Ung
thư của Thanh Tâm Tuyền đăng nhiều kỳ
trên tạp chí Văn, bắt đầu từ số 31
(ra ngày 1 tháng 4 năm 1965). Đến số 62 (ra ngày 15 tháng 7 năm 1966) thì dừng
lại ở “Thôi về đi, tôi buồn ngủ quá”.
Số 63 và 64, tạp chí Văn gửi
lời cáo lỗi chưa thể đăng tiếp Ung thư, do tác giả bận đi xa, khi đi về
lại ốm bệnh. Sang số 65 thì thông báo rằng:
Trước hết, chúng tôi lấy tiếc phải
loan báo quý bạn rõ là nhà văn Thanh-Tâm Tuyền vẫn còn đau nặng. Vì lý do sức
khỏe, anh không thể cầm bút, không những chỉ ngưng viết truyện dài UNG-THƯ cho Văn,
anh còn ngưng viết cho tất cả các báo khác mà anh đang cộng tác. Chúng tôi rất
mong sẽ được bạn đọc thông cảm với hoàn cảnh đặc biệt này mà vui lòng lượng
thứ.
Đến số 66, mục tin vắn có lời Thanh
Tâm Tuyền cám ơn bạn đọc:
Nhà văn Thanh-Tâm Tuyền, tác giả
Ung-thư, có nhờ Thư-Trung tôi chuyển lời cám ơn những bạn đọc đã gửi thư về
thăm hỏi anh.
Hiện nay anh vẫn còn đau, và anh lo
ngại sẽ phải chọn lấy giải pháp cuối cùng: vào nhà thương nằm dưỡng bệnh.
Anh đã được giải ngũ cách đây ít bữa
và vẫn chưa thể đi dạy học, mặc dầu có nhiều trường tới mời anh.
Được hỏi về nguyện vọng, anh ngỏ ý
mong ước sao chóng lành bệnh để có thể viết trở lại, để gặp gỡ lại bạn
đọc—những người thật tình quý yêu anh.
[...]
Từ số 31 đến số 62, tổng cộng có 25
kỳ Ung thư được đăng trên Văn, sau đó không còn kỳ nào nữa.
Số Văn đầu tiên đăng Ung thư
có chú thích:
Chương 1 của thiên truyện nầy, trước
đây đã đăng một phần trên tập san Bách-khoa. Tuy nhiên, xin lưu ý những bạn đã
đọc cũng nên đọc lại vì ấn bản nầy
có nhiều đoạn mà trước đây tác giả đã không
thể cho in.
Không chỉ chương I, mà cả phần thứ
nhất của Ung thư đã được đăng trên Bách
khoa các số 138, 139, 140 (tháng 10, 11 năm 1962), dưới tên Nỗi chết không rời, ghi năm viết: 1960.
Khi đăng lại trên Văn, Ung
thư đã được sửa chữa khá nhiều. Đoạn đầu tiên của bản Bách khoa:
Giữa vùng nước đục ngầu thành phố
Nam-Định nghiêng chìm dần xuống, bấp bênh sắp sửa rời rã. Những khóm cây thấp
thoáng. Những mảnh tường đổ nát bẩn thỉu. Đường phố giao nhau vô nghĩa như
những nét gạch nguệch ngoạc. Giãy nóc xám buồn tẻ của nhà máy sợi. Giòng sông
đựng những con thuyền nghèo khổ. Nóc nhà thờ màu đá cũ. Khu đồn riêng biệt ở
phía nam tỉnh lỵ chòi canh xùm xụp, khi lên cao trông xuống mọi vật xếp đặt
không lý do. Trong cái thành phố ấy Thạch đã sống non một năm mà không hề biết
đến nó.
Một đoạn khác trong chương II bản
Bách khoa sẽ cho biết mốc thời gian của đoạn đầu Ung thư - Hà Nội năm
1951:
Một đêm cuối mùa thu năm ngoái lúc
qua chợ Đồng-Xuân ở những gốc cột đèn lính nằm phục chĩa súng rình mò, trên nóc
chợ lợp tôn cũng thấy nấp những bóng đen với những khẩu liên thanh hờm sẵn,
Liên níu lấy tay Thạch run sợ, trời vẫn còn mưa ngâu rải rác, hai đứa phải đi
ra giữa đường tàu, đó là năm 50, quân đội V.M. tuyên truyền mở cuộc tổng tấn
công tiến về thủ đô. Bây giờ thì Hà-Nội đã yên tịnh và đang quên dần những giờ
phút khắc khoải ấy.
Những đoạn của Ung thư đã
được Thanh Tâm Tuyền trích đăng từ trước nữa: Những người đã chết đều có thực đăng trên tạp chí Sáng tạo số 24 (tháng 9 năm 1958); Buổi sáng chủ nhật đăng trên tạp chí Hiện đại số 2 (tháng 5 năm 1960).
NHỮNG
NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THỰC
I
Đồng sinh
ngày 8 tháng 7 năm 1931. Năm 1945 Đồng bắt đầu lên ban Trung học, theo học lớp
đệ nhất niên cấp phổ thông tại trường Gia-Long Hà-nội. Bây giờ ngôi trường ấy
đã chia thành nhiều gian cho thuê làm nhà ở. Mỗi lần qua đấy, Đồng vẫn liếc
nhìn vào cái ngõ khuất khúc với cái cổng trường gồm hai cánh cửa gỗ đỏ đã phai
màu nín lặng. Hình như tuổi ngây thơ của Đồng còn ở sau hai cánh cửa ấy, cái
sân đất dơ bẩn về mùa mưa, cái hầm trú ẩn bằng xi-măng bỏ hoang nơi Đồng chơi
đùa. Năm sau Đồng học lớp đệ nhị niên được hai tháng thì phải theo gia đình tản
cư về quê ngoại ở Hà-đông. Cuộc chiến tranh vào cuối năm đưa đẩy gia đình Đồng
lên tận miền rừng núi Phú-thọ. Những ngày đi bộ hàng vài chục cây số trên những
bờ ruộng mấp mô, những khúc dốc trải đá qua những cơn mưa nắng thất thường dưới
những bầu trời cháy nắng hay mù sương chỉ có thể khiến bà mẹ già của Đồng phải
than thân trách phận mà thôi, còn đối với người con trai tuổi vừa mười lăm mười
sáu thì là một cuộc phiêu lưu lãng mạn kỳ thú hơn hẳn sách vở. Đồng sống cực
nhọc về vật chất không thể xóa mờ được vẻ thơ mộng của thời gian ấy. Tuổi mới
lớn được đặt vào giữa một thế giới mộng tưởng có không gian bát ngát trong thân
thể, có những hình bóng anh hùng ngay trước mắt, có lý tưởng để sống trong tầm
tay mình. Tất cả cái lãng mạn của tâm hồn gặp dịp được mang tô lên trên mọi đổ
vỡ trên mọi thảm khốc. Đến cái chết lúc bấy giờ cũng không còn là bi đát, nó
trở thành hào quang của đời người. Cuộc chiến tranh khủng khiếp, đối với kẻ xâm
lược là vô lý và hèn hạ, đối với kẻ chống cự là ý nghĩa cao quý của kiếp sống.
Sức chịu đựng những đau đớn hành hạ tương đương với đức lớn của bậc thánh, cuộc
kháng chiến cũng muốn chứng tỏ điều này.
Rừng núi
miền thượng du là khung cảnh cho mối tình thứ nhất của Đồng. Đồng yêu Hà. Hai
gia đình cùng tản cư và ngụ chung một nhà. Hà cùng tuổi với Đồng, nhưng con gái
có những lúc trông vẫn người lớn hơn con trai. Đó là những khi bộ đội hay
thương binh thuyên chuyển qua địa phương mà Hà được cử vào đoàn phụ nữ đón
tiếp, hay những đêm diễn kịch thanh niên cán bộ vây quanh giọng hát của Hà—Hà
có giọng hát thật hay. Trong những trường hợp ấy Đồng ghen tức bực dọc vì thấy
mình còn nhỏ quá. Bởi vậy Đồng chưa bao giờ dám ngỏ một lời với Hà—và nghĩa là
chẳng bao giờ nữa. Những phút sung sướng nhất của Đồng là được một mình với Hà,
vì lúc đó Hà lại chỉ là một cô gái nhỏ ngây thơ. Hai người theo dân làng đi
kiếm củi khô trong rừng hay lên đồi hái chè, khi rảnh rang Đồng mang ứng dụng
những bài học về thảo mộc vào thực tế và giảng giải cho Hà nghe hay kể những
câu chuyện vui khiến Hà cười ngặt nghẽo. Một buổi chiều hai người ngồi trên
tảng đá bên bờ sông. Đồng mang kể Paul et
Virginie với Hà. Hà im lặng rất lâu rồi ném những hòn đá nhỏ xuống giòng
nước sông Thao đục ngầu. Hà hỏi:
— Ngày sau
anh muốn làm gì?
