Cơn cuồng nộ nguôi, Thạch nhu nhược bất động. Nỗi hối hận nhạt nhẽo thấm dần trong miệng, Thạch từ từ buông Liên. Mắt nàng khép chặt trong sự chịu đựng âm thầm. Thạch xấu hổ không dám nhìn lâu, thân thể lõa lồ của người yêu phơi trần trong ánh đèn mờ tỏ như nỗi tủi nhục, Thạch nằm xuống bên duỗi thẳng không cựa, Liên cử động cánh tay kéo tấm chăn lên che người. Thạch gọi phào trong hơi thở: Liên. Liên mở mắt nhưng vẫn ngửa mặt, cánh mũi hơi mấp máy: Dạ. Giọng của Liên yếu đuối trói Thạch vào sự bàng hoàng tê liệt, Thạch nói một mình thành tiếng: “Anh xin lỗi Liên”. Liên đang cố nuốt những nghẹn ngào dồn xô lên trên ức, nàng chỉ thốt được một tiếng: Không. Thạch sợ hãi hỏi: “Em có giận anh không?” Liên lắc đầu ở trên gối, lát sau: “Em hiểu anh”. Liên nhoài mình qua người Thạch thổi tắt ngọn đèn, nàng đưa bàn tay mát lạnh sờ soạng lên mặt Thạch thì thào: “Anh ngủ đi”, Thạch vòng tay giữ ngang lưng Liên gọi: Liên. Dạ. Thạch nói một câu vô nghĩa nhất: “Anh yêu em”. Trong bóng tối Thạch không nhận được sắc diện của Liên, mái tóc dài của nàng lả tả rơi dần xuống ngực Thạch, Liên vẫn chống một tay lên mặt giường và mặt nàng cách xa mặt Thạch, “Anh chỉ còn mỗi một mình em thôi”. “Em biết, em cũng vậy”. Nhưng khi Liên gỡ tay Thạch, đặt mình xuống giường, Thạch bồn chồn đau xót, cảm tưởng như hai đứa vừa từ biệt nhau vĩnh viễn, giấc ngủ chụp xuống Thạch lúc nào không hay dẫn Thạch vào một giấc mộng dữ. Thạch lủi thủi bước trong phố tối, từ sau một gốc cây một kẻ xô ra đâm một dao suốt lưng Thạch, Thạch quay nhìn nghe tiếng cười đắc thắng của Tích. Thạch bỏ chạy tứ chỉ tê liệt, Thạch muốn chạy gấp đuổi theo Liên ở đầu phố nhưng chân tay không nhấc nổi, Thạch bò xuống mặt đường thân thể xây sát rướm máu, Thạch không thở được. Một lúc hoảng hốt thức dậy, Thạch nghe mơ hồ Liên vẫn còn thức ở bên, nhưng Thạch không sao nhướng nổi mi mắt nặng chĩu, Thạch cứ vùng vẫy từng hồi giữa sự níu kéo của ý chí mòn mỏi và giấc ngủ sâu chìm. Thạch mở được mắt, trời đã sáng bạch, Liên dậy từ lâu đang đun nước dưới bếp có ý đợi Thạch. Trông thấy Thạch nhìn mình ngơ ngác, Liên mỉm cười dịu dàng, hai quầng mắt Liên không dấu được mệt mỏi của một đêm thức trắng lo lắng, xóa sạch những ý nghĩ đen tối vương vất trong trí Thạch. Trong bữa ăn sáng, Liên đã mua sẵn hai bát sôi lúa, Thạch tìm lại được sự thăng bằng trong tinh thần, bảo Liên: “Bây giờ em nghỉ chợ hẳn ở nhà thì hắn không còn