Giữa vùng
nước đục ngầu thành phố nghiêng chìm dần xuống, bấp bênh sắp sửa rời rã, những
khóm cây thấp thoáng, mái trường đổ nát bẩn thỉu, đường phố giao nhau vô nghĩa
như những nét gạch nguệch ngoạc, giãy nóc xám của nhà máy sợi, giòng sông mà
những con thuyền ly ty, mái nhà thờ màu đá cũ, khu đồn trơ vơ ở phía Nam tỉnh
lỵ chòi canh xùm xụp; khi lên cao trông xuống mọi vật xếp đặt không lý do,
trong cái thành phố ấy Thạch đã sống sáu tháng mà không hề biết đến nó. Mỗi
buổi sáng kèn thổi thức dậy trong căn phòng dài trần phẳng, hai dãy giường
chồng san sát, mùa đông ánh đèn mờ bưng bít như trong hầm tàu biển; những giờ
bò chạy nhẩy tập bắn, đeo quân trang đi bộ, lội bùn dưới bầu trời không thay
đổi lúc rét âm thầm lúc mưa buốt, những giờ lặng lẽ trong phòng học với những
bộ mặt không quen; những bữa cơm trong một thứ khua động ồn ào, buổi tối ở “pô-pốt”
nghe ra-đi-ô, đọc báo, bỏ trắng ý nghĩ; sáu tháng trong cảm giác im vắng xa lạ
tuyệt đối. Mặc những cuộc vận động biểu tình làm reo phản kháng, không hùa theo
cũng không cưỡng lại, mặc những đứa bỏ trốn, những đứa anh hùng làm loạn, những
đứa hèn nhát chạy chọt luồn lụy, những đứa chùm chăn kín thức khuya dậy sớm bật
đèn pin để học mong về Hà-nội giật lấy mảnh bằng còn sót, tất cả những đứa ấy,
cũng như vật dụng hằng ngày gửi trả lại cho cái trường quân sự, không liên quan
gì tới tôi hết.
Bây giờ
thành phố đã khuất, phi cơ bay trên những tầng khói lạnh, ghế ngồi hai dãy đối
diện tựa lưng vào thành tàu. Thạch mỉm cười nghe những đứa ngồi cạnh bàn tính;
đứa nói sẽ vận động xin được ra tiếp tục học thuốc hoặc chuyển sang ngành quân
y sắp mở, đứa tìm một chỗ ngồi bàn giấy hoặc ngành quân nhu ở bộ tham mưu đệ
Tam Quân-khu ngay Hà-nội, đứa hy vọng làm sỹ quan tác động tinh thần khỏi phải
ra mặt trận; một đứa bỗng nói lớn: “Tao sẽ xin đi đóng đồn rồi dẫn lính ôm súng
bỏ ra ngoài” cả bọn bỗng im phắc, Thạch cười: “Ý kiến hay”, tiếp theo Thạch
văng tục: Merde. Tiếng động cơ bỗng
dưng tắt quãng, Thạch cần thấy phải văng tục lần thứ nhất (lâu dần thành thói
quen) vào buổi chiều tối người đàn bà dáng dấp đài các mời Thạch ngồi lại ở
phòng khách; bộ “sa-lông” xanh, ánh sáng trong những đèn chụp xanh dịu, màu sắc
hòa hợp giả tạo trơ trẽn; khuôn mặt đầy đặn lồ lộ khoảng bốn mươi tuổi; người
đàn bà ấy tỏ ý tín nhiệm Thạch về việc dạy dỗ mấy đứa con nhỏ, tin
tưởng vào tương lai “của cậu, vừa giỏi vừa chăm chỉ ngoan ngoãn, tôi
góa bụa nhà không có đàn ông, muốn giúp cậu học thành tài”, ngỏ ý
muốn mời Thạch về ở trong nhà, muốn gả đứa con gái lớn cho Thạch;
lúc đó Thạch muốn cười tướng lên bảo: “Tôi lấy con gái bà, cái đứa
con gái mặt bì bì u uất suốt ngày đứng sau tủ hàng, mắt không biết
gì ngoài những loại giấy bạc, và bà sẽ cho tôi tương lai. Cái tương
lai làm sẵn ấy hình thù nó thế nào khỏi cần miêu tả tôi nhìn thấy
rõ lắm rồi, tôi bất cần thứ tương lai ấy, bà và con gái bà, cộng
