Không về được Thụy-khê, Thạch đến nhà Cảnh, một buồng xép trên gác một ngôi nhà hai tầng nằm trong ngõ hẻm, đầu phố Hai bà Trưng gần Cửa Nam; gồm toàn biệt thự yên tĩnh; ngôi nhà được người chủ trương cắt cho nhiều gia đình khác thuê lại, đông người chật chội khắp các lối đi só sỉnh như một cảnh chợ, buồng của Cảnh trước kia là phòng tắm: vuông vắn mỗi bề ba thước, trong góc vẫn còn nguyên bồn đựng nước hoen rỉ của cầu tiêu máy trên đầu tường, nửa đêm nước lên được đến trên gác chảy róc rách trong bồn trong các ống dẫn nước chạy bọc dưới chân tường, cầu tiêu đã được tấm phản kê khuất lên trên. Thạch bước dón dén lên những bực thang gỗ ọp ẹp tối om, sợ làm kinh động cái gia đình thuê phần đất dưới gầm cầu thang, dưới sân tiếng máy nước chảy vào bể và người ta đang thức canh chuyển sang chum phần mình, chuyện trò bâng quơ, đâu đây tiếng bài mạt chược xoa ròn tan trong một căn buồng mở cửa sáng và ở phố xa tiếng kèn của một nhà khiêu vũ vọng tới hiu hắt.
Cảnh đang ngồi làm việc trước bàn viết, cởi trần tóc rũ xuống trán, tấm bảng gỗ nhỏ đóng trên tường chi chít những phương trình toán học; hắn đang sửa soạn chứng chỉ Cơ học thuần lý. Thuần lý, khôi hài, le réel est irrationnel; nằm trên phản Thạch nhìn qua cửa sổ lên cái sân thượng xa tít của một tòa nhà cao thuộc phố bên, đêm Hà-nội dịu dàng khép kín trong một giấc mộng triền miên không hình ảnh. Chốc chốc Cảnh buông bút, đạp chân vào tường cho ghế ngả đụng vào phản, ngửa cổ lim dim. Sáng hôm sau Thạch dậy muộn, người mệt mỏi đầu nặng, trong giây khắc chập chờn sắp tỉnh Thạch quên không nhớ là đang nằm ở đâu; Cánh cửa sổ trước mắt nhìn ra ngoài trời đóng chặt, Thạch nghe xung quanh ở bên ngoài sự êm tĩnh của buổi mai đang lên cao; một ngày ở Hà-nội đã qua. Cảnh dạy từ lâu, hắn ngồi thu hình đọc sách trên mép cửa sổ cuối chân giường mở ra trước một bức tường hông của tòa biệt thự bên cạnh. Thạch rủ Cảnh đi ăn phở; Sau bữa điểm tâm, Thạch tính từ biệt Cảnh chưa biết đi đâu cho hết buổi sáng nhưng cũng không muốn chạm mặt nhau mãi kéo dài cái không khí tẻ nhạt giữa hai người; Không còn chuyện để nói nữa, Cảnh hỏi: “Cậu bận việc gì sáng nay không? Nếu không chúng mình đi thăm một người quen”. Thạch hỏi lại: “Ai mới được?” Cảnh đáp mơ hồ: “Một nhân vật kỳ lạ của thời đại”. Thạch nhận lời.
Đó là một người đàn ông đứng tuổi, phải bảo là một nhân vật dị kỳ mới đúng, không rõ người nước nào. Theo lời Cảnh y là người lai, bố Đức mẹ Trung-hoa, y có nhiều nét Á-đông hơn Tây- phương, khổ người thấp bé, nước da ngăm đen, trán dô và ngắn, mắt một mí hum húp. Cách ăn mặc lạ lùng, y vận âu phục, cái cra-vát đỏ loang bẩn được treo lên cổ bằng một sợi dây lạt, quần buộc túm bằng giải dút, giầy không bí-tất. Y nói chuyện bằng tiếng Pháp lơ lớ giọng Tàu và giọng Anh, tự giới thiệu là y nói được bảy thứ tiếng: Đức, Tàu, Anh, Nhật, Pháp, Tây-ban-nha, Nga, đã từng lê gót gần khắp thế giới; thời nội chiến Trung-hoa những năm sau Cách-mạng Tân-hợi y đã gặp Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông hoạt động bên cạnh Borodine, là bạn của Malraux, Quách Mạt Nhược. Bây giờ y là người vô tổ quốc, đến Việt-nam mới được hai năm có ý định lưu lại Hà-nội ít lâu, đang ra công viết một bộ sách dày vài nghìn trang chứng minh sự lầm lẫn