Không suy
nghĩ Đồng nói mộng tưởng của mình:
— Yên ổn về
Hà-nội tôi sẽ cố học thành tài. Tôi muốn làm bác sĩ, có một căn trại ở thôn quê
để trồng cây nuôi súc vật, rảnh rỗi tôi vẽ cảnh vật nơi tôi sống.
Hà không nói
gì.
Đồng không
bao giờ quên được những buổi tối an nhàn người ta quây quần ở ngoài sân bên
đống dạ, Hà cất tiếng hát cho mọi người. Đồng và Hà thường ngồi trên đỉnh cao.
Đồng nghĩ Hà hát cho một mình Đồng nghe mà thôi. Có những lúc Đồng thu hết can
đảm nhìn xóng vào mắt Hà nhưng chỉ được vài giây. Hà hay hát bài Nhớ người thương binh của Phạm Duy. Đồng
ấm ức vì Đồng không phải là thương binh, không phải là anh hùng.
Cuối năm 48
cả hai gia đình cùng hồi cư. Về Hà-nội, đời sống thành thị làm hai người xa
cách nhau. Thỉnh thoảng gặp Hà ngoài phố trông vẻ mặt nghiêm trang lãnh đạm và
người lớn của bạn, Đồng không muốn hỏi chuyện và cũng chẳng chào. Rồi Hà lấy
chồng theo chồng vào Sài-gòn làm ăn. Mối tình thứ nhất âm thầm dụt dè chỉ còn
lại những tiếc nhớ dại khờ. Đồng bắt đầu có cảm tưởng cuộc đời vượt khỏi tầm
tay.
Sau đó ba
năm liền miệt mài với sách vở rút ngắn ban Trung-học vào ba kỳ thi liên tiếp.
Xong Tú tài thì Đồng đau ngực phải tạm nghỉ. Trong niên học sửa soạn thi phần
thứ nhất, Đồng yêu Phương, cô bạn cùng lớp. Phương cũng có cặp mắt tinh nghịch,
giọng nói thanh cao và khổ người mảnh khảnh như Hà. Phương lại có cùng những
ước vọng như Đồng. Phương muốn trở thành bác sĩ sống ở thôn quê và được nghe âm
nhạc. Mối tình thứ hai cũng chưa kịp ngỏ. Đỗ phần thứ nhất Phương được gia đình
gửi sang Pháp. Hôm Phương đi, Đồng đưa tiễn Phương ra sân bay, Phương khóc mắt
đỏ hoe—ồ người đàn bà nào chẳng khóc trong bất cứ cuộc chia ly nào—Đồng nắm lấy
tay Phương hay Phương nắm lấy tay Đồng? Hay là một cái bắt tay thường tình
không biết. Nhưng Đồng bồi hồi và nghe cay ở khóe mắt. Phương nói:
— Phương sẽ
viết thư cho anh địa chỉ và anh phải viết thư luôn cho Phương.
Nửa tháng
sau Đồng nhận được tấm bưu thiếp của Phương khi vừa đặt chân xuống Paris. Một
tháng sau một bức thư. Hai tháng sau, khi bắt đầu nhập học. Và cái hạc bay lên vút tận trời. Trời đất từ nay...
Khi được bác
sĩ bảo cho biết mình mắc bệnh phổi, Đồng tưởng chừng tuyệt vọng. Hai mối tình
tan vỡ—tại sao không cứ cho là thế?—một thể xác bệnh hoạn, đời sống còn lại của
Đồng chẳng còn nghĩa gì. Lúc bấy giờ cuộc chiến tranh chống Pháp đã chuyển từ
du kích sang trận địa. Những chiến thắng liên tiếp ở Cao Bắc Lạng dồn quân Pháp
xuống đồng bằng và hy vọng tổng phản công về Hà-nội sắp thực hiện nay mai. Đồng
thấy mình thừa, vô ích và phi lý. Đồng dọn về Thụy-khê ở với mẹ và em trai nhỏ
xa lánh bè bạn chờ chết; trước kia Đồng ở trên nhà người anh mở hiệu xe đạp ở
khu chợ Hôm. Đồng có ba đứa bạn thân: Thạch, An và Cảnh. An là con bác sĩ
Trần-quang Tân, một ông bác sĩ thích làm chính trị hơn hành nghề, một nhà chính
trị “quốc gia”. An học luật. Thạch và Cảnh cả hai đứa gia đình đều còn ở hậu
phương phải tự mưu sinh để theo học. Cảnh theo khoa toán học, còn Thạch lận đận
mãi với phần thứ hai. Đồng thân với Thạch hơn cả.
Trong một
năm vừa qua nghỉ nhà tĩnh dưỡng chữa bệnh Đồng đọc rất nhiều sách. Đồng thường
ngồi hàng buổi sau đình Thụy-khê trông ra mặt hồ Tây nước rộng để nghiền ngẫm
tư tưởng. Cùng với thể xác đau ốm, cuộc đời như tách lìa khỏi Đồng đứng trên
một bờ vực. Thế giới mộng tưởng đã tan vỡ, lý tưởng sống không còn ở trong tầm
với. Những giây phút hoang mang chóng mặt vì tương lai ám ảnh thường trực. Đồng
không thấy được vị trí của mình ở hiện tại, nói gì đến tương lai. Đồng đã hỏi
Thạch:
— Tại sao
mình lại đi đến cực tả?
— Không
biết.
— Tôi cho là
tại mình không tham dự kháng chiến, và mình đọc sách. Cuộc kháng chiến không
phải là công trình của thế hệ chúng ta, mà mỗi thế hệ muốn có một công trình
độc đáo góp vào lịch sử nên chúng ta muốn vượt trước cuộc kháng chiến bằng cực
tả. Ngay cả vấn đề Cộng-sản cũng vậy. Những kẻ đã trói mình bằng hành động vào
công trình của họ không bao giờ muốn thay đổi cả. Rồi khi hành động chúng ta
cũng như thế.
— Cũng có
lẽ. Chúng ta đi tìm ý nghĩa của thế hệ chúng ta, nhưng vấn đề Cộng-sản thì
khác.
Thạch ngừng
lại để suy nghĩ trước khi tiếp lời:
— Tôi thành
thực mà nói chính khi tôi sinh ra đã là Cộng-sản rồi. Bản chất của tôi không
thể nào thích hợp được với cái xã hội này. Cứ nói ngay thằng An là bạn thân mà
vẫn có lúc tôi không thể chịu nổi—rất tự nhiên, tôi cần nói rõ sự thù hằn hồn
nhiên—cái dáng dấp quý phái của nó. Tôi không thể bước chân vào một nơi sang
trọng mà không thấy lạc lõng bực dọc, suốt đời tôi chỉ muốn sống chui rúc bẩn
thỉu như loài chuột. Tôi là type mà
Dostoïewski đã nói: không thể an tâm khi biết còn một người chịu đau khổ trên thế gian. Nhưng cũng chính khởi đi từ
cái khát vọng tuyệt đối không tưởng ấy mà tôi lại không thể theo được Cộng-sản.
Cái khổ tâm của tôi là tôi phải đứng vào hàng ngũ những người tôi không ưa để
chống lại những người đáng lẽ là bạn bè của tôi. Chỉ vì họ thiếu khát vọng
tuyệt đối. Tôi khác thằng Cảnh ở chỗ đó.
Đồng nhận
rằng Thạch có lý. Người thanh niên trí thức nào chẳng theo đuổi một chân lý
vĩnh viễn, chẳng khinh ghét thứ chân lý tạm thời và họ đáng thương biết bao vì
chẳng nơi nào muốn dung nạp họ, vì họ là một thứ lương tâm dày vò người ta.
