Hai ngày
liên tiếp, mưa ngâu bỗng nặng hạt, gió lộng, trời sũng nước, mặt hồ Tây nặng
sánh như chất dầu; nửa đêm ngày thứ ba của cơn bão rớt, trời đổ mưa giông, Đồng
chợt thức giấc khoan khoái. Giấc ngủ yên lặng tĩnh mịch trong tiếng nước đổ,
không bị khuấy đục bởi những mộng mị quen thuộc, hơi thở nhẹ nhõm, lưng và ngực không bị mồ hôi trộm. Cuốn tròn trong chăn
bông, nghe gian nhà rộng vắng như không còn ai ngoài mình, bên ngoài cây cối
vật vã từ trên vùng cao, thiếp dần trong nỗi nhớ nhung xoay tròn không đối tượng.
Mọi hình bóng trôi miên man như tiếng nước chảy đầu mái hiên. Tỉnh dậy buổi
sáng Đồng vẫn tưởng mình vẫn cười mãi bâng quơ từ nửa đêm đến sáng.
Trận bão qua
hẳn, trời mùa thu trở nên mờ mịt lao đao trong những cơn heo may tẩm lạnh; Cây
cối trong vườn ướt sơ sác, ngoài sân gạch lá úa rụng đầy. Ngồi xổm trên hàng
hiên cao của nhà trên, rửa mặt trong chậu thau đồng nước bốc khói, Đồng ấp
chiếc khăn bông dày kín mặt nghe hơi nóng ran trong da và nghĩ mình đang hồi
hộp. Hôm nay chủ nhật đây, ngày hẹn đầu tiên với Nga. Nga, Nga, cặp mắt rạng
ngời như đêm mùa hè thượng du, như tiếng hát của Hà bay ở giữa trời... thông
minh, hóm hỉnh, riễu cợt hơn cả mình nữa, Đồng bật cười khúc khích, mẹ mặc áo
bông đang quét dọn nhà ngang, tiếng chổi sẽ soèn soẹt, hai con chó nằm liếm bộ
lông nhớp nháp. Bộ bàn ghế gỗ cũng ẩm, cốc sữa được đậy bằng một tập sách mỏng,
Contribution à l’esthétique, cái bánh
tây trong chiếc đĩa nhỏ, giỏ nước và đĩa chén đã được chùi rửa sạch bóng.
Đồng vừa ăn
sáng vừa ngẫm nghĩ: phải tự làm psychanalyse
mình mới được, sự sợ hãi kỳ quái là một thứ mặc cảm chưa được đặt tên, yêu Nga
cũng là một lối tự psychanalyse mình
hả?
Vỏ bánh xe
đạp dựng bên tường đỏ hỏn không mảy bụi, u già kém mắt đã chùi rửa mất mấy “sô”
nước mưa với mẹ đứng bên chỉ dẫn; những mẩu bánh vụn rơi vãi trên mặt bàn, trên
đùi và gấu áo len. Đồng mò mẫm túi áo sơ-mi mặc trong điếu thuốc lá nhầu nát
cong queo, vuốt lại cho thẳng đi xuống nhà ngang vào bếp. Mẹ cúi xuống cầm đôi
đũa sắt gắp một cục than nhỏ, đưa cho châm thuốc, bàn tay rån reo run yếu: “Cậu
lại hút thuốc rồi”. Đồng bập mạnh hơi, thuốc khó cháy nghe hơi khét, nhựa vàng
lan lùi theo đốm lửa, không dám nuốt khói, thổi ra khỏi miệng và làm cay mắt
mình. Mẹ bước theo sau, trở lên nhà trên bảo: “Hôm nay vợ chồng anh Thái đưa
các cháu về chơi đấy”. “Con lên phố chốc về ngay”.
Đồng thay
quần áo, quấn khăn quàng cổ, đội chiếc mũ nồi nhìn thấy tấm ảnh chụp chung với
Thạch treo trên tường: Thạch đứng gác một chân lên chiếc bể non bộ ngoài sân,
cười rộng miệng. Không biết hắn nghĩ thế nào khi hắn biết mình yêu Nga, em gái
của An? Hắn chưa bao giờ đặt chân vào trong gian phòng khách sang trọng, trần
thiết Tây-phương; Bộ xa-lông với những chiếc ghế bành lớn ngồi lọt thỏm, những
ấn bản hội họa mới (một chân dung đàn bà của Modi giống như Liên của hắn),
chiếc đàn dương cầm đen huyền, các lũng tường dấu ánh đèn, bức tượng nhỏ khỏa
thân bằng đồng, chiếc đèn đứng chụp trắng, chiếc gạt tàn bằng pha lê lớn bằng
chiếc bát chiết yêu... Bây giờ nó đang ở trong đồn nhìn quanh làng mạc sơ xác
và thù địch, những cánh đồng chiêm ngập nước không nhớ và không nghĩ đến ai,
ngay cả Liên nữa, phải thế không? Đồng huýt sáo miệng, ngày nay chắc không còn
người đi lại dưới cửa sổ gác người yêu để thổi sáo một bài ca tình tứ phải thế
không Thạch?
Đồng vác
chiếc xe đạp xuống sân, dắt qua vườn đi ra lối sau. Chú Tư đang quét dọn mặt
đất, vun lá quả rụng thành từng đống, ngừng tay chống cây chổi cán dài trước
ngực, chú khoác chiếc áo dạ lính tây rách hai khuỷu tay - chú ở bên hàng xóm giúp mẹ
công việc vườn tược: “Cậu Đồng đi chơi sớm thế?” Đồng đẩy xe ngang qua đống quả
ủng đã thu gọn, cười khinh khích. Chiếc cửa gỗ ướt mủn, rêu nhờn, Đồng nhấc xe
lần nữa qua khỏi ngưỡng cửa, dựa thân xe vào sườn, chùi mùn gỗ trong tay vào áo
len và đứng thở. Bãi cỏ hoang mọc lan nhanh sau mấy ngày mưa dầm, đường dốc mãi
tít trên cao nhìn lên chỉ thấy mép như một bờ đê, phải đẩy xe theo lối mòn
ngoằn ngoèo giữa đám cỏ ướt hết gấu quần, tại sao lại đi lối này? Trên dốc
Quần-ngựa, gió hút bạt cả hơi, bánh xe lăn theo sức kéo tự nhiên nghiến đá sạn
nhỏ lào rào bắn sang hai bên; hồ Tây thấp thoáng là những miếng xanh lục giữa
các chòm cây và mái nhà dưới thấp, con tàu điện chạy dưới đường Thụy-khê không
tiếng động, cây gạo già Quảng-bá mờ nhạt như nhìn qua một đám khói. Buổi sáng
ngồi đọc sách trên bờ gạch sau đình làng, dưới gốc sung; lớp học trong đình
nghỉ vắng-anh chàng thầy giáo có lẽ còn là học sinh trên phố giảng thơ kháng
chiến say sưa cho bọn học trò trẻ con chẳng hiểu mô tê mù tịt—nắng lấp loáng
ngoài khơi xa, sung rụng lõm bõm dưới chân, sóng sô vào bờ gạch, nước bẩn rong
rêu, chiếc thuyền đánh cá lờn vờn quanh những đám bèo rải rác; Đồng úp sách vào
ngực, lim dim mắt... Tellement attendu,
tellement tellement, tellement, tellement, tellement, tellement, tellement, tellement
et tellement attendu... Tellement, espéré, desespéré, espéré, desespéré,
espéré, desespéré, espéré, desespéré, espéré desespérément espéré... Thảng
thốt tự nhủ: tại sao không yêu Nga? tại sao không? Phải yêu Nga, phải yêu...
như trong cơn mơ, nhảy xe điện lên phố, tàu chạy nhanh trên đoạn đường ngoại ô,
chuông giật hồi và chậm dần khi vào phố, xuống nơi trạm tránh nhau cuối dốc
vòng, đi bộ một quãng; sực nhớ tới thái độ vô lý, Đồng chỉ gặp Nga vài lần tại
nhà khi đến tìm An hoặc ngoài phố khi Nga đi với bạn, sẽ làm gì, nói gì, không
biết nhưng phải yêu Nga, yêu Nga, tại sao không? Càng đến gần nhà Nga càng thấy
mệt, yếu như sắp đứt thở, yêu cho rõ mình không thể làm gì khác, yêu vì chỉ còn
lại những giây phút mịt mùng. Tiếng chuông reo phía sau, ouvrez-moi cette porte... où je frappe en pleurant, tiếng guốc chạy
trên lối sỏi, mái tóc cặp đong đưa, tiếng cười ròn rã tinh nghịch. Anh An đi
vắng, cả nhà đi vắng, mời anh vào chơi. Đồng ngồi vào ghế bành, duỗi dài chân,
ngực trống rỗng. Anh làm sao? Chắc anh trúng gió để em lấy thuốc anh uống, Nga
bỏ vào trong nhà, lâu, Đồng tỉnh dần, cố gắng thở điều hòa. Anh thấy khá rồi
hả? Đồng để hai viên thuốc trắng lên mặt bàn, cầm cốc nước trong vắt nhìn.
Ngoài cửa sổ cây lá khua động, màu xanh chấp chới. Anh nghĩ gì đấy? Anh tìm mắt
Nga trong cốc nước, bàng hoàng đợi phản ứng của Nga, lim dim mắt để khỏi nhìn,
để chỉ thấy những ảo ảnh. Anh thấy thế nào? Đẹp như buổi sáng này vậy. Không
khí buổi sáng trong vườn Bách thảo âm u, mát dịu, khoảng sáng trên các mặt hồ nước
trong im với những lá sen tàn úa. Đẹp bằng mắt cô Phương không? Mở choàng mắt,
có lẽ An nói với Nga về Phương, im lặng trải rộng dịu dàng. Uống vội hết cốc
nước, mắt Phương, mắt Phương không nhớ được. Nga bật ngửa cổ cười ròn, riễu
cợt. Un soir de demi-brume à Londres un
voyou qui ressemblait à Mon amour vint à ma rencontre Et le regard qu’il me
jeta Me fit baisser les yeux de honte...