gặp được em làm lôi thôi nữa”. Liên gật đầu: “Em cũng nghĩ thế”. “Em còn đủ tiền tiêu đến tháng sau không?” “Em còn đủ”. Liên ngập ngừng rồi nói tiếp: “Nhưng anh phải đi, em ở nhà một mình cũng lo lắm, em sợ hắn sẽ theo đuổi trả thù”. Thạch bảo: “Em có thể dọn về ở chung với ai cũng được”. Liên đáp: “Ai? Chúng mình còn ai thân nữa không? Chỉ có anh bên cạnh là em yên tâm thôi”. Thạch hoang mang, nhìn nét mặt âu sầu của Liên, lần thứ nhất trong đời cảm thấy gánh nặng của trách nhiệm cụ thể tầm thường với một người, không phải thứ trách nhiệm lý tưởng vẫn làm Thạch và chúng bạn phải băn khoăn khổ sở. Thạch chặc lưỡi: “Em đừng lo”. Liên nói: “Bây giờ chỉ có anh được ngồi bàn giấy ở tỉnh là tốt hơn cả. Em có thể đi theo anh”. Thạch nhói buốt đau ở sau lưng đúng chỗ bị đâm trong giấc mơ đêm qua, Thạch chua chát: “Những chỗ ấy mình làm thế nào mà lọt nổi...” Thạch không nói hết ý nghĩ, mà giả thử được đi chăng nữa anh cũng chẳng thể chịu, anh vẫn chưa quên được anh đâu; “Anh lại có thể tiếp tục học được nữa”, Liên vẫn vô tình tiếp lời. Thạch bất mãn chán nản hết sức, nói ngoài đầu môi: “Ừ, được thế thì tốt”. Thạch bỗng nhớ chúng bạn, bắt đầu ghê sợ những thời khắc trống rỗng sắp tới với Liên, Thạch bảo Liên: “Anh ra phố, em ở nhà trông nhà”, Liên dặn với: “Em đợi anh về ăn cơm đấy”. Thạch gật đầu, bước hấp tấp ra cửa.
Không mục đích ngoài phố phường, lại đi những vòng quanh quẩn như ngày quá khứ. Không gặp một đứa bạn, một người quen nào. Thạch nghĩ đến khoảng đường xuống nhà Đồng nhà Cảnh (Nhà An thì chẳng khi nào Thạch đặt chân đến vì không bao giờ Thạch muốn gặp An trong cái biệt thự kiểu cách quý phái, cái không khí nực mùi trưởng giả của gia đình An), tuy ngắn mà Thạch khó vượt nổi; nghĩ đến những chốn thường gặp mặt chúng bạn như Thư-viện Trung-ương hay trường Đại-học, Thạch như đang bị đuổi xa. Quá trưa Thạch quay về nhà, gần tới đầu ngõ Thạch hình dung Liên đang ngóng đợi. Những buổi trưa còn ăn cơm vỉa hè đầu chợ chán ngấy với nỗi cô độc khô cứng Thạch chỉ ước ao có một căn nhà và một người yêu mong mỏi mình về, bây giờ Thạch lại sợ hãi sự săn đón chờ đợi của Liên dành cho Thạch. Buổi trưa mưa xuống vài hạt mang theo ngọn gió may và bầu trời nhờ đục. Sau giấc ngủ, Thạch rủ Liên ra phố. Liên choàng thêm cái khăn mỏng ôm lấy mái tóc, hỏi: “Đi đâu?” Thạch đáp: “Đi chơi". Sự thực Thạch chỉ cốt mang Liên ra khỏi nhà, ở ngoài phố Thạch được tự do hơn.
