọc được coi là em Út. Ngọc kéo tay Bích đứng lên thềm, tránh lối cho chiếc xe ô-tô từ trong nhà ra cổng; ông bố Ngọc tươi cười vẫy tay chào. Ngọc vừa nắm lôi Bích vào phòng khách vừa nói: "May quá. Em cũng định sẽ phải xuống chị... Hôm qua em gặp chị Liên ngoài bờ Hồ. Chị ấy hẹn sáng nay đến em. Chị đến đây thật vừa dịp. Chị ở đây chơi đợi chị Liên". Bích ngắm Ngọc tươi cười ríu rít, chạy ra chạy vào tiếp đãi: Ngọc trẻ và đẹp ra, phòng khách trông sang trọng mới lạ hơn trước nhưng Bích không nhớ được nó đã thay những món vật gì. Màu tường hình như sáng mát hơn không phải mầu ngày trước? Ngọc nói: “Gia đình em sắp vào Tourane. Có lẽ chỉ độ tháng sau. Thế nào chị em mình cũng phải họp mặt một hôm để từ biệt”. Ông bố Ngọc thầu cho nhà binh Pháp và đi theo công việc làm ăn của ông. Bích mỉm cười lơ đãng, chờ. Ngọc rủ mình lên gác ra ngồi ngoài bao lơn nhìn xuống Văn miếu. Bỗng nhiên Ngọc hỏi bằng giọng tinh nghịch: “Em lấy chồng, chị mừng gì nào? Chị còn nhớ ngày trước chị hứa những gì không?” Bích tự hỏi: mình đã hứa những gì với Ngọc, và lắc đầu. “Chị không nhớ thì thôi. Nói thế chứ chị em mình gặp nhau là mừng. Chúng em sẽ làm đám cưới trước khi vào Tourane. Anh ấy thầu chung với cậu em. Mấy hôm nữa in thiếp xong, em sẽ đưa xuống chị. Thế nào chị cũng đi phù dâu cho em. Nếu không kiêng em định mời cả chị Hương, chị Liên làm phù dâu thì thật đông đủ. Tên anh ấy là Lân”. Bích không hiểu sao mình lại hỏi tên người đàn ông sắp cưới Ngọc; Lân, thật là vô nghĩa, có biết thêm cái tên ấy cũng chẳng rõ được điều gì. Bích cũng có ý nán chờ Liên, nhưng Liên không lại. Vào lúc hơn mười giờ, Lân đến đón Ngọc đi phố. Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt bội bạc, nước da xanh mái trác táng, cặp mắt nhỏ lanh lẹn, đôi môi mỏng, cử chỉ không thành thật, chẳng mảy may nào giống cái hình ảnh mơ mộng của Ngọc thường tâm sự, trên toa tàu bẩn thỉu trống gió và nắng triền miên như cơn buồn bã hiu quạnh trong tiếng động quen tai nối liền ngày tháng. 

Bích từ chối không đi cùng Ngọc trên xe của Lân, lủi thủi trên hè phố Sinh-từ, con phố náo nhiệt, nhơ nhớp, bụi bậm, trong ánh nắng bắt đầu chói rực.


Liêm đặt chiếc va-ly lớn xuống đất, quay vào trong một lần nữa nói với mẹ Hải: Cháu đi; bà cụ vẫn đứng nơi góc phản nhìn theo, Hải tránh mặt bỏ đi từ sáng sớm; buổi sáng khi Liêm báo cho Hải biết sẽ đến ở nhà ông Phạm, Hải cau mày tỏ vẻ giận dỗi vì không hề được biết trước ý định của Liêm; Buổi sáng ồn ào ngoài ngõ đã lắng dịu, bọn trẻ con trốn nắng đã ra tụ tập ngoài sân chùa quanh mấy gốc đa. Mẹ Hải đưa chân Liêm ra khỏi sân nhà, đứng lại bên bờ vũng rau muống dặn nếu còn ở Hà-nội ngày nghỉ xuống chơi. Liêm cũng nhắc bà về chiếc va-ly nhỏ để lại cho Hải dùng, yêu cầu bà ngăn Hải không cho mang trả mình. “Bác bảo Hải, là kỷ niệm của cháu gửi cho Hải. Cháu đựng một va-ly quá thừa”. Quần áo, đồ vật ngày ở Sài-gòn ra không hiểu có những gì mà chứa đầy hai va-ly, Liêm không nhớ nổi.

