Trời thành phố những ngày mùa đông tái ngắt trong gió bấc, những trận mưa tầm tã—nước nhọn buốt như mũi kim đâm trên da mặt căng nứt, da tay nhăn nhúm. Chiếc áo cũ mua ngoài chợ Giời không đủ ấm, Liêm đành lôi chiếc áo dạ của Tường ra mặc thêm, áo đã bị dán nhấm tôi rũ lùng thùng vướng víu mỗi lần ngược gió làm chiếc xe đạp nặng thêm lao đao trên những đoạn đường đất mấp mô; Liêm nghĩ mình giống như anh hề của gánh xiếc Tạ Duy Hiển được xem thuở bé. Bọn trẻ trong xóm vẫn dẫm chân đất, những ống cẳng thâm tím khép lại run rẩy, co ro tựa vào các mặt nhà há hốc miệng phà khói nhìn. Những chuyến tàu điện từ ngoại ô vào nhớp nháp vẫn chở chật những người nhà quê lủng củng quang gánh, áo tơi và nón; mặt đường in hằn những vệt bùn dài của bánh xe nhà binh, xích-lô trống che kín mui và cánh gà. Liêm thức giấc bất cứ lúc nào cũng tưởng như chưa sáng, ngọn lửa bếp cháy sèo trên những thanh củi ướt và tiếng húng hắng của bà mẹ Hải trong gian buồng ẩm thấp như muốn chảy thành nước, hoạt động của phố xá trong những giờ giấc phải qua trái ngược: người đi bộ trên hè tay giấu kín đi nhanh hơn còn xe đạp dưới đường chậm chạp không vững. Thành phố vào mùa đông hợp với Liêm hơn, sự giá lạnh gói chặt vào mình che chở cho mình, mọi vật mọi người đều đông cứng riêng biệt. Chỉ trừ những buổi tối trong nhà phải đón nhận sự săn sóc thái quá của bà mẹ Hải, và Liêm bối rối vì chưa từng quen săn sóc người khác.
Một ngày đầu tháng chạp, Liêm đến nhà in thấy mọi người ngồi tụ tập ngoài buồng tòa soạn, đang bàn cãi ồn ào. Liêm hỏi Tuất: “Chuyện gì thế?” Long mau miệng: “Anh chưa biết gì cả hay sao? Báo bị đóng cửa”. Liêm nhìn Ngọc đang mải nói với ông San, tính toán công việc, từ ngày Hải đi, Liêm làm quên không đến với Thái và Ngọc, cũng không nghe Ngọc đả động đến nhưng trong công việc hằng ngày Liêm thấy rõ Ngọc tỏ vẻ kiêng mình giữ thái độ lạnh nhạt. Đợi đến chín giờ, ông Kiêm không thấy lại tòa báo; anh thầy cò hớt hải đạp xe tới báo tin ông đã bị bắt và có lẽ bị đưa vào Sài-gòn an trí. Ngọc nói lớn: “Còn tiền lương của anh em bây giờ đòi ai?” Anh thày cò ngơ ngác: “Cả tôi nữa. Hai tháng nay tôi đã lĩnh hết lương đâu”. Viên quản lý tờ báo dăm thì mười họa mới gặp mặt ở tòa soạn, còn chủ nhiệm từ ngày Liêm vào làm chỉ đọc thấy tên chứ chưa biết mặt, lương nhân viên đều do ông Kiêm phát. Liêm hỏi: “Thế còn nhà in này của ai?” Tòa báo và nhà in đặt ở tầng dưới của biệt thự, một nhà chứa xe và hai gian buồng ngang, dường như không liên quan gì đến những người cư ngụ trong biệt thự—một gia đình công chức đông con ra vào theo lối cổng riêng. Anh thày cò bàn để anh chạy đi tìm quản lý và hẹn ba giờ chiều anh em trở lại sẽ biết tin, anh quyết sẽ kéo bằng được quản lý đến nếu gặp. Ngọc bảo đành vậy, dặn mọi người buổi chiều đúng hẹn, lấy tiền xong sẽ tính công việc khác. Anh thày cò hỏi xin ông San điếu thuốc trước khi nhảy lên xe đạp đi. Mọi người đều bỏ ra đường và Ngọc chỉ khép các cánh cửa buồng lại. Tòa báo trống không người coi. Ông San khoác tay Liêm ở ngoài cổng bảo: “Rỗi chẳng làm gì về đằng tớ uống rượu cho ấm. Nhà có chai rượu thuốc ngon lắm”, ông quay gọi Ngọc: “Về nhà uống rượu đi”. Ngọc từ chối, đi cùng với Tuất và Long ngược về phía khác. Còn ông San giữ chặt tay Liêm, cặp kè như bạn trẻ thời đi học xuôi xuống nhà Rượu. Con phố hẹp không cây cối, hai dãy nhà một tầng kín cửa, từng quãng bị ngắt bởi những con đường thẳng góc lớn hơn; càng về cuối quang cảnh càng buồn tẻ hơn khi bức tường dài của nhà Rượu trồng mảnh chai và chăng giây điện ở trên chiếm hẳn một bên đường. Hai người đi lấn gần hết nửa mặt đường không gặp xe cộ, Liêm dắt xe một tay còn tay bị quặp đút trong túi áo, nghe tiếng nước lép nhép trong đế giầy của ông San. Ông San nói suốt dọc đường không nghỉ, ông kể về ông Kiêm bằng giọng thán phục: từng được mời làm bộ trưởng không nhận, làm báo nghèo kiết mùng tơi mà lại phải nuôi hai vợ tám chín đứa con, bây giờ lại bị bắt. Liêm lơ đãng nghe, chốc chốc mỉm cười phụ họa. Nhà ông San ở trong xóm nhà lá dựng trên bãi đất trống quá nhà Rượu, một nơi đổ rác của thành phố; ông nói như xin lỗi: “Ở chỗ này hơi bẩn thật nhưng được cái không phải ở chung. Tôi chúa sợ cái cảnh ở chung chỉ tổ cãi nhau điếc tai”. Ông liếc mắt ra hiệu cho Liêm nhìn vào những gian nhà đầu tiên, bảo khẽ: “Lúc nào cần giải quyết, cậu có thể đến đây được. Xong sang nhà tôi nhắm tí rượu lấy lại sức”. Trước mặt nhà ông San là khoảng đất cỏ xa chỗ đổ rác cũng sạch sẽ; nhà nền đất quét dọn và bầy biện tươm tất, bộ bàn ghế mộc đặt cạnh cửa sổ dùng làm chỗ tiếp khách. Ông có năm người con đều đã lớn, ba người lập gia đình sống riêng, còn cô con gái nói đùa gả cho Hải bán vải ngoài chợ Hôm và đứa con trai út mười lăm tuổi học trường Trung-học. Vào đến nhà, khi ông đã thay quần áo đi lại nhàn hạ mang rượu mời, ông khác hẳn, có vẻ già, nghiêm trang đạo mạo đúng với tuổi ông hơn khi còn ở chỗ làm việc hay ngoài đường. Trong bữa rượu, ông San bỗng hỏi: “Tôi xem hình như anh với anh Ngọc có chuyện gì xích mích phải không?” Liêm chối: “Không. Không có chuyện gì cả”. “Sao lúc nãy tôi rủ anh Ngọc về chơi thấy anh ấy có vẻ không bằng lòng”. “Anh ấy nghĩ thế nào, tôi không biết”. Rượu thuốc vừa nhạt vừa đắng, Liêm chỉ nhấm nháp lấy lệ chiều lòng ông San. Liêm nghĩ đây là dịp tốt để tách khỏi Ngọc. Tôi sẽ làm gì? Còn bà mẹ Hải? Tôi phải làm sao? Ngà ngà ông San bắt đầu thổ lộ tâm sự: “Đáng lẽ Ngọc nó là con rể tôi. Tôi vẫn tiếc nó mãi. Tôi dự đinh gả con gái cho nó. Đứa lớn đã lấy chồng rồi ấy. Tôi biết nó từ ngày bé kia mà. Anh đến chơi nhà nó bao giờ chưa? Anh trông thấy vợ nó chứ? Nghĩ cũng tội nghiệp cho nó. Tôi không hiểu vì đâu nó lại chịu như thế. Chuyện nó với vợ nó bây giờ có lẽ chỉ có tôi biết rõ hơn cả. Bà mẹ vợ nó người cùng làng với tôi mà. Hồi xưa cô ta lên trên Tông lấy Tây đẻ được hai đứa con gái. Vợ thằng Ngọc này tên là Mùi. Con chị tên là Mão. Sau anh chồng chết, cô ta lấy một thằng Tây khác. Thằng này nó lấy tuốt cả mẹ lẫn hai đứa con riêng lúc ấy mới độ mười mấy tuổi. Rồi là mẹ con ghen nhau tán loạn. Cả con Mão lẫn con Mùi đều có con với thằng chồng sau, phải đưa đi đẻ giấu rồi mang về nuôi, cứ gọi con Mão con Mùi bằng chị. Gia đình ấy bây giờ cũng ở Hà-nội này, mấy đứa con đi học trường Tây lớn tướng. Không biết hồi tản cư thằng Ngọc gặp gỡ thế nào mà lại bằng lòng lấy con Mùi này. Sợ mấy đứa con đầu của thằng Ngọc cũng vẫn còn là của thằng Tây dê xồm kia chớ chẳng chơi. Tôi cứ tiếc cho nó mãi. Nó là đứa tốt mà làm sao lại chịu cái cảnh chưởng như thế được”. Ông San cười khà khà, giọng cay đắng uất hận hộ cho Ngọc. Liêm cũng cười theo bảo: “Trông chị ấy cũng ngoan chứ bác”. Ông sì miệng bắn cả bọt rượu xuống bàn: “Cái thứ máu lai làm sao mà tin được”. Liêm ngồi đối diện với ông San, ngoài cửa sổ trời như tấm chăn dạ ẩm tung trên bãi cỏ rộng, nghe tiếng hát trong im vắng của người gái chơi mãi tận đầu xóm. Một bài cải cách thịnh hành. Buổi trưa ông San tự thổi cơm lấy ăn với đứa con trai, món ăn con gái đã mua sẵn từ chiều hôm trước, xế chiều con gái đi chợ về mới lo cơm nước cho cả nhà. Ông thường uống rượu trong bữa cơm chiều, đó là giờ khắc hạnh phúc trong ngày của ông; ông nhất định nếu gả cô con gái này ông sẽ bắt rể. Liêm nói đùa: “Nhưng Hải nó còn một mẹ già, đời nào nó chịu ở rể”. Ông San cũng nửa đùa nửa thật: “Không thì anh làm rể tôi càng tốt. Anh chỉ có một thân lo gì, ở đâu chẳng được”. Liêm cười phá lên: “Bác lầm to. Cháu có hàng tá vợ rồi”. “Cũng không sao. Hàng tá vợ mà ở một mình kể như không. Đàn ông ai chẳng thế”. Rồi ông nhắc lại những thành tích thời thanh niên của ông, giọng đắc ý tự mãn; những người đàn bà ông đã bỏ, mỗi người một vẻ, nhưng ông không thể yêu ai hơn mẹ của mấy đứa con hiện thời của ông. Bà chết ngày còn ở ngoài hậu phương, ông thương tiếc bà nhất; trông dáng bộ, nét mặt, nghe lời nói của ông thì bà là người đàn bà đẹp nhất, đáng yêu nhất không một người đàn bà nào sánh kịp, không ai có thể thay thế nổi. Liêm tự hỏi người đàn bà ấy khi còn sống như thế nào, có thật như hình ảnh ông San ghi khắc trong trí chăng. Nếu chẳng may ông San chết trước bà, bà sẽ nhắc lại về ông ra sao? Tôi, chính tôi đây cũng là đứa con của ái tình. Mẹ tôi đã trốn bỏ gia đình nệ cổ để về sống với cha tôi trong cảnh nghèo, sinh ra tôi và em tôi. Và cha tôi đã mất và bà... Tôi chắc không còn mong gặp bà nữa. Lúc Liêm từ biệt ông San, cũng hơi chuếnh choáng; ông San đứng tựa cửa cười dặn đi xe cẩn thận không ngã, về ngủ một giấc là khỏe ngay. Hai cô gái chơi đầu xóm vỗ tay, cười chế nhạo khi Liêm đạp xe ngang, giây xích kêu cót két. Liêm cũng nhe răng cười, đảo ghi-đông xe như sắp ngã, tôi đang làm hề, từ khi lớn tôi nghiêm mặt đóng một vai hề tôi vẫn thích khi bé đi xem xiếc mà không biết. Tôi không cười, tôi sục sạo trước mắt đám đông xa lạ giữa những khoảng rộng mênh mông tìm kiếm vu vơ, làm trò tìm kiếm, tôi không nói, tôi chỉ làm những cử động. Dis qu'as-tu fait, toi que voilà. De ta jeunesse. Vẫn những bài học thuộc lòng không bao giờ quên được. Những bài học ấy có dùng làm gì đâu.