Đi được một quãng Liên lại hỏi: “Đi đâu bây giờ anh?” Thạch đáp vu vơ: “Tùy em”. Liên gặng hỏi: “Anh không có mục đích gì hết?” Thạch lắc đầu lơ đãng, Liên cười tươi: “Anh thật là vớ vẩn”, nghĩ vài giây tiếp: “Hay mình đi thăm mộ mẹ đi?” Thạch chú ý hỏi: “Mộ ai? ở đâu?” “Mộ mẹ em chứ còn mộ ai nữa. Ở ngoài Thanh- xuân”. Thạch tán thành ý kiến: “Ừ, anh phải ra lễ cụ cho phải đạo”. Liên hân hoan sung sướng, những nét buồn thường đọng thành dáng ở Liên phút chốc biến mất. Chuyến tàu điện Hà-đông đưa Thạch và Liên về ngoại ô. Trạm cuối hàng Đẫy vào Ngã-tư Sở có hai người xẩm mù lên xe hát những bài ai oán kể lể những nỗi thương nhớ của nàng chinh phụ tân thời, Liên lắng nghe có vẻ xúc động. Nàng đặt hai tay trên đùi giữ lấy thẻ hương và xấp vàng giấy, Thạch cầm bó huệ trắng đứng tựa thành cửa thông sang cái phòng hẹp hạng nhứt ghế da, mắt chăm chăm nhìn người xẩm. Nghĩa trang nằm ở bên đường, xa cách hẳn thành phố, trên một khu đất biệt lập xung quanh là đồng ruộng. Người gác nghĩa trang dẫn hai người vào sâu tận một góc, len giữa những đám cỏ cao sắc để tìm mộ, có tới hai năm Liên không xuống viếng thăm. Ngôi mả chỉ còn là một nắm đất nhỏ cỏ mọc um tùm bị chen lẫn giữa những ngôi mả khác xây cao ráo. Liên đặt hoa, thắp hương, xì xụp khấn lễ. Lời khấn thẩm bỗng bật thành tiếng nức nở. Buổi chiều tuy còn sớm nhưng không có ánh nắng đã loãng chìm trong vẻ muộn màng, Liên mếu máo kéo tay Thạch quỳ xuống đất: “Anh khấn mẹ phù hộ cho chúng con đi”. Thạch ngoan ngoãn vâng lời. Chỉ nghe tiếng rì rào của gió thổi từ mấy bờ tre xa qua đám lúa, tới những vùng cỏ mọn xung quanh và tiếng xì xầm thổn thức của Liên đang tan theo trong tĩnh mịch, thỉnh thoảng vọng tiếng kèn xe vút nhanh ở tận ngoài đường cái. Trong khi đốt vàng, Liên vừa sụt sùi vừa nói: “Anh có khấn mẹ không? Mẹ thiêng lắm đấy. Năm ở ngoài hậu phương em sắp lấy Tích em thấy mẹ về ôm lấy em, hai mẹ con khóc với nhau. Lần gặp lại anh ở Hà-nội, cách đó ít lâu em cũng thấy mẹ. Lần thằng Uẩn chết, mẹ cũng về, em khóc đòi theo mẹ, nhưng mẹ lắc đầu, mẹ xô em ngã”. Thạch dìu Liên ra khỏi nghĩa trang, men theo bờ đường cái ngược lên mỗi đỗi xa tới chỗ tránh tầu, lúc này Thạch thấy khó có thể xa nàng. Liên lại nói: “Năm ngoái em đi gọi hồn mẹ, mẹ về thấy em khóc cũng khóc. Mẹ bảo mẹ thương em lắm bởi đời em còn khổ nhiều. Em hỏi gì mẹ cũng chẳng nói thêm, trước khi thăng mẹ dặn lại là mẹ cũng nhớ em cũng muốn gặp em nhưng trời chưa cho phép, bao giờ tới ngày mẹ sẽ đón em về mẹ con đoàn tụ”.
Thạch hỏi: “Vừa rồi em khấn xin mẹ điều gì?” Liên đáp giọng tin tưởng: “Em xin mẹ phù hộ che chở cho anh, cho em được sống mãi mãi với anh”. Những tiếng sau cùng vang dội trong tai Thạch, thắt lấy tim Thạch, Thạch bổi hổi trong một niềm tê điếng, Thạch nói thẩm như níu giữ lấy lời mình: “Anh cũng chỉ mong được như thế” và Thạch rùng mình.