thêm cái cửa hiệu, mấy căn nhà, ngân khoản ở nhà băng không ăn thua gì
đến tương lai tôi hết”, nhưng giả đò như ngu không hiểu rõ ý, Thạch
đứng dậy kiếu từ; ra đến ngoài bực tức chửi merde, Thạch không trở lại gia đình ấy nữa. Merde, những ngày sống chật vật ăn
bánh mì, uống nước máy, merde,
hai lần thi trượt, những lúc ốm đau nằm trên giường nhà trọ không
người thăm hỏi; lần đau nặng nhất bụng đau quằn quại cho đến ngất đi,
may mà tình cờ Liên đến đúng lúc. Liên bạn thưở nhỏ ngày gia đình ở
cạnh nhau, hai đứa mồ côi cha như nhau, quấn quýt nhau, yêu nhau, Liên
lớn hơn thạch hai tuổi đã có chồng con; Cặp mắt Liên mở to sợ hãi,
cơn đau tưởng dịu xuống, cặp mắt của cả cuộc đời đen, lớn, sâu, khổ
vô chừng và âu yếm vô chừng; Liên vực Thạch chở vào nhà thương Phủ
Doãn ở đấy người ta mổ bụng cắt đi một khúc ruột thừa. Ra khỏi nhà
thương, xanh xao thiếu máu, phải xuống ở nhà Đồng, một thằng bạn yếu
phổi phải bỏ học dưỡng bệnh; nhận được giấy gọi động viên, đi trình
diện khám sức khỏe, cân nặng 40 ký, xếp vào hạng chiến đấu, vết
xẹo ở bụng chưa lành; càng hay đang không có công ăn việc làm, khỏi lo
chết đói. Đưa Thạch ra đến bến Phà-đen xuống một chiếc tàu đò nát
chỉ có Đồng; Đồng mặc áo len cao cổ màu xám, mặt béo bệu da mai
mái, tóc rối bồng, mắt đục với hàm râu quai nón xanh mờ mờ, ít nói
nhưng thường pha trò ý nhị; Đồng đứng lẫn trong đám thân nhân tiễn đưa
ồn ào những tình cảm, thản nhiên không nhìn Thạch, Thạch đứng tựa
vào dóng sắt của thành tàu cũng không nhìn Đồng, giòng nước đỏ
chảy siết, sông mở rộng đến chân trời; giòng nước đã cuốn trôi tập
bản thảo đang chép những bài thơ tình Đồng viết trong những năm tuổi
đang lớn, bắt đầu năm mười bảy tuổi, ném xuống nước bẩn như một
nhánh củi mục mùa hè năm hai mươi tuổi, trong ấy có những tên
Hà-Phương, Thạch đã được đọc vài lần; con đường dọc theo bờ sông
cách phố bởi con đê hai đứa thường đi dạo những đêm tối trời nhìn
sang bờ bên kia mịt mùng bóng cây thẫm hoặc những đêm trăng sáng trên
những đống cát vừa bốc lấy dưới lòng sông cạn đổ bên ven đường,
Đồng gối đầu lên đùi Thạch thì thầm kể chuyện, Thạch nhìn ánh trăng
nơi cuối sông; những câu chuyện của bọn thanh niên vừa lớn trong vùng
chiếm đóng thèm khát tự do, tự do cũng không ở ngoài kia (và đời
sống không thể có tự do? tự do chỉ là ảo tưởng của bộ óc bệnh
hoạn?); những chuyện tâm tình về Hà, người yêu đầu tiên của Đồng đã
lấy chồng, về Phương cô bạn gái cùng lớp với hai đứa đã sang Pháp du
học (chưa biết Hà bao giờ, Thạch vẫn nghĩ Hà quen thuộc gần gũi như
Liên. Theo lời Đồng, Hà cũng có đôi mắt mở to đen sâu “bí ẩn như đêm
tối trên mặt biển”); Đồng hỏi Thạch: “Cậu có bao giờ nghĩ đến cái
chết bao giờ chưa? Tôi nhìn vào mắt Hà là tôi tưởng tượng đến cái
chết. Thật là lạ”, Thạch đáp: “Tôi ghét tưởng tượng, tôi không hề
nghĩ đến cái chết, nghĩ đến nó tốt hơn là đứng trước bức tường mà
nhìn trân trân.”