Nga mặc áo
dạ màu gạch, ngồi yên xe đạp đỗ tựa vào vỉa hè trước đền Quan-thánh, trông về
phía đường Bưởi.
An đứng
trước tủ sách cao khỏi đầu ngắm nghía; sách đủ loại: philo, éco-po, histoire, sociologie, littérature, science, religion,
civilisation... Bộ bách khoa tự điển Anh chiếm nguyên một kệ dài, không
đóng gáy phô những bìa khác nhau hỗn độn, hoa mắt.
— Anh cũng
đọc cả droit nữa hả?
— Để làm tài
liệu. Sau này cần dùng, rồi đến lúc phải có cái Constitution cho xứ này.
An nhón gót
rút lấy quyển Marie của Trotsky:
— Tôi kiếm
mãi quyển này ở ngoài phố không thấy.
An nhìn ra
ngoài ban công, đường Yên-phụ cao hơn tầm gác, bến xe khuất về bên trái, tiếng
động từ trên đổ xuống, từ dưới dội lên. Dưới phố thấp một cái máy nước công
cộng nằm ngay dưới chân những thềm gạch nối với đường Yên-phụ, những người đàn
bà ì ạch quay ngang đôi thúng đang leo từng nấc ướt nhẹp bẩn thỉu. Đầu phố phía
hàng Đậu, một xưởng chữa ô-tô khua vang những tiếng gõ đều đặn vào thùng sắt
trống và xa hơn tiếng ào ào thỉnh thoảng tuôn đến cửa chợ hàng Khoai. Nghiêm
đang chăm chú chuyên trà, gian phòng vuông vắn thoáng khí, hai cửa sổ mở trông
ra những mái ngói lô nhô của phố hàng Đậu, sân thượng phơi quần áo. An vừa lật
giở những trang sách vừa đi tới ngồi đối diện với Nghiêm nơi bàn thấp đặt ngay
giữa phòng, nhấm nháp hương trà mạn sen trong chiếc chén hạt mít.
Nghiêm cầm
hai tập giấy bản in ronéo để trên
bàn, giở nhìn các trang:
— Anh đọc
hết chưa? Nghĩ thế nào?
— Anh viết
hay đấy chứ.
Nghiêm vội
cải chính:
— Không phải
tôi, anh em họ viết... Chúng tôi phổ biến nhiều ra ngoài hậu phương hơn trong
vùng quốc gia này. Cốt để cho cán bộ của kháng chiến đọc.
An ngửng lên
nhìn vào Nghiêm, các anh lại muốn “lòe” bọn thanh niên. Nghiêm chỉ mới ngoài ba
mới, vẻ thư sinh nho nhã, không có dáng một người hoạt động, thường ra thư viện
đọc sách, ghi chép chăm chỉ. Hắn làm quen với Cảnh, rồi bữa cả bọn, cho mượn
xem những tài liệu của kháng chiến; một bữa tình cờ nghe Thạch cãi nhau với
Cảnh về định nghĩa giai cấp, hắn phụ họa đứng về phe Thạch công kích chủ nghĩa
mác-xít với luận điệu vững vàng của người có nghiên cứu vấn đề, Cảnh nghĩ nhắn
có thể là angent của phòng Nhì.
— Riêng ý
tôi, tôi thấy các anh mystique quá.
Để chống lại chủ nghĩa mác-xít mà các anh lại đi khai thác cái tinh thần dân
tộc thần bí, xử dụng thần thoại, tôi e...
Nghiêm cầm
nghiêng ấm trà sửa soạn rót vào chén, lắng nghe, xong mỉm cười tiếp tục rót
nước vào chén và nhấc ấm nước sôi đặt dưới chân ghế chuyên vào ấm trà.
— Để chống
lại lập trường giai cấp, tôi hỏi các anh đứng ở lập trường nào?
— Đó là điều
bọn tôi thắc mắc. Có lẽ không giải quyết nổi. Nhưng tôi thấy dựa vào ý niệm dân
tộc thì mơ hồ trừu tượng quá.
— Anh không
đọc trong này bài chúng tôi bàn về sử quan của chúng tôi hay sao?
— Có, tôi có
đọc. Nhưng cái quan niệm về giòng sống, giòng sử của nòi Việt, với nòi Hán của
các anh tôi nghe nó gần phát-xít quá...
Nghiêm sa
sẩm nét mặt, nhếch mép, cái lối cười ngạo mạn, khinh thị kẻ đối diện như của
Cảnh. An dòm thẳng mắt Nghiêm khiêu khích, đối với Cảnh hay Thạch, An có thể
nhân nhượng và mang mặc cảm tội lỗi; chúng nó hơn mình, chúng nó thật như thế,
những đứa con mà chiến tranh nhổ bật mất rễ giai cấp, chúng không thuộc vào đâu
cả, còn Nghiêm... Một đứa con trai chừng bốn năm tuổi chạy vào phòng gọi: Bố,
bố, bố vẽ cho con cái đồng hồ; Nghiêm cầm bút mực vẽ trên cổ tay bụ bẫm của đứa
con xong, bảo: Con ra ngoài chơi. Thằng bé không ra khỏi phòng, nó đến ngồi
trên chiếc đi-văng gần bên cửa ra, dựa lưng vào tường và giơ tay lên ngắm nghía
một mình. Cạnh tủ sách là chiếc bàn viết, lót mặt kính dưới có những bức ảnh.
Nghiêm cầm chiếc điếu cày giấu dưới gầm bàn, vừa nhét thuốc vào nõ vừa nói:
— Anh chỉ có
thể đứng trên lập trường dân tộc, anh mới có thể vận động được một cuộc cách
mạng khác với cách mạng vô sản. Cách mạng không phải chỉ là thúc đẩy sự phân
hóa xã hội tới tột độ để loại trừ, cách mạng còn phải là cái hành động intégrer được cái quá khứ lịch sử của
một dân tộc vào trong một xã hội mới...
Nghiêm châm
lửa hút thuốc nổ ròn tan, thở khói tuôn mù ra lỗ mũi, dựa đầu vào lưng ghế lim
dim một lúc. Hơi thuốc bay tan, Nghiêm ngồi thẳng lên, mắt vẫn còn đỏ lờ:
— Chỉ có một
cuộc cách mạng dân tộc thật sự mới thu nhập và hóa giải được những mâu thuẫn
của xã hội hiện tại. Dựa vào giai cấp, người ta chặt đứt quá khứ và lọt vào
trong cái vòng đấu tranh bất tận, làm cách nào trong cái xã hội tân tiến như
ngày nay mà người ta có thể thủ tiêu được hiện tượng giai cấp trong guồng máy
kinh tế. Anh có thấy thế không đã nào? Cách mạng vô sản ở Nga non nửa thế kỷ
nay hỏi làm được đến đâu. Chỉ còn cách là thu nhập điều hòa các giai cấp trong
đơn vị lớn hơn là dân tộc thôi. Nhất là ở Việt-nam mình, cái tinh thần nông dân
cố hữu, cái giai cấp chính yếu đó, có đòi hỏi gì chính là đòi hỏi được thu nhập
vào trong một xã hội mới...
An mỉm cười
hoài nghi:
— Tôi chưa
hiểu rõ quan niệm cách mạng của các anh như thế nào. Cách mạng để intégrer quá khứ vào tương lai? Tôi chỉ
nghĩ rằng cái quan niệm dân tộc cách mạng bị dépassé mất rồi. Cách mạng và truyền thống dân tộc, ça sonne faux.
Nghiêm không
cười nữa, hắn trừng mắt:
— Tôi không
hiểu các anh muốn gì, tìm kiếm cái gì. Các anh có chấp nhận Cộng-sản không đã
nào? Nếu không thì các anh phải đứng vào hàng ngũ nào chứ. Cái gì các anh cũng
phủ nhận cả, rồi các anh đi đến đâu. Các anh chịu ảnh hưởng Tây nặng quá. Phải
trở về nguồn, khai quật cái tinh thần dân tộc tiềm tàng đã giữ được đất nước
này mấy ngàn năm không tiêu diệt... Các anh không nhận định được những giá trị
của dân tộc vì các anh vong bản.
An bật cười
thành tiếng, non, suis pas déraciné, suis
déclassé, oui, déclassé.
— Anh muốn
chúng tôi phải hành động chứ gì? Đồng ý. Nhưng phải thành thật mà nói các đảng
phái quốc gia ngày nay có đảng nào tổ chức ra hồn, có đường lối hoạt động thu
hút được chúng tôi đâu. Các anh vẫn còn giữ cái lý tưởng lạc hậu cũ kỹ như cái
hồi mấy chục năm trước chống nhau với Tây chỉ cần vận động cái tinh thần quốc
gia dân tộc là đủ. Mục tiêu của các anh đã bị Cộng-sản đoạt mất rồi, hiện tại
là chính các anh đang phải tựa vào Pháp để chống Cộng, các anh không thấy cái
lý thuyết cách mạng dân tộc của các anh mâu thuẫn khi vào thực tế sao. Các anh
sẽ không khi nào lôi cuốn được thanh niên chúng tôi nếu các anh cứ còn khư khư
ôm giữ cái vang bóng một thời của các anh. Ngày nay cuộc tranh đấu đã khác
không phải như thời xưa, xã hội này đã phân hóa không còn đồng nhất như thời
trước nữa... Chúng tôi muốn hoạt động lắm chứ nhưng bắt chúng tôi phải chấp
nhận những quan niệm cựu hữu phản động chúng tôi làm sao nhận nổi. Các anh
không nhận thức được rằng bọn thanh niên ngày nay hầu hết đều khuynh tả, nếu các
anh không thu hút dẫn dắt nổi...
Nghiêm không
nhịn nổi nữa, hắn cắt ngang:
— Các anh
chỉ giỏi lý luận nên không làm được việc gì cả. Các anh chỉ biện luận để che
đậy sự hèn nhát không dám hành động thực tế. Có phải các anh cho các anh là
khuynh tả để lúc có thể đứng với Cộng-sản hay không? Anh chỉ nhìn thấy người
quốc gia qua hình ảnh của ông bố anh...