Vào Hà-nội, hai đứa không về nhà, Thạch dẫn Liên đi ăn hiệu. Buổi tối ra ngồi bên hồ Gươm. Trời hơi lạnh, các hàng quán quanh hồ vắng khách, những ngọn đèn treo trong các kiosque không đủ ánh sáng tỏa tới những khoảng thẫm bóng cây cỏ cùng mặt nước đục. Phía hàng Khay ánh nê-ông xanh biếc hiu quạnh, phía Cẩu gỗ ánh sáng vàng khô rộn rịp. Thạch lắng nghe Liên kế lại cái đoạn đời những năm loạn ly chia rẽ hai đứa của nàng, nhiều kỷ niệm Thạch đã nghe qua nhưng Thạch vẫn lặng yên nghe nhắc lại. Thạch ngửa đầu trông mầu đen sâu thẳm tưởng hồn mình đang phơi trải bằng phẳng không còn một khúc mắc dày vò, Thạch tự hỏi: cớ sao mình không chấp nhận mọi sự như mọi người? Tôi sẽ sống thành một nỗi quên lãng với tôi. Liên thôi câu chuyện, đâu đó vang lên vài nhịp cười của mấy cô bán quán, Thạch bâng khuâng nắm lấy bàn tay Liên đặt lên thành ghế và siết mạnh dần bàn tay nhỏ nhắn. Liên kêu khẽ: “Đau em”, Liên đưa bàn tay còn trống ấp giữ bàn tay gân guốc của Thạch. Lặng im mặc cho trời đêm bay cao dần, Liên lên tiếng trước: “Anh đi như thế liệu bao lâu về Hà-nội được?” “Không biết, còn tùy”. “Em tính ở nhà em sẽ chạy hàng sách và nhận đồ đan với Bích cho đỡ buồn", Thạch ử hữ, “Có con anh muốn đặt nó tên gì?” “Anh chưa nghĩ”. “Anh thích con trai hay con gái?” “Con gái. Đặt tên là Lý". “Tại sao lại tên là Lý?” “Tại sao tên em lại là Liên?” Hai đứa trở về nhà, qua phố Trường-thi đi vào hàng cây rậm thẳng như một cái vòm cổng lớn, nói những câu viển vông như những ngọn gió thổi qua tóc, quên được những phiền toái đã xảy ra trong đời, một đôi tình nhân biệt lập với thế giới bên ngoài, căn nhà trở nên ấm cúng hơn và mùa thu đã thổi về đây hơn từ lúc nào trên những mái gianh xám, con đường đất khô hanh bên kia mặt ao, bãi đất trống bên nhà cỏ mọc xanh rì, một buổi sớm Thạch thức dậy đứng bên kia cửa sổ nhìn sang, mình trần và trên cổ quấn cái khăn len của Liên với lấy trên đầu giường, Thạch chợt bàng hoàng sửng sốt nhớ ra chỉ còn ở lại được Hà-nội ba ngày nữa. Thạch bảo với Liên cần đi thăm chúng bạn, hẹn chiều tối mới về. Liên ngỏ ý muốn lên nhà Bích bàn việc buôn bán sắp tới, Thạch đưa Liên lên hàng Bông rồi từ đó Thạch xuống Đồng.