Đêm hôm
trước Thạch xuống thăm Đồng báo tin mừng Thạch qua thoát phần thứ hai, An đỗ
phần thứ hai cử nhân luật, Cảnh chiếm được chứng chỉ Cơ học thuần lý sau chứng
chỉ Vật lý đại cương ở kỳ thứ nhất. Đồng giữ Thạch ngủ lại, hai người nằm chung
giường. Đồng ôm chặt lấy Thạch, Đồng yêu Thạch. Nhưng Thạch không thích những
cử chỉ thân ái xuống xã. Và cả hai người đều cô độc như nhau. Tình yêu giữa đàn
ông không thể biểu diễn được nếu không muốn là kỳ cục bệnh hoạn. Thạch nằm ngửa
nhìn lên đỉnh màn nói:
— Tôi biết
thằng Cảnh hoạt động trong một tiểu tổ nội thành.
Trong khi ấy
Đồng nghĩ Đồng cần được yêu một người, cần một người yêu mình. Đồng không thể
chịu đựng sự cô độc như Thạch. Thạch lại nói:
— Tôi muốn
được hoạt động.
— Sao?
— Tôi muốn
được hoạt động. Tôi khó có thể ngồi yên học hành được nữa.
— Làm gì?
— Chưa biết.
Đồng trở
mình buột miệng:
— Tôi muốn
được yêu.
— Yêu ai?
— Một người
nào đó.
Thạch thở
dài chậm chậm nói bằng giọng trung lập:
— Cậu còn
sung sướng vì nghĩ được rằng sẽ yêu một người. Tôi nghĩ tôi không thể yêu được
ai và cũng chẳng ai thèm yêu tôi.
Sự thực
không phải tình cảm đã chết trong lòng Thạch, nhưng cái vỏ cứng của người sống
nhiều bằng tư tưởng đã không để lộ được tình cảm ra ngoài, nên Thạch có bộ dạng
lạnh lùng ác cảm. Đồng thương Thạch quá và muốn quay ra ôm lấy Thạch nhưng
không dám. Đồng nói:
— Phải tôi
là con gái tôi lấy anh ngay.
Thạch cười
sung sướng.
Buổi sáng
tháng chín, thời tiết ở vào giữa mùa thu. Gió ào ào qua cây lá nghe như mưa đổ.
Trời đất lên cơn sốt mê sảng. Khí hậu như độc được tiêm vào máu người ta sự bải
hoải ngây ngất, cái chết ngấm trong cơ thể không sao cưỡng được. Đồng hơi thấy
khó thở khi thức giấc. Thạch đã dậy và đang nói chuyện với mẹ Đồng ở ngoài sân.
Bà cụ mời Thạch dọn xuống ở chung với Đồng cho có bạn. Lát sau mẹ Đồng mang vào
buồng cho hai người hai cốc sữa nóng với hai cái bánh tây. Ăn điểm tâm xong
Đồng đi chân đưa Thạch đến vườn Bách-thảo theo con đường dốc lên Quần-ngựa. Từ
trên cao nhìn xuống, Thụy-khê chạy dài với những lùm cây xanh thấp thoáng những
nóc nhà kiểu cổ. Xa là mặt hồ Tây bốc khói lạnh. Gió buổi sáng vẫn còn dữ dội
làm lạc cả hơi thở của Đồng. Thạch lên xe đạp, Đồng trở về nhà. Đồng đọc hết
cuốn Adieu aux armes và ngồi mơ mộng
trước cửa sổ nhìn ra vườn. Khóa sĩ quan Nam-định đã ra trường. Trong những
người bạn học cùng lớp đã nghe nói có người gặp tai nạn trong khi tập luyện, có
người tử trận, có người mất tích, có người đào ngũ... Rồi sẽ đến lượt bọn Đồng.
Phải chọn, phải cầm khí giới. Đồng chưa biết mình sẽ định thái độ như thế nào.
Đồng bị bệnh và Đồng sẽ thoát khỏi. Nhưng Đồng không muốn coi bệnh hoạn là một
lối thoát cho mình. Còn Thạch? Còn Cảnh? Còn An? Cảnh chắc chắn sẽ bỏ ra hậu
phương. Thế lực của bác sĩ Tân giúp An được yên ổn. Chỉ còn Thạch! Hắn sẽ làm
gì? Đồng lo lắng cho Thạch. Mối tình của hai nhân vật trong cuốn tiểu thuyết
truyền vào tâm hồn Đồng những xúc động yêu đương bồng bột. Đồng muốn yêu một
người, muốn có một người yêu mình, Đồng không chịu được sự cô độc như Thạch. “Có
lẽ tại mình ốm yếu”, Đồng tự bảo thầm. “Nhưng tôi muốn được yêu. Hà và Phương
đã mất rồi. Ai? Tôi sẽ yêu ai?” Đồng không thấy một hình bóng nào hiện lên
trong óc. Đồng nằm xuống giường, thân thể bồn chồn một nỗi nhớ nhung da diết.
Đồng ngủ thiếp đi và mơ thấy một khuôn mặt quen quen. Tỉnh dậy Đồng tưởng tượng
mãi khuôn mặt ấy trong trí nhớ. Nga! Nga! Phải tại sao Đồng không yêu Nga? Tại
sao không? Lúc ấy vào ba giờ chiều, Đồng mặc quần áo đi xe điện lên phố. Đồng
xuống chỗ tránh tàu ở con dốc Quan-thánh, đi bộ đến nhà An—Nga là em gái của
An—Khi đứng trước cổng biệt thự của bác sĩ Trần-quang Tân Đồng mới thấy mình vô
lý hết sức. Đồng chỉ gặp Nga một lần khi đang đi phố với An, cũng như các bạn
Đồng chưa đến chơi nhà An lần nào. Nhưng chuông đã kêu, cổng sắt đã mở và kia
Nga đứng trước mặt Đồng. Nga dẫn Đồng qua một lối sỏi trắng—gót chân Nga trắng
hồng quý phái—vào phòng khách. Gian phòng trang hoàng theo kiểu Tây phương sang
trọng. Đồng ngồi xuống, cảm giác hoang mang ngây ngất dịu đi. Đồng thấy hơi thở
nóng trong cổ họng và mệt mệt, mồ hôi lấm tấm trên trán. Nga vào trong vài phút
rồi ra ngồi đối diện với Đồng. An vắng nhà. Nga hỏi Đồng bằng giọng dịu dàng
xem Đồng có muốn nhắn gì cho An không hay Đồng viết vài chữ để lại cho An.
Không đợi Đồng trả lời Nga lại trở vào trong lấy giấy bút cho Đồng. Đồng nhận
lấy giấy bút song không viết, Đồng nhìn thấy hào quang trong mắt Nga. Ngực Đồng
bỗng mệt lắm, Đồng nghĩ Đồng không đứng lên được. Đồng nghe thấy tiếng Nga kêu:
“Anh bị mệt”. Hình như Đồng lắc đầu xua tay nói: “Không, tôi không việc gì hết”.
Nga chạy vào trong lên cầu thang. Đồng tựa vào lưng ghế duỗi chân thở lấy hơi
rất chậm, nước mắt đầm đìa. “Không được chảy nước mắt Nga sẽ trông thấy”. Một
lát Nga trở xuống thì Đồng đã tỉnh và mỉm cười. Nga đưa cho Đồng cốc nước lọc
và hai viên thuốc, Đồng uống ngoan ngoãn. Nga vẫn đứng yên—nhìn. Đồng chăm chú,
Đồng không dám lau hai khóe mắt cay xè.
Rời khỏi nhà
Nga, Đồng cảm thấy dễ chịu nhưng lòng buồn vô hạn. Đồng biết rằng Đồng phải yêu Nga. Không còn là thứ tình vui
sướng bay bổng như thời mười lăm mười sáu, tình yêu mở lên cho
Đồng thấy rõ thân phận của mình.
Người ta không được quyền từ chối (Thạch muốn từ chối chăng?), người ta phải
chấp nhận tình yêu, bởi làm sao chạy trốn nổi thân phận của mình? Nếu tình yêu
chân thật là sấu bị, không có gì bắt người ta phải sống đúng thân phận mình hơn
tình yêu. Đống khám phá chân lý trong giây phút Nga nhìn thẳng thắn vào mắt
rưng rưng của Đồng. Đồng ngược lên chỗ tránh tàu đợi chuyến xuống phố, Đồng
không muốn về nhà.