Đứa đàn
bà thứ nhất trong đời đã dạy Thạch một lối thoát khỏi những ý
nghĩ tù túng, những tưởng tượng viển vông, là một con đĩ: Mai. Cái
thân thể lõa lồ trên đệm trắng bẩn như nước vôi, da ngăm đen màu bùn
ruộng nơi sinh trưởng (Nó ngắm Thạch từ đầu đến chân ngoài da thịt
bảo: “Anh gầy quá”), ở bên bẹn một vết sẹo lớn lồi thịt—“Tây đen
hiếp, đâm”—cái mặt thô nặng chưa hết vẻ quê mùa. Mai ở trong một quán
rượu bán cho lính Tây, nhìn ra một bãi hoang đổ rác và chất thùng xe
rỉ nát; khách hàng phần lớn là Marocains, Lê-dương ngồi quây quanh
quầy rượu hẹp trên ghế cao cẳng hay ở mấy cái bàn gỗ không trang
điểm, nói chuyện với những đứa con gái bản xứ mặc đầm cũn cỡn
bằng tiếng Pháp bất chấp văn phạm tiện dùng cho cả đôi bên, nghe âm
nhạc ở một cái máy quay tay chạy đĩa từ trước đại chiến; những bài
ca ân tình nỉ non của Tino Rossi tỷ như Je
chante pour vous ma meslodie, mon coeur chante your vous sa meslodie trộn
lẫn với những sapristi crétin, fils
de pute, sale putain, Tổ sư thằng cha Tây đen, Tiên nhân bố mày, Đồ giời
đánh thánh vật ra trận Việt-Minh nó bắn chết mày cho đáng kiếp con
ơi… Những ngày được ra khỏi trại có ít tiền, Thạch đến đấy gặp
Mai: Bonjour Madelaine. Mai hay
Madelaine cũng là một. Thạch thường ghé lại tiệm sách ở đầu phố
hàng Sắt mua một cuốn tiểu thuyết trinh thám loại đen hay những cuốn “truyện
để đọc một đêm, thưa bà”, mỗi trang là một cuộc giao hoan thật chán
chê. Được Mai dạy cho xử dụng cái cơ thể bỏ không ngoài hai mươi năm
làm một phương tiện tước đoạt trí tuệ, nửa ngày hay cả ngày rảnh
rang là nằm dài trên giường của Mai lăn lóc trong sự xô đẩy không muốn
ngừng của cơ thể, ngay khi bắp thịt đã câm lặng kiệt sức, ý nghĩ
vẫn còn thèm muốn, nhiều lúc Mai không chịu nổi cấu nát vai và cổ
Thạch, mồm chửi rủa thô tục. Đứng sau tủ trước quầy sách tối mờ,
một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi có vẻ học thức lần nào cũng
nhìn Thạch bằng con mắt tò mò dò xét thiếu thiện cảm; một buổi
trời mưa Thạch phải đứng lại trong hàng sách ấy, hắn lấy ghế mời
Thạch ngồi, Thạch đọc hết một cuốn truyện gián điệp, mưa cũng vừa
ngớt, đứng dậy đi và cảm ơn. Thạch đến quán của Mai, ngồi trước
quầy rượu nếu gặp ngày lính đồn trú trong tỉnh đi hành quân vắng,
nghe đĩa hát nhạt nhẽo, chán thì rủ Mai về nhà nó. Qua hai ba con
phố, vào trong cái ngõ đất lồi lõm sát bên một trại lính, đầu ngõ
chòi canh trông xuống với một khuôn mặt đen bóng cặp mắt trắng dã, đi
cạnh một bức tường giây thép gai giăng ở trên; căn gác của Mai chỉ có
cái giường gỗ đánh “véc-ni” nệm trắng xỉn loang lổ, đôi gối thêu