của chủ nghĩa Marx, khởi xướng một lý thuyết mới mưu cầu hạnh phúc hòa bình cho thế giới. Y lôi ở dưới gầm tủ ra một cái hòm sữa đựng đầy giấy má, cầm lấy một tập mở ra đọc vài trang, Thạch chẳng hiểu gì hết, y viết bằng tiếng Anh. Y sống một mình trong gian nhà rộng dài thuê đắt, ở giữa nhà một cái bàn học trò với ghế dài, một cái chõng tre làm chỗ ngủ, và một cái tủ mộc; trên tường vôi bẩn thỉu treo một tấm bảng đen lớn, trong các góc nhà mạng nhện giăng đầy; sân trong, nhà bếp sơ sác như một ngôi nhà hoang. Lúc bọn Thạch đến có hai người, một nam một nữ, ăn mặc tể chỉnh vẻ thượng lưu đang học tiếng Anh với y; họ ngồi ở bàn học trò, y đứng trước bảng cầm thước chỉ dẫn, bắt họ đọc thành tiếng và gắt gỏng la mắng như đối xử với bọn con nít. Hai người này ngượng vì sự hiện diện của Thạch và Cảnh, ấp úng xin kiếu về trước giờ viện lẽ y có khách phải tiếp. Họ nộp ngay tiền sau giờ học, mỗi người hai trăm bạc bước ra khỏi nhà như được giải thoát; hai người đã về, y vẫn còn lớn tiếng chê bai bọn họ là một lũ đần độn, như thế mà cũng vác mặt làm kẻ thượng lưu trong xã hội, y bảo người đàn ông là quản lý tờ nhật báo bán chạy nhất Hà- nội hiện thời, người đàn bà là vợ một viên chức cao cấp trong chính phủ. Y vào trong góc nhà lấy ba chai nước giải khát, với ba cái cốc cáu bẩn, bắt Cảnh dùng răng mở nút chai, sai Thạch cầm một cái đĩa nhôm đi mua nước đá ở một tiệm kem đầu phố; Cảnh đưa mắt ngầm ý bảo Thạch làm theo lời. Khúc phố ngắn vắng vẻ trong khu gần hồ Thiền-cuông phía sau nhà Đấu xảo, Thạch đi lững thững giữa đường ném cái đĩa nhôm lên không rồi bắt lấy, không hiểu mình đang ở nơi này để làm gì; buổi sáng lặng lờ bằng phẳng như những nhà đóng kín cửa buông mành sáo bên hè, tiếng máy nước đá sọc sạch đều đều trong một cửa hàng không hoạt động. Khi y rót nước vào cốc, Cảnh bảo Thạch: “Cậu giả tiền lại nó”; y chỉ nhận của Thạch phần tiền nước của bọn Thạch mà thôi. Suốt nửa giờ, y nói thao thao về đủ mọi vấn đề triết lý, chính trị với vẻ nghiêm trọng của đạo sĩ đang thuyết pháp trước tín đồ, cười hô hố nhe hàm răng cải mả bắn cả nước bọt ra ngoài, bàn luận công kích mọi tư tưởng từ cổ chí kim, từ Jésus Thích-ca đến Lénine, Trotsky không chừa một ai. Merde, ra khỏi nhà y Thạch cáu bẳn chán ngán, chân tay muốn phá phách, để khỏi nghĩ ngợi; Cảnh im không nói gì. Đến hồ Thiền-cuông, Thạch hỏi: “Nó có điên không? Cậu gặp nó trong trường hợp nào?” Cảnh đáp: “Tôi gặp nó trong một buổi hội họp của bọn trí thức ở đây, tại nhà bác sĩ Hán. Cậu biết tên này không? Thằng An học Ăng-lê cùng với hắn ở Sứ quán Anh nên được mời đến dự, nhân đón tiếp một mụ giáo sư Mỹ vừa sang cổ động cho Phong- trào liên bang hòa bình thế giới. Nó rủ tôi đến chơi xem. Cậu biết chúng nó bàn luận những gì với nhau không? Chính phủ liên-bang hòa-bình thế giới, tu chỉnh hiến chương Liên-hiệp-quốc...” Thạch hằn học: “Tôi mà có súng thì tôi lia cho chúng chết khuất mắt. Một bọn khùng đáng ghét”. Cảnh mỉa mai riễu cợt: “Biết đâu nó chẳng là thiên tài, một bộ óc lớn của nhân loại” và cười gằn cộc lốc. Thạch bị chọc giận, nói như say: “Cậu phải nhớ đã có lần thằng An hỏi tôi nghĩ thế nào về thiên tài. Tôi bảo tôi đéo tin thiên tài. Thiên tài chỉ là bịp, bịp mình, bịp người, đại bịp. Một thứ kiêu hãnh tột