II
Chiều giao động trong ánh sáng màu chì. Thành phố vẫn nhiều
những tiếng động thường ngày nhưng dường như bị nghe qua một tấm kính dày là sự
trống vắng rừng rưng. Con phố Tràng-thi mải miết im lặng. Cây đa um tùm trong
sân thư viện Pasquier đổ đầy lá và búp xuống cỏ. Viền lối đi trong sân những
luống hoa thấp bé, màu vàng màu đỏ kín đáo. Phòng đọc sách hiu quạnh, một vài
người chăm chú làm việc bên những chồng sách, Đồng không gặp người nào quen.
Đồng quay ra đứng trên thềm phân vân. Vừa lúc Thạch, An, Cảnh từ cổng vào. Họ
đang bàn cãi về một vấn đề gì đó. Đồng nhập bọn và họ ra lối sau thư viện ngược
đường Hai bà Trưng về phía trường Đại-học.
Câu chuyện
quay quanh tác phẩm La nausée của
Sartre. Cảnh nói:
— Tôi không
chịu nổi Sartre. Thứ triết lý đó là thứ sặc mùi tiểu sảo của tiểu tư sản. Ngồi
mà ngắm khuôn mặt bàn tay ngón tay mình, cái rễ cây, vườn hoa, rồi rình rập để
quan sát từng cử chỉ nhỏ nhật của người khác khi người ta ăn uống, người ta ngủ
với nhau để thấy lợm giọng, để nhận ra cái chân lý cuộc đời là phi lý thì phải
bảo người ta đã phi lý ngay trong những hành vi ấy. Tại sao không đếm xem mình
có bao nhiêu cái lông mà nghĩ về đời sống? Như thế còn thấy phi lý hơn nữa.
Theo tôi khi người ta quay vào mình lấy ý thức chủ quan để quan sát mình cũng
như sự vật, tìm hiểu ý nghĩa đời sống là làm một cuộc rượt bắt vô ích. Ý thức
chủ quan tách rời ngoại giới đứng ngay trong nó là vô nghĩa, ý thức chủ quan đã
vô nghĩa thì còn cái gì là có nghĩa. Trước hết phải tìm ý nghĩa cho cái ý thức
chủ quan của mình đã, tìm bằng hành động, nhập vào ngoại giới. Thay đổi ngoại
giới; cho ngoại giới có ý nghĩa của nó phải thành, đạt được đến cái devenir của sự vật thì ý thức chủ quan
mới thấy nghĩa lý của chính nó. Đời sống của người ta hữu lý ở chỗ tìm đến sự
thành hình tất yếu của mình chứ không phải là quay vào với từng giây phút
thoáng qua sẽ mất đi, sự thành hình trong một toàn thể xã hội nhân loại. Còn
với cá nhân thì tất nhiên là thừa là phi lý là láo toét.
Giọng nói
của Cảnh nhát gừng nhưng đanh thép. Mọi người im lặng đều bước. An lên tiếng
cãi:
— Nhưng cậu
phải công nhận Sartre đặt rất đúng vấn đề tự do. Tự do là bản thể của người ta,
người ta không thể nào khước từ tự do.
— Nếu bảo
người ta được tự do để rồi bởi cái tự do tuyệt đối không cơ sở ấy dẫn người ta
đến cái phi lý của đời sống thì thà người ta không tự do mà đời sống có ý nghĩa
còn hơn. Cảnh ngắt lời An.
— Không tôi
nhất định thấy phải tự do dù từ đó phải nhận luôn là cuộc đời phi lý còn hơn
cái ý nghĩa của đời sống khi không có tự do. An cãi bướng—Biết đâu ý nghĩa của
đời sống chẳng chính là ở chỗ phi lý của nó.
— Đó là quan
niệm của tư sản. Cảnh trả lời giọng gay gắt.
An đỏ gay
mặt không nói được nữa, và lấy thuốc lá hút. Đồng đút hai tay vào túi quần bước
trầm tĩnh. Thạch không bày tỏ ý kiến. Cả bọn ngồi lại trên chiếc ghế đá ở vườn
hoa trước viện bảo tàng Finot, thẳng mặt là con đường bờ sông với bờ đê cao.
Thạch khơi lại câu chuyện bỏ dở với Cảnh:
– Tôi đồng ý
là chúng ta phải đi tìm ý nghĩa đời sống trong cách nhập làm một với ngoại giới
bằng hành động. Phải nhận thức được sự trưởng thành của xã hội để tham dự thì
cái ý thức chủ quan mới có nghĩa của tự do, vì tự do là biết chấp nhận sự tất
yếu. Nhưng tôi hỏi cậu sự trưởng thành của xã hội có bắt buộc phải là chế độ
Cộng-sản hay không?
— Cậu muốn
đi tới đâu? Cảnh hỏi gặng lại
— Cậu hãy
trả lời câu hỏi của tôi đã
— Tất nhiên
— Tôi hỏi
cậu trong cái quá trình vận động của xã hội để tiến tới Cộng-sản, ý thức chủ
quan của người ta có quyền tự do để nhận thức sự tất yếu mà tham dự hay đã bị
quy định bởi những tương quan xã hội từ trước?
— Cậu nhớ
rằng tự do là lá bùa hộ mệnh của tư sản và nó sẽ chỉ đưa cậu tới chỗ phá quấy.
— Tại sao
cậu không trả lời vào câu hỏi của tôi mà cứ dán cho nó những nhãn hiệu?
— Tôi không
muốn trả lời vì cãi nhau mất thì giờ vô ích—Cảnh ngắt ngang đứng dậy—Hàng đống
sách của tư sản lải nhải về vấn đề ấy nhưng nó cứ nằm trong thư viện và trong
đầu mấy cậu, còn lịch sử vẫn bước những bước khổng lồ ngoài kia.
— Vấn đề
không phải là của tư sản—Thạch nổi nóng—giả thử của tư sản chăng nữa thì cũng
cần phải xét nội dung của nó. Sao lại gạt bỏ một cách dễ dàng như vậy?
Cảnh lắc đầu
hơi nhếch mép không đáp. Dáng người thấp bé của hắn lộ vẻ kiêu hãnh đáng ghét.
Thạch cố hỏi:
— Tại sao
cậu không trả lời tôi? Tôi không thích cái thái độ im lặng trịch thượng ấy.
— Tự tôi
không thích tranh luận nữa. Chẳng đi đến đâu cả. Giọng Cảnh rừng rưng.
Nói xong
Cảnh quay lưng bỏ đi vài bước. Thạch ngồi im giận dữ. Bỗng Thạch đứng lên đuổi
theo Cảnh, nắm lấy cổ áo Cảnh dựt lại. Cảnh vừa quay mình thì Thạch vừa hét vừa
đánh mạnh vào mặt Cảnh:
— Tao phải
đánh vỡ mặt mày.
Việc xảy ra
bất ngờ khiến Cảnh cũng như An và Đồng không kịp trở tay. Cảnh loạng choạng ngã
ngồi bệt xuống cỏ, An và Đồng giữ tay Thạch. Cảnh đứng dậy giận tái mặt nhưng
lại bình tĩnh phủi quần áo bỏ đi. Thạch lồng lộn:
— Bỏ ra, bỏ
ra. Tao phải đánh vỡ cái mặt hỗn xược của nó.
Thạch gạt
được Đồng ngã xuống thì Cảnh đã đi khuất. Ba người quay trở lại thư viện không
ai nói một lời nào. Về đến thư viện Thạch chia tay bạn. An lấy xe Vélo-Solex
đèo Đồng phía sau lên hồ Tây. Hai người ghé vào một quán nước ven hồ Trúc-bạch.
Gió thật rộng và có lạnh. An nói với Đồng:
— Cậu có
thấy chúng mình mất tuổi thanh niên hay không? Đáng lẽ những việc ấy phải để
dành cho người lớn tuổi, mình chỉ lo học hành và hưởng lấy thú vui của tuổi
trẻ, trái lại mình già cỗi. Không có bụng dạ để học, bị xâm chiếm âu lo về
những vấn đề vượt ngoài tầm sức mình, sống chật hẹp trong những thành kiến của
thời đại. Ai bảo tuổi trẻ hoa mộng là sai với bọn mình. Tuổi trẻ không có mặt
trời không có biển không có không gian với những lo nghĩ khoắc khoải đến vô lý.