Liêm đi chậm chạp trong ngõ, nhìn vào trong các gian nhà lụp xụp vắng vẻ. Bãi đất trước chùa ngút nắng, trong sân chùa đoàn sói họp bọn dưới gốc đa đang ca hát, lũ trẻ nghèo đứng ngoài xem. Liêm phải đi bộ thêm một đoạn phố nhiều cây rợp trước nghĩa trang ra phố Huế đón tàu điện. Trong túi Liêm còn hơn hai trăm bạc, không hiểu ông Phạm sẽ trả giá công việc như thế nào; nhớ lại lần gặp trước, có lẽ ông muốn coi Liêm như người nhà, cho ăn ở, trông nom việc thu dọn và sẽ đi tàu biển theo đồ gửi, Liêm nghĩ: thế nào cũng được, miễn vào đến Sài-gòn là xong, ở đó sẽ tính lại, làm lại cuộc đời. Trên chuyến tàu điện từ Bạch- mai vào, Liêm đứng lẫn ở toa sau giữa những người nhà quê buôn bán quanh quẩn mấy chợ ngoại ô nghe họ bàn tán về tình hình biến chuyển, mọi người đều hi vọng chiến tranh chấm dứt tưởng tượng cảnh thái bình trong những ngày tới, đó là những ngày của một thời đã qua rất xa trong trí tưởng tượng mọi người. Một người đàn ông ăn mặc xuềnh soàng kiểu một tư chức, áo sơ-mi ngắn tay, quần nhầu nát, chân đi dép cao su, tự nhiên xen lời nói bâng quơ với người bên cạnh: “Không có đánh nhau chưa chắc đã là yên đâu bà ơi”. Câu nói của người đàn ông chêm vào khiến mọi người yên lặng vài giây, rồi ổn lên cãi vã, Liêm tưởng như không bao giờ dứt, về những chuyện đấu tố, dân công, đói kém, nghèo khổ... người nói có, kẻ bảo không, không ai chịu ai. Đột nhiên ở giữa toa, truyền đơn được ném ra làm nhốn nháo cả toa, một người thanh niên len qua mặt Liêm nhảy xuống đường, tàu đang chạy giữa phố Đồng Khánh, suýt bị người đi xe đạp, anh ta nhảy ba bước vào hè dưới mái hiên Godard lẫn trong đám đông dạo phố và đi thong dong nhàn tản. Liêm còn ngoái cổ nhìn theo mãi người thanh niên ném truyền đơn cho đến khi khuất dạng trong đường phố náo nhiệt ngày chủ nhật, nhớ tưởng lại những ngày đầu hoạt động ở Sài-gòn với cái thú mạo hiểm lâu không được hưởng. Truyền đơn tố cáo những âm mưu quốc tế chia đôi lãnh thổ, kêu gọi dân chúng sẵn sàng chiến đấu cho nền độc lập và toàn vẹn của đất nước, không thấy ký tên.

Bờ Hồ nườm nượp người, một vài gia đình từ vùng quê lên ngồi xệp trên đất với gồng gánh lơ láo, trẻ con thả rong chạy theo xin tiền người qua lại. Thành phố bắt đầu mở ngỏ, những trạm tiếp đón ở các ngôi trường nghỉ hè không đủ sức chứa dân chạy loạn. Liêm xuống tàu điện, đi bộ vào hàng Bông, theo sau một người đàn bà gánh hai đứa con nhỏ trong cái thúng nhìn ngơ ngác vào trong các nhà như tìm kiếm người quen. Thỉnh thoảng một vài người qua đường, ngồi sau cái tủ hàng liếc nhìn làm như không chú ý, Liêm nhận rõ mình cũng được nhìn bằng tia mắt tương tự. Trước cửa nhà ông Phạm, một đám người tụ tập huyên náo ngoài vỉa hè, người ta tranh giành mua những đống sách báo cũ; ông Phạm đứng chấn cửa trông cho mấy đứa con bán. Thấy Liêm, ông bảo: “Chú đến đấy à? Cất va-ly, giúp tôi một tay”. Liêm len qua hai người đàn bà đang mà cả, bước qua những chồng sách mang va-ly vào trong. Gian nhà hầm nơi làm việc của ông Phạm trống trải, mấy gia đình dưới quê lên tạm trú không còn đấy; bàn giấy bỏ không, những hộp chữ đã đóng thùng, chỉ có chiếc máy in mới tháo rời một vài bộ phận xếp dọc theo chân tường. Liêm trở ra, theo lời ông Phạm, lên nhà trên khuân những quyển sách đóng bìa da hẳn hoi được lấy từ trong tủ sách của ông xuống, tủ sách của ông phải đến hai ba trăm quyển ông chỉ giữ lại mươi lăm bộ không bán. Liêm nghĩ bụng vài mươi năm của đời ông chưa đọc hết số sách, chắc chắn có những quyển chưa giở đến lần nào. Lom khom một lúc để truyền sách cho người mua, Liêm hơi chóng mặt, phải đứng thẳng lên và bắt gặp trong đám người vây quanh bên ngoài nét mặt quen thuộc đã lâu ngày, nét mặt gặp một lần nhưng không thể nào quên được: đó là anh chàng thanh niên đã gặp dưới Hải-phòng tối ba mươi Tết ngày mới ở Sài-gòn ra. Không thể lầm được, anh chàng già còm thiểu não hơn, nhưng Liêm không thể lầm được; anh kiễng chân qua vai người đứng trước nhìn xuống đám sách bừa bãi trên đất cố gắng đọc những hàng tựa ở gáy chữ mạ đã xỉn cũ. Liêm đợi cho anh chàng ngửng lên, mỉm cười muốn nhắc nhở, nhưng anh mải nhìn ông Phạm không thấy, rồi lại cúi xuống. Lần thứ hai anh chàng nhận được Liêm cười với anh, anh nhe răng cười đáp một cách ngượng nghịu xong ngoảnh mặt dòm xung quanh, Liêm muốn gọi nhưng không nhớ được tên anh ta. Liêm lại cúi xuống cố lục lọi trí nhớ, mỗi lần truyền sách ra ngoài Liêm lại đưa mắt trông chừng xem anh chàng có nhớ được ra mình không; anh ta vẫn đứng im một chỗ hỏi mượn những người đã mua một vài quyển lật giở xem, thỉnh thoảng cũng nhìn vào chỗ Liêm. Đêm giao thừa ấy, anh chàng đã uống rượu say, nôn mửa ngồi ôm mặt khóc một mình, anh ta không nhớ được gì, lúc Liêm bỏ ra ga hãy còn nằm xanh xám như xác chết; Liêm có muốn gợi lại kỷ niệm anh ta cũng sẽ đến ngơ ngác thôi. Cái người mà anh đã gặp đối với anh chỉ là cái bóng tình cờ không mặt mũi trong đêm cuối năm buốt giá. Anh ta đã nói những gì? Hình như tôi đã từ chối không nghe tâm sự của người lạ mặt.