bằng lụa hồng và cái chăn vải xanh là đáng tiền. Những giây phút dễ
chịu nhất là khi hai thân thể không còn sức nào thèm muốn nhau nữa,
cùng nằm im riêng biệt trần truồng, hơi lạnh bên ngoài ngấm dần qua
các lỗ chân lông, kéo chăn phủ lên nằm co gối thấy cái thân thể bấy
giờ là của mình, là mình; Mai lại không biết tán chuyện, nếu lúc
ấy con đàn bà cất tiếng nỉ non ai oán chắc Thạch phải mặc quần áo
bước ngay tức khắc.
Lần cuối
cùng cách đây tuần lễ Thạch đến tìm Mai muốn cho nó mấy trăm bạc
trong phần lương trước khi chia tay. Quán rượu đông ních, một tiểu đoàn
Lê-dương vừa về thành phố, Mai bận tíu tít ở trong tay bọn tứ xứ
không chú ý đến Thạch; Thạch uống đến ba bốn chai bia, hút hết bao
thuốc lá ngồi đợi, hơi men bốc lên ngứa ngáy da mặt, khói thuốc hun
nóng cổ họng rát cả lưỡi, không khí sặc sụa nhục dục, bất ngờ Mai
ghé tai Thạch bảo: Không về được; Thạch giận điên cả người. Một lát
Thạch vẫy Mai vào phía sau, đóng cửa phòng tắm lại, mặc cho mấy
thằng chó chết đập gọi bên ngoài. Xong, lang thang trong các phố buồn
tẻ cho đến chiều, cơ thể vẫn chẳng nguôi, mỏi chân lại ngồi ở ghế
đá trong vườn hoa nhìn cỏ nhìn đất nhìn xi măng, nhìn người ta bơ vơ
dưới màn trời đục.
Hai lỗ tai
Thạch chợt buốt ù, phi cơ đang lượn tròn xuống thấp, khu Gia-lâm đang
dâng lên tỏ dần. Nhà ga, hàng tường dài thấp bé, ngổn ngang những toa
than đen. Vùng quân sự quanh phi trường, nhà mái lè tè vôi đỏ bệch
hợp với nước sông Cái trong ánh nắng nhạt, đường số Năm ngoằn ngoèo
đổ từ dốc cầu Long-Biên xuống lổm ngổm xe cộ, cây cầu sắt dài nhiều
chỗ thấp lấp lánh ánh trăng nhịp nhàng chuyển vào Hà-nội. Một đứa
kêu mừng rỡ, trán và mũi dán sát vào khung kính tròn đục: “Kìa nhà
hát lớn, trường Đại-học”, nó quay lại đập vào vai Thạch, phi cơ chìm
nhanh, Thạch chỉ kịp ngó thấy xa xa những chùm xây xanh rậm đưa lên che
khuất mái đá xám của nhà hát thành phố, mặt tiền của của bảo
tàng Finot, một khúc phố bờ sông khoảng cách gần cột Đồng-hồ… Rồi
những bánh thép chạm xuống mặt sân bay hơi dội lại, cảm tưởng vững
vàng trở lại đất liền, lăn trên đường cứng rung động những va chạm
khô khan, động cơ ngừng tắt. Người ta đứng lên hớn hở xôn xao. Tại sao
tôi vẫn còn yêu mến những cái chúng yêu mến, tại sao tôi chưa rời bỏ
biệt tích đến một chỗ nào hoàn toàn mới lạ với những sự vật của
riêng tôi? Tôi không thể nào yêu cái gì mà chúng nó cũng yêu, nếu chỗ
nào chúng tới tôi phải bỏ đi, nếu chúng chiếm hết cuộc đời, tôi
sống với hư vô, nếu chúng yêu tôi, tôi sẽ giết tôi. Thạch bàng hoàng
chán chường, còn gì để trở lại thành phố kia?