Sau giấc ngủ trưa rỗng nặng, Liêm trở dậy bỏ quên hẳn những việc buổi sáng vẫn tưởng mình đi làm như thường lệ. Đến nhà in gặp ông San hỏi: đã tỉnh chưa? Đợi đến cả tiếng đồng hồ, viên quản lý mới đến. Không có tiền, chỉ có những lời nói huyên thuyên đâu đâu và lời hứa hão huyền. Ngọc nổi cục: “Các ông tranh đấu gì tôi không biết. Gần Tết nhất đến nơi, chúng tôi cần tiến lại còn phải để thì giờ đi tìm công việc khác nữa. Chúng tôi dân lao động, mà các ông cứ lằng nhằng thế này thì chúng tôi chết đói hết cả lũ”. Viên quản lý ngọt nhạt: “Anh em cứ yên tâm. Thế nào cũng có, chỉ ngày mai ngày kia thôi. Để tôi gặp ông chủ nhiệm xem sao”. Ngọc nhất định khăng khăng không trì hoãn, đòi được gặp chủ nhiệm để thanh toán dứt khoát vấn đề. Cuối cùng viên quản lý phải nhượng bộ, hẹn sáng hôm sau sẽ đưa anh em gặp chủ nhiệm. Ngọc nhắc đi nhắc lại bắt viên quản lý phải cam kết đúng hẹn trước khi buông cho hắn ra về. Lúc ấy Liêm nhìn nét mặt Ngọc hầm hầm tức giận trông hung dữ như sẵn sàng có thể giết người được. Ông San nói bỡn cho không khí bớt ngột ngạt: “Mình lại được nghỉ thêm chiều nay với ngày mai nữa. Rồi tính sau”. Rời nhà in Liêm xuống Kim-mã. Bầu trời vẫn ủ dột tuy không mưa. Đường gần đến ngoại ô trơn, nhiều vũng nước đọng. Ngõ vào xóm lạnh lẽo xa hút như một con đường làng. Tôi vẫn phải quay trở lại những chốn gọi là quen thuộc, dù tạm bợ cho tới khi gây được những chốn quen khác. Như thế tôi sống trôi trong ngày tháng. Buổi tối lại trở về trong gian buồng khuất xóm Chùa Vua. Từ đầu thành phố này đến đầu thành phố kia, những nơi mà thành phố bị nhấn chìm vào trong tối tăm ghẻ lạnh. Liêm nghe tiếng giầy lộp cộp sau lưng, ngoảnh lại. Hỗ cắm cúi đi mau tới, kêu lên mừng rỡ: “Tôi định về nhà rồi lên tìm chú. Chị chuyển bụng đưa vào Phủ Doãn rồi. Mà sáng mai tôi lại phải xuống Phòng sớm. Một hai hôm mới về được. Chú ở nhà trông nom hộ tôi nhé”. Hỗ mặc bộ âu phục xám, đeo kính cận thị, tay cắp cặp, vừa trịnh trọng vừa ngờ nghệch. Liêm thấy mình ngồi trước mặt Hỗ trong nhà vắng như ngày nào mới đặt chân đến Hà-nội. Gian nhà mờ tối với gió động xung quanh. Hỗ bảo: “Chắc chỉ đêm nay hay sáng mai là cùng. Chốc chú đi ăn cơm với tôi rồi ta vào qua nhà thương để chú biết chỗ”. Liêm châm thuốc hút, miệng nhạt khô, đầu váng vất. Hỗ ra vào nhặt nhạnh một vài món cần dùng của đàn bà bỏ vào cặp. Bỗng anh đứng im giữa nhà hỏi: “Chú thích con giai hay con gái. Tôi mong nó là con gái quá”. Liêm nhìn bóng Hỗ không rõ mặt rồi cúi đầu. Chiếc áo dạ bị vướng kéo từ trên vai. Tôi mong một đứa con chết ngay khi lọt lòng mẹ. Hỗ đi xích-lô, Liêm đạp xe theo lên phố. Về chiều thành phố chỉ còn tiếng gió lùa trên các chòm cây cao bên đường, nước rớt lộp độp trên mặt nhựa. Ngồi trong thùng xe bị vây kín, chốc chốc Hỗ lại ghé miệng nói chuyện vẩn vơ. Bữa chiều ăn trong hiệu phở gần Cửa Nam. Nhìn qua con đường nhỏ là một công viên hình tam giác, xuống đến con đường lớn ăn thông với hàng Đẫy và Cột Cờ; bên kia đường là đồn cảnh sát có lính gác Hải và Liêm đã bị bắt về đấy, sau lưng đồn hai con phố gặp nhau thu hẹp lại về phía chợ Cửa Nam. Mang máng nhớ như ngày trước khi mới trốn lên Hà-nội Liêm đã ngồi ở đây, đã nhìn cái công trường chằng chịt đường phố này rộng bát ngát với xe cộ. Bây giờ nó đìu hiu trống trải nhỏ hẹp và đang chìm xập vào bóng tối mặc những ánh đèn lạnh lẽo của các cửa hiệu đã được thắp. Dưới sàn gạch, trong các gầm bàn và lối đi, bừa bãi rác rưởi. Liêm thấy no, chỉ ăn một bát phở, uống cốc cà-phê ngồi đợi Hỗ. Đi ngược trên hè phố Trường-thi, bên cạnh vòm cây hút che mặt đường cao, Liêm nghe sự vắng lặng rét mướt ủ từng nỗi cô đơn một. Trước cổng nhà thương Phủ Doãn, xe cấp cứu vừa đỗ, tiếng còi còn rền rĩ, người ta đang sửa soạn mở cánh cửa sắt. Liêm bảo Hỗ: “Thôi anh vào một mình đi. Mai tôi xuống. Bây giờ tôi có việc”. Hỗ đi đến trạm gác, tìm người quen quay trở ra chỗ Liêm kéo vào giới thiệu: “Mai chú đến ông này sẽ cho vào bất cứ giờ nào hả”. Rồi Hỗ chỉ đường cho Liêm biết chỗ nằm của vợ. Liêm nhảy vội lên xe đạp ngược chiều một đoạn phố.
Bà mẹ Hải vẫn chờ cơm ở nhà, Liêm ngồi vào mâm sới nửa bát một để ăn cùng với bà. Liêm bảo: “Ông Kiêm bị bắt rồi. Tòa báo đóng cửa bác ạ. Thế là cháu thất nghiệp”. Bà cụ nói: “Lo gì, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bao giờ cậu đi làm được cậu lại trả tôi cũng không sao. Có cậu ở nhà tôi cũng đỡ nhớ thằng Hải”. “Nhưng cháu...” “Không có cậu tôi cũng phải thổi cơm ăn chứ. Thêm bát thêm đũa mà vui. Với lại tôi cũng coi cậu như người nhà”. Liêm không nói gì được nữa, mình đã bị buộc chặt vào bà cụ. Cả buổi tối xong công việc, bà ngồi lo lắng thắc mắc về tình cảnh của hai người vợ ông Kiêm. Bà nói chỉ có người đã ở trong cảnh ngộ mới hiểu thấu nỗi khổ tâm của đàn bà, ngày chồng mới mất tích bà không thể nào ngờ mình có thể nuôi con khôn lớn đến như ngày nay. Người đàn ông khi làm việc không đếm xỉa đến gia đình, nếu chồng bà còn chưa biết ngày nay gia đình bà ra sao. Nhưng có lẽ đứa con gái duy nhất của bà sẽ không chết và Hải có hy vọng học đến nơi đến chốn. Bà khuyên Liêm nếu còn thích lăng nhăng thì đừng lấy vợ chỉ làm khổ vợ con mình thôi. Liêm thiếp ngủ còn nghe loáng thoáng tiếng bà cụ chốc chốc hỏi một câu. Trời thật lạnh, mưa rả rích cả đêm, Liêm mặc chùm tấm áo dạ nằm co quắp nhường chăn cho bà cụ như ngày nằm dưới hầm tầu trở về Bắc, bấp bênh hốt hoảng, chân tay mê mỏi ê ẩm. Sáng ngày sau, Liêm vẫn tới nhà in cùng đợi viên quản lý đưa cả bọn đến gặp chủ nhiệm. Long sốt ruột bỗng nói: “Cứ làm cái kiểu này chán bỏ mẹ. Chưa biết chừng kỳ này tôi đăng vào lính quách, đi đây đi đó một dạo cho sướng. Trước sau gì nó cũng bắt mình đi lính”. Ngọc hỏi: “Mày đi lính để đánh ai?” Long cười khểnh khệch ngây thơ: “Vào lính khỏi sợ ai bắt nạt, khỏi sợ gì hết”. Ngọc cười mỉm: “Mày là lính ta vẫn sợ lính Tây như thường”. Long vỗ ngực hùng hồn: “Ai sợ chứ thằng Long này không sợ. Đã vào lính còn sợ Tây thế nào được. Choảng nhau với nó khỏi sợ tù”. Ngọc giảng giải: “Mày ngu lắm. Tây nó vẫn có quyền mà mày ở dưới quyền nó mà mày không sợ nó”. Long vẫn cãi bướng: “Mình độc lập sợ đếch gì nó. Lôi thôi mình quạng chết thôi”. Câu chuyện bỗng xoay ra cãi nhau xem mình đã độc lập chưa. Không ai ủng hộ Long cả, nhưng nó vẫn khăng khăng bảo thủ ý kiến và Ngọc mắng: “Mày là thằng phản động”. Long tức đỏ gay mặt, không cãi nữa nhưng ai cũng biết nó không thay đổi ý kiến. Ông San cười dàn hòa bảo: “Thằng Long nó tin quốc trưởng Bảo Đại mà. Phải không mày?” Long văng tục: “Tôi đếch tin ai hết” rồi bỏ ra riêng một góc. Viên quản lý đến chậm cả giờ đồng hồ, vừa bước chân vào đã xin lỗi rối rít, Ngọc hầm hầm nét mặt hỏi ngay: “Đi chưa?” Viên quản lý bảo được, nói địa chỉ, tên phố hẹn mọi người lên đấy hắn sẽ đứng đón ở ngoài cổng. “Phố Cao Bá Quát gần hàng Đẫy anh em biết không?” Cả bọn không ai biết phố ấy ở chỗ nào và viên quản lý phải mất năm phút chỉ cho từng người một. Liêm đèo ông San trên xe đạp của mình, Tuất đèo Long, anh thày cò có xe riêng, Ngọc đi xích-lô chung với viên quản lý. Dọc đường ông San nói về người sắp đến gặp, ông ta là người nổi tiếng từng du học Pháp về, thời thực dân còn đô hộ ông ta dám tát tai quan Sứ Tây mà Tây không làm gì được ông; từ ngày hồi cư ông là nhà tri thức trùm chăn có uy tín Pháp rất nể. Liêm hỏi: “Nể sao còn đóng cửa báo của ông?” “Đâu phải Tây. Mình đóng đấy chứ. Quốc gia với nhau nhưng vẫn gờm nhau mà”. Liêm nói bâng quơ: “Từ ngày ra Bắc đến giờ tôi mới nghe nói đến Quốc-gia, lúc nào cũng người quốc gia. Trong Nam không có...” Ông San hơi nhổm người lên nhìn sang bên đường không có...” Ông San hơi nhổm người lên nhìn sang bên đường bảo: “Từ 45 ngoài Bắc này đã có Quốc-gia với Cộng-sản rồi. Tôi cho là mối thù dằng dai, đánh nhau còn lâu. Tây về nước cũng chưa xong. Còn khổ lâu". kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt kiểm duyệt Con phố ngắn chạy vòng gồm toàn biệt thự sang trọng, một đầu thông với con đường đôi cạnh vườn hoa Canh-nông một đầu thông với phố hàng Đẫy. Ngoài đường trống trải, cây sơ sác nhưng các vườn trong biệt thự cây cỏ hoa lá rực rỡ xanh um. Không khí khuất tịch trong buổi sáng mùa đông sau một đêm mưa dài nổi rõ tiếng chân rào rạo trên lối sỏi, tiếng động nhẹ trong cỏ lá. Viên quản lý dẫn đường đi trước, mọi người tự dưng nói nhỏ thấp giọng. Leo mấy bực thềm lên đến một bao lơn nhô ra vườn với những chậu cúc vàng hoa đã nở đặt trên thành, mọi người đứng lại nhìn qua hai cánh cửa mở vào một phòng khách tráng lệ, gạch hoa chùi nhẵn bóng. Viên quản lý một mình đi vào trong, khuất vào một cửa buồng trên tường phản chiếu một thứ ánh sáng mờ tím lọc qua những mặt kính dầy nổi vân của các cửa sổ đóng. Tiếng nói oang oang từ trong xa vọng dội khi chưa thấy người: “Anh em đã đến đấy à, mời vào, mời anh em vào tự nhiên”. Một ông già trạc năm mươi trông vạm vỡ quắc thước trong bộ quần áo ngủ Nhật tươi cười bước ra. Ông thân mật bắt tay từng người mời ngồi, xin lỗi về sự chậm trễ. Ngọc vừa ngồi xuống, đã cất mình nhỏm lên nói: “Thưa cụ, chúng tôi...” ông già sua tay bảo cứ ngồi và viên quản lý vội đỡ lời Ngọc trình bày câu chuyện. “Tôi biết, tôi biết. Tôi mời anh em đến đây là để thanh toán với anh em vì dù sao tôi cũng có trách nhiệm. Luôn tiện cũng là xin lỗi, gần ngày Tết mà công việc rắc rối gây khó khăn cho anh em. Nhưng chắc anh em cũng hiểu, chúng tôi đâu muốn thế. Tôi tuy nghèo nhưng tôi có bổn phận... Anh em đừng thấy nhà sang thế này mà cho là tôi giàu. Nhà của người ta cho tôi ở nhờ đấy. Anh em nghĩ thử mà xem hoạt động như chúng tôi làm thế nào mà mua được căn nhà này. Chỗ thân tình người ta gọi về cho ở vừa làm chân giữ nhà hộ. Tôi không nói dối anh em đâu. Tôi đã lo xong món tiền của anh em rồi. Yên tâm”. Ông quay sang viên quản lý hỏi về số tiền còn thiếu và móc ngay trong túi áo một cuộn bạc trao cho hắn đếm đưa Ngọc về chia trả anh em. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm không ngờ việc nhanh chóng như thế. Ông già đứng lên đi về phía tủ rượu nói: “Anh em ở lại uống chơi với tôi chén rượu gọi là tôi cám ơn anh em trước khi chia tay. Rượu cũng của người ta. Nhưng rượu mà có người uống cho là hân hạnh lắm”. Ông cười ha hả, mang cốc ép mọi người phải nhận, tự tay rót cho từng người. Ông uống rượu thật khỏe, ực từng hơi dài không khề khà nhấm nháp. Khi đưa tiễn ngoài bao lơn, ông bắt tay từng người, hỏi han tên tuổi như để nhớ và dặn: “Anh em chịu khó tìm việc làm tạm. Rồi thế nào cũng phải đến lúc có cơ hội cho chúng mình làm việc lại chung với nhau”. Ông bảo viên quản lý ghi địa chỉ anh em để báo ra lại hay có công việc khác tìm gặp anh em cho dễ, viên quản lý vâng dạ một cách lễ phép. Liêm có cảm tưởng như sau lần gặp gỡ này ông ta mặc nhiên coi mọi người là đồng chí của mình rồi, ông nói hai tiếng chúng mình một cách ngọt ngào thân ái. Ông còn đứng lại trên bao lơn, đợi mọi người ra đến cổng đưa cốc rượu lên cao chào rồi mới quay vào. Viên quản lý bấy giờ bắt đầu lên tiếng ca tụng đạo đức cách mạng của nhà chiến sĩ cách mạng lão thành, bình dân rộng rãi sẵn sàng chịu hy sinh thiệt thòi vì người khác, “Cụ mà lên cầm quyền anh em mình đỡ nghèo biết mấy. Cụ ghét Tây lắm”. Ngọc cắt ngang cảm hứng của hắn: “Cám ơn ông. Bây giờ chúng mình còn phải lo việc ngày mai nữa”. Cả bọn dắt xe đi bộ đến vườn hoa Canh-nông, ngồi lại trên ghế đá giữa vườn và Ngọc chia phần trả lại từng người. Ngọc nói: “Tôi đã điều đình được một chỗ làm. Nhà in này ít việc chỉ cần ba người thôi. Anh em tính thế nào? Ai có thể tìm việc ở chỗ khác đợi công việc nhiều lại về làm cùng ê-kíp hay nếu không mình tính chia tua theo công việc?” Liêm ngắt lời ngay: “Tôi có thể tìm được việc chỗ khác”. Ông San hỏi: “Ở đâu?” “Chưa biết. Nhưng tôi tìm được”. Ông San đề nghị: “Anh em đã làm chung với nhau, bỏ đi cũng buồn. Mình cứ nhận tạm chỗ này thay tua mà làm trong khi tìm chỗ khác có hơn không?” Liêm nói: “Cám ơn cụ. Tôi tìm việc khác cũng dễ mà”. Long xen vào: “Tôi cũng vậy. Tôi rút lui chỉ còn anh Tuất với bác San là dễ tính nhất”. Ngọc đưa mắt nhìn Liêm rồi đến Long, Long ngồi trên bãi cỏ tay bứt những cọng cỏ ướt, Liêm đứng tựa bên xe đạp sẵn sàng bỏ đi: “Nếu các anh không thích làm chung với nhau nữa thì không kể. Còn không mình vẫn còn cách thu xếp”. Liêm cười: “Không phải thích hay không thích. Nhưng lúc này ai cũng cần tiền mà việc ít quá chia xẻ cho nhau chẳng được bao nhiêu. Tôi độc thân có nghỉ từ giờ đến ra giêng cũng không sao”. Anh thầy cò đứng lên lấy xe đạp nói: “Chỉ có mình tôi là riêng rẽ khỏe ăn. Thôi xin chào tất cả” và dắt xe ra đường. Ông San và Tuất cố khuyên Liêm và Long ở lại làm chung cho vui, Ngọc lên xích-lô một mình về trước, bốn người còn đi bộ chuyện trò đến đầu phố hàng Bông. Khi chia tay ông San bảo: “Thôi thế cũng được. Nhưng lúc nào rỗi xuống tôi uống rượu tán gẫu hả? Tết này thế nào anh cũng phải xuống chơi nhá”.