Đáng lẽ gặp nhau phải nói chuyện yêu đương mới phải, nhưng lại chẳng có nổi một
mối tình cứ cho là viển vông đi để mà kể nữa. C’est triste.
Đồng mỉm
cười không nói. An lại tiếp lời:
— Lúc nãy
tôi định bàn với các cậu là chúng mình có thể chung nhau ra một tờ tuần báo.
Mỗi thằng chịu khó dạy học kiếm tiền mỗi tháng trích một ít là đủ. Thằng Cảnh
sẽ viết lý luận và phê bình, thằng Thạch có thể viết tiểu thuyết được, tôi làm
thơ và cậu vẽ, như thế đủ bộ.
— Mỗi thằng
một ý làm thế nào đứng chung nhau. Cậu xem mới chỉ nói chơi chúng nó còn choảng
nhau, nếu làm việc chúng nó dám giết nhau lắm.
— Tôi cũng
đã nghĩ đến điều ấy ngay từ đầu. Nhưng tôi vẫn chủ trương phải tự do.
Đồng gật đầu
tỏ ý tán thành. Nghĩ ngợi một lát, An lại nói:
— Tìm cho
mình một bản ngã độc đáo là tự nhốt mình trong một nhà tù kiên cố nhất, không
thể liên lạc với kẻ khác bằng cách nào khác hơn là sự khinh ghét thù hằn. Tôi
biết thằng Cảnh khinh bọn mình, coi là thứ học trò sảo mép kiêu ngạo. Thằng
Thạch đánh thằng Cảnh vì thằng Cảnh đã dám coi thường cái bản ngã độc đáo của
nó. Tôi nhớ tôi có ngỏ ý định muốn viết văn với thằng Thạch, nó mỉm cười bảo
tôi là tôi sẽ chẳng làm nên chuyện gì khi tôi còn ngồi trong cái biệt thự của
tôi, nó cũng khinh tôi. Tôi chỉ có mỗi sự thành thật và nhu nhược, cái thế của
tôi là tôi không khinh được thằng Cảnh thằng Thạch nên tôi khinh tôi.
Đồng chỉ
lẳng lặng ngồi nghe để cho An nói. An còn nói nhiều nữa. An nói về trường hợp
của Gide. An đọc thơ Apollinaire:
Ouvrez-moi cette porte où je frappe
en pleurant...
Bài thơ hỏi
người nhìn giải mây thấp xuống với chiếc tàu mồ côi về phía những cơn sốt sắp
tới và người có còn nhớ những niềm luyến tiếc ấy những nỗi ân hận ấy... Một đêm
là biển cả... Tôi còn nhớ tôi còn nhớ lắm... Một buổi chiều đi xuống một quán
rượu buồn gần vườn Luxembourg, cuối phòng bay lên một đấng Christ. Một người có
một con chồn, một người khác một con dím, người ta đánh bài và người đã quên
tôi rồi... nhớ không nhà ga như viện mồ côi, thành phố quay cuồng nôn ra những
đêm tối, mặt trời, những ngày... Hai người thủy thủ không bao giờ rời nhau. Hai
người thủy thủ không bao giờ nói với nhau. Người trẻ nhất ngã chết… Rồi Đồng
bất tỉnh trong đầu không còn hiểu ý nghĩa gì nữa dù An vẫn say sưa đọc. Đồng
thấy lạnh cùng mình.
Ouvrez-moi cette porte où je frappe
en pleurant.
La vie est variable aussi bien que l’Euripe...
Sau đó Đồng
cử động trong trạng thái bấp bênh. An đèo Đồng về đến Thụy-khê, thả Đồng xuống
đầu ngõ. Đồng bước những bước không vững. Vào được đến giường nằm, Đồng ngã
xuống cơn sốt mê man.
(Trích chương thứ 1)
BUỔI SÁNG CHỦ NHẬT
Gửi Oanh
Trong hai
ngày liền, những trận mưa ngâu bỗng thấy nặng hạt hơn. Gió thổi dữ nhưng điệu
mưa vẫn đều không hối hả, bầu trời tấm tức chứa đầy nước không thể trút mạnh
xuống một lần. Sáng ngày thứ ba, đài khí tượng loan tin một trận bão từ Nhật
bản thổi qua vịnh Bắc-Việt. Đồng thời trên trang nhất các nhật báo ở Hà-nội,
những hàng tít lớn dành cho trận đánh lớn của quân đội V.M. vào một tỉnh miền
Nam trung châu, mở đầu cho chiến dịch Thu-Đông năm 1952, đã được bốn hôm. Nửa
đêm ngày thứ ba của trận bão, trời đổ mưa thật lớn, Đồng thức giấc khoan khoái,
giấc ngủ trong một đêm mưa to yên lặng một cách dễ chịu.
Sáng hôm sau
là một ngày chủ nhật. Đồng có hẹn với Nga, trận bão đã đi qua, bầu trời mùa thu
lại mờ mờ như cũ. Nhìn ra ngoài vườn cây cối ướt át sơ sác, gió đã êm. Đồng
xuống sân rửa mặt thấy mẹ mặc áo bông, đang cùng u già tráng bánh dưới nhà
ngang như thường ngày. Bà cụ mang lên nhà trên cho Đồng một cốc sữa nóng và ổ
bánh mì. Đồng đang thay quần áo, cụ hỏi:
— Cậu không
ở nhà? Hôm nay vợ chồng anh Thái với các cháu về chơi đấy.
— Con phải
lên phố có chút việc. Anh chị ấy thế nào chẳng ở lại đến chiều.
Thái là anh
cả, đã lập gia đình có ba con, mở hiệu chữa xe đạp ở chợ Hôm, thường chủ nhật
cho vợ con về thăm mẹ. Ba đứa cháu của Đồng, lớn nhất chưa quá mười tuổi nhỏ
nhất hai tuổi, đều là con gái và rất quấn quít với chú.
— Cậu lấy
khăn quàng cổ cho ấm—mẹ Đồng đứng lại ở cửa buồng đợi Đồng nghe theo lời
khuyên.
Đồng quấn
khăn đội thêm cái mũ nồi, bà cụ mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Đồng xuống nhà ngang
lấy xe đạp, người u già lãng tai làm cho gia đình từ ngày Đồng chưa ra đời vẫn
đều tay say bột lặng lẽ ngước nhìn Đồng. Đồng dắt xe qua vườn ra lối cửa sau,
chú Tư đang quét dọn mặt đất hỏi:
— Cậu Đồng
đi chơi sớm thế?
Đồng đẩy xe
lăn qua đống quả ủng chú Tư vừa vun gọn và cười thay cho câu trả lời.
Trên dốc
Quần-ngựa, gió hút bạt cả hơi thở. Đồng nghỉ chân mặc cho bánh xe lăn về phía
vườn Bách-thảo. Đồng nghĩ đến Nga, với cặp mắt thông minh nghịch ngợm, điệu bộ
lúc nào cũng như riễu cợt, riễu cợt hơn cả Đồng làm chính Đồng đôi khi cũng bực
mình, giọng nói liến thoắng láu lỉnh, nhưng tất cả toát ra sự hồn nhiên quý
báu. Nhớ lúc hai người ngỏ tình với nhau thật dễ dàng và thẳng thắn. Vào buổi
sáng, Đồng đến chơi, An đi vắng. Nga tiếp Đồng trong phòng khách. Biết tính
Đồng, Nga rót cho Đồng một cốc nước lọc đầy.
Tự nhiên Đồng không muốn nói chuyện nữa, ngồi lặng im, nhìn cốc nước trong vắt.
— Anh nghĩ
gì đấy? Nga hỏi vì có đến năm phút Đồng không nhúc nhích.
— Anh tìm
mắt Nga trong cốc nước. Nói xong Đồng bàng hoàng tỉnh cơn mơ mộng, không ngờ
mình đã ăn nói sỗ sàng, Đồng đợi phản ứng của Nga.
Nga ngồi ở
ghế đối diện thoáng một chút bối rối, rồi lại bình tĩnh như thường.
— Anh thấy
thế nào?
— Đẹp như
buổi sáng này vậy.
— Có đẹp
bằng mắt Phương không?
Đồng hoảng
hốt vì câu hỏi, chắc Nga đã nghe An nói về mối tình của Đồng với Phương, cô bạn
học cùng lớp, năm thi Tú-tài phần nhất, Phương đã sang Pháp du học. Đồng nhìn
thẳng vào mắt Nga không chớp và Nga cũng nhìn trả lại, sự im lặng chập chờn
trong không gian hết sức dịu dàng. Đồng uống vội hết cốc nước rồi đáp:
— Còn kém
xa.