An nghẹt
cứng họng, hai bàn tay nắm chặt vào thành ghế thấy mồ hôi và nhớp nháp, bật
cười thành tiếng ngắn vô nghĩa. Je suis
contre mon père, complexe d’Oedipe chăng, mặc cảm có trước hay sau Freud...
nhưng sự xúc phạm kia vẫn là sự xúc phạm đến chính tôi, tôi đau, tôi chống với
chính tôi thì đúng hơn... vẫn là một lối ràng buộc với giai cấp như Cảnh nói
chăng. Đột ngột từ dưới phố bốc lên tiếng hỗn độn vô cớ, như một đám đông kéo
qua, phút sau dịu đi tiếng động trở lại giọng miên man cố hữu như một nỗi im lặng
loang rộng. Hôm nay là chủ nhật, mình ngồi đây làm gì? Nói mấy câu chuyện viển
vông xa vời cho yên dạ, bỏ quên sinh thú. Nghiêm cầm mấy tập tài liệu An vừa trả, đi vào gian buồng ngay đầu
cầu thang lên trò chuyện với vợ. Trên trang nhất tờ nhật báo trải trên bàn,
hàng tít tám cột về trận đánh mở mùa chiến dịch Thu-Đông tại đồng bằng
Bắc-Việt, tin trận bão từ Nhật bản thổi tới trong mấy ngày qua. An thèm bỏ
xuống phố, đi lẫn vào trong đám đông vô tư và quên mình quên tất cả mọi ràng
buộc, nơi chốn ghi dấu hình dạng mình. Nghiêm trở ra, mang theo một tập tài
liệu khác:
— Anh đọc
thử cái này xem sao?
An ngạc
nhiên, đó là một tập thơ giọng cổ có hào khí của tráng sĩ. Nghiêm lại bắt đầu
thuyết say sưa về người lãnh tụ bí mật mà may mắn một thời hắn được sống gần
ông trong sáu tháng. Ông là người có bộ óc thông minh bách khoa, thị kiến mạnh
mẽ sâu xa, nhìn trước mọi sự việc cả mấy chục năm. Khi chiến tranh bùng nổ, ông
bỏ đi mất tích, hứa sẽ xuất hiện khi thời cơ đến; khuyên anh em đồng chí ẩn náu
nhẫn nhục, len lỏi khắp mọi tổ chức chờ đợi hiệu lệnh. Hiện không ai biết ông ở
đâu nhưng tất cả các đồng chí đều tin ông còn sống và ngày ông trở về sẽ là
ngày đại cách mạng dân tộc. Trong thời gian này, các đồng chí của ông chỉ lo
nghiền ngẫm khai triển những tài liệu ông để lại: triết lý, lịch sử, cách mạng,
văn hóa, dân tộc... củng cố hàng ngũ. “Giai đoạn này mình chỉ có thể sửa soạn
cách mạng bằng một cuộc văn hóa vận động”. Hai tay chống trên đùi, Nghiêm nhìn
qua đầu An như một giáo đồ chiêm ngưỡng và cộng thông với một bậc thánh vắng
mặt. An chán nản tới không còn đủ sức phản đối cái luận điệu thần bí, ấu trĩ;
có lẽ nào kẻ hành động phải là kẻ mê muội?
— Anh có
thấy cái hồn dân tộc có thực không?
An bật cười
sằng sặc, cười đến ràn rụa nước mắt. Dân tộc, cách mạng, tổ quốc, giai cấp...
một mớ danh từ phát ngấy.
Một buổi
chiều, giờ là sáng trời buồn bã, buổi chiều sương sa Luân-đôn, tên côn đồ giống
như mối tình tôi đến gặp và nhìn tôi, mắt nhìn khiến tôi cúi đầu xấu hổ; un voyou qui ressemblait à mon amour... un
voyou qui… Trời xỉn, phố rộng vắng, đường ướt, bãi cỏ rộng xanh mướt, cây
um tùm. Mùa thu đã thật già, tiếng bánh xe lăn trên mặt nhựa ướt và ổ líp quay
những vòng ngược ròn rã, mái tóc cặp trễ sang một bên vai. Nga đang giận, mặt
ngước thẳng im lìm trong không trung, Đồng khịt khịt mũi hít hương thơm của một
vùng cây cối lớn gần đó, trong tâm trí âm vang mơ hồ một điệu hát du dương.
Đồng thốt cười khinh khích, rung những hơi nhiệt trong lồng ngực, lái xe kề sát
Nga nhưng Nga đạp nhanh vượt lên né tránh. Vườn hoa Canh-nông: cỏ xanh, những
luống hoa vàng nhạt, tượng đá trắng và ghế đá xám; Kỳ đài của thành cũ rêu mốc
và ẩm ướt.
Nga đạp xe
theo mấy phố vòng quanh công viên, trời mưa lất phất. Đồng đỗ xe vào hè đường
đứng dưới một gốc cây lớn, con đường chạy qua một nhà tu kín lạnh lẽo và sẽ dẫn
vào làng Ngọc-hà. Nếu Nga đạp thẳng luôn, mình đuổi mệt, nhưng Nga vòng trở
lại, tới đứng vào vòm cây của một tòa biệt thự hàng rào sắt nhọn cao, phủi bụi
mưa bám trên áo, lấy khăn tay chùi đầu tóc. Đồng dắt xe đi lại chỗ Nga, tủm tỉm
cười trêu cợt; Nga dơm dớm nước mắt, ngoảnh mặt đi. “Bây giờ em đưa anh đi chứ?”
Nga làm lơ, đột nhiên Đồng nghĩ đến những trái nhót đỏ để chùi lên ngực Nga,
bụi phấn trắng sẽ bám trên lông áo. Trời tạnh ngay, Đồng cầm mũ rồi phủi lưng
áo và tóc cho Nga. “Em ghét anh”. “Anh xin lỗi, xin lỗi”. Nga ngoảnh mặt lại,
nhìn thẳng vào mắt Đồng. Nga nhìn thấy gì ở trong? Thấy gì hả Nga? (Kẻ vô dụng
hả? Tên ăn hại). Đồng cười cười, buồn quá hả, “Em định đi đâu bây giờ?” “Chúng
mình đi ra ngoại ô chơi”.
Hai đứa đạp
xe rẽ vào hàng Đẫy. Đồng chỉ trường huấn luyện cảnh sát: “Thuở bé anh học
trường này, trường Pierre Pasquier”. Lớp học ở trên gác, mỗi lần tập phòng thủ
thụ động phải chạy xuống cầu thang, sang đường bên sân đối diện chui vào các
hầm chữ chi lộ thiên nhiều hôm ngập nước nhìn những khoảng trời hẹp thật xa. “Anh
cất cái mũ nồi đi. Em trông nó làm sao ấy. Nhìn mái tóc anh trông có vẻ thi sĩ
hơn”. Đồng nhét mũ vào trong ngực, gió thổi xòa tóc xuống trán sấp mồ hôi,
trông có vẻ thi sĩ, thi sĩ à quoi bon des
poètes en un temps de détresse? “Em còn muốn bắt anh làm gì nữa không?” “Anh
không được cười nữa”. “Quái gở”. Đồng cười rộ, lũ trẻ đang chạy nhởn trên đường
tàu điện giữa phố hàng Bột, cười hùa theo và nhại giọng trêu ghẹo. “Tại sao
thế?” “Em muốn thấy anh buồn”. Muốn thấy anh buồn làm sao được, muốn thấy phải
vào trong đêm khuya trằn trọc, vào trong những cảm xúc bất thường, trong cơ thể
bệnh hoạn, trong ý thức vùng vẫy, tiềm thức vi phân... “Quái gở”. Nếu em biết
anh nghĩ gì về bè bạn, người yêu, nếu em biết những lúc anh xô đụng với hãi
hùng của cô đơn vô tận... và anh đùa cợt châm biếm: “Không nên, không nên”. Tự
dưng tôi ứa nước mắt dễ dàng, Ô chợ Dừa mập mờ đông đúc. Một đoàn convoi nhà binh Pháp rầm rầm đằng sau
lưng và chuyến tàu điện chạy ào nhanh ngược chiều. Đồng và Nga phải dừng xe,
chống chân đứng kẹt bên đường. Tàu điện chạy qua, gió ngược thốc như muốn cuốn
hút theo thân thể rung chuyển vì chấn động. Đồng ngoảnh nhìn Nga, nhe răng
cười, đoàn convoi qua hết: “Em bằng
lòng nhé, anh đang khóc đây này”. Nga vuốt lại tóc bảo: “Anh điên vừa chứ. Bụi
bay vào mắt anh thì có?” “Anh ghét em vì em thông minh quá, Nga ạ”.
Ngã tư Ô chợ
Dừa lầy lội bẩn thỉu, những người nhà quê gồng gánh qua lại ngang đường. Đồng
đề nghị: “Chúng mình rẽ về Cầu giấy đi”. Nga lắc đầu: “Anh xuống dưới này với
em. Nga rẽ vào nhà thờ Nam-đồng, Đồng níu lấy cánh tay Nga cho hai chiếc xe
cùng chạy chậm trên con đường lát gạch: “Vào đây làm gì em?” “Em có chút việc”.