Còn một mình, Liêm đạp xe loanh quanh vòng đến Phủ Doãn. Ở ngoài nhìn vào, nhà thương trông quang đãng: vườn rộng, lối đi, cây trồng thẳng, những luống bụi cắt xén ngay ngắn tỉ mi. Nhưng khi vượt qua vòm cổng đục trong dãy nhà nằm ngang quay nhìn ra đường, Liêm lọt vào trong thế giới bệnh hoạn bẩn thỉu. Đầu tiên là vài người bệnh lang thang dưới vườn, quần áo màu xanh bạc phếch nhầu nát như da mặt, một người chống nạng chân còn quấn băng kín hoen máu lẫn mủ ruồi nhặng vo ve quanh, đứng tiểu vào một hốc cây khuất, mắt ngơ ngác nhìn kẻ mất hồn. Trông các hành lang, bệnh nhân nằm tràn bừa bãi trên những tấm chiếu rách, giấy dầu, một vài người thân trong gia đình vây bám xung quanh. Trẻ con lê la kêu khóc inh ỏi, tiếng người quát tháo dẹp đường, tiếng rên rỉ than thở lẫn mồ hôi thối nồng nặc. Phần lớn ở khu vực ngoại thương toàn là dân quê bị thương trong các cuộc hành quân hay pháo kích được chở về và không bao giờ đủ chỗ nằm. Người la liệt trong buồng, trên giường, dưới đất, ngoài hành lang với những vết thương đã được băng bó hay còn phơi trần lở loét, thiếp im như chết hay than thở khóc lóc. Liêm không nhìn thấy bóng y tá hay bác sĩ, chỉ có những người phu sau đeo tạp-dề cáu bẩn mặt lặng thinh hay nhăn nhó. Cảnh tượng hỗn loạn quái đản như xúc động nhận được qua các giác quan, làm chóng mặt muốn nôn ọc. Khu hộ sinh cũng vậy, một mùi nồng nặc ngai ngái khó chịu. Trong gian phòng lớn dài mấy chục giường vẫn còn nhiều sản phụ phải nằm dưới đất, hài nhi còn đỏ quấn bó trong vải dầy đặt cạnh ga-men cơm bằng thiếc xỉn. Da mặt người nào người nấy thâm tím, mắt tráo trâng nhìn người qua lại trên đầu mình. Vợ Hỗ được nằm trong một gian phòng nhỏ hơn chỉ có sáu giường, cửa kính sơn trắng cao khỏi tầm mắt. Liêm đẩy cửa nhìn vào, không thể nhận ra người đàn bà đã từng ôm ấp nằm ở giường nào. Trong buồng có một chiếc giường trống. Liêm nhìn vào đấy. Lúc quay lại Liêm bắt gặp một cặp mắt gần ngay chỗ đứng đang dương chiếu vào mình và nghe tiếng gọi khẽ:
— Chú Liêm.
Liêm giật mình như bị người bất chợt từ xó tối nhảy vồ lấy mình. Khuôn mặt nằm ngửa gói trong chiếc khăn len, những nét bỗng trở nên mềm mại dịu dàng hơn. Người đàn bà chỉ cho Liêm ngồi ghé xuống mép giường, mỗi lần nói Liêm phải ngoảnh cổ lại trông xuống. Những lúc ngồi im, Liêm ngó thẳng đằng trước nhìn những sản phụ nằm các giường bên; Người cuối dãy nằm nghiêng gối đầu lên tay hướng mắt vào Liêm. Vợ Hỗ nhắm mắt mỉm cười, thò một bàn tay ở dưới chăn nắm chặt lấy bàn tay Liêm chống trên nệm, rất lâu. Xa quá Liêm không thể trông được ánh mắt của người đàn bà tò mò. Những người khác đang ngủ hoặc đang cố gắng ngủ. Liêm rút tay ra và lúc ấy mới hỏi: “Con trai hay con gái?” Người đàn bà mở mắt nghiêng đầu hơi ngửng lên nhìn chiếc nôi bên giường, chiếc nôi bằng sắt sơn trắng bong nhiều chỗ hở cả cốt, cánh màn nhỏ buông rủ ngả vàng. “Chú nhìn xem”. Liêm đứng lên vén màn nhìn vào chỉ thấy một đống chăn và dẻ, mãi sau mới nhận ra cái đầu của đứa trẻ chùm trong chiếc mũ len tím. Đó chỉ là một gương mặt tròn nhỏ bé với những nét mờ của lông mày, mắt, cái mũi, cái miệng. Liêm không thấy gì cả và cũng không biết là con giai hay gái. Liêm hạ cánh màn, đứng ngẩn người, nhìn vào mắt người đàn bà đang chăm chú theo dõi thái độ mình rồi lại chậm chạp ngồi xuống mép giường như cũ. Vợ Hỗ hỏi: “Giống không?” Giống ai? Giống tôi ư? Tôi không nhìn thấy gì cả, đó là một đứa trẻ sơ sinh người ta có thể tráo đổi dễ dàng. Hỗ có thể nhìn đứa bé và thấy giống anh. Anh đã trông thấy nó chưa? Đó là con của tôi và không phải là con của tôi. Liêm hỏi: “Anh ấy vào đây không?” Có, Hỗ đã ở nán lại cả sáng sớm nay đợi sinh xong mới đi, anh đã nhìn mặt đứa trẻ. Anh ta vui, đó là con gái. “Chú muốn đặt tên nó là gì? Anh Hỗ bảo đặt nó là Vân, Kiều Vân”. Liêm nói: “Đặt tên nó là Vui đi. Tên Sài-gòn mà, nhỡ có vào Sài-gòn nó hợp hơn”. Liêm cười một mình, ít khi Liêm cười như thế trước mặt vợ Hỗ, Liêm cũng không hiểu sao. Vui, con Vui. Liêm hỏi lảng không để cho người đàn bà kịp tỏ phản ứng: “Chị cần gì không?” “Tôi thèm ăn nho". Người đàn bà lại luồn bàn tay dưới chăn tìm tay của Liêm, Liêm vội đứng lên, tiến đến gần bên chiếc nôi nhìn gương mặt mờ mờ của đứa bé trong màn. Một lát Liêm bảo: “Thôi, tôi về”. “Chiều chú vào không?” “Không, tôi bận lắm”. Người đàn bà tỏ vẻ giận dỗi, quay mặt lơ đãng nhìn sang giường kế cận. Liêm đẩy cửa ra ngoài hành lang, bước cắm cúi không muốn nhìn cảnh tượng xung quanh. Dắt xe ra đến hè, Liêm dừng lại nhìn về hai đầu phố xa vắng vẻ và nghĩ: phải nhớ tìm việc làm, bắt đầu từ bây giờ là mình đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Liêm vào một hiệu giải khát trong con phố dốc cạnh nhà thương trầm ngâm tính toán nhưng đầu óc rối bung không mạch lạc. Bên kia vỉa hè bức tường nhà thương rêu ướt loang lở, để lộ những mái nhà dài ngói nâu sẫm, dưới chân tường một đống rác lớn có lẽ từ bên trong vứt ra còn lẫn cả một cuốn băng bột hình cánh tay. Ngoài bờ tường này người ta không bao giờ nhìn thấy cảnh bên trong. Liêm ngồi gần cả buổi mới rời chỗ. Không thể trở lại nhà thương lần thứ hai, cũng không thể trở lại nhà Hỗ. Liêm nghĩ đây là dịp để trốn người đàn bà, chị sẽ không biết tìm gặp ở chỗ nào. Đứa bé vẫn sống, vẫn lớn lên và chẳng liên quan tới tôi, cũng như tôi... Buổi tối Liêm bảo với mẹ Hải: “Cháu thất nghiệp thật sự rồi”. Bà cụ chỉ có một mối lo là tòa báo đóng cửa thư từ của Hải gửi về sẽ thất lạc, bà bảo Liêm viết ngay thư cho Hải biết tin, đề địa chỉ của một người họ trên phố. Từ ngày chồng chết, bà không muốn liên lạc nhờ vả họ hàng bên chồng nhưng lần này bà sẽ phải ghé lên dặn nhờ giữ hộ thư Hải gửi về. “Thế này là Tết nhất tôi lại phải đi lên đi xuống”. Liêm không có địa chỉ nào để cho Hải gửi thư về khỏi sợ thất lạc.