Lúc này Nga
ngửa cổ cười ròn rã, má nàng đỏ hồng, nàng làm bộ quắc mắt nói:
— Anh trả
lời hay nhỉ.
Sự giận dữ
đầu tiên của Nga thật là duyên dáng. Nga bước đến bên Đồng dằng lấy cái cốc
bảo:
— Em rót cho
anh cốc nước khác, anh thử nhìn lại lần nữa xem.
— Vẫn không
đẹp hơn—rồi hạ thấp giọng, Đồng bảo: nhưng đáng yêu hơn nhiều.
Nga đứng
trước mặt Đồng và cúi xuống, Đồng vẫn ngồi im, cầm lấy cốc nước với cả bàn tay
Đồng nâng lên môi uống. Nàng nói nhỏ nhẹ:
— Em chịu
thua.
Nga mặc áo
dạ đỏ nhạt, ngồi trên yên xe đạp tựa vào vỉa hè bên đền Quan-thánh, đang mải
nhìn về phía trường Bưởi đón Đồng, Đồng đạp thẳng theo phố Cửa Bắc vòng về sau
lưng Nga, và cho xe đâm vào bánh xe sau của Nga khiến Nga ngã. Nàng nói dỗi:
— Anh nghịch
tinh lắm, em không thích đâu.
— Em không
thích thì em đi chơi một mình, Đồng tủm tỉm cười.
— Cũng được,
càng tốt. Nói xong Nga lái xe sang phía con đường đôi không nhìn lại, Đồng đạp
chậm theo.
Một lát
không thấy Nga ngó lại phía sau. Đồng cho xe chạy song song hỏi:
— Cô ơi, cô
định đưa tôi đi đâu đấy?
— Anh cũng
đi theo đấy à, Nga làm bộ lạnh nhạt, cứ chịu khó theo rồi khắc biết.
Đồng khịt
khịt mũi không hỏi nữa. Đến vườn hoa Canh-nông, Nga cứ cho xe chạy vòng mấy phố
quanh vườn hoa, đến vòng thứ ba trời bắt đầu lất phất mưa, Đồng đỗ xe trú dưới
vòm cây cạnh một tòa nhà lớn, Nga tưởng Đồng vẫn đạp theo sau mình nên cứ tiếp
tục, Đồng đứng nhìn cái dáng kiêu kỳ của người yêu mà cười. Hết vòng Nga cũng
vào tránh mưa cùng chỗ với Đồng mặt giận làm như người không quen. Đồng vẫn
khúc khích cười một mình, Nga thút thít khóc, Đồng để yên. Sau đó, Đồng dịu
dàng bảo:
— Bây giờ em
đưa anh đi chứ?
— Anh ác
lắm, Nga nói giọng nước mắt, tại sao anh không xin lỗi em một tiếng?
— Thì anh
xin lỗi em, được chưa. Đồng đứng sát lại gần Nga.
— Tại em
muốn anh mới xin lỗi, Nga lắc đầu phụng phịu, tự ý anh anh không xin lỗi bao
giờ hết.
— Em trẻ con
lắm, Đồng gắt yêu, người ta xin lỗi, người ta xin lỗi là được rồi còn gì nữa.
Đây vậy thì tự ý tôi là Đồng, tôi xin lỗi cô là Nga. Bằng lòng chưa?
— Bằng lòng.
Nhìn vào mắt Nga bây giờ, giá không phải là phố đông Đồng đã hôn lên mắt ấy.
— Vậy thì em
định đi đâu?
— Anh cứ
theo em.
Hai người
đạp xe theo phố hàng Bột. Nga bảo:
— Anh cất
cho em cái mũ nồi đi. Em muốn trông thấy tóc của anh. Anh không thấy mái tóc
của anh nó thi sĩ lắm hay sao?
Đồng bỏ mũ
nhét vào ngực áo, gió thổi xòa một khóm tóc xuống trán xấp mồ hôi của chàng.
Đồng nghĩ thầm: “Nga muốn ám chỉ tập thơ mình làm tặng Hà và Phương mà mình đã
vứt xuống sông năm ngoái đây”.
— Em còn
muốn bắt anh phải làm gì nữa không? Đồng hỏi.
— Em muốn
anh không cười nữa và anh buồn.
— Quái gở,
Đồng cười rộ lên làm cho lũ trẻ con bên đường cũng cười theo, em quái gở lắm.
Nhưng tại sao em thích anh buồn?
— Tại em
chưa thấy anh buồn. Em chắc anh buồn em sẽ yêu anh hơn, anh buồn có lẽ anh sẽ
cần đến em. Còn cho đến bây giờ em vẫn chẳng có nghĩa gì với anh hết.
Những lời
của Nga đột ngột nhói thẳng vào tim Đồng. Đúng, Đồng không hề buồn trước mắt
người khác, Đồng hay đùa nghịch châm biếm khôi hài trái hẳn vẻ nghiêm nghị khắc
khổ của bọn Thạch, An, Cảnh. Nhưng nếu người ta biết những lúc Đồng ngồi suy
nghĩ một mình về bệnh tật, về cái chết, về bạn bè, về người yêu... nếu người ta
biết những đêm tối trằn trọc với những cảm giác kỳ lạ bất thường trong cái thân
thể yếu đuối, trong cái ý thức vùng vẫy, trong cái tiềm thức vi phân... nếu
người ta biết Đồng đã xô đụng mơ hồ tới những giới hạn vô cực của cái ý nghĩa
sống còn...
— Nhỡ khi
anh buồn anh lại càng không cần đến em thì sao? Đồng cười, tiếng cười dấu trong
cuống họng và ngực. Rồi thốt nhiên Đồng ứa nước mắt dễ dàng và chàng nhìn đường
dốc Ô chợ Dừa thấp thoáng đông đúc. Đồng rút khăn tay chấm nước mắt, mỉm cười
quay sang Nga nói tiếp: Em bằng lòng chưa? Anh đang khóc đây này.
— Anh nói
dối, Nga cười vô tư, gió thổi cay mắt anh thì có. Anh hay lừa em lắm.
— Anh ghét
em vì em thông minh quá, Nga ạ.
Đồng ngạc
nhiên khi thấy Nga rẽ vào nhà thờ Nam-đồng.
— Vào đây
làm gì em? Đồng hỏi, níu lấy tay Nga cho hai xe chạy chậm trên đường lát gạch.
— Em đi lễ,
Nga trả lời tự nhiên.
Đồng gật đầu
tỏ vẻ hiểu ý, lúc này Đồng mới trông thấy cuốn kinh đóng bìa da Nga cầm trên
tay. Hai người dựng xe vào trong một cái rãnh xi-măng nhỏ. Nga ngắm nhìn Đồng.
Đồng lơ đãng đưa mắt quan sát khoảng đất rộng trước nhà thờ.
— Anh có
phải vào không em? Đồng hỏi lúc hai người đi tới một cái hành lang lát đá hoa
im lặng và ánh sáng hơi mờ.
— Tùy ý anh,
Nga đứng lại ngó Đồng.
— Anh đợi em
ngoài này nhé. Đồng cầm lấy bàn tay không của Nga.
— Em sẽ cầu
nguyện cho anh, Đồng cảm thấy những ngón tay mềm ấm áp của Nga ôm bíu lấy bàn
tay mình.
Đồng đợi cho
Nga bước vào nhà thờ, quỳ xuống một chỗ gần một góc cột cạnh tòa giải tội, lẫn
vào trong đám đông thành kính, nhìn mái tóc người yêu và cái vòm cao đục lờ,
nghe giọng hát thánh ca bay lượn bao trùm khoảng kín không biết phát xuất tự
góc nào đệm theo tiếng đàn Harmonium vang dội, Đồng bỗng thấy thần trí hoang
mang buồn nản. Khi Đồng quay lưng đi ra phía sân trong là lúc bản thánh ca dứt,
một hồi chuông vang lên rồi tới lời truyền giảng chậm rãi âm âm.