Đồng dựng xe vào đường rãnh xi-măng còn ngập lá ẩm ướt, lơ đãng quan sát khoảng
sân trước nhà thờ. “Anh chờ em ngoài này nhé”. Đồng cầm bàn tay không của Nga,
ngón mềm hơi giá lạnh, lưu luyến. Nga bước vào trong hành lang tĩnh mịch, dừng
lại trước một cửa phòng, gõ cửa và quay nhìn ra ngoài mỉm cười với Đồng. Đồng
ngước trông những khung kính dây xanh trên cao, nghe tỏa vọng trong hành lang
tiếng Harmonium dẫn một hợp ca trong một vòm sân kín. Bản thánh ca chấm dứt,
Nga đã biến mất, hồi chuông rung ngân báo hiệu lời giảng chậm rãi dội trên mặt
đá và thủy tinh, Đồng nghe hoang mang buồn nản. Đồng đi trên lối xi-măng vòng
vào sân trong, đất rộng, nhà từng dãy kiến trúc trang nghiêm tẻ lạnh. Một đám
nhân công rãy cỏ sửa sân, những nhà thày áo đen ra vào lẩn lút các phòng. Đồng
thọc hai tay túi quần, trời lúc này ẩm cũ như ngày đưa Thạch đi, bầu trời như
một ngân vang của thời gian, không còn mẩu thuốc nào để đốt. Những lá thư Thạch
gửi về qua trường Đại-học do An hoặc Cảnh mang xuống, vội vàng ngắn ngủi không
chủ từ, kín bưng. Đã đến nơi yên ổn. Đi đóng đồn, chắc còn lâu mới về thăm
Hà-nội được. Công việc hằng ngày mở đường, tuần tiễu canh đồn. Gửi lời thăm cả
bọn. Lên phố mua dùm ít truyện trinh thám. Thân—Đồng rùng mình, thèm muốn Nga
đột ngột, muốn ôm Nga trong tay, muốn hôn Nga thật lâu. Anh sẽ hối hận... chỉ
riêng anh... anh là người yêu của em, anh không tin sao? Anh tin, anh tin
Phương... Chiều mùa đông tối sớm, các cửa buồng đóng kín, Đồng ngồi trước bàn
học của Phương không dám bật điện cũng không dám mở cửa ra ngoài. Phương nằm
dài rũ rượi trên giường, một vết đen trải như sự xấu hổ, khóc ấm ức. Đồng đã
kịp ngồi thoát dậy, vuột khỏi tay Phương khi thình lình Đồng nhận ra Phương đã
trút bỏ quần áo trên người nàng lúc nào. Anh hiểu em... nhưng tại sao? Ra khỏi
cổng nhà Phương, Đồng đứng trong trời chiều xám ngắt không bóng người, nhìn khu
Đấu-xảo lầm lì quạnh hiu, khu vực quân sự Pháp với những chiếc xe xếp hàng,
những ngựa sắt gai, người lính gác xứ Maroc... Thành phố năm ấy còn vắng vẻ
hoang tàn, tại sao? Rồi Phương bay mất, Đồng trở lại sân trước, sợ Nga cũng đã
bỏ đi mất. Đồng gặp Nga trong hành lang âm u, giữ vai Nga hôn vội lên môi nàng,
Nga trợn mắt ngạc nhiên. “Em đẹp như Đức Mẹ vậy”. “Suỵt, bậy, hỗn nào”. Đồng
tính kéo Nga vào ngực, không rời nữa, Nga xô Đồng ra bảo: “Chúng mình đi thôi”.
Đồng củi mở
khóa xe hỏi: “Có việc gì đấy em?” Nga nâng xe lên khỏi rãnh đáp: “Việc riêng
của em”. Gia đình An không phải là công giáo, có lẽ Nga chịu ảnh hưởng của
trường học. Cũng chẳng có gì đáng thắc mắc, mình không có thể sống cuộc đời của
người khác, dù là người yêu chăng nữa, người ta kề cận và người ta cô đơn. Đồng
vịn vào tay Nga đạp xe ngược dốc cho đỡ mệt, con đường trở vào thành phố thấy
ngắn hơn. Tình yêu này chỉ có những phút giây như hiện tại, khi buổi sáng lả
dần, ánh sáng vẫn chẳng nhoi ra khỏi vùng ngây ngất của mây, lá lăn chạy bên vệ
đường và rung vang trên các ngọn cây cao: những phút giây chia lìa, không nối
tiếp, soáy vào châu thân niềm hân hoan vô lý, như một điệu hát đựng trong trí
nhớ mỗi lần vang vọng mở ra một thế giời mịt mù. “Em theo đạo hả?” Tình yêu chỉ
để lại những giây phút mình trơ trọi với mình. Nga liếc nhìn và cười lặng lẽ
không đáp. Đồng dắt tay đưa Nga vòng theo vườn hoa con Cóc vào Bách-thảo. Trong
vườn vang xa tiếng cười của mấy cô gái quê tập xe đạp. Hàng bánh tôm bầy bàn
trên cỏ, mỡ sôi trong chảo, tiếng kéo cắt ròn tan; chú lính Bảo-Chính vừa ăn
vừa trêu mấy cô gái tập xe lảo đảo chạy ngang, bốn năm anh học trò liệng xe ngả
nghiêng ăn uống nhồm nhoàm bàn chuyện thi cử. Đồng ghé xe mua mấy điếu thuốc lá
rồi đưa Nga đến ngồi trên chiếc ghế đá khuất sau lưng một tòa nhà cũ không
người ở cạnh một hồ nước. Đồng rút mũ nồi lót chỗ ngồi cho Nga, đánh diêm hút
thuốc, hơi thuốc đầu tiên thân mật, ấm áp. Một cơn gió thổi bắn tàn lửa, Đồng
ho sặc sụa, Nga đặt bàn tay chặn lên ngực vuốt ve. Đồng ngửa cổ tựa vào ghế đá
lạnh, liệng nửa điếu thuốc còn lại xuống cỏ. Khói mỏng uốn mình bốc lên trong
đám cỏ rối như một vệt khói trong rừng xa, nếu mình là một con kiến đang bò
dưới đất kia. “Anh An của em thế nào? Lâu anh cũng không gặp”. “Cậu em vận động
xin cho anh ấy được miễn dịch”. “Thế hả? Anh An có biết em yêu anh không?” “Không”.
“Anh ấy có biết em đi đạo không?” “Không. Nhà em không ai biết. Nhà em không ai
biết đến ai hết. Mỗi người lo một việc. Cậu mợ em chỉ lo chạy chọt vận động để
làm bộ trưởng. Có lẽ kỳ này cậu em ra đấy. Còn anh An thì suốt ngày lang thang
ở ngoài đường. Mấy ngày hôm nay, cậu mợ em vào Sài-gòn, ông ấy không thèm đặt
chân về nhà nữa. Em cũng chẳng hiểu ông ấy muốn gì. Nhất định không chịu đi
Pháp mà ở lại đây anh ấy cũng chẳng làm cái gì. Em chán cảnh gia đình em quá,
mà em không biết phải làm thế nào...” “Thì em lo cầu nguyện cho họ, em lo phần
linh hồn cho gia đình em, phải thế không?” Đồng cười hực lên, Nga có vẻ giận: “Anh
không bao giờ nói chuyện được đứng đắn hay sao?” “Có chứ, có chứ. Anh vẫn nói
chuyện đứng đắn”. Đồng ngồi thẳng lên choàng lấy vai Nga, giữ im. Nga nhìn lên
núi Nùng, mặt nghiêng chếch, làn môi rung động như gặp một cơn lạnh. “Anh Đồng
nhỉ? Anh có biết tại sao em yêu anh không?” “Vì sao? Anh chỉ biết anh phải yêu
em, không thể không yêu được”. Đồng mỉm cười, vuốt lại mái tóc của mình. Dưới
đường thấp quanh hồ nhỏ, hai anh học trò đang cúi gập mình thi xe đạp giữa
tiếng reo hò cổ võ của các bạn. “Có phải hồi xưa anh yêu cô Phương không nào?
Đừng chối, em biết. Bây giờ cô ấy ở bên Pháp, em có địa chỉ, anh muốn xin hôm
nào em ghi cho. Em có một đứa bạn thân quen với cô ấy, nó biết hết chuyện của
anh. Em không ghen đâu mà anh sợ. Anh có biết em yêu anh từ bao giờ không?”
Đồng chỉ biết dương mắt nghe. “Hôm em gặp anh trong rạp Studio. Hôm ấy em đi
với con bạn quen Phương ấy, cả rạp chỉ có ba người. Anh ngồi trên hạng bét và
em ngồi hạng nhất. Anh có trông thấy em không? Có lẽ em vào lúc đèn tắt nên anh
tưởng anh chỉ có một mình xem một phim. Anh khoái chí cười rũ rượi một mình
trong khi phim thật cảm động. Con bạn em nó tức anh ghê, bảo anh điên. Nhưng
em, em hiểu là anh cô độc, anh giống em và em yêu anh... Đâu anh cười một mình
em nghe xem nào”. Đồng cười hinh hích vài tiếng nhưng sau đó tiếng cười chết đi
một cách lặng lẽ. “Anh đâu có biết. Em xin lỗi cô bạn em hộ anh”. Nga cười
theo, rung động cả hai vai, ngả đầu vào cổ Đồng, Đồng đưa ngón tay trỏ vẽ quanh
viền môi Nga: “Em thông minh rồi em sẽ khổ”. Nga thì thầm: “Em chỉ muốn anh
hiểu em. Em cũng vậy. Em sống trong gia đình thấy mình lạc lõng. Em thấy em
phải có cái gì để tin tưởng mới sống được. Em thấy hình như anh không cần em
bằng em cần anh. Nhiều lúc em muốn bỏ đi tu quên hết… nhưng em thấy còn yêu anh”.
Đồng nghiêng đầu, nghe hơi thở đều đặn của Nga như hơi gió thổi trên đồng xa,
rút thuốc châm hút; khói thuốc bay vờn trên mặt Nga, khiến Nga phải nhắm mắt,
như một tấm màn sương mỏng. Đồng không tìm ra chuyện gì để nói, buổi sáng đứng
im như sẽ còn mãi. “Đừng đi tu, dại lắm”. Nga lắc đầu, cười khẽ: “Nhưng em biết
chắc rằng chỉ có Thượng đế là không dời đổi, là có thể tin hoàn toàn được. Còn
anh em nghĩ rằng anh không cần em. Em là thừa…” Đồng beo má Nga: “Chưa chắc...”
“Lúc nãy là em vào thăm cha đỡ đầu của em. Có lẽ tuần sau em sẽ rửa tội”. “Buồn
quá hả? Cũng chẳng sao, vừa yêu Chúa vừa yêu anh cũng chẳng sao”. Đồng hôn phớt
lên mắt Nga, rồi bỗng nghe mình mệt lả, Nga hé mắt. Đồng quay mặt đi, trong tầm
mắt vườn Bách thảo chỉ còn một màu xanh lúc thẫm lúc nhạt, không một bóng
người.