độ không muốn chung đụng với ai. Bởi kiêu hãnh nó phải cố tạo ra những công trình hư tưởng để tự chứng thực, chứng thực cho cái lối sống cô độc phản xã hội của nó. Công trình nó tạo ra là bức thành ngăn cách nó với đồng loại, nó nói là làm mọi người gần nhau nhưng thực ra là nó chia rẽ mọi người... Vì muốn gần nhau người ta phải vươn lên kịp nó, phải chịu nhốt chung với nó. Chẳng bao giờ nó xuống với người ta cả. Mà giả thử người ta có muốn tới với nó thì nó lại có muôn ngàn lối để thoát lên trên người ta khiến người ta quay cuồng tuyệt vọng chẳng hiểu đâu vào đâu cả. Không bao giờ, không thể nào người ta có thể bằng nó, vì như thế còn đâu thiên tài. Il faut tuer tous: génies, prophètes, poètes, philosophes etc... Nếu chẳng may tôi là thiên tài chắc chắn tôi tự tử ngay”. Cảnh trầm ngâm vài giây: “Cậu có nghĩ cậu cũng là loại kiêu ngạo nguy hiểm?” Câu hỏi như một cái bẫy xập, Thạch lúng túng vùng vẫy chưa thoát; Cảnh tấn công: “Tôi sợ sự lựa chọn của cậu chỉ là phản ứng của kiêu hãnh. Có nhiều khi người ta lầm tưởng mình là thiên tài chứ? Tôi biết cậu vẫn nhìn tôi như kẻ hèn nhát, trốn tránh để học cho mình. Tôi nói thực tôi cũng không có bụng dạ nào học, pis-aller, chỉ chừng nào tôi thật là tuyệt vọng có lẽ tôi sẽ theo đuổi con đường khoa học. Cậu đừng nghĩ những điều tôi tin tưởng chỉ là cái cớ giả dối che đậy. Tôi chưa dứt khoát vì nhiều lẽ...” Thạch nổi nóng nhưng không biết phải làm sao, bên kia hồ là con đường đất gồ ghề và bãi cỏ hoang dơ bẩn, cái hồ hẹp trơ trẽn giữa một khu phố sạch. Cảnh bỗng dịu giọng: “Cậu không bao giờ nên nghĩ rằng vì hèn nhát giả dối hay mù quáng mà tôi tin. Sở dĩ tôi chấp nhận là vì tôi cho rằng mình không thể tự thay đổi được đời mình. Trong cái xã hội này mình cũng bị aliéné. Tôi sợ cứ bám mãi lấy cá nhân, tự do, trí thức rồi mình cũng đến dở điên dở khùng. Tôi có một người rất thân trong gia đình, hồi còn đi học hoạt động hăng hái ghê lắm, vào cái thời Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh về nước, bị bắt ra tòa vào tù đến chừng trở về lấy vợ đẻ con, bây giờ gàn không tưởng... C'étaient nos pères, les petits bourgeois”. Thạch gượng gạo hỏi: “Cậu không tin rằng mình đã biết thế thì mình có thể tránh được?” Cảnh đáp: “Tôi đã bảo cậu vẫn còn kiêu hãnh, riêng mình mình không thay đổi được gì hết. Mình phải quên mình đi mới được. Cậu đang hành động như kẻ tự sát. Cậu không tự do đâu?” Thạch buông suôi: “Thì cứ cho là như vậy”, buồn hết sức, châm thuốc lá hút liên miên, tôi cũng là kẻ kiêu hãnh cô độc. Những ý niệm mập mờ bám chặt như loài đỉa voi dứt không đứt, trơn tuột, bầy nhầy gớm ghiếc; Thạch chấm dứt câu chuyện bằng cách nói lửng lơ như với riêng mình: “Có thể tôi lầm nhưng trước khi đó tôi muốn thí nghiệm. Tôi không muốn chấp nhận khi tôi còn nghĩ tôi có thể làm khác. Giả thử thất bại cũng chẳng phải là vô ích, vô nghĩa lý. Thí nghiệm thất bại cũng có ích cho người khác”, và kéo Cảnh vào một hiệu kem ở đầu phố Gia-Long. Trong dãy tủ kính cửa hàng Godard cũ, các hàng len mới đã trưng bày, dưới mái hiên che rợp hè đường bọn con gái dán mũi vào tủ kính. Hiệu kem hẹp như một kẽ ngách giữa hai tòa nhà lớn, trang trí tân thời nhiều màu sắc nhưng thiếu ánh sáng. Cảnh rủ Thạch về quân sinh viên ăn cơm rẻ tiền. Trên