Sáng vào giờ đi làm, Liêm lên bưu điện rồi ngồi trên chiếc ghế đá dạo đầu năm đã gặp Khôi. Ghế đá ướt lạnh, bờ Hồ vắng vẻ, Liêm kéo cao cổ áo ngồi gù lưng ngắm vợ chồng người Tàu bán lạc rang cho khách qua lại trên hè. Ngồi chán ngoài hè, Liêm ngược lên phòng Thông-tin đọc báo, đọc cả những tờ báo cũ, những đoạn tin chính tay Liêm đã xếp tuần lễ trước. Mười một giờ hơn Liêm trở về nhà, hý hoáy tìm cách nhóm bếp, thổi lửa phù phù không cháy nước mắt ràn rụa. Bà mẹ Hải về sau bảo: “Để đấy. Không biết thì làm làm gì cho tội thân”. Liêm lau nước mắt cười: “Cháu ở nhà ăn không, phải tập làm cơm là vừa”. Những ngày tháng chạp ngắn và mau, mới nửa chiều trời đã xẩm tối. Liêm quanh quẩn trong buồng chật ngồi bó gối nhìn qua cửa sổ cảnh sinh hoạt của những gia đình ở chung. Sống gần cả năm, Liêm vẫn không quen biết, không nhớ nổi hết mặt những người ngụ trong gian nhà trên. Những gia đình lao động này, đàn ông cũng như đàn bà đi làm từ sớm và tối mịt mới về nhà, ban ngày chỉ toàn thấy trẻ con vài đứa con gái chừng mười lăm, mười sáu, vài bà già còn khỏe trông nom bếp nước chạy nhảy đi lại trong sân. Căn bếp chật không đủ chỗ, ngay sát buồng lúc nào cũng ồn ào chí chóe, bếp của bà mẹ Hải phải đặt ngoài sân dưới một tấm tôn. Nhiều lúc không hiểu trẻ con ở đâu kéo đến chạy túa ngoài bãi rác vào đến sân như một cảnh chợ, Liêm không thể ngồi nhà quá nửa buổi, đành đạp xe lang thang ngoài phố nhìn thiên hạ sắm Tết, vào ngồi nghỉ trong vườn hoa không người lui tới, những ngày lãng đãng trong một nỗi tuyệt vọng rửng rưng. Mình sẽ làm gì? Bây giờ chính Sài-gòn là nơi mơ ước được trở lại. Trở lại, nghĩ tưởng đến những háo hức của mỗi lần đổi thay đã tan biến trong ngày tháng cũ. Hà-nội, tôi đã về Hà nội được một năm. Những ngày cuối năm bà cụ nhận được thư Hải. Hải than được nghỉ Tết bốn ngày nhưng không có nơi mà về, có lẽ nằm lại trại. Liêm ước được đánh đổi chỗ ở với Hải. Nhưng còn gì không? Hay lại đặt chân xuống Sài-gòn như đã đặt chân xuống Hà-nội? Hải cũng hỏi Liêm không còn liên lạc với Thái và Ngọc nữa hay sao mà không lấy địa chỉ Thái cho tiện. Hai mươi tám Tết, mẹ Hải nghỉ chợ, dọn dẹp nhà cửa bàn thờ, tối ba mươi bà đi lễ đền Ngọc Sơn cùng hàng xóm, Liêm cũng mặc quần áo ra phố. Trời tối lạnh, cửa ngõ đóng kín, phố xá vắng tanh như trong giờ giới nghiêm nhưng từng quãng nghe tiếng chân và tiếng cười nói của đám người lẫn trong các bóng tối trên hè rủ nhau đi lễ giao thừa. Liêm đi bộ vào những đường vắng nhớ lại cảm giác đêm mùng một năm trước khi mới xuống Hải-phòng phải ngủ chung với anh chàng thanh niên tuyệt vọng, nửa đêm còn mở cửa uống rượu, chợt nảy ý kiến đến nhà ông San. Vượt khỏi bức tường nhà Rượu, Liêm đứng trước một khu vực trống tối đầy gió không trông rõ lối, lắng nghe những tiếng nói thoảng bay ở xa như trong bãi rác. Liêm phải lần mò theo ánh đèn lay động đi vào trong xóm. Mấy căn nhà của các cô gái chơi đóng ỉm cửa tối om. Liêm đi sát vào các cửa sổ, trông thấy ông San ngồi một mình trước bàn quần áo tề chỉnh. Ông ngạc nhiên tưởng nhìn nhầm, mừng rỡ mở cửa hỏi: “Anh đi đâu đấy?” Liêm cười: “Đến xin bác cho về ăn Tết. Thất nghiệp không nhà cửa”. Ông kéo tay Liêm vào nhà bảo: “Đang ngồi nhà một mình buồn quá. Bọn trẻ nó đi lễ Ngọc-Sơn cả rồi. Giao thừa nó mới về”. Liêm ngồi uống rượu nghe ông San nói, hơi rượu làm ấm người nóng mặt, câu chuyện của ông San làm khuây khỏa trí nhớ. Ông bảo với Liêm có chỗ làm rồi nhưng để sang năm ngày rộng tháng dài hẵng tính. Nghe khuya gần giao thừa, Liêm mới từ biệt ông San. Bước ra ngoài trời, Liêm nghe gió lạnh lẽo hơn, nhớ đến gian nhà của vợ chồng Hỗ ngoài Kim-mã. Gió ở đấy lộng trên cây cối rậm rạp hơn. Đứa bé gần đầy tháng, Hỗ chắc đang hỏi vợ: Sao lâu không gặp chú Liêm? hay vợ Hỗ hỏi: Mình có gặp chú Liêm không? Sao không rủ chú về nhà ăn Tết như năm ngoái. Trước khi đóng cửa ông San nói bỡn: “Đừng ngã vào đầu xóm nhé. Xúi quẩy đấy. Mùng một hay mùng hai đến đây chơi, ăn cơm”. Liêm khép tay ôm chặt tấm áo dạ, bước thấp bước cao, muốn hát nghêu ngao như bọn lính Tây say. Mấy cô gái chơi đã về, thắp đèn cười rúc rích ở trong nhà. Liêm ghé miệng vào cửa sổ nói lớn ngoài sức tưởng tượng: Năm Mới năm Me lấy que chọc đít... rồi cười khô khố bỏ chạy. Đến đầu bãi rác, đứng lại thở, đi tiểu. Một cô gái chơi mở cửa, thò đầu nhìn theo rồi lại trở vào. Ngoài đường phố, người đi lễ giao thừa đang lục tục trở về từ hướng bờ Hồ, mỗi người cầm trên tay một cành lộc. Một vài đứa trẻ còn quơ nghịch những chùm hương cháy dở, gió thổi tàn sáng rỡ. Liêm nghĩ nếu không vướng bà mẹ Hải có lẽ tôi cũng sẽ đi tìm gian buồng trọ trong khách sạn ở mấy ngày Tết. Tôi cũng sẽ uống rượu và tôi cũng có thể sẽ khóc như anh chàng... Liêm về đến nhà, bà mẹ Hải đang sửa soạn giường chiếu, chiếc chiếu hoa mới được trải lên phản. Bà ngửng lên: “Cậu xông nhà đấy”. Liêm đứng dừng ở cửa buồng sóc lại áo ngay ngắn, chắp tay hỏi: “Giao thừa rồi hả bác?” “Hơn mười hai giờ rồi. Năm mới rồi. Tôi chúc cậu…”
Đồng đầm mình giữa những linh cảm, những dự tưởng như trong một cơn mê mở mắt, một sự sáng suốt hoảng hốt; hiện tại bị lật ngược vào quá khứ, quá khứ nhào chụp lấy hiện tại không còn phân biệt. Những chuỗi huyễn tượng liên tiếp xô đẩy như mây nặng trên trời mùa đông, màu xám chì dằng dặc nối kết ngày tháng. Đêm trằn trọc thao thức, Đồng nhìn rõ mình—mình cứ mọc cao lên mãi một cách kỳ quặc như một thân cây đã khô héo chờ đón cơn giông thổi trốc rễ nhào đổ vô giác, cơn giông còn xa tít tận chân trời và thân cây cạn nhựa mỗi giây phút vẫn tủa mọc những nhánh cành trơ trụi. Thành phố u ám vẫn rực rỡ nhởn nhơ không nhìn thấy một dấu hiệu nào của cơn khủng hoảng sẽ tới, trong nhà đời sống gia đình, với đứa con anh Đạo chập chững tập đi, chị Đạo lúc ra lúc vào giữa hai vùng, vợ chồng anh Thái đưa con cái về chơi những ngày nghỉ—đã thấy như hội đủ mặt không còn không khí vắng thiếu, chỉ chờ người đi xa trở về đúng ngày hẹn—anh Đạo mỗi lần vợ về nhà đều gửi theo lời nhắn ngày đoàn tụ. Những linh cảm dự tưởng mở thành những huyễn tượng làm ngõ thoát sự cô lập, nhưng không thể thay thế được bè bạn coi như đã mất, chỉ dẫn đến niềm cô đơn buồn bã. Không hiểu xung quanh mình những gì đang biến diễn, trong mù tối, chỉ nghe những tiếng vọng dội của ám ảnh, những ám ảnh của tuổi thiếu niên khuất mặt.
Một ngày mưa dầm, Nhai hốt hoảng đến tìm ở hiệu ảnh, nằn nì, lôi kéo đi cùng với hắn ra phố để hắn được tâm sự, Đồng từ chối không xong. Đã có đến hằng năm Đồng mất cái thú khoác áo mưa đi men trên hè cùng với bạn, nhìn phố xá rét mướt, bàn những chuyện viển vông. Nhai đi đầu trần ngoài mái hiên các nhà, người cao lênh khênh, nói mà không nhìn, mặt ngửa trông mưa đáp xuống, những thất vọng, tuyệt vọng dồn dập không ngăn giữ nổi, Đồng nghe bằng tai lơ đãng, cảm như được ru trong thế giới mơ mộng của mình đã thoát bay ở ngoài. Nhai thổ lộ về người yêu bé nhỏ của hắn, ngây thơ trong trắng như một nàng tiên; những khó khăn cách trở mà gia đình nàng tạo ra để cản hắn không tới gần được, nàng đau khổ, hắn đau khổ và cái chết hò hẹn đã trùm phủ lên hai đứa như những đám mây đen chĩu. Ngồi lại trong hiệu cà-phê vắng, nhìn qua tấm kính mờ hơi nước, một con phố hẹp dốc dẫn xuống nhà thờ lớn, Đồng bỗng nghĩ có lẽ Thạch cũng đã nghe những lời tâm sự của mình bằng một tai giống như thế và Đồng nhắc với Nhai một câu nói đùa của Thạch: “Cậu như người ở thế kỷ mười chín rớt lại”, Nhai không chú ý đến lời riễu cợt, hắn mơ màng, hắn thoạt tỉnh, hắn nói, hắn đọc thơ, hắn cười, hắn buồn bã, hắn trầm ngâm, hắn vùng vẫy một mình trong tấm lưới của tưởng tượng đã dăng trải. Đồng uống từng ngụm cà-phê, tự hỏi mình cũng đã rửng rưng rồi hay sao. Tuần lễ sau, Nhai lại tìm tới cuống cuồng như người mất trí bất kể sự có mặt của Cúc và khách hàng, hắn nói như sắp bật khóc: Nàng chết rồi, hai mắt đỏ ngầu dữ dội. Đồng lại đi theo Nhai vào bệnh viện Đặng Vũ Lạc ở phố hàng Cỏ. Trong nhà xác Nhai đứng cúi gầm ở một góc cửa không nhúc nhích, bên những tiếng than khóc nỉ non của gia đình người thiếu nữ, không ai buồn đếm xỉa hỏi han đến Nhai và hắn cũng bất kể đến sự khó chịu bực dọc của những người khác. Đồng đứng vơ vẩn ngoài sân, nhìn chán những cửa kính đóng dài trên gác, cây hoa đại trụi lá bên bờ tường trong một khoảng đất nhỏ, lại ra đứng ngoài bờ hè phố trong sang nhà Đấu-xảo, trông lên nhà ga. Rồi Đồng lững thững trở về hiệu ảnh một mình, không đợi Nhai nữa. Trời không mưa nhưng đường vẫn trơn ướt giá lạnh, Đồng không hiểu, không kịp hiểu ý nghĩ lúc ấy như thế nào. Chỉ biết trong sự nôn nao trống rỗng cào trong buồng ngực, dội âm u trong đầu những tiếng động vô lý, những đợt sóng ùa ào hỗn loạn, tay chân bứt rứt đòi vung vẩy có thể xô chạy tự động nếu không cố ghìm hơi thở để chế ngự. Cơn khủng hoảng thổi qua mau như cơn gió cuốn. Gặp Cúc, Đồng cười bông đùa: “Tôi sắp điên. Cô sợ không?” Cúc bĩu môi chế nhạo: “Anh điên lâu rồi mà anh không biết”. Đồng gật gù: “Có lẽ. Có lẽ. Ở trước mặt cô mà tôi không nhìn thấy đẹp quả là tôi điên thật. Mãi đến sáng nay. Tôi vừa đến chứng kiến sự tan vỡ của một mối tình đẹp nhất thế kỷ này. Cô có ước được một mối tình lớn như thế không?”
Câu chuyện tình của Nhai được đăng trên trang nhất các nhật báo, Cúc đưa chỉ cho Đồng xem, Đồng bảo: “Hà-nội đang buồn, hết chuyện nói rồi”. Cúc nghiêm mặt: “Tôi thì không bao giờ tôi tự tử dại như thế cả. Việc gì mà phải tự tử”. “Tự tử vui chứ. Được nhiều người thương. Có khi sống mình không được như thế”. Cúc hỏi: “Thế có nghĩa là anh không được ai thương hay sao?” Đồng nhả nhớt: “Tôi hỏi thế cô có thương tôi không đã nào? Giả thử ngày mai tôi tự tử chết, chắc chắn cô sẽ bảo tội nghiệp anh chàng ngày nào mình cũng gặp anh ta hai buổi mà không ngờ. Trông chẳng ra gì, chỉ được cái đùa nhả, thế mà lại là một anh chàng chung tình nhất đời. Biết đâu anh ta không yêu thầm mình và thất vọng”. “Nếu tôi biết anh yêu tôi thật thì tôi yêu anh ngay”. Đồng nhìn Cúc chằm chằm, Cúc không nao núng má nàng chỉ hơi ửng hồng như màu áo len khoác ngoài ánh lên. Buổi sáng mưa rả rích ngoài phố, trong cửa hiệu chỉ có những dây hình bóng nhập nhòa ở trên tường. Đồng bật cười khì: “Tôi sợ ở ngoài chắc cô làm địch vận”, và Cúc không trả lời. Đồng nghĩ Nhai sẽ trở lại tìm để được tâm sự, hắn không thể một mình vượt nổi cuộc khủng hoảng, nhưng cả tuần lễ không thấy bóng. Một buổi chiều trời tối sớm, Đồng ghé thăm Nhai, gặp hắn ngồi thu lu trong một góc tối của căn gác như một người vừa ốm dậy, mắt thất thần, râu tóc tua tủa, quần áo hôi hám. Mọi người trong nhà đều nói khẽ và né tránh, bà mẹ bảo với Đồng, giọng nghẹn ngào: “Hình như nó mất trí”. Đồng vừa bước đến gần vừa gọi: Nhai, cậu làm sao thế? Hắn cử động thân mình trên phản, nói một tiếng gì không rõ; Đồng ngồi xuống cách khoảng một thước, mẹ Nhai dụt dè phía sau lưng. Một phút bà ghé vào tai Đồng thì thẩm: Cậu ngồi đây chơi với nó, có lúc nó tỉnh. Gian gác không có ánh sáng, tối om, dưới phố đèn đã thắp. Đồng ngồi nhìn trừng trừng qua bóng mờ cái hình bóng thảm hại của Nhai gục đầu trên gối im lìm không động đậy chốc chốc phát ra những tiếng rên nhỏ nhỏ trong cổ họng. Phía đầu gác những bước chân lên thang dón dén lọt vào buồng rồi lại rút mau. Đồng nghe rõ nhịp hơi thở lúc hổn hển, lúc yếu ớt như đã mất; Nhai không thốt một lời nào và Đồng bị bỏ rơi trong gian gác đến lúc tối mịt không thấy bóng một người trong gia đình Nhai trở lại. Đồng sắp sửa cố gắng đứng lên để ra thoát cái không khí nửa tỉnh nửa mê, bỗng thấy Nhai ngửng đầu lên, mắt hắn chiếu từ trong tối lấp lánh như mắt mèo. “Đồng hả?” Đồng dịu dàng thận trọng: “Cậu tỉnh rồi phải không Nhai?” Nhai thở mạnh như sắp sửa rời chỗ nhưng sau đó vẫn ngồi im.