“Thôi về chứ
em”. Đồng đỡ Nga đứng lên, nhặt cái mũ nồi phủi sạch, nắn lại hình và chụp lên
đầu. Nga nhăn mặt ra dấu bảo cất đi, Đồng lắc đầu: “Không sao, không sao”. Đồng
dắt xe đạp, đi bộ đưa Nga ra tới cửa vườn. “Một bữa nào mình phải đi xem ở
Studio hả Nga”. Cuộc tình chưa lâu đã muốn thành một kỷ niệm, Nga gật đầu: “Bữa
nào?” Đồng đứng ngây nhìn Nga đạp xe một mình vào con đường Cửa Bắc, cây rậm
tối. Buổi sáng cũng chưa hết.
Cánh cổng
sắt kêu rít khô lạnh mở vào một sân gạch vuông trước một căn buồng thấp bé tối
tăm chỉ có một cửa sổ nhỏ với chấn song gỗ, ở đó hiện một khuôn mặt thanh niên
thiếu máu đang ngồi đọc sách ngửng lên vì tiếng động, cặp mắt dò hỏi tra xét
lạnh lùng; bên trái căn buồng tòa nhà chính hai tầng ở đó im lặng bất thường,
bên phải là cầu tiểu chung ngăn cách sân bởi một bức tường phụ thấp và cánh cửa
gỗ. Cái kẹt ngách giữa tòa nhà chính và căn buồng thiếu ánh sáng làm lối đi
vòng vào sau, cạnh tường dựng hai ba chiếc xe đạp và trong góc tối nhất, chỗ
phình rộng, đặt một cái trạn bát. Bước hai bực thềm lên hành lang sáng chạy
song song với cái sân dài hẹp méo mó dưới thấp tới cầu thang chỉ lộ mươi bực
trước khi rẽ ngoặt, tiếng kèn hát đột ngột vang lên một khúc tango cổ điển.
An vén tấm
màn dạ đỏ bước vào phòng, nhiệt độ thấp hẳn xuống, đứng im một chỗ gần lối vào
cho mắt quen với ánh đèn tỏ mờ mờ ở các góc, cửa sổ đều đóng kín. Một người đàn
bà vào sau, hé nhanh một chút ánh sáng bên ngoài, đi qua mặt thoảng phất mùi
nước hoa, tiến theo mép tường vào bóng tối nơi phát ra âm nhạc. Bốn đôi đang
nhảy, tiếng chân lệt sệt lê trên sàn đá hoa rắc bột trơn lẫn với tiếng đếm một
hai ba bốn đều đặn của một đôi quanh quẩn ở giữa phòng, ba đôi kia im lặng
thẳng cứng. Trong quãng im giữa hai đĩa nhạc, các đôi rời tay đứng ngây như
những bóng ma chờ đợi, tên chủ nhà dạy khiêu vũ tập tễnh đi về phía bàn thấp
đặt máy hát lom khom thay đĩa. Khúc nhạc cũ trở lại, tiếng phong cầm nhún nhẩy,
ba đôi kia lại tiến tới giáp mặt nhau để trơ một người đàn bà đứng xuôi tay ngơ
ngác quay mặt về phía kèn hát. Tên giáo sư khiêu vũ lần này dìu người đàn bà đi
xung quanh phòng, những bước dài hơn, tới chỗ An đứng, dừng lại nói: “Toi dắt dùm moi vài bước, moi ra
ngoài”. Người đàn bà có lẽ lần đầu tiên nhảy với một người lạ, cảm động hồi
hộp, bàn tay đặt sau lưng An bất định, bàn tay nắm cứng và run lạnh, hơi thở rō
như khoảng cách cưỡng chống. Thứ giống cái muôn đời, quanh co và điệu hãnh. Tên
giáo sư đứng nghỉ ở chỗ An, châm thuốc hút trước khi ra khỏi phòng; hắn chậm
chạp tập tễnh, lê chiếc chân ngắn đi trong hành lang, trong kẹt ngách, ngang
qua sân trước cặp mắt của người thanh niên đọc sách, có lẽ đang bực dọc vì
không khí ngưng đọng của buổi trưa mùa thu, đẩy cánh cửa gỗ vào nhà cầu; hắn
bại thận, mỗi ngày hằng chục bận hắn phải đi qua sân trong bộ quần áo chải
chuốt với dáng bệnh tật đáng thương và anh chàng thanh niên chăm chỉ kia nhìn
những người ra vào lui tới qua lại trước mắt, trong ấy có cả mình, cũng thuộc
loại thừa thãi như hắn. Người đàn bà vụng về lúng túng, bước khó khăn, không
tuân theo kịp sự dẫn dắt, nhiều lúc xô chạm vào người khác. An nhìn thẳng trên
mái tóc của người cặp đôi, không muốn trông mặt e người đàn bà ngượng ngùng;
men theo vách tường trên dãy ghế đẩu đã thêm nhiều người, mỗi người ngồi thu
kín cách biệt như những vệt bóng tối xẫm hơn trao đổi những câu nói như những
tiếng động lỡ làng. Vào những nhịp cuối của bản nhạc, bước của người đàn bà đã
thuần thục, An vẫn không nỡ nhìn mặt người cặp đôi và biết nàng đang ngửa mặt
ngó mình; lỡ cúi xuống mà nhìn thấy Nga thì sao? Hết bài, An buông người đàn bà
và lúc ấy mới trông vào vẻ mặt mờ ảo không rõ rệt của nàng, nói: Cô nhảy đã
khá. Người đàn bà không đáp, lẳng lặng đi vào trong tối trên ghế ngồi, quơ tay
mò cái túi để dưới chân ghế, rút khăn tay chấm chấm mồ hồi trán. An cũng ngồi
xuống ghế bên cạnh, châm thuốc hút, nhìn cảnh tượng diễn trước mắt đang bắt đầu
náo động hơn. Gian phòng mỗi lúc thêm kín mít, đông đảo, thêm nhiều tiếng
chuyện trò và khói thuốc. An nghe người đàn bà nói: “Tôi chưa dám nhảy điệu
này, chỉ sợ chóng mặt ngã mất”. An chưa kịp trả lời đã nghe phía sau tiếng kêu
mừng rỡ đầy vẻ kịch quen quen: “A, Phúc. Phải Phúc không? Em cũng tới đây nữa
à?” Người đàn bà bối rối như muốn lẩn tránh nhưng người đàn ông đã lách mau
tới, đụng mạnh vào chân An, như sắp sửa ôm lấy người đàn bà. An nhận ra Lân,
đứa bạn học cũ đã trở thành dân “áp-phe” trong thành phố, chạy động viên bằng
cách vào làm trong Quân nhu Pháp và chuyên môn về các vụ thầu với quân đội viễn
chinh, An quay mặt chỗ khác. Lân có vẻ biết nhiều về người đàn bà, xử dụng ngôn
ngữ khá sỗ sàng với nàng và kéo nàng vào một nhịp paso nhộn nhịp; người đàn bà luống cuống bước hỗn loạn, mấy lần
trượt chân loạng choạng, Lân cười thô lỗ thành tiếng. An ghé mời một cô gái đã
quen, vẫn thường gặp ở chỗ tập này, có lẽ sau khi học xong một lớp cô được mượn
luôn làm nhân viên phụ lực của phòng nhảy, được luyện tập tha hồ, đợi dịp bay
nhảy, vừa có dịp tiếp xúc với các tai to mặt lớn. Ngoài Lân ra, An còn nhận
được hai ba mặt quen: một tên bạn học đang tập sự luật sư, chắc sửa soạn tấp
tểnh xin gia nhập xã hội thượng lưu, một người đàn bà cùng phố, biệt thự xế
cửa, vợ một cựu tri huyện hiện là công chức cao cấp phủ Thủ hiến... Người đàn
bà, thường khoe thân thể trên ban công trong bộ quần áo ngủ mỏng, những đêm mùa
hè, An nằm trên giường trong phòng riêng có thể nhìn thấy nửa phần, nhảy một
cách du dương nhập điệu, mặt mơ màng bay biến hết tinh thần, người đàn bà chỉ
còn lại một thể chất uyển chuyển kiêu kỳ. An nghĩ: Cái xã hội ấy còn để lại
những người đàn bà... những người đàn bà như là sản phẩm tinh hoa...
Chiếc kèn
hát nghỉ vài phút. Lân bắt gặp An trong hỗn độn nóng nực hiện nguyên hình của
một cái hộp kín đã tắt mất âm điệu mê hoặc. Hắn huyên thuyên giới thiệu An và
Phúc, kéo An ra khỏi căn buồng. Trời bên ngoài cũng không thoáng sáng hơn trong
buồng, màu giấy xám nhạt. Dãy nhà bên đường đều cửa đóng. Người thanh niên mặc
chiếc sơ-mi rách, đã rời bàn làm việc, đứng tựa ở cổng nhìn cái ngõ vắng vẻ gần
chiều.
— Lâu ghê
mình không gặp nhau nhỉ? Tôi cứ định tìm anh mà không biết anh đi chơi lối nào.
Anh hay đến đây hả? Chỗ này cũng được, nhưng chưa hay lắm... Bữa nào chúng mình
đi chơi với nhau một bữa. Tôi biết một chỗ... khá hơn. Les filles... formidables. Hay chiều tối nay anh rỗi không? Hẹn
nhau ở đâu đi... Có quen em Phúc lúc nãy không? Em... Anh có thích không? Trông
em như mệnh phụ vậy mà... một bò thôi. Ngoan, biết chiều chuộng, giàu tình cảm.
Nhất là nếu anh thích lãng mạn, có thể...
gratuit. Mình đi ra đầu phố uống cà-phê rồi trở lại. Đi. Cà-phê chỗ này
cũng không dở...
Từ trong
buồng nhảy vẳng ra một điệu cải cách, thê lương và rét mướt, theo đuổi tới tận
ngã ba phố. An nghĩ: Không hiểu hắn muốn gì? Cái nơ đỏ chấm đen thắt trên cái
cổ gầy của Lân, cúc măng-sét vàng ánh, đôi môi vều thô kệch, đôi giầy hai màu
mũi nhọn.