phòng gác rộng, bàn ghế còn mới, các góc bấy những chiếc quạt đứng xanh quá sang trọng trong một khung cảnh không trần thiết. Cảnh nói: “Cái xã hội này nó đang nuôi mình như nuôi bọn quái thai loại dị nhân buổi sáng ấy. Nó dạy bọn trường giả, khinh bọn ấy ra mặt nhưng bọn ấy vẫn cần nó vì nó là bằng chứng của tự do mà...” Thạch không muốn nói không muốn nghĩ nữa. Chia tay với Cảnh, Thạch lang thang ngoài phố, nhiều lúc mỏi mệt buồn ngủ ngáp chảy nước mắt. Khoảng ba giờ ghé qua ga hỏi giờ tàu, người ta cho biết tàu trễ vì mìn nổ ở gần cầu Phú-lương. Lại tiếp tục cuộc du ngoạn trống trải qua thành phố; tình cờ trong một hiệu sách nhỏ lụp xụp gần chợ Đuổi, Thạch được đọc một truyện ngắn của An để tặng Thạch đăng trong một tờ tuần báo ít độc giả. Truyện kể một anh chàng điên vì tình bỗng tự dưng khỏi bệnh, anh ta khổ sở vì phải tỉnh lại, anh ta muốn điên nữa điên mãi nhưng vô hiệu, cuối cùng nhân vật tự tử vì chán ngấy sự sáng suốt. Thạch bỏ ba đồng mua tờ báo. Bảy giờ hơn Thạch theo phố hàng Cỏ về ga, từ xa dưới vòm cây um Thạch trông thấy Liên đứng đợi. Dáng mảnh mai trong chiếc áo đen dựa bên cái cột lớn trước tòa nhà ga chính nhô ra ngoài, trong một vùng hiu quạnh trống trải của buổi chiều lẩn khuất. Thạch hỏi: “Tàu về lâu chưa Liên?” Liên đáp: “Chưa, hôm nay tôi nghỉ chợ dọn nhà, đợi Thạch đến cả tiếng đồng hồ, tôi sợ Thạch không đến”. Thạch hỏi: “Sao lại không đến?” Liên chỉ nhìn Thạch không trả lời. Ngày cuối mùa hè, buổi chiều kéo dài, ánh sáng nhuộm da trời một màu vàng đu đủ. Liên bảo: “Thạch về xem nhà mới của Liên”. Liên thuê một căn nhà nhỏ giá năm trăm một tháng trong một ngõ hẻm Sinh-từ, cái phố của tuổi nhỏ đã mất. Qua hai căn nhà cũ, một hiệu bán thịt bò bên một hiệu sách, Liên nhắc: Nhà của chúng mình, Thạch nhìn vào trong tưởng tượng đến cái ngõ sau ăn thông, Thạch vẫn qua nhà Liên bằng ngõ ấy để Liên dúi cho Thạch mấy viên kẹo bột kẹo vừng mua ngoài chợ hoặc Thạch cho Liên những cục kẹo gôm mang ở trường về. Nhà mới dọn đồ đạc sơ sài nhưng đã ngăn nắp sạch sẽ, Thạch cảm thấy nó trống trải đáng sợ. Đứng bên cửa sổ Thạch nhìn những ánh đèn dầu trong những gian nhà lá ở bên con đường đất phía bên bờ ao sau nhà. Những bóng người đi trên đường xẫm dần, những hồi chuông rời rạc của xe đạp xe xích lô trở về xóm, tiếng hò reo của đám trẻ con vang vọng. Bỗng dưng Thạch hỏi Liên: "Uẩn lên mấy nhỉ?" Liên đáp: "Nếu còn thì lên ba". Liên ngồi ở đầu giường, mặt củi nghiêng tóc như sắp sổ tung, Thạch biết Liên sắp khóc như ngày nhỏ và Thạch vẫn chưa biết cách nào an ủi bạn. Thạch lại hỏi: "Liên dọn đi, Tích hắn có biết không?" Liên lắc đầu. “Bây giờ Liên tính thế nào, Liên còn đi chợ Tích hắn còn có thể đón gặp Liên, lúc ấy Liên nói sao?" Liên đáp: "Đến đâu hay đến đấy". Thạch ra đứng ở cửa ngó mông ra đầu ngõ, nhà tận cuối ngõ gần ao và một bãi hoang, sự ồn ào tấp nập qua lại ngoài phố không vào đến nơi. Thạch nghe tiếng Liên: "Thạch về đấy hả?" Thạch không đáp ngay, nhìn trước mặt thấy sao lấp lánh, rồi ngập ngừng: “Tôi ở lại đây. Được không? Liên cần tôi không?" Thạch quay người lại, Liên ngồi im trên giường đầu cúi gầm không đáp. Thạch tiến lại gần đặt bàn tay lên tóc Liên vuốt ve, Liên rùng mình. Thạch gọi: Liên, nàng ngước lên. Liên đang khóc đỏ hoe mắt.