“Tôi điên rồi. Điên thật rồi. Không có ai ở nhà sao? Anh đến lâu chưa? Anh có cười tôi không? Nhưng quả tình trí tôi cuồng loạn. Không biết từ lúc nào. Có lẽ tôi phải xin vào ở trong nhà thương. Anh thấy không? Ở nhà không ai dám gần tôi. Tội sợ ánh sáng bây giờ mà anh bật đèn lên tôi chóa mắt là tôi phát cơn điên ngay. Không hiểu mấy ngày nay gia đình tôi phải sống ở đâu? Tôi không thể sống nổi nữa. Sống để biết nàng đã chết tôi càng thêm oán thù những người khác. Tại sao họ lại làm như thế? Họ được lợi cái gì? Không ai hiểu tình yêu của chúng tôi cả. Đây này thư của Ngân tôi còn xếp đầy trong túi đây này. Tại sao người ta có thể ác đến như thế, Ngân chết rồi, chết thật phải không? Tôi cũng chết, lúc ấy tha hồ mọi người hối hận. Hối hận ăn thua gì. Hối hận rồi họ cũng quên. Tôi còn nhớ, tôi không thể quên Ngân nổi... Tôi không thể quên Ngân…” Nhai bật khóc òa như một đứa con nít, Đồng không biết xoay trở cách nào. Khóc chán, Nhai lại im không nói gì nữa, bỗng hắn như muốn nhảy chồm lên hét ra ngoài cửa gác: “Chúng mày sướng lắm, rình xem tao khóc sướng lắm hả”. Đồng giật mình quay nhìn thoáng thấy bóng hai đứa em gái của Nhai thụt lui xuống nhà. Đồng bảo: “Cáu làm gì. Cậu đừng nghĩ gì nữa”. Nhai thở gấp một hồi, giọng cao hơn và rung động: “Tôi cũng bảo tôi thế những lúc tỉnh. Không nghĩ nữa, vô ích. Tôi cũng phải bình tĩnh như Ngân mà chết. Không được. Tôi cứ trông thấy Ngân nằm đó phủ trong tấm khăn trắng và đầu óc tôi bắt suy nghĩ quay cuồng”. Nhai ngừng bặt như nghe ngóng những tiếng động bên dưới, những tiếng động tạo hình cho im lặng của phố xá. “Anh về đi. Tôi nghe như không chịu nổi nữa”. Đồng đứng dậy, đế giày trơn cọ trên cát bụi của nền gác nghe sắc, mỏi mệt ê ẩm cả người. Gia đình Nhai vây Đồng ở ngoài đầu cầu thang hỏi xem Nhai còn tỉnh không, Đồng lắc đầu. Ông bố Nhai bảo: “Sáng mai đưa nó xuống Bạch-mai. Tôi đã điều đình xong cả rồi”. Đường về phố vắng tanh, lạnh buốt. Liếc nhìn vào trong các quán rượu còn mở cửa, những khoảng sáng đỏ kệch trên con đường lớn cây um tiếng gió, Đồng sực nhận thấy quang cảnh tẻ nhạt không náo động ẩm ĩ như những năm trước. Bọn lính Tây dạo này bớt phá phách, thành phố có vẻ yên tĩnh thanh bình, đêm tối thêm thân mật. Có thể lên phố về đêm, đạp xe dạo chơi để không nghĩ, tôi cần không nghĩ như đã khuyên Nhai. Sáng hôm sau Đồng báo cho Cúc biết Nhai đã loạn óc. Cúc hỏi Nhai có phải là bạn thân với Đồng không, Đồng đáp lững lờ bảo là phải cũng được mà không phải cũng đúng. Cúc vặn: “Anh không có bạn thân hay sao?” “Có chứ. Sao không?” “Tôi có gặp anh đi chơi với ai khác ngoài anh chàng điên đó đâu?” Đồng ngắn mặt nghĩ ngợi: “Ừ nhỉ. Cô có muốn gặp chúng nó không? tôi giới thiệu. Chỉ sợ cô lại mê chúng nó mất”. Cúc trễ dài môi dưới: “Anh nói nghe dễ thế. Hôm nào anh thử giới thiệu xem”. Cúc rẽ câu chuyện sang lối khác thuật những chuyện đồn khắp thành phố về bọn lính Ta-bo bắt cóc trẻ con ăn thịt. Ông chú của Cúc từ trên gác xuống lại hỏi đến chuyện Nhai, ông trách hắn là đứa con trai không có lý tưởng. Trong khi ông nói, Cúc liếc nhìn Đồng mỉm cười như nàng và Đồng có chung một ý kiến nào đó; Đồng không hiểu ý của Cúc và nghĩ không rõ Cúc nhìn thấy mình như thế nào. Chủ nhật ấy Đồng xuống thăm Nhai, gió ngoài đồng thổi ngược cản xe như không muốn chạy, hai lỗ tai buốt ù lùng bùng. Đồng tiếc những ngày nắng khi Thạch còn nằm dưỡng sức trước khi rời bệnh viện trở lại đơn vị. Khu điên nằm khuất một góc sân phía trong cùng của nhà thương, con đường dẫn vào chạy ngang qua nhà xác mở cửa và tối om. Bờ rào xi-măng vây một khoảng đất trống đào thành những luống trống—không thấy cây mọc; ở giữa một ngôi nhà nhiều buồng cửa sổ chấn song sắt với một hành lang xẻ đôi thẳng lối từ cổng vào; trong các góc sân cỏ và chuối mọc lan bẩn thỉu. Mùa đông rét mướt vẫn thấy hai ba người đi lại vơ vẫn giữa các luống đất, đằng sau những cánh cửa sổ bất động những khuôn mặt ngơ ngác nhìn ra ngoài cánh tay trần bíu chặt lấy song sắt. Đồng đẩy cánh cổng, bước vào lối gạch, không nghe tiếng động huyên náo như tưởng tượng, đi thẳng vào gian nhà không gặp ai ngăn cản, những người đang đi lại ngoài sân không ai biết đến Đồng. Người giám thị khu điên ở ngay trong gian buồng đầu tiên mở cửa, gian buồng trần trụi với một chiếc giường sắt cũ và một chiếc bàn mộc không có ghế, chùm chìa khóa lớn ném ở trên bàn. Ông ta nhìn Đồng bằng cặp mắt soi mói, tôi cũng có vẻ điên chăng, hỏi trống không cọc cần: “Đi đâu?” Đồng nói muốn được gặp một người bệnh tên Nhai rồi đưa trình giấy phép của bác sĩ. Ông ta đọc đi đọc lại như nghi ngờ giấy giả mạo, quan sát Đồng từ đầu đến chân. Thốt nhiên trong buồng kế cận tiếng la rống thất thanh khiến Đồng giật mình sởn gai ốc, tiếng giây xích va chạm loảng xoảng. Người giám thị chạy tới, kiễng chân ghé mắt nhìn vào, khi quay lại chỗ Đồng ông nói như dọa: “Sợ chưa? Xích rồi đấy”. Đồng tưởng đó là Nhai vội hỏi: “Sao người nhà bảo bác sĩ nói bệnh không có gì nguy hiểm cả?” Người giám thị ngơ ngác hỏi: “Ai?” và sực nhớ ra: “À, số 21 hả? Trường hợp này cũng hiền thôi, không bị giam, phòng mở cửa mà. Ông đi theo tôi, cẩn thận, nhỡ mà có bệnh nhân lên cơn bất thình lình trở tay không kịp”. Những cánh cửa sắt dầy nặng khoét những khung hổng lớn độ hai bàn tay, nhìn qua chỉ thấy một mảng tường trắng nhờ nhờ. Đến trước cửa một gian buồng gần cuối mở một nửa, người giám thị nghiêng mình thò đầu vào trong rồi quay trở ra bảo: “Không có. Có lẽ đi dạo ở ngoài. Số 21 này lúc nào lên cơn chỉ có khóc, khóc ti tỉ cả ngày. Thỉnh thoảng cũng bị xiềng vào giường, nhưng ít lắm. Không phá mấy”. Đồng theo người giám thị ra đứng trước thềm nhà, đưa mắt nhìn quanh sân chỉ thấy một người đang đứng bên bờ rào trông ra bên ngoài—con đường chạy giữa hai hàng cây như chết rũ. Người giám thị bắc loa tay gọi: Số 21 phải không? Có người nhà đến thăm này. Người bệnh quay nhìn vào, lững thững đi theo lối rãnh giữa hai luống đất dẫn thẳng đến bên hông nhà. Không phải Nhai, người giám thị đảo mắt tìm. Đồng bất chợt trông thấy Nhai ngồi nép vào bờ tường bên góc nhà, hai khuỷu tay chống trên đầu gối, mặt cúi nhìn đất. Đồng nói vội cám ơn và đi mau về phía Nhai. Nhai ngửa mặt lên bỗng hé miệng cười, miệng méo xệch ngây dại, hắn điên thật tình, Đồng đứng cúi nhìn xuống. Không thấy Nhai biểu lộ thêm cử chỉ nào, Đồng cũng ngồi ghé vào mép tường hỏi: “Đỡ không?” Nhai lắc đầu, một lúc lâu: “Tôi muốn chết”. Đồng rùng mình như gặp gió lạnh, tôi muốn chết, thật là buồn, Đồng không tìm được câu nào để hỏi nữa đành ngồi lặng nghe gió lùa trong đám cây ngoài đường. “Tôi muốn chết”. Nhai như quên hẳn Đồng ở bên cạnh dán mắt xuống dưới chân. Bàn tay gầy guộc tái thâm, đất cục lổn nhổn lăn lóc mang những rễ cỏ trắng bệch. Lại nghe những tiếng rú từng hồi ở trong nhà như lợn bị chọc tiết. Một người đàn ông ngồi ẩn sau gốc chuối gần bờ tường chạy xổ ra, vỗ ngực bành bạch: Vũ Tam Kỳ đây, ông là Vũ Tam Kỳ đây, ta gơn, ta gơn. Đồng nhận ra người đàn ông rách rưới mấy năm trước vẫn dẫn một mụ ăn mày già mù mắt đi hát nghêu ngao ngoài phố và chửi nhau với bọn trẻ con. Vũ Tam Kỳ đây, Tây ông còn chẳng sợ nữa là thứ mày. Nghe chưa con. Tăng xông, ta gơn. Một bàn tay vỗ lên vai, Đồng giật thót mình, người thanh niên Đồng đã trông thấy đứng cạnh bờ rào đến cạnh Đồng lúc nào không biết. “Trông anh quen quá mà không nhớ”. Chưa hề gặp mặt người này bao giờ: cặp mắt sâu đen, đầu tóc chải mượt, khuôn mặt xanh xao hốc hác, hàm răng vỡ như lúc nào cũng cười, dưới nách cắp một quyển sách dày đóng bìa da. “Anh học ở đâu?” Đồng lắc đầu: “Có lẽ mình hay gặp nhau ở phố”. Hắn khẽ nhíu mày xong cũng ngồi xuống mép tường ép Đồng vào giữa, Nhai vẫn không động đậy. Hắn hất hàm sang Nhai hỏi Đồng: “Thất tình? Bệt quá”. Đồng ngạc nhiên nhìn người lạ mặt, hắn cười ranh mãnh, ánh mắt chiếu sáng tinh quái: “Anh tưởng tôi điên hay sao?” hắn ngừng lại dò xét phản ứng rồi hạ giọng thì thào: “Tôi không điên đâu. Chúng nó gọi tôi động viên tôi không muốn đi thì vào ở đây. Chẳng việc gì phải trốn mất công. Anh thấy không? Khi nào ra tôi lại có thừa tài liệu viết một quyển sách về nhà thương điên. Thật sống nhé. Tội gì chết thiệt thân một cách vô ích”. Hắn cười khanh khách khoái trá. Lúc ấy trong nhà vang lên những tiếng đập cửa sắt thình thình, tiếng người giám thị quát tháo trong hành lang và người đàn ông ở ngoài sân chạy lại lồng lộn vỗ ngực bành bạch, hét nhai nhải; Vũ Tam Kỳ đây, ông là Vũ Tam Kỳ đâu, ta gơn, ta gơn. Anh chàng thanh niên bên cạnh Đồng đứng bật dậy, chạy một hai bước rồi cũng hét: Faut pas gueuler comme ça, couillon. Tao mới là Vũ Tam Kỳ. Vũ Tam Kỳ chính cống bà lang Trọc đây. Vũ Tam Kỳ đây... Người đàn ông đứng ngoài sân ngẩn mặt im bặt, trong khi tiếng la inh ỏi vẫn vọng ở trong nhà, rồi lủi thủi chui vào ngồi sau bụi chuối. Anh chàng thanh niên trở lại chỗ Đồng nói: “Anh xem tôi có điên không? Ở trong này tôi được tự do đi lại. Lúc nào chán thì cũng la hét đập phá để họ giam mình lại nằm im một chỗ mà suy nghĩ, nghiền ngẫm. Anh xem tôi còn đọc được sách mà”. Đồng bật cười hỏi: “Anh vào đây lâu chưa? Kể cũng thú”. Nhai chẳng nói chẳng rằng, bỏ chỗ đứng lên, Đồng cũng vội theo, anh chàng thanh niên với nắm cánh tay Đồng kéo lại bảo: “Mặc nó. Ngồi nói chuyện một chốc đã”. Đồng gỡ tay hứa sẽ quay ra, nhưng anh ta cũng theo bén gót phía sau. Nhai vào nhà, đi thẳng về phía buồng của mình không nhìn ai, người giám thị cản Đồng đứng lại bảo: “Thôi ông về đi. Anh ta đến cơn rồi”, rồi quay sang hỏi anh chàng thanh niên: “Đi đâu?” “Đi đọc sách”. Anh chàng lại lững thững quay lưng đi ra ngoài thềm. Đồng vừa bước xuống thềm, anh chàng đã níu tay đi kèm bên cạnh, ghé sát tai thì thầm: “Tôi nhớ rồi. Tôi vẫn gặp anh ngoài thư viện. Đúng không?” Hơi thở hôi hám xông lên mũi khiến Đồng phải nhăn mặt đứng lại. “Bọn các anh có mấy người mà. Đâu cả rồi?” Đồng kiếm cách tháo gỡ những ngón tay bấu chặt lấy tay áo như móng quặp, nhìn trừng trừng vào mắt người đứng gần bảo: “Buông ra”. Hắn buông tay, cười toe toét: “Anh sợ tôi điên thật hả? Điên không phải là bệnh truyền nhiễm. Tôi không sợ bị lây mà. Tôi ở đây đã cả hai ba tháng”. Đồng nghe hai tay lạnh giá, đầu nặng và trống lao đao, hơi thở dồn dập mệt nhọc, phải ngửa mặt lên trời hít mạnh không khí. “Tình hình ở ngoài có gì lạ không?” Đồng bước mau ra cổng, vừa sợ hãi vừa phẫn nộ, tôi hiểu Thạch, hiểu những cơn giận dữ vô lý của nó, còn tôi nhu nhược, nghe tiếng gọi với bên bờ rào: Thỉnh thoảng xuống chơi nói chuyện. Đồng dắt xe đạp đẩy đi không dám nhảy ngay lên yên, sợ chóng mặt ngã lúc nào cũng không biết.