— Hai “phin”
đặc biệt. Những buổi như hôm nay mà được cốc cà-phê ngon nghĩ cũng sướng. Nhớ
hồi xưa đi học, cứ phải ăn cắp tiền mà đi thuê truyện đọc mà buồn cười. Vô tư
thật, chẳng phải lo cái quái gì. Bây giờ lắm lúc muốn được sống như thế mà
không được. Anh có bị gọi không?... À, mà anh thì lo gì, còn ông cụ... Nghe đâu
ông cụ kỳ này ra. Nói thật chứ, ông cụ làm chắc chắn là phải hơn... cái bọn...
Thời này được người như ông cụ hiếm lắm. Tôi nói thật đấy... Không phải vì quen
anh đâu... Bà cụ vẫn mạnh hả? Hôm nọ tôi gặp bà cụ ở Tràng-tiền, bà cụ trẻ dai
ghê. Bà cụ không nhớ ra tôi, tôi phải nhắc mãi. Cô Nga vẫn đi học Félix Faure?
Anh là sướng nhất thấy mà thèm. Chỉ như tôi, tự lực cánh sinh quá mệt. Bây giờ
tôi cố gắng kiếm ít tiền, gây lấy cơ sở rồi tìm công việc nhàn hạ cho đỡ mệt.
Cứ cả ngày lo tiền thấy cũng bần... phải không anh? Thấy các anh sống một cách
lý tưởng cũng thẹn chứ... Nhưng các anh lý tưởng chứ tôi mà lý tưởng thì chết
không kịp ngáp.
Lân từ tốn
nâng hai cái phin ra khỏi tách, trịnh trọng rót nước nóng từ phích vào và đưa
cho An. Quả tình mình bị buộc chặt vào ông bố, trước mắt mọi người tôi không là
An, tôi là con ông bác sĩ Phát, chính khách quốc gia. Không ai nhìn thấy tôi,
trừ bạn bè, nhưng... Lân cũng là một thứ bạn, hắn nhận và mình cũng nhận.
— An thấy
không… cái mùi bơ của nó dậy đấy chứ… Tuy không bằng Nhân nhưng không đến nỗi
dở quá… Tối nay mình đi chơi với nhau chứ. Hẹn ở đâu nào? Nghĩ ngợi gì… Hẹn ở
đâu? Anh có việc gì bận lắm đâu. Nếu thích mình đến rủ em Phúc cùng đi. Sau bữa
cơm đi. Nếu tôi không bận hẹn trước một “áp-phe” thì tôi tính mời anh đi ăn cơ
đấy. Mình hẹn nhau ở Phúc Châu nhá. Tối nay hơi lạnh, uống ấm trà Long Tỉnh
cũng hay. Rồi mình sẽ cùng xuống Phúc. Phúc được lắm, anh có thể... Anh nghe
tình hình thế nào? Liệu rồi đi đến đâu, có thể quốc tế hóa không? Quốc tế hóa
cũng hay. Chứ sống với mấy ông Vẹm, ăn khoai lang, đi dân công thì thật là
chết. Làm thế nào mà có thì giờ uống cà-phê như thế này... Tiểu tư sản sướng
chứ. Vô sản mê thì có mê nhưng nuốt không trôi...
Lân móc hộp
thuốc ba con 5 mời, châm lửa cho An. An nhả khói, lơ đãng nhìn những người qua
lại ngoài hè. Đường phố nắng lim dim. Dường như đâu xa trong mình thấp thoáng
mọc lên một ý tưởng, chưa lộ hình rõ và những nhịp thúc đẩy vỗ về khởi động.
— … Làm sao
có thuốc thơm như thế này mà hút. Hương vị 555 anh có thấy vừa hơn Lucky không?
Cà-phê đã đậm mà hút Lucky cũng đậm nên cả hai vị khắc nhau... 555 mới làm nổi
vị cà-phê hả... Cotab cũng được, đối với thuốc lá của mình là nhất đấy... Ngoài
hậu phương có được điếu Cotab đã quá sang... Tư sản rõ ràng... không chối
cãi... Bây giờ mà du di cái khung cảnh này ra hậu phương thì mình là tiên...
Phản động không chối cãi... Nói gì thì nói... nghĩ cho cùng con người ta tranh
đấu để làm gì? Cũng chỉ là ăn ngon, mặc đẹp, nhàn hạ... Cứ trường kỳ gian khổ
đời này sang đời khác chịu thế nào nổi... Phải không anh?
An mỉm cười,
tôi bị vây hãm hoàn toàn. Có một lối thoát thân nào chăng? Mù mịt như là bị
bưng kín mắt, những khi đối diện với chúng bạn ít nhất còn thấy sự bế tắc như
một nhịp vận động chưa tới đích, còn nhìn rõ nhưng khi đối diện với cảnh ngộ
mình thì như trước một bức tường hủi loang lở. Lân trả tiền, mời đứng dậy. Bờ
hè thoải dốc, dẫn trở lại ngõ Hội-vũ êm tĩnh với dãy nhà vẫn dấu kín sinh hoạt
riêng tư. Người thanh niên không còn đứng ngoài cổng, hắn tự nhốt mình trong
buồng hẹp sau bàn viết, cặp mắt mở lớn nhìn lên theo đuổi tâm tư. Lại nghe nổi một
khúc tango, La Cumparsita.
Cảnh trả hai
đồng, cầm lấy ba điếu thuốc lẻ, mượn diêm đốt. Đồng hay riễu: “Cậu hút thuốc
phí của giời... Chưa hút vào đã nhả khói ra khỏi miệng... Phải gọi là đốt
thuốc, trông sốt cả ruột. Không biết hút thì để cho mấy thằng nghiện này hút...”
Bên hè đường, ngang nhà Khai Trí Tiến Đức, một vài người dừng xe đạp nghe tin
tức và âm nhạc buổi chiều trỗi từ loa phóng thanh. Trọng không biết hút thuốc,
anh dương cặp mắt cận thị sau cặp kính vừa đi vừa nhìn vào miệng ngậm thuốc
khiến Cảnh mất tự nhiên. Hai điếu thuốc thừa vẫn cầm trên tay, Cảnh đưa mời:
— Anh hút
không?... cho ấm...
Trọng lắc
đầu, quay mặt đi, sửa lại cặp kính, nhấc xuống rút khăn lau rồi lại đeo lên.
Cảnh nhét hai điếu thuốc vào túi quần, nếu Đồng gặp mua thuốc hắn sẽ cười hố
lên chế nhạo. Bên kia bờ hồ, mạn nhà bưu điện, vườn hoa, tòa Thị-chính, đông
đúc hơn.
— Bao giờ
thì cậu xuống được?
— Đầu tháng.
— Nếu chẳng
có việc gì quan trọng thì cậu xuống dưới nằm cho yên thân.
Trọng nhìn
Cảnh hỏi han. Cảnh đút hai tay vào sâu túi quần co rút vai lên cao, tôi sẽ bỏ
đi chưa biết ngày nào và tôi không thể nói cho anh hay. Phản phúc, thằng Cảnh
phản phúc, Trọng sẽ nói như đã buộc tội Hòa lúc nãy. Cảnh không nỡ bảo Trọng: “Chúng
ta không làm được gì hết... không làm được gì hết đâu”. Nhưng chính mình một
buổi tối, sau khi thư viện đóng cửa đi bộ với Thạch quanh bờ Hồ đã nói: Muốn
làm nên việc gì, không thể đơn thân, phải có anh em; tôi sống được ở Hà-nội, đi
học được khỏi lo lắng một phần là nhờ sự giúp đỡ của một số anh em khác, họ đi
dạy học, gửi tiền hàng tháng trợ cấp cho tôi; chúng tôi luân phiên nhau, tôi
học xong đến lượt người khác... Tôi thất vọng. “Nó trả ơn tôi như thế đó. Thật
là xấu hổ, xấu hổ”. Cảnh liếc Trọng, anh có những cử động bứt rứt nóng nảy, có
lẽ anh không hài lòng về thái độ hững hờ thiếu sốt sắng của tôi về việc xảy ra
giữa anh và Hòa.
Tôi thất
vọng, tôi có lý.
— Cậu nghĩ
tôi học Văn-khoa có nên không?
— Cũng
được... nhưng tôi thấy cũng chẳng bổ ích gì lắm.
— Học lâu
tôi không có kiên nhẫn. Khoa học thì tôi không có khả năng như cậu. Rốt cuộc
chỉ có Văn-khoa là tiện. Thì giờ rảnh rỗi mình học thêm. Cậu nghĩ thế nào? Với
tôi cũng cần ở Hà-nội ít nhất một năm, cậu xuống dưới thay tôi…
Cảnh dừng
lại trước một tủ kính bầy tranh và tách ở góc phố, Trọng mải đọc tên sách bỏ
quên câu chuyện dở dang. Chắc chắn là phải đi không thể dùng dằng. Trước sau
cũng thế, không thể khác hơn được... Sự kết hợp giữa mình và Trọng thuần tình
cảm, chẳng có nghĩa lý gì. Ý nghĩa lịch sử không thể tìm thấy bằng tình cảm. Sự
xích mích giữa Hòa và Trọng phơi trần sự giả tạo của sự tập hợp. Sẽ nói cho
Trọng hiểu trước khi chắc chắn ngày lên đường. Cách vài hôm trước, Hòa cũng có
lên gặp Cảnh và cũng đã nói: Tôi thuê nhà riêng không thể ở chung được nữa, hèn
hạ đến độ ấy, không thể sống chung với nhau được; anh phải nhớ chúng ta không
phải là một Đảng mà có là Đảng nữa thì chỉ có Đảng Cộng-sản mới xâm phạm đến tự
do cá nhân như thế mà thôi, chúng ta chỉ mới ước hẹn và chúng ta chưa hành động
gì hết... Hết, hết, đúng, không có gì hết.
— Có phải
ông Đức ở khu Tư mới trốn ra không? Cậu đã gặp chưa?
— Tôi cũng
có nghe. Chưa được gặp.
— Để tôi hỏi
thăm. Chúng mình đến nói chuyện chơi xem có gì lạ.