Những ngày sau Liên nghỉ chợ, ở nhà săn sóc Thạch, Thạch cũng chỉ quanh quẩn bên Liên không ra phố. Liên mang lại cho Thạch một không khí đầm ấm của gia đình Thạch thường chỉ được trông thấy ở xung quanh. Thạch được nghỉ ngơi hoàn toàn trong nơi ẩn trú của hai đứa, nhận định sự vật bên ngoài dịu dàng bình tĩnh hơn. Trong khi Liên bận bịu dưới bếp, Thạch giúp nàng những công việc vặt vãnh, thư thái không nghĩ ngợi, chìm đắm trong một thứ hạnh phúc quên lãng êm đềm. Thấy Thạch hân hoan, Liên mỉm cười nói bằng giọng xúc động: “Giá đừng loạn lạc thì chúng mình sung sướng bao nhiêu”. Thạch gạt đi: “Thế này chẳng sung sướng rồi sao? Đừng tiếc gì hết Liên ạ. Mỗi buổi tố Thạch đưa Liên đi cất hàng gửi nhờ Bích, một cô bạn, mang xuống Cẩm-giàng. Bích ở giữa phố hàng Bông, qua cái cửa ngõ tối ẩm bên cạnh một hiệu trồng răng, một khoảng sân nhỏ, tới một gian buồng dài luộm thuộm nơi cư ngụ của một gia đình đông người: ba cái phản kê san sát đã mắc màn ố vá chẳng đụp, trong một cánh màn ấy le lói ánh đèn dầu, không khí nực khói thuốc phiện với mùi đồ đạc ẩm mốc. Một bộ bàn ghế gỗ, bừa bộn sách vở cốc tách giỏ ấm bình điếu tàn đóm trên mặt bàn và quần áo cặp sách ở lưng ghế, gần chân tường hòm xiểng va-ly chồng chất lên nhau. Bích cao lớn, thoáng nhìn có vẻ thô kệch nhưng sự tương xứng của các phần tạo cho Bích một vẻ riêng dễ coi, một thứ duyên dáng thật thà, những nét đẹp bất ngờ khỏe mạnh, giọng nói rõ và ấm, lối nhìn người lạ ngay thẳng giàu thiện cảm. Liên kể với Thạch: “Bích can đảm lắm, lại tinh thần cao, con cháu cụ đấy.” Bích là con cả trong một gia đình trưởng tộc, bố nghiện, Bích và mẹ chạy hàng xách tần tảo nuôi bảy miệng ăn, bốn đứa em Bích còn đi học, thêm tiền thuốc cho ông bố và những ngày giỗ của gia tộc; nhà Bích nghèo nhưng nệ cổ vẫn cố làm tròn bổn phận nặng nề của trưởng họ, tháng nào cũng giỗ, có tháng tới bốn năm ngày giỗ. Trở về Thạch dìu Liên qua những phố yên tĩnh, khuya nghe chớm lạnh mùa thu sớm, giữ Liên lại hôn Liên giữa những rặng cây, lấy những ngón tay lau những giọt nước mắt cho Liên và nói:”Liên vẫn hay khóc như thuở bé.” Liên đáp: “Liên khóc thương cho hai đứa mình, không biết sẽ ra sao. Mai kia Thạch đi rồi…” Thạch an ủi: “Đừng nghĩ dến cho mệt. Hiện tại mình sống với nhau là đủ rồi.” Khi yêu Liên, Thạch nương nhẹ, ôm ấp trìu mến Liên như nâng niu những tình cảm ấu thơ, điều Mai không hề dạy, điều Thạch không tưởng tượng có thể làm được. Đêm đầu tiên bàn tay ấm áp của Liên biểu hộ sự hàm ơn. Liên kể nỗi khổ sở của Liên ngày mới lấy Tích, hắn dày vò thể xác Liên như súc vật khiến cho Liên sợ hãi ghê tởm đàn ông: “Liên vẫn sợ Thạch. Liên yếu đuối quá mà Liên biết Thạch ghét sự yếu đuối.” Thạch ôm hết cả Liên vào người đáp: “Riêng với Liên anh sống một cuộc đời khác.”