Nhà Đồng vắng người, Thạch đẩy cánh cổng khép hờ đi thẳng vào sân chỉ gặp hai con chó nhẩy quẫng, gặp mẹ Đồng đang ngồi nhặt sâu trên mấy luống rau ngoài vườn, bà cụ mừng rỡ nói: “Tôi tưởng cậu đi rồi”, Thạch đáp: “Chưa ạ. Còn ba hôm nữa”. “Em nó chắc sang bên đình”. Thạch băng qua đường, bước vòng theo mấy bức tường đổ leo qua kệ gạch hoang, trông thấy Đồng ngồi dựa lưng vào cột, phía sau là một lớp học trống trên một bực thềm đá đọc sách. Khuôn mặt bầu bầu của Đồng như xa lánh mọi vật, bao phủ vẻ thảnh thơi nhàn hạ. Ngoài khơi hồ Tây một hai cánh buồm trắng chao nghiêng trong gió sớm. Đồng gấp sách, ngửng lên, đón Thạch tươi cười, Thạch ngồi xuống bên chờ Đồng sẽ hỏi mình về Liên, nhưng Đồng không đả động gì hết, chỉ mỉm cười ranh mãnh vuốt lại mái tóc lòa xòa ra vẻ hiểu thấu mọi sự, sau rồi Thạch bảo: “Liên đó”, Đồng gật gù: “Biết ngay tức khắc”. Bỗng Đồng cười khích khích thú vị kể: “Mấy hôm trước tưởng anh cu An với anh cu Cảnh đi luôn rồi. Bọn này vừa ở rạp chiếu bóng ra thì cảnh binh với mật thám đón mời lóc nhóc một lũ thanh niên trốn động viên lên xe về quận. Moi trình cái giấy khám sức khỏe được miễn nên về ngay còn tụi khác là ngủ quận cảnh sát một đêm để đưa xuống trại Ngọc-hà. May mình nhanh trí khôn, tạt vào báo cho ông bố thằng An, ông ấy tức tối lái xe lãnh hai cu cậu về. Anh An ta thì mặt tái mét, còn anh Cảnh thì mặt lầm lì tím bầm lại. Chỉ có moi chẳng ma nào thèm sờ tới cái phổi hỏng mà thành hay. Thạch trêu Đồng: “Có chắc không? Mai đây nó cần là nó gọi ra khám lại là a lê hấp...” Đồng xua tay chun mũi lại: “Còn lâu lắm. Có lẽ phải tới lúc anh lên quan sáu rồi mới tới tôi”. Đồng nghiêm ngay được nét mặt hỏi tiếp: “Bao giờ đấy?” Thạch đáp: “Còn ba hôm nữa, hôm nay là tôi xuống đi chơi buổi cuối với anh đây”. Đồng lim dim mắt mợt thơ mộng: “Chiến sĩ từ biệt đó phải không? Một đi là không trở lại”. Thạch ngồi im không đáp. “Thạch này, kể cũng lạ nhỉ... Tớ đang muốn khóc đây”. Thạch không biết Đồng đang đùa hay thật, hai mắt Đồng đậy kín và môi Đồng mím lại. “Nếu tớ là con gái, tớ xin làm vợ đằng ấy đấy, Thạch ạ. Bằng lòng không?” Đồng bật cười mở choàng mắt, mắt của Đồng hoen ướt, lòng trắng đục nổi những tia máu nhỏ, Thạch nói: “Cậu giống Liên, lãng mạn lắm rồi khổ nhiều”. Đồng cãi bướng: “Khổ vì lãng mạn cũng là một thứ hạnh phúc”. Đồng lầm bầm đọc mấy câu thơ: Comme la vie est lente, et comme l'espérance est violente... Les jours s'en vont, et je demeure. Thạch đứng lên bảo: “Thôi xuống phố”. Đồng chợt nhớ: “Bọn mình xuống thăm thầy Tôn, thấy mời hồi cư về ở xóm Hà-hồi, hôm nọ tôi gặp thấy ngoài bờ Hồ, thấy không nhận được ra tôi nữa. Cậu còn nhớ thấy Tôn không?” Thạch gật đầu hỏi: “Sao tưởng ông ấy ở bên Tàu?”