Vào đến phố, Đồng mệt nhoài, thở không thấy hơi, mồ hôi ướt đầm trong mình giá lạnh. Gió bưng kín đầu mặt choáng váng, quang cảnh chập chờn mờ nhạt trong những bóng sắc trôi nổi, thành phố như không còn thực. Xe đạp vẫn lăn bánh, ghìm chặt tay lái, không dừng lại được. Tôi sắp ngã, chết, đập đầu xuống mặt đường... Tôi sắp ngã, chết, óc vung vãi. Đồng nhắm chặt mắt trong một giây, cắn mạnh vào môi dưới; mở mắt kịp lượn tránh cục đá ném bên vệ đường. Xe lảo đảo cọ bàn đạp vào vỉa hè, lạng ra giữa đường. Phố đìu hiu, không xe cộ, im khuất và Đồng hồi lại dần trong cơn lạnh toát khắp thân. Chuyến xe điện chạy ngược lên muốn đẩy lùi xe về phía sau. Hàng cây xanh um mở ở ngã tư cuối phố một vùng ánh sáng xa xôi. Cảm giác vĩnh viễn—con đường đi không hết, không đến chỗ nào, dằng dặc và sâu hút—trôi nổi và chẳng chuyển dịch. Đồng bỗng thấy mình đang khóc, nước mắt chảy ròng và vội nở một nụ cười với mình. Actes gratuits, phải không? Ngón tay cái tự động bóp chuông xe tiếng kêu lạch cạch, lạch cạch, lạch cạch hoen rỉ. Mặt hồ nước phẳng, cây xanh bò lổm ngổm lên cao, con đường ngoại ô không hoạt động, đường sắt đen nhánh, ngõ hẹp quanh co men theo bờ tường rêu. Đồng đứng tựa lưng khá lâu vào trong góc tường nhờn ướt trước cánh cửa gỗ nhà đóng. Có phải không? Ở trong ấy, những ngày tháng. Và cái chết, tôi sắp chết, lần này thì quỵ hẳn.
Tiếng trò chuyện vui vẻ, bát đũa khua quanh mâm cơm trên phản, vợ chồng anh Thái và những đứa con. Không kịp trả lời những câu chào hỏi ríu rít. Đồng đi thẳng vào giường, rơi mình xuống cơn sốt lạnh lẩy bẩy mê man chờ sẵn. Cơn sốt chụp kín mít, bốc ra khỏi sự nhịp nhàng của ngày tháng, ném vào giữa vùng tối ám hỗn loạn ào ạt. Lúc tỉnh, lúc mê, Đồng không nhớ được gì ngoài một ý nghĩ vắng vẻ hiu hắt không vang động bao nhiêu: tôi sắp chết. Sắp biết hình dung của cái chết với đôi mắt bơ vơ vẫn nhìn mình. Đôi mắt đen láy như trời đêm cuối năm mướt lạnh, không chớp và mở lớn. Et la mort aura tes yeux... Hồng-hà ơi, trôi cát đến chân làng xa... Cuối sông... Vẫn những điệu hát, điệu hát đuổi nhau trong một giấc mơ đã rách bươm trong những cơn ho xốc người, những giòng nước mắt vô tình khô như muối trên gò má. Điệu hát của vĩnh viễn dăng mở và quấn quýt chôn vùi, vang trong một vòm rộng thênh thang kéo dài không cùng. Không cùng nên trở thành đường hầm sáng quắc ầm ĩ những tiếng dội liên miên không ngớt, Đồng đứng ở trong đường hầm ấy choáng váng ngơ ngác nghe lẫn tiếng la hốt hoảng không phải phát ra từ miệng mình nhưng là của mình. J'ai un projet: devenir fou... Devenir fou. Faut pas gueuler comme ça, những khúc hát cũng là bóng dáng của cái chết bay nhởn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, đó là vĩnh viễn. Vĩnh viễn buồn nhạt như mây mù trên hồ buổi mai, buổi chiều, vĩnh viễn như nhịp sống vẫn đập quanh nín thinh tội lỗi, vĩnh viễn như tình yêu không bao giờ thỏa. Cái miệng rộng ngoác của Thạch, Thạch, Thạch trên một thân thể trần truồng dựa vào hai chiếc nạng đang hát—Thạch không bao giờ hát, không biết hát—một bài ca tuyệt vọng ồ ồ. Một bài hát trơ trẽn, xúc động rẻ mạt. Mắt nhắm tít lại say sưa, Thạch, Thạch, a quoi bon? C'est moche. Thạch nói: Mày sắp chết rồi và tao hát đưa mày. Những con vi trùng chạy buồn buồn trong ngực, đang tìm lối bò ra miệng. Và Nga quỳ hôn sâu chuỗi tượng trên đầu giường. Anh biết không, em đẹp như một tội lỗi? Anh có yêu em như một tội lỗi không? Không biết, không thể nào biết được, Nga ạ. Chính nó, nó cũng đau ngực mà cậu không hay, nó cũng bệnh hoạn. Thật không? Sao anh không nghĩ đến điều ấy nhỉ? Rồi niềm im lặng rã rượi của những ngày đông tàn dần, ngọn lửa âm ỉ thiêu tàn những lượng máu dịu dàng, dưới lớp chăn bông nghe chân tay quều quào khô héo. Gương mặt già cả của mẹ nghiêng trong bóng mờ tối, di động ngập ngừng, lá rụng chạy ngoài vườn từng chập. Đồng dương mở hết mắt, bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm đã qua, đời sống chia tay biền biệt không còn quay mặt trở lại. Tôi một mình, tê liệt ngóng đợi chuyến đi của riêng tôi. Đồng vẫn mỉm cười trong trí với mình.
— Anh Thái bảo đưa cậu xuống nhà thương. Cậu nghĩ thế nào?
Đồng lắc đầu phều phào không rõ tiếng. Còn gì nữa đâu để nói nhưng nước mắt vẫn ứa. Tiếng nói vô ích, thừa thãi đã rút xuống tận dưới cuống họng khò khè nín lặng, nhưng sự nín lặng tràn lan như một nỗi kinh hoàng bóp giật các bắp thịt mỏi rời. Lần này không phải là đùa rỡn, đang chết dần từng chút một đây.
— Hôm qua cô Cúc xuống thăm cậu. Cái cô làm cùng chỗ với cậu ấy.
Cúc hả? Hôm qua là bao giờ, những chuyện thật xa xôi. Cúc, Cúc còn trở lại lần nữa không? Một gương mặt nữa để nhìn, để thấy. Một dấu hiệu nào đó giữa muôn vàn dấu hiệu hoảng hốt. Đồng nhắm mắt lại nhưng không tưởng tượng được gì. Một luồng hơi ấm tỏa từ ngực nhẹ nhẹ bay lên đầu chỉ làm tăng cơn gió lạnh cùng tột. Đồng khóc gào lên nghe rõ như tiếng chó tru hãi hùng trong xóm. Giữa hồ lớn mênh mông, không còn đủ sức vào đến bờ, cố nhắm hướng cây gạo trụi lá Đồng tự nhủ tại sao không trở lại gốc cây sung sau đình nơi vẫn ngồi xem sách. Đồng thụt sâu, ngoi lên, sặc sụa nghẹt thở, thụt mãi xuống đáy dẫm chân trên bùn lầy nhầy. Sắp chết, không ai đến vớt được. Màu nước xanh rêu thật đẹp. Anh Thái cao giọng: Tôi không ngờ cậu hỏng đến thế. Cậu đã làm được gì cho ai? Để mà nói... Cậu vào nhà thương điên ở là vừa... Không, tôi không... Thạch đang cúi xuống cười, còn Đồng nằm ngửa trên cỏ, đầu ê ẩm gối trên một rễ cây sù sì. Tôi vừa ngất đi chăng? Cảnh vật im sững như trong một bức ảnh. Và tôi đang gắng cười, hơi nước lạnh toát như đá trườm. Từ một giòng sông thao thiết chảy dưới một bầu trời đỏ ối và đen thẫm. Trên con đường đất không ánh đèn lửa nhìn những đốm sáng dăng lơ lửng thật cao dài. Cầu Long Biên. Những đà sắt nặng xa tít không thấy chắc là đầm hơi sương. Chạy thật mau, chạy một lúc như thoát bay bổng rồi rớt xuống bò lết và cây cầu vụt biến mất. Chỉ còn cảm giác đau đớn râm ran, giữa một phố tối mịt, hai dãy nhà như phông vẽ. Người nữ tu làm dấu thánh giá, cười rũ rượi. Nga, Nga, em đau ngực phải không? Ai bảo anh thế? Anh bảo, anh sẽ hôn em không sợ gì cả. Em vào nhà tu rồi, đừng nghịch. Để anh nhìn tóc em. Em thấy không? Anh có thay đổi không? Hà-nội có khác trước không? Em nhớ Hà-nội và em nhớ anh. Em đã bỏ trốn. Chốc nữa em lại phải xưng tội, phải xám hối. Tội nghiệp Nga quá nhỉ? Nga không còn khăn, tóc chảy dài, tóc đen trên chiếc áo đen dài lòa xòa. Em bỏ nốt tấm áo kia ra, anh không nhìn, anh nhắm mắt mà. Đẹp bằng Phương không? Phương đây. Một bức tượng đá khắc nổi im lìm. Cánh tay giơ lên không cử động. Đôi mắt của bức tượng động đậy hé mở. Em chết rồi, em về đón anh đây. Đừng khóc, đừng khóc chứ. Em chết thật rồi ư? Chết nó như thế nào? Nga thốt cười rũ, gập đôi người, chết như anh mơ thấy chết.
— Anh Đồng.
Cúc đứng ở bên đầu giường. Mở mắt nhưng không thể đáp. Không biết là lúc nào mà bặt không tiếng động. Ánh mờ tối bao quanh không đổi thay. Đồng muốn nói: Cám ơn cô và cố mỉm cười. Cúc không nhìn thấy, đứng đó, khắc dần vào bóng tối thành một hình nổi. Không rõ Cúc biến mất lúc nào, chỗ đứng vẫn thấy loáng thoáng những đường tan biến nửa vời. Có phải Cúc đã yêu tôi? Hay tôi mê gặp Cúc? Cúc đến làm gì?
— Anh đỡ chưa?
Đồng ra dấu muốn mở cửa sổ. Tiếng chân dẫm nhẹ đi vòng lên trên đầu, cánh tay nhoai lơ lửng ấn vào cánh cửa, mùi hương ấm. Cửa không mở. Cúc trở lại nhắc chiếc ghế đẩu ngồi xuống cách giường một khoảng.
— Ở ngoài lạnh lắm.
Tôi muốn được nhìn mặt Cúc. Trong nhà không còn ai? Không thể nhìn quá khỏi cửa buồng.
— Hôm nay anh thấy trong người thế nào? Khá hơn chứ. Hôm trước tôi đến anh mê đâu biết gì phải không? Tết đến nơi rồi. Anh tĩnh dưỡng cho khỏe mà ăn Tết. Anh nói được chưa?
Đồng mấp máy môi, đắn đo, sợ hãi. Tấm chăn bông dầy ấn nặng trên ngực, bên mạng sườn cấn giỏ nước nóng được ủ thêm. Đầu óc choáng váng, da mặt lạnh săn, gió nổi ở ngoài xa dữ dội và mơ hồ. Đồng nhắm mắt, hít hơi mạnh cố phát âm:
— Cúc.
Đồng không rõ mình có nói được thành tiếng không, trong tai lùng bùng như nước vỗ, đưa lưỡi liếm môi khô nẻ, nuốt miếng đờm khò khè vướng víu.
— Cúc.