Cảnh sờ hai
điếu thuốc đã nhầu cong trong túi quần
và nghĩ thương hại Trọng. Anh vẫn ngây thơ chất phác như ngày nào, theo đuổi ảo
mộng, như ngày nào tháng tám anh cầm đầu dân làng đi thuyền lên tỉnh để cướp chính quyền; đến tối đoàn thuyền trở về
dong đuốc như sao trên một vùng nước lụt mênh mông không thấy đất trời và anh
đứng đầu cầm cây súng cướp được như vị anh hùng... Cái giấc mộng Trốt-kýt của
anh thật tội nghiệp, không quần chúng anh hùng hóa thành hề múa rối. Không hút
thuốc, không cờ bạc, không rượu chè, không vợ con, khắc khổ hơn cả nhà tu. Để
làm gì? Mái tóc Trọng rũ xuống bên trán, trông anh cô độc hoàn toàn, mỗi lần
anh cười nhếch môi, mắt anh bé lại như biến mất đi, mặt nhăn nhó chẳng khác gì
mếu.
— Mình nghĩ
cũng buồn. Anh em có mấy người mà chia rẽ còn trông mong làm được gì. Chuyện
không xứng đáng... cậu nghĩ xem. Không xứng đáng. Tôi xấu hổ lắm. Thế chẳng hóa
ra là mình là những tên dụ dỗ bọn học trò con gái để... Tôi cũng quý Thư... đứa
con gái như nó thật hiếm có... Trong cả bọn nữ sinh lui tới, chỉ có Thư là đặc
biệt... Vậy mà Hòa nó làm... không còn mặt mũi nào mà nhìn người khác nữa...
người ta đánh giá bọn mình thế nào, cậu nghĩ xem? Khốn nạn... phản phúc... cậu
xem nó mở miệng nói là tôi ghen với nó... Tôi ghen với nó, học trò mến phục nó
và tôi ghen với nó, nó nói thế trước mặt mọi người giữa phòng giáo sư. Nó dọn
đi ở chỗ khác rồi và chắc là nó phải lấy... Lấy vợ... rồi nó hết, không trông
đợi được gì hơn... Cậu biết là tôi chỉ trông mong vào các cậu... tôi tình
nguyện dạy như con trâu là để giúp đỡ các cậu... trông vào cái lý tưởng chung.
Nó làm như thế là nó phá hoại tình anh em, phá hoại cái mục đích chung... Bây
giờ nó nghĩ nó có thể sống được một mình và nó bất cần ai... Hèn, như thế là
hèn...
Tiếng nói
của Trọng lẫn giữa tiếng máy kem chạy sình sình. Bàn ghế thấp sơn màu xanh.
Trên tường, ảnh một ngôi nhà gỗ mái phủ tuyết trắng, chênh vênh trên một sườn
đồi vắng, lồng trong khung kính. Người thiếu nữ ngồi sau quầy thu tiền gõ gõ
chiếc bút chì buộc vào một sợi dây. Khu chợ Hôm náo nhiệt. Đi hết con phố chính
này chuyến tàu điện chạy ra đến chợ Bưởi, Cảnh nhớ đến ngôi chùa thanh vắng năm
mới hồi cư đã ở nhờ trọ học. Có nên nói ý định với Trọng không? Không nên để
anh tin tưởng quá nhiều. Phản phúc, phản phúc. Anh sẽ thất vọng tới độ nào. Câu
chuyện tan vỡ trước sau phải tới, mọi sự xảy ra chỉ là những dịp thuận tiện...
Người ra không thể kết hợp với nhau bằng một giấc mộng trừ khi cùng mê sảng.
— Cứ như
tình trạng anh với Hòa, tôi xuống dưới ấy cũng...
— Còn Đăng
chứ. Cậu cứ hỏi Đăng sẽ rõ hết. Cậu ở với Đăng được mà. Thật ra nếu không có
chuyện này tôi định cố năm nữa để cậu học cho xong chứng chỉ cuối. Bây giờ...
thì cậu chịu khó thay tôi...
— Tôi có thể
kiếm được việc ở trên này, anh khỏi lo.
— Vấn đề
không phải là tiền... Còn vấn đề gây dựng cơ sở, Hà-nội không phải chỗ hoạt
động, cần có quần chúng và nên về nơi có quần chúng thật sự... Cậu nghĩ xem?
Một đám con
gái diễu qua ngoài hè khoe quần áo mới và những tiếng cười nói ríu rít, có lẽ
vừa từ một rạp chiếu bóng ra. Mấy năm về Hà-nội, Cảnh chỉ bước vào rạp ciné vài
ba lần cùng bọn Đồng.
— Một hai
năm nữa là cùng, tình hình sẽ thay đổi. Chỉ sợ lúc ấy mình theo không kịp…
không thể nào mãi như thế này được đâu… Chiến tranh rồi phải dứt như ở Cao-ly
vậy… lúc ấy cái chỗ đứng của mình lại càng khó gấp bội.
Tôi đã thay
đổi, tôi quyết định. Không thể đứng trong hàng ngũ này, cũng không thể đứng
trong chân không. Tôi phải chọn cái tối thiểu. Tôi không nhiều sức mơ mộng như
anh. Hơn nữa tôi cần kinh nghiệm, sau có thể tính lại, phải, kinh nghiệm. Tôi
hãy còn trẻ. Phải gột cái óc lãnh tụ tiểu tư sản, anh hiểu thế không? Thạch
không có cái óc ấy... nhưng... hắn anarchiste,
anarchiste. Đêm nay mình sẽ phải thanh toán vấn đề với anh.
— Tối nay
anh có về ngủ không?
— Có lẽ
muộn. Tôi phải đi thăm mấy người...
— Ai?
— Mấy chỗ
quen mới hồi cư — Chắc là họ sẽ biết ông Đức ở đâu.
Cái ngã tư
sáng ra hơn vì hàng cây đứt quãng để hở một khoảng trời. Cách đó trăm thước là
ngõ hẻm nhà Hương. Cuối con đường là bức tường ga hàng Cỏ, sát hè trước ngõ một
chiếc xe nhà binh bỏ không: “Anh cứ thong thả, chỉ sợ đến ngày anh lại duỗi ra
thì tôi ê mặt... hay được vài tháng không chịu nổi kham khổ lại tếch về…” Hương
có bộ mặt gái già khô khan lạnh nhạt, ngồi giữa những đồ vật cũ kỹ đen bóng, “không
phải tôi đâu, tôi sẽ giới thiệu hộ anh một cô bạn... cô ấy sẽ bắt liên lạc cho
anh…” Ngõ đất vắng, trải lá rụng, nhà Hương khuất ở cuối dãy. Tôi sẽ đến nơi nào? Không biết. Trọng rút khăn tay hỉ
mũi:
— Mình đi
kiếm cái gì ăn rồi tôi đi... Tối cậu để cửa cho tôi.
Trong bồn
thủy tinh, những con cá vàng bơi lội lượn lờ giữa những cụm rêu buông xòe, đuôi
và vây dương thẳng, những con mắt trương lối, sau cái bồn thập thò một mái tóc
Nhật bản của một đứa bé gái ngồi chung quầy
với mẹ thu tiền. Ồn ào như một khu chợ. Trên các mặt bàn, la liệt các loại đĩa
bánh, ấm tách. Cách một bức tường có khoét một vòng nguyệt và một khung cửa nhỏ
thứ hai để đặt quầy thu tiền, phòng trong cũng chật ních, người ta ngồi thấp
đấu lưng với nhau. Ngoài cửa, một vùng sáng nê-ông của hiệu cắt một khoảng của cái ngõ khai ẩm quanh năm, hai đầu đều vang
nhịp trống của rạp hát mời gọi, tiếng ó é rọ rẹ thỉnh thoảng rít lên thật sắc
của những chiếc loa quảng cáo trộn lẫn. Phía sau lưng bàn tán chuyện động viên,
các tuy ô chạy chọt, ông bác sĩ phụ trách khám sức khỏe có hàng hộp vàng gửi ở
ngân hàng, biện pháp mạnh: xe cảnh sát đón bắt thanh niên tại các cửa rạp chiếu
bóng, tại các ngã tư chính; kết luận: không nên đi chơi tối và cần phải tinh
mắt để tìm đường mà lẩn. Một thanh niên cười vang đắc ý khoe cái thành tích đã
chạy thoát khỏi một cuộc săn đuổi của cảnh sát trong khu vực rạp Ciro’s, leo
tường vào một nhà Tây và phải năn nỉ mãi thằng Tây mới để cho đi không gọi cảnh
binh đến, “hắn tưởng mình là ăn trộm”.
Lân vừa lách
mình qua các hàng lưng người vừa dơ tay vẫy, miệng cười nhăn nhở, hắn mặc thêm
một chiếc áo vét-tông cài cúc chéo; lấy khăn tay phủi ghế, khi ngồi xuống đùi
khép thẳng và kéo cao ống quần lên giữ nếp, đôi bí-tất đen đỏ đan lẫn.
— Anh chờ
tôi lâu không?... Xin lỗi... Thằng cha nói chuyện cà kê dê ngỗng khiếp... Anh
chưa gọi gì hả? Cái bỏng này tuyệt lắm nhé... Anh có biết thằng Tình không nhỉ?
Tình con cụ Phán Chấn, anh rể thằng Long làm ở phủ Thủ hiến ấy... Tôi vừa đi
với nó xong đấy. Nó vừa tậu cái ô-tô khá ra phết... May ghê, tôi chưa thấy ai
gặp may như nó. Năm ngoái nó mới về, vậy mà mới một năm nó đã thành Thổ công
Hà-nội. Nó làm tiền cũng giỏi, tôi phục nó... Anh có biết thằng Lý học thuốc
không nhỉ? Thằng ấy cũng là cây làm tiền. Ít người được như anh. Thời này hiếm
có người được như anh…
An nhai
nghiền ngẫm miếng bỏng mật dẻo và tự hỏi tại sao mình cứ chịu đựng được những
câu chuyện vô vị, chướng tai mà không nổi giận báng bổ như Thạch. Tại sao mình
vẫn cứ ngồi giáp mặt với những điều mình ghét bỏ, khinh khi? Không dứt được
chăng?