Vào buổi chiều chủ nhật, Thạch đưa Liên đi chơi qua các phố vắng. Mùa thu đã trở về trên hàng cây xanh mướt bầu trời hiu hắt trở gió thổi tà áo của Liên quấn lấy chân Thạch. Dọc con đường đất ven sông nhìn nước cuộn chảy, Liên bảo Thạch: “Em nghĩ giá chúng mình chết với nhau lúc này thì giữ được hạnh phúc hoàn toàn.” Thạch mỉm cười dễ dãi: “Em lãng mạn quá. Anh thích sống với em hơn”, Liên bâng khuâng: “Em sợ… Em vẫn sợ tương lai”. Thạch cố gượng đùa trấn áp những khuấy động liên vừa gợi lên: “Em lo sợ anh chết sớm chứ gì? Sao em cứ mong điều gở cho anh thế? Mà anh chết lúc ấy em chết theo cũng vừa”. Liên mỉm cười hỏi: “Nhỡ mà em chết trước anh thì sao? Anh dám chết theo em không?” Thạch chậc miệng, học theo lối của Đồng: “Anh ham sống sợ chết lắm sợ khó mà theo được em”. Tuy biết là câu nói bỡn Liên vẫn không dấu được vẻ buồn. Thạch rủ Liên ghé vườn hoa Chí Linh nghe hòa nhạc công cộng, leo lên khoảnh đất cao dựng đài kỷ niệm chiến sĩ, gặp bọn Đồng, An và Cảnh. Cảnh đứng xa nhìn lại, chỉ có An và Đồng tới gặp Thạch. Đồng hỏi: “Đi biến đâu mà mấy hôm không gặp?" Thạch ậm ừ cho qua chuyện. Đêm hôm ấy Thạch mất ngủ, nằm nghe im lặng ở tứ bề, gió thổi ngoài bãi đất trống gần nhà. Khi những chiếc xe xích-lô lọc xọc trở về trên con đường đất bên kia bờ ao và ngoài phố ầm ì động cơ của xe tuần cảnh, Thạch trở dậy thắp đèn mang đặt trên ghế con đầu giường, tìm mấy tờ báo cũ gói hàng nằm đọc. Tin tức chiến tranh Cao-ly, cuộc tranh chấp dầu hỏa ở Ba-tư, các phong trào chính trị ở Trung Đông, phong trào Marilyn, truyện ngắn của Nga, thơ kháng chiến trong phụ trang văn nghệ, mốt tự tử bằng pháo xiết của dân Hà-nội, những bài quảng cáo của nhà trồng răng Minh Sinh. Chói mắt, Liên trốn mặt vào cổ Thạch, hỏi qua giấc ngủ yên tĩnh: “Anh còn thức?” Thạch vặn thấp ngọn đèn nằm im nhìn đình màn. Một lát Liên quàng tay ôm lấy đầu Thạch: “Anh không ngủ đi anh”, Thạch gỡ tay Liên đắp hết chăn cho nàng, sửa lại mái tóc sô lệch của Liên, xong nằm xích ra ngoài mép giường. “Anh không trả lời Liên?" Thạch hôn lên trán Liên: “Anh canh cho Liên ngủ”. Ánh đèn dầu phủ trên mặt Liên một lớp rạng rỡ của hạnh phúc bình thản làm Thạch quặn đau. Gần sáng Liên dậy, Thạch vờ nhắm mắt như ngủ. Liên đắp chăn cho Thạch, dón dén đi lại trong nhà sửa soạn hành lý ra ga. Liên đến ngồi cạnh giường đợi cho qua giờ thiết quân luật, Thạch mở mắt. Liên lùa tay vào trong ngực áo Thạch mơn trớn, tươi cười lắc đầu: “Anh ngủ đi. Bây giờ đến lượt em canh cho anh ngủ. Hôm nay em phải xuống thu tiền hàng, anh ở nhà cho ngoan nhé. Lát nữa em mua sôi để trong trạn, thức dậy anh nhớ ăn. Chiều anh đón em, em mua quà về cho”. Thạch không thể nào chợp mắt được, ngồi nhỏm dậy, mặc quần áo đưa Liên ra ga dù Liên ngăn cản. Năm giờ sáng, trời mờ tối, sương thấm ướt vỉa hè. Phố Sinh-từ và chợ Cửa Nam rào rào ấm ấp, những phố xung quanh tĩnh mịch. Thạch và Liên ăn điểm tâm trong ngõ Yên-thái trước ga, Thạch uống hai cốc cà phê sữa cho tỉnh. Trong sân ga buổi sớm đám hành khách dồn lên chưa hết một toa làm lộ vẻ quạnh hiu của những kè si-măng dài. Cả đoàn tàu nối một cách thừa thãi, ngoài hai toa hành khách hạng ba liền nhau còn toàn là những toa “gòn” bỏ không và những toa hàng hóa kín mít. Sự điều hành công việc cũng lửng lơ như không, ngoài