Ông Tôn là thấy học cũ của hai đứa năm Moyen II. Ông là một bậc thấy uy tín nhất trường, đồng nghiệp kính nể học trò khiếp phục, người ông phương phi, mặt lúc nào cũng đỏ gay, dáng điệu oai vệ. Từ những năm còn học lớp dưới mỗi lần nhìn thấy ông ở sân trường, trong phòng họp các thầy, hay đi muộn phải chạy qua lớp ông dạy nghe tiếng nói sang sảng của ông, Thạch run sợ cảm phục; lên học lớp ông, bọn Thạch càng mến ông, ông nghiêm khắc nhưng hiển từ, có sức thu phục bọn trò nhỏ một cách kỳ lạ mặc dầu ông ít nói và chẳng bao giờ tỏ ra thân ái với ai. Năm ấy quân Nhật vừa kéo vào Đông-dương, giữa niên học cả trường nhốn nháo vì mật thám Pháp tới tận trường bắt ông Tôn, lúc bấy giờ người ta mới biết ông Tôn làm cách mạng, rất nhiều điều huyền hoặc được loan truyền về con người ông Tôn khêu gợi những bộ óc tưởng tượng thơ ngây. Cùng với hình ảnh ông thầy quý mến, Thạch tò mò tìm hiểu cái ý nghĩa huyền bí của cách mạng, Đồng làm thơ bài đầu tiên non dại khóc thầy. Nhật đảo chính nghe đồn ông được phóng thích, sau theo cụ Nguyễn-Hải-Thần chạy sang Tàu. Gia đình ông Tôn ở nhờ trong một nhà chứa xe hơi của một ngôi biệt thự, gian nhà thấp bóp hẹp vào phía sân như một cái ống. Hai tấm phản kê tạm bợ bừa bộn chăn chiếu. Những bó vải nâu và một cái va-ly da mới. Con ông Tôn cả thảy sáu đứa mặt mũi ngơ ngác vơ vẫn ở ngoài sân sỏi hay lê la dưới chân giường. Ông Tôn chừng mới đi đâu về, mũ trắng còn đội trên đầu, đang ngồi bàn chuyện với vợ, một người đàn bà quê mùa nhẫn nại. Ông già xọm, lưỡng quyền nhô cao, mắt đục ốm yếu, tóc khô lởm chởm đã điểm bạc, giọng nói từ tốn, Thạch ngồi im một góc nghe Đồng nói chuyện với ông, nhìn bọn con nít ngó mình, nghe giọng nói trong trẻo của thiếu nữ xa gần trên những gian phòng rộng ở nhà trên. Vài khúc dương cầm mới tập nhỏ nhẹ lọt ra cửa sổ, lúc bắt tay Thạch đưa ra cổng, ông Tôn mới chợt hỏi: “Anh tên là gì nhỉ? Lâu quá tôi không nhớ nổi”. Thạch đáp: “Dạ thưa con là Thạch, Lê-văn Thạch”. Ông Tôn nói với Đồng là đang đi tìm thuê nhà và vận động xin hồi ngạch giáo học. Thạch buồn rầu: “Tội nghiệp ông Tôn. Không gì buồn bằng hình ảnh cuộc đời thất bại". Đồng trầm ngâm đáp: “Tôi nghĩ khác. Ông ấy đã làm hết bổn phận và khi biết mình thất bại thì thôi rút về sống cuộc đời tầm thường nhường việc cho kẻ khác, như thế hay hơn là cứ bướng bỉnh húc đầu vào tường. Chỉ tội nghiệp là nếu ông ấy vẫn chưa chịu cho là thất bại. Nhưng nghe ông nói tôi cho là ông hiểu rõ cái vai trò của lớp người như ông lắm. Tôi thấy hình ảnh của ông ngày nay vẫn là một hình ảnh đáng kính phục. Thế hệ của ông đã thua rồi”. Suốt cả buổi Thạch vẫn tưởng tới ông thầy cũ trong một niềm luyến tiếc đau đau.