Đồng thở mệt nhọc như vừa leo đến đầu dốc, đầu gối yếu khuỵu ngã lăn bất tỉnh. Dường như Cúc dạ. Dạ. Đồng tỉnh trở lại, nghe đâu đây tiếng chuyện trò của mẹ và Cúc. Tay chân bải hoải rũ liệt, nhưng cái đầu bập bềnh trôi bay như một quả bóng nhẹ. Muốn được nhìn mặt Cúc, nhìn cây nhãn ở ngoài cửa sổ, mặt nước hồ sau đình. Đồng rớt nghẹo đầu khỏi gối, bị dốc ngược vào cơn buồn nôn chóng mặt.
Khi Đồng có thể ngồi được lên, dựa vào thành giường, húp bát cháo nóng với muối và đậu om, Đồng nghe vẳng tiếng guốc của Cúc bên ngoài, tiếng Cúc trò chuyện với u già thân thiết dưới sân và nhìn thấy mắt mẹ tươi cười mừng rỡ. Bà không nói gì cả, chăm chú theo rõi cử động của Đồng, bưng bát cháo bỏ dở đi ra ngoài. Đồng ngả người xuống giường, thả trí bông lông trong bầu không khí se lạnh dịu dàng nhận được như dấu hiệu của đời sống vẫn miệt mài xung quanh. Một chốc Đồng sực nhìn thấy Cúc đang đứng trong buồng gần cửa, cũng vẫn còn mờ ảo như một chiếc bóng được tạc vào tường và Đồng hồi hộp, mồ hôi toát ướt hai lòng bàn tay giấu trong chăn. Đồng nghiêng hẳn mặt về phía Cúc, hơi ứ dồn trong miệng không dám mở. Có thể tiếng nói chưa phát được, Cúc vẫn đứng im, nàng trông chờ gì nơi mình? Một mối tình bệnh hoạn. Sự tỉnh táo sáng suốt còn chông chênh như màu sáng mờ tỏ trên nét mặt cách xa của Cúc và những bước loáng thoáng dưới nhà ngang.
— Anh có thích mở cửa sổ không?
— Thích.
Tiếng còn yếu nhưng lan động như một niềm vui đột ngột quá mạnh rồi tắt dần như sự luyến tiếc âm thầm chua chát. Cúc rời chỗ, vòng lên đầu giường, nhoài người mở cửa. Đồng quay đầu, ngửa cổ, nhìn thấy khuôn mặt Cúc treo ngang trên cao với nửa thân nghiêng gẫy tỏa xuống hơi ấm của tóc và áo như một luồng gió mạnh thốc làm nghẹn thở. Cánh cửa bị đẩy mạnh xô đập vào tường, ánh sáng bật lên nhức nhối như những tia nhọn cùng với nụ cười ngượng nghịu của Cúc khiến Đồng phải nhắm mắt. Đồng đợi cho Cúc rời chỗ, không nghe rõ Cúc tiến về hướng nào, đứng ở đâu, Đồng thấy mình đang quay trên một tấm thảm bay mất phương hướng một hồi lâu. Đồng vẫn không chịu mở mắt, đợi tâm thần bình thản đặt trả lại mình đúng vị trí nhận thức được rõ ràng. Đột nhiên nghe như một tiếng cười khẽ nhưng khi mở mắt Đồng chỉ thấy Cúc nghiêm trang đứng nhìn trong một vùng ánh sáng không rực rỡ như Đồng tưởng. Áo dài xám như màn trời, chiếc áo len đen khoác ngoài, gương mặt bầu bĩnh hơi trắng quá. Và Đồng mỉm cười đón trước nụ cười của Cúc:
— Tôi tưởng tôi chết.
Cúc kéo ghế ngồi xuống, kéo tà áo phủ lên đùi, quay nhìn nhà ngoài trước khi nhìn xuống Đồng. Trong mắt Cúc, Đồng đọc rõ những nét thảm hại của khuôn mặt mình, cảm thấy ngứa ngáy khó chịu vì hàm râu tua tủa. “Sợ không? Hôm nay thứ mấy nhỉ?” Cúc lắc đầu, cắn lấy môi trên của mình như đang đắn đo về một ý nghĩ. “Cám ơn Cúc”. Cúc lại lắc đầu, cúi nhìn vạt áo phủ dưới chân. Đồng kéo chăn phủ lên ngang miệng, quay ngó ra cửa sổ, những đám lá xanh nặng xóa mờ đi những cảm xúc.
— Anh thấy lạnh không? Đóng cửa lại nhé.
Đồng nằm chờ Cúc rất lâu, theo bước chân nàng ra khỏi buồng, xuống dưới sân gạch, ra vườn, mất dấu một quãng, rồi trông thấy mái tóc nhô trên mép khung cửa trước khi hai cánh được khép lại từ bên ngoài. Dường như Cúc còn đứng ngoài vườn một lúc mới rời bước, sự trông ngóng loanh quanh trong bóng mờ làm mắt Đồng nặng díu. Đồng chợp ngủ quên và lại nghe tiếng guốc Cúc dón dén vào buồng. Cúc về đây, Đồng thở những hơi thật dài yên tĩnh dễ chịu. Tuần lễ sau, Đồng rời được khỏi giường, bước những bước bấp bênh ra được đến nhà ngoài nằm trên võng, nhìn mẹ và u già dẫn vài người khách mua hoa Tết đi qua sân ra vườn rồi lại tiễn chân ra cổng. Nhìn lên bàn thờ đỉnh đồng lư hương chùi sáng; mấy tấm vải đều thay mới Đồng biết Tết sắp đến trong một hai ngày nữa. Đứa con anh Đạo chắc đã được gửi xuống anh Thái, sợ bị truyền nhiễm. Một chốc mẹ Đồng lên bảo: “Hôm nay hai mươi tám Tết rồi. Chắc là vợ anh Đạo ăn Tết ở ngoài với chồng không vào đâu. Tôi nhờ cô Cúc xin cho cậu thôi việc rồi. Có lẽ hôm nay cô ấy cũng xuống chơi đấy”. Đồng đùa buồn bã: “Con dâu tương lai của cụ đấy. Cụ thấy thế nào? Cụ có thích không?” Bà nghiêm giọng nhỏ to: “Tôi thích thế nào được. Cần nhất là cậu phải làm thế nào cho khỏi hẳn bệnh mới mong người ta thương chứ”. Cúc xuống bà mừng tíu tít khoe với Cúc về những cành hoa vừa bán được; Cúc không biết Đồng nằm trên võng, đứng ngoài sân quay lưng vào. Đồng nghĩ Cúc đang chứa chan hy vọng, mối tình nào cũng điên như mối tình nào nên cũng buồn thảm như nhau. Cúc bỗng quay mặt lại thấy Đồng và hỏi to: “Anh khỏe thật rồi à?” Mẹ Đồng bảo: “Cô lên nhà chơi” và bà bỏ ra vườn. Cúc bước lên thềm, đi thẳng vào chỗ Đồng: “Trông anh đã đỡ nhiều”. Đồng không còn thấy hồi hộp, người nhẹ nhõm, nhưng vẫn nằm dài trên võng hơi đu đưa, nhìn Cúc không chớp mắt. Có lẽ Cúc chỉ là một người bạn tốt? Một người bạn tốt còn quý hơn người yêu lúc này, Đồng bảo: “Cúc ngồi chơi”. Cúc giữ được vẻ tự nhiên như ở nơi làm việc, cười vặn: “Anh đổi lối xưng hô lúc nào thế?” Đồng cười xòa lấp liếm, định nói: Trong giấc mơ, tôi còn gọi bằng em. Buổi sáng trôi qua êm ả không một vẻ gì đổi khác nếu Đồng không thỉnh thoảng trông thấy bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của mình và cảm giác láp nháp như cát mỗi lần sờ lên má. Cúc kể những chuyện lặt vặt ở cửa hiệu những ngày Đồng vắng mặt và nói có lẽ ra giêng nàng cũng xin nghỉ việc. Đồng hỏi Cúc định làm gì, lấy chồng chăng. Cúc bảo nàng có ý định học nghề hoặc thợ uốn tóc hoặc thợ may, hoặc y tá hay cô đỡ... chưa biết nhưng nàng muốn có nghề nghiệp. Cúc ra về vui vẻ, hẹn mùng hai xuống chúc Tết mẹ Đồng, Đồng tự hỏi phải chăng những lần Cúc bước vào buồng Đồng đã chỉ nhìn thấy những mơ tưởng của mình phóng lên những cử động của Cúc. Đời sống của mình cũng rẫy đầy những mơ tưởng như vậy. Đồng ngơ ngác nhưng không buồn, sự trống rỗng vẫn ôm đầy ngực hút hết mọi ảnh tượng và luôn cả mình ở trong ấy. Cái chết có nhiều đôi mắt khác nhau, của bè bạn, của người yêu, của người thân... Và Đồng hy vọng Cúc trở lại, ngồi ở ghế với khoảng cách đo lường và chuyện trò hay im lặng cũng được.
Ngày hôm sau, trời kín gió như một chiếc bầu đặc không một âm vang nào khác hơn tiếng chuyển động vù vù quanh quẩn. Đồng vẫn nằm trên võng, quấn chăn quanh mình, ngây ngất trong một giấc ngủ lúc nào cũng có thể tới và lúc nào cũng có thể mất. Đồng nghe tiếng ai gọi ở ngoài cổng, giật mình hốt hoảng rồi lại mơ màng chìm đắm, tiếng gọi bị gió cuốn bay không vượt xa được; Đồng nghe gọi tên mình: Đồng, Đồng ơi nhưng không động đậy. Ai? Mẹ Đồng dẫn Thạch vào lên đến trên thềm nhà Đồng mới biết. Thạch bảo: “Tôi về ăn Tết. Thế nào ốm đau ra sao?”
— Tôi tưởng chết.
Thạch bước khập khễnh, dáng đi trở nên hấp tấp hơn, đứng bên cạnh võng: “Thật không?” Đồng không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt bạn nhưng tự dưng cũng thấy nước mắt cồm cộm trong mi. Thạch xoay mình, ném mẩu thuốc ra sân: “Vẫn bệnh cũ?” tiến đến đặt cái sắc tay lên phản, rồi trở lại: “Tết buồn nhỉ? Tôi đi chơi một mình à. Điệu này đến mùng hai lại phải đi sớm mất thôi”. Thạch chỉ ở nhà buổi sáng hôm ấy, sau bữa cơm Thạch xuống phố biến mặt. Tối có lẽ Thạch ở lại với một người đàn bà nào, có lẽ trong cái nhà chứa đã có lần Thạch dẫn Đồng đến, Đồng không hiểu Thạch nói những chuyện gì với những người đàn bà không quen. Chiều ba mươi Tết, Thạch mới lò dò trở về trong khi Đồng còn ngủ. Thấy Đồng từ trong buồng men tường ra, Thạch rời võng đứng lên: “Cậu gầy thật. Trông như ông già sáu mươi”. Đồng nằm xuống võng, ngắm Thạch đi qua đi lại trong gian nhà đã sạch bóng, chiếc chân phải hơi lết trên gạch, mặt càng ngày càng khắc sâu những nét đen đủi lầm lì. Thạch hỏi: “Vợ chồng anh Thái không về ăn Tết?” Đồng bảo chắc sáng mai, anh Thái sợ ngừa cho sức khỏe của mấy đứa bé. “Nhiều lúc tôi nghĩ xin vào nằm quách trong nhà thương là yên chuyện. Đỡ phiền người khác. Chỉ sợ lại không chết”. Thạch không nói gì cả. Buổi tối, Thạch và Đồng ngồi ở nhà trên, mẹ và u già loay hoay dọn dẹp nhà dưới và sửa soạn mâm lễ giao thừa. Đồng tỉnh táo và căng thẳng lạ thường, tưởng chừng không thể kéo dài được lâu chỉ chốc lát có thể tắt thở bất ngờ. Thạch bỗng nói: “Sáng đi chơi buồn quá tôi ghé thăm Nghiêm. Gặp lúc hắn đang in báo bí mật. Chẳng kịp nói chuyện gì cả”. Rồi Thạch nhắc đến hôm về suýt bị mìn trên đường số Năm. “Chiến tranh sắp kết liễu mình không biết sẽ đi về đâu nữa. Có khi chính tôi chết trước cậu là khác. Lính bắt đầu đào ngũ nhiều, rồi đến lượt sĩ quan. Chẳng biết đám như Nghiêm còn hy vọng gì không?” Gân máu bên thái dương Đồng nhảy giựt hai ba cái một. Mùi hương trầm trên bàn thờ làm nôn nao khó chịu. Trong không khí vắng lặng rì rào trên xa, mắt Đồng sụp xuống, quên hẳn Thạch, một phía khác vọng lại nỗi bát ngát của mặt hồ lạnh. Thạch ngồi trên ngưỡng cửa, quay mặt ra hàng hiên trông xuống sân hút thuốc lá, Đồng chỉ nhìn thấy tấm lưng phẳng và những đốm tàn thuốc gió thổi bay lả tả rồi ngủ quên trên võng. Lúc Đồng thức dậy, tấm chăn đã được phủ ngang ngực, chân đi bí-tất vẫn buốt giá, ngoài sân bàn lễ giao thừa đèn nến lung lay. Cảm giác hãi hùng không ngờ như khi bị người lạ mặt trong khu nhà điên nắm cánh tay, ghé sát vào mặt. Tấm phản của mẹ Đồng vẫn nằm đã nhường cho Thạch ngủ, bà sẽ ngủ với u già dưới nhà ngang trên một tấm phản khác. Nếu mình chết, Thạch sẽ hết chỗ tá túc khi về Hà-nội. Lúc ấy Hà-nội còn không? Thành phố sẽ thay đổi như thế nào? Đồng rùng mình tưởng đến lúc cái ý thức vẫn hằng ngày ôm ấp thân quen vụt tắt vào trong một cuộc hôn mê vĩnh viễn không khi nào còn ngoi lên được nữa. Cái ý thức không biết khởi sáng ở đâu, bao giờ và không thể biết tàn lụi lúc nào, chỗ nào; chỉ biết mỗi phút giây vẫn vùng vẫy muốn thoát ngoài những trói buộc một cách mãnh liệt. Đồng chập choạng lần vào giường một mình không tin mình có thể đi đến nơi, nghe tiếng Thạch hỏi theo ở trong màn. Đồng đi ngủ đấy à? Liệu có ngã được không? Đồng muốn đáp nhưng sợ hụt hơi và vội tựa tay vào tường bên cửa buồng.