— … Tôi nghĩ
dù lý tưởng thế nào cũng phải có tiền. Muốn làm gì cũng phải có tiền. Anh đừng
nên lý tưởng quá. Kỳ này có tin chắc chắn ông cụ ra. Anh nên nhân cơ hội làm
một vài áp-phe. Có tiền anh mới làm được việc theo ý thích của anh. Tôi sẽ làm
chân chạy mối cho anh. Anh nghĩ sao? Anh nhớ rằng anh không làm thằng khác nó
cũng làm. Tiền vào anh còn có ích hơn người khác vì anh không ham tiền. Tôi đã
nói với anh mục đích của tôi cốt làm tiền để dựng cơ sở để làm việc cho nhàn
nhã... Anh nghĩ lại xem? Tôi không dám khuyên anh làm bậy đâu. Ngay chính tôi,
tôi cũng chẳng bao giờ dám làm tiền một cách vô nhân đạo, vô liêm sỉ đâu. Ít
nhất mình cũng phải giữ một chút nữa... Anh yên chí, tôi sẽ đề nghị với anh
những áp-phe dễ dàng, hợp lý, hợp pháp. Tôi không hại anh đâu, tôi muốn giúp
anh…
An chỉ đáp:
Để xem đã, tôi có biết mô tê mù tịt gì. Nói xong An giận mình vô kể, đáng lý
tôi phải nói: im đi, câm cái miệng lại, tôi không ngửi được câu chuyện của anh,
hoặc xô ghế đứng lên bỏ ra ngoài. Nhưng tôi sẽ đi đâu tối nay? Trở về nhà, nhốt
mình vào phòng riêng đọc sách. Xách xe chạy lên nhà Cảnh để nhìn bộ mặt lầm lì
khó chịu của nó, không có Đồng và Thạch tôi không biết nói chuyện gì với Cảnh.
Lần mò xuống nhà Đồng, đi qua những đường hoang vắng khuya khoắt qua những quán
rượu ngoại ô ầm ĩ với bọn lính say lảo đảo nghiêng ngả giữa đường, để ngồi im
giữa vùng tĩnh mịch của làng xóm, trong gian nhà rộng thiếu sinh khí. An nghe
mặt mình đỏ dần vì sự hổ thẹn cháy ngầm lan chậm.
— … Bây giờ
chúng mình đi... Anh có đồng ý xuống em Phúc không nào. Hơi xa cơ đấy. Kiếm xe
đi mới được...
An nằm duỗi
dài trên chiếc xích-lô dập dềnh, ngước nhìn những đám lá tối, dấu cách quãng
những bóng điện thành phố, trôi giữa những phố lúc rộng lúc hẹp im vắng dần
dần. Một giấc cafard dài, dưới bầu
trời như đen đặc lại vì lạnh. Bước xuống xe, An đứng ở gần cuối một con phố
ngắn rộng nhưng không lót nhựa đằng sau nhà Rượu trước một vòm cổng lớn tối.
Qua khỏi vòm cổng không có ánh sáng nhưng cũng có thể biết là rác rưởi, An lạc
vào một thế giới kỳ lạ. Một cái sân rất rộng với hồ nước nằm giữa bao ba mặt
bằng hai tầng dãy buồng cái sáng cái tối, nhiều người đang giặt giũ giữa sân.
Ít nhất phải cả trăm gia đình tá túc trong ngôi nhà rộng, kiến trúc đặc biệt
này. Tầng gác có hai cầu thang chung đặt ở hai góc, một bao lơn nhỏ hẹp chạy
suốt với hàng lan can sắt nhiều chỗ ngả nghiêng chênh vênh như sắp đổ. Cầu
thang ẩm, khai nồng, gian buồng của Phúc ngay đầu cầu thang bước lên. Phúc đang
ngồi nói chuyện với một người đàn bà khác, trên lòng ôm một đứa con trai chừng
hai ba tuổi và có vẻ ngượng nghịu khi nhận ra An. Lân ngó khắp buồng như tìm
tòi một vật gì và hỏi Phúc bằng giọng thân mật bông lơn, nhìn mặt Phúc An thấy
rõ vẻ miễn cưỡng khi đối đáp. Người đàn bà rút lui, Phúc cũng đứng lên bồng đứa
con trai đi ra ngoài bỏ mặc hai người đàn ông trong buồng. Lân đứng chống nạnh
nhìn ngang ngửa bảo:
— Anh ngồi
xuống đi đứng làm gì cho mỏi chân. Thế nào? Anh có thích không? Đừng làm khách,
tôi quen thuộc quá rồi. Cứ yên tâm, tôi lo liệu cho cả... Hả. Bằng lòng không?
Phúc trở vào
một mình nói: hai anh ngồi chơi, đi vào sau tấm màn, hình như nàng chải tóc.
Lân thì thào:
- Thế nào?
Anh quyết định thế nào? Yên chí, tôi sau. Có món khác rồi. Phúc ơi, ra đây ngồi
chơi. Anh giới thiệu bạn anh: anh An, luật sư tương lai đấy. Tiếp bạn anh cho
cẩn thận, anh ấy mà chê là em hỏng kiểu. Nghe không? Ai lúc nãy đấy? Xong giới
thiệu anh được không?
Phúc đã qua
cơn bối rối lúc đầu, nhíu mày:
— Đừng nhảm,
ông. Người ta có chồng đàng hoàng...
— Ai dám bảo
các bà không có chồng đàng hoàng đâu... Đừng đổ tiếng ác cho người ta. Người ta
chỉ xin giao thiệp chốc lát...
An nhìn chăm
chú bức ảnh 18 x 24 của Phúc treo trên tường chụp ít nhất cũng đã cách vài ba
năm. Phúc bây giờ trông thuần và chín hơn, vào lúc tuổi không thể xác định
được.
— Anh qua
bên bà cụ nằm chơi...
— Cô cứ đầu
độc tôi mãi, có ngày tôi nghiện thật là chết tôi. Anh ở đây nhé, tôi qua bên
cạnh... Hay có thích thử vài điếu cho biết mùi đời không?—Lân ghé sát tai—Trông
cái mặt ông ngẩn ngơ như mất hồn, coi chừng ông bị em chài chết.
Phúc đưa Lân
ra cửa, Lân thì thào với Phúc vài câu trước khi cất tiếng cười bỏ đi, Phúc khóa
cửa lại. An vẫn ngồi im trên ghế từ lúc vào. Phúc liếc nhìn vào mặt An rồi đi
thẳng vào trong, đây đâu phải lần đầu giao tiếp với đàn bà tại sao lặng thinh
buồn bã một cách kỳ quặc. Sự nín lặng khó thở làm nghe rõ những tiếng rào rào
dưới sân và trong khắp khu nhà rộng, tiếng động sau tấm màn hoa dầy. Cái bóng
đèn treo trên đầu An tắt và An ngồi trong bóng mờ được soi bởi một ngọn đèn ngủ
nhỏ ở sau màn. Phúc đi ra, đôi dép cao su lê nhẹ, vẫn trong chiếc áo cánh trắng
và chiếc quần đen hiền thục, thong thả ngồi xuống ghế đối diện. Quay lưng với
ánh sáng yếu, mặt Phúc chìm vào trong tối trông như giấc ngủ của một pho tượng
điêu khắc. Tại sao Phúc cũng không nói gì? Có cái gì là ngượng ngập nữa đâu?
Mọi cử động đều đơn giản và tiên liệu được. Mọi người ở bên ngoài nhìn lên cửa
buồng này đều rõ hết cảnh bên trong, chuyện thường. An buông người ngả lưng,
nhìn lên trần, nghe các thớ thịt dãn ra và đưa tay vẫy. Phúc đi đến, ngồi lên
tay ghế, An thấy khuôn mặt trên cao nhìn xuống với những nét ngang mỏng và mềm.
An với cánh tay đang giơ, và đụng xổ mái tóc của Phúc, mái tóc dài rơi vào lòng
An và mùi nước hoa quen đã ngửi buổi chiều trong phòng nhảy.
— Tóc dài
quá. Em định cắt, uốn đi mà tiếc mãi. Khi nào đi làm chắc là phải uốn.
Phúc đưa tay
vấn lại đầu tóc và An giữ bàn tay lại không cho Phúc vuốt mái tóc hơi ướt và
nhám và nghĩ mình không nên nghĩ gì cả. Nhưng tức khắc nhớ tới cái vẻ mặt gân
guốc khi Thạch bướng bỉnh cãi với Cảnh: “Gái điếm ấy à... cũng có thể coi như
những nhà cách mạng. Này nhé... ôm ấp yêu thương hết mọi người mà chẳng yêu ai
thực hết. Chỉ cái thói quen phải hành động như thế. Sống chui rúc, bí mật và bị
xã hội hắt hủi. Mong một tương lai chẳng bao giờ thấy tới”. An bật cười thầm
một mình, nghe hơi thở phì phà bay xuống, mặt người đàn bà kín như một chiếc
mặt nạ lơ lửng giữa không trung.
— Con em hå?
— Anh vào
nằm nghỉ cho đỡ mệt.
An đứng lên
và đỡ ngang lưng người đàn bà, nàng mềm như không thể bước nổi một mình. Dưới
chân cái giường lớn là cái giường sắt nhỏ của trẻ con có đặt chiếc gối ôm xinh
xinh. An buông lưng người đàn bà, nằm vật lên nệm, nhắm nghiền mắt. Khi mở mắt
người đàn bà mỉm cười thuần hậu, cúi xuống cởi giầy, tóc nàng xõa gần chấm đất.
An muốn nằm mãi ở đây, cho hết đêm nay, nhưng biết không thể được. An biết mình
sẽ vẫy vọc mái tóc, khuôn mặt kia thân thể kia như một đứa trẻ tinh nghịch. Mau
lên, mau lên. Tiếng giấy đụng mạnh vào chiếc giường sắt. Suỵt. Phúc đặt mình
nằm xuống bên cạnh, bỗng dưng tiếng động bên ngoài lắng xuống, như rớt xuống
dưới thấp xa, gian buồng ấm áp ở trên một đỉnh cao tít...
No comments:
Post a Comment