Vào trưa gió thổi ào ào ngoài vườn trời hanh khô ngất ngây. Mặt Đồng mét đi, hơi thở mệt nhọc, Đồng nằm nghỉ trong phòng riêng, đắp tấm chăn đơn ngay ngực thỉnh thoảng ho khan vài tiếng, Thạch nằm trên võng đưa đẩy với cảm giác bồn chồn bứt rứt, Thạch cầm cuốn sách đọc dở trên mặt bàn nhưng những giòng chữ khô khan không làm sao thu hút được tinh thần bấn loạn của Thạch. Hai bên thái dương nặng nề đờ đẫn, Thạch tưởng chừng mình cũng sắp lên cơn sốt cùng thời tiết. Những buổi giao mùa như hôm nay, thiên nhiên chập chững trong những trận gió quá độ, Thạch thường nhận thấy nơi mình một trạng thái kỳ lạ: cơ thể hoang mang như muốn tắt lịm, trí óc bay tỏa ra ngoài, từ nơi sâu thẳm trong mình nổi lên những sức xô đẩy khó hiểu như những luồng sóng ngầm của biển khơi lôi cuốn tới sự rã rời chán nản phiền muộn vô cớ, thường Thạch chạy trốn bạn bè tự đầy ải vào trong cô độc, không muốn nhìn muốn nghe điều gì hết, một hành động bỏ trắng trong hiện tại, nếu có đi giữa chúng bạn cũng thành một thứ vô tri tỉnh thức. Ba ngày còn lại là một khoảng thời gian thừa, đã nhập thành quá khứ rồi. Thạch muốn đi tới trước cho mau để trông thấy hình dáng của những ngày sau. Cái cõi hư không đang đón đợi trước mặt sẽ tan tành bắt buộc phải hiện hình, như thế gọi là phiêu lưu, Thạch lại bắt đầu nghe sức nặng của những ngày dài đã sống đè xuống mình trì xiết như giam giữ. Thạch thơ thẩn ngoài vườn đứng dưới một gốc roi ngửng nhìn những chùm trái ửng hồng nấp trong các bụi lá. Khi quay nhìn vào cửa sổ phòng của Đồng thấy Đồng cũng ngồi bó gối nhìn ra, tấm chân vẫn còn phủ đến vai. Thạch mỉm cười ngượng ngập như vừa bị người lạ mặt bắt gặp mình làm lỗi. Thạch trở vào múc nước bể rửa mặt, nước mát, đánh thức các giác quan nhưng gió thổi mặt khô mau chóng, sửa soạn trở về phố, Thạch hỏi Đồng: “Chiều nay có đi đâu không?” “Cậu có xuống trường dự buổi tiệc trà của Tổng hội không?” “Tôi tường xong rồi”. “Hôm nọ xin phép không được phải hoãn lại”. Thạch mia: “Sao lại không dám cho phép? Dễ nó sợ bọn sinh viên sẽ mủi lòng mà khóc vì tương lai dang dở rồi nó lại phải dỗ dành an ủi mệt chăng? Mà tôi đâu có lên đến chức sinh viên. Có quyền dự không?” Đồng cười phụ họa: “Anh chửi tôi là có chức sinh viên đấy hả?” Thạch vẫn nói tiếp ý nghĩ bồng bột: “Chứ không à, chức sinh viên vây lắm. Nay mai là xã hội này nằm trong tay các ông ấy đấy, không để cho các ông ấy yên ổn là xã hội này sẽ lụn bại. Tôi chắc chẳng có thứ sinh viên nước nào "bệt" óc bùn như sinh viên nước mình thời này”. Thạch nhìn rõ mình đang hằn học một cách lố bịch nhưng Thạch không dừng được. Cơn say vô nghĩa Thạch trút nhẹ được những ấm ức: “Moi mà có súng rồi ấy à, thế nào cũng có phen ông lia cả tràng vào lũ đú đởn ấy. Những bậc đại trí thức ấy có ngã lăn quay ra đó cũng chẳng thiệt hại đến ai”. Đồng ôn tồn: “Thôi được bỏ cái bọn ấy sang một bên. Nhưng chiều nay cậu cứ đến tôi sẽ chỉ cho cậu thấy cái này hay lắm”. Thạch nín thinh và cơn nóng nảy dần dần xẹp xuống thành một nỗi bất lực khó thở, cười tẻ nhạt: “Được bây giờ tôi phải đi đằng này đã, cậu cứ xuống tôi sẽ tới”.