Đồng men
theo lối đất đi về cuối sân. Đó là một khu vực rộng gồm những dãy nhà không cao
lắm, kiến trúc trang nghiêm tẻ lạnh, chạy song song cách nhau những khoảng sân
lớn đang trồng cây. Đồng đứng lại xem người ta dẫy cỏ sửa sân, hình như người
ta muốn làm ở góc này một sân bóng truyền. Trông thấy mấy nhà thầy tiến lại chỗ
làm việc, Đồng bỏ đi vòng sang con đường khác. Trời lại bắt đầu ẩm ướt, không
khí của một cuộc biệt ly, Đồng nhớ đến Thạch. Nửa tháng Thạch ở Hà-nội, Đồng
chẳng có dịp nào nói truyện lâu với bạn, mà hình như Thạch cũng muốn tránh tâm
sự, Thạch có chuyện gì muốn dấu, Đồng biết thế. Chơi với bạn từ nhỏ, ngày còn
học trường Pierre Pasquier bây giờ là trường huấn luyện cảnh sát, sau đến
trường trung học Gia-Long bây giờ đã chia làm nhiều gian cho thuê để ở, Đồng đã
quen với tính nết của Thạch: lầm lì ít nói và cục. Lớn lên Thạch lại càng khó
tính và bí ẩn hơn, Đồng có cảm tưởng mình phải bám lấy Thạch để hiểu Thạch và
che chở cho Thạch. Đồng không hiểu Thạch có cần sự che chở ấy không, một thứ
hiện diện săn sóc xuông mà thôi, nhưng tình cảm ấy cần cho Đồng. Đồng vẫn ví
khuôn mặt Thạch như là cái lô cốt chỉ hở hai lỗ châu mai đặt hai họng súng,
nghĩa là người ta chỉ tìm thấy trên nét mặt ấy những dấu vết rõ ràng của khổ sở
tàn phá và cặp mắt thì lạnh lùng, dữ tợn, thù hằn. Ngày Thạch rời Hà-nội không
ai biết, lần xuống Nam-định chỉ có Đồng tiễn Thạch, Đồng đã hỏi An và Cảnh, cả
hai cũng không gặp lại Thạch; chỉ có An là trước đó vài hôm đã đi chơi với
Thạch một buổi tối vì Thạch xuống tìm tại nhà, từ đó đến nay Thạch biệt tin
tức. Đồng nói thầm: “Nó tự tử”. Bỗng nhiên Đồng rùng mình và muốn được hôn Nga,
chưa bao giờ Đồng cảm thấy sự thèm muốn Nga nồng nhiệt như bây giờ. Đối với
Đồng việc cầm tay Nga trong tay vẫn là một động tác quý báu trong sạch; Thạch
đã từng chỉ trích Đồng: “Cậu lãng mạn lắm”. Đồng nhớ lại ngày yêu Phương, gia
đình Phương rất tự do. Đồng đến chơi ở cả ngày có khi tôi tối mịt trong phòng
riêng của Phương; Phương thường hôn Đồng trong khi người nhà qua lại bên ngoài
phòng; một buổi chiều mùa đông trong phòng tối xầm trông không rõ mặt người,
Phương ôm Đồng ngã xuống, Đồng sợ hãi cứng người, kịp ngồi dậy trước khi Phương
tháo cúc áo sơ-mi đầu tiên của Đồng, Đồng ra ngồi trước bàn học không dám bật
đèn cũng không dám mở cửa phòng, lát sau khi bà Các, mẹ của Phương, gõ cửa gọi
hai người ra ăn cơm, Đồng vội cáo biệt. Đồng không thể quên được tiếng khóc ấm
ức của Phương trong bóng tối, Phương đã nói rất nhỏ vì xấu hổ: “Anh sẽ hối hận,
vì chỉ có anh em mới làm thế. Anh là người yêu thứ nhất của em, anh không tin
sao”. Đồng lắp bắp đáp: “Anh tin em, anh hiểu lắm”.
Khuôn mặt
của Nga trong nhà thờ bước ra rực rỡ vui tươi.
— Em đẹp như
tượng... vậy. Đồng cười nói.
— Anh không
được nịnh em hỗn như thế. Nga để ngón tay trỏ lên môi, trừng mắt.
— Vậy thì
anh bảo là em đẹp quý phái lắm. Đồng cầm tay Nga vuốt ve. Có tiếng người nói
chuyện đâu đây, Nga gỡ tay Đồng rồi dắt chàng đi, Nga nói:
— Em vừa thú
tội xong.
— Em thú tội
gì? Nga vội bụm tay vào miệng Đồng.
— Anh không
biết người công giáo có hai điều thiêng liêng nhất là lúc thú tội và lúc chịu
phép mình thánh? Anh không được ăn nói bậy bạ.
Đồng ngó
ngoáy đầu, cười khúc khích trong bàn tay Nga, hỏi:
— Vậy em thú
những gì nào?
— Em thú
rằng em yêu anh hơn ai hết trên đời này, em phục tòng kính trọng anh mà anh thì
vô đạo. Em biết rằng không đời nào em có thể dắt anh trở về con đường của Chúa,
em lại cũng biết rằng em không thể bỏ anh vì Chúa và như thế là em phạm tội.
— Em có thể
vừa yêu Chúa vừa yêu anh cũng không sao.
— Cha khuyên
em nên xét kỹ lòng mình—Nga nói tiếp giọng ấm áp, không chú ý tới câu nói của
Đồng—nên hiến trọn mình cho tình yêu Chúa và nếu quả thật tình yêu Chúa nơi em
là cao cả thì nó sẽ cảm hóa được anh, làm nảy nở tình yêu đấng tối cao ở anh.
Đồng và Nga
đã đứng bên xe đạp, Đồng hỏi:
— Em có tin
như thế không?
— Em chưa
biết vì em hiểu anh. Đối với anh cũng như đối với Chúa, tình yêu của em chỉ có
một thể, đó là sự thần phục tuyệt đối.
Đồng cảm
thấy lạnh dọc xương sống, những lời của Nga nói thành thật nghiêm trọng không
phải là đùa bỡn. Đồng tự hỏi: “Nga theo đạo từ bao giờ”, Đồng biết chắc là gia
đình An không ai là người công giáo. Đồng vẫn cố gắng mỉm cười, hỏi:
— Vậy em có
buồn không?
— Em muốn
hỏi lại anh câu ấy.
Đồng nhấc
chiếc xe đạp lên nhìn lảng chỗ khác đáp:
— Anh đã bảo
anh ghét em vì em thông minh quá. Thôi chúng mình đi về.
Anh yêu,
Ba ngày hôm nay em trông đợi không thấy anh tới thăm em. Em
ở nhà một mình buồn quá. Cậu mợ em vào Sài-gòn từ hôm thứ hai, để vận động
chính trị—có lẽ cậu em sẽ giữ một chân bộ trưởng trong chính phủ sắp cải tổ (em
không muốn để ý tới chuyện ấy nhưng ở trong nhà nên vẫn phải biết), anh An đi
chơi vắng suốt ngày và được thể suốt đêm nữa, trong khi em đang viết cho anh
đây thì anh ấy còn ngủ vùi trên buồng. Em tạm nghỉ học trông nhà, công việc đã
có người làm hết, em chỉ đi lại quanh quẩn trong nhà mà nhớ tới anh. Nhớ tới
anh nhiều quá em lo sợ rằng anh giận em. Em biết tính anh là giận đấy nhưng mà
vẫn cười đấy, giá em có hỏi, anh lại làm trò nhăn mày nhăn mặt cười khích khích
rồi nói: Anh mà giận em, có họa là điên. Anh tưởng đánh lừa được em, nhưng em
thừa thông minh để nhận thấy sự quá dễ dãi ở anh chính là sự biểu lộ của giận
dữ đè nén. Em hiểu anh nên mới yêu anh chứ người khác chịu thế nào nổi anh, như
Phương chẳng hạn (bây giờ em nói thẳng cho anh rõ là em biết Phương vì Phương
chơi thân với một người bạn thân của em, nếu anh muốn biết tin tức của Phương
em sẵn sàng bảo cho). Và em càng yêu anh, em càng hiểu anh. Anh có nhận như thế
không nào?