người bán vé ngồi trong cũi tối và người bấm vé giữ cửa. Một người phu đẩy cái xe sắt nặng nề trên chất mấy kiện hàng nhỏ. Một chiếc đầu máy loay hoay lên xuống từ đầu Sinh-tử đến cuối hàng Lọng. Lúc tàu sắp khởi hành mới nghe tiếng còi của người trưởng xa đứng gần đầu máy. Thạch đưa Liên lên chỗ ngồi, đừng tựa cửa sổ nhìn quang cảnh dưới sân, Liên chuyện trò với nhóm bạn hàng quen thuộc. Khi tàu chuyển bánh, Liên gọi Thạch: “Anh, tàu chạy rồi.” Thạch gật đầu nói: “Anh cũng đi chơi”. Liên bảo, vẻ không bằng lòng: “Nhưng anh chưa lấy vé mà”, Thạch đáp: “Có sao?” một người bạn hàng xen vào: “Thì lát nữa cô Liên điều đình với ông soát vé vậy. Ông ấy có cảm tình với cô mà”. Con tàu nặng nhọc chạy khoảng đường ngắn ngót năm mươi cây số mất ba tiếng đồng hồ, ngừng lại ở những ga xép có khi hàng mươi lăm phút nửa tiếng không biết để làm gì, chẳng có hành khách lên xuống, cũng chẳng có hàng hóa chuyên chở. Nhà ga trống như những điểm hoang tường vôi lem luốc, nhiều nơi lở lói những dấu đạn, thường nép cạnh những đồn bốt xây bưng bít vây kín bằng rào gai và nứa chỉ hở những lỗ châu mai, tôi ở trong bốn bức tường gạch bít bưng ấy và Liên ngồi trên chuyến tàu này, chuyến tàu phập phòng đang thở những hơi nước tắc nghẽn. Ga Cẩm-giàng đỡ tẻ hơn, có đường tránh nhau, những người bán hàng rong và lính tráng lảng vảng đón tàu tới. Đứng trên lớp đá xanh cập kênh sát thành tàu đón tay nải cho Liên, Thạch chóng mặt buồn ngủ. Một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc nửa tỉnh nửa quê, đến bên hỏi chuyện Liên. Liên dắt tay Thạch theo người đàn ông ấy, đưa Thạch vào ngồi chờ Liên ở một hiệu thuốc Bắc trước cửa chợ. Trong khi Liên đi giao hàng, Thạch ngồi ở đầu tràng kỷ phía trong, chỗ đợi của khách hàng, ngủ gà ngủ gật, thỉnh thoảng choàng dậy trông thấy những ô kéo của cái tủ cao trước mặt và người đàn ông đứng tuổi đã gặp ngoài ga ngồi sau góc quẩy phía ngoài trông ra đường phố chính. Đường mấp mô bụi bậm hai bên dãy nhà gạch tiêu điểu: quán giải khát, hiệu cắt tóc, hàng tạp hóa, đồn binh, quận hành chính, ty công an. Bên kia đường một gốc cây lớn làm chỗ tựa một quán nước nghèo của chợ quê. Giờ đồng hồ sau Liên trở về, đứng tính toán hồi lâu ở quầy với người đàn ông. Chủ nhà mời hai người ăn cơm trưa nhưng Liên từ chối. Nàng dẫn Thạch vào nhà trong rửa mặt bằng nước giếng mát, hai gò má Liên ửng hồng, trán lấm tấm mồ hôi. Sau nhà trông ra ruộng và quốc lộ số 5 chạy về phía Hải dương. Bữa cơm ăn trong một quán lá đầu chợ. Chợ buổi trưa lẻ tẻ còn mấy quán hàng sén giữa những túp lều xiêu vẹo chỉ còn cột chống và nền đất rác rưởi. Bà chủ quán đau mắt hột nặng, răng đen lâu chưa nhuộm biến thành màu nâu nhờn, thắt ruột tượng xanh, nói với Liên: “Ông đội Khoát hỏi thăm cô Liên sao nghỉ chợ cả tuần lễ nay”. Lần trở về, Thạch nằm trên ghế gối đầu lên tay nải của Liên ngủ tới gần Gia-lâm mới tỉnh; Liên không có trong toa. Thạch đứng tựa ở đầu bực lên xuống ngắm cảnh vật. Buổi chiều đang ngả dần ánh nắng hanh chạy xô tới xô lui trên mặt lúa còn xanh, những thôn làng quay tròn theo vòng lượn của đoàn tàu. Một lúc tàu tăng tốc lực bất thường, Thạch ngồi bệt xuống sàn. Qua cái cầu đá vắt ngang quốc lộ, Thạch nhìn những ống khói nhà máy của vùng Gia-lâm giơ lên trong chiều xẫm. Tàu dừng lại và toa