Thạch trở về nhà. Từ đầu ngõ Thạch đã cảm thấy một không khí bất thường. Nhà khóa trái, đằng trước mấy đứa trẻ con lảng vảng dòm ngó, thấy Thạch đứng lại tìm chìa khóa chúng tò mò nhìn Thạch thẩm thì với nhau. Thạch sắp mở cửa bước vào thì người đàn bà bên nhà đối diện tất tả chạy sang nói khẽ bằng giọng nghiêm trọng ân cần: “Bà nhà bị bắt rồi. Lúc nãy có hai người đàn ông đi xe díp nhà binh Pháp tới khám nhà, dẫn bà đi. Ông đừng nên ở nhà nữa, tôi sợ họ còn trở lại”. Thạch chết sững tại chỗ vài giây, mãi mới lắp bắp: “Cám ơn bà. Liên có nhắn lại được gì không?” Người đàn bà hàng xóm nói câu gì Thạch nghe không rõ. Thạch bước vào nhà, người đàn bà lảng về. Chỉ còn mấy đứa trẻ con ngấp nghé ở bên vách, cửa sổ, mọi vật trong nhà không hề bị xê dịch. Mất cái va-ly quần áo của Liên đặt ở kệ trong góc nhà. Liên để lại một mảnh giấy con viết nguệch ngoạc mấy hàng: “Tích đến. Em phải về”. Thạch mặc nguyên cả quần áo nằm im một chỗ, mắt mở trừng trừng. Hắn mong Tích trở lại, hắn đợi Tích trở lại, hắn muốn gặp Tích, hắn như một con thú dữ nhớ mồi. Hằng giờ sau, cái ngõ lặng xuống, nước mắt Thạch rưng rưng cộm đẩy mi. Thạch mệt nhừ mặc cho nước mắt lăn xuống má. Thạch khóa cửa bỏ đi ra phố, đi thật chậm theo bước chiều xuống dần. Những tiếng động quen thân của phố phường như nghe qua một tấm kính dầy. Thạch cố gắng trấn tĩnh tinh thần để suy nghĩ, chọn thói quen tìm tới chốn đông người để quên hẳn mình giây lát. Đồng đứng đợi trước cửa trường Đại-học. Chiều xẫm mầu quạnh hiu trong khu vực nhiều cây cối nhà cửa đồ sộ. Buổi họp mặt đã bắt đầu từ lâu. Đồng sửng sốt hỏi: “Có việc gì thế Thạch?” Thạch lắc đầu đáp gọn: “Không”. Bước lên nhiều bực thềm vào trong cái vòm cao, sàn đá hoa bóng ngăn cách giảng đường và thư viện trường luật, đi sau lưng những dãy người, nghe tiếng micro ồm ồm trong một góc. Ngồi xuống ghế trước mặt là một hàng rào lưng người. Trong tiếng vỗ tay, huýt sáo la ó, một vài đoạn im lặng rì rầm với một vài giọng nói đùa bỡn nhạt nhẽo. Giọng hát đĩ thõa. Đồng, huých khuỷu tay vào mạng sườn Thạch, đứng lên chỉ: “Em của Hà đấy”. Thiếu nữ còn cặp tóc đang khóc như tiếng mèo một bài hát tình tứ biệt ly. Hỏi: “Hà đâu?” Đồng bảo: “Nghe đâu Hà đã theo chồng vào Sài-gòn. Ngày trước Hà hát hay hơn em nhiều”. Nói: “Thế à?” Xa dần cái không khí nhộn nhạo tới gặp bóng tối, sự lặng lẽ trước mặt. “Mai còn gặp nhau không?” Mai, mai sẽ gặp nhau. Đứng yên một chỗ, những hàng đèn xe dăng qua phố ngang xuôi ngược. Mùa thu đã về thực rồi, đêm tối sẽ bắt đầu nhẹ tênh như khói.
No comments:
Post a Comment