Vậy thì—em bắt chước giọng của anh đấy—em buồn quá, nhớ anh
quá và yêu anh quá vì biết rõ rằng anh đang giận em. Không giận thì tại sao anh
không “nghe thấy rằng em đã cần có anh ở bên cạnh mà tìm tới thăm em?” Nhất là
sau buổi gặp nhau hôm chủ nhật, em còn rất nhiều điều muốn nói với anh mà chưa
nói được. Lần nào gặp anh, em cũng dự định rất nhiều điều nhưng trước mặt anh,
anh không bao giờ làm cho em dễ dàng thổ lộ, hoặc anh chọc tức em, hoặc anh mê
hoặc lôi cuốn ý nghĩ người ta đi đâu đâu, hoặc thái độ của anh làm cho em tự
nhận thấy mình lố bịch. Nhưng bây giờ em không sợ anh nữa, anh không ở trước
mặt em, em viết cho anh đọc.
Anh có hiểu em yêu anh đến chừng nào không? Chưa bao giờ anh
tìm hiểu đo lường tình yêu của em đối với anh. Em không bảo rằng như thế là anh
coi thường em nhưng thái độ của anh làm em bực mình. Nhiều lúc em chỉ muốn được
nghe anh đòi em phải nói: Em yêu anh, để rồi anh cũng nói: Anh yêu em, nhưng
anh chẳng hề làm. Trong ý anh mấy tiếng ấy thừa và vô nghĩa. Riêng em, em vẫn
còn tầm thường thích nghe những lời trống rỗng ấy. Em cứ chóng mặt quay cuồng
vì thứ tình yêu của anh, một thế giới ngổn ngang những im lặng, những khoảng
trống, những thánh địa anh ném em vào để tự em dò dẫm tìm lấy lối phải theo;
trong thế giới ấy em không thể bừa bãi nếu không muốn phá hoại, em cũng không
thể thụ động nếu không muốn bị bỏ rơi. Anh thật là tàn ác, em vẫn nghĩ thế, tại
sao anh không đơn giản như mọi người? Theo được anh, mệt nhọc chết người. Em tự
hỏi: cái gì đã ràng buộc em vào với anh một cách vô lý như vậy? Nếu không phải
là chính em, chính em cũng không đơn giản chút nào, phải không anh?
Có lẽ anh không biết rằng em đã để ý đến anh từ trước khi
anh ngỏ lời với em, trước cả khi anh thường lại thăm em ở nhà. Một vài lần đầu
gặp anh ngoài phố đi chơi với anh An, em không nhận thấy điều gì đặc biệt ở anh
hết. Nhưng một lần khác, sự có mặt của anh đã làm em thảng thốt mê đắm, lần em
gặp anh trong rạp chiếu bóng Studio, chắc anh không thể nhớ được. Khi em cùng
hai người bạn bước vào căn phòng nhỏ bé ấm cúng ấy thì em trông thấy anh ngồi
thu gọn gần như nằm giữa những hàng ghế trống. Chỉ có một mình anh, ngoài ra
không còn ai khác, hình như anh nhắm mắt ngủ, ánh đèn mờ mờ và lúc ấy trên màn
trắng là khoảng trống giữa hai đĩa nhạc, em nhận ra mái tóc bồng mềm mại với
khuôn mặt của anh nghiêng về phía nhiều bóng tối như khuôn mặt trong ảnh của
một tác giả cổ điển trong các sách lịch sử văn chương (em nhớ mang máng hình
như em thấy giống Rousseau). Đó là ngày cuối phim nên đến khi chiếu trong gian
phòng vẫn chỉ có ba đứa em và anh thôi, em ngồi đằng sau lưng anh, cách rất xa
(chỉ có hai hạng ghế, anh ngồi hạng bét, chúng em ngồi hạng nhất). Chính trong
hai đứa bạn em hôm ấy, một đứa là bạn thân của Phương đã nói cho em biết về
chuyện giữa anh với Phương. Gặp đoạn phim thú vị, em nghe thấy tiếng anh cười
lớn, tiếng cười cho một mình không cần sự hưởng ứng của bất cứ vật nào khác. Em
cảm thấy ở anh một nỗi cô độc lớn lao tỏa chiếm lấy cả gian phòng và chúng em
như những kẻ ngoại cuộc lẻn vào phá khuấy cái không khí của riêng anh mà anh ơ
thờ không hay, em bị cuốn hút vào trong vòng cô đơn ấy. Khi anh đứng lên bước
đi, đầu hơi cúi, hai tay buông thõng, dáng khoan thai, anh quay lại
nhìn bọn em mỉm cười, vẻ mặt anh lộ sự trêu cợt. Em nhìn anh ở phía sau, đi
giữa đám đông trong thành phố buổi chiều, em nhận rõ cái vẻ đẹp đàn ông rất
đáng ghét của anh (em trả lại chữ cho anh), vẻ đẹp của người đàn ông là cái vẻ
tự đầy đủ không cần sự bổ túc của đàn bà nên cô đơn quá. Nhưng em đã yêu anh,
bằng lòng sự phụ thuộc vào anh. Vì thật ra em cũng là kẻ cô đơn trong đời,
nhưng là thứ cô đơn của phái yếu.
Em biết anh thắc mắc về việc em trở về đạo Chúa vì anh rõ
gia đình em không có gốc đạo và cũng không người nào trong gia đình ngờ rằng em
tìm thấy đức tin nơi Thiên-Chúa. Anh không thấy như thế là em cô đơn giữa những
người thân yêu sao? Cậu mợ em là những người nhiều tham vọng, anh An là một tâm
hồn khó hiểu, em vẫn thường cầu nguyện cho những người ấy cũng như cho anh, tâm
hồn cô độc kiêu ngạo. Em vẫn tự hỏi: tại sao em lại cô đơn trong khi hoàn cảnh,
học vấn, tư chất của em phản nghịch lại? Em chỉ tìm thấy tận trong thâm tâm
những náo động của một nguồn tội lỗi kỳ quặc, tự nhiên em thấy em là kẻ có tội
cần phải ăn năn cứu chuộc lấy linh hồn. Em không hiểu nguồn tội lỗi ấy nguyên
nhân bởi đâu, em thành thật nói với anh, em rất nghiêm khắc trong việc xét mình
nhưng em vẫn phải nhận là em còn trong trắng lắm. Thật là vô lý, một thiếu nữ
cảm thấy tội lỗi không nguyên do. Nên em cô đơn lắm, nhưng em không phải là anh
để chịu đựng lấy một mình. Em cần một nguồn an ủi, em về quỳ dưới chân Chúa xin
Chúa che chở và cứu vớt lấy tấm linh hồn con cái của Chúa. Một vị linh mục đã
giải cho em về cái cảm giác tội lỗi ở em là: Chúa đã chọn cách ấy để gọi em về
với ánh sáng với chân lý và em đã nhận được ân sủng lớn của Người ban cho trông
thấy cái ý nghĩa của kiếp trần gian này. Riêng em, em nhận một cách tầm thường
là em chạy trốn sự cô đơn, em cần được thổ lộ những nỗi niềm với người lúc nào
cũng lắng nghe em, em cần được khóc nức nở dưới cặp mắt hiền từ của người và
vật trong gian nhà của Chúa, nghĩa là giải thoát sự cô đơn mà vẫn giữ nguyên
vẹn sự cô đơn bầy lên trước mắt mình—em mơ màng thấy nó quý báu nhập vào những
thần tượng trên ban thờ—không phá vỡ nó giữa cái đời sống sô bồ rửng rưng của
người thân yêu xung quanh.
Anh hiểu vì đâu em yêu anh, yêu sự cách biệt trống vắng anh
đặt ra ngăn giữa hai chúng ta. Nói thế nhưng hôm nay thì em vẫn nhớ anh quá, em
ước mong anh sẽ tới với em để em sẽ nói với anh rằng em yêu anh, bắt anh phải
trả lời: anh yêu em, tầm thường đơn giản như mọi người. Anh đừng giận em, tội
nghiệp. Trong giây lát anh hãy quên anh đi, hãy thử nghĩ tới em không mà thôi,
chắc rằng em sẽ sung sướng biết bao.
Em hôn anh suốt khi anh đọc bức thư này.
NGA
(trích UNG THƯ 59)
Ấn
bản này lấy lại nội dung từ tạp chí Văn, phụ lục lấy từ tạp chí Sáng tạo
và Hiện đại, sửa một vài chỗ chắc chắn là lỗi in và một số chi tiết về
trình bày. Những chỗ trên tạp chí Văn bị kiểm duyệt được giữ nguyên.
Chủ
nhật khác
2023
No comments:
Post a Comment