Những ngày Tết qua mau trong sự tẻ nhạt lạc lõng. Sáng mồng một bà mẹ Hải đi lễ chùa, Liêm vẫn không mở nổi mắt, cơn say đè nặng lấy đầu óc. Mãi đến hơn mười giờ, Liêm mới rửa được mặt mũi, la cà ngoài sân xem những đám bạc của bọn trẻ con trong xóm. Người lớn đánh bạc trong nhà, những canh bạc thâu đêm suốt sáng với những người rời chiếu bạc vội vàng đạp xe sang tận Gia-lâm làm giờ phụ. Bà mẹ Hải vào một ngôi chùa quá Hà-đông mãi tận chiều mới về, bà bóc sẵn bánh chưng và nồi thịt kho để trong trạn cho Liêm. Ăn xong Liêm đóng cửa và lại ngủ. Tối đến bà mẹ Hải bảo: “Thế là hết Tết” và hỏi: “Cậu không đi đâu à?” Bà ngồi chuyện trò một lúc và đi ngủ sớm, nhắc Liêm sao không tìm cách hỏi thăm tin tức của mẹ và em, bà biết vẫn có nhiều người ra vào buôn bán giữa hai vùng, thuê tiễn người ta có thể bắt liên lạc tìm hộ người nhà, Liêm cười: “Thật cháu có biết hiện giờ gia đình cháu ở đâu mà nhờ”. Bà trách: “Các cậu con trai thật tệ”. Sáng mùng hai, Liêm đến ông San, nhà ông khóa cửa đi vắng. Liêm đành trở vào phố, không mục đích, mấy lần định xuống vợ chồng Hỗ. Hà-nội ngày Tết nửa quen nửa lạ, quang cảnh phố phường vẫn như những ấn tượng đã mờ xa trong trí nhớ xuất hiện rõ rệt hơn. Trời rét ngọt thấm thía, hè phố rác rưởi không quét dọn. Những phố hẹp quanh co nhà thấp cũ kỹ toát ra màu sắc và hương vị cổ kính lâu đời. Gần trưa Liêm trở lại ông San và ở lại uống rượu với ông. Con gái ông San không còn vẻ gì là người buôn bán ngoài chợ, cô trang điểm như một thiếu nữ Hà-nội trung lưu, Liêm nghĩ: ông San nói thì nói, Hải làm thế nào lấy được cô. Sau bữa ăn cô rủ em đi xem chiếu bóng và Liêm thấy thoải mái hơn khi được ngồi riêng với ông San trong nhà. Ông San có lẽ hơi ngượng về con gái, ông nói: “Ấy, con gái là thế cả. Nó không bằng lấy một phần mười của mẹ nó. Nhưng cũng tại ở Hà-nội. Ở Hà-nội không thế không được cơ”. Liêm làm như không để ý, lảng sang lối khác. Ông San bảo Ngọc ngỏ ý muốn Liêm cùng về làm với anh em lại cho vui. Liêm thối thác nại tính mình ưa thay đổi cũng không thích làm mãi một nghề. Ông San hỏi Liêm còn nghề gì khác, vui câu chuyện Liêm thuật lại quãng đời lưu lạc từ năm mới lớn. Ông San sửng sốt hỏi tên đứa bạn ngày ấy đã cùng bỏ trường kỹ nghệ Đáp-cầu đi với Liêm sang Hà-nội, Liêm không thể nhớ được. Ông San cười ha hả thích chí: “Thằng con lớn của tôi đấy. Bây giờ nó làm ở sở Lục-lộ trong Hà-đông ấy. Bốn con rồi. Thằng Sinh đấy mà, phải không? Ngày ấy tôi cứ rủa mãi đứa bạn nào rủ rê nó, không ngờ lại là anh. Ít ngày sau cu cậu thất thểu về nhà và từ đấy ngoan ngoãn hẳn”. Liêm cười: “Chính Sinh rủ cháu mà. Cháu còn kém Sinh một tuổi”. Ông San hẹn hôm nào sẽ vào thăm Sinh để hai người bạn cũ gặp gỡ, hôm qua Sinh cũng đưa vợ con về chúc Tết bố. Từ nhà ông San về Liêm tự hỏi nếu ngày ấy Liêm cũng theo Sinh trở lại, không biết bây giờ mình ở đâu và trở thành người như thế nào. Bây giờ thì mình là anh chàng thất nghiệp vất vưởng chưa biết rõ ngày mai, không nơi trông cậy. Bà mẹ Hải vừa là kẻ cưu mang mình lại vừa là một gánh nặng tinh thần bất ngờ. Suốt ngày mùng ba Liêm nằm buồn ở nhà không bước ra khỏi cửa, bà mẹ Hải lo lắng tưởng Liêm ốm. Mỗi ngày Liêm càng bị dồn vào thế khó xử với bà. Việc kiếm không ra, đạp xe dong cả ngày ngoài phố, tối mới về ăn một bữa cơm với bà và bà vẫn săn sóc tận tình như ngày còn đi làm chung với Hải. Cuối tháng giêng Liêm định đành trở lại với Ngọc, không thể kéo dài mãi tình trạng bông lông, Liêm sẽ đến thẳng Ngọc nói chuyện hơn là nhờ qua ông San. Sẽ nói với Ngọc: tôi cần việc làm, mình bỏ qua chuyện cũ, nguyên do chỉ vì Hải không hỏi ý kiến tôi trước, tôi đã bỏ Sài-gòn về đây cũng chỉ vì tôi không còn thích cách mạng nữa, cách mạng gì tôi cũng không thích, anh nên hiểu cho tôi như thế, tôi không có ý gì khác. Nhưng buổi tối hôm ấy bà mẹ Hải về nhà mang theo thư của Hải, báo cho Liêm tin mừng là trên nhà người họ nhờ bà chỉ giúp cho một người thợ in để giới thiệu với người quen. Bà đưa địa chỉ cho Liêm, bảo sáng mai nên đến ngay cho kịp. Sáng hôm sau bà đánh thức Liêm sớm, trước khi bà gánh hàng ra chợ. Liêm đến trước một ngôi nhà hai tầng gần ngõ Hội-vũ, nằm trong phố Quán-sứ dốc chạy bên nhà thương Phủ Doãn, không bảng hiệu, nhìn qua cửa rào sắt ở trong tối om chẳng có vẻ gì là một nhà in; cách đấy mấy nhà là một tòa báo nhỏ, Liêm nghĩ bà mẹ Hải có thể nghe lầm số nhà. Liêm vào ngồi uống nước trong hiệu đã đến một lần khi đi thăm vợ Hỗ, nhìn sang hè đường cạnh chân tường nhà thương vẫn còn đống rác lớn. Mười lăm phút sau Liêm bấm chuông gian nhà kín đáo, một người đàn ông mặc quần tây dài, áo sơ-mi ngắn tay, tóc cắt cua bờm xờm xuất hiện. Ông ta nhìn Liêm bằng cặp mắt dò xét hoài nghi, lặng lẽ nghe Liêm trình bày lý do, đưa vào nhà mời vào bàn nước nói chuyện. Ông hỏi han cặn kẽ đủ điều như lấy khẩu cung: Trước làm ở đâu? Có gia đình chưa? Quen thuộc thế nào với người giới thiệu? Những năm tản cư ở đâu? Có theo kháng chiến ngày nào không? Sức học đến trình độ nào? Có xếp được chữ Pháp không?... Liêm nhức đầu khó chịu trong gian buồng bức bối ở thấp như một căn hầm nằm dưới một tầng gác không cao lắm ở trên. Sau này Liêm mới rõ ông Phạm với ai cũng có những câu hỏi tò mò lẩn thẩn không chán như công việc hằng ngày ông làm. Ông ở nhà soạn sách và tự điển tự in lấy, nhà sau là buồng xếp chữ và một chiếc máy in nhỏ, chỉ có Liêm làm thợ xếp và một người trông máy in khi nào cần mới gọi đến. Mỗi buổi sáng ông xuống nhà dưới bật đèn ngồi làm việc đều đặn như ở công sở đến trưa, ông viết đủ cho Liêm xếp trong một ngày nếu không có công việc làm phụ từ ngoài cửa hiệu sách ngoài hàng Bông đưa về; buổi trưa ông ra ngoài cửa hàng trông nom công việc phụ với bà vợ và Liêm làm việc một mình nhà dưới không bị ai quấy rầy, hết việc có thể ra về sớm. Chủ nhật Liêm được nghỉ. Những ngày làm việc thảnh thơi nhàn hạ không lo lắng thắc mắc về người xung quanh, những buổi về sớm Liêm xuống hàng Da vào xem chiếu bóng và nghĩ cuộc đời mình cũng tạm yên.
Mùa hè đến gần, nơi làm việc hằng ngày của ông Phạm và Liêm bắt đầu sắp thấy ngột ngạt. Dưới ánh đèn da ông Phạm xanh mướt thiếu máu, ông hoạt động uể oải chậm chạp, bỏ nhiều thì giờ trò chuyện với Liêm. Không khí thành phố căng thẳng, xôn xao vì những tin tức loan truyền. Một buổi chiều Liêm ra về sớm, đi vào phố hàng Da, gặp những gia đình dân quê gồng gánh lếch thếch đi rong trên vỉa hè, mặt mũi sạm đen ngẩn ngơ. Một đứa trẻ con ngồi trong thúng giữa đống quần áo rách rưới lẫn gạo gào khóc, người mẹ gánh bồng đầu nặng đầu nhẹ không buồn nhìn đến, người cha cầm cây gậy tre đi trước lủi thủi. Nhiều gia đình trải chiếu ngồi nghỉ ngay trên hè phố, choáng lối người qua lại, dân hàng phố nhìn ngó hoang mang. Liêm không hiểu chuyện gì đã xảy tới. Buổi tối về nhà, trong xóm đồn ẩm tin quân Pháp đã bỏ Nam-định-Thái bình đột ngột, không báo trước. Việt-Minh sắp về đến Hà-nội. Bà mẹ Hải cũng thuật lại những chuyện của đám dân chạy loạn mới đổ về Hà nội không ngờ trước, các anh của Hải sắp về đến Hà-nội và Hải thì gần đến ngày ra trường. Sáng hôm sau, Liêm vừa bước chân vào nhà ông Phạm đã nhận thấy cảnh tượng khác lạ, chỗ làm việc của ông Phạm đồ đạc ngổn ngang, tụ tập đông người, hai ba gia đình dưới quê vợ của ông Phạm mới tìm đến lúc chiều tối qua. Suốt buổi sáng ấy, ông Phạm và Liêm không còn bụng dạ làm việc. Ông Phạm ngồi hỏi tẩn mẩn cả buổi về những việc mới xảy ra. Quân đội Pháp rút lui giấu kín ý định với dân chúng nhưng người ta vẫn biết. Xe vận tải nhà binh không đủ chở, người ta nhảy bám theo kêu khóc ngã lăn lóc xuống đường, tàu thủy đã rời bến vẫn còn người lội đuổi bị nước cuốn chết đuối. Tại sao vậy? ông Phạm hỏi. Người ta sợ. Sợ cái gì? Sợ V.M. về. Trong cái thành phố bị bỏ rơi hỗn loạn, tiếng kêu khóc la ó vang rân, Liêm không hiểu kịp những biến chuyển. Sự sợ hãi, kinh hoàng như một chứng bệnh truyền nhiễm mau lẹ, Hà-nội cũng bắt đầu sống trong thảng thốt khắc khoải. Đám dân quê túa về đã được dồn vào trong các trường học bắt đầu nghỉ hè sớm. Những ngày nối tiếp chập chờn mê hoảng như một giấc mơ dữ, Liêm cũng bị dìm đắm vào trong cái tâm trạng mong mỏi bất an của thành phố. Những gia đình tạm trú trong nhà ông Phạm rời đi, trả lại cái không khí êm tĩnh nặng nề của mùa hè cho nơi làm việc. Ông Phạm không còn xuống nhà được đều đặn nữa và Liêm thì quanh quẩn không công việc trong nhiều giờ. Đợi chiều ra bờ Hồ đứng ngóng nghe tin tức ở phòng Thông-tin cùng đám đông tụ tập, tối về xóm lân la sang nhà có máy thu thanh ngồi quây quần bàn tán. Ông Phạm quyết định ngưng làm việc, trả thêm cho Liêm một tháng lương, hẹn thỉnh thoảng ghé ông xem tình hình thế nào nếu làm việc Liêm sẽ trở lại. Trên đường về nhà, Liêm đi qua các phố vắng, các biệt thự Tây ở, trông thấy đồ đạc bầy trên vỉa hè trước một vài ngôi nhà vài mươi người lân la dạm mua bán. Liêm nghĩ: Không hiểu mình sẽ đi đâu? Trở lại Sài-gòn chăng? Bằng cách nào? Muốn thoát khỏi cơn mê sảng kỳ quái của thành phố này, cơn mê sảng của những kẻ khác. Tôi chỉ thèm một chốn yên ổn mà không được. Bà mẹ Hải đón Liêm reo mừng: “Tuần sau Hải về rồi”, bà đưa cho Liêm xem điện tín của Hải. Liêm thở dài nhẹ nhõm, thoát nạn, nghĩ mình được giải phóng. Tôi sẽ làm gì? Không biết. Tôi tự do, không còn vướng bận. Và tôi... tôi sẽ bỏ thành phố này, bỏ không thương tiếc, Liêm trông đợi ngày về của Hải, đó là vào tháng sáu trời trong sáng không mây, những cơn gió hốt nóng phả đầy vào mặt.
No comments:
Post a Comment