của Thạch ở trong một đám cây cỏ hoang vu, tới khi tàu chuyển bánh chậm chạp, chân Thạch cọ vào những cành lá sắc mọc cao, toa tàu đu đưa, tiếng động của chuyến xe rời rạc nặng nề. Thạch choàng tỉnh - một vài phút quên lãng xa lắc - Liên trải khăn tay ngồi ở bên, những thanh sắt cầu khổng lồ đan chéo trước mắt, hình như Liên thì thẩm: “Em tìm anh mãi”. Ga hàng Cỏ chập chờn dưới những bóng đèn vỏ đục. Thạch đỡ hành lý cho Liên và đi qua gian phòng rộng tối, ra ngoài phố, ở góc só tối một người ăn mày nằm co quắp trên ghế. Đứng bên đường tàu điện, Liên hỏi Thạch: “Đi đâu anh? Em về nhà thổi cơm anh ăn nhé? Ăn xong anh đi ngủ sớm anh mệt lắm rồi đấy”. Thạch không trả lời ngó sững sang bên đường. Tích đứng dưới một gốc cây. Trông thấy Tích, Liên hoảng hốt níu tay Thạch muốn kéo Thạch bỏ đi. Thạch đẩy tay Liên bảo: “Em sang xem hắn muốn gì”. Liên nhìn Thạch sắp khóc van lơn, Thạch hất đầu ra hiệu Liên làm theo ý mình. Liên băng ngang đường, Thạch theo sau đến trước mặt Tích. Tích hom hem trong bộ quần áo ka-ky rộng và dầy, đầu đội cái mũ dạ nhầu, hắn để một chút ria mép, toan quay đi xong lại nán đợi Liên, Tích nói với Liên: “Cô theo tôi về nhà nói chuyện”, Liên đáp: “Tôi chẳng có chuyện gì phải nói với anh cả”. Tích gằn giọng: “Cô đừng để tôi phải trói tóc lôi cô về thì xấu mặt”, Thạch lên tiếng, giọng lạnh lùng thách thức: “Anh có đủ can đảm làm thử tôi xem nào”. Tích ngắm Thạch tức giận hỏi: “Anh là ai?” Thạch dần từng tiếng: "Tôi khuyên anh không nên theo đuổi làm khổ Liên nữa, tôi đã lấy Liên làm vợ rồi anh biết chưa?” Tích hất hàm hỏi Liên: “Có phải thế không?” Liên cúi đầu không đáp, dáng điệu tội phạm, Tích nhếch mép cười nham hiểm bảo Thạch: “Chúng ta còn cần nhiều dịp khác để thanh toán vấn đề”. Trước khi trở gót hắn ném một cái nhìn khinh bỉ cho Thạch và Liên. Thạch nổi xung nắm cổ áo hắn giật lại, Liên kêu lên: anh. Tích đứng im, Thạch buông tay và hắn xốc lại quần áo bỏ đi không thèm nhìn lại.
Thạch cảm thấy mệt mỏi hết sức, Liên khóc thút thít suốt dọc đường về. Đến một lúc tiếng khóc của Liên làm Thạch bực mình gắt: “Thôi khóc mãi”, Liên nín bặt. Vài phút sau sự nín lặng đè nén của Liên làm Thạch khó chịu hơn. Thạch muốn nói với Liên điều gì đó nhưng không thể thốt ra lời, cơn tức giận bóp nghẹt lấy cổ họng, Thạch bước lùi lũi Liên lẽo đẽo theo sau. Về đến nhà vẫn không nói với nhau thêm một lời, Liên khép nép liếc Thạch, Thạch lầm lì trong cái vỏ cứng nỗi đau đớn giận dữ không thoát được. Lên giường Thạch tưởng sẽ ngủ được ngay nhưng trái lại sự mệt nhọc kéo dài tình trạng thao thức mỗi lúc một khó thở hơn; Liên nằm bên cạnh thỉnh thoảng thở dài. Thạch dậy múc nước rửa mặt cố gắng tìm sự bình thản để sẽ vào nói chuyện với Liên. Ngồi xuống giường ngó vào mắt Liên, bỗng Thạch cảm thấy trơ trọi, vẫn cặp mắt to đen sâu lay láy như ngày nào nhưng Thạch vừa nhận ra trong ấy không còn chứa đựng tuổi thơ ấu của mình nữa, Thạch đã nhầm, đó là cặp mắt xa lạ giống như của bất cứ một người nào; Thạch vội vàng nằm xuống ghì lấy Liên, trốn cặp mắt ấy, rồi Thạch xô cuồng vào sâu trong cơ thể Liên, vào tới tận cùng thô bạo phá tan những ảo tưởng, trong khi Liên dãy dụa muốn thoát. Hết, hết, không còn gì; chỉ còn những nhịp dập dồn của một hành động trơ trọi.
No comments:
Post a Comment