Dưới chân
máy bay một đám đông chờ đón, đứng hàng đầu thiếu úy sĩ quan liên
lạc của quân đội Pháp, một trung úy Việt, đại diện
Tổng-hội-Sinh-viên, phía sau là thân nhân đang kễnh chân nghển cổ tìm
con cái, anh em, tình nhân. Thiếu úy Pháp ứng khẩu nói mấy lời chúc
mừng các tân sĩ quan Việt-Nam, “các chiến sĩ tiền phong của một quốc
gia độc lập trong mặt trận chống Cộng của thế giới tự do”; trung úy
Việt báo cho mọi người biết mọi người được nghỉ phép nửa tháng
trước khi tới liên lạc với trại Trần-hưng Đạo nhận lệnh; đại diện
sinh viên ngỏ ý hân hoan thấy anh em bình yên mạnh khỏe, thay mặt toàn
thể sinh viên đại học Hà-nội mời anh em tới dự buổi tiệc trà đón
tiếp của Tổng-hội tổ chức vào chiều chủ nhật sắp tới tại trường;
Mọi bộ mặt bỗng nhiễm vẻ nghiêm trọng. Năm chiếc xe Dodge 4 dùng để
chở mọi người về Hà-nội, một số cùng với thân nhân dùng phương tiện
riêng nên xe đầu bỏ trống. Trong xe ai nấy im lặng mắt dáo dác nhìn ra
ngoài, như những con chim đang nhận đường về chuồng. Bỗng đứa ngồi
cạnh làm Thạch giật mình, nó là đứa đã tuyên bố ở trên phi cơ sẽ ôm
súng theo V.M., vẻ mặt đen đủi nhiều góc cạnh, mũi to hơi hểnh lên,
cặp mắt gườm gườm, môi lúc nào cũng mím lại tạo vẻ cương nghị, nó
hỏi Thạch: “Anh thù Việt-Minh”, Thạch nói trỏng: “Sais pas”, nó lại hỏi
tiếp: “Anh không ưa quốc gia, vậy anh ở đây làm gì?” Thạch lấy hết
giọng ôn tồn bảo: “Tais toi. Tu m’emmerdes”.
Xe qua cầu Long-Biên chầm chậm, Thạch nhìn theo những khuôn mặt trong
những chuyến xe bên kia cầu ngược lại trôi qua những dóng cầu đan nhau.
Xưa kia còn nhỏ mỗi lần đi tầu hỏa vào đến cầu, Thạch bám chặt lấy
những thành cửa sổ, nhìn những đà sắt nặng, giòng nước đục soáy
dưới những cột đá khổng lồ, bãi hoang rậm rạp chia sông làm hai
ngánh với cảm giác ngất ngây sợ hãi, đứa nhỏ sợ sẽ lộn cổ xuống
sông va vào thành cầu vỡ óc và chìm nghỉm giữa giòng nước cuốn hay
mất xác giữa bãi cây cối mọi rợ, không được đến Hà-nội đi chơi chợ
Đồng Xuân, hàng Đào, bờ Hồ ăn kem kẹo dừa, đội mũ nồi màu đỏ, thò
đầu ra ngoài cửa sổ tầu điện nhìn ra phố phường…
No comments:
Post a Comment