Liêm nhìn theo mắt của người thanh niên, nhặt quyển sách dưới chân cầm lên tay, cười hỏi ý và chìa đưa cho anh bảo: “Anh xem đi”. Anh chàng ngửng nhìn Liêm đỡ lấy quyển sách, ông Phạm và hai đứa con ông bận đếm sách tính tiền không chú ý. Liêm chăm chú theo rõi, anh chàng quay ngang mình như tránh sự thúc ép của hai người đứng cạnh đưa quyển sách đã giở lên cao, liếc nhanh về phía Liêm. Liêm cười một lần nữa hy vọng anh sắp sửa nhận ra người quen nhưng anh lại cúi mắt vào trang sách. Không biết vô tình hay hữu ý, anh thụt lui mấy bước đứng tách ra ngoài giữa vỉa hè, tay vẫn lật sách đọc. Một chốc Liêm thấy anh chàng kiễng gót nhưng không rời chỗ đứng nhìn vào, rồi quay người đi kẹp quyển sách bên nách rảo bước. Liêm nghiêng đầu trông theo phía sau lưng, chiếc áo nhăn nhúm vàng khè tuột một khúc lòng thòng ra ngoài quần, đỏ bừng mặt ngượng nghịu như chính mình đã lấy quyển sách. Một người đàn bà đứng ngoài nhanh nhẩu mách: “Kìa, cái anh kia lấy sách của ông”. Liêm tảng lờ như không nghe, nhưng hai đứa con ông Phạm đã hỏi lớn: “Đâu? Đâu? Ai lấy?” Mọi người đều quay nhìn ra ngoài, Liêm nhanh chân chạy ra ngoài hè nhìn lên phía hàng Bông nhưng đã không còn thấy bóng dáng anh chàng thanh niên. Liêm nói át sự lúng túng của mình: “Có lẽ là quyển sách tôi đưa cho anh ta xem”. Một đứa con trai ông Phạm chưa chịu buông tha: “Có lẽ nó rẽ vào ngõ Hội-vũ” và chạy đuổi theo. Ông Phạm bảo: “Thôi tạm nghỉ sửa soạn ăn cơm. Chiều bán nốt”. Đứa con trai trở về hậm hực vì không bắt được tên kẻ cắp, ông Phạm nói với nó: “Thôi mất một quyển ăn thua gì”. Mấy người mua sách quẩy gánh đi tản mác trong khi một mình Liêm khuân đống sách chưa bán vào trong nhà, Liêm nghĩ: anh chàng trông ngù ngờ mà chạy thật nhanh. Không hiểu anh ta lấy được quyển gì, Liêm không kịp đọc nhan đề lúc đưa cho anh, quyển gì giỏi lắm cũng chỉ bán được vài chục bạc là cùng. Không hiểu khi anh chàng đã no thuốc sáng suốt có nhớ ra được mình không? Liêm nhìn qua đống rác bên bờ tường nhà thương. Không, chưa bao giờ tôi là kỷ niệm của một ai, anh ta sẽ chẳng thể nhớ ra nổi khuôn mặt xa lạ giống như mọi người.

No comments:

Post a Comment